Mạc Đăng Dung – tiểu thuyết của Lưu Văn Khuê – Kì 16

Chử Khải bỗng cười ngất:

– Tôi không hiểu tại sao các ông cứ thích rườm rà! Để trừ Trần Chân thiết nghĩ chỉ cần chục tên lính là đủ, việc gì phải mời ai gọi ai. Nay cho gọi Trần Chân vào cung, bảo là để ban tước Quốc công rồi bố trí  phục binh giết, thế là xong….(tiếp kì 16)

Chử Khải bỗng cười ngất:

– Tôi không hiểu tại sao các ông cứ thích rườm rà! Để trừ Trần Chân thiết nghĩ chỉ cần chục tên lính là đủ, việc gì phải mời ai gọi ai. Nay cho gọi Trần Chân vào cung, bảo là để ban tước Quốc công rồi bố trí  phục binh giết, thế là xong. (Tiếp kì 16)

13

Chuyện Đăng Dung tha cho cha con Hoằng Dụ đến tai Trần Chân. Chân muốn triệu Đăng Dung về triều hỏi tội. Nguyễn Kính nói:

– Tiểu tướng vốn quen Vũ Hộ. Hộ có nói Đăng Dung là anh hùng đời nay, diệt không dễ mà thu phục được thì lợi vô cùng. Triệu hồi Đăng Dung về kinh chưa chắc y đã về, vì y đang có tật giật mình nên hẳn đã lường trước mọi tình huống. Y không chịu về, ta chẳng làm gì được y thì mất hết thanh thế, thể diện mà làm mạnh quá lại sợ y làm phản hoặc theo Hoằng Dụ thì nguy, khác gì giúp hổ thêm móng vuốt. Nay tôi có kế này ta vừa được tiếng khoan dung, hào hiệp vừa khiến Đăng Dung mất đi sức mạnh: Dung ở Sơn Nam mấy năm nay, như con hổ quen rừng, thuộc từ cây cối đến đường đi lối lại, lòng người đều thuận, trong tay binh hùng tướng mạnh hàng nghìn người; Sơn Nam lại là nơi hiểm yếu, mặt bộ chẹn lối Tam Điệp, mặt thuỷ ngăn dòng sông Cái nên mấy lần quân Thanh Hoa ra Bắc đều phải cho người chiêu phục mới dễ dàng qua nổi. Giờ đây để y ở đấy không nên. Chi bằng lấy cớ Hải Dương chưa có Tổng trấn, đổi y về đấy, đất lạ người chưa quen, y khác nào như con hổ bị thả giữa đồng bằng; nếu y quy phục thì tốt, không thì diệt trừ cũng dễ. Không nên sợ Dung chính là người Hải Dương vì chẳng cứ Cổ Trai mà ngay cả Nghi Dương của y cũng chỉ là góc nhỏ của cả trấn.

Nguyễn áng nói:

– Kế của anh rất hay nhưng dềnh dàng quá, lại có thể khiến Đăng Dung xem thường quân Sơn Tây ta. Dung mấy năm nay ru rú xó Sơn Nam, được sai tự cầm quân đuổi theo Hoằng Dụ, chưa đánh đã quay về thì giỏi ở đâu? Thật đúng là khôn nhà dại chợ. Y là Trạng nguyên võ thật đấy nhưng lâu nay ngồi ghế Tổng trấn chắc chắn võ nghệ đã mai một đi nhiều. Chủ tướng cấp cho tôi một nghìn binh mã, tôi xin lấy đầu Đăng Dung, thâu tóm luôn cả binh mã Sơn Nam đem về đây không quá mười ngày.

Trần Chân bảo:

– Hiểu võ nghệ Đăng Dung ngươi không bằng ta. Vả lại bây giờ Đăng Dung đã khác, hắn cũng như ta, đều không ham thi thố sức lực với một người mà muốn đánh đổ cả thiên hạ! Nghe theo Nguyễn Kính là hay hơn cả rồi lựa gió chiều nào ta xoay chiều ấy mà đối phó với hắn. Vả lại nay chính là lúc chúng ta cần thu phục lòng người, chớ nên vì cái lỗi nhỏ của người ta mà mang quân chinh phạt, thắng thua chưa biết, chỉ e thiên hạ vừa chực đi theo ta thấy tấm gương Đăng Dung đã vội do dự mà quay bước! Nguyễn Hoằng Dụ thắng được anh em nghĩa phụ ta là nhờ lừa lọc, dối trá, vậy thì ta nên thắng Hoàng Dụ bằng thành tâm đối đãi với người.

Trần Chân sai người mang lệnh điều Đăng Dung sang Hải Dương. Đăng Dung đem việc ra bàn với các tướng:

– Trần Chân điều ta sang Hải Dương mà không cần chỉ của nhà vua làm ta không biết có nên theo hay không.

Hiệu uý Vũ Hộ nói:

– Hiện nay mọi chuyện trong triều đều do Trần Chân quyết định, chỉ dụ của vua nếu có cũng là theo ý Trần Chân. Vậy nên không thể không theo.

Đăng Dung gật đầu:

– Ông nói đúng. Nhà vua và Trần Chân bây giờ như cái thực và cái ảo. Dẫu có thế nào thì ta cũng thấy nhẹ người vì đang lo việc tha cho cha con Hoằng Dụ làm trái ý Trần Chân. Nhưng không phải vì thế mà hết mọi lo lắng. Điều ta đi Hải Dương chính là cách điệu hổ ly sơn của Trần Chân, muốn ta phải rời nơi đã quen thuộc. Không phải Chân không biết ta người Hải Dương đâu, mà y cho rằng Nghi Dương chỉ là một góc nhỏ của Hải Dương nên không việc gì phải ngại. Vậy các tướng có cách gì để ta đến chỗ mới mà không phải lo gì cả không?

Vũ Hộ nói:

– Lý ra thì chỉ một mình tướng quân và gia quyến đi Hải Dương thôi còn đám hạ quan chúng tôi phải ở lại Sơn Nam nhưng tướng quân nên tâu với triều đình cho một số đi theo để đến Hải Dương tướng quân đã có ngay những người tâm phúc. Số còn lại có muốn đi theo cũng cần phải ở lại, để Sơn Nam này vắng tướng quân mà tướng quân vẫn như tại vị. Hải Dương với Sơn Nam chỉ cách nhau con sông Hồng, bên tả ngạn bên hữu ngạn dựa vào nhau, như vậy khác gì bỗng dưng lại được cả hai! Trần Chân dùng kế điệu hổ ly sơn thì ta lập kế biến không thành có, biến mất thành còn. Cha con tôi xin nguyện ở lại Sơn Nam để biến cái tưởng mất thành cái vẫn còn.

Mạc Đăng Dung mừng lắm. Con trai Vũ Hộ là Vũ Bang Huấn vừa cưới em gái út Đăng Dung là Ngọc Di nên Vũ Hộ với Đăng Dung bây giờ còn có tình thông gia. Đăng Dung để thêm tướng tâm phúc là Nguyễn Quốc Hiến ở lại cùng Vũ Hộ, hẹn với họ người nếu có chuyện thì bên này sang giúp bên kia, ban ngày đốt cỏ ẩm lấy khói làm hiệu, ban đêm đốt cỏ khô lấy lửa làm hiệu, ứng cứu cho nhau.

Ngày anh em Đăng Dung lên đường, dân chúng và binh lính Sơn Nam  theo tiễn hàng mấy dặm đường.

*

Trần Chân lấy cớ nhà vua còn trẻ tuổi nên hối thúc các quan đại thần phong cho mình làm phụ chính. Từ đó Chân nắm mọi quyền hành, đi đâu cũng ngồi xe, lại sai người lên Tam Đảo bảo chủ trại ngựa tìm cho mười con ngựa, năm con phiêu năm con nê để cấp cho thị vệ theo hầu. Thái hậu, nhà vua và các đại thần đều lấy làm bức bối.

Nhân có biểu của Trần Chân về việc điều Đăng Dung đi Hải Dương, Thái hậu khuyên vua mật gọi mấy đại thần tâm phúc đến bàn.

Phó đô ngự sử Nguyễn Dự nói:

– Thần biết biểu tấu đến với nhà vua thì Đăng Dung đã chuẩn bị lên đường đi Hải Dương rồi! Trần Chân lạm quyền, tiền trảm hậu tấu, thực đáng trọng tội nhưng triều đình không thể không nghe theo! Thần lại nói về những việc ngông cuồng của y thời gian gần đây. Các hoàng đế nước ta từ xưa đến nay đi đâu thì ngồi xe che lọng phượng bông vàng, lúc lâm trận thì dùng bạch mã, tướng theo hầu dùng ngựa phiêu. Nay Trần Chân chỉ tước bá mà dám ngồi xe có lính cưỡi ngựa phiêu ngựa nê theo hầu, nghi vệ cứ như Thái sư, Thái uý, thói ngông nghênh đã rõ, ý thoán nghịch bắt đầu lộ, trước sau không trừ không được!

Thái hậu nói:

– Triều đình hiện nay không có thực lực, khó lòng mà làm gì nổi Trần Chân. Ta đã định bắt Chân phải chia sẻ quyền lực bằng cách triệu Trịnh Tuy từ Lôi Dương ra. Trịnh Duy Sản trước là cha nuôi của Trần Chân và Chân đã từng vì Trịnh Tuy mà đánh Hoằng Dụ nên ta nghĩ triệu Trịnh Tuy ra Đông Kinh chắc dễ dàng, không ngờ Chân lại tìm cách ngáng trở. Y bảo phải để Trịnh Tuy ở Thanh Hoa để cản trở Hoằng Dụ! Như vậy, y muốn một mình thâu tóm mọi quyền hành!

Thiêm đô ngự sử Lê Đại Độ tâu:

– Thần cho rằng Trần Chân không phải không biết tiền trảm hậu tấu là đắc tội nhưng cố tình thế để thăm dò thái độ nhà vua và các quan đại thần! Lại nữa, việc làm của Trần Chân có thể sẽ tạo cho những kẻ như Đăng Dung học đòi mà khinh nhờn phép nước.

Đô ngự sử Đỗ Nhạc thưa:

– Việc Trần Chân bây giờ là quan trọng và gấp nhất. Giải quyết xong Chân cũng là răn đe những kẻ khác, trong đó có Đăng Dung. Trước còn Trịnh Duy Sản, Trần Chân còn nể sợ, nay không còn Duy Sản, trước sau Trần Chân cũng sẽ làm cái chuyện đại nghịch Trần Tuân, Trần Cảo đã làm. Hiện Trịnh Tuy và Hoằng Dụ đều ở xa, gần gặn chỉ có Đăng Dung. Thần có kế này rất hay, binh thư gọi là kế mượn dao giết người. Nay thăng cho  Đăng Dung từ tước bá lên tước hầu. Làm thế, tất nhiên không thể để Trần Chân nguyên tước bá được mà cũng phải thăng cho y song cũng chỉ thăng cho tước hầu, ngang với Đăng Dung. Trần Chân sẽ không chịu, nhân đó ta khích cho chúng hại lẫn nhau, bệ hạ cứ việc toạ sơn quan hổ đấu. Rồi thì sẽ vời Hoằng Dụ và cả Trịnh Duy Liệu, Trịnh Tuy quay trở lại, giảng hoà cho họ, có thế giang sơn này mới vững được.

Nhà vua nghe theo. Hôm sau thiết triều, ban thăng Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên hầu, Mạc Quyết làm Đông Sơn bá, Mạc Đốc làm Đoán sự; thăng cho Trần Chân làm Thiết Sơn hầu, chức Điển quân Hiệu uý. Chân nhận tước, bực lắm, về nói với các tướng:

– Ta điều đăng Dung đi đâu y phải ngoan ngoãn đi đấy mà nhà vua lại chỉ phong ta tước hầu, xem ta cũng như Đăng Dung, thật không thể chịu được!

Hoàng Duy Nhạc nói:

– Ngày mai tướng quân hãy vào triều trả lại ấn tín xem sao.

– Ta cũng định thế.

– Không nên! – Nguyễn Kính nói – Rút dây động rừng, làm như vậy không những nhà vua phật ý mà Đăng Dung cũng bị chạm tự ái.

– Ngươi nghĩ ta sợ Đăng Dung chăng? – Trần Chân nói.

– Đang lúc thiên hạ ba bè bảy mối, ở Thanh Hoa thì Hoằng Dụ, Trịnh Tuy, ở Tuyên Quang thì Vũ Nghiêm Uy, ở Bắc Giang, Lạng Sơn thì Trần Thăng, ở Hải Dương thì Mạc Đăng Dung, việc thu phục nhân tâm là tối cần thiết. Chúng ta không sợ Đăng Dung nhưng tôi nghĩ diệt được y cũng không phải dễ dàng. Vả lại, tướng quân và Đăng Dung tuy tước ngang nhau nhưng tướng quân là Điển quân Hiệu uý, Dung chỉ là Tổng binh một trấn, chịu quyền sai phái của tướng quân nên trên dưới rõ ràng, như nhau sao được. Tôi lại cho rằng đây là âm mưu của mấy tên thân cận với nhà vua nhằm dương đông kích tây khiến ta và Dung diệt lẫn nhau mà có lợi cho chúng.

Trần Chân ngẫm nghĩ rồi bảo:

-Ta muốn cho ai còn hay mất lúc nào mà chẳng được nên nay tạm không trả lại ấn tín nữa, chờ xem sao. Vả lại, ta chợt nghĩ ra kế này rất hay rồi các ngươi sẽ biết.

*

Mạc Đăng Dung đến Hải Dương, đầu tiên mời Nguyễn Bỉnh Đức đang làm Huyện lệnh Tứ Kỳ lên lo việc ở trấn, sau đó cất nhắc người có năng lực trong họ và ở làng đảm đương một số việc cần thiết: Mạc Quốc Trinh làm Tham chính; Nguyễn Bỉnh Đức làm Tham nghị; Mạc Đình Khoa, Mạc Đốc, Mạc Quyết lo việc binh nhung; Mạc ích Trưng lo việc ruộng đất, quản đốc quan xưởng. Con trai lớn là Mạc Đăng Doanh cũng được giao một số việc cho quen dần với chính sự…

Một đêm, khoảng cuối canh hai, tất cả đã chìm vào giấc ngủ thì lính hầu vào đánh thức Đăng Dung, bảo có Vũ Hộ từ bên Sơn Nam sang. Đăng Dung đoán có việc gấp nên cho người mời Vũ Hộ vào ngay.

Vũ Hộ nói: Nhà vua nghe theo mấy Ngự sử, dùng kế mượn dao giết người. Theo họ thì trong nước hiện nay có bốn thế lực hùng mạnh: Thứ nhất là lực lượng Sơn Tây; thứ hai là họ Trịnh ở Thuỷ Chú, Lôi Dương; thứ ba là họ Nguyễn ở Gia Miêu, Tống Sơn; thứ tư là anh em Mạc Đăng Dung ở Hải Dương. Quân Sơn Tây là mối lo lớn nhất. Đăng Dung là thế lực yếu nhất trong bốn nhà nhưng nếu không chóng trừ diệt cũng sẽ nhanh chóng mạnh lên. Bọn Ngự sử chủ trương để quân Sơn Tây và quân Hải Dương diệt lẫn nhau rồi đón họ Trịnh họ Nguyễn quay trở lại kinh đô vì hai họ này và quân Tam phủ ở Thanh Hoa mới chính là chỗ dựa của triều đình. Trần Chân hình như mắc mưu ấy, nên đã lệnh điều Vũ Hộ và Nguyễn Quốc Hiến về kinh đô, giao Sơn Nam cho Hoàng Duy Nhạc là người của Trần Chân. Chân lại xét lại việc trước Đăng Dung tha cho Hoằng Dụ ở cửa sông Đáy, dâng biểu lên triều đình đòi hỏi tội.

Vũ Hộ bỗng hỏi:

– Trưởng tử Đăng Doanh năm nay bao nhiêu tuổi?

– Con tôi năm nay mười bảy. Tướng quân hỏi vậy chắc có ý gì?

– Trần Chân có con gái năm nay cũng mười bảy. Hay anh hỏi cho Đăng Doanh? Đó là cách xưa nay vẫn làm để cầu thân hoặc hoà hoãn.

Đăng Dung nghe theo, cảm động nắm tay Vũ Hộ:

– Con trai tướng quân lấy em gái tôi, tướng quân khác gì cha tôi, lại hơn tuổi tôi, vậy mà tình cảm chân tình, thân mật như anh em, thật tôi không lấy gì báo đáp!

Vũ Hộ xin phép đi ngay để tránh những dị nghị. Lúc đó khoảng canh ba. Tiếng vó ngựa dồn dập vang động đêm thanh vắng. Gần sáng, Vũ Hộ tới bến đò Khoái Châu, bên kia sông đã là đất Sơn Nam.

Mấy hôm sau Đăng Dung mang theo ít sản vật Hải Dương về kinh đô thăm Trần Chân, xa gần gợi chuyện cho hai trẻ đôi bên làm bạn với nhau. Trần Chân thấy liên kết với Đăng Dung cũng là điều hay nên bằng lòng. Chân nói với vợ: “Thông gia với Đăng Dung, hai nhà như một, còn lo gì bọn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy nữa!”. Người vợ nói: “Thế thì cho cưới liền tay đi thôi.”.

Hai bên chọn ngày lành tháng tốt cho Đăng Doanh thành thân với con gái Trần Chân.

Năm ấy là năm đại hỷ của gia đình Mạc Đăng Dung vì hồi đầu năm Ngọc Huệ đã được gả làm lẽ cho Tiến Quận công Nguyễn Lĩnh. Hồi vua Uy Mục bị Tương Dực giết, Nguyễn Lĩnh theo Thái giám Nguyễn Khắc Hài định báo thù cho Uy Mục. Nguyễn Lĩnh lập kế rước Tương Dực ra hồ sen vắng vẻ để Khắc Hài dễ hành sự. Nhưng Khắc Hài đã làm hỏng việc, sau bị bắt. Nguyễn Lĩnh phải trốn lên vùng Tam Đảo, tập hợp được mấy trăm người chống lại Tương Dực, chống không nổi, Nguyễn Lĩnh lại trốn lên Đà Giang, từ đấy ngầm liên hệ với Cẩm Giang vương phu nhân vì vậy sau khi lên ngôi, vua Chiêu Tông đã vời Nguyễn Lĩnh ra nắm triều chính. Nguyễn Lĩnh đã có bảy người vợ, lấy thêm Ngọc Huệ nữa là tám, về sau lại lấy thêm hai người thiếp nữa.

Việc Trần Chân và Mạc Đăng Dung hai nhà thông gia với nhau khiến Thái hậu và nhà vua lo mất ăn mất ngủ và bọn Ngự sử rối trí nhưng cũng nhờ vậy tình hình kinh đô yên ắng và hai họ Nguyễn, Trịnh cũng không dám hành động gì.

Một hôm em rể Đăng Dung là Lê Bá Ly đến thăm, thấy trấn sở Hải Dương khang trang, dọc đường lúa má tốt tươi, dân chúng xem chừng no ấm, Bá Ly khen:

– Lệnh huynh thật là giỏi! Mấy năm nay triều đình lục đục, dân chúng khổ sở vì nạn binh đao nên công việc đồng áng đâu cũng sa sút vậy mà Sơn Nam như không ảnh hưởng gì, bây giờ đến lượt Hải Dương lại khấm khá lên. Ngày trước em đoán anh có tướng chọc trời khuấy nước, nay lại hiểu thêm tài kinh bang tế thế của anh nữa! Anh còn khéo dùng Nguyễn Bỉnh Đức, khéo chọn dâu rể, khéo khiến Trần Chân không còn nghi ngờ. Nhưng theo em, muốn sâu rễ bền gốc, anh cần kết thân với mấy người nữa.

– Tôi từ khi ra khỏi cửa cho đến nay, chỉ mấy năm đầu là được ở kinh đô, còn thì 5 năm ở vệ Thiên Vũ, 3 năm ở Sơn Nam, nay lại ở Hải Dương ít có  dịp giao thiệp với người kinh kỳ nên cũng không biết được nhiều.

– Người đầu tiên là Phạm Gia Mô, mới được triều đình bổ làm Hữu thị lang Bộ Lễ, người này có tài bao quát các việc. Người thứ hai là Nguyễn Như Quế hiện đang là Phó đô chỉ huy sứ vệ Cẩm Y, có tài điều binh khiển tướng.  Người thứ ba là Nguyễn Thì Ung, hiện đang là Thiêm đô ngự sử, rất am hiểu chính sự và thời thế. Tuy cũng là quan Ngự sử nhưng có khác với đám Nguyễn Dự, Lê Đại Đổ, Đỗ Nhạc. Người thứ tư và thứ năm thì anh đã biết và cũng đã dùng, đó là Vũ Hộ và Nguyễn Quốc Hiến, họ từ Sơn Nam bị Trần Chân kéo lên kinh làm việc ở Phụng Thiên phủ doãn. Người thứ sáu là Nguyễn Thế An, người này không tài năng gì kiệt xuất nhưng là nội quan trong cung nên có biết nhiều điều bì mật, quen được rất có lợi.

– Chú nói thì  biết vậy chứ Vũ Hộ, Quốc Hiến không nói làm gì, làm thế nào mà gần gũi được những người kia?

– Chính Trung, Thái An năm nay bao nhiêu tuổi? –  Bá Ly hỏi.

Đăng Dung bảo:

– Đều chưa đến tuổi dựng vợ gả chồng! – Đăng Dung cười – Tôi hiện đã bốn trai hai gái nhưng các bà vợ của tôi vẫn còn đẻ nữa! Còn là mệt với chuyện chồng con cho chúng!

– Đăng Doanh coi như tạm yên nhưng chưa phải đã xong. Em biết anh thông gia với Trần Chân cũng là bất đắc dĩ. Kể từ Chính Trung, Ngọc Thọ trở đi anh cần thận trọng. Xem trong những người em vừa kể có thể thông gia với ai được không. Vũ Hộ nói đúng, đó là cách xưa nay vẫn làm để kết thân hoặc hoà hoãn, các quân vương khanh tướng thông gia đa phần là nhằm củng cố quyền lực, liên minh chính trị.

– tôi định gả cháu Ngọc Thọ cho Nguyễn Quốc Hiến, chú thấy thế nào?   Mới nghĩ như thế vì phải hai năm nữa cháu mới đến tuổi. Quốc Hiến làm việc bên tôi đã lâu nên tôi biết rõ đạo đức, tài năng.

– Em nghĩ là được. à, giờ mới nhớ ra, Phạm Gia Mô có con gái sắp đến tuổi cập kê, hay anh ướm hỏi cho Chính Trung đi.

Hai người bàn sang chuyện thời thế, chưa được mấy câu thì Đăng Doanh dẫn vợ đến, người vợ kêu khóc thảm thiết:

– Cha ơi! Phụ thân con bị người ta giết! Cha trả thù cho phụ thân con!

Cả Mạc Đăng Dung và Lê Bá Ly cùng giật mình: Kinh đô có biến, Trần Chân bị giết rồi!

Đăng Dung lập tức sai người về kinh thăm dò đầu đuôi sự việc.

*

Cậy nắm quyền bính kinh sư trong tay, Trần Chân mỗi lúc một khinh nhờn phép nước, không những một bước lại một bước xe mà còn cho che dù trên xe, tăng số lính kỵ theo hầu lên 12 người nữa thành tất cả 22 người, đi đâu thì 10 người đi trước, 10 người đi sau, hai người hai bên, nghi vệ chỉ thua có nhà vua, không những thế 22 người ấy không mang đao thương mà toàn mang qua như nghi thức hầu thiên tử bên Bắc quốc. Trần Chân còn xui người dâng biểu đòi vua thăng cho mình từ tước hầu vọt lên Quốc công. Lúc thiết triều, đại thần nào nói năng trái ý là quát nạt ngay trước mặt Thái hậu và nhà vua; có lần còn tỏ rõ thái độ không bằng lòng với chính Thái hậu.

Trong khi ấy thiên hạ xì xầm câu sấm: “Đông hải xuất nhật, Đoài sơn vẫn tinh, Phụ nguyên trì thống, Đế phế vi đinh”. Thái hậu liền gọi đám đại thần tâm phúc vào hỏi ý nghĩa của câu sấm ấy. Bích Khê hầu Lê Công Uyên tâu:

– Sấm vốn bí hiểm, thường khi sự việc xảy ra rồi người ta mới liên hệ và hiểu được nội dung của sấm. Nhưng câu sấm này ý tứ khá rõ. Thái hậu và bệ hạ có tha tội thần mới dám nói.

– Ngươi cứ nói.

– Đại ý có thể hiểu là: Biển Đông mặt trời mọc, non Đoài sao sa, cha nắm trọn quyền, vua bị phế làm thường dân”. Mặt trời hiển nhiên mọc đằng Đông rồi, câu đầu không có gì đáng bàn, chỉ có tác dụng làm cho thơ biền ngẫu  khỏi thất niêm. Câu thứ hai mới thật sự đáng chú ý bởi sao thì chẳng lặn theo phương nào nên suy ra câu này ứng với việc ở Sơn Tây, hạ thần thiết nghĩ ám chỉ Trần Chân. Đến câu thứ ba ý càng rõ, vì Chân không những ép các quan đại thần tâu vua phong làm phụ chính mà còn nắm trọn quyền hành! Câu thứ tư…

Thái hậu phẩy tay, Lê Công Uyên không dám nói tiếp nữa. Bọn Nguyễn Dự, Trịnh Hựu, Lê Đại Đổ, Ngô Bính, Chử Khải, Đỗ Nhạc, Hà Văn Chính cúi gằm mặt, tự thấy mình có lỗi vì dâng kế nào đều hỏng kế ấy. Thái hậu lại trách thêm:

– Nhà vua còn nhỏ chưa tự quyết định được, những mong quan Ngự sử các ngươi bày mưu tính kế, không ngờ Trần Chân, Đăng Dung chẳng những không mắc mưu mà con cái chúng còn cưới nhau, liên kết với nhau, khác nào rắn thêm chân, hổ thêm vuốt, triều đình càng thêm khốn đốn. Bây giờ lại có câu sấm, chả nhẽ Chân định làm chuyện phế lập thật sao?

Đỗ Nhạc tâu:

– Thần nghĩ y dám làm thế lắm. Xin bệ hạ viết mật chiếu sai Bích Khê hầu là người trong hoàng tộc, lại là cháu của khai quốc công thần Lê Văn Linh vào Thanh Hoa, buộc Nguyễn Hoằng Dụ ra Đông Kinh phò vua. Điều Ngô Bính cùng Trịnh Hựu, Chử Khải giữ Cấm quân. Đưa Lê Đại Đổ, Hà Văn Chính sang đóng quân ở Gia Lâm đề phòng Đăng Dung báo thù cho thông gia của hắn.

Lê Công Uyên bảo:

– Đỗ ngự sử bàn đưa Hoằng Dụ trở lại, khác nào Hà Tiến đời Hán rước Đổng Trác về kinh đô để trừ mười tên thường thị mà tự chuốc thêm hoạ!

Nguyễn Dự bực:

– Nói vậy hoá ra Hoằng Dụ tướng quân chẳng khác gì Đổng Trác ư?

– Nếu có cơ hội thì cũng một tuồng như vậy!- Lê Công Uyên bảo.

– Không ngờ Bích Khê hầu lại hồ đồ như thế! – Hà Văn Chính nói.

– Nếu định cầu viện bên ngoài thì nên vời cả Trịnh Tuy ra nữa để hai họ Nguyễn, Trịnh kiềm chế lẫn nhau. – Lê Công Uyên bảo.

Chử Khải bỗng cười ngất:

– Tôi không hiểu tại sao các ông cứ thích rườm rà! Để trừ Trần Chân thiết nghĩ chỉ cần chục tên lính là đủ, việc gì phải mời ai gọi ai. Nay cho gọi Trần Chân vào cung, bảo là để ban tước Quốc công rồi bố trí  phục binh giết, thế là xong.

Đỗ Nhạc nói:

– Trần Chân mà lại dễ bị lừa như vậy sao?

Một bên Chử Khải, Ngô Bính, Trịnh Hựu, một bên Đỗ Nhạc, Nguyễn Dự, Hà Văn Chính, hai bên tranh luận không dứt, Thái hậu và nhà vua không biết theo ai, phải cho cả hai bên lui để được yên tĩnh mà tính kế.

Đêm ấy, đám Chử Khải, Ngô Bính bí mật vào cung thuyết phục Thái hậu và nhà vua theo kế của họ. Thái hậu nghe theo.

L.V.K

(Còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder