Một tập thơ còn trong di cảo – dịch giả Thúy Toàn

Trở về Hà Nội chưa có dịp nào đem bức ảnh khoe với nhà văn Nguyễn Đình Thi, thì nhà văn qua đời. Và rồi chuyến trở lại Moskva sau đó, tôi cũng lại không được gặp Marian nữa, ông cũng đã ra đi vào cuối năm ngoái (2006)…

Trở về Hà Nội chưa có dịp nào đem bức ảnh khoe với nhà văn Nguyễn Đình Thi, thì nhà văn qua đời. Và rồi chuyến trở lại Moskva sau đó, tôi cũng lại không được gặp Marian nữa, ông cũng đã ra đi vào cuối năm ngoái (2006).

Trong một chuyến đi công tác sang Moskva, như thường lệ, tôi được ông Marian Tkachev – nhà văn dịch giả, nhà Việt Nam học người Nga, một trong những người bạn thân thiết của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, mời đến chơi. Ở văn phòng của ông tôi để ý thấy bức ảnh ông Marian đứng bên cạnh nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ông Marian cho biết: Ông đang dịch cho đại biểu Việt Nam, nhà văn Nguyễn Đình Thi ở đại hội nhà văn Liên Xô. Cả hai người trên ảnh đều còn rất trẻ, đứng bên bục diễn đàn, sau nền còn một đại biểu ngồi ở bàn chủ tịch đoàn. Tôi xin phép được chụp lại bức ảnh.

Trở về Hà Nội chưa có dịp nào đem bức ảnh khoe với nhà văn Nguyễn Đình Thi, thì nhà văn qua đời. Và rồi chuyến trở lại Moskva sau đó, tôi cũng lại không được gặp Marian nữa, ông cũng đã ra đi vào cuối năm ngoái (2006).

Tuy nhiên lần này, tôi cũng có được một chút an ủi: trước khi rời Moskva về nước tôi đã được nhà thơ Châu Hồng Thủy, phụ trách tờ Đoàn kết của Hội văn học nghệ thuật người Việt ở Liên bang Nga, trao cho một kỷ vật quý – một tập tư liệu xin được sau khi ông Marian mất, rồi bà vợ của ông cũng gặp tai nạn mà sớm qua đời. Trong số tài liệu này tôi chú ý đến một số bút tích của mấy nhà văn Việt Nam, đặc biệt thư từ và một tập bản thảo thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Đó là tập thơ viết tay có tên Người đi đường do tác giả tự tuyển chọn, xếp sắp, chép tay trên những trang giấy học trò gửi cho dịch giả Marian để dịch sang tiếng Nga. Ở trang đầu tên tập thơ Người đi đường viết bằng mực xanh lá cây, bên trên có hai dòng chữ tiếng Nga của ông Marian viết bằng mực đỏ: Nguyễn Đình Thi và tên sách, nếu dịch ngược lại tiếng Việt theo từng chữ là Con người và Con đường. Còn mấy dòng chữ số ghi chép tính toán gì đó phía dưới nữa.

Sau trang đầu là nội dung 21 bài thơ có ghi đầu đề bằng chữ nhỏ viết trên sát góc trái đầu trang, mỗi bài lại đều được đánh số thứ tự La Mã từ I đến XXI, chữ chép tay cẩn thận bằng cùng một thứ mực xanh như chữ ở trang đầu, số trang được đánh từ 1 đến 25 bằng mực đỏ (có lẽ là của ông Marian ghi thêm vào). Theo ngày tháng đề trên mấy lá thư của nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi cho dịch giả Marian, mà ông gọi thân mật là Marik, thì tuyển thơ Người đi đường được gửi đi vào cuối năm 1986.

Người đi đường là một tập thơ được tuyển chọn chủ yếu từ các bài thơ trong tập Tia nắng (9 bài), đã in trong nước năm 1983 và số khác (7 bài) sau này đưa in vào tập Trong cát bụi (ra năm 1992), về sau cả 16 bài này đều được đưa vào tuyển tập: Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Thi (nhà xuất bản Văn Học 1994) và Tuyển tập, ba tập, tập III, Bút ký, phê bình, và thơ Nguyễn Đình Thi (nhà xuất bản Văn Học 1997), 6 bài trong số 16 bài này in lại trong tập Sóng reo, tập thơ cuối cùng của ông ra 2001. Chỉ có 5 bài ở đây không tìm thấy trong các sách vừa nói đến, gồm: Xa, xa mãi, mắt người (số I, trang 2), Mùa xuân của anh (số IV trang 5), Người làm vườn (số V trang 6), Khuôn mặt anh có em (số IX trang 10), và Mỗi ngày… không ngừng (số XXI trang 25).

So với những bài in lại trong sách sau này thì các bài viết tay trong tập Người đi đường được sắp xếp theo một thứ tự riêng, có lẽ phục vụ cho một nội dung nhất quán của tập thơ này. Một số tên bài thơ có khác, chẳng hạn: Hoa chua me đất, thì có tên Đôi bạn (Số VI), Niềm nhớ – có tên là Hỡi người sắp đi xa (số VIII), Là một tia nắng – chỉ gỏn gọn có một từ Là (số X) và Nhìn xem – vốn ở đây là Mắt nhìn (số XVI). Ngoài ra cũng có một đôi chỗ thay đổi từ, đôi dòng thêm bớt hay sắp xếp lại thứ tự câu trong bài. Đọc Người đi đường người ta có thể nhận ra ngay vẫn là Nguyễn Đình Thi, một con người đầy suy tư, nặng trĩu nỗi lòng, buồn, nhưng vẫn là một con người lạc quan, có đầy niềm tin ở cuộc sống. Ai đó sau này gọi ông là “Người lạc quan buồn” có lẽ không sai. Mở đầu tập thơ bài Xa, xa mãi, mắt người có thể cho ta cảm nhận thấy ngay điều đó.

Xa, xa mãi,

mắt người ngợp vào khoảng biếc không bờ bến.

Biển đã đây rồi.

Ánh mây chiều đang vừa bay vừa bốc cháy

mỗi lúc càng đỏ rực

Và quả bưởi lửa của trời

thong thả chìm xuống nước biếc thẫm.

Trên bãi cát, người đi đường tìm nhặt mấy cành khô và đến bên một tảng đá ngồi lúi húi nhóm lửa.

Một con chim biển vỗ cánh dài trắng đến lượn vòng bên trên làn khói lất phất.

Chân trời tím dần,

mặt trời đã chìm mất và biển cũng dần tối.

Con chim hải âu đã bay đi.

Người đi đường cũng về đâu rồi.

Trên bãi cát, bên tảng đá đã im lặng,

vẫn lất phất làn khói.

Đốm lửa nhỏ vẫn cháy,

dưới ngôi sao đầu tiên lấp lánh hiện lên.

Ở đây là cuộc đời. Cuộc đời con người và thiên nhiên. Quy luật nhân sinh, trời đất. Sắc sắc không không. Nhưng đốm lửa nhỏ vẫn cháy dưới ngôi sao đầu tiên lấp lánh hiện lên.

Những bài tiếp theo là tâm sự của người đi đường đang có bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang và linh cảm thấy những gì là tai họa, thậm chí cả cái chết đón chờ phía trước. Nhưng người đi đường này vẫn bình thản, tự tin, yêu đời, yêu người, vẫn tìm thấy cái đẹp ở khắp nơi, từ một ánh nắng mặt trời, từ một chiếc lá cây. Trong căn nhà nghèo nàn anh vẫn thấy mỗi hạt bụi bay thành hạt vàng (Tia nắng.II). Chiều vẫn xuống dần. Gió cuộn mây âm u. Mùa đông mở to đôi mắt ướt đầm sương// nhưng khắp mặt đất đã lấm tấm xanh. Muôn ngàn đốm vàng nghiêng ngả// Và kia ánh lên vầng hồng của một cây đào bên một mái nhà tranh giữa núi mờ.

Bài thơ cuối cùng càng đọc càng thấy toát lên cái chất lạc quan của người đi đường:

Hai ngọn lửa quyện múa rực hồng

Hai làn sóng hòa vào nhau dào lên mãi, cười reo…

Nghìn nghìn ngọn lửa mỗi ngày trên mặt đất

Nghìn nghìn làn sóng không ngừng trên sông biển.

Bốn câu thơ trên là bài Mỗi ngày… không ngừng đánh số XXI có ghi rõ tháng 3-4/1982.

Đọc tập Người đi đường ta có thể thấy rõ và hiểu thêm đôi chút về tác giả Nguyễn Đình Thi. Giai đoạn những năm 80 thế kỷ qua, sau khi đất nước được giải phóng và thống nhất làm một, bước vào thời kỳ xây dựng lại, đầy khó khăn thử thách mới. Con người cũng nhiều thay đổi. Nhưng không thể khác – cuộc sống cứ đi lên. Tâm sự của người đi đường cũng là tâm sự của nhà thơ, một nhà thơ đầy tài năng lại là một người đang có trọng trách đối với cả xã hội và đất nước… Để thấy hết được con đường đi của nhà thơ Nguyễn Đình Thi cùng đất nước, nên chăng cùng với những tập thơ của ông đã xuất bản, từ Người chiến sĩ đến Sóng reo, cần cho ra đời cả tập Người đi đường.

T.T

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder