(Đọc Đời đá, trường ca của Thy Nguyên, Nxb Hội Nhà văn, 2017)
Đời đá là một cách thế phục dựng những phần đời mà những người đàn bà trong một-gia-đình-đàn-bà bốn thế hệ đã đi qua, trong đó mẹ – người đàn bà thế hệ thứ hai – là hình tượng trung tâm, là cội nguồn thi hứng, là dư ba ám ảnh của thi phẩm. Đời đá là một bài-ca-dài về mẹ, vừa là khúc bi ca về những niềm đau vỡ, những mất mát, thua thiệt, bầm xước, hanh hao, vừa là khúc tụng ca về đức hi sinh, sự bao dung, che chở, sức chịu đựng, khả năng khuất phục số phận của một người đàn bà lặng thầm như đá, rắn mạnh như đá, và đa diện như đá. Đá trơ gan cùng mưa nắng, cùng thế nhân. Đá vãmồ hôi. Đá rỉ nước mắt. Đá có khả năng phát lửa.
Đời đá là những ẩn ức, ám ảnh, dư chấn, những thấu cảm, yêu thương, tôn kính của một đứa con dành cho người mẹ của mình cứ ứ đầy theo năm tháng, từ khi như một trái non chín ép đến khi cũng làm mẹ, một ngày không nén nổi đã bung chảy, tượng hình những câu thơ lay động: Ủ gió vào men/ Nước mắt mẹ/ Va gió thành khuôn/ Nhớ thương bần bật; Mẹ/ Người đàn bà tẩm mùa đông trong ngực; Có nơi đâu nhiều mùa thu như mắt mẹ/ Có nơi đâu tròn vuông bẫy cả đau xanh; Bốn mùa không đếm nổi lá rừng/ Như nỗi đau dài hơn đời mẹ/ Và con không đo nổi nguồn cơn…
“Con” – chủ thể trữ tình của thi phẩm, từ thương mẹ đi dần đến thương thân, rồi càng thương thân lại càng thương mẹ, bởi “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, đẩy đưa mình vào vết xe đổ đời mẹ. Đời đá, với ý nghĩa đó, còn là khúc than thân, chủ thể tự khóc cho những đa đoan, chênh chao, bấy bớt đời mình: Con đi về phía cây cầu/ Cây cầu bắc qua mùa thu đời mẹ/ Lá vàng trộm ngả/ Nỗi buồn đánh đu; Niềm vui chưa khô nỗi buồn đã ướt/ Mấy mươi di cư mà mọc rễ tâm hồn/ Con gom nhặt khổ đau cộng trừ đắm chìm vai áo/ Đu lên tóc mẹ hai màu…
Thơ về mẹ thì nhiều vô kể, nhưng viết hẳn cả một trường ca về mẹ, ngay khi mẹ đang kề cạnh, thì quả là hi hữu. Đời đá được viết bằng một cường độ cảm xúc mạnh, một trường độ cảm hứng bền, với ngồn ngộn ngôn từ, thi ảnh dậy men. Mạch tự sự được trữ tình hóa, không chỉ bằng khối nham thạch cảm xúc của một cái tôi chủ thể rưng nghẹn vừa kể câu chuyện đời mẹ vừa trải phơi đắng đót phận mình, mà còn bằng vào sự phục gợi hồn xưa làng xã, cộng đồng những ngày bao cấp buồn mà đẹp, nơi có những đứa trẻ “tóc thêu khói bạch đàn/ muối lá bàng đỏ ngắt”, “vun khói trời/ trải tấm khăn tuổi thơ vào cánh đồng lóng lánh”, “khơi ngọn đèn dầu đêm mặn nhá nhem”…
Câu chuyện được kể trong Đời đá vượt lên tính riêng tư, phạm vi gia đình để chạm đến tính phổ quát, phạm vi cõi thế. Hình tượng những người đàn bà trong thi phẩm là hiện thân của những con người một đời im lặng, “tự biết mình khuất đặc/ đạp lên mọi ẩm mốc/ đạp lên mọi song sắt/ đạp lên những cú va mang tiếng thở loài người”.
Nhạc phẩm Lệ đá của Trịnh Công Sơn phát đi thông điệp mỗi người hãy “là hoa rót mật cho đời”. Thi phẩm Đời đá của Thy Nguyên lại tự nhắc mình và nhắc người hãy “khúc xạ qua mưa biết tạo nên những sắc độ cầu vồng”, để “trong ngôi nhà mùa đông lửa không lụi tắt”. Đá, phải thấm bao mưa nắng mới có thể phát lửa,sưởi ấm mình, sưởi ấm đời.
H.Đ.K