Mạc Đăng Dung – tiểu thuyết của Lưu Văn Khuê – Kì 15

Đăng Dung làm giả cái đầu người bằng đất sét, tô phẩm chỗ trắng chỗ đen chỗ đỏ, bây giờ mới giơ cao lên:

– Bọn ta đã lấy được đầu Trần Cảo, các ngươi muốn theo y thì đến đây. (Tiếp kì 15)…

Đăng Dung làm giả cái đầu người bằng đất sét, tô phẩm chỗ trắng chỗ đen chỗ đỏ, bây giờ mới giơ cao lên:

– Bọn ta đã lấy được đầu Trần Cảo, các ngươi muốn theo y thì đến đây. (Tiếp kì 15)

Thần vốn ở chốn quê mùa, cha mẹ mất sớm, nhận Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản làm nghĩa phụ, thường được dạy về đạo vua tôi, quyết theo điều phải, bày tỏ bệ hạ được biết.

Nay Lê Quảng Độ, tội ác đã lâu, đâu phải một sớm một chiều, mầm mống  đã từ thời Đoan Khánh, Hồng Thuận. Lại là người trong hoàng tộc, làm quan đến cực phẩm mà giặc đến không đánh, cũng không biết tự sát mà giữ khí tiết, lại còn vẽ rắn thêm chân, nối giáo cho giặc. Kẻ không nghĩ đến hậu ân của quân phụ, đại nghĩa về cương thường, thật mang tội với trời đất, mang tội với tổ tông và thiên hạ, tội y không thể tha thứ được.”.

Biểu của Đăng Dung viết:

“Tam cương ngũ thường là rường cột chống đỡ trời đất, là cột đá yên vững nhân dân. Nếu nước mà không có điều đó, thì tuy là nước văn minh nhưng chính là loài cầm thú.  Từ xưa đến nay chưa từng có ai bỏ các điều đó mà có thể đứng trong khoảng trời đất.

Nay Lê Quảng Độ nhờ phúc ấm tổ phụ, đội ơn triều đình thờ qua bốn triều, ngôi tới nhất phẩm mà vẫn đận đờ, chỉ toan nhòm ngó. Chiều vua thì đón đưa, chuyên chính thì múa may nhiều quẻ, tội ác chứa chất đã lâu.

Mấy năm nay giặc Cảo khởi binh, tiếm xưng vị hiệu. Thế mà Quảng Độ tham sống sợ chết, nhẫn nhục thờ kẻ thù, mượn danh vị đi lừa dỗ dân ngu cho giặc Cảo, làm đầu mục đi nước ngoài cầu phong cho giặc Cảo, hạnh kiểm như chó lợn, lòng dạ tựa muông thú. Thật mang tội với trời đất, tổ tông và thiên hạ, tội y không thể tha được.”.

Chiêu Tông còn ít tuổi không dám quyết, mới hỏi mẹ là Đoan Từ Hoàng Thái hậu. Thái hậu tuy không phải người Thuỷ Chú nhưng cũng họ Trịnh nên hỏi vua: ý Trịnh Duy Đại, Duy Sản, Trịnh Tuy định thế nào. Nhà vua thưa, ý họ là muốn giết. Thái hậu bảo: “Vậy thì cứ thế mà làm, không cần theo ý ai, còn phân vân gì nữa!”. Lê Quảng Độ bị giết. Văn Lự, Hoằng Dụ thấy nhà vua không nghe theo mình, có ý không vui.

Mạc Đăng Dung cũng dâng sớ xin trị tội Lê Toản, Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Đỗ Thao, Tử Ký, Văn Vận. Sớ thuật lại những việc đám này làm ở Sơn Nam, Đông Triều như mê tín, dựng đặt tà thuyết, lừa lọc, dối trá, gian dâm làm lòng dân oán thán, chính là cái mầm gây ra phản loạn… Sớ viết:

“Nay quân nhân là Cù Khắc Xương ở làng Nhân Vũ huyện Thiên Thi và quân nhân là Trần Công Vụ ở làng Phạm Tùng huyện Gia Phúc, vốn là lính thường, cũng như dân vậy. Đáng lẽ phải noi theo đạo vua, đường vua và tuân theo lời dạy, lại giả xưng là Thiên Vũ, Thiên Bồng để dụ dỗ ngu dân. Mượn chùa thờ Phật làm chợ dối trá, mượn đền thờ thần làm ổ chứa gian. Thuật nghiền than làm thuốc, khiến già trẻ đua nhau, phép phun nước phi bùa, làm ngả nghiêng làng xóm.

Bọn yêu quái đã như vậy, các quan trên đáng phải bài trừ. Thế mà các quan này lại như bọn phàm phu, không hiểu lẽ phải. Lê Toản, Văn Vận mê tín điều xằng bậy, Tử Ký, Đỗ Thao phụ hoạ vào thuyết tà, cùng nhau theo tà đạo, mê đắm thói đòng cốt, lấy quái đản lừa nhau, lấy quỷ thần doạ nhau; răn gì bằng hình phạt, chữa gì bằng pháp luật, sao không cấm đoán nghiêm ngặt?”.

Vua Chiêu Tông lại phải đem hỏi các đại thần. Lần này Nguyễn Văn Lự, Nguyễn Hoằng Dụ bảo phải giết cho luật pháp được nghiêm, Trịnh Duy Đại, Trịnh Duy Sản, Trịnh Tuy lại bảo tha vì tội chưa đến mức phải giết. Nhà vua đem hai ý kiến hỏi mẹ. Thái hậu nổi giận: “ Lần nào Văn Lự, Hoằng Dụ cũng làm khác ý Duy Đại, Duy Sản là thế nào? Vậy thì hãy tha bọn ấy cho Lự với Dụ biết lần sau đừng có ý khác!”. Duy Sản thấy Thái hậu nói vậy, sợ bọn chúng được tha thật nên đang đêm vào tâu Thái hậu: “Bọn ấy thật đáng tội chết, bề ngoài chúng thần bảo tha là cốt tỏ ra xem thường ý đám Văn Lự, Hoằng Dụ, thực ra thì phải cho chúng chết!”. Thái hậu nói: “Rắc rối quá! Các người thấy thế nào đúng thì làm, việc nhỏ như vậy từ nay đừng phiền đến gái già này nữa!”. Bọn Lê Toản, Khắc Xương, Công Vụ, Tử Ký, Văn Vận, Đỗ Thao được một bữa cơm rượu say rồi được phóng thích. Chục ngày sau không đứa nào là không đau bụng nôn ra máu, kẻ chết trước kẻ chết sau chỉ cách nhau vài ba ngày. Riêng Đỗ Thao đoán trước sự việc nên không ăn uống gì bữa ấy do vậy thoát chết nhưng phải trốn biệt tăm biệt tích.

Đoan Từ Hoàng Thái hậu khen: Trần Chân, Đăng Dung tuy chỉ là võ tướng mà nói gì cũng phải, Đăng Dung còn thông hiểu sách thánh hiền, thật là kẻ trung trực, sâu sắc.

Các quan đại thần như Hà Văn Chính, Lê Đại Đổ, Đỗ Nhạc, Nguyễn Dự dâng biểu xin phục hồi đế hiệu cho Mẫn Lệ công Lê Tuấn. Nhà vua bỗng bưng mặt khóc:

– Hồi Oánh làm phản, Mẫn Lệ công không tra xét gì cả đã giết cha ta và các chú của ta. Nay ta lại phục hồi đế hiệu cho ông ấy liệu có phải không?

Duy Đại, Duy Sản và các quan đều nói việc ấy suy cho cùng đều do Lê Oánh giả xưng là Cẩm Giang vương gây ra cả. Nhà vua thở dài, thuận việc phục hồi và truy tôn vua Đoan Khánh làm Uy Mục đế, cấm từ nay không ai được gọi là Mẫn Lệ công.

*

Thấy lâu nay đám họ Trịnh cố tình đối mặt, Nguyễn Văn Lự buồn bực nói với cha con Hoằng Dụ, Nguyễn Kim:

– Họ Nguyễn Tống Sơn ta với họ Trịnh Thủy Chú vốn chẳng có gì mâu thuẫn, lại cùng nhau hai lần dựng vua mới. Từ hồi Hồng Thuận lên ngôi, vì mẹ Hồng Thuận là người họ Trịnh nên đám Thuỷ Chú bắt đầu đắc ý. Tuy  nhiên lúc đó công đầu phò giúp Hồng Thuận là Nghĩa Quốc công người họ ta nên chúng còn chưa dám ra mặt. Đến bây giờ Quang Thiệu lên ngôi, mẹ Quang Thiệu lại cũng người họ Trịnh nên đám ấy ra mặt công thần, chèn ép chúng ta! Đã bực, lại buồn vì không có cách nào tỏ được tấm lòng trung với triều đình mà Hoàng thượng thì nhỏ tuổi, chỉ biết nghe theo bọn họ và Thái hậu!

Lúc này Nguyễn Kim mới kể chuyện hồi được sai đuổi theo Duy Đại để đưa Quang Trị trở kinh. Bọn Duy Đại, Trịnh Tuy và cha con Nguyễn Trinh, Nguyễn Tùng ăn nói tỏ ra coi thường triều đình và có ý làm phản.

– Sao bây giờ cháu mới nói? – Văn Lự bảo.

– Thưa ông, – Nguyễn Kim nói – cháu nghĩ người ta luôn luôn có ba cách để ứng xử với thời thế, phép dụng binh cũng vậy. Cách thứ nhất ứng với Tam thập lục kế, là kế “rút củi đáy nồi”, nhưng cách này xưa nay không phải là cách của nhà ta vì nó bị xem là thói xu thời, nhún mình cầu an của kẻ tiểu nhân. Cách thứ hai là kế “biết rõ làm ngơ” chịu khổ nhục một thời gian rồi sau sẽ liệu, cách này cháu e ông với cha cháu cũng không theo được.

Hoằng Dụ nổi giận mắng con:

– Có lẽ mày định khuyên chúng ta theo cách thứ ba, “tẩu vi thượng sách”, “ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”, bỏ lại tất cả, về Tống Sơn khoanh tay ngồi yên để mặc đám họ Trịnh làm gì thì làm chăng?

