Gần nhà tôi có một lão say. Hình ảnh say xỉn của lão đã xuất hiện trong tiềm thức của tôi từ khi còn nhỏ xíu. Mười mấy năm rồi, lão vẫn vậy, hoặc thảm hơn. Người làng rủa lão sao uống rượu thay nước mấy chục năm vậy mà không chết sớm, lại ngày càng uống khỏe như trâu.
Có lẽ một trong những kiếp người khiến tôi thương cảm và bị ám ảnh nhất đó là người say. Người ta thường khinh miệt và ghét người say. Bởi khi say thì rượu nói, rượu chửi, mông lung vô hồn thức, phơi trần hết những thớ bậy rạc, nhớp nhơ trong một tấm thân nhũn oặt. Tôi vốn tởm cái mùi rượu khi lạm dụng quá đà, nó hăng hăng, lờm lợm như mùi hồng xiêm thối. Vậy mà tôi chẳng ghét nổi người say, chỉ thương, hoặc sợ họ. Phải dấn thân làm nô lệ cho một thứ tước đoạt cái tinh hồn, hủy hoại cả thể chất, đó phải chăng là một chướng nghiệp buồn.
Gần nhà tôi có một lão say. Hình ảnh say xỉn của lão đã xuất hiện trong tiềm thức của tôi từ khi còn nhỏ xíu. Mười mấy năm rồi, lão vẫn vậy, hoặc thảm hơn. Người làng rủa lão sao uống rượu thay nước mấy chục năm vậy mà không chết sớm, lại ngày càng uống khỏe như trâu. Lão say cũng chẳng quấy nhiễu hay làm hại ai, nhưng hình ảnh lão bước đi khật khưỡng xiêu vẹo từ đầu làng đến cuối làng trong bộ mặt đang thay da đổi thịt tươi ngời ngợi của chòm thôn đã dần trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Lão chẳng khi nào động chọc đến người đời, nhưng men say khiến gia đình lão chẳng mấy khi cơm lành canh ngọt. Ngày tôi còn bé, cứ mỗi buổi chiều tối lại nghe những thanh âm như một điệp khúc đến quen tai: tiếng hai vợ chồng lão chửi nhau, tiếng hét, rồi tiếng mâm cơm bị hất văng ra ngoài sân loảng xoảng, chát chúa đến ghê người. Mới đầu làng xóm còn xúm đen xúm đỏ lại can ngăn hai vợ chồng lão, ra điều thương cảm. Sau đó họ nhàm dần, vì những chuyện đó xảy ra trong nhà lão như cơm bữa, có khi không thấy động tĩnh gì họ lại thấy lạ, thấy “nhớ”, rồi đi dạo dò la:
Quái lạ, hôm nay không được nghe ca “trù chừi” của vợ chồng nhà Tĩnh nhỉ.
Hồi ấy tôi cũng vậy. Chiều chiều tôi lại ra hóng xem vợ chồng lão chửi nhau những gì. Ông bà ông vải hai bên họ từ sâu dưới mồ bị xới tung lên hết làm bia đỡ chửi, chắc họ cũng chẳng có lấy một giấc ngủ thiên thu. Tôi cứ hóng đủ các chuyện rồi lại ôm bụng cười ngặt nghẽo, rồi nói giễu đủ kiểu. Hôm nào thấy “sóng yên bể lặng”, tôi tiu nghỉu, thấy ngày trôi đi nhạt thếch chẳng đọng lại dư vị gì. Từ nhỏ mà tôi đã có thói xấu ấy. Hình như con người ta rất thích thú khi chứng kiến cảnh người khác thảm hơn mình, kỳ quặc hơn mình, vì khi ấy nó lừa lọc con người ta bằng một cảm giác tự mãn rằng mình đang hơn họ, hơn rất nhiều… Nhưng hồi ấy thì tôi đâu ý thức được việc phải đặt mình trong hoàn cảnh của những con người ấy. Tôi cứ nghiễm nhiên là được sinh ra với cơ thể lành lặn, cuộc sống đủ đầy hơn, trí não nhận thức được. Để rồi khi lớn lên, khi mà bước chân tôi phải dẫm lên thêm những con đường bùn đất, mắt tôi buộc phải phóng xa thêm chút tầm nhìn, tôi mới nhận ra mình nhỏ bé và ngốc nghếch đến nhường nào!
Đến giờ lão ấy vẫn say. Nhưng tôi đã biết nhìn lão thương cảm. Lão bị con ma men khát giục, ngày càng uống nhiều, bụng lão trương phồng trong một thể trạng gầy nhẳng. Trong khi xóm làng đã lần lượt dựng, sửa được nhà khang trang thì nhà lão vẫn xập xệ như mãi đứng lì với thử thách thời gian. Cánh cửa được ghép bằng mấy miếng gỗ vụn chắp vá lại, người ta không gọi là cửa, mà chỉ là “tấm che”. Chiều tối vẫn thấy tiếng chửi vọng lại bên phía nhà lão, nhưng chỉ thấy tiếng vợ lão. Vợ lão có lẽ cũng thuộc làu bài chửi qua mấy chục năm rồi, chửi ra bài ra bản. Lâu lắm rồi tôi cũng chẳng nghe thấy tiếng lão, có lẽ rượu đã bão hòa trong tấm thân tàn tạ ấy, chẳng thể tỉnh cất lời chửi được nữa.
Trước đây nhà lão nấu rượu, không có tiền vẫn có rượu uống. Vợ lão phẫn uất bỏ đi làm công nhân, không ở nhà nấu rượu nuôi lợn nữa. Lão đành phải chôm tiền vợ đi mua rượu. Có lần vợ lão bắt được, dùng gậy đánh lão, đay nghiến lão:
Xem mày còn dám nữa không? Xem mày còn dám nữa không?
Lão nằm cò quăm trên nền sân. Lúc ấy tôi có cảm giác lão không giống một con người, cảm giác họ không giống vợ chồng. Khác với ngày xưa, giờ tôi rất sợ nhìn những cảnh cãi vã, đánh lộn này. Vì tôi sợ phải chứng kiến những đổ vỡ hay hệ lụy của sự rạn nứt tình cảm khi ý thức của tôi đã đã ngày một thấm nhuần hơn.
Khi bị vợ quản chặt tiền, trong cơn thèm rượu, gã thậm chí lấy từng cái đĩa CD của cậu con trai – thứ duy nhất trong nhà vợ lão không để ý đến – đem bán cho bà đồng nát. Không hiểu họ mua làm gì nhưng cũng trả lão vài đồng bạc thỏa cơn thèm. Nhà tôi cổng cứ khóa im ỉm cả ngày dù có người ở nhà, sợ lão đến chôm đồ, hay xin tiền mua rượu. Thực tế thì lão chưa chôm đồ nhà khác bao giờ, nhưng xin tiền thì có. Thấy nhà nào có người, cổng mở là lão vào xin xỏ. Xóm làng dần xa lánh lão. Người ta cũng dần lãnh đạm với lão. Một lần lão say bí tỉ, ngã ngay rìa mương bất tỉnh nhân sự. Nhiều người nhìn thấy nhưng không ai rước lão về, chỉ qua thông báo với vợ lão một cách bâng quơ:
Chồng mày nằm chết vật ở bờ mương kia kìa. Ra mà vác xác lão về.
Vợ lão nghe thấy vậy hốt hoảng chạy ra, vừa chửi đổng, vừa mếu máo khóc lóc. Tôi nghe thấy cũng bủn rủn chân tay chạy theo. Lão nằm oặt dưới bờ mương, những vết xước trên trán bắt đầu rỉ máu, môi lão đã tím bợt. Ai cũng tưởng lão chết rồi. Vợ lão khóc gào thảm thiết, thôn xóm lại xì xầm. Có người cười khẩy mừng ngày lão “đến vận”. Ấy vậy mà chỉ một lúc sau lão bừng tỉnh, trợn mở đôi mắt vô hồn cười ha hả khiến ai nấy đều hoảng sợ. Quả thật, lão như vướng vào kiếp rượu đày, bắt phải dai dẳng sống những ngày vô thức.
Xóm trên có một mụ hấp đã ngoại tứ tuần không chồng bỗng dưng có chửa. Gia đình mụ sốt sắng khảo tra xem ai là chủ nhân của cái cục nợ đang lớn dần trong người mụ. Gia cảnh mụ đã nghèo túng, mụ lại hâm hâm dở dở không làm gì ra hồn nên người nhà mụ vừa tức vừa sợ cái bào thai chào đời lại kéo trĩu nỗi mưu sinh của cả gia đình, nhất là khi nó không có bố.
Mày có khai thật ra không? “Nó” là của ai? Đích danh ngay! Không nói cả nhà sẽ cho hai mẹ con mày ra ngoài đường! – Chị dâu mụ hét lên.
Của…củ…a…không nhớ…à…của…thằng sa…y!- Mụ hấp lắp bắp.
“Lời thú” của mụ hấp đã khiến dân làng được một phen xôn xao. Gia đình mụ xúm đến đánh, chửi lão say thậm tệ. Vợ lão cũng hăng máu nhào vào cho hắn vài cái phát đen đét. Mụ hấp đứng ngoài thấy cảnh trên rúc rích cười thích thú, vỗ tay trỏ trỏ vào đám đông đang vây kín lão:
Cho mày chết. Cho mày chết. Quân hoang dâm. Hô hô hô hô. Đã quá hô hô!!!
Người làng thấy mụ vậy ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Có người ngoe nguẩy đi về, miệng tủm tỉm như đã thỏa cơn hóng hớt. Tôi thấy lòng nghẹn lại. Bỗng dưng tôi sợ một ngày mình không còn nhận thức, đó sẽ là khoảng thời gian kinh hoàng nhất của một đời người…
Ngày cưới của tôi, lão say thẩn thơ ngồi phục trước cổng nhà tôi hóng người cho rượu. Lão ngày càng gầy mòn. Người nhà tôi mang đưa lão một bịch xôi gà to nhưng lão nhất quyết lắc đầu. Đến khi đám rước dâu ra đến cổng, mọi người sợ hình ảnh lão làm mất vui trong ngày cưới nên đã mang cho lão một tút rượu ngon đầy, mong lão đi khuất. Lão phấn chấn quơ vội bình rượu, sung sướng dõi theo bước chân tôi lên xe hoa:
Cô dâu đẹp…cô dâu tung hoa…nhộn quá cha cha!!!
Tôi nhìn lão mỉm cười. Một cảm giác thật lạ. Hình như ngoài vẻ lệ thuộc hoàn toàn vào ma rượu, lão cũng chỉ giống một đứa trẻ không hiểu sự đời, không có nổi một ý niệm xấu nào trong trí óc mông muội ấy.
Cuối tuần hai vợ chồng tôi về ngoại. Tới đầu làng tôi đã thấy lão bước đi lếch thếch. Tôi thích cái không khí êm ả đến đơn điệu ở thôn làng. Buổi chiều chúng tôi đang vui vẻ sắp bữa bỗng giật mình khi lão đứng trân trân ở ngoài sân từ bao giờ. Lão biết tôi về, lão tưởng sẽ lại có rượu, chìa tay ra xin. Tôi thấy thật sự bối rối, khó xử thế nào. Nhà tôi không ai uống rượu nên không lúc nào có sẵn, mà tôi cũng không muốn rượu tàn phá cơ thể lão thêm nữa. Nhưng thấy lão lên cơn thèm, nhạt miệng hay sao mà khuôn mặt đăm chau đến khốn khổ, tôi lại yếu lòng. Rồi tôi đã quyết định cho lão giống như bố thí cho một người ăn xin. Tôi chẳng nghĩ đúng sai gì hơn, rút đưa lão mười ngàn lẻ, số tiền có thể mua được tàm tạm so với giá rượu lậu bây giờ nhưng chẳng thấm tháp gì so với cái dạ dày khát rượu của lão. Lão nhoẻn cười gật gù bước ra cổng. Bỗng:
Bốp!!!Bốp!!!
Tôi nghe rõ tiếng vợ lão tát lão rồi tru tréo:
Tiền này! Tiền này! Chúng mày tưởng chúng mày có tiền thì vung vương vung vãi được à. Chúng mày thích tiếp mồi cho con ma rượu nó ngày càng sống khỏe à. Về ngay với bà! Còn xin tiền, cho tiền nữa thì liệu hồn đấy!
Tôi buồn bã ra đóng cổng. Bóng lão héo hon bị vợ lôi đi xềnh xệch dần khuất trong buổi chiều đục. Những mảnh tiền bị xé vụn bay lơ thơ trước nền cổng tối…