Ba nhăm năm, ánh mắt của anh không thay đổi, ưu tư, dấu lòng không muốn chia sẻ cùng ai. Tôi nói, anh giấu lòng làm gì, chẳng bao giờ thấy anh tâm sự cho lòng nhẹ bớt, ba nhăm năm rồi vẫn thế. Anh cười nhẹ, chú thay đổi nhiều, ba nhăm năm trước ánh mắt chú thất thần, cái nhìn ngắn, tôi cứ ngỡ không thoát khỏi cuộc chiến.
Ba nhăm năm trước, sau ba tháng huấn luyện dưới xuôi tôi cùng với hơn ba trăm tân binh thành phố Cảng được bàn giao cho mặt trận Vị Xuyên. Đoàn xe chở tân binh lao về phía có tiếng ùng uỳnh như sấm rền trước cơn dông. Rõ dần, nặng dần, tiếng “sấm” không phải vọng từ trên trời xuống mà chồi từ dưới lòng đất lên.
Ổn định tinh thần nửa tháng, chúng tôi được bước qua vạch giới tuyến giữa chiến tranh và hòa bình. Hành quân vào điểm chốt ban đêm. Tiếng roèn roẹt, riu ríu của đạn pháo bay qua đầu như dàn nhạc chiến trận. Tôi cảnh giác nhìn bầu trời tối đen mà bụng thì đau quặn vì lo sợ. Bước chân nhấp nhổm, vấp đá, vướng cây vì mải suy đoán không biết tiếng rít ấy có phải nằm xuống tránh hay không. Tôi tự nhủ, cứ nhìn anh lính cũ nhận quân đi phía trước rồi làm theo. (Sau này quen chiến trận rồi nghĩ lại tự nhạo, nhìn người khác nằm rồi mình mới nằm theo thì đã lĩnh đủ.) Đi vào sâu hơn, tiếng nổ pùng poành đanh hơn, đâu đó gần lắm. Những đường đạn đỏ lừ như đường gạch nối các điểm đen đặc lại với nhau.
Vừa lách mình chui vào cửa hang đá, tôi được đối phương đón chào bằng một quả đạn nổ gần. Đinh tai. Tưởng hang sâu, tôi lao vào trong thì húc phải bức tường đá. Đau điếng. Tiếng nổ oành oành liên hồi, lèn chặt tai, tôi ngồi vo tròn như con sâu. Hang bị lún hay sao ấy, cựa mình phía nào cũng vướng phải đá, tôi ngóng trời mau sáng để nhìn thấy khoảng trống còn duỗi chân.
Cửa hang lấp ló ánh trắng nhợt nhạt. Tiếng nổ thưa hơn, vọng về từ mãi xa. Tôi lần bò ra ngoài. Trước mắt tôi đá trắng hòa loãng màu trời. Nhìn quanh mãi mới thấy vài cọng cỏ, màu xanh thoi thóp thở. Không phải hang lún mà chỉ vừa đủ ba người của tổ tiền tiêu ngồi khom. Một hình nhân như từ vách đá mọc chồi ra trước mặt, tôi sững sờ.
– Lính mới lên đêm qua hả. – Hình nhân cất tiếng khàn khàn.
Tóc cợp gáy, bết thành từng lọn bởi bụi quện với mồ hôi, râu lởm chởm như bàn chải sắt, quần đùi, áo K82 buộc túm trước bụng trắng như bụi đá, đó là hình nhân vừa hỏi tôi. Tôi trân trân nhìn, cứng hàm không nói nổi. Anh ấy hỏi tiếp :
– Thằng Huy đâu ?
Tôi lắc đầu.
Cũng lại một hình nhân nữa chồi ra từ khe đá sau lưng tôi. Đấy là anh. Anh dụi mắt hỏi trống không:
– Sao đêm qua không gọi? Có gì mới không?
– Mày nhận quân về muộn, tao gác cố. Vẫn vu vơ thường ngày.
Vu vơ mà khủng khiếp đến vậy, thế đánh thật thì sao, hang đá chịu nổi? Tôi lo lắng nhìn hai người, nhìn chỗ ăn ở của mình.
Anh Huy nhìn tôi, nói giật giọng :
– Này, đứng lên xem nào ! Đêm qua nhìn không rõ.
Tôi đứng lên nhưng chỉ ở tư thế lom khom vì trần hang chỉ có vậy.
– Này Thanh, chú em này được đấy.
– Đại đội giao đúng người.
Không biết hai anh nói gì về tôi. Anh Thanh lấy từ gờ đá ra khẩu B41 dúi vào tay tôi.
– Bắn B41 chưa?
– Em chưa.
Anh Huy nói :
– Xem qua đi, lúc nào tao dậy. To khỏe như mày bắn B41 được đấy. Thằng Long nhỏ quá, bắn mấy quả không biết là sợ hay sức yếu, run.
– Thôi mày ! – Anh Thanh có vẻ xúc động.
Vài đốm sáng bùng lên lòe lòe bên sườn núi trước mặt. Anh Huy xô tôi ngã dúi vào trong hang. Quầng lửa đỏ rực bùng lên chùm kín cửa hang. Những tiếng nổ kinh hoàng. Vụn đất đá rào rào rơi xuống người. Chùm tiếng nổ vừa dứt, tôi bật dậy lao vào sâu bên trong. Chiến thật rồi. Mắt mờ, tay run, tôi ôm ngực thở.
– DK của nó bắn đấy. – Anh Huy lách vào ngồi xuống cạnh tôi, truyền kinh nghiệm: – Để ý sườn bên kia, thấy chớp sáng phải nằm ngay, pháo bắn thẳng khó tránh lắm, không thấy tiếng đầu nòng, không thấy tiếng rít.
Tôi lay vai anh, run rẩy nói :
– Anh ơi, cho em “bùng” nhá ! Tân binh về đại đội mình có mười tám đứa bây giờ chỉ còn bốn, em sợ lắm !
Anh quay lại nhìn tôi, ánh mắt bần thần, ưu tư :
– Sao dưới kia không “bùng” theo chúng nó. Pháo bắn như mưa, đi thế nào được.
(Sau này tôi có hỏi, sao lúc ấy anh không khuyên em ở lại. Anh cười, ánh mắt ưu tư, không muốn bộc bạch suy nghĩ của mình)
Tiếng nổ bị cô lại đặc quánh, nhận chìm tôi vào trong. Tiếng nổ làm tê liệt cảm giác, tôi không còn cảm nhận được quanh mình đang diễn ra những gì. Hình như có một khoảng lặng, anh lay tôi :
– Này, có khi nó chuẩn bị đánh lên đấy.
– Bao giờ nó đánh hả anh? – Tôi lo lắng hỏi.
– Nhanh thì sáng mai, cũng có khi nó bắn dọn đường mấy ngày.
Tiếng nổ hình như thưa hơn, tôi định thần quan sát nơi trú ẩn. Hình như những tảng đá đã bị xê dịch, có những vết nứt mới thì phải. Pháo cứ bắn thế này một lúc nữa hang sập mất, tôi hoảng. “Bùng” thôi ! Chạy xuống may ra còn có cửa sống. Tôi lân la lách qua hai anh ra phía ngoài, ngóng nhìn bầu trời như thể ngóng trời tạnh mưa chưa. “Tạnh rồi”! Tôi xác định hướng đêm qua mình lên rồi cắm đầu bỏ chạy.
Tôi nghe rõ tiếng gọi thất thanh nhưng tha thiết :
– Hưng ơi! Nghe anh, quay lại đi!
Bước chạy của tôi có chững lại thì phải. Nhưng trời đang “tạnh”. Tôi chạy tiếp. Tiếng gọi tới gần sát sau lưng :
– Dừng lại, hết pháo tao dẫn xuống, lạc vào bãi mình thì chết!
Lúc tôi dừng lại thì cũng là lúc “mưa rào” nặng hơn. Anh Thanh gục xuống ngay cạnh. Tôi bàng hoàng, mặc cho “mưa”, chạy lại hang, hốt hoảng gọi anh Huy cầu cứu :
– Anh ơi! Anh Thanh bị rồi!
Anh nhao qua lưới đạn dữ dội đang chụp xuống. Lúc sau quay lại anh ngồi xuống cạnh tôi, giọng run run, tao giấu xác nó vào khe đá rồi. Ánh mắt anh nhìn ra ngoài ưu tư thêm, sâu hơn.
*
Xuất ngũ, học xong lớp sửa chữa điện tôi được phân về xí nghiệp cảng. Điều bất ngờ nhất, anh là tổ trưởng của tôi. Anh nhập ngũ trước tôi hai năm, lại là biên chế trước khi lên đường, có tay nghề giỏi, khi về được bổ nhiệm luôn làm tổ trưởng. Anh hỏi:
– Ở chốt đến khi ra quân chứ ?
Tôi tự ái :
– Thủ trưởng Ba hỏi thăm anh đấy. Có cần điều tra em dẫn về tận quê anh ấy.
– Đùa thôi. Về làm bí thư chi đoàn thay tao, sắp đại hội rồi.
Tôi chưa tìm được câu đùa nào hợp lý để đáp lời lại thì anh nói luôn, ánh mắt ưu tư, nghiêm nghị :
– Chú tưởng anh đùa à. Làm công tác phong trào anh không hợp, còn chú lười làm chăm chạy phù hợp hơn.
Thằng lười làm chăm chạy là cái tên anh đặt cho tôi khi anh từ quân y viện trở về đơn vị.
*
Ngồi trong hang đá mà tôi cảm thấy như đang phải ngồi trên ca bin xe chật chội, rung lên bần bật như đi trên con đường rải đá hộc. (Sau này ví von thế chứ lúc ấy đầu óc tê dại vì tiếng nổ, mắt quáng vì chớp lửa nghĩ được gì đâu). Nhưng bản năng muốn được sống vẫn níu lại trong tâm thức, tôi len ra ngoài cửa hang ngóng “mưa”. Anh bảo, mày sợ ngồi vào trong, để tao cảnh giới. Tôi nói dấu, để em ngồi ngoài, em không “bùng” đâu. Ánh mắt của anh bớt lo.
“Chóe!”, một tiếng như sắt va vào nhau, nhúm bụi đá tóa lên ngay trước mặt tôi.
Bỗng anh đập vào vai tôi, giục :
– Lấy tao cuộn băng !
Tôi thấy anh ôm đùi, máu chảy qua kẽ tay. Tôi run, không biết lấy cuộn băng ở đâu.
Anh tự băng bó cho mình, bình thản nói :
– Ngưa ngứa gãi, nhìn xuống thấy chẩy máu, chắc là mảnh vừa rồi văng chéo từ chỗ mày vào. Phần mềm, không thấy đau.
Trận đánh bắt đầu lúc bốn giờ sáng. Tiếng súng bộ binh râm ran như cào nát không gian. Anh đâu? Tôi hoảng loạn tìm.
– Hưng ơi! Mang B41 ra, nhanh lên!
Tôi nghe rõ tiếng anh gọi bên ngoài. Tiếng gọi của anh khiến tôi bình tĩnh lại. Tôi quờ tay vớ ngay được khẩu súng, bò ra ngoài. Nhay nháy như chớp dông, tôi không biết mình cần phải làm gì, anh ấy đâu tôi không nhìn thấy.
– Bắn đi !
Những tia lửa văng ra ngay cạnh, tôi nhìn thấy anh.
– Bắn vào đâu? Bắn thế nào anh ơi?
– Đưa đây. Mày bắn RPD đi !
Anh dúi vào tay tôi khẩu trung liên. “Bùng poành !” “Pùng poành !” Những quả đạn B41 đỏ lừ vọt ra. Tiếng B41 liên tục khiến tôi vững tâm hướng nòng súng về phía trước, bóp cò.
Chốt được giữ vững. Đơn vị khác lên thay quân. Anh phải đi quân y viện.
Mặt trận tổ chức buổi tuyên dương trận đánh, tổ tiền tiêu đại diện lên nhận quà của đồng chí tư lệnh. Mọi người giục tôi lên. Tôi đâu có xứng đáng nhưng không lên thì còn có ai nữa, nước mắt tôi muốn trào ra. Tôi sẽ lên để nhận lỗi, để nói về anh Thanh, anh Huy.
– Cậu bắn B41 hả, khỏe lắm, bắn hết hầm đạn gần hai chục quả mà tai không việc gì.
Vừa bước lên sân khấu đã bị tư lệnh nổ liên tục những lời tuyên dương, tôi muốn chui xuống đất để tránh mà không được, muốn thanh minh mà họng bị chẹn tắc.
Hai tháng sau anh về đơn vị, tôi thanh minh việc mình cướp công nhưng anh lại nói, mày lười làm chăm chạy, cho về vận tải phù hợp hơn.
Tôi chuyển sang đơn vị vận tải, còn anh xuất ngũ.
*
Tôi làm bí thư chi đoàn nên ít tập trung vào công việc chuyên môn. Hôm đó, do có cuộc hẹn quan trọng mà anh đi đâu để mình tôi xoay xở với chiếc cần trục bị trục trặc, không biết giải quyết thế nào. Giờ hẹn sắp đến, tôi cho rằng mình đã sửa ngon lành. Vừa lúc anh về, tôi đóng điện bàn giao. Một tiếng nổ khiến tôi sững sờ. Cả cầu cảng tê liệt sau tiếng nổ ấy. Xí nghiệp náo loạn vì đình trệ sản xuất. Giám đốc xuống tận nơi, quát mắng, tại sao lại có sự cố này. Anh nhận :
– Tại em đấu nhầm.
Anh lao vào khắc phục sự cố. Tôi muốn giúp nhưng anh giục, đi đi người ta chờ.
Đó là buổi gặp định mệnh cho bước tiến của tôi về lâu về dài. Tôi thắc mắc, tại sao anh lại làm vậy. Anh nói :
– Lười làm chăm chạy như chú, việc gặp người ta giúp chú có chỗ làm phù hợp hơn. Trong trận đánh, hỏa lực mạnh quyết định rất nhiều. Thiết bị xếp dỡ ở cảng chính là hỏa lực mạnh quyết định năng xuất. Thế mà tay nghề của chú non, lại không chú tâm làm thì có ngày xẩy ra chuyện tệ hại hơn. Bắn B41 dễ, dưới huấn luyện dậy rồi mà chú không bắn được. Ngày xưa tôi bắn thay, bây giờ tôi sửa đỡ chú, thế thôi.
*
Năm nào, tháng bẩy chúng tôi cũng trở lại Vị Xuyên. Năm nay đặc biệt hơn, vừa là tôi tròn ba nhăm năm nhập ngũ lại vừa được lên chức. Anh ra lệnh:
– Năm nay chú Hưng phải hô!
Chuyện là, năm nào vào viếng nghĩa trang Vị Xuyên chúng tôi cũng đứng xếp hàng nghiêm trang, một người thay mặt cho đoàn hô : “Chúng tôi những chiến sĩ đơn vị …. !” như một lời báo cáo, lời hứa trước anh linh của đồng đội.
– Chỉ có anh là xứng đáng hô.
– Vì sao chú không xứng. Tôi hỏi thật, ngày xưa tại sao chú ở lại với anh em?
– Lúc nhìn máu ở đùi anh, em thấy mình hèn quá, không còn danh dự một con người nữa.
Anh mở lòng :
– Chú nói được câu ấy anh thấy chú quá xứng đáng. Tại sao anh vẫn luôn quan tâm tới chú, bởi anh đã nhìn thấy ở chú điều ấy. Lần này để chú báo cáo trực tiếp với anh Thanh, rõ chưa.
Vợ anh chuẩn bị ba lô để chúng tôi “hành quân” thấy chồng hào hứng, dừng tay lại nói với tôi :
– Chú Hưng biết không, lâu không đi được Vị Xuyên mặt ông ấy khó đăm đăm, đến lúc được đi thì hơn hớn như trẻ con. Đi đi, không lại giục muộn.
Tôi nhìn ánh mắt anh, không còn vẻ ưu tư. Chúng tôi lên đường. Vợ anh nói với theo :
– Người ta cựu chiến binh huân chương treo rách ngực áo, còn mấy ông lính Vị Xuyên ngực áo lúc nào cũng như mới.