
– Bao lâu nay hai họ Thuỷ Chú và Tống Sơn đều đề phòng nhau và bên này đều lo bị bên kia đánh úp nhưng tôi thấy điều đó chưa hề xảy ra. Tôi lại nghiệm rằng cứ khi nào họ Trịnh ra Thăng Long thì họ Nguyễn liền ra theo. Vì sao? Vì chúng sợ họ Trịnh chiếm mất vua. Ta ra Bắc lần này chắc chắn cũng sẽ thế vì vậy hãy chớ lo cho Lôi Dương này..
– Bao lâu nay hai họ Thuỷ Chú và Tống Sơn đều đề phòng nhau và bên này đều lo bị bên kia đánh úp nhưng tôi thấy điều đó chưa hề xảy ra. Tôi lại nghiệm rằng cứ khi nào họ Trịnh ra Thăng Long thì họ Nguyễn liền ra theo. Vì sao? Vì chúng sợ họ Trịnh chiếm mất vua. Ta ra Bắc lần này chắc chắn cũng sẽ thế vì vậy hãy chớ lo cho Lôi Dương này.
14
Đêm tháng Giêng, có một người cưỡi ngựa vào Lôi Dương xứ Thanh, đến đầu huyện thì bị quân bản địa giữ lại xét hỏi. Người ấy cũng chỉ mong vậy để dễ dàng gặp được Trịnh Tuy.
Người ấy xưng tên là Nguyễn Sĩ, từ Đông Kinh vào. Sĩ nói:
– Vua Thánh Tông có 14 hoàng tử, Kinh vương Lê Kiện là con út. Mẹ các hoàng huynh, từ hoàng tử trưởng đến người thứ sáu nếu không là Hoàng hậu hay thứ phi thì cũng là Sung viên, cùng lắm là Tài nhân, nhưng từ người thứ bảy trở đi mẹ chỉ là nàng hầu. Chính vì vậy, Kinh vương bị những người anh có các bà mẹ danh gía coi thường. Điều oái oăm là cả Kinh vương lẫn mẹ đẻ của vương lại được nhà vua hết sức yêu chiều. Điều đó cũng không có gì khó hiểu vì mẹ của Kinh vương trẻ nhất trong số các phi tần cung nữ được gần vua, nghe nói bà kém nhà vua tới gần 40 tuổi. Khi vua Thánh Tông còn sống Hoàng hậu và các bà phi chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng vua mất đi, họ hùa vào làm tình làm tội mẹ con Kinh vương và còn nói rằng chính vì bà mà nhà vua sớm suy kiệt thể lực. Hiến Tông lên ngôi rồi tiếp đấy là Uy Mục.
Uy Mục đế nghi ngờ hết thảy tôn thất vì chỉ sợ họ cướp ngôi, do đó luôn luôn nghĩ đến chuyện làm hại họ. Kinh vương tuy là bậc chú vua cũng không tránh khỏi tai vạ đó nên quyết rời bỏ kinh thành, mai danh ẩn tích tìm thú nhàn tản ở nơi thôn dã. Khi Tương Dực chiếm ngôi của Uy Mục, có người khuyên Kinh vương trở lại kinh thành, vương bảo: “Oánh là bày tôi mà lại giết vua, là em mà lại giết anh, người ấy cũng không khác gì Uy Mục đâu”. Về sau quả như vậy. Kinh vương sống yên phận đến mức thiên hạ nhiều người không biết kết cục ra sao, thậm chí có người còn bảo vương đã bị vua Hiến Tông giết chỉ vì vương được vua Thánh Tông yêu! Nhưng người vợ của Kinh vương thì không chịu yên phận.
Phu nhân luôn ấm ức vì tiếng là vương phi mà sống không khác gì kẻ cùng đinh, vì vậy bà ly thân với Kinh vương, quyết bế con trai là Lê Do về kinh thành để gặp vua Tương Dực, xin được che chở. Đúng lúc đó xảy ra chuyện các đại thần trừ diệt Tương Dực. Phu nhân vẫn quyết không về với Kinh vương, sau vì đau buồn nên phu nhân ốm mất, trước khi mất có đưa cho con trai chiếc quạt này vào bảo: “Đây là chiếc quạt có bài thơ của vua Lê Thánh Tông do chính tay nhà vua viết và tặng bà nội của con. Bà trao cho mẹ, bảo mẹ truyền lại cho con, đó là bảo vật, khi cần thì dùng, ắt sẽ được việc.”. Ai cũng biết triều đình có đại ấn và tiểu ấn, riêng Thánh Tông còn có thi ấn dùng để đóng vào các bài thơ của mình. Xin mời ngài xem.
Trịnh Tuy cầm lấy chiếc quạt xem qua rồi đưa cho Trịnh Duy Liệu. Liệu giỏi văn chương, ham thơ phú và đã được đọc một số bài thơ của vua Thánh Tông từ chính tay nhà vua viết nên xác nhận bài thơ trong chiếc quạt, từ nét chữ đến nét ấn đều đúng là của Thánh Tông.
Nguyễn Sĩ nói tiếp:
– Biết tướng quân có ý không phục đương kim Hoàng thượng nên tôi đến đây xin giúp.
– Ta hiểu ý ngươi. Có phải ngươi muốn ta dựng con của Kinh vương… Ngươi nói ông ta tên là gì nhỉ?
– Thưa tướng quân, tên là Lê Do, năm nay 11 tuổi. Hiện đang chờ ở chòi cá bên sông.
Duy Liệu lộ rõ vẻ thất vọng, trong khi đó Trịnh Tuy cười ha hả:
– Hay lắm! Càng dễ cho ta!
Trước đây Trịnh Tuy có cho người ra Bắc liên hệ với Nguyễn Kính, cùng lập Lê Bảng là con Tĩnh Tu công Lê Lộc, xưng niên hiệu là Thiên Đức để chuẩn bị làm việc thoán nghịch. Trịnh Tuy về Thanh Hoa mang Lê Bảng theo. Lê Bảng tuổi cũng khoảng như Lê Do nhưng địa vị trong hoàng tộc không cao lại đau ốm luôn nên nay được Lê Do, Trịnh Tuy ưng ý lắm.
Nguyễn Sĩ dẫn Trịnh Tuy và Trịnh Duy Sản ra chòi cá để gặp Lê Do. Bấy giờ Lê Do đang xem người ta đánh cá, vì nghịch, mở giỏ cá ra xem được bao nhiêu con nên Do làm mấy con nhảy xuống sông mất, sợ quá, bỏ chạy và bị tay ngư phủ vớ hòn đất ném theo trúng lưng. Thấy vậy Nguyễn Sĩ rút gươm định giết người đánh cá thì Trịnh Tuy ngăn lại, bảo:
– Đấy là điềm tốt. Thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Bắc quốc, công tử Trùng Nhĩ phải cùng một số bày tôi lưu vong. Đến Ngũ Lộc thì đói quá nên họ phải xin ăn. Người ở đấy chẳng những không cho mà còn đùa cợt, đưa cho nắm đất bùn. Trùng Nhĩ và bày tôi có kẻ thấy thế định giết người đó, Hồ Yển bảo: “Bùn cũng tức là đất, dân cho chúng ta đất là một điềm tốt”. Về sau quả nhiên Trùng Nhĩ làm vua nước Tấn. Chúng ta cũng vậy, đang mong được đất nay lại có người cho đất!
Trịnh Tuy bảo Lê Do lậy tạ người đánh cá và ban thưởng cho y một quan tiền khiến y ngớ ra không hiểu gì cả. Trịnh Tuy truất bỏ Lê Bảng ngay hôm đó, lại cho người đánh cá năm quan tiền nữa để sai đem Bảng ra giữa sông dìm chết để khỏi phiền phức về sau, đồng thời lập Lê Do làm vua, đặt niên hiệu mới là Thiên Hiên. Lê Do tôn Trịnh Tuy làm phụ hoàng. Bàn việc tiến quân ra Bắc, Trịnh Tuy nói:
– Thanh Hoa tuy có Tây Kinh, lại là nơi dựng nghiệp tân vương nhưng không thể lấy làm kinh đô lâu dài cho cả nước được vì từ lâu thiên hạ đã quen hướng về Đông Kinh. Vậy nên hành điện mai sau sẽ tạm đặt ở Miêu Nha, huyện Từ Liêm, hiện do quân Tây Sơn nắm giữ. Vì Miêu Nha nghe dễ lẫn với Gia Miêu quê quán của đám Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim nên nay đổi thành Do Nha.
Nguyễn Sĩ hỏi bao giờ sẽ tiến quân. Trịnh Tuy đáp:
– Quân Thuỷ Chú của tôi lúc nào cũng có thể lên đường được ngay, chỉ e thừa cơ quân Tống Sơn lại đánh úp Lôi Dương!
Nguyễn Sĩ nói:
– Bao lâu nay hai họ Thuỷ Chú và Tống Sơn đều đề phòng nhau và bên này đều lo bị bên kia đánh úp nhưng tôi thấy điều đó chưa hề xảy ra. Tôi lại nghiệm rằng cứ khi nào họ Trịnh ra Thăng Long thì họ Nguyễn liền ra theo. Vì sao? Vì chúng sợ họ Trịnh chiếm mất vua. Ta ra Bắc lần này chắc chắn cũng sẽ thế vì vậy hãy chớ lo cho Lôi Dương này.
Trịnh Tuy khen:
– Ông nói chí lý lắm. Nhưng dẫu sao vẫn cứ phải đề phòng.
Trịnh Tuy liền để Trịnh Duy Liệu ở lại giữ Lôi Dương còn mình cùng Lê Do, Nguyễn Sĩ đi đường bộ kéo quân ra Bắc.
Từ lúc từ chối đem quân ra Bắc cứu giá, Nguyễn Hoằng Dụ bồn chồn không yên và lấy làm hối hận. Nghe quân do thám cho biết Trịnh Tuy đem quân ra Bắc, Hoằng Dụ càng rối hết ruột gan nên than thở với con:
– Từ khi Thái úy Trịnh Quốc công theo phò vua Thái Tông, nhất là từ khi con gái cụ được vua Thánh Tông phong làm Huy Gia hoàng hậu rồi trở thành Hoàng Thái hậu mẹ vua Hiến Tông, họ Nguyễn ta đến nay trải qua sáu, bảy mươi năm không lúc nào không có đại thần trong triều, cả họ trở thành rường cột của quốc gia. Vậy mà chỉ trong một lúc nóng giận từ chối không đem quân cứu giá, bao nhiêu công lao bị chính ta phủi sạch; tạo điều kiện cho Mạc Đăng Dung từ một ngư phủ quê mùa ở Cổ Trai, chỉ trong vòng 15 năm bỗng trở thành đệ nhất công thần nhờ hoà hoãn được với quân Sơn Tây, chẳng những không tốn một mũi tên, không mất một tên lính mà còn làm triều đình trong một lúc mất liền ba vị Ngự sử đại thần! Giờ đây bọn họ Trịnh lại ra Bắc, lập Lê Do làm Thiên Hiên, sắp tới tình hình không biết thế nào. Ta thật đáng trách, thật không ngu dại nào bằng!
Nguyễn Kim thưa:
– Cha yên tâm, triều đình chẳng những không bỏ được chúng ta mà còn cần chúng ta hơn bao giờ hết!
Dứt lời Nguyễn Kim vỗ tay ba cái, từ sau bình phong một người bước ra, đó là Bích Khê hầu Lê Công Uyên.
– Truyền cha con Nguyễn Hoằng Dụ nghe thánh chỉ! – Lê Công Uyên cao giọng dõng dạc, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim vội quỳ xuống.
Chiêu Tông có chỉ thăng Nguyễn Hoằng Dụ làm Thái uý; Nguyễn Kim làm Điện tiền chỉ huy sứ. Lệnh cho Hoằng Dụ mang quân Tam phủ ra kinh đô phò thiên tử.
Trao chỉ xong, Lê Công Uyên bảo Nguyễn Hoằng Dụ:
– Lần này vào đây, e tướng quân lại từ chối như lần trước nên tôi phải đến với An Thanh hầu trước. Đăng Dung tuy có công lui được quân Sơn Tây, nhưng thực ra y chỉ hoà hoãn được với bọn chúng chứ đâu đã trừ được tận gốc nên hoạ vẫn còn. Vả lại triều đình không thể dựa vào riêng Đăng Dung được vì không dám tin hẳn vào y. Cách đây không lâu chính y đã giết hai đại thần Đỗ Nhạc và Nguyễn Dự chỉ vì họ làm trái ý y. Đăng Dung bề ngoài thực thà ngay thẳng, miệng nói toàn những lời trung nghĩa nhưng bên trong biết đâu lại ngầm chứa mưu gian. Trước đây họ Thuỷ Chú và họ Gia Miêu Tống Sơn là rường cột của quốc gia nhưng từ khi Duy Đại âm mưu thoán nghịch, Duy Sản lộ chân tướng là cha nuôi của Trần Chân, Trịnh Tuy thì cùng phe cánh với Chân, chỉ còn họ Nguyễn là chỗ dựa tin cậy của triều đình mà thôi, vậy nên xin tướng quân gạt bỏ tuổi tác, chớ phụ lòng mong mỏi của Hoàng thượng, ra ngay kinh đô nắm quyền lớn, có thế mới ngăn ngừa được mọi hiểm hoạ.
– Triều đình còn chưa yên tôi chưa thể nhắm mắt được! Thế tướng quân đã biết việc Trịnh Tuy nguỵ tạo dựng Lê Do làm vua và liên kết với quân Sơn Tây, hiện đang tiến quân ra Bắc chưa?
– Có chuyện ấy ư? Lê Do là ai, tôi chưa từng nghe tên. Trịnh Tuy tìm đâu ra người ấy vậy?
– Ông là người trong ngoại thích của hoàng tộc mà còn không biết sao! Nghe nói Lê Do mới 11 tuổi, là con Kinh vương Lê Kiện. Lê Do chẳng qua chỉ là đồ phường chèo trong tay Trịnh Tuy mà thôi! Bọn Trịnh Tuy kéo quân ra Bắc nhưng không thể theo đường sông đường biển được vì không có thuyền lớn, cửa Hới lại do quân của tôi đóng giữ. Chúng phải theo đường bộ nên gặp rất nhiều trở ngại. Mưa gió bấy nay đã làm con đường hạ đạo chỗ cây cối rậm rạp, chỗ thì lầy lội, quân vừa đi vừa phải mở đường. Tôi tuy khởi binh chậm nhưng đi đường biển nên chắc chắn sẽ ra Đông Kinh trước.
Hoằng Dụ để Nguyễn Kim ở lại Tống Sơn; sai Đinh Công Lương, Đinh Công Đống làm tiên phong mang 50 chiến thuyền dong buồm ra Bắc. Lương, Đống là con Thượng thư Bộ Binh, Văn Thắng hầu Đinh Công Nhiếp, là cháu Chinh Lỗ đại tướng quân, Trung Mục vương Đinh Liệt, khai quốc công thần triều Lê.
Hoằng Dụ ra tới kinh đô, quả nhiên quân Trịnh Tuy còn chưa tới nơi. Vua Chiêu Tông thân hành ra tận cửa Đại Hưng để đón Hoằng Dụ. Vua tôi cùng vì cảm động. Chiêu Tông cho quân Tống Sơn nghỉ ngơi vài ngày rồi sai Hoằng Dụ cùng với Đăng Dung tiến đánh Sơn Tây. Hoằng Dụ hăng hái muốn lập công đầu, Đăng Dung nhận đánh trận thứ hai.
Hoằng Dụ xuất trận, cưỡi ngựa nê đề, hai tướng họ Đinh hai bên. Phía quân Sơn Tây, Nguyễn Kính cưỡi ngựa ô câu, Nguyễn áng, Nguyễn Hiêu hai bên, sẵn sàng tiếp chiến. Nguyễn Kính tiến ra hỏi:
– Triều đình cam kết với ta không bên nào xâm hại bên nào, nay lại cho tiến quân là cớ làm sao?
– Thiên hạ tất cả đều của Hoàng thượng, làm gì có chỗ nào là của nhà ngươi! Nếu quân Sơn Tây hạ giáo quy hàng thì còn đường sống, chống lại thì chết. Gương giặc Tuân, giặc Cảo còn tầy liếp ngươi không nhớ sao?
– Lão già sắp chết kia nghe đây: Quang Thiệu nghe lời gièm pha vô cớ giết hại trung thần làm cho thiên hạ đại loạn. Mệnh trời giao cho nhà Lê sắp hết, núi sông nay không chỉ là của nhà Lê nữa, ai mạnh người nấy được, khôn sống mống chết. Được làm vua thua làm giặc, ta muốn vậy thì sao?
Nguyễn Hoằng Dụ nổi nóng:
– Bên kia đừng có nói lôi thôi, càn rỡ. Muốn đấu tướng, đấu quân hay đấu binh pháp?
Nguyễn áng ghé tai Nguyễn Hiêu nói: “Đấu binh pháp là đấu cái quái gì? Bày trận bảo là cửa sinh cửa tử rồi phất cờ phất quạt loạn lên cho bụi mù bụi mịt! Anh em mình đấu tướng.”. Nguyễn áng vác đao tiến ra. Đinh Công Lương thúc ngựa đối địch. Hai người quần đảo tới năm hồi trống rồi bên nào về bên ấy, bất phân thắng bại. Đến lượt Nguyễn Hiêu, bên kia thì Đinh Công Đống, cũng không ai thắng ai.
Nguyễn Kính chờ cho Nguyễn Hiêu về đến hàng quân mới thúc trống cho toàn quân giáp chiến. Quân Tống Sơn đi đường xa suốt mấy ngày liền vẫn còn mỏi mệt nên thua chạy. Nguyễn Kính sợ có phục binh nên cũng lui quân.
Hôm sau, Đăng Dung ra trận. Thấy Đăng Dung, Nguyễn Kính mắng luôn:
– Ta có nói với ngươi mấy điều, ta rút về Sơn Tây, ta không động đến triều đình, triều đình cũng không được động đến ta, sao triều đình sớm bội ước vậy?
– Không phải triều đình bội ước mà chính ngươi phản lại triều đình.
– Hiện nay nhà Lê chỉ còn hư danh, từ người anh hùng đến kẻ thảo khấu đều chờ dịp xưng hầu xưng bá. Ta chỉ là tướng dưới quyền Thiết Sơn tướng quân, đến tước tử, tước nam ta còn không được phong mà dám đường đường một cơ đồ; ngươi là bậc anh hùng đời nay, làm đến Vũ Xuyên hầu, trong tay vài nghìn binh mã, vài chục chiến thuyền sao chịu núp bóng hư danh mãi thế? Ngươi là chỗ thông gia với Thiết Sơn tướng quân nên ta thành thật khuyên ngươi hãy cùng ta, người xứ Đông người xứ Đoài cùng nhau mưu tính nghiệp lớn, không thì trước sau kẻ khác cũng sẽ làm như vậy, đến lúc đó ngươi có hối cũng không kịp.
Mạc Đăng Dung nổi giận quát:
– Ta tới đây là để bắt ngươi chứ không phải nghe những điều phản nghịch. Ngươi có dám đấu tay đôi với ta không?
Nguyễn Kính thúc con Ô câu tiến ra, Đăng Dung cũng cưỡi con Cát mã đối địch. Khi hai bên đến gần, Nguyễn Kính nói chỉ đủ cho Đăng Dung nghe thấy:
– Lúc nãy tôi nói những điều tâm huyết, mong tướng quân suy nghĩ.
Đăng Dung bảo:
– Tôi không có ý ra quân, nhưng nhà vua sai cùng với Hoằng Dụ đến đây thì phải đi. Nếu tướng quân nhường tôi thì tôi cũng nhường tướng quân. Ngày mai đến lượt Hoằng Dụ đánh trận tiếp, tuỳ tướng quân định liệu. Nhưng nếu ngày mai không xong, phải đánh sang ngày kia thì lúc đó tôi không thể nhường được.
– Tôi bằng lòng, xưa đã không được cùng tướng quân thử sức tranh Trạng nguyên võ thì nay âu là dịp thử sức nhau chơi!
Hai bên giáp chiến. Mạc Đăng Dung lão luyện, Nguyễn Kính trẻ trung hăng hái. Hai bên đánh nhau đến năm mươi hiệp vẫn không phân thắng bại. Đường đao của Đăng Dung biến hoá bao nhiêu thì ngọn thương của Nguyễn Kính cũng khó lường bấy nhiêu. Quân sĩ hai bên cứ ngay người ra mà nhìn. Đánh dăm hiệp nữa rồi Nguyễn Kính bảo ngừng, về sai Nguyễn áng ra đánh, bên này Mạc Quyết vào trận, tiếp đó Hoàng Duy Nhạc đánh với Mạc Đốc. Đến trưa, nắng lên hai bên cùng rút về trại.
Nguyễn Hoằng Dụ có ý không bằng lòng và trách Đăng Dung:
– Tướng quân vốn là Đô đầu Đại lực sĩ mà không thắng nổi tên vô danh tiểu tốt Nguyễn Kính! Cứ tướng đấu với tướng như thi võ như thế này thì biết bao giờ mới lui được giặc! Ngày mai tôi sẽ quyết chiến với giặc, có gì thì tướng quân tiếp ứng….
L.V.K
(còn tiếp)