Ký ức lương thiện – Bùi Việt Thắng

Trong số 143 tác giả có đến 94 người (chiếm khoảng 70 phần trăm) từng tham gia quân đội, công an, thanh niên xung phong, có hai tác giả là liệt sĩ ; có một tác giả là liệt sĩ – Anh hùng LLVT (Chu Cẩm Phong). Trong số tác giả có mặt trong tuyển tập có ba nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và 12 nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật

Trích từ “Thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước” – bài mở sách “Tiếng nói nghệ thuật của người trong cuộc (hay là ký ức lương thiện) của Bùi Việt Thắng”

Cuộc biểu dương lực lượng

Tuyển tập văn xuôi (một dạng sách sưu tập – collection – gồm 2 tập) của thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước, nếu ví von, giống như một cuộc biểu dương lực lượng và là một cuộc triển lãm ngôn từ hoành tráng. Bộ sách đầy đặn gồm 143 tác phẩm của 143 tác giả mà tên tuổi của họ đã trở nên quen thuộc với độc giả cả nước. Bộ sách lấy tiêu chí là các tác giả sống – chiến đấu – sáng tác, có tác phẩm ghi dấu ấn trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở đây không tính tuổi đời, mà tính tuổi nghề, tuổi sung sức của ngòi bút trong thời gian sáng tác. Vì thế có những tác giả đồng niên, đồng lứa, nhưng đã có thành tựu từ trước đó, đã thành danh từ trước đó thì không xếp ở đây, và các tác giả trẻ sống và viết, trưởng thành sau 1975 cũng không xếp ở đây, sẽ có những bộ sách khác vinh danh họ.

Trong số 143 tác giả có đến 94 người (chiếm khoảng 70 phần trăm) từng tham gia quân đội, công an, thanh niên xung phong, có hai tác giả là liệt sĩ (Nguyễn Hồng, Dương Thị Xuân Quý) có một tác giả là liệt sĩ – Anh hùng LLVT (Chu Cẩm Phong). Trong số 143 tác giả có mặt trong tuyển tập có ba nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (Ma Văn Kháng, Lê Văn Thảo, Đỗ Chu) và 12 nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (Lê Lựu, Lê Vĩnh Hòa, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Lê Minh Khuê). Với lớp nhà văn chống Mỹ, khi cuộc chiến tranh lan ra toàn quốc (1965) có một số đã kịp học hết đại học, còn lại phần đông mới hết phổ thông hoặc đang dở dang, tất cả đã xếp bút nghiên lên đường ra trận và cuộc sống sẽ tiếp tục dạy họ. Họ cảm nhận văn chương, nhận thức văn chương qua mười năm học và đọc cũng không phải là quá ít ỏi. Và họ đã viết ngay sau mỗi mùa chiến dịch. Viết cũng là một hành động nhận thức, một cách luyện trí tuệ, luyện tay nghề. Ở Nga sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã hình thành một lớp nhà văn trung uý. Họ đã viết về cuộc chiến của chính mình. Rất nhiều người trong số ấy đã trở thành những nhà văn nổi tiếng. Ở Việt Nam cũng có sự trùng khớp tốt đẹp ấy. Rất nhanh chóng, các nhà văn chống Mỹ đã vượt qua sự bản năng, vượt qua cách viết đơn tuyến, đơn thanh để nắm bắt lấy phương pháp mới mẻ từ giọng điệu, đến cấu trúc câu văn và khả năng thể hiện tâm lý nhân vật đa diện trong một không gian đa chiều đúng như cuộc sống phong phú muôn màu với những kỹ xảo rất đặc thù của văn xuôi hiện đại.        Chúng ta có thể tự hào nói về một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Họ sống và viết ở chiến trường trên bom dưới đạn, viết giữa những cơn đói quay quắt hay những cơn sốt rét rừng ác nghiệt. Họ viết có thể trong hòa bình nhưng là vào những thời khắc gian khó nhất của thời hậu chiến khi cái đói, cái khổ đè nặng xuống mọi người, khi kẻ xấu vốn là bạn bè ngày đêm mưu toan đê hèn với láng giềng bấy lâu thân thiện. Họ viết với tư thế của người trong cuộc “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”. Và thật đáng mừng khi vào những năm đầu của thế kỉ XXI, độc giả lại vui mừng nhận thấy đội ngũ này vẫn hiển hiện trên văn đàn đương đại, nhiều người trong số họ bút lực vẫn còn sung mãn, vẫn tham dự vào đời sống văn chương với tinh thần dấn thân, nhập cuộc và với ý thức can dự vào đời sống xã hội bằng nghệ thuật ngôn từ. Những tác phẩm của họ đúng là, theo cách diễn đạt của Nguyễn Đình Thi, “ròng ròng sự sống”, một sự sống thành thực đến tận cùng chân tơ kẽ tóc. Viết về đội ngũ này chúng ta hẳn không quên ý của văn hào Nga thế kỉ XIX Lep Tôn-xtôi: “Nhân vật mà tôi yêu quý nhất, nhân vật mà tôi sống hết mình với nó bằng ngòi bút, đó là sự thật“. Sự thật đời sống chính là chân tủy của văn chương, chân lí giản dị này được các nhà văn thế hệ chống Mỹ thấm nhuần đến tận gan ruột.   