Nguyễn Kim thưa:

– Cách thứ ba con định nói là kế “đi trước một bước”, nếu thấy đối phương có ý diệt mình thì mình hãy ra tay trước.

Nguyễn Văn Lự bảo:

– Gia đình ta ăn lộc nhà Lê đến năm, sáu đời vua, triều đình lại đang lúc rối ren chả nhẽ lại làm rối ren thêm hay sao?

Nguyễn Kim nghĩ rồi nói:

– Vậy thì chọn cách “một mũi tên trúng hai đích” vậy.

– Cách ấy là thế nào?

– Nay dư đảng Trần Cảo vẫn còn nhiều lắm nhưng đã bị xé lẻ chứ không còn được như trước. Hiện chúng tập trung thành hai đám, đám lớn ở Đông Triều do chính Cảo cầm đầu, đám nhỏ tụ lại ở cánh đồng Tam thiên mẫu trấn Hải Dương do anh em Đình Ngạn cầm đầu. Nay ta tâu vua treo thưởng cho ai bắt được Cảo. Duy Sản hám danh và cậy khoẻ vậy ta nhường cho hắn đi đánh đám lớn mà bắt Cảo để lập công to. Chúng ta chỉ nên triệt hạ đám nhỏ. Sản có thể diệt được Cảo nhưng chắc chắn sẽ hao binh tổn tướng, lực lượng sẽ yếu đi; đã vậy Sản lại thích mặc áo đỏ cưỡi ngựa trắng ra trận, ta tung chuyện đó cho bọn Cảo biết, có khi Sản vì vậy mà bỏ mạng cũng nên. Như đời Tam quốc, Bàng Thống từng chết oan ở gò Lạc Phượng vì đi cưỡi con ngựa trắng của Lưu Bị. Sản mà chết thì anh hắn là Duy Đại ta đối xử dễ thôi.

Văn Lự và Hoằng Dụ nghe theo. Hôm sau lâm triều, Văn Lự tâu: Hiện tàn dư Trần Cảo vẫn chưa diệt được tận gốc, vẫn còn rải rác khắp vùng Hải Đông và tụ tập thành hai đám, vậy nên chia quân đi đánh dẹp và treo thưởng cho ai bắt được cha con Trần Cảo.

Hoằng Dụ nói mình binh lực kém cỏi nên xin được đi đánh dư đảng giặc ở Hải Dương. Duy Sản đắc ý bảo Hoằng Dụ: “Phen này ta lấy được đầu Trần Cảo và được Hoàng thượng ban thưởng thì các ngươi đừng có so bì gì nhé” và tình nguyện đánh Đông Triều. Chiêu Tông cho Minh Vũ hầu Trịnh Hồng, Quảng Phúc bá Nguyễn Khắc Nhượng, Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy theo giúp Duy Sản. Hoằng Dụ xin được anh em Mạc Đăng Dung giúp sức.

Hoằng Dụ hẹn với Mạc Đăng Dung, người từ mạn Bắc đánh xuống, người từ mạn Đông Nam đánh lên. Sau mười ngày cùng vây được họ Đình ở một đồng lầy toàn lau sậy rậm rạp. Đây chính là đầm Dạ Trạch hay còn gọi là bãi Màn Trò ngày xưa Triệu Việt vương dựng nghiệp nhưng trải qua gần một nghìn năm nay đã hẹp rất nhiều. Lúc bấy giờ đang mùa đông hanh heo, lau sậy nhiều chỗ khô héo nên Hoằng Dụ định phóng hoả cho quân giặc chết cháy. Đăng Dung can không nên làm như vậy, xưa Khổng Minh vì thiêu chết quân Man trong cuộc Nam chinh bắt Mạnh Hoạch mà nghĩ rằng sau này thể nào mình cũng tổn thọ, về sau đúng như vậy.

Thuộc tướng của Đăng Dung là Vũ Hộ bàn nên phao tin quân triều đình đã giết được Trần Cảo để giặc hoang mang rồi cho quân tinh nhuệ luồn sâu vào sào huyệt giặc, để trong đánh ra ngoài đánh vào, tất thắng. Hoằng Dụ nghe theo, cho Nguyễn Kim đi cùng Đăng Dung. Họ chọn trong đám lính hai trăm người khoẻ mạnh, bơi lội giỏi, tất cả đều mang đao ngắn, mộc và thật nhiều cung tên theo thuyền nhỏ lặng lẽ tiến vào bãi. Bãi chỗ nước nông nước sâu, chỗ nổi lên những gò đất, chỗ lau sậy san sát chỗ lại trơ ra một vùng nước trắng xoá. Đăng Dung và Nguyễn Kim chọn một bãi đất khá lớn và dừng thuyền, gióng trống dụ địch. Một lúc sau giặc từ bốn xung quanh đẩy thuyền ra. Đình Ngạn nói:

– Thật tự dưng chúng bay dẫn xác tới đây nhá, đừng có trách chúng ta đối đãi không tử tế!

