Lý lẽ của trái tim – Cao Ngọc Thắng

 

Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn Thơ Mới, tài thơ Huy Cận đã nhanh chóng nổi tiếng và thơ ông sớm định hình một cõi riêng – cõi buồn sầu não, nỗi buồn của “trái sầu rụng rơi”.

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Cao Ngọc Thắng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận.

Trong lời tựa cho lần xuất bản đầu tiên tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận (1941), Xuân Diệu viết: “Chàng than nỗi tháng ngày vùn vụt, bảo rằng hoa xuân không đậu, đời thoảng mùi ôi, trong khi mình chưa sống hết tuổi xuân, đang độ trẻ măng của đời người! Cái tiếc sớm, cái thương ngày ấy chẳng qua là sự trá hình của lòng ham đời, là cái tật dĩ nhiên của kẻ yêu sự sống”.

Hoài Thanh, trong Thi Nhân Việt Nam, cũng nhận định: “Buồn thương, sầu não là âm hưởng chính khiến Lửa Thiêng như bản ngậm ngùi dài. Tập thơ dằng dặc một nỗi buồn nhân thế, một nỗi đau đời. Nhà thơ đã gọi dậy cái hồn buồn của Ðông Á,…đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”.

Những nhận định trên đây có ảnh hưởng không nhỏ tới sự cảm nhận và bình giảng thơ Huy Cận cho đến tận bây giờ. Những nhận định ấy như là cái cớ, khiến những người sau càng đi xa hơn, đưa nỗi buồn cổ điển, trong Lửa Thiêng, lan rộng ra gần như toàn bộ sự nghiệp thơ Huy Cận, không nghĩ sâu về nỗi buồn vạn cổ đến từ đâu, mà chỉ xuất phát từ âm hưởng bề mặt ngôn từ mà Huy Cận thể hiện, đặc biệt trong bài Tràng Giang.

Nói: “Cái tiếc sớm, cái thương ngày ấy chẳng qua là sự trá hình của lòng ham đời, là cái tật dĩ nhiên của kẻ yêu sự sống”, là Xuân Diệu nói người thơ Huy Cận yêu đời, yêu sự sống thật lòng đấy chứ! Nhận định: “Nhà thơ đã gọi dậy cái hồn buồn của Ðông Á,…đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”, thì Hoài Thanh khẳng định, trong Phong trào Thơ Mới, Huy Cận là người đã nói bằng thơ nỗi buồn vạn cổ một cách xuất sắc, ít ai bì kịp.

Vậy, cái buồn dưới lớp vỏ ngôn ngữ thơ Huy Cận có còn dằng dặc nữa không, khi nhà thơ đã nói đúng bản chất của buồn vạn cổ? Chính Huy Cận đã tự bộc lộ: “Dòng thơ tôi luôn luôn nhất quán, đó là thơ của cuộc đời, của con người, lúc buồn nhất cũng không lạc vào thơ Loạn, thơ Điên. Trong thơ tôi, cảm xúc vũ trụ rất đậm nét, nhưng hòa quyện với cảm xúc về cuộc đời…” (Đặng Tiến – Huy Cận Trong Tôi). Lời bộc lộ này đã được thơ ông kiểm chứng, nhưng là sự kiểm chứng cho cách nhìn vũ trụ, chứ đâu phải cho nỗi buồn vũ trụ. Bản thân vũ trụ không buồn, song nó chứa đựng lớp lớp nỗi buồn nhân gian. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Đời sống thế tục vạn kiếp không thể thoát ly khỏi mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp, cũng như hữu hình và vô hình, với mọi vận động không ngừng của vũ trụ. Huy Cận cảm thụ vũ trụ khi “cơ hồ không biết đến ngoại cảnh” (Hoài Thanh), nhưng ông nhất địnhphải ở trong hoàn cảnh để buồn cùng nhân loại. Đó là hai tâm thế khác nhau mà tâm hồn thi sỹ tài năng cần có, phải có. Bởi, hai tâm thế đó, từ một tâm hồn, quy định hai cung bậc cảm thông không hoàn toàn giống nhau, tuy vẫn giàng buộc lẫn nhau, để làm nên sự nhất quán.

Ở tuổi 20, đôi mắt chàng thanh niên Huy Cận nhìn vũ trụ bằng trực cảm, chứ không phải bằng trải nghiệm. Nếu không bằng trực cảm thì sao người thơ thấy được “Củi một cành khô lạc mấy dòng”, để mà “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”, khi tuổi ấy, hồn thơ ấy đâu đã trải đời. Vào tuổi ấy, Huy Cận nhìn thẳng vào không gian vô tận, bao trùm toàn thể sự sống. Ông không thông qua bất kỳ một lăng kính nào của cõi thực, song lại thấu hiểu những uẩn khúc chìm đắm trong cõi hư. Bởi, tri thức trong ông đã sẵn sàng cho cuộc “du ngoạn” vào cõi vô cùng. Khi ấy, sức cảm thụ của nhà thơ dường như đứng ngoài đối tượng, trên đối tượng biểu cảm, để cảm thông với nỗi buồn thực tại mà con người phải gánh chịu, để từ đó tình thương nhân gian trong ông lớn hơn, trĩu nặng hơn. Tâm thế đó của Huy Cận tương đồng với Giáo lý nhà Phật, rằng: “Có nhiều nguyên do để có tình thương chân thực… Tình thương chân thực sẽ không thay đổi theo cảm xúc của bạn đối với đối tượng” (Đạt-lai Lạt-ma trong Vầng Sáng Từ Phương Đông).

Trong thế kỷ 20, những gì mông lung, huyễn ảo của thế giới tâm linh khó xác định, thì các nhà khoa học rồi cũng đi đến khẳng định: Cảm thụ thế giới và tư duy thế giới là hai phạm trù khác biệt, là hai tâm thế không đồng nhất. Cảm thụ là thức nhận. Tư duy là lý giải. Hơn 350 năm trước, René Descartes (1596-1650) tuyên bố: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Các nhà triết học và toán học thế kỷ 20 đã phủ định Descartes. Jean Paul Sartre dường như muốn nhấn mạnh đến cái phi lý của xã hội hiện đại, ông tuyên bố: “Tôi tư duy, vậy tôi không tồn tại”. Louis Lavelle thẳng thắn và chính xác hơn: “Tôi cảm thụ, vậy tôi tồn tại!”. Henri Poincaré tổng kết: “Nhờ logic chúng ta chứng minh, nhờ trực giác chúng ta khám phá”. Huy Cận, trong Lửa Thiêng, đặc biệt là bài Tràng Giang, đã không lý giải mà cảm thụ nỗi buồn của cõi người ẩn vào vũ trụ. Do đó, nhà thơ đã khám phá nhiều cung bậc của nỗi buồn. Nỗi buồn của con người “điệp điệp” trong những lớp sóng của nhiều dòng sông cộng hưởng (chứ không phải chỉ một dòng sông dài với tên gọi tràng giang), trong “đìu hiu” ngọn gió, khi “nắng xuống” lúc “trời lên sâu chót vót”, để rồi “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”, đọng lại “lòng quê dợn dợn vời con nước”. Ông viết những cụm từ đó với tâm tình yêu thương và lòng cảm thông thực sự. Suốt cả bài thơ là mạch biểu cảm tự đáy lòng, không bấu víu chút nào vào hình ảnh khổ đau của con người hiện hữu, mà vẫn cho thấy nỗi thống khổ của nhân loại trải dài từ thuở có mặt trên trái đất này. Tràng giangsau/dưới bài thơ không còn là những dòng sông nữa, đã biến thành nỗi buồn vạn kiếp – nỗi buồn phát sinh từ những đau khổ do quy luật sinh tồn, không chỉ ở thế giới loài người, đem lại. Nỗi buồn ấy trở thành động lực phát triển cuộc sống và cũng là duyên cớ cho nghệ thuật ra đời, cứu rỗi con người. Buồn là trạng thái chung của thơ, khiến người thơ luôn tự dằn vặt, mà câu hỏi: ta là ai? luôn thường trực trong tâm trí nghệ sỹ, thi sỹ, nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời đích thực.

Đối với Huy Cận cũng không ngoại lệ. Ngay thuở ấy, chàng thi sỹ đã đặt vấn đề: “Đời Hỏi Gì Ta” (1941), có nghĩata là ai mà đời hỏi. Trong khi ta còn đang lắng nghe “Âm binh rên khóc giữa trưa hè/ Quay tròn giọt lệ ba nghìn hướng”; ta là người trẻ đi “sau bánh xe” luân hồi, mà đời lại hỏi ta bằng ánh mắt “nhiều khi lạnh”, thì ta biết trả lời sao đây (!). Cái nỗi đời “nhiễm” vào tâm hồn chàng thi sỹ mới lớn, chưa bước hẳn vào “Thế cuộc vang lừng hạt máu say”, càng cho thấy sự truy tìm cái thế giới đầy uẩn khúc là phát xuất từ cảm thụ chân thực, những mong khám phá nguyên do.

Ngay cả trong tình yêu nam nữ cũng vậy, trong Lửa Thiêng âm hưởng thơ Huy Cận là mộng mơ. Nào là “Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng… Em lùa gió biếc vào trong tóc/ Thổi lại phòng anh cả núi non”, rồi lại “Hồn em anh thở ở trong hơi… Dịu dàng áo trắng trong như suối/ Toả phất đôi hồn cánh mộng bay” (Áo Trắng). Đi Giữa Đường Thơm mà chàng thi sỹ trẻ phải vận dụng trí tưởng tượng cũng mang màu sắc não lòng. “Buổi trưa này xưa kia ta đã đi” – đó là cái buổi trưa kiếp nào chứ chẳng phải buổi trưa kiếp này. Bất giác chàng ngộ ra rằng: “Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”. Cái tình yêu dang dở ấy là đời đúc kết chứ đâu của người thơ mới lớn, chưa từng trải nghiệm, như trường hợp Huy Cận.

Sự trải nghiệm sẽ dẫn đến sự đúc kết thành kinh nghiệm, sẽ dẫn cảm xúc đến phương trời khác. Khác hẳn với cảm xúc đầu đời, khi ở tuổi ngoài 40, và đã trải qua nhiều biến cố, trước tượng các vị La Hán ở chùa Tây Phương, nhà thơ đặt những câu hỏi mang tính triết lý trong cõi người: “Há chẳng phải đây là xứ Phật/ Mà sao ai nấy mặt đau thương?”. Vẫn là thơ đấy, nhưng màu và sắc đã khác. Âm hưởng trong thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương khác xa âm hưởng trong thơ Tràng Giang 20 năm trước đó. Bởi tâm thế của nhà thơ không còn chung chỗ đứng. Trong Tràng Giang, thực tại đánh thức cảm thụ, phát mở trực giác. Còn trong Các vị La Hán chùa Tây Phương, thực tại gợihoài niệm. Lúc này đây, đời không hỏi mà nhà thơ hỏi đời với những điều chính nhà thơ tự trả lời bằng sự trải nghiệm: “Nung nấu tâm can vò võ trán/ Đau đời có cứu được đời đâu”. Phải chăng vì vậy nhà thơ đi đến khổ kết cho bài thơ: “Các vị La Hán chùa Tây Phương/ Hôm nay xã hội đã lên đường/ Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại/ Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương”, để tự cứu rỗi mình, để rồi làm nhẹ đi âm hưởng tình thương chân thật của chính mình (?).

Khi xưa nhà thơ cảm thấy: “Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”, thì sau này nhà thơ tự đúc kết: “Có tình yêu nào mà không đau/ Đã yêu chất chứa sẵn vui sầu… Yêu em tha thiết, yêu da diết/ Như ủ hầm sâu rượu sủi tăm” (Có Tình Yêu Nào Mà Không Đau) – đó là sự khác nhau giữa tình chưa đến và tình đã trải. Mật ngọt kết dính tình yêu, từ chỗ đậm đặc đã dần loãng tan khi con đường sắp tới nơi kết thúc. Nói vậy thôi, cái mộng yêu đương của Huy Cận vẫn nặng lòng hư-thực, vẫn ngấm ngầm cuộn từ đáy biển lên những cơn sóng lừng. Ngày sau ông viết: “Tay người ta gối thâu đêm/ Mộng về theo mộng, tình êm với tình/ Một tay ôm lấy hai mình/ Một quai quấn lấy hai bình thanh xuân/ Vai nghiêng, đầu ngả sang gần,/ Mày tơ soi nét, môi tân đối cười” – thì âm hưởng bài Gối Tay vẫn phảng phất âm hưởng bài Ngậm Ngùi ngày trước: “Lòng anh mở với quạt này,/ Trăm con chim mộng về bay đầu giường”. Xét ở nhiều góc cạnh và tổng thể, Huy Cận thực sự là thi sỹ của tình yêu, cũng là một ông hoàng thơ tình!

Là một trong những người tiên phong của Phong trào Thơ Mới và cũng là người cuối cùng của phong trào này, Huy Cận có 70 năm sự nghiệp thơ. Thơ ông để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người yêu thơ. Cái đẹp ấy nổi bật ở tính nhất quán trong sự cảm thụ thế giới đa chiều có tính vũ trụ, trong tình yêu thương chân thực đồng loại và cuộc sống, cho dù thời thế có biến chuyển. Và, cho dù tâm thế của ông đôi lúc đổi thay, thì thơ ông vẫn vẹn nguyên nỗi cảm thông sâu sắc của một trái tim nhạy cảm: “Thiên đàng cao quá không nhìn rõ,/ Địa ngục phơi bày thật thảm thương” (Cảnh Địa Ngục).

Thơ Huy Cận đúng là buồn. Nhưng nỗi buồn đó đã được nói ra bằng thơ. Nỗi buồn đó mang đặc trưng của thơ. Nỗi buồn đó được chiết xuất từ sự trực cảm vũ trụ. Nhà bác học Blaise Pascal gọi trực giác là “lý lẽ của trái tim”. Huy Cận là thi nhân có trái tim mang lý lẽ của riêng mình.

Láng Hạ, 5 – 2019

C.N.T

(Nguồn vanvn.net)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder