Nhiều khi chính thói quen bạ đâu đọc đấy, đọc không có chọn lọc đã dẫn đến việc đọc sách của các em trở thành phản tác dụng…
Trong khi các khu vui chơi dành cho thiếu nhi dịp hè này đang thiếu một cách trầm trọng thì các điểm bán sách, nhà sách là nơi thu hút được nhiều em nhỏ. Song nhiều khi chính thói quen bạ đâu đọc đấy, đọc không có chọn lọc đã dẫn đến việc đọc sách của các em trở thành phản tác dụng…
Có một thực tế đáng buồn là khi đến nhà sách dịp hè, nhiều em nhỏ đã được thoải mái xem, đọc về những hình ảnh trụy lạc, xuyên tạc lịch sử được bày bán công khai mà không bị ai quản lý. Có không ít những em học sinh lớp 4, lớp 5 chuyên đến nhà sách để tìm những cuốn sách với nội dung rùng rợn, ma quái để đọc. Bên cạnh đó, thị trường sách cho thiếu nhi còn xuất hiện khá nhiều quyển truyện có tính kích động về bạo lực, đồi trụy kiểu như lần đầu trải nghiệm, Good kiss – nụ hôn đầu. Ngoài ra, còn có những cuốn lại xuyên tạc lịch sử, cắt bỏ vô tội vạ, không tôn trọng tính nguyên bản.
Là một bà mẹ có 2 con đang trong độ tuổi từ 6-13, chị Lê Thu Hằng ở khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội lo ngại: “Tôi không có nhiều thời gian nên có những lúc dù đã trực tiếp đi mua truyện cho con mà về xem lại thấy vẫn bị mua nhầm. Nhiều quyển truyện có tên gọi rất kêu, rất nhân văn nhưng nội dung lại chẳng có tí giáo dục nào. Hôm trước tôi đi mua cho con gái 6 tuổi mấy quyển truyện tranh “Ba chú lợn con”, “Cô dâu thực sự”, “Nàng tiên cá” nhưng khi chỉ đọc vài trang đầu con gái tôi đã chán rồi bỏ đó. Cháu nói cuốn truyện nàng tiên cá không giống nội dung phim hoạt hình cháu đã xem, rồi thắc mắc sao truyện “Cô gái đội mũ đỏ” giống truyện “Cô gái quàng khăn đỏ” quá… Qua biểu hiện của con, tôi thấy với các cháu, những phép biến hóa của những bà tiên, ông Bụt trong chuyện cổ tích dường như không còn hiệu nghiệm. Về góc độ này, người Nhật Bản đã thành công khi tiếp tục truyền thống “truyện Manga” bằng cách thay thế những quyền năng siêu nhiên bằng viễn tưởng về sự vạn năng của khoa học kỹ thuật. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hình ảnh siêu nhân lại bị…“lạm dụng” quá mức”.
Xem những bộ truyện tranh của cô cháu gái học lớp 2 hay đọc, tôi thấy nhiều quyển có nét vẽ thật tối tăm và… rối mắt, như truyện “Siêu nhân Locke”, “Ninja loạn thị” với những tấm áo chi chít… dấu thập mà chỉ cần nhìn hình ảnh ngoài bìa, người xem đã đủ ghê sợ. Ngoài ra, những từ ngữ mang đầy tính bạo lực như “quyết đấu”, “báo thù”, “cuộc chiến”… xuất hiện khá nhiều trong các cuốn truyện tranh này. Nội dung bên trong là những cuộc đánh nhau triền miên với những âm thanh như bùm, bụp, choeng, pằng… Hầu như nhân vật nào được xây dựng cũng mang trong mình “máu hiếu chiến” với con mắt nảy lửa, đầy căm thù. Điều đáng sợ là những cuốn truyện tranh kiểu này lại gây được sự chú ý tò mò ở một bộ phận độc giả nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, không ít truyện tranh “chế” mang những nội dung đồi trụy, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng đang xuất hiện khá nhiều.
Hậu quả nghiêm trọng
Có thể thấy rằng việc tiếp xúc thường xuyên với sách, truyện có nội dung thiếu lành mạnh là nguyên nhân khiến các em thiếu nhi đang ngày càng xa rời, thờ ơ với những kho tàng truyện cổ tích vốn là một môi trường nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, tạo nên những nền tảng đạo đức. Điều này cũng khiến vốn liếng về văn học, các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý của các em học sinh các cấp ngày càng nghèo nàn và trống rỗng. Trong các “game show” truyền hình hàng ngày, người xem không khỏi buồn lòng khi chứng kiến những câu trả lời khá ngây ngô của một số em trước những câu hỏi về các môn xã hội trong kiến thức phổ thông. Điều này cũng được chứng minh bằng vô số bài thi môn Lịch sử, môn Văn bị điểm kém trong các kỳ thi đại học vừa qua.
Theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, ở lứa tuổi thiếu nhi, nhận thức của các em chủ yếu là do cảm tính. Vì vậy, khi tiếp xúc thường xuyên với văn hóa phẩm không lành mạnh có những hình ảnh bắt mắt, ngôn từ gây sốc, nhan đề giật gân các em rất dễ bị dụ dỗ, kích thích trí tò mò. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, các loại sách có nội dung xấu sẽ xâm nhập vào tâm trí non nớt của thiếu nhi, gặm nhấm tâm hồn trẻ làm cho trẻ mất lý tưởng sống, buông xuôi, không muốn nỗ lực phấn đấu, dễ dàng học theo những thói hư, tật xấu.
Bên cạnh đó, những cuốn truyện này không những không bồi dưỡng kiến thức cho các em một cách đúng đắn mà còn khiến các em bị ngộ nhận, trí tuệ phát triển lệch lạc, thiếu định hướng và ý chí rèn luyện tu dưỡng. Thậm chí khi các nhân vật cổ tích được các em ngưỡng mộ bị bóp méo, xuyên tạc, các em sẽ mất niềm tin và bị chìm đắm trong những câu chuyện ma quái, hoang tưởng nào đó. Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc đối với các em trong kỳ nghỉ hè, các bậc cha mẹ cần hướng cho con tới những hoạt động sinh hoạt hè thật bổ ích, lành mạnh. Cha mẹ nên trang bị cho con em những kỹ năng sống, giúp cho các em biết phân biệt để các em có thể tự đánh giá được tốt-xấu, đúng-sai. Bên cạnh đó, gia đình cũng phải dành thời gian quan tâm đến con em mình nhiều hơn, tránh để các em tự do tìm hiểu tiếp xúc với những cuốn sách có hại cho lứa tuổi.
(Theo An ninh thủ đô)