Đăng Dung làm giả cái đầu người bằng đất sét, tô phẩm chỗ trắng chỗ đen chỗ đỏ, bây giờ mới giơ cao lên:

– Bọn ta đã lấy được đầu Trần Cảo, các ngươi muốn theo y thì đến đây.

Đình Ngạn, Đình Nghệ nhìn cái đầu, nửa tin nửa ngờ. Mặc dù vậy chúng vẫn thúc quân tiến lên, vừa đẩy thuyền tới bãi vừa nhất loạt bắn tên. Quân triều đình đưa mộc đỡ được hết. Tên cắm vào mộc vào thuyền tua tủa như lông nhím! Chờ giặc đến vừa tầm tên Đăng Dung hạ lệnh bắn trả, giặc ít kẻ có mộc nên ngã xuống nước ào ào. Đình Ngạn, Đình Nghệ khua giáo đỡ tên nên không bị sao. Giặc xáp thuyền lại gần, đổ quân lên bãi. Cuộc chiến giáp là cà thật dữ dội. Anh em Mạc Đăng Dung và Nguyễn Kim đều rất dũng mãnh, một người đánh nổi mười người nên giặc dần núng thế, Đình Ngạn bị đăng Dung chém đầu rơi xuống nước, Đình Nghệ bị Nguyễn Kim đâm lòi ruột, Đình Bảo bỏ chạy bị Mạc Quyết đuổi theo đâm trúng vai, may được Đoàn Bố cứu thoát. Vũ Hộ bắn theo, tên trúng lưng Đoàn Bố. Đăng Dung cho nổ ba tiếng pháo, Hoằng Dụ thúc đại quân nhất loạt tiến vào bãi, cờ trống rung chuyển cả một vùng. Giặc nhiều tên bỏ thuyền nhảy xuống nước trốn, quân triều đình ngậm đao ở mồm bơi đuổi theo, vật lộn đánh nhau với chúng dưới nước, mặt nước ngầu máu đỏ.

Trong khi ấy Trịnh Duy Sản đánh Trần Cảo ở Đông Triều mãi không được vì vùng ấy núi non trùng điệp, Cảo lại chọn làm sào huyệt nên đã cho xây dựng một số thành quách và tích luỹ lương thảo rất nhiều. Cứ thấy bất lợi chúng lại chạy lên rừng, ngày trốn đêm ra đánh khiến quân của Sản nhiều phen thất điên bát đảo. Mặc dù vậy, cuối cùng quan quân cũng dồn và vây được Trần Cảo ở chùa Sùng Nghiêm trên sườn núi Trâu Sơn thuộc Chí Linh. Thấy quân sĩ mệt mỏi, Sản làm một bài văn để động viên họ. Bài văn dài gần trăm câu ấy hùng hồn, thống thiết, tướng sĩ nghe ai cũng sôi sục:

Nay khuyên các tướng sĩ:

Tiết tháo phải như tùng như trúc

Can trường phải là thép là gang

Công phu ta đắp đường đắp non cao, non đã cao, chỉ cần sọt đất

Sự nghiệp ta khác chi đào giếng, giếng đã sâu, gần chạm mạch ngầm

Chớ sợ nhát mà bỏ dở chừng

Nên cố gắng để giành hậu quả…

Chùa Sùng Nghiêm ở núi Miết ngày trước vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã từng trụ trì. Phong cảnh đẹp nhưng đường lên hiểm trở, xung quanh hoang vắng. Vào đời vua Lê Thánh Tông, Tao Đàn phó nguyên suý  là Thái Thuận đã lên đây và có thơ, đại ý: Ngoài bìa rừng chỉ nghe thấy tiếng quạ kêu, núi non trập trùng, nhà chùa vắng vẻ không tiếng đàn tiếng sáo, muôn vật như ngủ hết!

Có thơ văn động viên nhưng quân sĩ đánh mãi vẫn không thắng được giặc, dần dần trở nên lơi lỏng, nhiều người xuống núi, vào các làng xóm xung quanh cướp bóc, bắt đàn bà con gái đem lên rừng hãm hiếp, Duy Sản phải xử chém mấy người, lúc bấy giờ mới giữ được kỷ cương. Một hôm khắp rừng  bỗng quân của Cảo hò reo, thúc trống vang lừng, chỗ nào cũng thấy cờ có chữ “Trần”. Duy Sản không biết giặc nhiều hay ít liền sai lính đi thăm dò. Chúng đi, một lúc sau mấy tên hốt hoảng về báo gặp phải phục binh của giặc nên bị chết gần hết, may chúng chạy thoát được. Duy Sản nổi giận, tự mình đi đầu thúc quân giáp chiến. Rừng rậm khó nhận ai là ai nên quân sĩ cứ thấy bóng chiếc áo đỏ của Sản mà đi theo. Quân của Cảo bỏ chạy. Thấy phía trước lúc ẩn lúc hiện lá cờ mang chữ “Trần” và mấy bóng người mặc áo đen, đoán là Trần Cảo và mấy tên lính cận vệ cuả hắn, Duy Sản thúc quân đuổi gấp. Được một lúc thì không thấy cả người lẫn cờ đâu. Sản đang ngơ ngác thì một tiếng pháo nổ vang, từ sau những bụi cây địch đổ ra đông như kiến,  tên nào cũng đầu trọc, áo đen, vây chặt Sản và mấy chục quân triều đình vào giữa. Trần Cảo cười:

– Thằng Sản kia! Nội gián của ta bảo hễ thấy ai mặc áo đỏ thì đấy chính là Duy Sản. Thật không sai!

Dứt lời Cảo giương cung bắn, Duy Sản né người tránh được. Ngay đó khắp bốn xung quanh tên bắn tới như châu chấu, Sản không thể nào tránh xuể, bị liền mấy mũi, ngã ngựa, quân của Cảo ào đến bắt. Tì tướng Nguyễn Thượng vội tới cứu Sản, bị sa xuống hố, cũng bị bắt nốt. Trịnh Hồng, Trịnh Tuy, Nguyễn Khắc Nhượng thấy chủ tướng bị bắt, mỗi người một ngả chạy hết xuống núi. Trần Cảo hạ lệnh giải Duy Sản lên chùa. Cảo ngồi khoanh chân trên chiếc sập kê trước đỉnh hương lớn giữa sân, đứng sau là Đình Tá, Công Uẩn. Lính của Cảo ấn đầu Sản xuống:

– Trước Thiên ứng đại vương Đế Thích giáng sinh sao không quỳ?

– Ta không biết quỳ!- Sản đáp.

Cảo bảo:

– Nguyên Quận công là dũng tướng ở đời, không phải quỳ! – Và nói với Sản – Nay ta định thu nạp ngươi làm tướng của ta, như đã thu nạp Lê Quảng Độ trước đây, ngươi thấy thế nào?

– Ta tưởng sẽ lấy được đầu ngươi mang về lĩnh thưởng, nào ngờ mắc phải quỷ kế. Ta thà chết chứ không thể như thằng chó Quảng Độ.

– Khá lắm! Vậy thì ta cho ngươI được toại nguyện. Trước khi chết ngươi còn muốn hỏi muốn nói gì không?

Duy Sản nghĩ rồi bảo:

– Ta muốn hỏi hai câu nhưng ngươi phải nói thật, vì dẫu ngươi có nói thật hay dối trá thì ta nghe xong cũng không thể làm gì được. Câu thứ nhất: Hoằng Dụ đánh ở Dạ Trạch thắng hay thua? Câu thứ hai: Nội gián của ngươi là ai mà mách cho ngươi biết ta mặc áo đỏ?

Trần Cảo nghĩ phải làm cho Sản trước khi chết còn cay đắng, đau đớn nên nói bịa rằng:

– Vừa hay! Nếu đao phủ của ta ra tay sớm thì ngươi dù dưới ba thước đất cũng áy náy không yên. Nghe đây: Hoằng Dụ đã bị Đình Ngạn, Đình Bá chém đầu, thây cho cá rỉa; còn nội gián của ta chính là Trần Chân, con nuôi ngươi!

Duy Sản chưa kịp hả dạ thì đã tê tái lòng dạ, y rú lên, không kịp tin hay không tin lời Cảo đã thổ ra huyết và gục xuống. Đao phủ kéo lê Sản và đưa tì tướng của y là Nguyễn Thượng đem đi chém ở đồi thông núi Vạn Kiếp.

Quân Trần Cảo lại một lần nữa tràn xuống tận Gia Lâm và mấy lần đánh  thẳng vào bến Bồ Đề. Sau Trần Chân sang sông đánh rát một trận, Cảo mới chịu lui, rút sang bên kia sông Như Nguyệt, từ đó hai bên cầm cự nhau bất phân thắng bại hàng tháng trời.

Trịnh Duy Sản không còn nữa, theo kế của Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Lự bèn sang phủ Trịnh Duy Đại chia buồn và nói:

– Nguyên Quận công là dũng tướng hiếm có trên đời. Nhưng lâu nay hai họ chúng ta bất hoà một phần cũng bởi Nguyên Quận công quá cứng rắn, câu nệ. Hiện triều đình như chiếc cổng tam quan sau bão đang cần chống đỡ, hai họ chúng ta chính là hai chiếc cột cái vậy. Một chiếc đổ, chiếc kia phỏng có giữ nổi cổng không? Vậy thiết nghĩ chúng ta nên cùng nhau đến trước vua tâu thề thật sự hoà giải mâu thuẫn cho thiên hạ khỏi những điều dị nghị và triều đình nhờ thế được yên.

Trịnh Duy Đại thấy phải liền cùng Nguyễn Văn Lự vào triều. Đến nơi thì thấy cha con Phò mã Nguyễn Trinh, Nguyễn Tùng cũng ở đấy, mặt mũi ai cũng xám ngoét; lại có cả Hoằng Dụ và Nguyễn Kim. Sực nhớ tới hôm cùng uống rượu với Nguyễn Kim ở gần Tam Điệp, Duy Đại mới biết mình bị Văn Lự lừa đến đây nên định chạy thì bị võ sĩ giữ lại. Văn Lự rút từ tay áo ra tờ mật chiếu nói rằng Duy Đại đã đưa Quang Trị lên ngôi, lại vô cớ giết đi; sau đó bàn với Trịnh Tuy, Nguyễn Trinh muốn đem Nguyễn Tùng lập làm nguỵ chủ, định làm việc đại nghịch, chuyện có An Thanh hầu Nguyễn Kim chứng kiến. Mật chiếu cũng kể tội cha con Nguyễn Trinh mưu toan bạo phản.

Duy Đại bị tống ngục cùng với cha con Nguyễn Trinh, chờ bắt được Trịnh Tuy thì chém đầu cả thể. Sau do không bắt được Tuy nên Duy Đại và đồng bọn bị đem đi chém.

Trịnh Tuy lúc đó đang ở Kinh Bắc, nghe tin Duy Đại bị bắt liền đem toàn bộ binh mã kép về kinh đô, ngay đêm ấy, tiến đánh Nguyễn phủ. Họ Nguyễn không rõ quân Trịnh nhiều ít thế nào nên cố thủ chờ đến sáng. Sáng ra Văn  Lự nổ ba tiếng pháo, tung hết lực lượng trong phủ đánh ra; Nguyễn Kim đóng quân cách đấy hai dặm, nghe thấy tiếng pháo kéo quân đánh tới. Trịnh Tuy rút về Trịnh phủ, hôm sau làm ma cho Duy Đại.

Hai bên ngưng chiến được mấy ngày.

Một hôm trời đã sáng mà không thấy Nguyễn Văn Lự dậy. Người nhà tới tận giường xem thì thấy Lự đã chết tím tái, cái chết như bị đầu độc. Hoằng Dụ phải lo ma chay cho chú nên dân chúng kinh đô được yên thêm mấy ngày nữa.

Một hôm Hoằng Dụ và Trịnh Tuy cãi nhau ngay lúc thiết triều, không ai kể cả nhà vua và Thái hậu can nổi. Cả hai không chờ lệnh bãi triều cùng bỏ ra về. Người của hai nhà chờ đón chủ ở cửa Đại Hưng đã lườm nguýt nhau sẵn, thấy hai ông chủ vừa đi vừa xỉa xói nhau, liền xông vào nhau. Bên Hoằng Dụ thì Cù Tuấn, Cù Tú; bên Trịnh Tuy thì Đàm Cử, Nguyễn Thọ, hai bên gươm giáo đâm chém quyết liệt. Đến trưa, Hoằng Dụ huy động mấy nghìn quân bản bộ tấn công, phóng hoả đốt Trịnh phủ. Bị bất ngờ, đám họ Trịnh tan tác mỗi người một nơi. Trịnh Tuy chạy thoát về Lôi Dương, Thanh Hoa.

Vũ Quỳnh đã dừng cuốn sử của mình ở triều vua Uy Mục nên đặt tên cho sách là Tứ triều bản kỷ nhưng vẫn ghi chép những chuyện tiếp diễn, đêm ấy thức trắng đứng nhìn mãi lửa thiêu Trịnh phủ rồi gần sáng ngồi viết: “Giặc bên ngoài chưa yên, các quyền thần đánh lẫn nhau, giết nhau dưới cửa khuyết, máu dây đầy chốn kinh sư, mặt trời vàng tối, vận nước ngày một suy!”.

Đuổi đám họ Trịnh rồi, Nguyễn Hoằng Dụ vào cung vua tâu bày sự việc, xin nhà vua ra chỉ xuất quân diệt hết nhà họ Trịnh. Vua bảo:

– Để trẫm hỏi Thái hậu đã.

Hoằng Dụ về bảo Nguyễn Kim:

– Nay Trịnh Tuy đã tháo chạy được về Thuỷ Chú. Con nên về ngay Gia Miêu lo giữ lấy quê cha đất tổ phòng bọn họ Trịnh làm càn. Mọi việc ở đây ta lo. Có chăng chỉ cần đề phòng Trần Chân là con nuôi Duy Sản thôi.

Nguyễn Kim nói:

– Trần Chân liều lĩnh, tính tình khi mưa khi nắng, làm gì ít khi tính toán trước sau, chỉ cậy khoẻ. Người như thế không khôn nhưng đối phương khó đoán được những việc sẽ làm. Dưới trướng y lại có mấy kẻ đáng lo.

–  Những kẻ nào?

– Chân có các tướng tâm phúc là Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Nguyễn Hiêu, Cao Xuân Thìn. Đáng nói nhất là Kính và Áng. Chúng tuy trẻ nhưng đều đáng gọi là dũng tướng. Hồi đầu làm loạn, Cảo có cho người mời Trần Chân ứng nghĩa nhưng Chân không theo. Cảo bực lắm mang quân đi đánh Chân. Kính, áng bèn tụ tập con em theo Chân đánh lại Cảo, Cảo phải thua. Từ đó hai anh em nhà họ được Chân cho làm tì tướng.

– Bọn tì tướng thì đáng kể gì!

– Nhưng hai người ấy, nói chung là cả đám Sơn Tây lại không đáng ngại bằng một người khác.

– Lại ai nữa? – Hoằng Dụ hỏi.

– Thưa cha, đó là Mạc Đăng Dung. Hồi vây đánh dư đảng giặc Cảo ở Dạ Trạch, nhân rỗi rãi, con mới theo cách của Tào Tháo hỏi Lưu Bị trong bữa rượu, mà thăm dò Đăng Dung: “Theo ông, thiên hạ hiện nay ai thật xứng đáng được gọi là anh hùng?”. Dung bảo: “Độ ba bốn người. Trước hết, đó chính là Phú Bình hầu, ông chú của tướng quân và An Hoà hầu, thân phụ của tướng quân. Thứ đến Trịnh Duy Sản. Thứ ba, Trần Chân ở Sơn Tây. Cảo tuy là giặc nhưng cũng đáng gọi là anh hùng.”. Hồi ấy Phú Bình hầu và Duy Sản vẫn còn. Con bảo: “Phú Bình hầu và cha tôi tuổi đều đã cao. Duy Sản cũng không còn trẻ nữa vả lại tính tình ngông ngạo nên dễ bị kích động mà sa bẫy của kẻ khác. Cảo thì trước sau cũng bị diệt. Những người trẻ tuổi chả nhẽ chỉ có Trần Chân thôi sao?”. Đăng Dung hỏi vậy theo con là những ai? Con đáp: “Sau này, anh hùng trong thiên hạ chỉ có tôi và ông thôi!”.

Hoằng Dụ bật cười:

– Đăng Dung giật mình và đánh rơi đũa rồi giả tảng bảo tại tiếng sét to quá chăng?

– Thưa cha, con nhìn thẳng vào Đăng Dung. Y không lộ vẻ gì khác thường, chỉ cười, bảo: “Tướng quân làm tôi nhớ đến câu của Tào Tháo hỏi Lưu Bị trong bữa tửu luận anh hùng! Tôi là kẻ quê mùa, được đến thế này đã là vinh lắm rồi, nào dám cao vọng gì! Gia đình tướng quân là danh gia vọng tộc, mấy đời có người làm đại thần trong triều, sau này anh hùng trong thiên hạ chỉ có tướng quân thôi!”. Thưa cha, y thật là đi guốc trong bụng người ta! Nhưng con không tin Đăng Dung không có cao vọng, chẳng qua y chưa gặp thời mà thôi. Đăng Dung mặt vuông, con mắt tròn, người to lớn, tướng ấy là tướng không chịu dưới một ai!

Hoằng Dụ bảo:

– Con nói đúng, thời thế tạo anh hùng. Nhưng thời thế cũng triệt diệt anh hùng. Thời thế đã tạo nên Hạng Võ nhưng thời thế cũng buộc Hạng Võ phải chết. Mấy năm nay ai bằng Trịnh Duy Sản? Vậy mà lại chết bởi tên vô lại Trần Cảo! Khi cứng khi mềm, khi tiến khi thoái, chớ quá quan trọng việc lớn cũng đừng xem thường việc nhỏ, đó là phép làm người trong thời buổi loạn lạc. Lại nữa, việc gì cần làm trước thì làm trước, việc gì chưa cần thì để lại sau vì không thể ôm đồm mọi việc trong cùng một lúc. Bây giờ nên lo chuyện Trịnh Tuy và Trần Chân, chuyện Mạc Đăng Dung để sau.

Ngay đó có tin cấp báo: Trần Chân giả danh hộ giá đang kéo quân Sơn Tây về đòi trả thù cho Duy Đại và Trịnh Tuy. Hai tướng Cù Tuấn, Cù Tú đều bị giặc giết. Cù Tuấn bị Nguyễn Kính đâm lòi ruột, vừa chạy vừa ôm bụng nhưng vì mất máu nhiều quá nên tới làng Vòng thì chết. Cù Tú bị Nguyễn áng bắn trúng lưng, cố sống cố chết đeo tên chạy được sang bên này sông Tô Lịch nhưng rồi kiệt sức cũng đã chết. Tướng của triều đình là Nguyễn Dư Hoan ngăn giặc không nổi phải chạy về kinh thành, lo giữ cửa Đại Hưng.

Người đưa tin quân Sơn Tây sắp vượt sông Tô Lịch vừa quay ra, thì người khác đã vào cấp báo quân Sơn Tây không vượt sông Tô mà lại xuôi sông Hồng, chiến thuyền đã tới ngang bến đò Chèm. Nguyễn Kim thưa với Hoằng Dụ:

– Cứ như cha nói thì lúc này chính là lúc nên mềm, nên thoái. Vì thế ta nên rút về Tây Đô để bảo toàn lực lượng.

Hoằng Dụ gật đầu:

– Con nói rất hợp ý ta. Nhưng chúng ta sẽ không về  Tây Đô một mình mà phải đem vua theo.

Đích thân Hoằng Dụ cùng mươi người lính đến điện Kim Quang để đón Chiêu Tông nhưng không tìm thấy nhà vua đâu nên theo cửa Đông để ra bến Thái Cực gấp. Thuyền vừa rời bến, nhìn lên thượng lưu, thấy thuyền quân Sơn Tây đã lấp ló, biết rằng chạy cũng không kịp, Hoằng Dụ bảo Nguyễn Kim cùng ba chục thuyền quay lại chặn địch.

Nguyễn Kim lệnh cho thuyền hạ hết buồm, chiếc nọ kề chiếc kia chắn ngang sông, quân sĩ cung nỏ sẵn sàng, rồi ra đứng ở mũi soái thuyền.

Trần Chân cũng cho thuyền dàn hàng ngang, xuôi dòng nên thuyền trôi băng băng. Hai bên sắp giáp nhau mà Nguyễn Kim vẫn tỏ ra không hề sợ hãi. Trần Chân đặt tên lên cung nhằm vào Nguyễn Kim, chưa kịp bắn thì quân Nguyễn Kim đã nhất loạt phóng tên quấn bùi nhùi lửa về phía thuyền Sơn Tây, chỉ trong chớp mắt lửa bùng lên khắp chỗ: trên những cánh buồm, trên mui, hai bên mạn. Quân Sơn Tây la hét, một số ùm ùm nhảy xuống sông. Nhân lúc đối phương hoảng loạn, Nguyễn Kim ra lệnh giương buồm, chiếc nào chiếc ấy no gió xuôi về phía cửa sông. Đuổi theo cha con Hoằng Dụ không kịp, Trần Chân quay lại tìm Chiêu Tông, ép vua hạ chiếu khắp nơI ruy bắt cha con Hoằng Dụ.

Ra đến biển, Nguyễn Kim rất mừng khi thấy phía trước là đoàn thuyền của cha mình. Hoằng Dụ còn mừng hơn nữa khi thấy con đã qua được cửa Ba Lạt. Biển trời mênh mông, thuỷ chiến trên biển là sở trường của quân Thanh Hoa. Đang lúc gió Bấc nên chẳng mấy lúc cha con Hoằng Dụ đã tới ngang cửa sông Đáy.

Quay lại, Nguyễn Kim ngạc nhiên khi thấy một đoàn thuyền lạ đang đuổi theo và cũng đã ra khỏi cửa sông. Cách chạy thuyền không phải là cách của quân Sơn Tây. Những lá buồm cánh dơi lựa hướng gió giỏi đến mức cả thuyền cả buồm chiếc nào chiếc ấy nghiêng hẳn đi cứ như sắp bị biển nuốt chửng, thực ra cách chạy vát như thế giảm được lực của gió thổi ngược khiến thuyền băng đi rất nhanh. Đã vậy đoàn thuyền tuy dăng ngang cả một khoảng biển rộng nhưng lại cái trước cái sau khiến đối phương khó dùng tên lửa mà bắn cháy. Viên đại tướng đứng trên chiếc thuyền tiên phong vững như đứng trên đất bằng, thanh đao cầm trên tay, cùng với đao gươm giáo mác của các binh sĩ tất thảy đều đón bắt ánh nắng, phản chiếu thẳng về phía đoàn thuyền Hoằng Dụ và Nguyễn Kim khiến họ và quân lính chói đến nhức mắt. Viên đại tướng thét vang mặt biển:

– Hoằng Dụ chớ chạy! Tả đô đốc Mạc Đăng Dung vâng mệnh triều đình đến bắt cha con ngươi đây!

Hoằng Dụ cho thuyền dừng lại, truyền quân sĩ bỏ hết cung kiếm xuống sàn thuyền, có ý muốn nói chuyện. Thấy vậy Đăng Dung cũng cho thuyền mình chậm lại. Quân của Dụ gọi loa sang:

– Xin Đô đốc ngừng tay, tướng quân tôi có đôi lời tỏ bày.

Đăng Dung hạ đao xuống đứng chờ. Hoằng Dụ cho người mang thư sang thuyền Đăng Dung. Thư viết:

“Tôi lòng thành không giấu, xin ngỏ cùng Đô đốc: Anh em họ Trịnh mang bụng nghịch phản đã lâu, lại được Trần Chân giúp sức. Hôm trước tôi có cho người đi Sơn Nam mời Đô đốc hội quân đánh giặc Sơn Tây. Có lẽ người chưa kịp đến thì Đô đốc đã xuống thuyền nên tôi mới được gặp Đô đốc ở đây. Đành rằng Đô đốc vâng mệnh triều đình. Nhưng triều đình hiện đang bị ai thao túng, không nói Đô đốc cũng biết, mong Đô đốc xem xét. Tôi cũng vì vận nước mà nông nỗi thế này. Đô đốc với tôi trà dư tửu hậu mấy lần, lần gần đây nhất là cùng đánh dư dảng giặc Cảo ở Dạ Trạch, tâm đầu ý hợp, tình nghĩa ghi sâu.

Tôi đêm qua thức trắng nghĩ đến đại sự, trong nước mắt đầm đìa có làm một bài thơ, nay xin gửi cùng thư, muốn được Đô đốc nghĩ ngợi:

Mấy đời ăn lộc phúc triều quan

Báo đáp âu đành quản gian nan

Anh hùng vắng bóng, ai phò chúa

Mài lệ đêm thâu bóng nguyệt tàn!

Thư không nói hết.”

Mạc Đăng Dung xem thư và bài thơ, thở dài, thả cho cha con Hoằng Dụ chạy vào Thanh Hoa.

(Còn tiếp)

L.V.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder