
Chương 7
BÓNG CHIM TĂM CÁ
Có những đứa ngày nào cũng gặp nhưng sao em chẳng thích chơi. Lại cũng có những đứa em không định gặp mà rồi cứ phải gặp, dần dần thấy rằng chơi với chúng cũng đuợc. Nhưng lòng đứa nào chả bổi hổi bồi hồi khi một hai lần gặp đứa bạn mà mình thấy thích, rồi vì lí do gì đấy chẳng bao giờ đuợc gặp lại nó nữa.
Đi chơi với người nhớn
Chẳng phải lo cái gì
Vòi chén là được chén
Mệt thì cứ ngủ khì
Nhưng đi với nguời nhớn
Có chỗ không đuợc đi
Có nơi còn bị cấm
Nên cũng rầu tí ti…
Tàu đang vượt sông lần thứ nhất qua chiếc cầu sắt. Cu Thăng không nhớ tên cây cầu này, bố nó bảo đây là cầu Lai Vu. Thăng ta chỉ nhớ rằng truớc khi đến Hải Duơng tàu còn phải qua cầu Phú Lương. Lần trốn đi Hà Nội cùng thằng Hoan “Trũi”, hai đứa đã ngủ gà ngủ vịt khá lâu trên tàu. Khi qua cầu Phú Lương hai thằng mới thức dậy và lần đầu tiên trông thấy anh cu “Chôm Chỉa” – mãi sau mới biết nó tên là Duơng.
Hai thằng đã kinh ngạc đến tròn mắt ra, khi thấy người ta đạp vào lưng nó ngay chỗ bậc lên xuống, mà cu cậu này không hề bị ngã sấp mặt xuống đuờng. Chắc là nhờ có bà Mụ đỡ cho – lần ấy Thăng “Mèn” và Hoan “Trũi” đều nghĩ như vậy. Sau này chúng mới biết đặt biệt hiệu cho cu Duơng thế là không đúng, đó chỉ là do nó tức tay đàn ông ấy cứ chòng ghẹo thô lỗ chị buôn rau, lại còn đuổi nó đi toa khác, nên cậu chàng Dương mới định “chôm chỉa” một bao hàng của hắn ta để quăng xuống cống ở ga Hải Duơng cho bõ tức!
Bao việc bất ngờ thú vị đã xảy ra cùng với anh cu Chôm Chỉa và nhóm Bạch Duơng trong lần “xuất hành” ấy. Đồng dime (mười xu Mỹ), món quà để dành cho em gái của Chôm Chỉa, cu Thăng đã cẩn thận xé chiếc túi ở một cái quần soóc rách bao nịt vào cho khỏi rơi, lúc này đang nằm yên ổn trong túi cu cậu. Nhưng không biết có gặp đuợc Chôm Chỉa và nhóm Bạch Duơng trong lần lên Hà Nội này hay không. Thằng bé chưa dám đề nghị với bố cho đến số 275A ngõ 360 phố Bạch Mai, nơi lần truớc hai thằng đã mò mẫm tìm đến do Hoan “Trũi” nhớ nhầm tên phố, vì thế mà chạm trán những nhân vật đã tình cờ gặp trên tàu hoả, cùng với nhóm trẻ từ Hải Duơng lên kiếm sống trên Hà Nội. Bọn chúng lấy tên nhóm là Bạch Dương ý nói chúng là dân Hải Dương lên sống nhờ ở phố Bạch Mai đấy mà.
Tuy mang sẵn đồng xu Mỹ trong túi, là thứ quà nó giữ gìn cốt để trả ơn Chôm Chỉa, nhưng cu Thăng cũng khôn ngoan chưa đề đạt ý voi ý kiến gì với bố. Nói ra không khéo “ông Bói Cá” (đấy là thằng bé gọi trộm vía bố nó!) lại nổi tính ông Ba muơi lên, nhốt luôn cu “Mèn” này trong hang, cóc cho đi chơi nữa thì toi mọi chuyện!
Đây mới là lần thứ hai thằng bé đuợc đi tàu hoả, nhưng nó để ý thấy rằng người đi trên tàu rất dễ ngủ gật. Họ chỉ tỉnh như sáo sậu và ồn ào đuợc lúc đầu, sau đó cứ tự dưng ngả ngốn. Cu Thăng rất buồn cuời khi trông thấy cái ông đội mũ phớt, thắt cà-vạt ngồi cùng ghế với hai mẹ con thằng bé cầm cây que tre, đầy những con tò he xanh đỏ toả ra các hướng. Lúc truớc ông ta rất lịch sự, luôn ngồi cách xa hết mức bà mẹ xinh đẹp của thằng bé. Có lúc cu Hoan thấy ông ấy chỉ nhón có một..góc mông bên trái vào ghế mà thôi, vì thằng cu con cứ quẫy đẩy mẹ nó ra phía ngoài để leo lên ngó qua cửa sổ.
Nhưng cái khoản “lịch lịch sự sự” ấy, người ta chỉ có thể duy trì lúc thức thì phải, lúc này ông ta đang há hốc mồm, đầu ngoẹo sang.. phía mẹ thằng bé, làm mẹ nó cứ nép mãi vào đứa con. Mẹ thằng lỏi cứ phải cảnh giác mỗi lần đầu ông ta gật một cách thoải mái vào vai mình, cho đến khi chiếc mũ phớt của ông ta cũng… ngủ gật nốt. Nó bất cần việc xưa nay luôn đuợc ở vị trí chễm chệ trên đầu người ta, rơi tọt ngay xuống… chân bà mẹ làm người mẹ trẻ giật thót nguời. Cô ấy vội đứng lên, nhìn một cách khổ sở vào ông láng giềng và chiếc mũ, khiến bác Vân đang đọc tập tài liệu gì đấy phải ngỏ ý đổi chỗ cho người đàn bà tội nghiệp.
Không biết có lúc nào mình ngủ gật giống như ông kia không nhỉ? – Thăng ta cũng giật mình với ý nghĩ đó. Có lần anh cu cũng đã gà gật rồi gục đầu xuống vở ngủ tí ti ở bàn học nhà bác Vân. Không biết “tí ti ” ấy có dài không, chỉ đảm bảo đuợc một điều là chưa để nuớc rãi rớt ra vở như khi ngủ ở nhà, vì mẹ nó vẫn thường xuyên phải thay giặt vỏ gối cho cậu quý tử nhà mình. Chắc nó cũng không đến nỗi há hốc mồm ra rồi gật như các nghị viên hàng tỉnh thế kia, (đấy là thuật ngữ của Khoá Buồn, chắc bác ấy chõm ra từ truyện của ông Nguyễn… gì Hoan ấy, cuốn truyện khá dài, nó đã đọc đuợc mấy trang nhưng rồi không đủ kiên nhẫn để cuốn truyện đuợc finished (kết thúc) ở nơi nó cần kết thúc. Thăng ta bớt lo về chuyện ấy, bởi vì nó chợt nghĩ rằng nếu việc đó đã xảy ra thì làm sao thoát đuợc cặp mắt của cái Vi.
Nếu có như vậy thì không đời nào con bé để nó nguyên lành đuợc như vầy. Nó thì không lu loa gì đâu, nhưng chắc chắn vào một buổi đẹp trời nào đó, trong giờ giải lao chẳng hạn, con bé ấy đợi lúc có cả nó ở đấy sẽ kể cho mấy đứa con gái ở lớp một câu chuyện rằng “Onces upon a time – nghĩa là ngày xửa ngày xưa – có một con… Ngưu Ma vuơng cụt sừng, sứt mũi (bởi vì Thăng ta sinh năm trâu mà) đang ngồi nhai lại bài học thuộc lòng “Trâu ơi ta bảo trâu này…” thì chợt thấy bà … Dần Vuơng mẫu vẫy gọi (vốn con bé Vi sinh năm hổ, kém nó tám tháng tuổi), bảo có muốn ăn đào tiên không. Ngưu Ma vuơng ta thèm quá rỏ đày nuớc rãi ra bài học thuộc lòng, há mồm tỉnh dậy mới biết là đang có giấc mộng kê vàng…
Chắc chắn cái Vi sẽ nghĩ ra một câu chuyện kiểu như vậy. Để cho cái bọn sún răng, thối tai quanh đấy nhìn nó và cười hinh hích. Rất may bộ phim…horrible (rùng rợn) ấy người ta chưa có ý định quay vì chưa có nhân vật chính! Thôi từ nay mình nhất quyết không ngủ gật ở nhà nó nữa, cứ đút túi quả cầu nhựa cũng đuợc, nếu buồn ngủ quá thì lẻn ra hành lang đầu hồi đá một mình – Cậu chàng quyết định như vậy và thấy yên tâm với… tương lai hơn.
Lần này lên Hà Nội, Thăng ta cứ việc ung dung như con gà sống thiến ngậm bông hoa mào gà, ngồi chễm chệ trên. . mâm sôi gấc để người ta đội đến tận Miếu ngoài đình, chả phải lo lắng chuyện hỏi đuờng hỏi xá gì cả. Sau khi tạm chia tay với ba bố con bác Vân ở cổng chính ga Hàng Cỏ, chia tay cả với hai mẹ con đứa bé có chùm tò he, Thăng ta cùng với bố, mẹ và anh Thiên nó chất chồng lên một chiếc pedicab (xe xích lô) nhằm hướng đường Trần Hưng Đạo thẳng tiến.
Đi chơi cùng với người nhớn khác hẳn việc hai đứa rủ nhau “xuất hành” năm ngoái! Nó kêu khát nuớc thì bác xích-lô ghé ngay vào một chiếc hòm di động trên ba bánh xe, có vô thiên lủng các loại kem trên đời. Cu cậu đòi mẹ lấy cho một chiếc kem que, cắn một miếng sướng tỉnh cả người nhưng lại thấy anh Thiên nó đòi một chiếc kem ốc quế. Đó là loại kem mà Thăng ta tuy đã nhìn thấy nhưng chưa đuợc ăn bao giờ. Bây giờ nhìn ông anh cầm món kem như con ốc sên to, mềm và chắc là ngon lắm, cu cậu mới thấy tiếc là đã nhanh nhảu đòi chiếc kem que súc-cù-là.
Giá bố nó không đi cùng, cu cậu thế nào cũng đòi mẹ mua thêm một chiếc nữa, có chuyện kiện tụng thì nó sẵn sàng cho anh Thiên cắn đi một nửa, nhưng lúc này thì đành bấm bụng chịu đựng luật chơi “buớc chân đi cấm kỳ trở lại“. Bố nó đã bảo bác xích-lô tiếp tục hành trình ” Đi mau thôi, không đến muộn quá thím ấy lại phải vào bếp lần nữa, phiền hà ra! Nhà chú ấy không có điện thoại nên không báo truớc đuợc là mình lên vào giờ nào.”
Nhà của chú thím cu Thăng trên Hà Nội ở trong ngõ, nhỏ hơn và không đẹp bằng ngôi nhà ngày xưa ở quán Nam duới Hải Phòng. Hồi ấy thỉnh thoảng nó được dẫn đến chơi. Một lần có cả thằng Hoan nữa, đi cùng với bác Khoá Buồn, vì bác thợ khoá với chú nó vốn là bạn chiến đấu ngày xưa. Hai thằng bé tha thẩn theo Khoá Buồn ra tận đuờng Thiên Lôi câu luơn ở con muơng chạy dọc theo đuờng. Theo như chuyện bác Văn kể thì con muơng ấy chắc là chỗ cậu bé Thành, tức quan Thái uý – Tứ Duơng hầu Phạm Tử Nghi sau này, đã đào lấy đất đắp nên đuờng Thiên Lôi để hàng ngày đi học và tập chạy. Khi đó nó đâu có biết câu chuyện li kỳ ấy, vì ngay cả bố nó, cả Khoá Buồn lẫn những người ở dọc con đuờng cũng chẳng ai hiểu tại sao con đuờng lại có cái tên… thiên lôi tầm sét như vậy. Thế mà bác Văn biết, tài thật đấy!
Khoá Buồn câu lươn rất là “nghệ”. Bác ấy cứ đủng đỉnh đi men theo dìa đất ven bờ muơng để tìm lỗ lươn.
– Nhãi ranh bay có biết không – Bác thợ khoá giải thích cho hai đứa bé – Lỗ lươn khác lỗ cua ở chỗ không có “mà”. “Mà” là cục đất dẻo mà lũ cua đùn ra để che bớt miệng lỗ đi ấy mà, cũng khác lỗ rắn ở chỗ không có vết nháp do da rắn bò qua để lại.
Lỗ lươn nhỏ, trơn, lập lờ mép nước, đuợc bác thợ khoá chỉ cho vài lần là hai đứa nhận ra ngay. Bác ấy mắc mồi vào lưỡi câu, nhẹ nhàng tuồn cho miếng mồi rơi sâu vào lỗ đến hết cỡ thì thôi, sau bảo hai đứa cùng ngồi im chờ đợi.
– Bọn lươn lẹo là một lũ da trơn quỉ quyệt nhất trần đời đấy, nhãi ranh bay ạ – Khoá Buồn dẫn giải, – khi không ở hang bọn chúng thường thích tụ tập quanh chỗ có chà rào thả, hoặc có những cột gỗ như cột cầu ao. Bợp vào mồi, nếu thấy có dây câu loằng ngoằng là chúng lập tức bơi vòng quanh cột hoặc chà rào mấy vòng liền, khiến “nhãi ranh bay” có tài thánh cũng cóc nhấc chúng lên được, kéo mạnh tay thì dây cuớc đi đời nhà ma nhá…
Hình như con lươn trong hang cắn mồi. Hai thằng nhỏ thấy bác thợ khoá đột ngột mím môi lại, nhưng không giật mạnh lên như khi câu cá, bác ấy chỉ gật nhẹ cổ tay rồi giữ nguyên, có lúc còn thả cho dây tụt thêm xuống lỗ.
Thăng ta không cầm sợi dây câu mà tay nó cũng run, cu cậu kêu lên:
– Kéo lên, kìa kéo nó lên đi bác!
Khoá Buồn xịt mũi:
– Nhãi ranh bay biết cái gì, kéo mạnh thì đứt mép nó ngay, hiểu chưa?
Nó thấy bác ta chờ một lát rồi đưa tay búng vào sợi dây cuớc. Sợi dây câu nhích lên đuợc một tí. Bác ta lại chờ, thấy im ắng lại búng vào dây cuớc. Thì ra bác ấy đợi cho con lươn nằm im chịu trận, mới búng vào dây. Mỗi lần búng luơn ta bị đau nhói ở mép một cách bất ngờ, sức tì của thân nó vào hang giảm đi nên bị bác thợ khoá kéo lên một đoạn. Mấy lần búng như vậy thì đầu cu cậu đã lấp ló ở miệng lỗ. Hai đứa thấy bác thợ khoá nhanh như cắt chọc chéo đoạn sắt vẫn cầm ở tay kia xuống lỗ, thì ra bác ấy chặn đuờng lùi xuống của tên…luơn lẹo. Mánh ấy thì hai đứa cũng biết, vì chúng vẫn hay làm thế để bắt cậu dế phải nhảy ra khỏi hang khi nó đã ngạt nuớc, thò râu lên miệng lỗ!
Sau đấy thì thêm mấy tên, cùng họ hàng nhà lươn, có một con nhệch vàng nữa – to cỡ cổ tay nó – vui vẻ chui vào túi vải. Buổi chiều hai đứa đuợc chén một bữa lươn xào xả ớt ngon đến mức hai ngày sau tai mới hết quắt, trở lại bình thuờng!
Lúc chiều đã man mát, bố mẹ cùng anh Thiên đi với chú nó tới thăm ai đó, Thăng ta giả vờ mải lục tủ truyện cùng với cái Thi, không đi theo. Cu cậu có ý dồ trong bụng rồi, đó là tìm cách đến phố Bạch Mai để thăm Chôm Chỉa và nhóm Bạch Duơng. Cái Thi là đứa nhớn nhà chú nó, hơn Thăng hai tuổi. Đợi cho mọi người đi lâu lâu một chút nó bảo cái Thi:
– Này, Thi ơi! Muợn xe của mẹ cậu đi, dẫn tớ ra xem phố một tẹo.
Cái Thi vui vẻ, lập tức hỏi muợn xe của mẹ.
– Mẹ ơi, cho con muợn xe, đưa… thằng… à, anh Thăng đi chơi ngoài phố nhá.
– Đi thì đi. Nhưng phải cẩn thận đấy nhé. Mà hai anh em phải về sớm kẻo mọi nguời đợi cơm đấy.
– Hôm nay mấy giờ nhà mình ăn cơm hả mẹ? – Cái Thi hỏi mẹ nó.
– Cũng như mọi hôm thôi, bảy giờ thì bắt đầu ăn đấy nhé – Mẹ nó lại quay vào xào xáo món gì đấy, thơm điếc cả mũi.
Dắt xe ra ngõ, Thi đưa xe cho cu Thăng, nó bảo “Cậu lai đi, tớ chỉ đuờng cho”.
Thăng ta đỏ bừng mặt mũi vì cu cậu chưa tập đi xe đạp bao giờ. Câụ chàng luống cuống.
– Tuởng đằng ấy đi xe đuợc. Tớ… tớ chưa biết đi xe đạp. Cu cậu vừa nguợng vừa lo, may sao cái Thi biết đi xe rồi, thạo là khác. Nó luờm ông anh họ mới cao đến tai mình “Ông hoi ạ, bắt con gái đèo con trai còn ra thể thống gì”. Tuy vậy nó ngồi lên xe rất lẹ.
– Lên đi, giữ chắc vào yên xe nhá. Ngã tớ không chịu trách nhiệm đâu đấy!
“Chẳng biết bao giờ bố mới cho mình tập đi xe đạp nhỉ?”- cậu chàng nghĩ bụng và tai càng đỏ thêm lên.
– Đi đâu bây giờ – Cái Thi quay lại hỏi nó.
– Này, từ đây đến phố Bạch Mai có xa không?
– Không xa, khoảng hai cây số. Nhưng đến phố ấy làm gì, chán bỏ xừ. Đi ra hồ Gươm xem Tháp Rùa có hơn không?
– Thôi cứ đến số 360 phố Bạch Mai đi. Tớ có đứa bạn cùng lớp cũng có người nhà trên này, ở số ấy đấy. Nó nhờ tớ đưa lá thư cho bác hay chú nó ở đấy – Cu Thăng bịa chuyện nhanh như chảo chớp, chính cu cậu cũng ngạc nhiên về chuyện đối đáp hôm nay. Nói với bọn con gái, nhất là với cái Vi, hiếm khi cậu chàng có đuợc một câu suôn sẻ.
Nó nhớ rất rõ đường vào ngõ, tuy ngoặt ngoẹo nhưng hai bên có dải tường cao chạy dài, làm cái Vi phải ngạc nhiên.
– Đã vào ngõ này rồi à? À, cái lần Mèn và Trũi trốn đi phiêu lưu phải không? Ông tuớng này ghê thật đấy. Lần ấy bố mẹ tớ cũng không biết tìm ở đâu, cứ ra đuờng ngóng liền mấy ngày, hoá ra đám dế chui vào cái hang này..
Con bé này mồm mép chẳng kém gì cái Vi – cu Thăng nghĩ vậy nhưng nó chợt ngớ người ra khi qua chỗ quẹo, thấy nơi đáng ra phải là số 275A, có ngôi nhà lợp phi-bờ-rô xi măng với hai chiếc khoá cửa to đùng, giống hệt những chiếc khoá ở nhà nó và nhà Hoan “Trũi” duới Hải Phòng, thì lại là một khu trống hoang trống huếch!
– Chẳng nhẽ đi nhầm ngõ? – Cậu chàng tự hỏi – Vô lý, không có lẽ! – rồi lại tự phản bác.
Biết hỏi ai bây giờ. Truớc kia, khi còn rải rác vài chục căn nhà như vậy, mà cu cậu cùng thằng Hoan hỏi thăm cũng chẳng nhà nào biết nhà nào. Bây giờ thì hỏi bức tuờng chạy dài kia à?!
Chắc người ta đuổi cả khu này đi để làm công truờng gì đấy – cu cậu nghĩ bụng. Nhưng như vậy là đám Bạch Duơng cũng.. mất hút mẹ hàng luơn rồi (đặc sệt từ ngữ Khoá Buồn!). Biết tìm đâu ra “bóng chim, tăm cá”! (Đây lại là câu bà Mại Đủ thứ hay dùng)
– Thôi, mình quay về đi – Thăng ta quá nản, vì bọn Bạch Duơng chỉ ở nhờ cụ chủ nhà này, cũng là người Hải Duơng, trong lúc cụ ấy vào Nam chơi với con cháu. Có tìm thấy ai thì cũng chẳng biết hỏi cái gì!?
Cái sự thất vọng khi nó hiện lên trên mặt người ta, trông cứ rõ mồn một. Dấu đi cũng chẳng đuợc, nhất là với cu Thăng, mới muời năm có lẻ.. một tuổi. Cậu chàng mân mê đồng dime trong túi. Biết bao giờ mới trả đuợc công cho Chôm Chỉa? Bao giờ Chôm Chỉa mới kiếm đuợc một đồng tiền Mỹ “chính hiệu bò cạp” để cho em gái như nó đã hứa?
Có những điều ủ ấp
Giữ kín mãi trong lòng
Chỉ mong một lần gặp
Mà chẳng đuợc, tức không?!
Những đứa chẳng muốn gặp
Lại chạm trán hàng ngày
Ước gì có cơn lốc
Thổi tụi chúng lên mây!…
N.C