Mảnh vỡ – Truyện ngắn Mai Hà

 

Lão chuyển về cái xóm nhỏ này cũng đến gần chục năm rồi chứ có ít đâu, vậy mà chưa năm nào lão dự bữa cơm đoàn kết cuối năm với cả xóm Đoàn kết gì cái xóm này chứ? Hở ra là soi xét nhau xem nhà nào đổ nước ra ngõ, nhà nào thả chó ỉa bậy,… rồi lu loa chửi đổng, cãi nhau như chém chả. Lão không sống giả tạo được, lão đã ghét ai thì cạch mặt. Chẳng lẽ sống ở đời lại cứ phải đeo cái bộ mặt giả tạo hay sao? Lão không làm thế được.
Một ngày đẹp trời, con chó nhà lão động đực dứt đứt dây xích xông thẳng ra ngõ, sủa ông ổng một hồi rồi ị một bãi đầu ngõ. Lão đang ngủ trong nhà. Chợt tiếng của mụ bán canh bánh đa đầu ngõ tru tréo:
– Ối giời ơi, chó má nhà nào thả ra ỉa đầy ngõ thế này? Bà thì bà cho một gậy chỉ có mà đi theo giềng mẻ nhá.
Cái loa phóng thanh của mụ cứ thế chĩa vào nhà lão, ngày càng to hơn. Lão dụi mắt mở cửa bước ra. Lão đá cánh cửa cái rầm như để tỏ cho mụ hiểu: lão biết ai vừa chửi. Thấy thái độ của lão mụ im bặt. Lão quát:
– Lộc !vào nhà!
Con chó cụp đuôi, mắt len lén nhìn lão đi thẳng vào nhà. Hôm sau, thấy lão đi ăn sáng mụ lại thơn thớt cái mồm:
– Bác Chí đấy à? Em mời bác ăn bánh đa cua nhà em. Hôm qua em mua được mớ cua trắc lắm bác ạ.
Lão nhìn xéo mụ một cái, nhếch mép kiểu ta là người có tiền nhá:
– Không dám.
Lão đi thẳng không thèm nhìn bộ mặt chưng hửng của mụ.
Ra tới đầu ngõ, lão lại gặp phải bộ mặt trơn tuột của thằng cho tổ trưởng dân phố . Hắn phanh kít xe lại gọi lão khẩn thiết:
– Bác Chí ơi, em có chút việc đang định vào nhà bác, may quá em gặp bác đây rồi.
Hôm nay là ngày gì mà xui xẻo thế không biết. Lão miễn cưỡng dừng lại:
– Có chuyện gì thế anh Hách?
– Chẳng là hôm trước tổ dân phố họp để phổ biến về vẫn đề thu gom rác thải đúng nơi qui định và việc nuôi chó không được thả dông. Nhưng hôm đó nhà bác không ai đến họp. Em thấy bà con phản ánh việc nuôi chó của nhà bác để chó chạy dông và ỉa bậy ra ngõ. Nhà bác nên rút kinh nghiệm và xích chó vào kẻo vi phạm qui định của phường.
– Vi phạm cái con khỉ!
Lão trả lời cục cằn rồi bỏ đi để lại ông tổ trưởng dân phố với khuôn mặt trơn tuột ngơ ngác.

* * *

Vốn dĩ lão chẳng ưa gì ông Hách, cái mồm cứ leo lẻo như xẻ thịt cho người khác, nhưng chỉ được cái cơ hội. Lão nhớ, hồi lão mới chuyển nhà về cái ngõ này. Chân ướt chân ráo chưa quen ai, cũng tính hôm nào rảnh sang hang xóm chào nhau một câu cho phải phép. Lão chưa kịp đi thì ông Hách tới gõ cửa.
– Có ai ở nhà không?
Lão ngó đầu ra:
– Anh hỏi ai?
– Tôi là Hách – Tổ trưởng tổ dân phố này.
– Tôi là Chí, mời anh vào nhà.
Ông Hách ngồi xuống ghế, đảo mắt nhìn quanh như để đo gia cảnh nhà lão. Tay cầm chén nước đưa lên miệng, tợp một ngụm rồi nói:
– Việc là thế này bác Chí ạ: Bác mới về đây nên chưa biết đó thôi, trước kia cái ngõ này, thấp và lụt lắm. Mỗi khi có mưa là ngõ biến thành sông. Đi lại rất vất vả. Tôi phải vận động mãi bà con mới chung sức tôn tạo nâng cấp cái ngõ này lên bằng phẳng, cao ráo như hiện nay. Kinh phí mỗi hộ gia đình đóng góp là 2 triệu. Bác mới về nói chuyện tiền nong tôi cũng ngại lắm, nhưng nhiệm vụ của tổ trưởng tổ dân phố tôi vẫn phải làm. Gia đình bác cũng đóng góp như mọi nhà nhé.
– Tôi… tôi… cái ngõ này làm cũng lâu rồi, chủ nhà trước họ phải đóng rồi chứ?
– Ấy chết, bác nói thế chẳng hóa ra là em thu hai lần tiền của nhà này à?
Lão lừng khừng nửa muốn nộp ngay cho xong việc, nửa muốn để suy nghĩ.
– Thôi… Anh… để tôi đi lấy tiền nộp cho anh.
Các cơ trên mặt ông Hách giãn ra theo các ngón tay đếm tiền thoăm thoắt. Ông Hách đút tiền vào túi rồi đon đả chào lão ra về. Còn lão, trong lòng thấy ấm ức.
Cái ngày đầu tiên lão làm quen với hàng xóm là thế đấy. Lão nói chuyện với mụ vợ, mụ tru lên như lợn bị chọc tiết:
– Lão thừa tiền à? Kể cả nhà trước nó chưa đóng thì mình cũng không nộp, ngõ thế nào tôi đi thế ấy nhá. Cái thằng mặt trơn tuột ấy nó cơ hội để bỏ túi đây mà, để tôi sang đòi lại.
– Mụ có im đi không? Tiền đã nộp rồi đòi cái gì mà đòi.
Lão quát để trấn át mụ vợ.
– Thôi, dẹp cái vụ tiền bạc đó đi,coi như bị đánh rơi.
Mụ vợ ấm ức, ngúng nguẩy đi ra ngoài.

* * *

Trời nhá nhem ,mưa phùn rơi nặng hạt. Mưa đã nhiều ngày nay con ngõ có chỗ đọng nước mọc rêu xanh, trơn trượt. Nhà nào nhà nấy bận rộn với bữa cơm tối. Con Lộc chốc chốc lại hực lên một tiếng, mũi khịt khịt đánh hơi dưới gầm tủ. Bỗng một con chuột to bằng cổ tay lao vút từ trong gầm tủ ra, con Lộc lao theo phi thẳng vào tấm gương đã bị nứt trên cánh tủ. Choang! tấm gương đổ sập xuống nền nhà vỡ tan thành từng mảnh. Lão nóng mắt vớ cái chổi vụt tới tấp vào con Lộc như trút hận. Con Lộc cụp đuôi mắt len lén nhìn lão lủi vào gầm giường nằm ngoan ngoãn. Quét dọn hót hết mảnh vỡ vào trong túi ni lông, lão định để vào thùng rác mai đổ, nghĩ thế nào lão tặc lưỡi: cứ để ra ngõ lát mụ quét rác sẽ hót đi. Ngồi xuống mâm cơm, vừa bê bát lên định và miếng đầu tiên thì tiếng thét của đứa trẻ ngoài ngõ làm lão dựng tóc gáy. Lão buông bát, lao vút ra ngõ không kịp xỏ dép. Cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt lão. Thằng cháu đích tôn nhà ông Hách nằm sóng xoài bên cái xe đạp đổ, mặt nó úp sấp trên đống gương vỡ, máu đang túa ra từ mặt, từ tay, từ người thằng bé. Lão không kịp nghĩ bế thốc thằng bé lên vội vã gỡ những mảnh gương còn cắm sâu vào người thằng bé,ôm nó chạy một mạch đến bệnh viện gần đó. Mấy người nghe thấy tiếng thét cũng lao ra ngõ và chạy theo lão xem cơ sự thế nào. Lão đặt thằng bé lên giường bệnh viện và ngồi phịch xuống ghế, người lão nhũn ra, lão chỉ nhìn thấy mặt thằng bé trắng bệch và máu vẫn túa ra từ các vết thương. Bác sĩ vội vã đẩy giường vào phòng cấp cứu. Người lão bê bết máu. Máu dưới bàn chân đang rỉ ra, một mảnh gương vỡ đã găm vào bàn chân lão từ khi nào, lão cũng không thấy đau. Ông Hách từ ngoài lao vào ôm vai lão lắc mạnh:
– Thằng cháu tôi thế nào rồi?
Lão hất hàm về phía phòng cấp cứu. Ông Hách lao đến cửa phòng kiễng chân ngó vào trong, lòng như lửa đốt. Lúc này, hàng xóm đã kéo một đoàn người đến bệnh viện. Mụ bán bánh đa quen thói chửi đổng:
– Cha bố cái đứa nào lại đổ kính vỡ ra ngõ để thằng bé ngã vào thế cơ chứ. Kìa, chân bác đang chảy máu, bác để tôi băng lại cho. May quá có bác bế nó chạy nhanh ra viện chứ không biết thằng bé sẽ ra sao.
Lão cúi gằm mặt, không dám nhìn ai, không nói câu nào.
Cánh cửa phòng cấp cứu mở ra. Bác sĩ hỏi:
– Ai là người nhà bệnh nhân?
– Tôi là ông nội cháu. Cháu có sao không bác sĩ?
– Vết thương không sâu nhưng cháu bị bệnh máu không đông nên bị mất nhiều máu. Chúng tôi đang cố gắng cầm máu cho cháu. Gia đình hỏi xem có ai cùng nhóm máu O chuẩn bị cho máu cháu – Vì đó là nhóm máu hiếm, mà bệnh viện lại vừa hết nhóm máu đó.
Nói xong bác sĩ quay vào phòng, để lại ông Hách với khuôn mặt bạc phếch nhàu nhĩ. Ông Hách lê chân đến ghế, rơi người đánh bịch. Ông lẩm bẩm: Tôi thì nhóm máu O đấy nhưng lại mang bệnh tiểu đường, còn bố nó lại đi làm xa chưa về kịp. Phải làm sao bây giờ?
Mọi người xung quanh xôn xao hỏi nhau nhóm máu, cũng có người lảng ra chỗ khác và lặng lẽ ra về. Không ai nhóm máu O cả. Ông Hách rũ xuống như tàu lá héo, mặt ông thất thần và tuyệt vọng. Chợt ông ngẩng lên với ánh mắt cầu cứu:
– Bác Chí, bác nhóm máu gì? Bác cứu cháu nó với, khổ thân thằng bé.
Lão im lặng cúi đầu không dám nhìn vào đôi mắt còn sót lại tia hy vọng cuối cùng của ông Hách.
Cánh cửa phòng cấp cứu mở ra lần nữa, cô y tá hỏi trong chờ đợi:
– Người nhà đã tìm được người cùng nhóm máu với cháu chưa?
Mọi người nhìn nhau tuyệt vọng. Chợt, lão đứng lên đi về phía phòng cấp cứu, nói một câu khô khốc.
– Tôi!
Cánh cửa khép lại sau lưng lão, thắp lên tia hy vọng cho ông Hách.

* * *
Lão mở mắt, xung quanh là một màu trắng xóa, lão lờ mờ nhớ lại chuyện gì đã xảy ra.
Cô y tá ân cần:
– Bác cứ nghỉ đi ạ, bác vừa cho một lượng máu khá lớn nên còn mệt, cần được nghỉ ngơi.
– Thằng bé thế nào rồi cô?
Giọng lão gấp gáp vội vàng:
– Đã qua cơn nguy kịch rồi bác ạ, cũng may bác cho máu nếu không thì thằng bé nguy mất.
– Ơn trời!
Lão thở ra nhẹ nhõm. Thằng bé có mệnh hệ nào chắc lão không tha thứ cho mình.
– Giờ nó nằm phòng nào để tôi qua thăm nó.
– Thằng bé được chuyển sang phòng điều trị bên cạnh rồi ạ.
Lão vội vã ngồi dậy, thấy xây xẩm mặt mày, chấn tĩnh một lúc rồi ra khỏi phòng.
Thằng bé nằm thiêm thiếp trên giường, sắc mặt nó đã hồng hào hơn. Mấy miếng gạc trắng trên người thằng bé như lưỡi dao nam cứa vào lòng lão. Vì sự cẩu thả của lão, vì bản tính gàn gàn dở dở, vì cách sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng của lão mà thằng bé ra nông nỗi này. Lão ân hận vô cùng. Lão muốn nói một lời xin lỗi với thằng bé. Lão ngồi xuống cạnh giường, nắm bàn tay nhỏ bé đang cắm chiếc kim truyền, ủ ấm trong hai bàn thay thô ráp của lão, sống mũi lão cay cay… Vừa lúc ông Hách đi vào, vồ lấy tay lão:
– Cám ơn bác, gia đình tôi cám ơn bác vô cùng. May có bác cho máu nếu không tôi mất thằng cháu đích tôn này rồi.
Khuôn mặt ông Hách không trơn tuột như mọi khi mà đầy sự biết ơn.
– Ông đừng nói thế, tôi… Tôi… xin lỗi.
Lão cúi mặt đi ra khỏi phòng để lại ông Hách với gương mặt ngỡ ngàng.

* * *

Biết tin thằng bé được xuất viện, lão đến tận bệnh viện để đón nó. Từ ngày nó nằm viện ngày nào lão cũng vào ngồi chơi với nó, rả rích truyện trò. Thằng bé cũng quí lão. Nhìn thấy lão từ xa nó đã cười tít mắt:
– Cháu chào ông Chí! Ông không cho con Lộc đi cùng ạ. Cháu nhớ nó quá.
– Có chứ, nhưng bệnh viện không cho mang chó vào nên nó chờ ông cháu mình ngoài cổng. Nó cũng muốn đi đón cháu đấy.
Thằng bé nghển cổ như để cố nhìn thấy con Lộc. Lão thấy thằng bé như một phần máu thịt của mình. Lão ôm thằng bé vào lòng, hít hà mái tóc khét mùi mồ hôi của nó. Lão thì thầm với thằng bé:
– Lát cho ông bế cháu ra xe nhé.
– Cháu khỏi ốm rồi mà.
Thằng bé nhìn lão ngạc nhiên.
– Nhưng ông vẫn muốn bế cháu thêm một lần nữa.
Thằng bé rúc vào ngực lão cười khanh khách. Lão thấy nơi ngực trái mình ấm nóng tình thương. Lão thấy gắn bó với cái xóm nhỏ của lão. Nhất định sớm mai lão sẽ ra ăn bánh đa cua đầu ngõ.

Tháng 3/2019
M.H

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder