– Ai bảo với anh là ông ta chống cộng? Tại chúng ta luôn nhìn họ bằng con mắt ngờ vực, kỳ thị làm gì mà họ chẳng quay lại chống chúng ta…
Khi tôi được điều về làm bí thư huyện ủy Tiên Sơn, bí thư tỉnh ủy đã gọi tôi lên trên phòng ông để dặn dò.
– Huyện Tiên Sơn của cậu là một huyện phức tạp nhất Tỉnh. Mà trong huyện ấy xã Tiên sơn là trọng điểm. Vì vậy tỉnh ủy mới quyết định điều cậu về đấy. Cậu trẻ tuổi, có học thức lại là dân sở tại. Khó khăn đấy nhưng tôi tin là cậu không phụ lòng tin của tỉnh ủy và tôi.
Tôi thở dài. Còn biết nói gì nữa. Trong hàng ngũ tỉnh ủy viên tôi là người trẻ nhất vậy thì những chỗ khó khăn không tôi đi thì ai đi. Vả lại đấy chính là nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Được điều về chính quê hương bản quán của mình thì từ chối sao tiện.
Thế là hôm sau tôi khoác ba lô về huyện. Hôm bàn giao địa bàn với bí thư huyện cũ nay được điều lên tỉnh nhận nhiệm vụ mới, tôi hỏi ông ta.
– Thế tình trạng mâu thuẫn Lương – giáo ở địa bàn xã Tiên sơn huyện ta hiện nay ra sao?
– Phức tạp lắm cậu ạ – Ông ta bảo tôi – Mọi quyết định của huyện đề ra đều bị nhà thờ xúi dục giáo dân chống lại. Mà họ chống ra mặt cơ chứ không phải ngầm ngầm như trước đâu.
Tôi cảm thấy bức bối. Tôi vẫn biết tình hình xã Tiên Sơn phức tạp vì cả một xã theo công giáo nhưng tôi không ngờ rằng nó lại phức tạp đến thế. Tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần mình phục vụ lợi ích của người dân là họ sẽ ủng hộ mình dù là Lương hay là Giáo.
– Bác nói cụ thể xem nào. Chủ trương nào của huyện mà bị giáo dân phản đối?
– Thì đấy, cái mương dẫn nước để tưới cho những cánh đồng phía nam của huyện phải đi qua khu vực nhà thờ. Giáo dân không đồng ý cho đào nên phải gác lại đã hai năm nay rồi.
– Thế thái độ của các cha xứ thế nào khi chính quyền đến làm việc?
– Thì ngoài miệng họ luôn nói là ủng hộ các quyết định của chính quyền nhưng bên trong lại ngầm xúi dục giáo đân phản đối.
Quả thật nếu đúng là như thế thì là một việc rất nan giải. Tôi quyết định ngày mai sẽ đến nhà thờ để xem xét tình hình.
Sáng hôm sau, Chủ nhật, tôi đến nhà thờ dự lễ.
Tôi vào hẳn trong nhà thờ đứng lẫn vào đám giáo dân đang dự lễ ngày chủ nhật. Mở đầu buổi lễ, ban đồng ca của nhà thờ hát thánh ca. Một đám các cô gái, cô nào cũng mặc áo dài trắng xếp thành ba hàng đứng ngay dưới chân tượng đức chúa đang bị đóng đinh câu rút. Tôi chú ý ngay đến cô gái có lẽ là trưởng ban đồng ca của nhà thờ. Vì tôi thấy cô ta đứng ra xắp xếp vị trí cho từng cô gái trong ban đồng ca. Một cô gái đẹp, nhất là đôi mắt. Một đôi mắt to, đenvà khi cô hát, đôi mắt ấy ngước nhìn về phía xa thành kính, mơ hồ, mang một nét gì thăm thẳm xa vắng Bản thánh ca vang lên. Tất cả đứng im, mắt nhìn lên tượng đức chúa. Một giai điệu vừa thành kính vừa tôn nghiêm khiến cho những suy nghĩ vơ vẩn của tôi biến mất. Tan buổi lễ, người ta mới nhận ra tôi là người lạ mặt. Cha xứ tiến lại phía tôi. Tôi chìa tay ra bắt tay ông ta và tự giới thiệu
– Tôi là bí thư huyện ủy mới về đây nhận công tác. Hôm nay đến thăm đức Cha và bà con giáo dân.
Đức Cha, một người đã luống tuổi nhưng có một cặp mắt rất tinh anh. Ông ta nhìn tôi với cặp mắt đầy ngờ vực
– Quý hóa quá. Chẳng mấy khi được ông bí thư đến thăm. Mời ông vào phòng khách sơi nước.
Nói xong ông ta quay sang bảo với người trợ tế
– Thầy bảo với mấy ông trùm họ đạo vào phòng khách để tiếp ông bí thư luôn thể nhé
Tôi biết ông ta muốn dùng số đông để làm áp lực với tôi. Đầy mình kinh nghiệm , tôi nóingay :
– Không! Thưa đức cha. Hôm nay tôi đến đây với tư cách cá nhân để thăm đức Cha. Còn với bà con giáo dân. Tôi định một hôm nào đó xin đức Cha đưa tôi đến nói chuyện với họ.
Chúng tôi vào phòng khách. Sau một tuần trà đầu, đức Cha bắt đầu với một vẻ thăm dò.
– Hôm nay ông bí thư đến đây chắc có điều gì dạy bảo?
Tôi nhìn xung quanh, trong phòng chỉ còn lại hai người. Tôi suy nghĩ một lúc . Lúc đầu khi chưa đến đây tôi cũng định chỉ nói vấn đề một cách xa xôi để đức Cha hiểu tôi là người như thế nào mà khuyên bảo giáo dân của mình. Nhưng bây giờ, khi ngồi trong phòng khách này, tôi lại thấy tốt nhất là mình nên cận chiến. Tôi vào thẳng vấn đề.
– Hôm nay tôi đến đây trước hết là muốn đến thăm sức khỏe của đức Cha, xem tình hình làm ăn của bà con giáo dân và cũng muốn hỏi đức Cha: Tại sao nhà thờ lại không muốn cho xã đào con mương qua địa phận nhà thờ?
Tôi hỏi mà mắt nhìn xoáy vào đức Cha thái độ khác hẳn với những lời lẽ nhũn nhặn lúc ban đầu. Tôi cố làm cho ông ta hiểu tôi đã sẵn sàng đương đầu. Ông ta hiểu. Ông ta không lảng tránh cặp mắt của tôi nhưng cách trả lời thì lại như một con lươn không thể nắm bắt được.
– Ấy chết! Ông Bí thư nói thế thì oan cho nhà thờ quá. Chúng tôi có quyền gì mà ngăn cản công việc của chính quyền?
Tôi cười đứng dậy. Tôi biết trước nhà thờ sẽ chối việc này mà sẽ đổ hết lỗi cho giáo dân của mình. Tôi đi mấy bước đến trước mặt đức Cha nói một cách từ tốn
– Tôi có hai cách để giải quyết vấn đề này. Tôi nói và để tùy cho đức Cha lựa chọn.
Cách thứ nhất: Tôi cho cảnh sát đến cưỡng chế. Chắc đức Cha thích cách này nhất vì đức Cha có cớ lu loa lên là chúng tôi đàn áp tôn giáo
Cách thứ hai: Tôi cho thay đổi quy hoạch, con mương chỉ xây đến đây thôi vì bị giáo dân phản đối. Tôi cho đưa nước vào con mương. Đức cha thấy đấy. Phần con mương đi qua địa phận nhà thờchủ yếu là tưới cho ruộng của bà con giáo dân của đức Cha. Bây giờ chưa đưa nước vào thì bà con chưa thấy. Nhưng khi nước được đưa vào rồi thì người ta sẽ nhìn ra ngay ruộng các nơi khác có nước còn ruộng của giáo dân thì không. Họ sẽ biết ngay Cha đã xui dại họ. Thế là uy tín của Cha sẽ đi đời. Bây giờ Cha muốn chọn cách nào?
Trong lúc nghe tôi nói, tôi thấy đức Cha vẻ mặt rất căng thẳng. Đôi tròng mắt luôn luôn chuyển động. Tuy đã cố che dấu nhưng một nỗi lo lắng vẫn hiện lên nét mặt
– Thế ông bí thư muốn dùng cách nào? Chắc là cách thứ hai. Mấy khi chính quyền hạ được uy tín của cha xứ. Có phải thế không ông bí thư?
Tôi mỉm cười và lắc đầu.
– Đức cha nhầm rồi. Tôi chẳng muốn dùng cách nào cả. Sao đức Cha lại luôn nghĩ rằng tôi muốn làm hại uy tín của đức Cha? Không biết các đồng chí bí thư trước tôi như thế nào chứ còn tôi, tôi lại nghĩ: Đức cha là người thay mặt Chúa chăm sóc phần linh hồn của các con chiên. Còn tôi, tôi thay mặt Đảng, thay mặt nhà nước chăm sóc phần thể xác cho các con chiên của cha vậy tại sao người chăm sóc phần hồn lại cứ phải đối đầu với người chăm sóc phần xáccủa cùng một con chiên? Tôi đánh giá rất cao vai trò của nhà thờ. Tôi biết tỷ lệ phạm pháp và những tệ nạn xã hội trong bà con công giáo là rất thấp so với bà con bên Lương. Công ấy là công của đức Cha. Vậy xin hỏi đức Cha: Chẳng lẽ Cha muốn các con chiên của Cha có một tâm hồn trong sạch nhưng với một thể xác gày còm vì nghèo đói đến với Đức chúa hay sao?
.- Không phải vậy. Cha chỉ muốn….
Đức cha muốn nói tiếp nhưng tôi đã cắt ngang.
– Tôi còn một cách nữa để giải quyết vấn đề đó là hai hôm nữa xin Cha hãy huy động giáo dân tự đào đoạn mương qua nhà thờ. Chúng tôi sẽ huy động các bà con bên lương đến để giúp sức. Cha thấy thế nào?
Đức Cha nhìn tôi. Một nét xúc động dâng lên trong mắt. Tôi biết, tôi đã thành công
Hai hôm sau, tôi huy động toàn bộ nhân viên của ủy ban và huyện ủy và chỉ đạo cho xã huy động bà con bên lương đến khu vực nhà thờ để đào mương. Ở huyện Tiên sơn này hôm ấy quả thật là một ngày hội. Chủ tịch huyện nói với tôi
– Anh tài thật đấy. Làm sao mà anh thuyết phục được cái lão thày tu chống cộng nổi tiếng ấy hợp tác thế.
Tôi lắc đầu bảo với tay chủ tịch.
– Ai bảo với anh là ông ta chống cộng? Tại chúng ta luôn nhìn họ bằng con mắt ngờ vực, kỳ thị làm gì mà họ chẳng quay lại chống chúng ta. Chúng ta là những người cầm quyền, lẽ ra chúng ta phải chìa tay ra cho họ trước thì chúng ta lại đợi họ chìa tay cho mình. Tôi nghĩ, người dân, bất kể là lương hay giáo họ sẽ ủng hộ chúng ta nếu ta làm những điều tốt cho họ.
Tôi cầm xẻng tiến về chỗ bà con giáo dân. Bà con tươi cười chào hỏi tôi. Cô gái trưởng ban đồng ca của nhà thờ hỏi :
– Bác bí thư mà cũng xuống đào mương với bà con ạ?
Tôi cười, vẫy vẫy cô ta đến gần mình. Cô gái rụt rè đi lại. Cũng phải thôi. Ai chẳng rụt rè trước một ông quan đứng đầu huyện nhất là bà con giáo dân. Tôi đợi cô ta đến gần mình rồi chỉ vào mặt mình hỏi lại cô gái.
– Tôi già đến thế sao? Hay là tại cái chức bí thư huyện ủy làm tôi già thêm hai chục tuổi? Nếu vậy thì tôi sẽ xin từ chức đấy cô bé ạ.
Mọi người cười ầm lên. Sự ngăn cách lương giáo, cán bộ với giáo dân bị tiếng cười làm phai nhạt. Cô gái cũng cười nói.
– Nếu thế thì chúng em mất đi một bí thư biết lo cho dân à.
Nói xong cô gái đỏ mặt chạy vào nấp sau lưng những cô gái trong ban đồng ca của mình. Người tôi lâng lâng. Tiếng “Em” được một làn môi hồng tươi thốt ra sao mà ngọt mà đằm. Tôi đi lại phía cha xứ, chìa tay ra cho ông. Cha xứ nắm lấy tay tôi. Tôi đột nhiên đọc một câu trong kinh thánh
-” Con hãy đến với ta với tất cả những ưu tư đang chất nặng trong lòng. Ta sẽ làm cho con được bằng an” Thưa cha ! Hôm nay con đến đây với một nỗi ưu tư đè nặng trong lòng, đó là làm sao cho các con chiên của Người được no đủ. Con muốn đức Cha hãy làm cho lòng con được bằng an.
Tôi nói câu ấy với một thái độ chân thành. Đức Cha nhìn tôi kinh ngạc. Không hiểu ông kinh ngạc vì tôi thuộc kinh thánh hay ông kinh ngạc vì tôi xưng ” Con” nhưng ông hai tay nắm lấy tay tôi và cũng nói rất chân thành.
– Cha sẽ làm cho lòng con được bằng an.
Một ánh đèn Flash chớp lên. Tôi quay nhìn lại. Không biết làm sao mà đám phóng viên của báo tỉnh đã biết tin và mò đến từ lúc nào.
Hôm sau, ảnh của tôi đang nắm tay đức Cha được đăng trang trọng trên trang nhất của tờ báo tỉnh kèm theo là một bài phóng sự ca ngợi tôi đã đoàn kết được Lương giáo ở một địa bàn xương xẩu nhất tỉnh. Tay phóng viên còn gửi tặng tôi mấy bức ảnh nữa trong đó có bức ảnh chụp em đang đứng cạnh tôi với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Xem bức ảnh mà tôi tức bọn phóng viên đến cành hông. Sao bọn chúng ngu thế không biết. Đáng lẽ bài phóng sự phải thêm vào bức ảnh em đang đứng bên cạnh tôi nữa thì có phải bài viết sẽ sinh động lên bao nhiêu.
Nửa tháng sau, tôi theo đức cha xuống thăm họ đạo. Cha xứ dẫn tôi đến nhà ông trùm. Vừa vào đến cổng , tôi thấy em đang đứng ở ngoài sân. Đức cha giới thiệu em với tôi.
– Đây là con gái ông trùm họ đạo. Cô ta cũng là trưởng ban đồng ca của nhà thờ.
Chúng tôi vào trong nhà, em pha nước mời chúng tôi rồi định lui vào cho bố em cùng chúng tôi nói chuyện nhưng tôi ngăn lại. Cố giữ vẻ mặt thản nhiên, tôi chỉ vào chiếc ghế trước mặt bảo.
– Hôm nay tôi xuống đây làm việc với họ đạo. Cô bé dù sao cũng là một thành viên chủ chốt trong ban đồng ca của nhà thờ vậy cô bé hãy ngồi xuống đây thay mặt cho thanh niên họ đạo làm việc luôn thể.
Tôi không dám gọi em bằng “Em”nghe có vẻ sàm sỡ quá nhất là đối với người đang đại diện cho chính quyền như tôi nhưng cũng không muốn gọi em bằng “Cô” nghe nó lạnh lẽo quá. Cuối cùng tôi tìm được từ “Cô bé”. Tôi cứ tự khen mình mãi. Hai từ “Cô bé” nghe vừa thân mật, gần gũi nhưng vẫn giữ được cái mực thước của một người lãnh đạo. Tôi hỏi chuyện làm ăn, thu nhập và những vướng mắc của họ đạo đối với chính quyền. Rồi quay sang em
– Tôi thấy ở huyện ta xã nào cũng có một hai hợp tác xã nghề phụ. Sao ở đây có nghề thêu ren mà thanh niên lại không làm gì thế?
– Chúng em cũng muốn lắm nhưng khó lắm ạ. Nhất là chính quyền lại không ủng hộ.
Tôi cau mặt.
– Chính quyền không ủng hộ? Quá bậy. Cụ thể là gì? Cô bé nói tôi nghe xem nào.
– Chúng em có chân hàng nhưng họ chỉ làm việc với người có tư cách pháp nhân chứ không làm việc với tư nhân. Nhưng xin thành lập tổ nghề phụ để xin con dấu thì huyện lại bảo chỉ có hợp tác xã mới được cấp con dấu mà thành lập hợp tác xã thì lấy đâu ra tiền, lấy đâu ra nhà xưởng, trụ sở. Thế là đành chịu.
Tôi thở dài. Cứ trách người dân ghét cán bộ chính quyền như ghét chó. Nhưng những ông công bộc như thế hỏi ai có thể yêu quý được.
– Thế nếu bây giờ tôi đứng đằng sau cô bé giải quyết mọi vướng mắc thì liệu cô bé có dám mở một xưởng thêu cho bà con không?
– Sao không dám.
Cô gái nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt mạnh dạn, cả quyết.
– Hứa nhé.
Tôi chìa tay ra cho em. Bàn tay em mềm và ấm.
Tôi về văn phòng huyện ủy, gọi trưởng phòng công nghiệp lên giao nhiệm vụ giúp em thành lập xưởng thêu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi tôi sang ủy ban bàn về việc cấp cho em một miếng đất để mở xưởng, tay chủ tịch nhìn tôi ngờ vực.
– Sao mà anh quan tâm đặc biệt đến Tiên sơn vậy?
Tôi chột dạ nhưng vẫn giữ được vẻ mặt thản nhiên.
– Thế anh không xem thời sự à? Ở các nước, những vùng nổi dậy đòi ly khai đều là những vùng nghèo đói. Ở huyện ta cũng vậy thôi. Chúng ta đã bỏ mặc bà con công giáo quá lâu rồi. Nếu không muốn họ chống lại chính quyền thì ta phải làm điều gì đấy cho họ.
Quả thật bốn từ “Chí công vô tư ” nói thì dễ làm thì rất khó. Trong thâm tâm tôi, tôi cũng tự biết tôi làm tất cả những điều này là vì em. Nếu không có em, chưa chắc tôi đã quan tâm đến Tiên sơn đến thế. Nhưng tôi cũng tự an ủi. Vì em? Tất nhiên rồi nhưng tôi cũng vì những người khác nữa trong đó có tôi. Tại sao lại cứ phải gác tình riêng để làm việc chung khi mà tình riêng và việc chung đã hòa vào làm một? Tôi nghiêm khắc nhìn lại mình và kết luận. Tôi trong sạch. Nếu có cái gì đó tôi tư túi thì đó chỉ là trái tim của em thôi. Mà trái tim em thì chắc chắn không phải là tài sản Xã hội Chủ nghĩa rồi. Và tôi còn phát hiện ra được một điều nữa : Tình yêu được bắt nguồn từ công việc chung, tình yêu ấy đẹp hơn rất nhiều, cao cả hơn rất nhiều tình yêu chỉ gói gọn trong hai người
Có tôi đứng đằng sau, công việc chạy băng băng. Chỉ ba tháng sau buổi nói chuyện, hợp tác xã của em đã thành lâp xong do em làm chủ nhiệm. Hôm khai trương, tôi dẫn đầu một đoàn các quan chức của huyện mang một lẵng hoa to đến chúc mừng. Khi tôi và em cầm lẵng hoa của huyện gửi mừng để cho các phóng viên chụp ảnh em nói nhỏ với tôi.
– Ở đây còn thiếu một lẵng hoa nữa
– Thiếu lẵng hoa của ai?
Tôi cũng hỏi nhỏ
-Thiếu lẵng hoa của cá nhân bí thư huyện ủy.
Nói xong, mặt em bừng đỏ. Câu nói của em khiến người tôi chơi vơi. Tôi mạnh bạo hẳn lên
– Không phải thiếu đâu, nhưng hoa của cá nhân bí thư huyện ủy chỉ gửi tặng cá nhân chủ nhiệm hợp tác thôi. Không hiểu cô chủ nhiệm có muốn nhận hoa của “Bác bí thư” gửi tặng không?
Tôi tinh quái nhắc lại ba từ “Bác bí thư” của em hôm đào mương làm em càng xấu hổ. Lúc đoàn của tôi ra về, tôi lùi lại sau đoàn đi sóng đôi cùng với em và hỏi nhỏ
– Tối nay anh đến nhà em nhé?
– Đừng ! Đừng! – Em vội vàng nói – tối nay anh đợi em ở bờ sông chỗ gốc đa ấy.
Tối tôi đến chỗ hẹn từ rất sớm. Tôi ngồi xuống bên gốc đa phóng tầm mắt nhìn ra sông. Dòng sông như một dải lụa bạc êm ả trôi giữa những bãi ngô bất tận. Tôi bỗng thấy quê mình đẹp một cách kì lạ. Tôi sinh ra ở đây, lớn lên ở đây. Cuộc đời tôi không biết đã bao nhiêu lần qua bến sông này sao đến tận hôm nay tôi mới thấy nó đẹp? Sao đến tận hôm nay tôi mới thấy yêu quê tha thiết? Phải chăng tình yêu của em đã thắp lên trong tôi một tình yêu lớn hơn. Em diệu kì. Em thánh thiện. Từ khi có em trong cuộc đời mình, tôi lại thấy yêu hơn những con người lầm lũi quê tôi. Tôi lại muốn làm một điều gì đó cho họ. Em đã chắp cho tôi đôi cánh để tôi bay qua cái “Tôi” nhỏ nhoi của chính mình. Tôi đã cống hiến hết mình cho quê hương và quê hương đã tặng em cho tôi. Nếu không có sự cống hiến ấy. Nếu như tôi chỉ làm việc như một kẻ ở nhờ trên mảnh đất này thì dù có gặp em chắc gì em đã là của tôi. Tôi cứ ngồi miên man suy nghĩ đến nỗi em ra lúc nào tôi cũng không hay cho đến lúc một mùi sả thơm nồng và một mái tóc mượt phủ lấy mặt tôi và tiếng em thanh và trong cất lên.
– Anh đang nghĩ gì mà ngồi thừ người ra thế?
Tôi mới giật mình ngẩng nhìn lên. Em đã đứng sau lưng tôi từ lúc nào tinh nghịch rủ mái tóc đen dài của mình xuống mặt tôi.
– Anh đang nghĩ đến em.
– Anh đang nghĩ đến em? – Em hỏi lại giọng ngờ vực—mà em ra lúc nào cũng không biết. Trông anh không có vẻ gì là đang ngóng đợi người yêu cả. Anh lại đang nghĩ đến công việc à?
-Không! Không! – Tôi vội nói và kéo em ngồi xuống cạnh mình –Anh đang nghĩ đến em thật mà. Anh đang nghĩ đến sự kì diệu của em. Em cứ như một thánh nữ làm thay đổi cuộc đời anh…
Tôi còn đang định nói tiếp thì em đã lấy tay bịt mồm tôi lại và hấp tấp nói
-Anh đừng bao giờ nói như thế nữa. Em không muốn làm thánh nữ. Em chỉ muốn làm vợ anh thôi.
Tôi kinh ngạc nhìn em. Mãi về sau này tôi mới biết thánh nữ là những cô gái đồng trinh. Chúng tôi im lặng ngồi bên nhau. Em tin cậy dựa vào vai tôi còn tôi vùi sâu mặt mình vào mái tóc đen mượt đẫm hương sả và bồ kếp của em. Tình yêu chầm chậm dâng hương đưa hai chúng tôi bay lên thiên đường.
Không như những đôi lứa vẫn yêu nhau, chúng tôi có rất ít cơ hội gặp nhau. Em cũng bận và tôi cũng bận. Tôi thì lăn lộn suốt hết xã này sang xã khác không mấy khi ở văn phòng huyện ủy nên tình hình xưởng thêu của em tôi cũng không nắm rõ lắm nhưng tôi biết, em đang phải vật lộn với thị trường để đem lại công ăn việc làm cho bà con xóm đạo. Chúng tôi thường chỉ gặp nhau trên điện thoại nhưng không bao giờ tôi thấy em nói gì về công việc. Nếu có hỏi thì em cũng chỉ nói. “Công việc vẫn bình thường”. Tôi cảm thấy lo lắng nên quyết định về Tiên sơn để kiểm tra. Về đến nơi tôi mới biết hợp tác xã thêu của em đang rối như canh hẹ. Chủ tịch xã được hậu thuẫn của đảng ủy đang muốn hất em ra khỏi chân chủ nhiệm để đưa con gái mình vào thế chỗ nên gây mọi khó khăn cho xưởng thêu. Hợp tác thiếu vốn trầm trọng nên công việc cũng rất ít đời sống xã viên rất khó khăn. Tôi cho xe đến thẳng xưởng thêu. Em đang hướng dẫn mấy cô xã viên bên khung thêu, thấy tôi đột ngột xuất hiện em hơi ngớ người ra. Em hỏi nhỏ
– Sao anh xuống đây mà không báo cho em biết?
Trước mặt bao nhiêu người, tôi đành phải cố gắng kìm nén tức giận, cố gắng rặn ra một nụ cười. Nhưng nụ cười ấy méo xệch trông thật thảm hại.
– Sao! Bí thư huyện ủy đi kiểm tra cơ sở phải báo trước ư? Để cho người ta còn có thời gian đối phó phải không? Em vào trong văn phòng, ta cần nói chuyện.
Nói xong tôi cứ thế lôi em vào trong văn phòng của xưởng, đóng cửa lại. Khi cánh cửa đóng vào, cơn tức giận của tôi lập tức bùng lên. Tôi túm lấy vai em lắc mạnh.
– Tại sao tình hình của em như vậy mà em không cho anh biết?
Em cười nhẹ, gỡ tay tôi ra
– Tình hình của em có vấn đề gì đâu. Mọi việc vẫn bình thường mà.
Tôi cáu điên.
– Người ta ngăn cản em vay vốn của ngân hàng, cố gắng làm công việc của xưởng thêu bị đình trệ để hất em ra khỏi chân chủ nhiệm mà em gọi là bình thường à?
Em lại cười. Nụ cười ấy làm tôi càng tức giận.
– À ra là chuyện ấy. Em cứ tưởng chuyện gì to tát cơ. Thì cứ để cho họ thay. Em có tha thiết gì cái chức chủ nhiệm đâu.
Nghe em nói tôi sững người. Cơn tức giận của tôi tan biến. Là em nói hay thánh nữ nói? Em có thể từ bỏ những thứ mà thiên hạ đang phát điên vì nó dễ thế sao?
– Thế em có tha thiết với đời sống của bà con xóm đạo hay không? – Tôi hỏi. Câu hỏi của tôi đã đánh trúng vào gan ruột em. Tôi nhìn chằm chằm vào em đợi câu trả lời. Em cúi đầu – Có chứ gì?. Nếu để cho bọn chúng thay chân em thì bọn chúng sẽ phá nát hết. Vậy nên em phải nói với anh. Anh có thể bảo vệ được em.
Tôi nói to. Em lo lắng nhìn qua tấm kính.
– Nói bé thôi anh. Đừng để mọi người biết.
Tôi mở tung cửa, nắm tay em lôi ra ngoài.
– Mọi người biết thì đã sao?Anh đứng đầu một huyện mà không bảo vệ nổi người yêu của mình trước những âm mưu xấu xa thì liệu anh còn có thể bảo vệ được ai nữa đây. Em có thể không cần chân chủ nhiệm nhưng em thử hỏi những người ngồi đây xem họ có cần em không? Nếu họ nói ” Không” thì anh sẽ không can thiệp.
Tôi chỉ tay vào những cô gái đang ngồi cần mẫn bên khung thêu. Tất cả bọn họ dừng công việc lại xúm vào chỗ hai chúng tôi nhao nhao.
– Cô đừng có bỏ chúng tôi. Chúng tôi cần cô.
– Con Liên mà làm chủ nhiệm thì chẳng mấy nó sẽ bán sạch cơ ngơi này lấy tiền đút túi cho mà xem.
Tôi ra hiệu cho mọi người im lặng rồi quay lại bảo em.
– Em thấy chưa. Mọi người cần em. Không phải là anh bảo vệ em mà anh bảo vệ bát cơm manh áo của những con người này. Em không thể vì sợ ảnh hưởng đến anh mà buông xuôi mọi việc. – Tôi quay sang mọi người – Có phải thế không các cô?
– Đúng thế! Đừng để cho lũ chúng nó cướp đoạt thành quả của chúng ta.
Thực ra tôi cũng chưa muốn công khai quan hệ của chúng tôi nhưng bây giờ thì tôi biết, chúng tôi không công khai không được. Công tác đã nhiều năm, đã leo lên tận chức bí thư huyện ủy khi mới hơn ba mươi lăm tuổi, tôi chẳng lạ gì những ngón đòn hiểm độc của lũ vô lại trong chính quyền. Em thì ngây thơ, cả tin. Thế nào bọn chúng cũng tìm cách cho em vào bẫy. Lúc đó tôi có muốn cứu em cũng không được. Tôi lại không có thời gian để luôn ở bên mà canh chừng cho em. Chỉ còn mỗi một cách, chúng tôi phải công khai quan hệ thì chúng mới chịu dừng tay.
Khi tôi công khai quan hệ, mọi âm mưu hại em lập tức bị dẹp bỏ. Ngay hôm sau, xưởng thêu của em đã tiếp cận được với vốn vay của ngân hàng. Công việc lại trở lại bình thường. Nhưng tôi thì bắt đầu có vấn đề. Một lần lên họp tỉnh ủy, họp xong tay trưởng ban tổ chức tỉnh ủy kéo tôi vào phòng làm việc của mình.
– Sao ! về cơ sở thế nào? Mệt lắm hả?
– Ừ. Bận bù đầu
– Nhưng lại có niềm vui – Nói đến đây anh ta nháy mắt một cái, vỗ vai tôi thân mật – Nghe đồn ông sắp lấy vợ
Tôi bắt đầu ngờ ngợ. Tôi nhìn anh ta hỏi lại.
– Có vấn đề gì à? Chỗ bạn bè ông cứ nói hụych ra xem nào.
Tôi với anh ta cũng là chỗ thân tình. Anh ta gãi đầu ngần ngừ.
– Cũng chẳng có vấn đề gì. Nhưng…- Nói đến đây anh ta dừng lại, lúng túng rồi thốt lên – Mà tôi cũg chả biết là có nên nói với ông không.
– Thì cứ nói xem
Tôi khuyến khích
– Nghe nói cô ta là người công giáocó phải không?
Anh ta nói đến đây thì tôi đã hiểu ra vấn đề. Tôi gật đầu. Cả hai chúng tôi đều im lặng. Một lúc sau anh ta mới nói
– Nếu chỉ là một đảng viên bình thường thì cũng chẳng có vấn đề gì. Nhưng ông lại là cán bộ nguồn thuộc diện quy hoạch của tỉnh ủy. Tỉnh lại sắp đại hội Đảng. –Im lặng một lúc nữa, anh ta nhìn vào tôi hỏi thẳng. – Thiếu gì đàn bà mà ông lại đi yêu một cô công giáo cho phiền phức ra
– Thế bí thư tỉnh có nói gì không?
– Không! Nhưng ông ấy có gọi tôi hỏi xem chuyện ấy có đúng không.
Tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo anh ta
– Tôi muốn nhờ ông một việc. Tạm thời ông hãy giữ kín hộ chuyện này. Được chứ?
– Được thôi nhưng ông giải quyết nhanh lên đấy. Tôi đang lên kế hoạch nhân sự cho kì đại hội tới. Vì tôi với ông là chỗ thân tình nên tôi mới nói chuyện này với ông.
Tôi về huyện mà lòng rối bời. Quả thật hai chữ ” Công danh” quá nặng. Ba mươi sáu tuổi đã là một tỉnh ủy viên kiêm bí thư huyện ủy, đang là cán bộ nguồn cho lớp lãnh đạo kế cận. Cứ đà này chức bí thư tỉnh ủy chẳng mấy nữa là tôi cầm chắc trong tay. Rồi còn xa hơn nữa. Con đường công danh của tôi mở rộng thênh thang. Thế mà. Tôi không dám nghĩ tiếp. Đêm hôm đó tôi thức trắng một đêm. Sáng hôm sau, phòng tôi đầy những mẩu thuốc lá.
Chuyện tôi nhờ tay trưởng ban tổ chức tỉnh ủy giữ kín hộ nhưng cũng chẳng giữ được lâu. Chỉ một tuần sau khi tôi đi họp ở tỉnh về, trong văn phòng huyện ủy và ủy ban đã có những lời đồn thổi đại loại như kiểu
– Lần này thì xong rồi. Nghe đâu bí thư tỉnh ủy đã gọi lên để hỏi
– Được cái nọ thì mất cái kia thôi. Làm gì có chuyện được cả hai.
Những lời đồn thổi cứ thế lan đi như dịch hạch. Những kẻ chống đối tôi bắt đầu mọc lên như nấm và tôi biết ở xã Tiên sơn của em, tay chủ tịch ủy ban và bí thư đảng ủy xã còn tung nhiều tin cay độc hơn. Tôi bắt đầu lo lắng cho em. Tôi biết , hạ được tôi lúc này thì bọn cơ hội chưa đủ sức nhưng chúng sẽ nghĩ trong tình thế này nếu hại em chắc tôi sẽ không dám can thiệp. Tôi gọi điện cho em liên tục để hỏi tình hình nhưng em không trả lời điện thoại. Lòng như lửa đốt, tôi lao xuống xã.
Xuống đến xã, tôi xộc thẳng đến xưởng thêu. Em không có ở đấy. Tôi hỏi mấy cô xã viên đang ngồi thêu .
– Chủ nhiệm của các đi cô đâu rồi?
Thấy tôi hỏi, mấy cô xã viên nhìn nhau lúng túng. Mãi sau mới có một cô trả lời.
– Chủ nhiệm của chúng em không có ở đây. Chị ấy đi ký hợp đồng.
Tôi biết ngay là cô ta nói dối. Khi nãy ngồi trên xe tôi còn thoáng thấy em trong xưởng thêu.
May quá, một cô nhìn tôi rồi kín đáo đưa mặt nhìn về phía nhà kho. Tôi hiểu ý đi đến nhà kho, nhẹ nhàng hé cửa lách vào. Nhà kho tối mờ mờ, em đang ngồi ở một góc phòng ôm mặt khóc. Tôi nhẹ nhàng đi đến sau lưng mà em vẫn không biết. Tôi đứng sau lưng em một lúc, đột nhiên tôi nghe thấy em nói một mình
– Anh hãy tha thứ cho em. Em không thể làm liên lụy đến anh vì em. Anh hãy quên em đi.
Nghe thế là tôi hiểu: Em đã biết hết mọi chuyện. Tôi lặng đi vì xúc động. Trong cái ánh sáng nhờ nhờ của gian nhà kho, hình ảnh em chạy trốn tôi âm thầm ngồi khóc một mình làm bừng lên trong tôi một luồng ánh sáng mầu nhiệm. Tôi bỗng nhiên thoát khỏi bến mê. Một cảm giác hổ thẹn xâm chiếm tâm hồn tôi. Chao ôi! Tôi đã đặt em lên đĩa cân, bên này đĩa cân tôi đã đặt lên đấy danh vọng và sự nghiệp và cán cân đã nghiêng về phía ấy. Còn em. Em đã đặt tôi vào lòng em, gói kĩ tôi bằng tình yêu của em rồi cẩn thận đặt tôi ra khỏi lòng mình và bỏ đi để tôi lại với vòng hào quang của sự nghiệp và danh vọng. Em của tôi ơi, Em nhầm rồi. Trước kia anh vẫn cứ tưởng đấy là vòng hào quang, nhưng bây giờ, khi đặt nó cạnh em, cái vòng sáng anh cứ tưởng là hào quang kía bỗng trở thành nhợt nhạt.
– Không! Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho người bỏ anh mà đi trong lúc anh cần người ấy nhất.
Em giật mình quay lại rồi ôm chặt lấy tôi. Người em rung lên. Nước mắt đẫm ướt ngực áo tôi. Một lúc thôi, thốt nhiên em đẩy tôi ra và lùi lại một bước. Em nhìn thẳng vào tôi nói với một giọng nói rất bình tĩnh.nhưng buồn buồn
– Chúng ta có duyên nhưng không có phận. Tốt nhất chúng ta hãy chia tay nhau từ đây.
Tôi cười. Nụ cười của tôi làm trong mắt em thoáng một chút ngỡ ngàng
– Tại sao em cứ dành cho mình quyền hi sinh vì anhmà lại tước đi cái quyền của anh được hi sinh vì em? Sao em tham lam thế?. Tối nay anh sẽ đến nhà xin cưới em.
Nói xong tôi bỏ đi thẳng, không hề quay đầu lại mặc kệ tiếng gọi của em.
Tối đến, tôi ăn mặc tề chỉnh đến thẳng nhà em. Mới đến chỗ giếng đầu làng thì tôi đã gặp em đang đứng đợi tôi ở đấy. Em chặn tôi lại
– Anh ! Chúng ta phải nói chuyện.
Tôi gỡ tay em ra
– Không! Chúng ta chẳng có gì để nói cả ngoại trừ một điều em chuẩn bị về nhà anh làm vợ.
Mọi người trong gia đình em ai cũng kinh ngạc khi thấy tôi xuất hiện. Nhìn thái độ của mọi người, tôi biết. Cả cái huyện này ai cũng biết hết chuyện của tôi rồi. Ông trùm mời tôi vào nhà, pha nước.
– Thưa ông bí thư…..
Tôi ngăn ngay ông lại.
– Thưa bác, hôm nay cháu đến đây không phải với tư cách bí thư huyện ủy mà chỉ là một người con trai đang thương yêu con gái bác. Cháu đến đây muốn xin phép hai bác cho phép chúng cháu được kết hôn. Nếu hai bác đồng ý cháu sẽ mời bố mẹ cháu sang thưa chuyện với hai bác.
Điều tôi nói như một tiếng sét khiến cả nhà ai cũng sững sờ. Tôi nhìn ra cửa, em đã về từ lúc nào đang đứng nép ở bên cửa nghe từng lời tôi nói
– Tôi cứ tưởng….
Nói đến đấy rồi ông trùm không biết nói gì thêm nữa. Tôi điềm tĩnh
– Dạ. Không có chuyện ấy đâu ạ. Hai bác đừng nghe người ta đồn đại linh tinh. Trong điều lệ Đảng không có điều nào cấm đảng viên lấy người công giáo
Bố em im lặng một lúc ngẫm nghĩ rồi hỏi tôi.
– Anh biết rõ là gia đình chúng tôi là gia đình công giáo toàn tòng và tôi là một ông trùm họ đạo?
– Vâng! Cháu biết.
– Vậy anh không sợ ảnh hưởng đến con đường công danh của anh hay sao?
Tôi hơi cắn môi nghĩ cách trả lời. Tôi cũng định nói tránh đi nhưng rồi không hiểu sao tôi lại trả lời một cách thẳng thắn
– Nếu nói không suy nghĩ thì có nghĩa là cháu nói dối. Nếu nói lấy con gái bác không ảnh hưởng gì đến con đường công danh của cháu cũng là nói dối. Cháu đã phải đấu tranh để lựa chọn giữa hai thứ: Con gái hai bác và sự nghiệp cuối cùng cháu chọn con gái hai bác. Cháu mong hai bác tác thành cho chúng cháu.
Sự chân thành và thẳng thắn của tôi làm cả nhà xúc động. Em rời cửa lần lần đứng đằng sau lưng tôi. Hai tay em nắm chặt lấy vai tôi.
– Anh là người tốt. Anh đã làm được nhiều việc cho họ đạo chúng tôi. Chúng tôi sẽ gả con gái chúng tôi cho anh nếu anh làm được điều này.
– Điều gì ạ? Xin hai bác cứ nói.
– Anh hãy gia nhập tôn giáo của chúng tôi.
Tôi rùng mình. Mười ngón tay của em bấu chặt vào vai tôi đau buốt. Em kêu lên.
– Bố! Sao bố có thể yêu cầu anh ấy làm việc đó?.
Tôi nhắm mắt, nghiến chặt răng. Hai bàn tay tôi nắm lại. Cả gian nhà im phăng phắc nghe rõ cả tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ. Tôi từ từ mở mắt ra, nhìn thẳng vào mặt bố em và lắc đầu.
– Thưa bác, điều này thì không thể được.Cháu có thể hi sinh công danh, sự nghiệp vì con gái bác nhưng không thể từ bỏ lý tưởng của mình. Cháu xin lỗi
Tôi đứng dậy, quay lại em, cầm lấy tay em và nói với em giọng trầm trầm
– Hãy tha thứ cho anh. Anh không thể….
Giọng tôi nghẹn lại. Tôi đau dớn nhìn hai hàng nước mắt em từ từ trào ra rồi lăn dài trên má.
– Em không trách anh. Em yêu anh. Mãi mãi. Đừng từ bỏ lí tưởng của mình
Giọng em ngắt quãng bởi những tiếng nấc cứ chực trào ra. Nói xong em
bỏ chạy.
*
* *
Hai hôm sau, tôi bị gọi gấp về tỉnh làm trưởng ban công tác chuẩn bị cho đại hội đảng của tỉnh ủy. Tôi rời Tiên Sơn mà trong lòng nặng trĩu đau buồn. Tôi tìm gặp em nhưng em tránh mặt. Tôi đến xưởng thêu tìm gặp cô gái đã chỉ chỗ em trốn cho tôi lần trước, gửi cô ta một lá thư cho em. Cô gái cầm lá thư trong tay và nói với tôi với một giọng bùi ngùi.
– Chúng em ai cũng thương cho anh chị. Mấy hôm nay chị ấy sút đi trông thấy. Cả ngày không nói một lời.
Nghe cô gái nói, lòng tôi đau thắt. Tôi đưa cho cô ta số điện thoại và địa chỉ của tôi trên tỉnh và bảo.
– Tôi muốn cô hứa với tôi một điều. Nếu có bất cứ vấn đề gì với cô ta dù là tốt hay xấu cô cũng báo cho tôi biết. Cô hứa chứ?
– Vâng! Em hứa.
Lên tỉnh, công việc bề bộn cứ thế cuốn tôi đi. Tôi cũng ít thời gian để nghĩ đến em nhưng mỗi khi có thời gian ngồi nghĩ lại trong đầu tôi lại vẳng lên tiếng nói đứt quãng của em
– Em không trách anh. Em yêu anh. Mãi mãi. Đừng từ bỏ lí tưởng của mình.
Những lúc như thế tôi ngồi thừ một mình trong căn phòng của mình hàng tiếng đồng hồ. Nỗi đau, nõi nhớ dâng lên cào xé.
Đại hội đảng bộ tỉnh lần ấy tôi được bầu làm Tỉnh ủy viên Thường trực Tỉnh ủy. Sau đại hội đảng, Bí thư Tỉnh ủy gọi tôi lên bảo.
– May cho cậu còn kịp rút chân ra khỏi vụ Tiên sơn. Trông cậu mệt mỏi quá rồi. Cậu nghỉ đi vài ngày.
Tôi nhìn ông ta mà bỗng thấy lòng mình trống rỗng. Ông gọi nỗi đau khổ của tôi là một sự may mắn. Lí tưởng mà tôi đã đánh đổi em để phụng thờ là gì đây? Là để biến mình thành những cái xác vô hồn đang ngọ nguậy trên chiếc ghế bành bảnh chọe kia sao. Trời ơi ! Tôi đánh đổi em lấy một ghế thường trực tỉnh ủy thì gọi là sự may mắn. Còn Phật Tổ Người đánh đổi ngai vàng để lấy một chỗ dưới gốc cây bồ đề thì được gọi là gì?
Hoang mang, chán nản, trống rỗng và mỏi mệt, tôi quay về Tiên Sơn. Tôi bước đi vô thức và lúc tôi ngẩng măt lên nhìn thì ra tôi đang đứng trước cửa nhà thờ. Tôi bước vào trong nhà thờ. Chiều nhập nhoạng. Nhà thờ vắng lặng. Tít tận phía trên cùng, ngay dưới chân tượng đức mẹ một người đang quỳ ngửa mặt chắc đang khẩn nguyện một điều gì. Tôi đi lên phía trên. Tôi cũng muốn thắp một cây nến để nguyện cầu cho em. Lên gần đến nơi tôi mới nhận ra người đang quỳ dưới chân đức mẹ kia chính là em. Con tim tôi chùng xuống. Tôi nhẹ nhàng quỳ xuống phía sau em. Em chắp tay, ngửa mặt đăm đăm nhìn lên tượng đức mẹ.
– Con xin Người tha thứ cho tội lỗi mà con sắp làm.
Cả người tôi lạnh buốt. Em sắp làm điều gì? Trời ơi! Điều em sắp làm chắc phải khủng khiếp lắm nên em mới đến đây xin Người tha thứ trước. Hay là…Tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp
– Con xin người làm cho tâm hồn đau khổ của em được bằng an Đức mẹ! Con cầu xin người hãy dẫn dắt đứa con gái của người tránh xa những lầm lỗi mà em sắp phạm phải. Nếu được thế con xin nguyện suốt đời phụng thờ người trong tâm tưởng.
Tôi nói to lời nguyện cầu của mình. Em giật mình quay lại. Hai chúng tôi cúi đầu làm dấu thánh và đứng lên.
– Anh về từ bao giờ ?
Em hỏi tôi giọng bình thản. Nghe cái giọng bình thản của em, một linh cảm không rõ nét trỗi dậy trong lòng tôi
– Anh vừa về đến đây. Em không được khỏe à? Trông em dạo này tiều tụy quá
– Còn anh thì già quá. Tóc anh có sợi bạc rồi kia kìa. Anh nên lấy vợ đi
Em nói nhỏ, Vừa nói em vừa đưa tay lên mái tóc của tôi, nhổ mấy sợi tóc bạc. Tôi cầm lấy tay em. Em để im tay mình trong tay tôi.
– Em hãy lên tỉnh cùng với anh. Em có quyền tự quyết định cuộc đời mình mà.
Em nhìn tôi lặng lẽ
– Em không trách anh vì đã không từ bỏ lí tưởng của mình vậy anh cũng đừng bắt em phải từ bỏ lí tưởng của em. Thôi! em về đây.
Em quay người bước đi. Đi được mấy bước đột nhiên em dừng lại.
-À !Nếu em có việc muốn cầu xin anh thì anh sẽ làm chứ?
– Anh sẽ làm dù cho đó là việc gì.
Tôi nói ngay. Em đăm đăm nhìn tôi một lúc rồi mới nói
– Em muốn anh thề trước tượng Đức mẹ.
Tôi đi đến bên tượng đức mẹ châm một cây nến, quỳ xuống chắp tay
– Trước đức mẹ linh thiêng , con xin thề con sẽ làm tất cả những điều mà em muốn. Nếu…
Tôi định thề độc nhưng em đã vội vàng lấy tay bịt miệng tôi lại.
– Em không cần anh thề độc. Anh thề độc ngộ nhỡ nó ứng nghiệm thì em yên lòng được sao?
Em nhìn tôi nói nhỏ. Ánh mắt em có một ngọn lửa lạ lắm đang dữ dội cháy ở bên trong.
Sau lần gặp em ở nhà thờ, tôi luôn sống trong trạng thái bất an. Tôi linh cảm thấy sẽ có một điều gì hệ trọng lắm sắp xảy ra và rồi tôi nhận được tin em sắp lấy chồng. Hóa ra linh cảm đã không đánh lừa tôi. Tôi hoàn toàn sụp đổ. Tôi vốn vẫn mong rằng, thời gian sẽ làm cho gia đình em thay đổi. Tôi yêu em. Tôi mãi mãi yêu em. Chúa ơi! Sao người thử thách con khắc nghiệt vậy. Đêm hôm ấy, tôi lang thang suốt đêm trong thành phố.
Chiều hôm sau, tôi đi làm về đã thấy em đứng đợi trước cửa nhà. Thấy em tim tôi nhói buốt. Chắc em đến để đưa thiếp mời. Thấy tôi về, em tươi tỉnh hỏi, nét mặt như không hề có chuyện gì xảy ra.
– Sao anh về muộn thế làm em đợi mãi.
Tôi trả lời em với một ánh mắt âm thầm.
– Anh buồn nên ngồi uống mấy chén rượu.
Em lảng tránh ánh mắt của tôi, Tôi mở cửa, chúng tôi vào trong nhà. Trong nhà bừa bãi , bẩn thỉu. Những ngày này, tôi chẳng thiết tha với điều gì cả.. Đi làm về , ra quán ăn một cái gì đó, làm mấy chén rượu cho đến say bí tỷ rồi lê lết về nhà nằm vật ra giường để cùng với cơn say gặm nhấm nỗi buồn nên đâu còn để ý dọn dẹp nhà cửa. Em nhìn quanh gian phòng rồi nhìn tôi. Một cái nhìn lặng lẽ. Em bỏ túi xuống và cầm lấy cái chổi. Chỉ một loáng sau căn phòng đã gọn ghẽ hẳn. Em đi sang phòng bếp,một lúc sau tiếng em từ trong ấy vọng ra
– Gạo anh để ở đâu?
Tôi đi vào trong bếp. Căn bếp đã sáng bóng. Em đang đun một nồi gì đó trên bếp ga.
– Em nấu làm gì. Để anh đưa em ra cửa hàng.
Em nhìn vào mắt tôi, cái nhìn thăm thẳm, chất chứa bao nhiêu điều muốn nói
– Em muốn anh ăn một bữa cơm do chính tay em nấu.
Một lúc sau, mâm cơm được dọn lên. Một mâm cơm khá thịnh soạn Không khí trong nhà đầm ấm hẳn. Em mở tủ lạnh
– Nhà không có rượu hả anh?
– Trong tủ lạnh có bia đấy
– Không được! Anh đi mua cho em hai chén rượu.
Tôi chạy đi mua rượu. Em rót rượu ra chén.
– Anh ngồi xuống đây. –Vừa nói em vừa kéo cái ghế cạnh em. Tôi ngồi xuống. em đưa chén rượu cho tôi. Chén rượu của em rót có một tý.- Em không biết uống rượu
– Để anh đi lấy bia cho em.
Tôi nói rồi đứng dậy định ra chỗ tủ lạnh lấy bia cho em nhưng em đã ngăn tôi lại
– Không được anh ạ. Phải dùng rượu mới hợp lễ. Nào ta cạn chén
Chúng tôi cạn chén. Mặt em đỏ hồng. Mắt em lóng lánh. Em gắp thức ăn vào bát cho tôi. Tôi sống trong cảm giác của một người chồng đang được người vợ hiền chăm sóc. Cả buổi tối hôm đó, hai chúng tôi ai cũng tránh không nói đến hiện tại. đến khoảng hơn mười một giờ em bảo tôi
-T hôi đi ngủ đi anh. Muộn rồi
– Em ngủ ở đây để anh ra ngoài phòng khách.
Tôi đứng dậy cầm cái gối định ra ngoài thì em giữ tôi lại
– Anh.
– Gì em?
Em nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong con mắt em, một ngọn lửa dữ dội bùng lên trùm lấy toàn thân tôi thiêu đốt
– Đêm nay em muốn làm vợ anh.
Một cảm giác lạnh buốt làm đông cứng tủy sống . Người tôi đờ ra. Em tiến lại ôm lấy tôi.
– Em muốn làm vợ anh một đêm. Chỉ một đêm thôi.
Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Em đã chuẩn bị cho đêm nay từ rất lâu rồi. Tôi gỡ tay em ra.
– Em đừng làm thế. Anh chịu đựng được. Hãy tha thứ cho anh. Anh không thể.
Nói rồi tôi cầm cái gối cúi đầu bước ra cửa.
– Anh hãy đứng lại – Tiếng em đanh, gằn. Tôi đứng lại, quay lại nhìn em – Anh có nhớ anh đã hứa gì trước tượng Đức mẹ không? Đây là điều em khẩn cầu ở anh.
Tôi choáng váng phải dựa vào cánh cửa cho khỏi ngã.
Sáng sớm hôm sau, tôi tỉnh dậy thì em đã đi từ lúc nào. Trên bàn, em để lại một lá thư đặt trên một mảnh lụa trắng. Tôi dở lá thư ra đọc.
Anh!
Được dọn dẹp nhà cửa cho anh, được nấu cho anh ăn một bữa cơm và được làm vợ anh một đêm thế là em đã mãn nguyện lắm rồi. Anh hãy quên em đi!
Bức thư không có chữ ký. Tôi mở miếng lụa trắng. Một vết máu đỏ tươi. Tôi ôm mặt.
Hai tuần sau, một buổi sáng tôi đang họp thhường trực tỉnh ủy thì có điện thoại. Tôi mở máy. Giọng cô gái mà tôi nhờ báo tin hoảng hốt
– Anh về ngay nhà thờ Tiên Sơn. Chị ấy tự tử rồi.
Chiếc điện thoại rời khỏi tay tôi rơi xuống đất. Tôi lao ra khỏi phòng họp phóng như điên dại về nhà thờ Tiên Sơn. Nhà thờ đang đông nghẹt người. Tiếng chuông nhà thờ đánh từng hồi.. Thấy tôi, mọi người im lặng dãn ra tạo thành một lối thẳng đến chỗ em nằm. Tôi đi thẳng đến chỗ em. Quan tài chưa đóng nắp. Tôi cúi xuống đặt lên môi em một nụ hôn và thì thầm
– Em ơi! Sao em phải khổ thế.
Lời tôi vừa dứt, từ miệng em, một dòng máu từ từ ứa ra. Tôi nâng em ra khỏi quan tài. Bế em trên tay bước từng bước đến chỗ tượng đức chúa. Tôi quỳ xuống, hai tay nâng em lên cao khỏi đầu hướng về bức tượng
– Chúa ơi! Con xin dâng Người tình yêu của con. Con xin dâng Người máu của em.
Đức Chúa! Chúng con tha thứ cho tất cả.
N.T.D.