Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Kỷ niệm về đá của nhà văn Hà Đình Cẩn in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Kỷ niệm về đá của nhà văn Hà Đình Cẩn in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Hà Đình Cẩn (Ảnh internet)
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: HÀ ĐÌNH CẨN. SINH NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 1945. QUÊ QUÁN: TỬ DU, LẬP THẠCH, VĨNH PHÚC. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: NHÀ 671 HOÀNG HOA THÁM, BA ĐÌNH, HÀ NỘI. TỪ THÁNG 3/1965 LÀ CHIẾN SĨ SƯ ĐOÀN BỘ BINH 312 LÀM NHIỆM VỤ Ở CHIẾN TRƯỜNG THƯỢNG LÀO. TỪ THÁNG 3/1971 LÀ PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, TIẾP TỤC NHIỀU NĂM LÀM NHIỆM VỤ Ở CHIẾN TRƯỜNG. TỪ 8/1987 VỀ HỘI NGHỆ SĨ SÂN KHẤU VIỆT NAM, LÀM PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ SÂN KHẤU, PHÓ GIÁM ĐỐC NXB SÂN KHẤU. TỪ 9/2000 ĐẾN 7/2005 CHUYỂN SANG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM, LÀM TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NHÀ VĂN.
KỶ NIỆM VỀ ĐÁ
Ấn tượng đầu tiên khi chiếc máy bay Mi 8 bay từ Viêng Chăn, qua vùng hồ Nậm Ngừm, qua vùng núi hiểm trở Sảm Thông, qua rừng thông bạt ngàn Mường Pẹc rồi hạ cánh xuống Cánh Đồng Chum, đối với tôi thật khó quên. Những tưởng bước ra khỏi máy bay là sẽ nhận ra ngay những vùng đất quen thuộc trong ký ức: Pôn Sa Vẳn, Bản Áng, Bản Tôn, Đồi Không Tên, Khe Suối Cạn… nơi máu sư đoàn đã đổ, vậy mà dấu vết của chiến trận dường như đã bị xoá sạch. Thị trấn, công trường, nông trường, làng bản, rừng cây và cỏ đã thay đổi gương mặt của vùng chiến trường ác liệt năm xưa. Vả lại, chiến tranh càng lùi xa, càng khó hình dung nổi khi nhìn lên lèn đá khô khốc với những hang hốc lởm chởm kia mà là nơi đã từng giấu cả sở chỉ huy của sư đoàn. Sư đoàn chủ lực với những người lính mũ sắt – sư đoàn chiến lược, nhúc nhích một bước là đối phương phải nín thở mà dò theo…; sư đoàn đánh những trận nhằm thay đổi tình thế của cuộc chiến… Vậy mà, đã từng giấu mình trong những hang hốc kia…
Chiếc máy ảnh trên vai, tay chống gậy, tay cầm con dao phát, tôi và mấy anh bạn phóng viên báo Quân đội Lào men theo sườn núi đã tìm lại dấu tích của sư đoàn bộ trước kia. Cỏ, cây, lá mục và nước mưa bào mòn đã xoá hết dấu vết những con đường, những bậc đất, bậc đá và tất cả dấu tích của con người từng để lại nơi đây. Tuy nhiên, núi đá thật khó mòn. Đây là hang Chính trị. So với hang Hậu cần, hang Tham mưu, hang Bộ tư lệnh thì hang Chính trị ở cao nhất, xoàng xĩnh nhất. Thực ra đó không phải là hang mà là hốc. Trên vỉa núi đá lởm chởm có nhiều cái hốc nông choèn. Cả phòng chính trị sư đoàn chia ra từng ban, ban chia thành các nhóm sống trong những cái hốc đó.
Ngày ấy, tổ làm bản tin Chiến thắng của chúng tôi ở lèn đá này. Bản tin Chiến thắng có khi mỗi tháng ra hai kỳ, có khi 3 kỳ. Ngày chiến dịch Z, do có nhiều tin tức thì dăm ba ngày ra một bản, in rô-nê-ô, phát cho các đơn vị.
Toà soạn bản tin Chiến thắng không ở hang, không phải hốc mà ở trong một cái ngách đá. Có hai khối đá châu đầu vào nhau, ở dưới là một cái ngách nửa kín nửa hở. Thế là chúng tôi “chiếm” luôn.
Tôi không nhớ nổi ngày đó chúng tôi đã làm thế nào để ấn cả toà soạn đến bốn người vào trong cái ngách đá lởm chởm thế kia! Vậy mà, chúng tôi đã sống ở đó. Ngày, chúng tôi lang thang khắp nơi để săn tin, chụp ảnh, kiếm rau rừng và gặp gỡ bạn bè… rồi về làm báo ở cửa ngách đá. Đêm, chúng tôi đi “tăng gia” mỡ của anh nuôi về đốt thay đèn để viết. Tôi nhớ rằng chúng tôi thức rất khuya – thường là thức vì thơ. Nguyễn Phúc Ấm làm thơ. Nguyễn Đức Mậu làm thơ, Phạm Như Vệ cũng làm thơ, còn tôi là thính giả. Các anh trong toà soạn và cộng tác viên thường xuyên của toà soạn làm thơ rất nhiều và không ít bài khá hay trong cái ngách đá Bản Thẩm này. Sau này anh Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Phúc Ấm đều thành nhà thơ. Riêng anh Phạm Như Vệ xuống tóc đi tu, trụ trì một ngôi chùa ở Quảng Ninh, làm thơ thiền.
Cái ngách đá đã gắn bó mấy chúng tôi giờ còn đây. Tôi lục lọi, tìm kiếm, cố phát hiện ra một cái gì đó là dấu tích của chúng tôi ngày ấy còn lưu lại trong ngách đá, nhưng không thấy gì cả. Thiên nhiên đã xoá hết rồi – Thiên nhiên như không muốn giữ trong lòng nó dấu tích của chiến tranh…
Từ hang Chính trị, chúng tôi lần theo lưng núi đến hang Tư lệnh – trái tim của sư đoàn, bộ óc của sư đoàn, một thời cũng đã giấu trong cái hang đá này đây.
Đây là cái hang khá sâu, chìm hẳn vào lòng núi. Quả thật lúc này tôi không đủ dũng cảm để xuống hang. Vả lại, tôi cũng chưa bao giờ được xuống cái hang đó. Bộ tư lệnh trong chiến tranh thật nghiêm mật, không phải nơi bọn làm báo cấp sư đoàn lọt vào được.
Tuy nhiên hang Tư lệnh bao giờ cũng là nơi tập trung sự chú ý của cả sư đoàn, đặc biệt là ba cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần. Sự chú ý đôi khi hơi thái quá, đến mức bữa trưa nay, tối nay Tư lệnh ăn gì, bí xào thịt hộp, hay rau tàu bay nấu ruốc… anh em đều biết.
Mãi sau này tôi mới giải thích được vì sao anh em sư đoàn bộ lại chú tâm nhìn về hang Tư lệnh đến vậy. Thì ra, đó không phải là sự tò mò về lối sống cá nhân, mà đó là sự quan tâm đến số phận của sư đoàn. Có thể nói, nhất cử nhất động ở hang Tư lệnh đều ảnh hưởng đến hoạt động của người lính, tình cảm của người lính, ảnh hưởng đến những quyết định lớn lao của chiến dịch…
Xin thuật lại một vài chuyện về hang đá.
Trong chiến dịch phản công năm 1969, sư đoàn tiến vào phía nam Cánh Đồng Chum, Bộ tư lệnh đóng ở hang đá Then Phun.
Ngày đó thật khó khăn. Mùa mưa ập xuống chặt đứt các tuyến vận tải từ phía sau lên, trong khi cả sư đoàn đã trong tình trạng có đơn vị phải ăn cháo nấu lẫn rau tàu bay. Vậy mà, không biết bằng cách nào đó, một đồng chí cán bộ hậu cần từ phía sau đã đến được hang Tư lệnh với cả một ba lô cứng toàn kẹo mềm Hải Châu và thuốc Điện Biên bao bạc – một thứ quà thật hiếm hoi ở mặt trận. Nhận quà đó, đồng chí Nguyễn Năng – Tư lệnh sư đoàn bấy giờ, thật cảm động. Nhưng ngay sau đó, ông đập tay xuống mặt hòm đạn và hét lên: “Ai bảo anh đem cái của này đến đây? Tôi không cần kẹo, tôi không cần thuốc lá mà cần mắm tôm! Cả sư đoàn đến muối không có ăn mà anh dám đem kẹo Hải Châu đến cho Tư lệnh ư? Anh đem hết cái ba lô này xuống ngay hang phẫu cho thương binh rồi về lo muối, lo mắm tôm cho bộ đội…”
Tiếng nói trong hang Tư lệnh vang ra làm ấm lòng bao chiến sĩ đang đói khổ trên các trận địa, làm cho họ tiếp tục ăn rau rừng không muối mà vẫn bền bỉ chiến đấu.
Một lần khác, sau chiến thắng Cánh Đồng Chum, cả sư đoàn đổ về phía Long Chẹng. Đại bản doanh của sư đoàn ở trong hang Toa Tầu. Đó là cái hang giống một toa tầu chạy ngầm trong lòng núi, rất chắc chắn, bom tấn đánh trên nóc cũng không hề hấn gì. Trận chiến ở giờ chót của chiến dịch diễn ra trong sào huyệt của địch thật ác liệt. 24 giờ không ngớt tiếng bom, pháo dội xuống vùng núi đá hoang sơ. Máu sư đoàn đổ không ít trong những ngày đêm chuẩn bị đánh trận cuối cùng.
Giữa những ngày ấy hang Toa Tầu chứng kiến một sự kiện quan trọng – ấy là cuộc họp của Bộ tư lệnh quyết định phương án tác chiến đánh vào sào huyệt của tướng phỉ Vàng Pao – cái sào huyệt từ lâu nay là nơi bất khả xâm phạm.
Thiếu tướng Nguyễn Chuông bấy giờ còn là trung đoàn trưởng trung đoàn 165. Ông lên họp với chiếc mũ sắt, đeo súng AK và bộ quần áo nhàu nát, như một người lính vừa bước lên khỏi chiến hào. Dừng lại ở giữa lòng hang tranh tối, tranh sáng, ông nói với Tư lệnh trưởng sư đoàn, đại tá Lã Thái Hoà:
– Lính nó bảo sư đoàn ở trong cái hang này thì “ấm gáo” quá.
Ông Hoà hỏi:
– Nghĩa là thế nào?
Ông Chuông:
– Là sư đoàn cứ ở trong hang đá mà thò cần câu ra ngoài chỉ huy thì bằng dán chữ “thọ” lên trán.
Ông Hoà khó chịu:
– Anh nói giễu gì chúng tôi đấy?
Ông Chuông:
– Giễu gì à? Các anh làm hư lính. Trận cuối cùng thằng lính phải phơi lưng trên sườn núi đá để đánh mà chỉ huy cứ ở trong hang thì nói ai? Ra ngoài kia đào hầm mà ở. Có giơ lưng chịu bom đạn cùng với lính, lính nó mới yên tâm…
Giữa hai cấp chỉ huy có to tiếng. Nhưng ngay đêm ấy, Tư lệnh sư đoàn vắng ở hang Toa Tầu. Ông lên đỉnh điểm cao ngàn mét chỉ huy các đơn vị mở đường gấp cho xe tăng qua đỉnh cao này đánh vào hậu cứ của địch.
Chuyện này rồi cũng đến tai lính.
Những câu chuyện về hang đá như vậy thật nhiều, thật chân thực và cảm động.
Nơi đây, lúc này là hang Tư lệnh ở Bản Thẩm. Cũng như bên hang Chính trị, tôi không tìm thấy một dấu vết nào của con người đã từng sống trong lòng nó. Không còn những thùng lương khô BA 702, không còn thùng đạn, một đoạn dây điện, hoặc một cái bát sắt… Thời gian đã xóa hết. Chỉ có đá là còn. Tôi nhận ra những khối đá được kê lên khá bằng phẳng theo hình một vòng cung.
Buổi hạ đạt mệnh lệnh đánh chiếm đỉnh cao Phu Tâng đã diễn ra ở khu đất giữa những khối đá xếp hình vòng cung kia. Tôi nhớ là ngày đó tôi đã chụp có tới chục “pô” ghi lại hình ảnh của cuộc hạ đạt mệnh lệnh quan trọng này. Tôi đã xoay sở không biết bao nhiêu góc độ để cố chụp cho bằng được cái gương mặt như có vẻ hờ hững, dửng dưng, không bộc lộ sắc độ tình cảm gì của ông Chuông, trung đoàn trưởng 165 – đơn vị nhận nhiệm vụ đánh Phu Tâng – một điểm cao trên 1584 mét, do 2 tiểu đoàn lính đánh thuê Thái Lan chốt giữ trong công sự vững chắc.
Sau khi trình bày xong, kể cả hạ đạt mệnh lệnh, kế hoạch hiệp đồng… Tư lệnh sư đoàn – hỏi ông Chuông.
– Khi bộ đội áp sát địch, sở chỉ huy của anh đặt ở đâu?
Ông Chuông:
– Ở giữa đội hình tiểu đoàn đi đầu.
Ông Hoà:
– Anh dâng sở chỉ huy lên cao vậy, làm sao nắm được hai “dê” bộ binh và hoả lực trợ chiến phía sau?
Ông Chuông:
– Tôi lấy tiếng súng phía trước làm mệnh lệnh hiệp đồng. Phía trước mà tịt thì thằng phía sau vác dái mà chạy…
Ông Hoà đã khó chịu:
– Anh ăn nói cho cẩn thận. Khi bộ đội đã nổ súng, đánh vào căn cứ, anh dự kiến vị trí chỉ huy của trung đoàn đặt ở đâu?
Ông Chuông:
– Lúc đó tôi không đặt sở chỉ huy ở đâu cả.
Ông Hoà gắt:
– Anh đùa đấy à?
Ông Chuông:
– Báo cáo, tôi không đùa. Tôi sẽ không đặt sở chỉ huy ở đâu cả khi bộ đội đã lọt vào cứ điểm địch. Lúc đó tôi ở đâu, thằng lính bộ đàm đeo máy chạy theo, thì đó là sở chỉ huy.
Ông Hoà:
– Anh là trung đoàn trưởng, anh chỉ huy cả trung đoàn chứ không phải chỉ huy một đại đội đi đầu…
Ông Chuông:
– Tôi đánh giặc từ lúc dái bằng hạt kê…
Cả sở chỉ huy buồn cười mà không dám cười. Ông Hoà tức điên người, còn ông Chuông vẫn không thôi thói chọc ghẹo, ương bướng của mình. Tay ông Hoà run run. Ông là người kìm chế rất giỏi, ít khi văng lại. Nhưng bất ngờ ông đã văng ra:
– Tôi chưa thấy thằng chỉ huy nào bướng như anh…
Ông Chuông dường như chỉ chờ có thế. Ông không chịu đựng nổi sự căng cứng trong các cuộc họp – kể cả các cuộc họp ở mặt trận có các vị tướng của Bộ tổng tư lệnh đến dự. Anh em trong phòng tham mưu sư đoàn kể lại, có một lần, ở mặt trận có cuộc họp kéo dài và quá căng thẳng. Ông Chuông ngồi như bị kiến đốt mà không biết cách nào phá vỡ cái không khí ngột ngạt đó.
Bỗng tư lệnh mặt trận hỏi ông Chuông:
– Phương án chốt chặn đồi của anh như thế nào?
Ông Chuông thủng thẳng đứng dậy, cầm phấn, vẽ lên bảng đen một cái hình… chiếc yên xe đạp.
Tư lệnh mặt trận hỏi:
– Anh vẽ cái gì đấy?
Ông Chuông:
– Đồi chúng tôi có nhiệm vụ chốt chặn đấy!
Tư lệnh:
– Nó hình vỏ đỗ chứ thế à?
Ông Chuông quay lại:
– Anh đã lên đó đâu mà biết…
Không khí của cuộc họp nóng bỏng. Nhưng ngay sau đó, ông Chuông bảo:
– Đêm qua tôi lên trinh sát địa hình trên đó, bị “mỏi dạ” bĩnh ra trên đỉnh đồi…
Người lo sợ, người cười tủm. Khi ông Chuông bước xuống không khí cuộc họp dù sao cũng đỡ căng cứng hơn.
Bây giờ, ở đây, ông Chuông đấu khẩu với ông Hoà, cũng như cố làm giãn ra cái không khí đang ức chế mọi người. Và có điều là, trong một không khí nhộn nhạo có vẻ du kích thì ông Chuông trở nên hoạt bát, mềm dẻo đến lạ lùng. Ông là người hoàn toàn làm chủ mình, làm chủ cuộc họp trong những tình huống có vẻ nhộn nhạo.
Ông đứng dậy, cầm lấy chiếc que chỉ vào sa bàn của ông Hòa, vạch rất mạnh trên mặt đất:
– Đây… cách đánh của tôi là: đầu nhọn, mình trắm, đuôi công… Cái đầu lao qua được thì cái đuôi nó sẽ quét… Vị trí chỉ huy của tôi đặt ở cái “đầu nhọn” chiến thuật này.
Ông nói đầy tin tưởng và đầy thuyết phục, mặc dù cái chiến thuật “đầu nhọn, mình trắm, đuôi công” của ông chưa được trình bày chi tiết, nó có vẻ thiếu khoa học – hay nói đúng hơn, nó không nằm trong bài bản nào của các trường sĩ quan chỉ huy.
Tôi không lần xuống hang mà đi lên hang đá hay là cái hàm ếch phía trên thì đúng hơn. Suốt những ngày ở Bản Thẩm, phòng tham mưu ở đây. Tư lệnh thường đến làm việc ở đây chứ không phải trong hang. Tôi nhớ là sau hai ngày cuộc họp hạ đạt mệnh lệnh đánh Phu Tâng, tiếng súng đã nổ.
Xin nhắc lại, trong khu vực Cánh Đồng Chum ngày ấy có tới 52 tiểu đoàn địch đóng chiếm trong công sự vững chắc, có máy bay Mỹ yểm trợ. Xung quanh các căn cứ của Thái là lực lượng Vàng Pao, làm “đèn cù” càn quét xung quang để bảo vệ vòng ngoài.
Trong toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch thì Phu Tâng không chỉ là con mắt cảnh giới mà còn là một trận địa pháo bảo vệ toàn bộ cứ điểm từ trên độ cao 1584 mét. Một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo (thiếu) trên Phu Tâng. Chiếm được Phu Tâng, có nghĩa lực lượng của ta sẽ đứng trên đầu cả cụm phòng ngự Cánh Đồng Chum. Vì thế, cả ta và địch đều đặt Phu Tâng vào một vị trí quan trọng trên bản đồ tác chiến.
Cuộc chiến đấu ở Phu Tâng đã diễn ra vào lúc quá nửa đêm. Đến sáng vẫn chưa có báo cáo của ông Chuông về sở chỉ huy sư đoàn. Ông Hoà, Tư lệnh, ông Sinh, Chính uỷ, ông Hàn, Tham mưu trưởng và toàn bộ Ban tác chiến đi lại ở cửa hang, không ai nói điều gì. Bữa ăn sáng, cậu cần vụ dọn lên vẫn bỏ lạnh tanh trên mặt hòm đạn. Các cán bộ chính trị, hậu cần đến sở chỉ huy ngồi theo dõi diễn biến lặng lẽ vê thuốc hút ở các hốc đá. Ông Xuyên, Chủ nhiệm Chính trị bước đến chỗ nhà báo Tư Đương (báo Quân đội nhân dân) và Hoàng Tống (báo Chiến sĩ Tây Bắc) bỗng hỏi:
– Tôi đố các ông, cái chỗ Ban Tham mưu đặt sở chỉ huy này là cái hang hay hốc?
Nhà báo Tư Đương:
– Theo tôi thì đấy là cái hẽm.
Ông Xuyên nhún vai:
– Ông mới ở hậu phương lên có khác, cái ngách thì lại bảo cái hẽm…
Anh em tủm tỉm cười.
Gần đến trưa, không khí sở chỉ huy càng trở nên nóng bỏng. Ông Hàn, Tham mưu trưởng chạy từ trong hốc đá ra, đến trước mặt ông Hòa:
– Báo cáo anh, có liên lạc với anh Chuông. Anh vào nói chuyện.
Tôi nghĩ, sau những giờ chờ đợi căng thẳng, ông Hoà phải vồ ngay lấy máy chứ. Nhưng không, ông Hòa còn đứng lặng một lúc rồi mới nhấc máy lên và chậm rãi nói:
– Chuông đấy à?
– Tôi đây.
– Cậu đang ở đâu đấy?
– Ở lô cốt thủ trên đỉnh Phu Tâng…
– Nó cố thủ à?
– Tôi đang cho gọi súng phun lửa.
– Tình hình chung thế nào?
– Sạch rồi!
– Cái gì sạch?
– Địch. Cả hai tiểu đoàn địch sạch rồi!
– Mắt cậu có nhìn thấy xác chúng không?
– Anh lên đây mà nhìn…
– Mấy giờ nữa cậu về đây được?
– Mười lăm phút nữa tôi đánh xong cái lô cốt cố thủ.
– Này… còn… Giọng ông Hoà run run…
– Báo cáo… thằng Thiềm hy sinh rồi!…
Ông Hòa lặng người. Cả sở chỉ huy lặng như tờ. Ông Hoà đặt máy, quay người đi. Tôi nghĩ là ông giấu, không muốn cho các sĩ quan cấp dưới nhìn thấy nước mắt.
Bỗng nhiên, ông Hòa quay lại, nhấc máy lên, mắt ông hoe hoe đỏ và giọng rất dịu dàng:
– Chuông này, thôi cậu đừng về vội, rút vào đâu mà ngủ lấy một giấc, nghe không?…
Trong truyền thống của sư đoàn, các nhà chép sử đã ghi lại không ít những con số, xếp vào tủ kính không ít các hiện vật chiến thắng. Tiếc thay, ta không lưu giữ được hình ảnh của những hang đá và tiếng nói thân thương, tràn ngập tình đồng chí của một người chỉ huy khi nói với cấp dưới của mình: “Cậu rút vào đâu mà ngủ lấy một giấc, nghe không?”.
Bây giờ, cái triền núi khô khốc trong mắt tôi này bỗng ùa ra với bao gương mặt thân yêu!
H. Đ.C