Làm sao nhận ra “chất Hải Phòng” trong tác phẩm của Văn Cao

Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923, mất năm 1995, tại Hà Nội. Với tài năng thiên bẩm, đa dạng, độc đáo, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc – hội họa – thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt, hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Ông sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, bắt đầu sự nghiệp sáng tác ở Hải Phòng, vậy chúng ta hãy cùng đi tìm cái “chất Hải Phòng” trong tác phẩm của ông.

  1. Có một lịch sử hình thành, đấu tranh và phát triển của Hải Phòng qua trường ca Những người trên cửa biển”

Văn Cao viết trường ca “Những người trên cửa biển” vào mùa Xuân 1956. Xuất hiện lần đầu trong tập thơ Cửa biển do Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành tháng 10/1956, “Cửa biển” trong tên của trường ca cũng được lấy làm tên đại diện cho tập thơ in chung cùng Hoàng Cầm, Trần Dần và Lê Đạt. Chỉ 2 năm sau khi từ chiến khu trở về, tình yêu đất nước, khát vọng cống hiến, những trăn trở, băn khoăn… mang ý nghĩa lãng mạn cách mạng cũng như mong muốn đổi mới, cách tân thơ ca đã cùng hội tụ trong ý tưởng và tác phẩm của 4 nhà thơ ở tập “Cửa biển” này.

Có lẽ đây là lần đầu trong văn học Việt Nam, Hải Phòng xuất hiện với tên gọi gần gũi là Cửa biển. Kể từ đó về sau, “Cửa biển” được người miền Bắc nhớ về Hải Phòng bên cạnh những tên gọi quen thuộc khác như Thành phố Cảng, Thành phố công nghiệp hoặc Thành phố Hoa phượng đỏ… Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng có tờ tạp chí xuất bản số đầu tiên năm 1966 cũng mang tên Cửa biển. Với thể thơ tự do nhưng ngồn ngộn hình ảnh, nhạc tính, trường ca “Những người trên cửa biển” như là sử thi về quá trình hình thành và phát triển của Hải Phòng đến khi được tiếp quản ngày 13/5/1955.

Vốn là đô thị trẻ, đến nay, Hải Phòng vẫn chưa chọn được ngày thành lập. Có ý kiến cho rằng nên chọn một trong ba dấu mốc: Ngày 15/3/1874, Triều đình Nhà Nguyễn ký hiệp ước Giáp Tuất đồng ý cho Pháp mở cửa Ninh Hải, cũng chính là lý do để khai sinh ra Cảng Hải Phòng và thành phố Hải Phòng; hay lấy ngày Cảng Hải Phòng chính thức được tuyên bố mở cửa thương mại ra nước ngoài (15/09/1875); hoặc ngày 19/7/1888 Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập các ủy ban thành phố của Hà Nội và Hải Phòng?

Nhưng Văn Cao viết một cách dễ nhớ: “Sinh tôi ra đã có Hải Phòng/ Đầu nhà mới trồng cây mận”. Người ta bỏ qua những mốc lịch sử khô cứng, khó nhớ, mà biết ngay là Hải Phòng khởi thủy từ “Bãi sú bồi thành biến”. Hải Phòng là thành phố công nghiệp bởi “Nhà máy xi măng đã dựng bên sông” – nhà máy sản xuất xi măng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Dương được người Pháp xây dựng năm 1899 trên vùng đất ngã ba Sông Cấm và Kênh đào Hạ Lý.

Cùng với sự ra đời của Nhà máy xi măng, Cảng Hải Phòng, Nhà máy Tơ, Nhà máy Điện, những người không ruộng đất ở nông thôn Bắc Bộ, dân nghèo Hải Phòng… chạy vào các công trường, nhà máy, bến cảng để tìm kế sinh nhai. Giai cấp công nhân Hải Phòng là tập hợp những con người xuất thân là nông dân, quần tụ về đây làm phu phen, bốc vác: “Sáng trưa u ú còi tầm/Đêm dài nghe mưa dầm dãi/Tôi không có quê hương/Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam Phủ Lý/ Như Nam Định/ Ruộng đất mênh mông trong tiếng hát/Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu”.  

Thơ ông là biên niên sử về vùng đất và con người cửa biển, đó là “Cồn đất lầy um tùm cây cỏ dại/Nổi lên một thành phố/ Ngọn khói đùn lên đứng sững chân trời/ Người dân thành phố/ Mồ hôi còn nước mặn phù sa/ Dầu mỡ bụi than/ Sống như muối đọng lấy bờ lấy bãi/ Sống chắt chiu đùm bọc yêu thương/ Che chở nắng mưa đỡ đần buổi gạo/ Đoàn thuyền nát buộc vào nhau ngày bão…/ Bạn bè quen thuộc/ Các giống người/ Từ chân trời bốn phương đi lại…”. Trong thơ Văn Cao, ngay từ những ngày đầu về với đô thị, người Hải Phòng đã rộng rãi, khoáng đạt.

Hoa kiều là một trong những lực lượng lao động và buôn bán quan trọng ở Hải Phòng. Sau cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc), một số những nhà cải cách bị săn đuổi khỏi Vân Nam đã đổ bộ vào Bắc Kỳ. Có thời, họ đụng độ đẫm máu với quân đội Pháp. Điều này ám ảnh tuổi thơ Văn Cao đến mức ông đã viết “Có năm người ta đánh Hoa kiều/ Bạn cha tôi về chết bên cây mận”.

Ba khổ đầu thuộc chương I “Ai biết Hải Phòng là đâu”, ta thấy hiện lên một Hải Phòng cùng khổ với 90% là công nhân bốc vác nghèo đói “Buồn của những ngày bếp không đỏ lửa/ Những ngày cửa biển vắng tàu/ Những ngày kho hàng trống rỗng/ Những con người cuối cùng tàn phố/ Như những vỏ thùng dầu/ Những đống than lò tắt lửa”.  

Trong trường ca, những khúc bi tráng của thành phố cửa biển. có “Những ngày biển động”, Văn Cao đi làm cách mạng: “Tôi nhớ lại đôi mắt từng đồng chí/ Nhìn lại thềm nhà lỗ chỗ vết giọt gianh…/ Những đêm chia tay hành động/ Chúng tôi nhớ hết những bàn tay/ Những bàn tay sần sùi của đồng chí thợ rèn/ Những bàn tay run run của đồng chí thợ điện/ Những bàn tay rắn chắc của Com-ben/ Những bàn tay ram ráp của Xi-măng”.

Đan xen trong chương II “Tình yêu và khát vọng”, hình ảnh đẹp đẽ của miền cửa biển Hải Phòng với sao trời như một niềm hy vọng đi theo suốt chặng đường trưởng thành của Văn Cao sau này: “Tôi hay ngủ trên cầu sương/ Nửa đêm thức giấc/ Thấy mình bay cùng tinh tú/ Ngày đến lòng tôi xếp cánh/ Sao chim sao bướm lại bay lên/ Tất cả tình yêu khát khao hi vọng/ Bốc lên trong lòng/ Rơi xuống những giọt nước mắt/ Có tuổi thanh niên/ Như cây mùa xuân mới mọc”

Với trường ca này, Văn Cao cho ta thấy Hải Phòng trong kháng chiến chống Pháp, Hải Phòng trong 300 ngày chờ tiếp quản giải giáp vũ khí của quân Pháp, Hải Phòng từ trong bão gió mà đi đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc: “Xưa ai hay hoa phượng mọc bên đường là đẹp / Hôm nay hoa đổ vào mắt kính ống quay phim/ Tờ báo đầu tiên tả chuyện mùi hoa / Màu phượng làm duyên đầu câu thơ mới/ Chúng ta đi mang tâm hồn đứa trẻ/ Mới trông thấy nhà thấy đèn thấy phố thấy người đi/Ngày giải phóng những tiếng nổ chào mừng”. Hóa ra, Văn Cao cũng là người đã viết về Hải Phòng và màu hoa phượng rất sớm như thế đấy.

Như một câu nói vui “Hải Phòng là không lòng vòng”, Văn Cao thẳng thắn với tình yêu Hải Phòng. Đã có ai yêu Hải Phòng đến thế chưa? Trong ông Hải Phòng hiện lên bóng khói nguy nga…/Hải Phòng đón tất cả…/Hải Phòng mở ra biển lớn…/ Hải Phòng dựng lên âm nhạc…/Hải Phòng dựng lên hội họa…/ Hải Phòng đã dựng lên thơ…”.

16 khổ thơ, 4 chương trong trường ca “Những người trên cửa biển”, Văn Cao cho ta thấy “chất Hải Phòng” trong tâm tưởng “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”.

  1. Một Hải Phòng lãng mạn và đầy chất thơ trong sáng tác của Văn Cao

          Ở trường ca “Những người trên cửa biển”, con người cách mạng Văn Cao khi nhìn về cuộc sống mới cũng đã phá cách, khác biệt. Ông bao dung và thoát ra khỏi thói lề xưa cũ, quan niệm về tình yêu thật mới mẻ: “Mát hai vai dưới rặng cây bóng lá/ Đôi lứa thanh niên đến tự tình/ Những đôi chân trắng ngần trên cỏ/ Những ngón tay quấn quít/ Hết từng mùa trăng dài/ Im lặng/ Đêm tắt đi tiếng ồn ào náo động/ Cho đôi lứa yêu nhau / Những giờ phút ngày xưa chưa có/ Những cái hôn luôn mới/ Cái hôn đầu tiên..”. 

Có lẽ ám ảnh từ thời “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, nhiều năm qua, người ta mặc nhiên coi Hải Phòng như một thành phố thợ thuyền, bụi bặm. Người dân Hải Phòng bị thêu dệt những câu chuyện ly kỳ về máu “anh chị”, “xã hội đen” sau hàng loạt những vụ án triệt phá các băng nhóm Dung “Hà”, “Cu Nên”, “Lâm già”, “Giới trâu”.. Hồi chống Mỹ và những năm đầu của thời kỳ đổi mới (sau 1986), các tác giả nổi tiếng của Hải Phòng hay được gán mác “nhà thơ, nhà văn công nhân”, dù họ thực sự là những cây bút tài hoa không chỉ viết về đề tài công nhân, có nhiều người trong đó biên độ mở rộng ra cả thế giới. Quan niệm trọn vẹn ấy đi vào thơ nhạc. Chính vì thế, có những người Hải Phòng đầy chất văn hóa thì lại hơi “dị ứng” với tuyên ngôn “Tôi người Hải Phòng, ăn sóng nói gió quanh năm… chân chất, thật thà…”. Đến nay, có nhiều tác giả vẫn giữ nguyên quan niệm sáng tác về Hải Phòng trong cái xù xì, thô ráp, mộc mạc như thế. Họ không khai thác chất văn hóa, tri thức và hào hoa của Hải Phòng.

Tuy nhiên, Hải Phòng bây giờ, trong con mắt nhiều người thực chất là một thành phố đáng sống bởi sự an toàn và thân thiện về môi trường và bối cảnh xã hội, một thành phố công nghệ cao, không kẹt xe, không tắc đường, con người hiền hòa và mặn mòi như biển. Có một nhạc sĩ đã nói rằng người ta không được chọn nơi sinh ra, nhưng có thể chọn nơi để chết, và tôi muốn sau này về chết ở Hải Phòng “Thành phố chốn tôi sinh và sẽ trở về. Về giữa vòng tay người để chết, Hải Phòng ơi”.

Cái “chất Hải Phòng” đắm say, hào hoa, lãng mạn, ta có thể tìm thấy từ những năm 40 của thế kỷ trước qua hàng loạt những ca khúc hay nhất của Văn Cao viết tại Hải Phòng hoặc hoàn thiện tại Hải Phòng như Bến Xuân (1942), Trương Chi (1942), Thiên Thai (1944)…

Thông tin về hoàn cảnh ra đời những tác phầm của Văn Cao, chúng ta có thể tìm rất nhiều trên Internet. Ví như, với Thiên Thai, theo chia sẻ của nhạc sĩ Trương Quang Lục trên Báo Sài Gòn giải phòng thì “Ca khúc Thiên Thai nguyên là bài Trên sông Hương được ông sáng tác tại Sài Gòn, từng đem ra trình diễn nhưng không thành công. Năm 1941, khi trở lại Hải Phòng, ông sửa chữa lại cả nhạc lẫn lời và đặt tên là Thiên Thai”. Văn Cao còn cho biết “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cảng Hải Phòng, nên sông nước là hình ảnh tôi vô cùng yêu thích. Nhiều sáng tác của tôi, đặc biệt là bài Suối mơ, sông nước đã trở thành hình tượng chính trong giai điệu và lời ca…”.

Trong suốt cả thời thanh xuân của mình, mặc dù có thể là hát khá hay ca khúc “Bến Xuân” của Văn Cao, gần đây tôi mới biết rằng Bến Xuân – Bến đò Rừng, nơi bây giờ đang có một cây cầu tên là Bến Rừng trị giá gần 2000 tỷ đồng nối Hải Phòng với Quảng Ninh, xưa kia khi nàng thơ Hoàng Oanh đến thăm rồi “theo chồng bỏ cuộc chơi”, thì sau đó Văn Cao đã viết những dòng ca từ lung linh đẹp đẽ “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần/ Bao lũ chim rừng/ Họp đàn trên khắp bến xuân”. Riêng với “Bến xuân”, tôi lại phỏng đoán rằng, có lẽ Văn Cao viết ca khúc này ở Bến Bính, bời gia đình ông sống ở đó, trong khi Bến Rừng cách xa hơn 20 km. Nhưng Bến Rừng gắn với chất sử thi của Bạch Đằng Giang, vùng này núi sông bát ngát như lời hát “Rừng mênh mông che lấp kín non xanh. Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân…” mới thật sự tạo ra sự lãng mạn, huyền hoặc, nên Văn Cao lấy địa danh này cho bài hát của mình chăng?

Trở lại với hình ảnh sông nước, trời mây và biển ào ạt gió của Văn Cao, ta thấy ông yêu Hải Phòng nhiều mây nhiều nước/ Mênh mông bốn phía chân trời/ Có mùa nhạn bay ra biển/ Chim yến từ biển bay về”. Chính vì vậy, khát vọng sáng tạo trong ông đã được thăng hoa từ những cảm xúc nuôi dưỡng và vun đắp ở một Hải Phòng kiêu hùng, cởi mở và thật là thơ mộng: “Tôi giờ đây liếm môi nóng bỏng/ Nhìn ra biển bao la / Lòng hãy còn nhiều khát vọng/ Còn rất nhiều khát vọng/ Biến thành người khổng lồ kêu khát suốt ngày đêm/ Suốt ngày đêm kêu khát/ Những ngọn sóng trên cát khô sủi bọt/ Ngày đêm/ Mãi mãi / Dưới chân tôi / Nước ngọt của ngàn sông/ Bao giờ đổ đầy lòng biển”.

Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ XX nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, nhọc nhằn nhưng vượt lên tất cả, lối sống khiêm nhường, bình dị, nhẫn nhịn, tình yêu thương, trân trọng con người, cỏ cây, phố xá, làng quê, đất nước đã giúp ông vượt lên nỗi đau, luôn đồng hành cùng dân tộc, nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ. Bằng tài năng thiên bẩm, sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã cống hiến to lớn cho nền văn hóa, văn nghệ ở cả âm nhạc, thơ ca và hội họa. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Huế, Đà Nẵng…

 

Hải Phòng, tháng 10/2023

Vũ Thúy Hồng

Hội Nhà văn Hải Phòng

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder