Luận về niệm sinh và cảm pháp thi Bùi Giáng – Đỗ Ngọc Yên

Chính trong Di cảo Rớt hột phiêu bồng ông đã từng nói vậy: “Mong mỏi một điều duy nhất: đừng bao giờ bạn đọc bận tâm về bất cứ lời bàn bạc nào thật hay giả của bất cứ “bạn hữu” nào đó xưa nay của tôi ở Việt Nam hoặc ở hải ngoại”. Kính bút- Bùi Giáng, 93”. (1)

I. Phiêu

Bùi Giáng thấy mặt trời trước tôi hai giáp (24 năm). Ông quê Quảng Nam, tôi quê Thanh Hóa, chả liên quan gì đến nhau. Bình sinh Bùi Giáng sống và tồn tại ở nơi tôi chưa đến và chưa gặp ông bao giờ. Tạm gọi là hai miền “xa ngái hoắc”. Nhưng ông được nhiều người biết đến và yêu mến thương cũng nhiều nhiều trên khắp cõi nhân gian. Cầm bút viết về một người như ông vừa quá khó đối với tôi, vì đã có không ít người từng viết về cuộc đời cũng như sự nghiệp thơ ca của ông rồi. Nhưng cũng là một lợi thế chính vì cái miền “xa ngái hoắc” giữa ông và tôi. Rồi nữa, đúng hay sai, hay hoặc dở, thì ông cũng đã đi ra khỏi cõi người từ 15 năm trước (1998), dẫu có điều chi không bằng lòng, thì ông cũng không đội mồ lên mà cãi tôi được. Ngay cả khi hiện hữu giữa cõi đời này, ông cũng nào đâu đã một lần bận tâm đến điều ấy chi mô. Chính trong Di cảo Rớt hột phiêu bồng ông đã từng nói vậy: “Mong mỏi một điều duy nhất: đừng bao giờ bạn đọc bận tâm về bất cứ lời bàn bạc nào thật hay giả của bất cứ “bạn hữu” nào đó xưa nay của tôi ở Việt Nam hoặc ở hải ngoại”. Kính bút- Bùi Giáng, 93”. (1)

II. Xênh- Niệm sinh Bùi Giáng

Tôi biết sẽ có người không thông luận, khi tôi cho rằng Bùi Giáng đã không SỐNG theo nghĩa thông thường như những người khác hơn 70 năm trên cõi đời này, mà chỉ TỒN TẠI. Hay nói một cách khác, Bùi Giáng chỉ xin CÕI NGƯỜI, (đại loại như xin công an khu vực) một cái thẻ tạm trú ở trên trần thế này để cư ngụ (tồn tại) cho xong danh phận, như ông đã hiện hữu, nó chỉ là CÕI NHÀM chăng (!?)

Dường như 70 năm có lẻ, nếu bảo Bùi Giáng đã sống thì chỉ là “sống tạm, gửi nhờ” cái phần xác mà thôi, còn phần hồn phách chẳng biết ông gửi đâu. Cái mặt đất của hơn 7 tỉ sinh linh đang cư ngụ, cách đây 15 năm về trước, có lẽ không có tên Bùi Giáng. Hoặc giả, nếu có chỉ là một Bùi Giáng gầy còm, râu tóc bới tung, mặt mày đen đúa, áo quần tả tơi, nói năng lộn xộn, mà bất kỳ ai cũng có thể “mục sở thị” được. Tuyệt nhiên không hề có một Bùi Giáng thông tuệ, mẫn tiệp, luôn ý thức rất rõ mình là ai và cõi đời này là gì, một Bùi Giáng sống chỉ để cật vấn “to be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại), nên lúc nào trong con người ông cũng chất chứa đủ mọi sắc màu, mùi vị của cuộc đời hư hư, thực thực, điên mà tỉnh, thơ mà triết, uyên bác mà dân dã, cao thượng mà bỡn cợt, thông thái mà dí dỏm, bất cần đời mà ưu thời mẫn thế… một Bùi Giáng như là tất cả, nhưng không là gì cả.

“Hoặc rằng người cũng là tôi

Hay là tôi cũng là tôi như người

Ấy rằng tinh thể đười ươi

Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và

Ấy rằng một cũng là ba

Là hai mai một mốt là hôm nay”.

(Xóa nhòa)

Sẽ là không quá, ở cõi tạm này, tôi ít thấy ai có nhiều phẩm chất của sinh linh tồn tại như ông. Người đấy cũng là ma đấy. Thiên thần đấy cũng là ác quỷ đấy. Đời đấy cũng là đạo đấy. Với ông “cái muôn” cũng là “cái một”, không có ranh giới, sự phân chia thanh hay tục, đạo hay đời, hữu hay vô. Ở Bùi Giáng tất cả sự hiện tồn đều “mờ mờ nhân ảnh”. Trong mắt ông, thế giới là vô thủy, vô chung. Mọi thứ qua mau như chớp mắt, nhưng cũng hiện tồn vĩnh hằng như toàn năng vũ trụ trong thẳm sâu bản thể tồn tại của chính mình. Ngay cả con người tưởng chừng bằng da, bằng thịt, có ăn ngủ, đi lại, vui buồn như bất cứ một ai khác, nhưng đối với nhiều người chỉ đến thế và chỉ là thế, còn đối với Bùi Giáng tự căn mệnh ông vượt qua cái sự đến thế và cái sự là thế.

Đã sinh ra làm người, tuyệt đại đa số, ai cũng sợ chết. Nếu một người nào đấy nói không sợ là tự lừa dối mình và dối người. Riêng có một người nói không sợ chết thì mọi người có thể tin toàn phần. Đấy chính là Bùi Giáng. Sống với ông có nghĩa là đem cả thể xác lẫn tâm hồn “bán xỉ” cho cuộc đời, dứt khoát ông không chịu “bán lẻ” dù ai đấy có trả giá cao hơn. Trước khi thôi sống, trong ý nghĩa của sự không tồn tại trên cõi dương gian này về mặt thể xác, chứ chưa hẳn là bất tồn về mặt tinh thần, Bùi Giáng đã ý thức rất rõ về điều ấy và ông đã “tập” chết không biết bao nhiêu lần. Thậm chí ông còn đùa giỡn với cái chết như ông đã từng giỡn đùa với cái sống. Đối với ông sống hay chết đều bình đẳng, có nghĩa và cũng vô nghĩa như nhau. Nên sống đã không có gì đáng bận tâm thì chết cũng chẳng qua là sống theo một cách khác, nên chăng chỉ là sự đổi món cho bớt nhàm mặt, nhạt miệng, mà thôi, nào có gì vui thú, càng không phải bận tâm đâu:

“Anh chào em, anh chết suốt thiên thâu

Là chết giỡn cho vui chơi tuế nguyệt

Cho tháng ngày mừng rỡ với lá cây

Cho ngày tháng chịu chơi với lá cỏ”

Hay:

Anh sẽ chết như chưa bao giờ chết

Anh sẽ về thăm viếng các em ôi

“Quả thật, nếu một người thường xuyên tập chết, chết hằng giây hằng phút hằng giờ, cứ đi đi về về giữa hai- bờ- sống- chết, chết giỡn chơi liên miên bất tận mãi như thế thì cái chết đâu còn là nỗi ám ảnh đáng sợ của kiếp nhân sinh! Vượt qua không gian vật lý hữu hình, bỏ lại sau lưng tất cả, hằng tắm gội mình trong dòng sông ánh sáng tâm linh- con người có thể sẽ đi qua nỗi sợ hãi tâm lý thường trực và vỡ vạc ra rất nhiều điều đáng giá ngàn vàng. Cuộc hành trình đi tìm chân ngã của mỗi thực thể sống, càng trải qua nhiều bài học khác nhau, càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp cho lịch trình tiến hóa của tâm thức diễn ra nhanh chóng hơn. Tiếc rằng, còn quá ít người có mặt trên trần gian này được học bài học này một cách căn cơ, có hệ thống. Học cái chết để giúp cho cái sống đời đời!

Chết giỡn là bài thực tập thường xuyên, liên tục của bậc đại trí thượng thừa, một hình thức hành thiền cao nhất. Chỉ có những người học thiệt, làm thiệt mới thấu suốt cái lẽ “im lặng…một mình!” (2)

Với một con người quan niệm về lẽ sinh tồn, cái sống và cái chết như vậy, thì hiển nhiên thế giới con người trong mắt Bùi Giáng mong manh như giọt sương mai trên ngọn cỏ, thứ ngọc châu của đất trời có thể vỡ òa ra bất cứ lúc nào mà không hay biết, nhưng khi còn vẹn nguyên nó có thể thu cả vũ trụ bao la vào trong mình. Vì thế, hơn 70 năm tồn tại ở “cõi nhàm” này, Bùi Giáng luôn cảnh giác với thời khắc ngọc châu vỡ òa, tan biến, nên ông luôn phải “online” với chính mình trong mọi lúc, mọi nơi, mặc cho vũ trụ vần xoay, cõi đời điên đảo, nhưng dường như không giây phút nào ông có thể “offline” được với chính mình.

Nhưng mà lạ, với nhân sinh và cõi đời này Bùi Giáng lại luôn làm ngược lại, không bao giờ “online” mà chỉ “offline”. Bởi thế người đời bao giờ cũng nhìn ông như một “vật thể lạ” từ một nơi nào đấy quẳng xuống cho thế giới loài người chiêm nghiệm hay là một “người ngoài hành tinh”, không biết sống một cuộc đời bình thường như bao người khác, mà chỉ tồn tại, gửi tạm thân nơi “cõi nhàm”, rồi đi. Cái duy nhất mà Bùi Giáng để lại cho người đời là một sự ngơ ngác, u ơ trong khát khao kiếm tìm để rồi hụt hẫng và thất vọng khi tìm mãi mà không thấy đích thực Bùi Giáng đâu.

“Xưa nay trong đạo lạc loài

Chữ điên đảo cũng có ngoài có trong

Ngoài cuồng loạn, trong thong dong

Trong ngoài bức bách tấm lòng dung phôi”

(Vô thường)

 

III. Xênh- Cảm pháp thi Bùi Giáng

Có người bảo, bình sinh Bùi Giáng làm thơ ít, vì chỉ 2 năm 1962-1963 ông đã “sản xuất” liền một mạch 6 tập, trong đó có 5 tập in trong năm 1963. Thế rồi thôi. Mãi gần 10 năm sau ông lại mới “ngứa nghề” thơ phú đôi ba bài nữa. Nói vậy, nghe ra thật đáng xấu hổ với chí ít một người như Bùi Giáng. Hai năm sáu tập, con số 2 và con số 6 là không nhiều (nhỏ) trong dãy số tự nhiên. Nhưng nếu là số thứ tự (xếp hạng) ai dám bảo là ít (hay nhỏ), mà ít hay nhỏ còn được nhìn theo con mắt nào mới được chứ. Nhất là đối với thi ca các cụ đã dạy rằng “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Dù chỉ trong 2 năm với 6 tập, thậm chí với 6 bài, 6 câu, 6 chữ mà đã tạc nên một THẾ GIỚI THƠ BÙI GIÁNG. Nghĩ mà kinh.

Cũng cần nói thêm rằng, thực ra cho đến trước khi xa “cõi nhàm” này, ông đã cho in thêm 4 tập nữa là Sa mạc phát tiết (1972), Mùi hương xuân sắc (1987), Rong rêu (1993), Đêm ngắm trăng (1997). Như vậy đời thơ của người “vô sinh- vô diệt” này có khoảng 10 tập. Ngoài ra còn có các tập thơ in theo lối tuyển hay chọn tùy duyên mỗi người, sau khi ông đã ra đi, như Thơ Bùi Giáng (Montréal, Canada, 1994), Thơ Bùi Giáng (California, Mỹ, 1994), Mười hai con mắt (2001), Thơ vô tận vui (2005), Mùa màng tháng tư (2007)… Bên cạnh đó, từ năm 1966-1974, ông còn có tới 14 cuốn sách dịch, và cũng ngần ấy cuốn tạp văn. Rồi giảng luận, triết thuyết, nhận định, mỗi loại cũng có 4 cuốn nữa.

Như vậy, có thể thấy ở cái “cõi nhàm” này, không có nhiều người lao tâm khổ tứ, dám biến mình thành “phu chữ” (chữ của nhà thơ Lê Đạt) với công việc văn chương, ngôn từ như ông.

Đọc gần 600 bài thơ, phần lớn được Bùi Giáng viết theo thể lục bát. Biên độ đề tài được ông mở đến vô cùng: từ những điều linh thiêng nhất như thần, phật, vua, chúa, thầy giáo cho đến những vật bình thường nhất như cỏ, cây, hoa, chuối, chuồn chuồn, châu chấu… Về mặt ngôn ngữ, Bùi Giáng là người luôn quay lưng lại các quy tắc ngữ pháp và chính tả thông thường trong tiếng Việt, mà ông đã tự sáng tạo ra một thế giới ngôn ngữ riêng của mình. Chẳng hạn như Bùi Giáng thường sử dụng nhiều hư từ, các từ công cụ như giới từ, liên từ, trạng từ và dùng nhiều ngôn từ gần với đời sống, như ngôn ngữ nói để làm thơ. Nhưng ông cũng không ngại sử dụng các khái niệm, thuật ngữ thường chỉ được sử dụng trong các công trình khoa học, khi cảm thấy cần thiết.

Dù viết về đề tài nào, sử dụng loại ngôn ngữ nào, Bùi Giáng vẫn có một cái gì đấy mà nếu một ai đó không được trời phú cho, thì dù có dùi mài kinh sử, tu luyện đến đâu cũng chẳng thể nào làm được như ông. Đấy chính là phẩm chất mà Nguyễn Hưng Quốc gọi là Bùi Giáng: “ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ(3). Đây là một ý kiến khá xác đáng. Bởi lẽ văn chương nghệ thuật nói chung, nhất là đối với thơ ca chuộng lẽ tự nhiên, không thị cầu kỳ uốn éo, chạm khắc, gọt tỉa, nắn bóp, đâu còn là thơ nữa, mà có chăng chỉ là món “cháo óc sống” mà thôi, khó nuốt lắm.

Vì thế, thơ ông tự nhiên vượt qua mọi lằn ranh thông thường, cái thứ đã bị đóng đinh trong tâm thức người đời. Thơ ông đã hòa làm một với muôn loài. Ở đấy không có giới hạn cho sự cao sang hay nghèo hèn, cũng không có giới hạn cho những cái được gọi là thơ hay phi thơ, truyền thống hay hiện đại, mà chỉ là một vũ trụ toàn năng của bản thể tồn tại.

Trong bài Gởi thôn nữ Vĩnh Trinh, ông buông bút:

“Tấm quần em rách đường tơ.

Cỏ trong mình mẩy bâng quơ mọc nhiều,

Bây giờ em đứng nơi đâu.

Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao”.

Đây không phải là thủ pháp “đố thô, giảng thanh/ miệng mời anh hai tay banh chách” (câu đố dân gian giảng là cái ví đựng trầu), mà Bùi Giáng gọi đích danh sự vật “cỏ”. Nhưng cỏ là gì và mọc ở đâu mới là chuyện đáng nói. Cái tài của ông ở đây không giống với tác giả dân gian và các nhà thơ khác chính là ở chỗ Bùi Giáng sử dụng ngôn từ vừa đủ thô, lại vừa đủ thanh, để người đọc có quyền thả trí tưởng tượng của mình mà liên tưởng đến cái “miền sâu thẳm” của người con gái, cái mà tác giả không cần nhắm tới, mà chỉ thấy sao nói vậy theo kiểu “tự nhiên như nhiên”, thế thôi. Ấy vậy mà thấm, mà đằm, giống như thứ rượu cuốc lủi nút lá chuối xưa mà các bậc hiền nho quân tử tin dùng. Dí dỏm đấy, mà cao diệu đấy. Tôi  chưa nói đến những câu thơ trên miêu tả rất đúng với tâm lý lứa tuổi và đặc trưng vùng miền của các cô thôn nữ miền sơn cước quê ông.

Ở bài thơ Gió, Bùi Giáng đã miêu tả cái cơn (ngọn) gió sao mà tự nhiên đến thế, cứ như là ông giơ tay bắt nắm được gió trời vậy. Ở đây người đọc dường như không thấy ông “làm thơ” hay “nghĩ thơ” chút nào, mà ngôn từ cứ thế tự nhiên tuôn trào, xếp thành hàng với nhau:

“Gió qua đồi núi cheo leo

Gió chào em Mọi bên đèo đầu truông

Giữa đèo rốt cuộc một muôn

Bên giòng suối mát cởi truồng ngồi chơi

Nhân vì có việc qua đồi

Thấy em xinh đẹp tôi ngồi ngắm em

Thế rồi công việc bỏ quên

Chỉ còn có biết ngắm em thôi mà

Về sau khắp bến giang hà

Nơi nào cũng thấy ngọc ngà đèo truông”

Ở bài thơ này đáng chú nhất là hai chữ “một muôn” ở câu thứ ba: “Giữa đèo rốt cuộc một muôn. Có người sẽ nghĩ rằng Bùi Giáng bí ngôn từ hay sao mà gieo vần vào một tính từ không xác định về số lượng như vậy: “muôn”? Một tài thơ như ông chắc chắn sẽ không có chuyện ấy xảy ra. Vậy chữ “muôn” ở đây có ý nghĩa gì. Về nghĩa từ vựng chữ “muôn” dùng để chỉ số nhiều không xác định như muôn năm, muôn đời, muôn kiếp… nhưng về nghĩa bóng chữ muôn có thể được hiểu là toàn thể, tất cả, vô cùng, vô tận, vô hạn độ, không xác định giới hạn. Đặt chữ “muôn” bên cạnh và đứng đằng sau chữ “một”, tính từ chỉ số lượng xác định, làm bật ra một ý nghĩa triết thuyết thật sự ghê gớm, mà chỉ có Bùi Giáng mới có thể viết được như vậy. Với anh, một mình em cũng là tất cả. Em là một vũ trụ vô cương, vô biên, không phải là hình khối hay cân nặng, chiều cao, mà là sắc đẹp ngọc ngà. Bởi lẽ sắc đẹp của người con gái bao giờ cũng vừa là muôn lại vừa là một. Sắc đẹp ấy tuy là muôn đấy, nhưng không phải là cái treo lơ lửng trên trời xanh mà là của em, thuộc về em, một cô gái Mọi. Chữ Mọi ở đây có nhiều nghĩa khác nhau. Một là tên riêng của một người con gái cụ thể. Hai là chỉ một hạng, loại người nào đấy như “man ri, mọi rợ” theo kiểu người Tàu trước đây gọi người Việt ta. Ba là, Mọi là tên mà Bùi Giáng dùng để gọi những cô gái miền sơn cước, nơi quê ông. Bốn là, Mọi cũng là “muôn”, một tính từ chỉ số lượng không xác đinh. Chẳng hạn như: mọi cái, mọi nhà, mọi nơi, mọi lúc…

Về sau khắp bến giang hà

Nơi nào cũng thấy ngọc ngà đèo truông”

Chữ “khắp” ở đây cũng có nghĩa tương tự như các chữ “mọi”, “muôn” và cụm từ “nơi nào”. Chính vì thế, bài thơ đem đến cho người đọc, người nghe nhiều phán đoán về ngữ nghĩa của ngôn ngữ thi ca cũng như sự ám ảnh lạ thường mang vóc dáng và đặc trưng triết thuyết Bùi Giáng.

Đến bài Mắt buồn, Bùi Giáng đích thực đang online với chính mình. Ông offline với tất cả mọi người khiến chúng ta rất khó tìm ra chiếc chìa khóa vàng của ông đâu để giải mã bài thơ sau:

Bóng mây trời cũ hao mòn

Chiêm bao náo động riêng còn hai tay

Tấm thân với mảnh hình hài

Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng

Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng

Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng

Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời

Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa

Bỏ người yêu, bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con”

Vì sao hai con mắt vẫn còn đấy cả thôi, mà Bùi Giáng lại chỉ “khóc người một con”? Với tất cả chúng ta, người còn đủ hai con mắt mà chỉ khóc có một con là việc không thể. Vậy mà Bùi Giáng làm được. Quả thật là tài! Nhưng ở một chiều kích khác, dân gian có câu thành ngữ “nhìn đời bằng nửa con mắt”. Nửa ở đây không phải là một phần hai mà là một nửa của hai, tức là một. Vậy chăng Bùi Giáng khóc người, nhìn đời chỉ bằng một nửa con mắt. Thế còn nửa kia ông để đi đâu hay với ông chỉ nhìn bằng một nửa là đã quá đủ rồi, còn một nửa con cất đi để dành làm vốn cho kiếp sau. Vẫn còn một khả năng nữa xảy ra là ông chỉ có một con mắt khóc người, còn một con mắt để khóc mình chăng? Chà một câu thơ viết ra mà chữ nghĩa vừa ám ảnh, vừa trở nên bất định đến thế, ở đời mấy người làm được như ông?

Cái tài của Bùi Giáng chính là ở chỗ ông chỉ cần “thở ra thơ, ngủ ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ”, thế mà làm cho người đời không bao giờ ngẫm hết được ông định “chơi” nhau kiểu gì. Thơ đối với ông vừa là một vũ trụ mà ở đó ngôn từ luôn bất lực trong việc giải mã mọi điều, mọi nhẽ, vừa là niệm sinh của riêng ông. Đấy chính là thi pháp- phong cách thơ Bùi Giáng.

 

IV. Hạ

Ông nói về thơ của mình như thế này: “Thơ tôi làm… là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Ði vào giữa trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử chăn trâu không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao, thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao(4).

Thơ ông chính là tiếng lòng đồng vọng từ trong cõi mộng, chiêm bao của một Bùi Giáng bất khả hạn. Nó như dòng suối tự nhiên bất tận tuôn trào nguồn mạch không một thế lực hay sức mạnh nào đắp đập, ngăn dòng nó được, ngay cả sau khi ông rời “cõi phàm” để về “cõi lạc” từ 15 năm về trước.

Ở trong nước, đối với giới lý luận, phê bình văn học miền Bắc, chỉ từ sau đổi mới (1986-1987), Bùi Giáng mới được bàn tới ít nhiều. Còn ở miền Nam, qua quan sát, tôi thấy đàm luận thì ít mà bắt chước lại nhiều, với dăm ba nhóm thơ cũng tập tọng làm theo kiểu Bùi Giáng, nhưng xem ra còn chưa đủ “chưởng lực”, còn ngô ngọng lắm. Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu, phê bình văn học và các nhà thơ trong nước đều thừa nhận Bùi Giáng là một tài năng thơ mà giới cầm bút từ thế hệ ông cho đến nay không có mấy. Có thể ở hải ngoại, không khí văn chương cởi mở hơn nên đã được đàm luận nhiều và có những cái nhìn đa chiều, khách quan và thỏa đáng hơn chăng? Vì tôi không có nhiều cơ hội thông diễn về thơ phú văn chương với các đồng nghiệp ở hải ngoại, nên tôi cứ viết theo cảm nhận chủ quan của mình. Hy vọng sẽ được mọi người quan tâm, chia sẻ.

Đỗ Ngọc Yên

Theo (Toquoc)

—————–

(1), (2). Đầu năm, đọc lại “Rớt hột phiêu bồng” của Bùi Giáng. Phạm Phúc. tiasang.com.vn

(3). Xem: dactrung.net

(4). Thi ca tư tưởng, Bùi Giáng- Ca Dao, Sài Gòn, 1969

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder