Mài sắt – Truyện cho thiếu nhi của Ngọc Châu

Chương 4 

CHUYỆN CỔ TÍCH

Không phải chuyện cổ tích nào cũng bắt đầu bằng “ngày xửa ngày xưa, có một..” cả đâu. Nếu các bạn muốn biết chúng  ra đời  như thế nào thì ta cùng  đọc chuơng này đi.

Nhiều chuyện cổ tích

Không  cổ lắm đâu

Rất là thú vị.

Nhớ mãi trong đầu

Điều người xưa ấy

Gửi về mai sau…

Những hôm bác Vân đi cơ sở nghiên cứu, thường hay ghé qua nhà xem bọn chúng học hành ra sao. Cái Vi bây giờ đôi khi có trao đổi với cu Thăng về môn toán, vì nó không có bướu về môn này, nhưng nói chung vẫn là đứa kênh kiệu và khó chơi nên Thăng ta lúc nào cũng phải dè chừng.

Ngoài lúc đang hí húi làm bài tập (giờ chúng đã chuyển về cùng một lớp 6A2), còn khi bài vở đã hòm hòm, thế nào bọn chúng cũng đòi kể một câu chuyện cổ tích gì đấy. Bố cái Vi mà kể chuyện thì  cực.. văn kỳ, bởi vì chuyện của bác ấy không bắt đầu bằng “oăn sớ pồn ơ thai mơ..” (once upon a time- nghĩa là ngày xửa, ngày xưa..) như những chuyện chúng đuợc nghe hồi mới lên ba lên bốn, càng không phải là “chuyện cổ tích” của bác Khóa Buồn hoặc của thằng Toan “nghiện”.

Thăng nhớ mãi lần nó với thằng Hoan đuợc bác Khóa Buồn- Mà Vui Tính, luôn luôn xưng hô với bọn nó là “nhãi ranh bay”, nhờ giúp coi tủ đồ nghề một lúc. Ngày nào bác thợ khóa này cũng bê “ngai vàng ba chân” ra ngồi ở mặt đuờng ngay đầu ngõ nhà chúng nó, lúc thì hí húi cọc cạch với xâu chìa khóa dài như chùm chìa của quỷ Xa Tăng coi giữ  cả 18 tầng địa ngục, lúc thì cuời hô hô tham gia trò chơi với bọn trẻ con. Hôm ấy bác ta có việc phải chạy đi đâu đấy, lúc quay về hai đứa đòi trả công bằng cách kể cho nghe một câu chuyện cổ tích. Cái bác mũi đỏ cà chua này cười hê hê:

– Có ngay, có ngay. Tăm phần tăm là cổ tích nhá. Nhãi ranh bay đã ngoáy tai kỹ chưa, nghe đây này! – Hắng vài cái cho trong giọng, bác ta bắt đầu:

– Chưa xưa chút nào, chỉ mới vào thời nhà Tây Sơn nuớc ta, tức là ngang với thời của Tể tuớng Lưu gù, Hòa Thân và vua Càn Long nhà Thanh đấy nhé, không tin cứ về xem quyển ” Việt Nam Sử Lược” của cụ Trần Trọng Kim  ở đầu giường tớ ấy…

– Đúng, đúng, bác kể tiếp đi – Thăng giục, nó biết lúc bên ta có vua Quang Trung thì bên Tàu có vua Càn Long, vì  lần  mẹ thằng Hoan kể cho hai đứa nghe về nữ  tuớng Bùi Thị Xuân, có nói cho chúng biết như thế.

– Vào thời ấy đấy, có một vị quan Thượng Thư rất giàu có. Nhà ông ta còn đầy đủ các thứ hơn cả nhà Thạch Sùng, nghĩa là ngay cả mẻ kho cũng có. Nhãi ranh bay có biết câu ngạn ngữ  “Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho” không?

Cái nhà bác mũi đỏ cà chua này – chắc thằng Hoan cũng đang nghĩ như Thăng – kể chuyện thì không kể ngay đi, còn cứ bắt nguời ta trả lời này nọ mãi. Tuy chẳng hiểu các loại ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ khác nhau như thế nào nhưng câu ấy thì bà Mại Đủ Thứ vẫn hay dùng để thanh minh, mỗi khi có ai tìm mua thứ gì mà “kho ngoại quan” của bà ta không có, vậy nên hai đứa cứ gật đầu lia lịa cho xong.

– Quan Thượng Thư có một chiếc bình tích – để pha chè tuơi ấy mà – cực đẹp. Tất nhiên là quan rất quý nhưng một hôm thằng con trai nhỏ của quan, ngày xưa người ta gọi là “cậu ấm” ấy, nghịch ngợm thế nào hất đổ bình chè mới pha xuống nền nhà. Choang một tiếng, chiếc ấm vỡ tan, chỉ còn lại phần cổ có móc xách bằng bạc. Ông quan ngẩn người ra, đưa tay nhặt phần cổ lên nhưng không ngờ chiếc vòng bạc nóng quá, quan phải vội vàng buông ra. Thế là lại cạch một tiếng nữa. Cổ tích cũng vỡ vụn luôn.

Hai thằng bé ngóng cổ để nghe tiếp nhưng thấy Khóa Buồn quay sang cầm chiếc dũa hí hoáy với mấy chiếc chìa, chúng phải lên tiếng giục giã:

– Rồi thế nào nữa hở bác? Bác kể tiếp đi chứ!

– Hết nhẵn củ kiệu rồi – mặt bác ta tỉnh khô –  Tích đã  vỡ vụn cả ấm lẫn cổ thì người ta quăng vào sọt rác, lấy đâu ra cổ tích nữa mà kể!

Thằng Hoan chậm hiểu hơn, chưa biết ngay là bị bác thợ khóa cho ăn trứng bìm bịp, nhưng Thăng ta thì đỏ mặt lên vì tẽn quá. Đã thế thằng Toan “nghiện” chơi đáo lỗ gần đấy, nãy giờ cũng vểnh tai lừa lắng nghe, bỗng cuời lên he hé:

– Cóc bằng chuyện cổ tích của tao, để tao kể cho mà nghe. Rồi nó cất giọng khàn khàn vịt đực:

– Ngày xửa, ngày xưa

Có một ông Vua

Đánh rắm chua chua…

 

Lão Vua hay lên chùa

Húp tuơng chua, đậu phụ

Nên cứt mèo còn thua…

– Thôi xéo, xéo, chỉ bố láo!- Khóa Buồn hất hất chiếc búa đinh về phía Toan “nghiện” – Đi chỗ khác cho mỗ làm việc. Hai thằng này thì về đi học đi – bác ta bảo Thăng với Hoan – Lần sau có muốn nghe chuyện cổ lọ với cổ chai thì lại ra đây. Cổ tích thì vỡ hết rồi, nghe chửa!

Cổ tích” của bác Khóa Buồn với Toan “nghiện” là như vậy đấy. Tuy ức vì phải nhá món… thịt lừa của bác thợ khóa nhưng cũng là một bài học, có thể một lúc nào đấy sẽ có đứa ở lớp bị nó cho nhai lại món thịt lừa này – Thăng ta nghĩ trong bụng mình như thế.

Chuyện của bác Vân thì cứ gọi là nâu com-men! (no comment!) Từ  này là nó học mót ở cơ quan bố nó, không phải ở lớp buổi tối, có nghĩa là “miễn bình luận nhá!”. Bác ấy luôn luôn có những câu chuyện mà cu cậu chưa bao giờ đuợc nghe, cũng chẳng có đứa nào ở truờng bảo đã được đọc ở đâu cả.

Hôm ấy, khi Thăng và cái Vi cùng học bài tham khảo về địa lý Hải Phòng, bác Vân hỏi:

– Hai đứa có biết đuờng Thiên Lôi ở đâu không?

Cái Vi không biết, chị Văn nó cũng không biết. Con gái con gó, do dó ở nhà, còn lâu mới biết nhá! – Thăng nghĩ bụng vậy, cậu chàng cảm thấy tự hào vì ngay cả Bắc Cạn còn đuợc đi đến tận nơi nữa là đuờng Thiên lôi với Thiên.. kéo, xá gì. Tuy vậy nó chỉ nửa gật nửa lắc mà không nói ra, vì ngại có chuyện hơn thua với hai chị em Văn, Vi. Đúng là có lần nó đã câu cá ở con muơng dọc theo đuờng ấy. Phải đi xa lắm, bây giờ bảo cu cậu tự đi đến đấy chưa chắc đã nhớ nổi đuờng, chỉ biết là đến cầu Rào thì rẽ bên phải.

– Nghe chuyện này rồi thì  nếu ai hỏi tại sao lại có tên đuờng như vậy sẽ trả lời đuợc ngay. Nhưng phải nghe cả hai tai đấy nhé – Bác Vân bắt đầu câu chuyện sau một lúc lúi húi lục tìm tập giấy ở trong tủ đứng, rồi nửa như kể, nửa như đọc trong khi cái Vi nằm khểnh lên chiếc võng dù, mà chị Văn nó vừa móc xong đầu thứ hai vào móc chôn ở trụ tuờng. Văn cho em một cái lườm nóng đến mức có thể làm cháy dây võng nhưng cái Vi phớt lờ, nó chỉ nhích ra một tí để chị  ngồi ghé vào được mà thôi. Thăng cũng chõm một chiếc ghế nhựa, cu cậu ngồi ở phía đầu võng lắng nghe vì nó biết rằng bác Vân mà đã kể chuyện thì thôi rồi, nhưng cũng dài dài đấy.

“…Dọc theo dòng sông nước lợ, ven bờ xanh dày những cây sú vẹt, lờ lững trôi vào một chiếc hòm gỗ hoàng đàn. Không ai biết nó từ đâu trôi đến đây, ngoài một bày sâm cầm. Đàn chim đã bay theo hộ tống chiếc hòm này suốt từ phía bắc biển Đông, nơi những người dân miền duyên hải Hoa Nam nuớc Tàu theo lệnh của Minh Vạn Lịch- hoàng đế nuớc họ thời đó – khiếp sợ và trịnh trọng làm đại lễ để trả di hài người anh hùng về chốn quê hương.

Chiếc hòm trôi về phuơng Nam, bày sâm cầm hộ tống ở phía trên. Chúng tản ra lúc bay qua biển rộng hoặc tụm lại khi cần che tránh những cặp mắt hiếu kỳ của  tàu thuyền qua lại. Hòm cứ lờ lững trôi nhưng cũng có lúc lắc lư hoặc xoay tròn theo những hồi tuởng khi dữ dội, lúc bình yên của nguời anh hùng đã xa biệt cõi trần. Bày chim cũng thế. Chúng múa những vũ điệu khác nhau như để minh họa cho cảm xúc của con nguời đã là bạn của chúng từ khi còn  thơ ấu.

Đây là nơi người ấy  đã vung gươm chỉ huy quân sĩ của mình đánh sang tận châu Khâm, châu Liêm của các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây bên Trung quốc để dằn mặt bọn quan quân nhà Minh-  thời đó dân ta gọi là quân Tàu ô – thường kéo sang cướp phá giết hại dân Nam Việt ở biên giới phía bắc. Khiến vua nước Tàu cũng phải kinh hoàng.

 Đây là nơi anh ta đêm ngày rong ruổi, lúc bảo vệ, khi xả thân hộ tống những ông vua không đáng làm vua của triều Lê mạt, những “vua quỷ”, “vua lợn” như dân chúng thời ấy đã đặt biệt danh cho những người đứng đầu trăm họ mà bất tài, vô đạo. Vua gì mà chỉ biết ăn chơi trác táng, Vua gì mà moi tim mổ bụng trẻ con để  làm thuốc chữa bệnh cho mình. Vua gì lại thích róc mía trên đầu ông sư, còn giả vờ róc truợt để dao chém tóe máu đầu sư cụ.

 Bày chim múa khúc hoan ca về những tháng ngày lẫm liệt của quan Thái Úy đầu triều, tuớc Tứ Dương hầu của một vuơng triều ngắn ngủi, mới ra đời đã gặp bao nhiêu cản trở, khó khăn nhưng hợp lòng dân  hơn hẳn triều đình Lê mạt.

Chiếc hòm gỗ bạch đàn cứ theo huớng nam trôi mãi cho tới lúc nó dạt vào bờ con sông nước lợ thuộc xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải của thành phố Hải Phòng ngày nay. Một tiếng sét bỗng nổ vang giữa trời khiến đàn sâm cầm hoảng sợ nép vào thân gốc của rừng sú vẹt bên sông. Nhưng chúng lại bay ra ngay dù  sấm sét vẫn tiếp tục nổi lên, bày chim múa vũ điệu quay cuồng dữ dội cùng với đàn cá heo đang kéo đến mỗi lúc một đông, để báo cho dân chúng biết rằng người gây sấm sét năm xưa đã trở về với quê cha đất tổ.

 Đây chính là nơi mà người anh hùng đã sinh ra và lớn lên. Bốn mươi năm truớc đó, con chim sâm cầm  đầu đàn đã làm quen với cậu bé chín muời tuổi, hàng ngày lội bì bõm đi học theo dải đuờng mòn ven sông. Lần đầu đàn chim thấy cậu bé chạy đuổi lũ thỏ hoang, cậu chạy  nhanh và bền sức đến mức con thỏ mẹ phải nằm ẹp xuống đất, chịu để xách tai nhấc lên vì không thể chạy thêm đuợc nữa. Bày sâm cầm đã xao xác vì sợ rằng con thỏ mẹ sẽ bị giết chết, để lại ba con thỏ con mồ côi khốn khổ.

 Nhưng không phải, đó chỉ là cuộc chạy thi, và  dù rằng  bọn này đã nổi danh là “chạy như thỏ” mà con mẹ cũng đành đầu hàng cậu bé. Còn bày cá heo thì làm quen trong lần cậu lặn một hơi từ bờ sú bên này sang bờ vẹt bên kia của dòng sông, khiến cô chị hơn cậu bốn tuổi đứng khóc mãi trên bờ vì tuởng em mình chết đuối duới sông. Cho đến khi cậu từ rừng vẹt bên kia nắm hai tay hai con rái cá, hét to một tiếng, nhảy xuống sông bơi đứng trở về thì cô chị mới hoàn hồn, vừa vỗ tay hoan hô em vừa quẹt nước mắt.

Những nguời chài lưới ven sông gọi tên cậu là Thành. Họ trò chuyện với nhau về cậu, nói cậu thông minh lắm, học một hiểu muời nên thày và bè bạn ai cũng quý. Họ càng quý hơn khi thấy cậu rất chăm tập luyện võ nghệ, vậy nên mấy năm sau thì không một chàng trai nào trong tổng có thể thắng đuợc cậu trong  hội vật.

 Nhưng có một kỳ nghỉ hè bạn bè không thấy cậu Thành đâu cả. Riêng  bày sâm cầm và đàn cá heo biết chàng trẻ tuổi đang làm gì, nhưng chúng không mách với ai. Chả là hồi đó đoạn bờ sông từ cầu Niệm nối đến cầu Rào ngày nay chỉ là những đoạn đuờng mòn, ngập lõm bõm khi  triều lên,  với những bụi lau sậy ngả rạp xuống mỗi khi đám trâu nuớc quần nhau. Cậu Thành đã dấu mọi người hì hục một mình đào đất,  đắp con đuờng dài đến ba dậm trong kỳ nghỉ đó.

Đàn chim và cá hết sức hãnh diện vì đuợc cậu trai  mời cùng tham gia đắp đuờng. Lũ chim thay nhau bay ken trên mặt nuớc để che nắng. Những con cá heo hùng hục chở từng tảng đất lớn mà cậu chàng đào lên, đưa vào sát con đuờng đang hình thành. Con đầu đàn trổ tài, mỗi lần đến bờ nó lại cong người, quẫy đuôi thật mạnh để tung cả người cả đất lên cao, rồi vun vút bơi ra đón tảng đất mới.

Hôm thông đuờng thực là một ngày hội lớn. Từ sớm cậu Thành đã cùng bày chim và cá dọn bớt lau sậy, để dân chài từ duới sông có thể nhìn thấy con đuờng mới đắp. Sau đó quay ra hoàn thiện  hai đoạn đầu và cuối với hai ụ đất cao hẳn lên ở hai đầu. Bày thỏ và dê ùa ra cùng chàng thanh niên chạy thi trên con đuờng, duới sông là cuộc bơi nuớc rút của đàn cá heo, trên trời là bày chim bay luợn trong tiếng reo vui của cả đất trời.

Nhờ con đuờng đó, dân làng Vĩnh Niệm  tha hồ đi lại không cần phải dùng thuyền như xưa. Còn cậu Thành hứng chí  chạy từ đầu này đến đầu kia, mỗi lần gặp ụ đất là thét vang mấy tiếng rồi dùng cây gậy phạt ngang cho bay hẳn đi, xong lại hì hục đắp ụ đất cho cao lên như cũ. Ngày nào cũng thế nên tiếng thét của cậu càng ngày càng to. Đến nỗi khi viên huyện quan sở tại có việc đi kiệu qua đó, ông ta kinh hãi quá, phải bịt hai tai lại.  Nghĩ đó là tiếng của thần Sấm nên quan huyện đã gọi con đuờng cậu Thành đắp lên là đuờng Thiên Lôi và dân chúng cũng gọi theo như vậy…

– Mấy đứa có biết không – Bác Vân ngừng kể, quay sang nói với Thăng và chị em Vân, Vi – Con đuờng này như thế là hơn năm trăm năm rồi đấy. Từ ngày ấy đến giờ vẫn cứ mang tên là đuờng Thiên Lôi. Nhưng chắc rằng sau này người ta sẽ đặt thêm một tên nữa là đuờng “Phạm Tử Nghi” để ghi danh nguời anh hùng đã tạo dựng nên, bởi vì cậu Thành chính là quan Thái Úy Phạm Tử Nghi, tuớc Tứ Dương Hầu của Vương triều Mạc Đăng Dung. Ông đã hai lần đem quân sang tận Quảng Đông, Quảng Tây để đánh dằn mặt quân nhà Minh thường hay sang cướp phá, giết hại dân ta ở vùng biên giới. Vua Minh Vạn Lịch sợ quá phải tìm kế bắt cóc mẹ ông đem sang Tàu, mời ông sang giảng hòa để đón mẹ về. Nhưng quân Tàu ô đã giở mặt, chúng lừa bắt rồi giết ông khi ông đến điểm hẹn. Thân ông bị chúng đốt thành tro rải đi khắp nơi để trấn an dân Tàu, nhưng hồn thiêng của người anh hùng đã làm người và súc vật ở hai tỉnh đó bị chết hàng loạt. Vua Tàu, dân Tàu hãi quá phải làm đại lễ tạ lỗi, sắc phong ông làm Thượng đẳng Thần của cả hai nuớc Việt-Trung rồi đóng hòm bằng gỗ quý đựng chiếc đầu của ông  thả cho trôi về nuớc Nam.

– Thế rồi sao nữa hả bố?- Cái Vi nhỏm khỏi võng, há mồm ra hỏi. Nó quên mất là mới nhổ một chiếc răng sữa, hàng ngày đi học chỉ dám cuời đúng có một phần ba diện tích miệng để che đi “khuyết điểm”. Nhưng giờ thì đã bị Thăng ta nhìn thấy!

– Sao có những đứa mắt cứ trố ra thế nhỉ? – Cái Vi vừa che miệng vừa nguýt- Sao bọn chúng không mọc mắt ra ở đùi hoặc sau gáy như bọn cào cào, sâu róm hay chuồn chuồn ngô có phải hay hơn không!

– Nếu thế thì chúng sẽ trông thấy thêm hai chiếc răng sún nữa cơ – Đã thế chị Văn nó lại đứng về phía cu Thăng – vì  mắt con chuồn chuồn nào cũng gồm rất nhiều mắt đơn gộp lại, chúng nhìn sau lưng tốt hơn đằng truớc mặt, nên có đứa cứ định tóm đuôi nó mà có tóm đuợc đâu…

Cái Vi trợn mắt lên vì tức quá. Mồm nó chắc cũng há ra – lúc tức quá ai mà chả thế – nhưng vì tay nó đã che đi rồi, nếu không thì Thăng ta đã có dịp kiểm chứng ngay xem chị Vân nó nói đùa hay nói thật.

– Đồ đồ…đồ… – Cái Vi muốn trả đũa một câu cho thật thỏa dạ, nhưng vì có bố ở đấy nên nó phải chọn từ, không thể tùy tiện “nã đạn” gì cũng đuợc.

– Mi mi…mi, là đồ mi…phá! – Bác Vân đế vào để trêu thêm cô út nhà mình- Thôi, chưa học chữ nho thì đừng đòi làm thầy đồ – Hết giờ kể chuyện rồi. Bố phải đến cơ quan đây – Bác ấy nháy mắt với cu Thăng rồi xách cặp đi ra cửa.

Cả Thăng và chị Văn nó cùng gập người xuống mà cười. Hôm nay Thăng ta thật sự hả dạ dù rằng quả. . đại pháo không phải là do nó bắn ra.

N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder