Mạc Quốc Trinh, Mạc Đĩnh Khoa, Nguyễn Bỉnh Đức, Lê Bá Ly, Phạm Gia Mô… tất cả đều khuyên Đăng Dung hãy làm như Lê Hoàn đã làm với nhà Đinh, Lý Công Uẩn đã làm với nhà Tiền Lê, Trần Cảnh đã làm với nhà Lý và Hồ Quý Ly với nhà Trần… (Tiếp kì 27)
Mạc Quốc Trinh, Mạc Đĩnh Khoa, Nguyễn Bỉnh Đức, Lê Bá Ly, Phạm Gia Mô… tất cả đều khuyên Đăng Dung hãy làm như Lê Hoàn đã làm với nhà Đinh, Lý Công Uẩn đã làm với nhà Tiền Lê, Trần Cảnh đã làm với nhà Lý và Hồ Quý Ly với nhà Trần. (Tiếp kì 27)
Hơn tháng sau, một hôm vào khoảng giờ hợi một đoàn khoảng gần chục đại thần cải trang thành lái buôn, rời kinh đô bí mật xuống thuyền để sang bên kia sông Nhị Hà, từ đấy đi ngựa nhằm hướng Cổ Trai phóng nước đại, ngựa mệt thì đổi ngựa khác ở binh trạm, cứ thế đi suốt đêm, trưa hôm sau thì tới Cổ Trai, vào yết kiến Mạc Đăng Dung. Thấy các quan đại thần đều là những người theo mình đã lâu, biết có việc quan trọng nên cơm nước xong, Đăng Dung cho người nhà lui để tiếp họ.
Mọi người cho hay hồi nọ Đăng Dung lên kinh đô rồi trở về Cổ Trai ngay khiến Thống Nguyên hết sức lo lắng vì không hiểu như vậy có ý gì! Đăng Dung cười:
– Ta chẳng có ý gì đâu! Chẳng qua trước hôm ta đi, thân mẫu ta bị mệt nên ta phải trở về ngay, thế thôi. Năm nay mẹ ta 70, đã như ngọn lửa bạch lạp trước gió vậy. Vả lại ta đã làm xong những việc cần làm, đúng như nhà vua có thơ trong quạt ban cho ta, đó là “Chính ngay, Hình ít” và cử được người hiền tài vào các chức vụ. Bây giờ ta muốn nghỉ ngơi.
Lê Bá Ly nói:
– Ngài nói đã xong các việc cần làm nhưng liệu đã xong thật chưa? Ngài muốn nghỉ ngơi nhưng liệu đã được nghỉ ngơi chưa? Xứ Thanh Hoa đang cực kỳ bất ổn. Lê Công Uyên lâu nay bặt tăm, ai ngờ đang cùng Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường tập hợp binh mã mưu tiến ra Đông Kinh. Con công chúa An Thái là Lê ý đang chiếm châu Quan Gia. Nguyễn Kim đã đem vợ con chạy sang Ai Lao, vua Sạ Đẩu của nước này cho trú ở Sầm Châu, nhưng chắc chắn Nguyễn Kim không bao giờ chịu yên thân mãi mãi nơi đất khách quê người. Có tin Lê Duy Ninh là con của Đà Dương vương sau khi trốn thoát vào Thanh Hoa đã sang Ai Lao tìm Nguyễn Kim. Trịnh Ngung, Trịnh Ngang thì đang tìm đường sang Bắc quốc xin vua Minh khởi binh. Đám Đàm Thận Huy cũng quyết không hàng. Trong khi đó, vua Thống Nguyên bề ngoài làm như yên tâm với địa vị, kỳ thực bên trong đang ngấm ngầm liên hệ với các thế lực cần vương.
Mạc Đăng Dung thở dài:
– Khi trước, trong lúc Nguyễn Hoằng Dụ và bọn Trịnh Duy Đại, Duy Sản, Trịnh Tuy chỉ lo đánh nhau để tranh giành địa vị, không ai lo đến triều đình thì ta đối với Chiêu Tông thật trọn phận tôi trung, vào sinh ra tử không quản, đánh Đông dẹp Bắc, dẫu có được chút quyền lực thì cũng là phải, vả lại không đủ quyền lực thì không thể điều hành được công việc. Hãy nhớ lại hồi ta đánh Trần Thăng, triều đình cố tình dềnh dàng việc lương, nếu khi ấy ta không lấy quyền Tiết chế mà điều lương từ Hải Dương lên thì quân đã tan. Chẳng ngờ Chiêu Tông lại đem lòng ngờ vực, tự ý bỏ kinh thành, ta cho Hoàng Duy Nhạc mời về cũng không chịu về, lại giết mất Duy Nhạc, quyết gọi quân các nơi tới đánh ta, tự chuốc vạ vào thân. Nay vua Thống Nguyên cũng bụng nghi ngờ, ta đã lui về quê những toan yên phận vậy mà cũng không xong. Vậy ta biết làm sao bây giờ? Hay Thống Nguyên cũng muốn chuốc vạ vào thân? Nhưng các ông nói vua Thống Nguyên nghi ngờ ta, vậy bằng chứng đâu? Không có bằng chứng, ta không tin. Cái ta hết sức tránh là lấy chuyện riêng che lấp lẽ phải. Dẫu sao thì giữa nhà Lê và ta cũng đã có chuyện, nên mỗi hành động của ta phải làm sao cho thiên hạ hiểu ta không vì chuyện cũ mà có ý đồ gì với nhà Lê.
Lê Bá Ly nói:
– Gần đây có ba việc: Thứ nhất: Những người ngài cử vào các bộ thì nhà vua thay Thượng thư Bộ Lại bằng Trương Phu Duyệt, các khoa thì Khoa Lại định thay bằng bằng Nghiêm Bá Ký. Do Bộ Lại nắm việc tuyển bổ, thăng giáng, giãn thải quan lại; Khoa Lại giám sát các việc đó nên sự vụ sẽ thông suốt từ trên xuống dưới, từ đó quan lại các cấp các nơi sẽ dần dần bị thay thế êm nhẹ. May sao tất cả các việc đều qua tay hai vị Đông Quận công Mạc Quyết và Dục Quận công Mạc Đăng Doanh nên điều nguy hại vẫn chưa xảy ra. Hai vị chỉ thuận để Trương Phu Duyệt làm Thượng thư Bộ Lại còn Nghiêm Bá Kỳ thì không ưng. Việc thứ hai: Vừa qua lính tuần phòng ở Tam Điệp bắt được một người từ Đông Kinh vào Thanh Hoa, trong người có bức thư rất đáng ngờ, tên người gửi là Nguyễn Thông, tên người nhận là Nguyễn Ngân; Nguyễn Thông nói lái lại là Thống Nguyên, Kim – Ngân thì nói Ngân cũng là nói đến Kim; nên đồ rằng đó là thư của vua Thống Nguyên liên hệ với Nguyễn Kim. Nội dung thư là hỏi thăm sức khoẻ và nhắn đi xa đã lâu hãy mau về, nhưng chỉ thế thôi đã đáng ngờ. Chẳng những vậy, khi tra hỏi, người mang thư nhất định không nói gì thêm, sau do tuần phòng sơ xuất nên y trốn mất, điều đó lại càng ngờ. Việc thứ ba: Quan nội cung là Nguyễn Thế An cho hay gần đây cứ khoảng cuối canh ba thì ngự điện của nhà vua lại có ánh đèn khi ẩn khi hiện, phía xa cũng có ánh đèn như đáp lại, chứng tỏ ám hiệu gì đó với nhau. Qua ba việc đó chứng tỏ vua Thống Nguyên đang ngầm hành động.
Mạc Đăng Dung nín lặng. Vũ Hộ nói:
– Thêm nữa là việc bắt được người của Đàm Thận Huy định lọt vào cấm cung, bị bắt y đã cắn lưỡi chết. Tôi theo ngài đã lâu vì vậy hiểu rõ lòng ngay thẳng của ngài. Nhưng nhà vua có hiểu vậy đâu và những kẻ ghen ghét ngài thì ra sức gièm pha. Tôi nhớ Lê Bá Ly ngày trước có nói “Thời thế tạo anh hùng nhưng anh hùng cũng tạo nên thời thế”. Thời buổi tao loạn đã tạo nên bậc anh hùng là ngài, công lao của ngài thật chẳng khác Đinh Tiên Hoàng ngày trước dẹp yên các sứ quân; còn bây giờ chính là lúc bậc anh hùng là ngài tạo nên một thời thế mới, như Đinh Tiên Hoàng ngày trước xây nền thái bình.
Mạc Quốc Trinh, Mạc Đĩnh Khoa, Nguyễn Bỉnh Đức, Lê Bá Ly, Phạm Gia Mô… tất cả đều khuyên Đăng Dung hãy làm như Lê Hoàn đã làm với nhà Đinh, Lý Công Uẩn đã làm với nhà Tiền Lê, Trần Cảnh đã làm với nhà Lý và Hồ Quý Ly với nhà Trần. Mạc Đăng Dung bảo:
– Nếu ta định làm như các ông nói thì đã làm cách đây những 7 năm, ngay sau ngày 23 tháng 7, khi Chiêu Tông bỏ trốn khỏi kinh thành, suốt 6 ngày liền đất nước không có vua. Chậm nữa thì đến ngày 1 tháng 8 năm ấy, lúc không còn hy vọng Chiêu Tông trở về. Nhưng ta vẫn cùng với triều đình mời vua Thống Nguyên lên ngôi chứ không làm việc phế bỏ. Ta ăn lộc mấy đời nhà Lê, không muốn bị đời sau coi là kẻ bất trung. Thời thế sau này nếu có thay đổi thì do tự nó hoặc ai khác chứ không phải ta.
Mạc Quốc Trinh nói:
– Việc thay đổi là chuyện thường trong thiên hạ, bốn phương đều thế cả. Bên Bắc quốc từ thời Hoàng đế đến nay đã trải qua mười mấy triều đại và không biết bao nhiêu thời kỳ phân liệt. Nước ta cũng vậy, chỉ kể từ Ngô vương cho đến nay thôi, hết Ngô, Đinh, Tiền Lê rồi lại Lý, Trần, Hồ, bây giờ thì đến nhà Lê.
Phạm Gia Mô thưa:
– Mấy chục năm nay đã nhiều người đã muốn làm chuyện thay đổi triều đại chứ đâu bây giờ chúng tôi mới nói. Nào Trần Tuân, Trần Chân, Trần Cảo, Trần Thăng. Nào Trịnh Duy Sản giết vua, Nguyễn Khắc Hài dựng Lê Tùng, Trịnh Tuy lập Lê Do, Trịnh Duy Đại lớn phổi hơn còn muốn lập Nguyễn Tùng là con của một tên Phò mã! Chính thống coi họ là phản nghịch nhưng trong chuyện đó chả nhẽ nhà Lê không có lỗi gì, không có lỗi vậy thì tại sao liên tiếp có những người muốn phế bỏ? Mọi chuyện phế bỏ đều có lý. Nhà nào oai hùng bằng nhà Trần? Nhưng về sau nhà Trần cậy có công giữ nước, cậy giàu có, không nghĩ đến sự khốn cùng của dân, chuộng vẻ trang hoàng, đánh bạc đánh cờ, chọi gà, thả chim, nuôi cá vàng, nuôi bách thú, khoe khoang mẹo khôn để tranh được thua, quên cả thiên hạ, chẳng hề để tâm đến kẻ oan uổng, khiến lòng dân oán thán, các tướng văn võ lập thành bè đảng, chính giáo suy đồi, kỷ cương rối loạn. Tuy họ Hồ làm việc giành ngôi nhưng cũng bởi lòng người đã quá ghét họ Trần. Nhà Hồ đem trí để ức hiếp dân, làm tiền giấy thay cho tiền đồng, mục đích chỉ để lấy đồng đúc súng đạn, khiến dân thiệt thòi nguồn sống, ban lệnh di dân vào Thanh Hoa khai khẩn khiến ai ai cũng oán thán vì phải rời bỏ quê hương, dọc đường thuyền bị bão vợ chết, con chết nên nỗi oán càng sâu; sưu cao thuế nặng, luật hình quá nghiêm nên cái ách càng nặng. Nhưng chỉ nghiêm với người ngoài còn mình tuỳ tiện, chỉ lo vun vén, kẻ ti tiện, bọn tiểu nhân mà khéo nịnh hót thì hưởng lạc, quyền cao chức trọng. Tuy rằng giặc Ngô tham tàn nhưng cũng bởi lòng trời không dung nhà Hồ nên mượn tay người Ngô vậy. Oanh liệt nào bằng vua Thái Tổ nhà Lê ta, từ tay trắng mà chỉ sau 10 năm đã đuổi được giặc Ngô, xây nền thái bình. Vậy mà từ thời Uy Mục, Tương Dực con cháu phá sạch, mặc sức ăn chơi hưởng lạc, hoang dâm vô độ đến nỗi sứ nước Ngô cũng phải buông lời nhận xét phỉ báng, đã vậy lại chỉ mưu toan tàn sát lẫn nhau khiến dân chúng bị cuốn vào cuộc loạn lạc triền miên, kinh đô bị tàn phá, chốn thôn dã ruộng đất để hoang, nơi sông hồ không ai chài lưới. Tuy bọn Trần Cảo, Trần Thăng có nổi loạn, đám họ Trịnh có mưu toan đại nghịch và dân chúng có đi theo chúng thì cũng bởi muốn sự thay đổi để chóng chấm dứt sự mục nát đã quá lâu ngày.
Lê Bá Ly nói:
– Vả lại không có gì là bền vững cả. Đúng như Lân Quận công nói, nếu bền vững thì đã chả có nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê thay thế nhau, kế tiếp nhau! Bền vững gì bằng nhà Chu những hơn 870 năm, gọi là thế chứ đến đời Chu Bình vương thì coi như đã hết, tính khoảng 350 năm, vì từ đó các chư hầu đánh giết tranh giành lẫn nhau hơn 500 năm ròng rã, rồi nhà Tần mới thống nhất được thiên hạ. Nếu cứ giữ cái bền vững bề ngoài mà để cho bên trong thối nát thì cái bền vững ấy có ích gì cho dân chúng, thì Thành Thang việc gì phải trừ bỏ Kiệt, diệt nhà Hạ mà lập nhà Thương, thì cũng việc gì Vũ Vương phải trừ bỏ Trụ, diệt nhà Thương để lập nhà Chu? Thời buổi bây giờ thật chẳng khác gì thời Kiệt, Trụ, đáng lẽ nó phải được thay đổi từ thời Uy Mục, Tương Dực, để tồn tại đến hôm nay đã là quá nỗi. Ngày trước tôi và đại vương đã cùng bàn về thuyết pháp trị của Hàn Phi, nhiều điều khiến tôi tâm phục khẩu phục, những mong đại vương dùng điều tâm đắc đó mà trị nước, làm cho quốc gia hưng thịnh.
Nguyễn Bỉnh Đức nói:
– Mục đích của sự thay đổi thời thế là làm cho xã tắc vững bền lên, dân chúng được yên ổn làm ăn. Nó hoàn toàn khác với việc tranh giành quyền lực, mưu lợi cho mình hoặc giải quyết thù hằn. Vậy nên bọn Tuân, Chân, Cảo, Thăng, đám Hoằng Dụ, Duy Sản, Trịnh Tuy không được dân chúng ủng hộ. Thiên hạ không rơi vào tay họ Trần, họ Nguyễn, họ Trịnh; ấy là lòng trời muốn thiên hạ thuộc về họ Mạc. Bây giờ từ kinh kỳ, tứ trấn đến khắp nơi thôn cùng xóm vắng triệu người thì cả triệu đều hướng về họ Mạc. Nếu chần chừ, biết đâu thiên hạ lại rơi vào tay họ khác hoặc xảy ra chuyện Trần Chân, chẳng những xôi hỏng bỏng không, kẻ khác ăn ốc còn mình đổ vỏ, đời sau chê cười là không thức thời mà có khi chết cũng không được toàn thây!
Nguyễn Thì Ung nói:
– Không nói đến người khác, ngay ngài muốn để việc này cho trưởng tử thì ngài cũng không khỏi mang tiếng, nếu như ngài nghĩ việc thay đổi là bất trung.
Mạc Quốc Trinh thưa:
– Còn để vua Thống Nguyên thì còn là cái cớ của loạn lạc, không còn vua Thống Nguyên có thể vẫn là cái cớ của loạn lạc nhưng mãi rồi sẽ hết. Thiên hạ yên được hơn năm nay bởi không còn Quang Thiệu nhưng thiên hạ lại sắp loạn đến nơi bởi vì vẫn còn Thống Nguyên. Chúng ta chọn cách làm yên ổn thiên hạ hay chọn cái cách mặc cho loạn lạc tung hoành? Xin đại vương quyết đoán.
Vũ Hộ lại thưa, cố nén nỗi bực:
– Tôi ngày trước nhận được chiếu cần vương của Chiêu Tông nhưng không theo, quyết mang 3000 quân cùng đại vương bên Đông bên Đoài lập nên thế trận dương đông kích tây, làm nên ngày nay. Giờ tôi lại cùng các quan tâm phúc đang đêm bảo nhau lặn lội từ kinh đô đến đây, nếu không thuyết phục được đại vương, nhất quyết không về, riêng tôi xin trả lại ấn tín để làm kẻ tiều phu ở Tản Viên hay gã ngư phủ trên sông Thao còn hơn khoanh tay chờ chết!
Mạc Đăng Dung mời các quan xơi trầu, uống nước, sẵn giường phản ai mệt thì tạm ngả lưng rồi xin phép ra ngoài vườn để suy nghĩ. Ông lúc đứng, lúc ngồi, lúc ngẩng đầu nhìn trời, khi đăm chiêu hướng về cõi xa, lắm lúc còn thở dài hoặc như người lẩn thẩn. Mọi người cũng rủ nhau ra sân cho mát mẻ nhưng không ai lại gần Đăng Dung.
Lúc đó đã xế chiều, trong phủ đã xong cơm nước cho Đăng Dung và các quan. Ngọc Huệ tất bật lên nhà xuống sân sai phái kẻ hầu người hạ. Từ khi Nguyễn Lĩnh bị giết, Huệ về quê, tất nhiên không tránh khỏi đau buồn nhưng nguyện ở goá, trông coi phủ Hưng Quốc. Bên phủ Từ, phủ Tín thì một tay Kim Thoa coi sóc. Ngọc Huệ ba mươi mấy tuổi đã đành chứ Kim Thoa còn trẻ lắm, mới 18 mà đã ở goá. Cả hai đều vì họ Mạc mà chịu thiệt một đời.
Sao trời đã lác đác. Khi Ngọc Huệ mời tất cả vào ăn cơm, ai nấy mới như nhận ra họ đã bàn bạc đã từ trưa đến giờ suốt mấy canh liền không nghỉ. Nhưng không một ai muốn vào bữa, tất cả đều nhìn về phía Đăng Dung, trông ngóng. Đám gia nhân thấy vậy, không dám mời mọc gì thêm. Ngọc Huệ mạnh dạn đến chỗ Đăng Dung, chưa kịp nói thì Đăng Dung đã phẩy mạnh chiếc quạt trên tay, bảo em:
– Anh vào bây giờ đây.
Đăng Dung bước nhanh về phía các quan:
– Mời các quan xơi cơm rồi về chuẩn bị, hai hôm nữa tôi sẽ có mặt ở Đông Kinh.
Không khí náo nức hẳn lên.
Mùa hè ban ngày dẫu có nắng nôi nực nội thì chiều về vùng biển này bao giờ cũng mát, trời đất đầy ắp, lồng lộng gió đông.
L.V.K
(Còn tiếp)