Khoai lùi ấm cả mùa đông – Bùi Thị Thương

Vanhaiphong: giới thiệu một Tản văn của cộng tác viên từ Hội văn học Nghệ Thuật tỉnh Quảng Ngãi gửi ra cộng tác
Cứ thế, mỗi mùa đông qua, bất chợt gặp một mùi khoai bay lạc nơi chốn thị thành, tôi lại nhớ nhà da diết, dù biết giờ nhà đã khá khẩm hơn, mọi người chuyển qua trồng cây công nghiệp, cây ăn trái ngắn mùa, khoai chỉ  dành cho heo, bò ăn nên không trồng nữa, nhưng sao lòng vẫn muốn tìm kiếm lại mùi thơ ấu quen thuộc khi xưa…

Vanhaiphong: giới thiệu một Tản văn của cộng tác viên từ Hội văn học Nghệ Thuật tỉnh Quảng Ngãi gửi ra cộng tác

Cứ thế, mỗi mùa đông qua, bất chợt gặp một mùi khoai bay lạc nơi chốn thị thành, tôi lại nhớ nhà da diết, dù biết giờ nhà đã khá khẩm hơn, mọi người chuyển qua trồng cây công nghiệp, cây ăn trái ngắn mùa, khoai chỉ  dành cho heo, bò ăn nên không trồng nữa, nhưng sao lòng vẫn muốn tìm kiếm lại mùi thơ ấu quen thuộc khi xưa.

Thành phố, những ngày đầu đông, cái lạnh tuồn qua khe cửa, chen vào cổ áo làm lòng người cũng se se lạnh. Chớm đông, cái lạnh đầu mùa kèm theo mấy cơn mưa lất phất khiến lòng người nôn nao khó tả. Phố vẫn đông người như thế, những con đường vẫn nhộn nhịp dòng xe chen nhau hối hả. Ngã tư đèn xanh đỏ vẫn đều đặn thay phiên nhau 24 giây mỗi nhịp dừng.

Ngã tư, bếp than hồng, phía trên là một chiếc vỉ sắt với những quả khoai lang nằm chỏng chơ là hình ảnh quen thuộc với nhiều người dân thành phố nhiều mùa đông qua. Mỗi lần dừng đèn đỏ mùi khoai nướng cháy xém, xộc vào mũi, ai cũng hít hà, rồi bao nỗi nhớ, khát khao ùa về, nhất là với những đứa con xa quê, xa nhà, nơi những vụ khoai đã bao mùa đơm hoa nhưng vẫn chưa trở về. Giữa tiết trời lành lạnh, những cơn gió hiu hiu luồn vào vạt áo, ta loay hoay với quả khoai nướng, nóng hổi, chuyền từ tay này qua tay khác cho bớt nóng, rồi lại vừa hít hà vừa thổi, vị ngọt bùi chảy vào cuống họng, những kí ức cũng hồi sinh.

Đó là thức quà cho mùa đông thêm ấm áp, thức quà quê dân dị, bình dã, không chỉ ngon, mà hương vị ấy đã mang ta về với quê nhà, với tuổi thơ bao mùa mưa nắng. Nhớ những ngày thơ ấu, khi ta chỉ còn là một đứa trẻ thơ, đồng quê còn bao  nhiêu khó nhọc, có những vụ mùa mất mát vì mưa lũ, vì hạn hán, vì thiếu nước…thì khoai lang chính là “ông bụt” cứu đói cho cả nhà. Ngày ấy, mẹ trồng khoai lang khá nhiều, vì khoai dễ trồng, dễ sống, mẹ trồng ở khoảnh đất sau vườn, ở ven các bờ rào quanh nhà… khoai lang như chính con người của mảnh đất này, dễ sống, cam chịu và cần mẫn bám đất, hút lấy dinh dưỡng, giữ lại cho người. Những ngày đầu đông, mẹ thu hoạch khoai và cho vào các góc nhà, dưới bếp, chái hiên…để dành dùng dần. Tới mùa thu hoạch bữa cơm nào cũng được độn khoai, mỗi sáng chúng tôi cũng vui lây vì được ăn sáng bằng một củ khoai luộc nóng hổi, thơm nức mũi.

Thời ấy còn khó khăn, mẹ phân loại khá kĩ các củ khoai đẹp và ngon để bán cho được giá, còn những củ nhỏ, đèo, và bị sùng mẹ giữ lại dùng dần. Nhưng mỗi lần nấu, mẹ đều chen vào vài củ ngon, to, để phần cho anh em chúng tôi, còn mẹ chỉ ăn những củ bé, những củ sùng. Hồi đó còn bé, tôi vẫn hay hỏi “sao mẹ lại ăn những quả bị sùng đắng nghét”? Mẹ bảo tôi “khoai tuy bé nhưng mới ngon, con sâu hay lựa quả ngon mới ăn, vì thế mình ăn những quả ấy là ngon nhất” rồi mẹ cười hì hì. Tôi đưa tay nhón một miếng nhai thử, nhưng hồi ấy, tôi vẫn không hiểu, đắng sao lại ngon?

Ngày đông ùa về bên xóm, những con chim sẻ cũng trốn đâu mất biệt. Cái lạnh tràn về, nhưng nhà tôi luôn thơm nồng mùi khoai mỗi sáng, mỗi trưa, và lòng người cũng ấm áp lạ lùng. Còn gì ấm hơn, mỗi lần ba tôi đi đồng về, mẹ tôi bê nồi khoai bốc khói lên giữa nhà, cả nhà quây quần xoa xoa đôi tay, hơ hơ phía trên nồi khoai chín rồi áp vào má người bên cạnh, nụ cười giòn tan cả mùa.

Lũ trẻ chúng tôi thì thích mùa đông lắm, cứ chiều chiều bọn trẻ lại hùa nhau chạy lên phía triền đồi, chia nhau chơi các trò chơi “u câm” “nhảy dây”… đội nào thua phải đi nhặt củi và mỗi đứa góp chung với nhau vài ba củ khoai, hun bếp và nướng. Khoai được lùi vào đống lửa, chúng tôi ngồi bên cạnh tay liên tục đảo đảo củ khoai lông lốc đen nhẻm vì khói, vì cháy, vì cả đất đồng. Lũ chúng tôi co ro trước những đợt gió lạnh rít, rồi những câu chuyện kể cứ thế nối tiếp nhau, những câu chuyện rùng rợn về con ma bên trong căn nhà hoang đầu làng, khiến đứa nào cũng sởn tóc gáy, mặc dù đã kể đi kể lại mấy chục lần. Chuyện về người đàn bà điên ăn đất trong chợ Cây Đề và hay bắt trẻ con để … ăn thịt cũng khiến cho chúng tôi hồi hộp, mặc dù tôi đã được mẹ kể là bà ấy rất tội nghiệp, chỉ vì thương con nít nên mới nựng chúng tôi, nhưng cứ thấy bà ấy là tôi lại lủi đi thật xa….Mùi khoai nướng cháy, mùi củ sùng hun hút bốc lên, đã nhen nhóm cho những ước của lũ trẻ. Đến mãi tận bay giờ, dù có đi đâu, có ăn lại bao nhiêu củ khoai nướng vẫn không thể tìm lại được mùi hương của ngày ấy, tuổi thơ đã trôi đi quá vội và mang theo cả một mùa mùi khoai bay vào đâu đó xa xôi lắm.

Cứ thế, mỗi mùa đông qua, bất chợt gặp một mùi khoai bay lạc nơi chốn thị thành, tôi lại nhớ nhà da diết, dù biết giờ nhà đã khá khẩm hơn, mọi người chuyển qua trồng cây công nghiệp, cây ăn trái ngắn mùa, khoai chỉ  dành cho heo, bò ăn nên không trồng nữa, nhưng sao lòng vẫn muốn tìm kiếm lại mùi thơ ấu quen thuộc khi xưa.

Thành phố, mùa đông này cũng thế, tôi vẫn chạy qua ngã tư, nơi cô Chín bán khoai người cùng quê, với gương mặt cười tươi mỗi sáng tay vẫn thoăn thoắt đảo “tuổi thơ” tôi nơi này. Sáng nay, chú Tư xích lô trước cơ quan tôi làm vẫn dặn “mua dùm chú củ khoai lùi, mùa này có nó là ấm bụng cả ngày”. Mùa đông này liệu quê nhà có lạnh không?

B.T.T

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder