
Chương 8
KIẾM TÌM
Phải dở trò lươn lẹo, chịu để đứa em họ mắng là “đồ dế Mèn rụng càng, đồ dế dối dá” để có thể đến phố Bạch Mai tìm anh cu Chôm Chỉa và nhóm Bạch Duơng, nhưng:
Tìm nhau như thể tìm chim.
Chôm Chỉa ơi, tớ đi tìm cậu đây
Thoáng trông thấy đứa đánh giày
Là mừng, rồi lại đứng ngây tẽn tò…
Thấy vẻ mặt ngẩn ngơ, chán chường như khi gặp phải bài toán, ở nhà đã không giải đuợc, giờ lại xuất hiện trong giờ kiểm tra ba muơi phút của ông anh.. hoi, cái Thi hiểu ra vấn đề ngay lập tức. Nó bảo:
– Nhà này chuyển đi rồi chứ gì. Khu này người ta sắp xây khách sạn hay sao ấy. Này, về thì về đi! Nhưng còn lá thư thì sao?
– Lá thư nào?- Thăng ta buột mồm hỏi lại, cu cậu quên tịt chuyện đã bịa ra, rằng cần đưa lá thư hộ thằng bạn nên mới bảo đuợc đứa em họ đưa cu cậu đến đây. Ngay đó cậu chàng vội tìm cách chữa – À, lá thư.. mẩu giấy có mấy dòng ấy mà. Thôi, khi về tớ đưa trả lại thằng ấy cũng đuợc. Nhà nó đã chuyển đi thì còn gửi gì…
– Đưa thư đây xem nào, có gì rồi tớ hỏi sau. May ra có đứa ở lớp biết đuợc, sẽ nhờ nó chuyển cho – Cái Thi bảo vậy.
Thăng ta rơi vào thế bí. Làm quái gì có thư với từ! Trong cả… đời cu cậu mới có một lần duy nhất viết đuợc mấy dòng gửi về nhà, lần nó đã trốn lên tới Bắc Cạn, mà ở nhà chưa hề biết chúng nó “xuất hành” đi đâu, làm gì. Lá thư ấy có viết xen tiếng Anh, bác Vân đã phải dùng hết khả năng ngoại ngữ cùng với môn “bói tự” (dùng trong việc đoán hậu vận qua chữ viết!) mới tạm dịch để bố nó và mọi người hiểu đuợc. Do viết lẫn cả một số từ tiếng Anh mới học lỏm với ý định chứng minh rằng đang đuợc đi với “ông Tây”, nên người ta chỉ cuời về tính hổ lốn của bức thư đó, nhưng nếu nó viết bằng tiếng Việt thuần thì chắc phải nhận… roi mây vào đít vì tội viết sai ngữ pháp và chính tả.
Ngoài “lá thư” ấy ra, cu Thăng và những đứa nó quen biết chưa đứa nào dám cả gan nghĩ đến chuyện viết thư. Ngay cả khi nhớ thằng Hoan “Trũi”đến vậy, mà trong đầu cu cậu cũng không hề nghĩ đến chuyện mình đã từng làm một lần rồi. Thế nên cậu chàng lúng túng như gà mắc tóc, đã thọc tay vào túi ra vẻ móc lá thư ra cho cái Thi xem, nhưng sau đành thú thật:
– Không có thư đâu. Đấy là… đấy là tớ nói dối để nhờ đằng ấy chở đến đây..
– Thế thì đi bộ mà về. Quen thói dối dá. Đúng là đồ… đồ dế Mèn rụng càng!- Con bé có vẻ tức tiết. Nó dẫn chiếc xe đi cun cút ra ngõ, mặc cho Thăng ta lẽo đẽo theo sau.
Tuy vậy cái Thi cũng không leo lên xe ngay, nó cứ dắt chiếc xe đi truớc cu cậu. Đến khi ra khỏi ngõ, phố Bạch Mai rồi mà không thấy ông anh hoi có lời gì tỏ vẻ hối lỗi, nó mới leo lên xe đi từ từ ở phía truớc.
Thực tình thì cu Thăng không sợ lạc lối, hai cây số cũng chẳng nhằm nhò gì. Vừa đi vừa chạy, hỏi thăm đuờng một hai chỗ quẹo, cùng lắm cái Thi cũng chỉ về nhà truớc nó mươi phút là cùng. Nỗi lo của cu cậu là ở chỗ biết làm sao cho đứa em họ nguôi cơn lôi đình của nó. Nó còn giận, về nhà sẽ nói ra mọi chuyện. Thế mới chết!
Thấy “đồ dế dối dá” không có hành vi gì tỏ ý hối lỗi, cái Thi đạp xe dấn lên. Tuy nhiên con bé cũng sợ ông anh hoi lạc đuờng, về nhà biết ăn nói thế nào với mẹ nó, nên đễn chỗ ngoẹo đầu tiên nó dạt lên vỉa hè, đứng lấp ló sau hàng quần áo treo trên giá để quan sát. Nó thấy “dế dối dá” đang đứng cạnh một chiếc xe xích lô. “Tên hoi này dám thuê xích lô để về nhà – con bé nghĩ bụng -Thế thì cũng không dám mách ai về chuyện mình bỏ rơi, cứ đi truớc cho ông lỏi biết tay”
Nhưng nó thấy ngay là không phải vậy. Trên chiếc xích lô ấy đang có nguời. Có hai mẹ con. Còn đồ “dế dối dá” thì đang nói chuyện vẻ rất hăng hái với người lái xích lô. “Chuyện gì vậy nhỉ” – cái Thi lại thấy thắc mắc, vậy nên nó đành phải đạp xe quay lại xem sao.
Nguyên do là cu Thăng đang định dở buớc… trâu lồng ra để không bị cái Thi bỏ cách quá xa, thì tí teo nữa tông vào chiếc xích lô đang tạt vô vỉa hè. Cu cậu ngẩng đầu lên, nhận ra người đi trên xe chính là hai mẹ con thằng bé ngồi cạnh nó ở trên chuyến tàu hoả sáng ngày. Thằng cu con lúc này cầm một chùm dây có ba quả bóng bay, thay cho mấy con tò he xanh đỏ, mẹ nó vẫn mặc bộ váy áo lúc trên tàu, tuơi tắn và xinh đẹp.
Nhưng bất ngờ nhất không phải là chuyện ấy, mặc dù thằng cu con reo lên “Anh, anh… gì!”, còn mẹ nó cũng cuời rất tuơi hỏi “Cháu đi đâu mà vội thế?”. Điều làm cậu chàng “dế dối dá” phải há mồm ra chính là người chủ xe.
Bởi vì Thăng ta nhận ra ngay người đạp xe xích lô chính là ông chú đóng thế. Năm ngoái nhờ có ông ấy đóng vai chú thằng Hoan, đến gặp ông Silitoe và ông Nam mà các ông ấy đã cho hai đứa đi theo lên Bắc Cạn, vừa chơi vừa giúp hai ông đóng gói, dán nhãn tên các loại thảo duợc thu hái đuợc.
-Ô, bác. .bác. Thằng Duơng… ló đâu hở bác? – Cu cậu hỏi, ngọng cả lưỡi vì bất ngờ và vì mừng quá.
Ông chủ xe xích lô một tay vẫn còn đang giữ chiếc cần phanh, chân dưới đất, chân gác qua yên, khó khăn lắm mới giữ đuợc cho chiếc xe khỏi chổng đít lên trời sau cú phanh gấp gáp. Phải vài phút sau bác ta mới nhận ra thằng Mèn năm ngoái, nhưng vẫn có vẻ bực vì sự cố vừa xảy ra.
Trông ông chú “thế” lúc này rất chi là… xế lô, khác hẳn năm ngoái khi ông ta đóng bộ ka – ki trắng, kính trắng dẫn nó và thằng Hoan đến gặp ông Silitoe, hệt như một quan chức nhà nuớc, khiến Thăng ta nhớ tới câu giới thiệu của anh cu Chôm Chỉa vào ngày đó “Tao có ông bác họ đạp xích-lô ở trên này, nhưng ông ấy diện bộ vào thì có khi còn oách hơn bố hai đứa chúng mày. Mồm mép cũng cà kheo tép nhẩy…”
Nhờ có cuộc đụng độ này mà cậu chàng biết đuợc rằng thằng Dương “Chôm Chỉa” và nhóm Bạch Duơng, do anh Thiên mà ban đầu nó với thằng Hoan gọi là “Má nốt ruồi” cầm đầu, đã giải tán rồi. Bây giờ mỗi đứa một nơi, đứa thì về Hải Duơng kiếm sống, đứa thì nhập vào nhóm khác. “Bây giờ chúng nó tranh giành nhau địa bàn kiếm sống ác liệt lắm, nhóm nào không có thủ lĩnh cứng cựa thì bị đuổi đi ngay”- Ông chú “thế” nói vậy.
– Thế còn thằng Duơng, thằng Duơng giờ nó ở đâu hở bác? – Thăng ta chỉ muốn biết ngay điều ấy.
– Có một dạo nó về Hải Duơng đánh giày, một dạo lại thấy lên đây. Nhưng đến hai tháng nay chẳng thấy mặt nó đâu cả.
Cu Thăng đần mặt ra. Chả nhẽ không còn cách nào gặp lại Chôm Chỉa nữa ư?
– Bác ơi, thế bác có gặp ai trong nhóm Bạch Duơng, nhóm của anh Thiên có cái nốt ruồi ở má ấy mà. Bác có biết ai trong nhóm ấy ở… ở gần đây không ạ?
– Chẳng gặp đứa nào sất. Tuần sau tao về Hải Duơng, nếu gặp thằng Duơng ở nhà thì tao bảo nó cho. Mày có nhắn nó cái gì không?
Bác xích lô quay sang nhận tiền xe của mẹ con thằng bé cầm chùm bóng bay. Người mẹ cuời và hỏi cu Thăng truớc khi dẫn con vào một cửa hàng ăn sát đó:
– Bao giờ thì cháu về Hải Phòng? Bố mẹ cháu với bác Văn, bố em Vi đâu cả rồi?
– Ngày mai cháu về cô ạ. Mai chúng cháu sẽ cùng về với bác Văn. Chào cô ạ! – Nó giơ tay vẫy lại thằng cu con đang giơ chùm bóng bay lên vừa vẫy vừa giật, rồi lại quay sang tiếp tục… phỏng vấn ông chú “thế”:
– Nhà bác duới Hải Duơng có gần nhà thằng Duơng không ạ? Cháu… cháu muốn gửi đồng xu Mỹ này về để nó cho em gái nó… – Vừa nói cu cậu vừa móc túi lấy đồng dime bọc vải ra – Đây ạ, bác chuyển nó hộ cháu nhá. Cháu hứa với nó từ năm ngoái rồi cơ…
– Chuyện trò gì lâu thế, có đi về không. Ở nhà đang đợi cơm rồi. Mẹ tớ mắng cho đấy! – Cái Thi từ nãy đã quay trở lại, tò mò lắng nghe câu chuyện giữa ông anh hoi và bác xe xích lô. Lúc này nó lên tiếng giục vì thấy Thăng ta vẫn còn có vẻ muốn hàn huyên lắm lắm.
Cu Thăng đành giao đồng xu Mỹ cho ông chú của Chôm Chỉa. Nó còn cố dặn:
– Bác nhớ đưa tận tay cho nó bác nhá. Cháu hứa với nó thế mà… để nó cho em gái nó…
– Thôi lên xe đi, các “ông bô bà via” đang chờ ở nhà rồi đấy! – Con bé Thi lại giục.
– Thôi về đi! Tao cũng phải đạp lòng vòng xem có đuợc “cua” nào nữa không? Hồi này làm ăn chán bỏ mẹ! – Ông chú “thế” than thở trong khi giở đồng xu Mỹ ra xem – Có khi tao phải chuyển nghề mất thôi. Nhưng trông nuớc da mày, tao thấy năm nay có vẻ gặp hên đấy. Năng nổ vào nhá! Tao nghe chừng cái đám có liên quan đến đồng tiền này còn mang lại cho mày một số chuyện hay ho nữa cơ. Bái, bai!
Thăng ta vẫn còn tiếc vì không đuợc hỏi thêm một số chuyện. Nó sực nghĩ rằng đã quên không dặn bác ta, bảo thằng Duơng nếu có dịp xuống Hải Phòng thì tìm gặp nó. Nhưng tìm nó ở đâu đuợc nhỉ? Nó có phải là ông nọ bà kia gì đâu mà bảo tìm. Giá nó là bác Khoá Buồn hay bà Mại Đủ Thứ thì còn được, ai người ta cũng biết. Hỏi thăm thằng Thăng thì khác gì sang phố khác mà hỏi một đứa lạ hoắc lạ hơ rằng “có thấy con Cun nhà tớ chạy đâu không?!” Khoá Buồn đã có lần bảo loại “nhãi ranh bay” như nó và thằng Hoan thì nhiều như cún con ở chợ Hàng, vào phiên chủ nhật. Nó thấy tức khi bác ấy ví hai đứa như vậy, nhưng lúc này phải nhận rằng bác ta nói cũng… hơi bị đúng.
Cu Thăng đâu có ngờ rằng cuộc gặp gỡ mang tính… đụng đầu xích lô hôm nay, rồi sẽ làm thay đổi nhiều điều trong cuộc đời của nó. Có chăng chỉ các bà Mụ biết đuợc điều ấy mà thôi. Nhưng không phải chuyện gì các Bà cũng có đủ quyền năng can thiệp, để những đứa trẻ mình nặn ra theo đúng đuợc uớc nguyện ban đầu của họ.
Hai đứa lai nhau về đến ngõ thì vừa vặn gặp những người nhớn cũng về tới nơi
-.Chúng mày đi đâu về đấy?.- Ai cho mày đi một mình ra phố hả Thăng?- “Ông Bói cá” nẹt cậu con út.
May thay cái Thi đã đỡ cho nó:
– Cháu đưa anh Thăng ra Bờ Hồ chơi một tí tẹo thôi bác ạ! Mẹ cháu cho muợn xe đạp đấy ạ – Nó kín đáo nháy mắt với đồ “dế dối dá”.
Vậy là nó tha tội nói dối cho mình rồi- ông anh hoi thở phào. Cu cậu lùi lũi ra giếng rửa tay. Chuẩn bị ăn cơm mà không rửa tay thì bố nó còn hăm he nhiều thứ lắm.
Trưa hôm sau đúng là bác Vân dẫn hai chị em Văn, Vi đến nhà chú cu Thăng như đã hẹn lúc còn trên tàu hoả. Hai nhà, có thêm bố con cái Thi cùng đi chơi ở đường Thanh Niên ven Hồ Tây, sau đó vào Bách Thảo. Cái Thi thân rất nhanh với hai chị em Văn, Vi. Chúng sưu tập các loại lá cây, đố nhau tên mỗi loại cây gặp trong vuờn, cười hi hi hinh hích mỗi khi có chuyện gì thú vị.
Bọn con gái dễ làm quen nhau thật đấy – Thăng ta nghĩ bụng – Con trai như nó với thằng Hoan chả dễ gì bắt quen, trừ truờng hợp đặc biệt (tự cậu chàng lại phải đính chính khi nghĩ lại truờng hợp làm quen Chôm Chỉa và anh em Mặt nốt ruồi). Không đặc biệt là gì. Còn quá đặc biệt là khác. Nếu không thế thì nó đã quên những đứa ấy từ tám hoánh nào rồi.
Trên chuyến tàu tối trở về mặc dù Thăng ta ngó tìm khá kỹ mà chẳng thấy hai mẹ con thằng bé hôm qua ở đâu. Có thể hai mẹ con nó không về hôm nay, mà cũng có thể nhà hai mẹ con nó ở Hà Nội thì sao? Cu cậu cũng hy vọng bác Văn sẽ kể câu chuyện gì ở trên tàu, nhưng hôm nay bác ấy có vẻ bận bịu với mấy bản vẽ nhà cửa gì đấy nên chỉ hai chị em Văn, Vi rì rầm trao đổi và khoe nhau các mẫu thực vật, thu nhặt đuợc trong vuờn Bách Thảo. Thăng ta ngồi nhìn cảnh vật hai bên đuờng, lát sau cũng lơ mơ, nhưng cu cậu cố không để cho mình ngủ say khi nghĩ tới hoạt cảnh của ông đội mũ phớt hôm qua.
Nghỉ hè, anh Thiên nó cũng ở nhà nên cu Thăng không phải đến nhà bác Vân học vào các buổi sáng. Tuy vậy mỗi tuần ba tối nó vẫn gặp cái Vi và cái Nga ở lớp tiếng Anh buổi tối. Ba đứa cùng tập trung vào việc học tiếng Anh nên sau một thời gian bọn trẻ con trở thành những nhân vật nổi trội ở trong lớp. Thực ra cũng chỉ có cu Thăng và cái Vi là nổi trội thôi, cái Nga có khá hơn nhưng so với hai đứa này thì thua xa. Nhiều học viên lớn tuổi cũng giỏi, nhưng các bác ấy giỏi ở phần translation (dịch) và grammar (ngữ pháp), ở các môn listening comprehension (nghe hiểu) hay reproduction (nghe rồi ghi lại đoạn văn ngắn). Do bận nhiều công việc nên họ không có thời gian học từ mới, đâm ra Thăng và cái Vi đuợc mệnh danh là “từ điển sống” của lớp vì chúng học thuộc lòng nhanh như chớp chảo!
Tuy nhiên, như bác Vân giải thích, việc học ngoại ngữ thì thuộc từ mới là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bác ấy đưa ví dụ rằng khi một người có nhiều viên gạch, đá (tức là thuộc trong đầu được nhiều từ) người đó có thể tạm xếp chúng lên nhau thành một căn nhà để ở đuợc rồi, tất nhiên là không đẹp và không bền vững (ý là nói sai văn phạm, không đuợc hào hoa bóng bảy, tuy nhiên cũng tạm hiểu được nhau nói gì, khi cần bán phá-xa hay đánh giày cho mấy ông Tây!). Khi có thêm tiền (nghĩa là khi có thêm các kiến thức về ngữ văn), người ta sẽ mua xi măng, vôi, thép để gia cường, làm cho căn nhà trở nên bền vững và xinh đẹp. Nhưng nếu không chịu học từ mới, tức là không có viên gạch, viên đá nào thì xây trát vào đâu?
Vậy nên mấy đứa bé rất chăm học từ, học thuộc đuợc nhiều mẫu câu, dần dà nói năng cũng ra vẻ lắm. Thăng ta uớc gì bây giờ đuợc gặp lại ông Silitoe để tha hồ mà hội thoại.
Đến hết tháng hè đầu tiên thì xảy ra một chuyện khiến Thăng ta nghĩ là mình nằm mơ. Tối hôm ấy, lúc cu cậu đang giúp bố nhận xe gửi và phát vé ở sân sau, thì thấy có tiếng nói to ở sân truớc. Nó nhớ rằng hai ba buổi học truớc cũng thấy bác bảo vệ đuổi trẻ con hay ai đó, không cho vào sân Uỷ ban nhưng cu cậu không quan tâm lắm. Lũ trẻ sàn sàn tuổi nó quanh đây vô thiên lủng, tối nào mà chẳng phải đuổi. Không thì mấy ông tướng con vào leo cây, hái hoa đại, có tuớng chỉ cỡ tuổi nó mà còn hái cả hoa… guơng với hoa… đèn xe hon-đa của người ta!
Nhưng hôm nay thì nó chạy ra vì hình như có ai đó nhắc đến tên mình. Thằng bé dụi mắt, không tin những gì đang nhìn thấy vì chính là Chôm Chỉa đang bị bác bảo vệ chặn lại ở cổng. Một anh cu Chôm Chỉa bằng xương bằng thịt, vẫn mặc chiếc áo thun có in hình con ngựa hoang, tay xách hòm đồ đánh giày. Hệt như lúc gặp nó lần đầu tiên ở trên tàu hoả hay lúc nó vừa kéo vừa đẩy Thăng ta với thằng Hoan lên xe xích lô để đuổi theo ông Tây ở ga Hàng Cỏ.
Khó mà tả đuợc nỗi hân hoan của cu Thăng lúc này!
Gặp lại rồi, gặp lại rồi!
Chui đâu ra vậy, Chôm chỉa ơi?
Biết không, tớ tìm đằng ấy mãi
Chỉ lo đồng xu Mỹ đánh rơi…
N.C