MẶT TRỜI VÀ HẠT SƯƠNG
Mặt trời quá vĩ đại
Hạt sương quá nhỏ nhoi
Mặt trời không mang nổi
Dù một hạt sương rơi
Nhưng trong hạt sương ấy
Có bao nhiêu mặt trời ?
MẶT TRỜI VÀ HẠT SƯƠNG
Mặt trời quá vĩ đại
Hạt sương quá nhỏ nhoi
Mặt trời không mang nổi
Dù một hạt sương rơi
Nhưng trong hạt sương ấy
Có bao nhiêu mặt trời ?
Lời bình Bùi Kim Anh
Bài thơ ngắn tưởng như khó có thể ngắn hơn, dẫu thơ có nhiều bài 2 câu. Hình tượng thơ đơn giản, chỉ có hai thôi – mặt trời và giọt sương. Nghệ thuật thơ gần gũi, quen thuộc – so sánh và đối lập. Ngôn từ – giản dị và dễ hiểu
Hai câu thơ đầu đưa ra hai hình ảnh thường gặp và trong thơ hình như quá mòn. Chỉ có điều chẳng bao giờ trong ý nghĩ chúng ta để nó sóng đôi với nhau mà thấy được sự tương phản. Trần Mạnh Hảo đã có ý tưởng độc đáo đó. Có thể rõ khi đọc thơ phải nhấn ở chữ quá. Từ quá dùng để miêu tả cũng là tỏ thái độ khi miêu tả. Quá là từ chỉ mức đo trên mức thường. Quá – không có giới hạn. Quá là chỉ số vô cùng. Ca ngợi ư? Thán phục ư? Xuýt xoa ư? Hay chỉ đơn thuần nhận xét?
Tứ thơ nằm ở đây, ở hai cặp câu thơ tiếp nối.
Mặt trời không mang nổi
Dù một hạt sương rơi
Nhưng trong hạt sương ấy
Có bao nhiêu mặt trời ?
Nhận xét được nâng lên tinh tế hơn và cũng bất ngờ. Đọc bài thơ này không phải đi đến với cái hay, cái lấp lánh hay cái sáng tạo của ngôn từ. Từ ngữ có cần vận dụng biện pháp tu từ nghệ thuật gì đâu. Chữ nghĩa có gì khó hiểu đâu. Bài thơ để cảm nhận. Bài thơ hay ở các tầng ý nghĩa khiến cho nhận ra rồi lại tiếp nghĩ suy Bài thơ dội vào suy tư, lắng trong suy tư. Một nghĩa cụ thể nhận thấy ngay từ hình ảnh mà chẳng cần phân tách. Một nghĩa suy ra rộng hơn chút về sức mang, sức chứa và hiểu thế nào là sự vĩ đại. Nghĩa của vĩ đại – nhỏ nhoi trong trường hợp này thay đổi. Vĩ đại – nhỏ nhoi nhiều khi chỉ đơn thuần là lớn – bé của hình thể. Trần Mạnh Hảo nhìn sự vĩ đại ở góc độ khác. Diễn tả kiểu thơ mà tầm nghĩ của triết học, của chiêm nghiệm nhiều trong cuộc sống. Đâu chỉ là cách nhìn, cách nghĩ mà còn cả cách đánh giá sự việc, con người. Đâu chỉ là cách nhìn của ta mà còn là của chính mặt trời, của giọt sương về vĩ đại và nhỏ nhoi ấy của bản thân. Tưởng như so sánh giản đơn mà thực là sâu sắc. Văn chương là vậy, thơ là vậy. Không thể hời hợt trên bề mặt con chữ. Nghĩa của từ ngữ nằm trong tầng đất sâu xa. Cứ vặn vẹo, cứ lắp giáp ngôn từ mà quên mất tâm linh. Định nghĩa nhiều về thơ mà hiểu cho đúng về thơ không dễ
Người đọc chợt ngâm ngợi trước một phát hiện, khác đi là một đúc rút từ thực tế. Hai vật thể để tách rời thì là vậy, để cạnh nhau thì tưởng vậy mà không vậy. Nghĩa của từ quá trong hai câu đầu đến cuối bài như được giải mã. Quá vĩ đại theo nghĩa cao quý hay đơn thuần chỉ là to lớn? Quá nhỏ nhoi có phải chỉ dừng ở kích cỡ bé nhỏ hay không? Hình ảnh tự nhiên, cứ như quan sát rồi miêu tả thôi mà đâu dừng ở đó. Làm sao có thể cho mình là quá khi đời này rộng lớn biết bao nhiêu.
Có những bài thơ thế đấy – chỉ đọc để cảm mà không cần nhiều lời. Bài thơ ngắn như một định nghĩa mà khiến ta phải suy nghĩ bao điều. Nghĩ gì trong cuộc đời này? Hai hình ảnh đối lập của tự nhiên mặt trời và giọt sương đưa đến những suy ngẫm cho mỗi người dù ở ví trí nào, công việc nào trong xã hội. Mỗi ngày có bao tấm gương trong sáng, đẹp đẽ, có bao mảnh đời vất vả, khó nhọc chưa được nâng đỡ, không được cưu mang . Mặt trời không biết nhưng con người hiểu trong hạt sương ấy/ Có bao nhiêu mặt trời. Mặt trời không biết nhưng con người biết nơi mình sinh ra, những gì mình có và chưa có, những gì mình cần chịu ơn và biết ơn. Giọt sương không biết nhưng con người hiểu không phải cái gì cũng dành cho mình, không thể trông chờ bởi lẽ cái quá vĩ đại ấy không mang nổi/ Dù một hạt sương rơi. Thờ ơ ư? Không thể thờ ơ. Chua xót ư? Cũng thật là chua xót. Bài thơ kiệm lời mà ý tứ sâu xa, hình ảnh bày ra đấy phải có lòng mới thấu.
B.K.A