Biên độ văn chương và nhân vật thời đại

Biên độ của văn chương và nhân vật thời đại rất rộng mở. Độc giả có thể tìm thấy trong tuyển tập này tất cả những chuyện đã xảy ra trên mảnh đất hình chữ S trong một khoảng hạn không gian và thời gian bất tận. Dĩ nhiên nhiều nhất vẫn là chuyện chiến đấu hi sinh, chuyện chiến trường đạn bom, chuyện đồng chí đồng đội nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng chia lửa, chia máu cho nhau. Chuyện sống và chết là cao cả nghĩa tình nhất. Và ngay trong cảnh ngộ ngặt nghèo ấy thì con người vẫn cứ sống đầy đủ các cung bậc tình cảm bi hùng, bi hài và cả những ái, ố, hỉ, nộ. Và đặc biệt là chủ nghĩa lãng mạn, tinh thần lạc quan phơi phới của những con người thấm nhuần lí tưởng sống “không có gì quý hơn đọc lập tự do”. Nhưng lẽ dĩ nhiên cũng không thiếu những chuyện tuế toá của đời thường cập nhật, đẫm nhân tình thế thái, nhiều khi chỉ là chuyện của “Những người xung quanh tôi”, thậm chí có khi chỉ là trong “Những món ăn truyền lại” cũng gợi ra được một điều gì đấy có ý nghĩa để khiến độc giả gấp sách lại vẫn cảm nhận đầy đủ cái dư vị, cái nhã thú văn chương. Đọc tác phẩm của các nhà văn trải qua cuộc kháng chiến khốc liệt, đôi khi đến tận bây giờ chúng ta vẫn nhớ lại một “Ráng đỏ” của một ngày đáng nhớ nào đó trong chiến tranh. Hoặc nhớ lại qua “Hồi ức một binh nhì” đầy đủ chất thơ của đời sống thời chiến đầy ắp những ác liệt, chia li (nếu có thì cũng là những “Cuộc chia li màu đỏ”) nhưng cũng tràn đầy vẻ đẹp lãng mạn. Thậm chí dù thoảng qua nhưng ấn tượng để lại thật đậm đà dẫu chỉ là một đóa “Hoa rừng” bất chợt gặp trên chặng đường hành quân. Ta có thể gặp một “Người tị nạn” trong dáng vẻ hài hước khi bị một phụ nữ bán hàng ăn lật tẩy vì nợ tiền món bún ăn sáng. Cái trò hề lừa gạt, mị dân của chính quyền quốc gia (Chính phủ Việt Nam Cộng hòa) bị “bắt vở” bởi một người phụ nữ bình thường. Trong chiến tranh đạn bom mù trời, cái sống cái chết là gang tấc mà những cô thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi vẫn cứ đàng hoàng sống và hơn thế đàng hoàng mộng mơ về “Những ngôi sao xa xôi”, thì có thể nói không một kẻ thù nào có thể tiêu diệt nổi dân tộc này và nhân dân này hiển hiện qua những người con gái của đất nước thời chiến tranh ác liệt. Giữa đạn bom ngút trời mà con người ta vẫn cứ an nhiên quan tâm, quan sát “Chuyện xảy ra giữa mùa cá vật” thì quả là chủ nghĩa lạc quan của con người Việt Nam trong chiến tranh xứng đáng là một bài học về tinh thần tự tại cho cả nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lí trên thế giới.

Nhà văn – liệt sĩ Nguyễn Hồng (hi sinh ngày 3-12-1973 tại mặt trận đường Mười Chín – xã Điện Xuân, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) viết Đêm cao điểm vào tháng 11 năm 1972. Một tác phẩm mà tận cho đến bấy giờ, sau 42 năm đọc lại, vẫn cảm thấy như nó vừa diễn ra ở một chốt cao điểm nào đó của vùng biên cương Tổ quốc, trên đất liền hoặc ngoài biển khơi xa. Trận đánh với bọn lính Nam Hàn diễn ra ác liệt. Một ổ đề kháng của địch điên cuồng truy sát đội hình quân giải phóng. Phải “bịt mõm” nó bằng mọi giá. Chiến sĩ tên Đạm nhận nhiệm vụ này. Anh đã dính đạn kẻ thù mà nhiệm vụ thì chưa hoàn thành, máu đồng đội vẫn cứ còn phải đổ nếu hỏa điểm lợi hại này của giặc còn chưa ngừng hoạt động. Và nhiệm vụ này không ai khác do chiến sĩ Đạm đảm nhiệm: “Hơi ấm của đất và sương lạnh đã lay Đạm dậy. Đạm nhớ ngay đến cái lô cốt có cái miệng đen ngòm đã bắn anh. Nghe tiếng đạn vỗ vào không khí, anh không dám ngẩng đầu. Chờ mãi không thấy viên đạn nào găm vào người, anh từ từ nhỏm dậy. Tiếng súng nổ gắt gỏng phía sau. Thằng tiểu đoàn trưởng Nam Triều Tiên găm vào người Đạm khá nhiều đạn. Chỉ một cử động nhỏ cũng khiến anh choáng váng, trán đẫm mồ hôi. Nhưng một điều khác dữ dội hơn đang giày vò anh. Đạm phải bóp chặt quả lựu đạn trong tay mới nén được tiếng khóc khỏi bật ra ngoài. Tiếng súng vồ vập sau lưng anh đang nói lên một sự thật đáng sợ đối với Đạm: Mỏm chốt 638 đã nằm gọn trong tay bọn Nam Hàn. Mảnh đất mà Thông và Nhàn đã đem cả tính mạng mình chặn đứng bước tiến giặc và giao lại nguyên vẹn cho anh với nụ cười tin tưởng, mảnh đất thấm đến những giọt máu cuối cùng của những người đồng chí thân thiết của anh bây giờ lại lọt vào tay giặc một cách dễ dàng“. Bằng một sự nỗ lực khôn khéo cuối cùng, Đạm đã dập tắt được ổ đề kháng nguy hiểm của kẻ thù. Trận đánh kết thúc thắng lợi. Đạm hi sinh anh dũng trong sự thương tiếc vô bờ bến của đồng đội. Có thể bây giờ ai đó đọc lại truyện này sẽ lắc đầu mà phán rằng “xưa rồi Diễm ơi!”. Xin thưa ngay rằng “Máu người không phải là nước lã”, khi máu người đã đổ xuống để vun đắp cho hòa bình thì không thể nào xưa cũ được. Đọc Nguyễn Hồng chúng ta hẳn không quên một ý của nhà văn Nga I. Bôn-đa-rep (tác giả tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng Tuyết bỏng đã dịch sang tiếng Việt), ông viết: “Có những người ký ức là sám hối. Có những người ký ức là lương thiện. Tôi thuộc số những người sau“. Đọc Nguyễn Hồng thấy nhà văn cho chúng ta một ký ức lương thiện. Đọc Nguyễn Hồng không khỏi váng vất nhớ tới những trang văn xuôi tả chân thời kì kháng chiến chống Pháp của Trần Đăng, Siêu Hải, Hồ Phương, Vũ Tú Nam… Sự gần gũi về chất liệu đời sống tươi nguyên, bút pháp tả thực, đặc biệt là cảm hứng viết lúc nào cũng hừng hực của người cầm bút và nhân vật văn học. Dường như có sự “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” giữa nhà văn và nhân vật. Họ đều là những anh hùng trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.

Có những nhân vật được nhà văn khắc họa theo cái cấu tứ “trở lại trái tim mình” như trong truyện Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi. Cả Thanh, Trí và Mây đều là những con người đang hoàn thiện nhân cách. Họ không hề là lí tưởng trong mắt độc giả. Nhưng họ là những con người rất thực với bao nhiêu điều tốt đẹp và cả những điều chưa hoàn hảo. Vì thế họ rất “người”, vì thế họ rất gần gũi với chúng ta. Cái kết truyện có hậu nhưng dễ dàng được chấp nhận khi cả Thanh và Mây đều đồng lòng nhất trí trở lại trung đoàn của mình với bao nhiêu những khó khăn, chứ tuyệt nhiên không phải là thuận lợi, đang chờ đợi họ trước mắt. Con người/nhân vật thời đại hiện lên trong dáng vẻ ngày càng phong phú hơn và cũng càng phức tạp hơn. Chúng tôi nghĩ, đó chính là sự đổi mới căn bản của văn chương hôm nay. Nhưng sự đổi mới đích thực của văn chương bao giờ cũng gắn với việc tìm tòi những giá trị mới của đời sống. Tránh được cực đoan đi từ ca tụng tâm thức cộng đồng và các giá trị chung, có tính đại diện, tới tâm thức vị kỉ cá nhân, coi mình là “cái rốn” của vũ trụ, các tác giả có tác phẩm được tuyển chọn trong bộ sách này đã cố gắng phát hiện và tái hiện các giá trị mới của đời sống trong thế cân đối, hài hòa giữa cái “tôi” và “ta”, giữa “lí trí” và “bản năng”, giữa “ý thức” và “vô thức”, giữa “hiện thực” và “lí tưởng”… Nghĩa là có sự điều chỉnh, điều hòa sự phân cực mà lúc này lúc khác, chỗ này chỗ kia ai đó vụng dại tô đậm những cực đoan đời sống.

Nhưng dĩ nhiên, xét theo phương diện lí tưởng, thì độc giả vẫn mong muốn có những nhân vật là những “con người khổng lồ” về trí tuệ và tình cảm. Nghĩa là những nhân vật thời đại có tầm kích tương xứng với hiện thực đời sống. Thời đại anh hùng sản sinh nghệ thuật anh hùng. Tất nhiên. Nhưng thời đại hòa bình vẫn có thể cần đến cảm hứng anh hùng trong tái hiện nghệ thuật đời sống. Vì suy cho cùng để xây dựng một xã hội giàu có, dân chủ công bằng, và văn minh thì mỗi chúng ta đều cần có những phẩm chất của người anh hùng thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ phát triển một ngày bằng hai mươi năm.

Nghệ thuật ngôn từ và phong cách văn chương

Trong truyện ngắn Đêm Tháp Mười (viết tháng 8-1969) Lê Văn Thảo đã trình bày một câu chuyện không thể nói là nhẹ nhõm khi nối quá khứ với hiện tại. Nhưng văn của ông đã làm cân bằng tâm thế độc giả ngay trong chiến tranh ác liệt, tạo cảm giác ta có thể tựa vào câu chữ mà sống, mà đi, mà hành động. Đó là chuyện của một người cán bộ buộc phải vượt qua cánh đồng ngập nước ngay trong đêm. Anh ta xuất phát khi trời còn nhập nhòa sáng tối: “Mặt trời lóe lên những tia sáng hình dẻ quạt, mây nước cùng sáng lên trong giờ phút cuối cùng của một ngày. Những khóm tràm, khóm đế trở thành những vệt đen. Xa xa, bóng của những tấm bia của những ngôi mộ hoang trông cô đơn buồn bã. Có ai từng thấy những tấm mộ bia như vậy trong Đồng Tháp Mười chưa? Những tấm mộ bia mục nát không biết có từ thời nào, tưởng như sắp sụp đổ nhưng lại vững chãi với năm tháng. Đi băng đồng lần nào tôi cũng gặp vài ba cái như vậy, cũng vào những giờ chiều như thế này, ánh trời chiều như lát vàng phía sau, tiếng lau sậy rì rào, tiếng côn trùng nỉ non, tưởng như người chết còn chưa yên ngủ, còn có điều gì muốn nói lại với ta“. Sau một đêm sống trọn vẹn với thiên nhiên và con người Đồng Tháp Mười, sáng hôm sau người cán bộ ấy cảm thấy sảng khoái: “Để khuây khỏa tôi nhìn ra xa, và kìa bình minh đang lên, chân trời rạng một màu hồng với những vệt mây đâm ngang, rồi mặt trời hiện ra với những tia sáng đầu tiên như muôn ngàn sợi chỉ bủa tung trong không gian. Từng đàn chim bay túa ra từ các lùm bụi. Mặt nước phút chốc từ đen thẫm trở nên trong xanh sáng như gương, những gợn sóng như những con rắn bạc tung tăng nhảy múa. Nước trong vắt thấy rõ những bụi rong đung đưa lặng im. Gió thoảng mùi bông tràm bông sen, mùi cỏ ống cỏ tranh năn lác. Giác quan tôi bỗng chốc trở nên tinh tế hơn, nhận ra cả mùi hăng ngai ngái của những ổ chim mới nở, những chồi non vừa mới lú lên. Giờ đây cả không gian đều trắng lóa, mặt nước soi bóng những đám mây trôi lững lờ, nhẹ nhàng tinh khiết như những đám bông“. Đọc Lê Văn Thảo và những tác giả khác mới ngấm thấy và ngẫm thấy sự sống và viết ở chiến trường được đặc trưng bởi cái gì? Nếu không phải là sự tự tại, là chủ nghĩa lạc quan, là văn hóa của nhà văn và cũng là văn hóa của văn chương! Đọc Hồng Nhu, Ma Văn Kháng, Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đỗ Chu, Lý Biên Cương, Bảo Ninh… mới thấy rõ các tác giả đã có ý thức chăm chút câu văn kĩ lưỡng đến mức nào với khát vọng cống hiến cho độc giả những áng văn đẹp. Đẹp và thâm hậu – đó là phẩm tính của văn hay (một lối văn không chỉ sâu sắc về lí tính mà còn huy động tối đa các giác quan tham gia cảm nhận đời sống trong tất cả những đường nét, âm thanh, màu sắc, mùi vị của nó).

Một văn mạch hứa hẹn

Từ sau năm 1945 cho đến tận hôm nay, lịch sử văn chương nước nhà gắn liền với một văn mạch lớn, chính yếu: sử thi – anh hùng – lãng mạn. Ai đó ngây thơ nói rằng thời buổi kinh tế thị trường và cuộc sống hiện đại ngày nay đã làm thui chột văn mạch này. Đó là một sự ngộ nhận. Khi nào đất nước còn chưa thôi bóng dáng những kẻ xấu luôn dòm ngó, lúc nào đất nước còn chưa yên bình thực sự, lúc nào hòa bình vẫn còn phải trả giá bằng “máu người không phải là nước lã”, lúc đó sử thi – anh hùng – lãng mạn vẫn còn chỗ đứng trên văn đàn, lúc đó cảm hứng anh hùng vẫn cần được tô đậm trên từng trang viết. Nhưng sử thi – anh hùng – lãng mạn trong văn chương hiện đại Việt Nam, đặc biệt trong thời đại cách mạng và chiến tranh, thường được tô đậm thêm chất trữ tình – tâm lí. Những cuộc thi truyện ngắn và tiểu thuyết gần đây cho chúng ta những bằng chứng sinh động về văn mạch chính yếu này vẫn có địa vị xứng đáng. Và điều đáng nói chủ thể của văn mạch này – các tác giả trong tuyển tập – đa số vẫn còn viết, vẫn còn nhiều nóng bỏng say mê cống hiến cho độc giả những tác phẩm tâm huyết của đời văn. Nguyễn Bảo có Đỉnh máu, Phạm Quang Đẩu có Đơn tuyến, Trung Trung Đỉnh có Lính trận, Nguyễn Quang Hà có Đất thánh, Ma Văn Kháng có Chuyện của Lý, Lê Minh Khuê có Nhiệt đới gió mùa, Lê Hoài Nam có Bữa tiệc ly, Bùi Việt Sỹ có Dòng sông chối từ, Tô Nhuận Vỹ có Vùng sâu,…Nghĩa là các tác giả tiếp tục khẳng định mình bằng chính tác phẩm. Nói cách khác tác phẩm là lí do tồn tại chính đáng của nhà văn.

Đó là một văn mạch về đất nước, con người Việt Nam dẫu trong gian khổ nhưng càng ngày càng phát lộ phẩm chất “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng“, càng trong gian khó càng phát lộ vẻ đẹp văn hóa, như câu thơ của Huy Cận. Đó là một văn mạch quan trọng ở chỗ nó là “thức ăn tinh thần” cho hàng chục triệu người Việt Nam yêu nước mình dẫu sinh tồn ở những không gian khác nhau. Văn mạch này cần thiết phải được gìn giữ và phát huy xuyên thời gian để góp phần tạo nên bản sắc văn chương nước nhà thời kì hiện đại./.

Hà Nội tháng 5 năm 2014

B.V.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder