Vanhaiphong.com: Giới thiệu một truyện ngắn của họa sĩ – cộng tác viên Trần Huy Đức gửi đến.
Chiến tranh thấm thoắt đã lùi xa.
Tôi rời quân ngũ kể ra hơn chục năm. Nhiều đồng ngũ may mắn ổn định được cuộc sống. Thế mà tôi cứ lọ mọ, loay hoay mãi vẫn chẳng làm nên trò trống gì. Ước mơ về một sự ổn định cứ như cái bóng cố tình đùa cợt, làm tôi vồ trượt bao lần mà không thể nào nắm bắt được. Đã thế, mấy đứa con “vỡ kế hoạch” cứ tuồn tuột tòi ra.
Cũng có thể sai lầm của đời tôi là do tôi cứ ấp ủ mãi ước mơ trở thành họa sĩ. Vì thế tôi dồn hết tâm lực, tiền bạc kiếm cóp để vẽ tranh. Quả thật, tôi luôn hình dung đến một lúc nào đó sẽ bán được tranh, vừa để kiếm sống và nuôi vợ con. Than ôi, tôi chưa hề bán được bức tranh nào ra hồn, ngoài việc thi thoảng có người gọi đi cắt phông đám cưới hoặc trang trí cho vài hội nghị loàng xoàng, kiếm được ít tiền mọn.
Cũng may là vợ tôi còn thương tôi. Chưa khi nào nàng phàn nàn về việc suốt đêm tôi dính rịn bên giá vẽ để bôi bôi, xóa xóa. Có đôi lần nàng an ủi rằng tranh của tôi cũng”có hồn” đấy chứ – theo lời nàng nói – ” Nếu anh không bán được thì để lại làm bảo tàng gia đình. Biết đâu một trăm năm sau, người đời mới hiểu hết ý tưởng của anh thì sao”. Lúc đó, tôi quay lại đăm đăm nhìn nàng để cố hiểu xem nàng có trách khéo tôi không. Nhìn nụ cười còn vương vương trên khuôn mặt héo hắt vì thiếu chất của nàng, tôi bỗng thấy thương vợ vô chừng và ngậm ngùi vì biết mình có lỗi. Tuy vậy, tôi vẫn quyết đeo đuổi nghiệp vẽ. Tôi nghĩ rằng nếu không còn những giây phút đắm chìm bên cây cọ để thả hồn vào từng nhát vẽ với tông mầu pha trộn thì đời tôi chẳng còn ý nghĩa gì. Tôi là kẻ được tạo hóa ban phát bổn phận lấy nghiệp vẽ làm vui.. Khi hết tiền mua sơn dầu, tôi quay ra vẽ tranh thủy mặc. Vì chỉ cần vài bút lông và thỏi mực tàu, tôi tha hồ múa bút.
Nơi tôi ở là một xóm nghèo ven đô. Bởi vậy, vẫn có những con ngựa thả rông gặm cỏ trên những cánh đồng mả hoang vắng. Hễ rỗi rãi là tôi lại mang giấy bút đi theo chúng để ký họa. Tôi thích vẽ ngựa vì đó là con vật vừa mang kiếp nô lệ khi bị thắt yên cương, vừa mang ý tưởng tự do khi được buông thả. Lâu ngày quan sát chúng, tôi biết chúng là một loài rất tình cảm và có nhiều tính cách riêng biệt cần được khám phá. Tôi ao ước đến một lúc nào đó, chỉ cần phẩy vài nhát bút lông diệu nghệ, sẽ có một con ngựa với đủ thần hồn hiện ra, bay giữa khoảng không của tờ giấy. Và tôi vẽ mãi, các bức ký họa cứ dần dầy lên trong chiếc hòm gỗ để ở góc nhà. Một người bạn có lần bảo tôi :” Ông Từ Bi Hồng đã nổi tiếng vẽ ngựa rồi, mày bắt chước làm gì !”. Tôi im lặng vì không biết nói gì để bạn hiểu. Thực ra, im lặng cũng là một cuộc chiến. Cuộc chiến với chính mình.
Thế rồi một năm lại sắp qua. Tết đã sầm sập đuổi tới sau lưng. Tôi khấp khởi mừng thầm vì đó là năm ngựa. Mười hai năm mới quay lại một con giáp. Thực là lâu với một họa sĩ quèn vẽ ngựa như tôi. Phải trước đến nửa năm, tôi lùng mua hàng tệp giấy dó trên tận Hà Nội để vẽ ngựa. Tôi đã “hy sinh” không biết bao nhiêu giấy để có được mấy chục bức tranh tạm coi là được. Tôi xếp chúng thật ngay ngắn trước khi nhẹ nhàng cuộn thành bó cất đi. Vợ tôi cũng chăm chú xem tất cả các bản vẽ chọn lọc đó. Nàng đoan chắc tranh của tôi sẽ bán được, chẳng khác nào chắc mẩm trong bụng tôi vậy. Còn giá cả thì nàng chịu. Chỉ cần được thế, tôi cũng vui lắm rồi. Trong giấc mơ, tôi thấy mãi những con ngựa đủ kiểu dáng vùng vẫy hí vang và đưa tôi đến một nơi có rất nhiều tiền…
Ngày giáp tết, tôi phải nói mãi, một anh bạn mới nể tình cho mượn chiếc xe máy để phi lên Hà Nội – Thị trường tranh sôi động thời mở cửa – Đấy là cách nói trên một số tờ báo Văn nghệ mà tôi đọc được. Tuy không nói nhưng tôi chắc mẩm ( Trên đời ngu nhất là những thằng chắc mẩm ) thảo nào cũng sắm cho vợ con một cái tết tươm tất. Năm ngọ mà.
Cuộn tranh ngựa được quấn kỹ bằng lớp vải mềm và quàng chéo lưng như người lính khoác súng ra chiến trường, tôi phi “ngựa sắt” lên đường. Trên đường đi, tôi huýt sáo vui vẻ cùng tiếng gió phần phật bên tai. Tôi nhớ lời khuyên của một người bạn khi biết ý tưởng bán tranh của tôi :” Đừng sướng quá để rồi mà chết nhá” và cảm thấy bật cười.
Qua cầu Chương Dương, xe đưa tôi vào phố phường Hà Nội đầy huyên náo. Trước lúc ra đi, lòng tôi lai láng hy vọng. Nhưng thú thực, sau khi lòng vòng quanh mấy cái phố có các Galery, trong lòng tôi bỗng nhu nhú dần một nỗi nhút nhát mơ hồ nào đó, khi nhìn ngắm những khuôn mặt”ruồi bâu” của những cô gái được thuê bán hàng. Tôi bị choáng ngợp với cảm giác “sờ sợ” bởi cách bài trí những bức tranh sơn dầu to đùng của những Galery tầm cỡ. Hình như có một không khí thiêng liêng thế nào ấy cho những ai muốn bước vào để chiêm ngưỡng tranh. Nếu muốn tự chủ xem tranh thì trong túi phải có thật nhiều tiền.. Huống hồ tôi lại là kẻ muốn bán tranh để kiếm sống. Ôi ! Thật là đáng thương cho những bức tranh ngựa bé bỏng, có vẻ hèn kém vì vẽ trên giấy dó của tôi.
Không phải ngần ngừ lâu, tôi lại phành phạch lượn xe qua mấy cửa hiệu vừa bán tranh lại pha lẫn với hàng đống hàng thủ công mỹ nghệ kèm theo. Đúng là năm ngọ, họ cũng bầy bán tranh ngựa. Lòng mừng thầm, tôi giả vờ ngắm kỹ những bức tranh ngựa to bằng hai bàn tay, vẽ theo lối Từ Bi Hồng nhưng rất dại đến ngô nghê. Điều đáng buồn nhất của kiếp nghệ sĩ là hễ cứ làm ra một sản phẩm nào đấy thì họ cứ nghĩ ngay rằng đó là một tác phẩm tuyệt hảo nhất trên đời, rằng đó là đứa con tâm hồn được hoài thai từ đáy con tim…v.v Và chỉ có ta là thương quí, hiểu được giá trị duy nhất của nó, tầm cỡ đích thực của nó…v.v Thế rồi là chê bai, công kích nhau, đánh giá, nhổ toẹt vào nhau…v.v…
Hình như tôi không thoát khỏi một vài ý nghĩ thiển cận , chật hẹp khi nghía những bức tranh sao chép “thiếu lễ độ” ấy. Một ngọn lửa nóng rực bất chợt được thổi bùng trong lồng ngực và tôi nghĩ ngay rằng những bức ngựa của tôi sẽ đè bẹp, xéo nát, hất tung những con ngựa “giả cầy – sú vơ nia” kia ra khỏi những quầy tranh ngay lập tức. Lòng ngập ngụa tự hào, tôi đường hoàng nhìn thẳng vào ông chủ cửa hàng tranh đang lơ đãng nhổ râu bằng cái nhíp con và ngắm tôi như một thứ đồ vật.
– Thưa ông, bức tranh ngựa này giá bao nhiêu ?
Người chủ không trả lời, có ý hất hàm cho tôi nhìn vào mảnh giấy ghi giá nhỏ bằng cái móng tay gắn kèm phía dưới. Tôi hơi ngượng về sự đãng ý của mình và chợt mặc cảm với cách đối xử ấy : Thì ra tôi không phải là khách ngoại quốc cho dù chỉ là một “tây ba lô”. Nhưng tôi cũng đọc được con số “20.000đ” và tự an ủi :”Năm mươi bức tranh ngựa nhân với hai mươi ngàn đồng bằng một triệu đồng. Qui ra bằng hai mươi bánh chưng cộng với kẹo mứt, mâm ngũ quả, quần áo mới của vợ và các con…Chà ! một bài toán với đáp số dễ chịu làm sao”. Tôi lấy can đảm :
– Ông có mua tranh ngựa của tôi không ?
– Đây đủ hàng bán rồi, ế lắm.
– Ông có xem qua một chút không ? Tôi cố nài nỉ với hy vọng ông ấy sẽ phải nghĩ lại khi nhìn thấy những con ngựa do tôi vẽ.
Đáp lại tôi là một cái lắc đầu chán chường. Ông ta vẫn tiếp tục thờ ơ nhổ râu. Bình sinh trong tôi xịt hẳn. Tôi lí nhí chào rồi lủi cho nhanh. Ngay lập tức, ý nghĩ bán được tranh vơi đi một mảng lớn trong tôi. Một nỗi hoang mang bắt đầu phình to khiến tôi chợn chân khi bước vào mấy cửa hàng tầm tầm khác.. Cũng có người chủ quầy nở nụ cười xã giao pha chút thương hại khi từ chối tôi. Hầu như họ không muốn nhìn tranh của tôi. Có một bí mật gì đó của thương trường mà tôi chưa khám phá ra . Mãi tới khi gặp một chủ quầy khác – Một ông già có dáng dấp trí thức hơn là thương gia – ông ta ân cần bảo tôi mở tranh để ông xem. Ông ngắm rất kỹ và so sánh các bức vẽ :
– Anh định bán giá bao nhiêu ?
– Ông mua cả tập tranh này chứ ?
– Xin lỗi, tôi chỉ mua mấy bức chọn bên này thôi.
– Cảm ơn ông, nhưng tôi muốn bán tất cả.
– Tôi làm sao có thể chuẩn bị kịp số lượng khung kính này. Vả lại…Những người chơi nghệ thuật đích thực ít lắm. Họ chỉ cần có tranh treo với giá re rẻ là được. Hết năm ngựa lại treo tranh dê, tranh khỉ theo thời trang ấy mà. Quả thật, tôi có lời khen anh về nét vẽ với phong cách riêng biệt. Anh có tâm hồn họa sĩ.
– Nhưng thưa ông, nếu ông chỉ mua mấy bức tranh ấy thôi thì khó cho tôi quá.
– Tùy anh thôi !
– Nếu vậy ông trả giá bao nhiêu ?
Một nụ cười mỉm kẻ cả xuất hiện :
– Đó là quyền của anh.
– Có được năm chục ngàn một bức không ? ( Tôi nhẩm tính trong đầu :” Năm nhân với năm bằng hai trăm năm mươi ngàn “)
– Nếu anh đồng ý : Mười ngàn một bức. Ông ta buông rơi câu nói trên đầu tôi một cái xoảng. Tôi nghe mà choáng váng. Chỉ được năm chục ngàn thôi ư ?
Tôi vội gượng dậy :
– Chắc ông biết rất rõ để được một bức tranh này tôi đã tốn quá nhiều giấy vẽ hỏng và công sức. Nó chỉ may mắn có được ở vài phút xuất thần. Thưa ông không đủ tiền vốn.
– Thế thì tôi chân tình khuyên anh nên giữ lại làm kỷ niệm . Bởi tôi là nhà kinh doanh. Với lại, bây giờ thị trường tranh ế ẩm lắm. Điều đáng buồn là những ông nhà giầu trọc phú thì rất nhiều, nhưng ít người hiểu về giá trị nghệ thuật đích thực. Họ chỉ cần có thứ xanh xanh đỏ đỏ treo trong nhà là được. Đời là thế đấy anh bạn ạ. Ông ta hì hì cười và tiếp : – Đến Van Gốc còn phải tự sát nữa là…
Tôi chán ngán cuộn tập tranh lại rồi chào từ biệt. Khi xe đã quay đầu, ông ta nói với theo :
– Mười lăm ngàn được không ?. Dĩ nhiên là tôi không đồng ý.
Nguồn hy vọng về việc bán những bức tranh kiếm tiền sắm tết tiêu tan trong tôi thành tro bụi để khiến cho lòng tôi biến thành ảo não vô hồn. Tôi trôi loanh quanh trên các đại lộ tưng bừng của Hà thành chuẩn bị đón xuân. Có lúc tôi vô tình đi ngang qua một chợ hoa . Nhìn những người bán đào đang nhăn nhở chào mời khách, tôi chợt liên tưởng đến thân phận mình.. Thì ra cái phố phường rộn rã kia, cái chợ hoa bừng sáng kia, nhìn bề ngoài đẹp và vui thế, nhưng nó là kết tinh của bao mảnh đời túng thiếu lăn lộn nơi vỉa hè góc chợ chỉ mong bán được vài cành đào đã nhàu nát bởi buôn đi bán lại để mong kiếm chút lãi còm, gom nhóp cho một xó nghèo đầm ấm bàn thờ tiên tổ. Tôi day dứt mãi về việc có nên quay lại bán vài bức tranh cho ông chủ hiệu duy nhất hỏi mua ấy để trang trải tiền xăng nhớt và thuốc nước đã trót tiêu đi rồi. Đến xế trưa, tôi nảy ra ý định đến cửa một ngôi chùa nào đó, nơi có những ông đồ già viết chữ nho, ngồi ghẹ vào đó để bán tranh.. Rốt cuộc bày ra lại cuộn vào, xê dịch mãi mới có một ông già mua cho một bức tranh. Tôi thú thực, việc bán bức tranh này có mang hơi hướng nghệ sĩ, vì cảm động mà kỷ niệm hơn là bán. Ông cụ tần ngần ngắm nghía tranh mãi mà không trả giá. Tôi quan sát diện mạo và suy đoán chắc hẳn cụ ít tiền. Mãi một lúc cụ mới hỏi tôi :
– Chính anh vẽ những bức tranh này à ? Khá đấy.
– Cụ mua giúp cháu một bức đi.
– Tôi ít tiền quá, chỉ ngắm nhờ anh thôi.
– Cụ thấy thế nào ?
– Tôi nghe thấy tiếng hí và vó ngựa trong bức tranh này. Nghe cụ nói vậy, tôi lặng người. Quí vật tầm quí nhân đây rồi.
– Cháu nghèo quá mà phải đem bán nó đấy.
– Anh không nói tôi cũng hiểu. Có điều tôi ít tiền quá.
– Thế cụ có bao nhiêu ?
– Đây ! Móc cả túi được có ngần này. Cả tết trông vào đây vì tôi không có lương hưu… Sáu, bẩy, tám mươi lăm ngàn… Có đủ trả không ? Với lại còn phải mua một khung kính cho cẩn thận nữa chứ.
Tự nhiên nước mắt tôi trào ra :
– Kể ra cháu biếu cụ mới phải. Gặp người như cụ hiếm lắm. Nhưng cháu xin cụ hai chục ngàn gọi là tiền mực giấy.
– Anh đã trút hồn vào con ngựa này. Tôi không nỡ trả anh rẻ vậy đâu. Nếu anh đồng ý thì xin vui lòng nhận cho già số tiền mọn này. Coi như là tôi xin anh. Có bức tranh này là mùa xuân của tôi có niềm vui. Rượu thịt tùng tiệm cũng được. Tôi ưa sống về phần hồn nhiều hơn là phần xác.
– Cháu nhất quyết chỉ xin cụ hai chục ngàn.
– Không đâu, tôi không nỡ trả rẻ. Vì như thế không phải. Nếu tôi có nhiều tiền… Tôi rất tôn trọng nghệ thuật đích thực.
– Nhưng hoàn cảnh của cụ tết này…
– Không sao !. Ông cụ khảng khái gạt phắt.
– Vả lại, nếu đóng khung kính để treo bức tranh này, phải không dưới năm chục ngàn cụ ạ. Cứ coi như cháu biếu cụ.
Ông cụ chựng lại nhìn tôi trìu mến :
– Ờ ! Đúng rồi. Nhất định nó phải được lồng vào một khung kính cẩn thận để treo lên tường. Tôi đành phải xin anh vậy. Rất cảm ơn lòng tốt của anh. Chúc anh và gia đình một mùa xuân may mắn.
Rõ ràng, ông cụ là người sành sỏi khi chọn bức tranh ngựa đó. Tuy nhiên, tôi không hề tiếc và thấy lòng ấm lại. Cho dù tiếp theo đó tôi không bán được bức tranh nào vì có rất ít người để mắt tới những con ngựa của tôi. Sau khi nhẩm tính thời gian và quá ê chề vì không còn hy vọng, tôi quyết định mang tranh trở về.
Trên đường trở về, tất cả những nỗi buồn về một hiện thực túng bấn lại đay nghiến tôi. Giá như tôi độc thân thì vấn đề đó nhẹ như lông hồng. Kiếp nghệ sĩ như tôi không nên lấy vợ đẻ con làm gì để đầy đọa nhau. Tôi cứ tự cắn cấu mình suốt đường đi. Tôi thương xót cho chính bản thân và những bức tranh của mình.
Khi ngang ga Tiền Trung, tôi bất chợt nảy ra ý nghĩ rẽ về hướng về phía Côn sơn – Kiếp bạc, vì chẳng mấy khi mượn được xe máy như thế này. Tôi muốn đi ngao du một mình thăm nơi tưởng nhớ các cụ Trân Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Nhân tiện, hy vọng mua rẻ được một cành đào nhỏ nơi sơn cước.
Trên con đường nhựa mới làm và thưa xe cộ đi lại, tôi ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Những ruộng lúa mới cấy phơn phớt mầu xanh non. Gió xuân được tẩm ướp một mùi hương dìu dịu kỳ lạ. Trước mặt tôi, con đường hun hút dẫn tới vùng núi đồi chập trùng liền mạch của vùng đông bắc. Nơi đó hẳn sẽ trồng rất nhiều đào rừng. Nỗi buồn về việc không bán được tranh vẫn âm ỉ trong lòng giờ đây cũng trùng xuống. Tôi nhớ đến lời của danh họa Nguyễn Sáng :” Vì nghệ thuật, ta có thể cúi xuống để nhặt từng đồng xu nhỏ, nhưng không bao giờ hạ mình vì tiền.” Đó là một tuyên ngôn trước nghèo đói chứa đầy mâu thuẫn. Có lẽ tôi sẽ phải cố hiểu nó cho đến suốt cuộc đời.
Sau khi thăm các đền thờ cùng là tiêu dao ngắm phong cảnh u hoài của bức tranh thiên nhiên sơn thủy, chiếc xe đưa tôi rẽ vào một con đường mà tôi đoán chắc sẽ gặp những xom nhỏ miền sơn cước. Quả không sai, sau khoảng thời gian ngắn thì tôi đã nhìn thấy ven rệ đường có một khu vườn rộng. Chính giữa là một ngôi nhà ba gian hai chái với một vài chum vại đựng nước mưa của gia chủ. Còn xung quanh vườn trồng um tùm các loại cây na, nhãn, bưởi… Đặc biệt, có ba bốn cụm đào đang nở hoa thật đẹp. Tôi phanh xe rồi ngây người đứng nhìn. Nghe có tiếng xe máy, chủ nhà ngó đầu ra khỏi cửa nghe ngóng xem có phải khách quen. Thấy tôi lạ hoắc, anh lại chui tọt vào nhà. Nhưng thấy tôi đứng lâu như vậy , anh thắc thỏm băn khoăn rồi lại ngó đầu ra và hỏi :
– Anh cần gặp ai để tôi chỉ giúp.
Nhìn diện mạo anh có vẻ đôn hậu cởi mở, tôi không ngần ngại nói thực lòng :
– Chả giấu gì anh, nhân lãng du qua vùng này, nhìn thấy vườn anh có đào đẹp quá nên dừng lại ngắm một lúc thôi.
– Tưởng gì. Mời anh dắt xe vào đây rồi cùng tôi uống nước cho vui. Tôi ở nhà một mình. Vừa pha xong ấm nước, thật hạnh ngộ.
Thấy anh hồ hởi vậy, lòng tôi vui lây. Anh mở cổng để tôi dắt xe vào vườn. Vừa dựng xe xong là tôi xin phép anh cho ngắm mấy gốc đào. Phải nói rằng chắc các gốc đào này gia đình anh trồng đã lâu rồi, ít nhất phải trên dưới mười năm. Vì các tán cành của chúng xòe rộng lắm. Tôi thầm ao ước giá mình có thể mua được một cành đào nhỏ. Nhưng khốn nỗi trong túi chỉ còn có mấy chục ngàn.. Thật là số tiền quẹn cho một hành trình xa xôi, biết đâu có bất trắc. Người chủ nhà vồn vã mời tôi vào nhà. Nhìn vào chén trà mới rót ra còn nghi ngút khói, tôi hiểu anh mời là thực lòng.. Sau một vài câu chuyện xã giao, tôi biết hôm nay anh chỉ ở nhà một mình, còn chị vợ và con đã về bên ngoại. Thì ra trước đây anh cũng là lính phục viên về làm nghề cũ là dạy học tại địa phương. Gia thất của anh có vẻ giản dị. Mọi vật gia dụng đơn sơ nhưng ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Anh tìm đâu được một bức tranh phong cảnh của Lê – vi – tan mà tôi biết với cái tên ” Mùa xuân nước đầy “, đem lồng vào khung kính rồi treo trên bàn làm việc, tuy nhỏ nhưng đẹp. Phải nói nhìn vào cách trang hoàng, chứng tỏ anh là người có khiếu thẩm mỹ. Lòng tôi khoan khoái được nói chuyện với anh bên chén trà thơm ngát và điếu thuốc say nồng. Anh hỏi tôi có biết uống rượu không để anh rang vài hột lạc. Tôi khéo léo từ chối vì nghĩ rằng nghi thức này cũng quá đầy đủ rồi. Chúng tôi rất cởi mở khi nói những câu chuyện không ra đầu cuối gì nhưng rất khoái vì nó chỉ bàn về mấy đề tài như tại sao con chim chích chòe lại chỉ đứng hót ở một nơi vào buổi sáng sớm. Có anh giảng tôi mới hiểu, thì ra đó chỉ là hình thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và giọng hót để gọi bạn tình mà thôi…
Nhìn ra bó giấy ở ngoài xe của tôi, anh buột miệng :
– Anh đi đâu mà mang cái cuộn giấy như giấy dó đấy à ?
– Anh tinh thật. Chẳng giấu gì anh, đó là những bức tranh ngựa tôi vẽ mang đi bán mà không được. Ế ẩm quá lại mang về.
– Thế anh là họa sĩ ?
– Họa sĩ gì đâu. Túng quá thì biến thành bôi sĩ thôi.
– Hay quá ! Nếu không phiền, anh có thể vui lòng cho tôi xem được không ?
– Có gì mà phiền. Được anh đòi xem tranh là tôi vui lắm. Đúng là những phút giây hạnh ngộ trong đời.
Thế là vừa nói, tôi ra xe cởi dây mang bó tranh vào. Tôi vừa ật cuộn tranh xòa ra, ánh mắt anh sáng lên và không ngần ngại, anh đưa tay lật từng bức tranh để xem chúng một cách thích thú. Tôi không ngờ anh lại có kiến thức về hội họa như vậy. Anh nói :
– Hồi còn học trên đại học sư phạm Hà Nội, tôi có tìm hiểu về tranh thủy mặc của Trung quốc. Anh vẽ ngựa theo môn phái này mà không hề bắt chước Từ Bi Hồng. Có những con ngựa anh chỉ tung mấy nét đậm nhạt mà như đã diễn tả nội lực sống động của nó. Tôi cảm thấy tiếng hí trong sự nhấp nhô của sóng bờm… Thích thật !
Tôi nghe anh nói với một sự hiểu biết và cảm nhận tinh tế khiến trong tim mình đột nhiên xốn xang một điều gì đó rất khó tả. Khác với những lần mà ai đó nhìn tranh của tôi rồi nịnh khéo trước khi nhờ vả một việc gì đó. Ví như nhờ vẽ giùm đầu đề một tờ báo tường ở lớp cho con chẳng hạn. Con người ta khi được đánh giá đúng mức một năng lực nào đó mà ta đã cố gắng hết sức để đạt tới với một tình cảm trung thực vô tư, sẽ khiến ta cởi lòng để nhận nó với một sự rưng rưng lạ lùng. Sau đó, ta sẽ không ngần ngại trao đi những cái mà mình có. Cho dù nó có là quí giá bao nhiêu chăng nữa. Đó là trường hợp của tôi trong giờ phút này. Nhìn anh chăm chú dán mắt vào những bức tranh, tôi đọc ngay sự ao ước mơ hồ nếu anh có nó. Thế rồi không đắn đo, tôi nói luôn :
– Nếu anh quả thực thích chúng, tôi sẽ biếu anh một bức tùy chọn.
Anh hơi mỉm cười rồi im lặng để xem tiếp mấy bức tranh. Tôi nghĩ anh có phần e ngại.
– Nhưng có điều để treo nó phải có một cái khung kính ra hồn thì mới đẹp.
– Nghe anh nói tôi muốn quá mà chưa biết trả lời anh bằng cách nào. Chẳng lẽ lại xin không của anh đơn giản vậy sao. Anh còn phải lặn lội mãi từ đâu lên tận Hà Nội để bán mà.
– Anh đừng ngại. Đôi khi tôi cũng tặng những bạn tâm đắc hiểu được tranh tôi một cách giản dị như vậy đấy. Anh mời tôi uống nước rồi cho ngắm vườn đào là quí lắm rồi.
Anh cắn môi im lặng một lúc mới bật lời :
– Thế này nhé. Tiền bạc chỉ là một nhẽ. Vả lại tết này tôi cũng túng. Đấy anh xem, sắp tết rồi mà nhà cửa đã sắm sửa gì đâu. Quả thực tôi thích tranh của anh và muốn có một bức. Có lẽ anh cũng thích đào. Nếu không ngại, tôi cho phép anh chọn một cành tùy thích ở những cây khác quanh nhà mà không phải cái cây trước chính cửa đây. Anh nghĩ sao ? Mà chỉ có như vậy thì tôi mới yên tâm nhận tranh của anh được.
Thật là không có gì hơn thế. Ý nghĩ của anh và tôi vô tình hợp nhau vừa khít như như hai bánh răng trong hộp số xe máy. Tôi sung sướng vỗ tay mãn nguyện :
– Hạnh phúc cuộc đời là ở giây phút này đây. Sao ta cứ lọ mọ đi tìm nó ở đâu xa. Tôi hoàn toàn nhất trí. Thú thực, tôi không ngờ.
Còn anh thì băn khoăn chọn mãi trong mấy bức tranh :
– Mấy dáng ngựa này tôi thích quá. Nhưng tôi quyết định xin anh bức này.
*
* *
Mùa xuân năm đó, trong gian nhà ấm cúng của tôi có một cành đào đẹp đẽ mà không phải năm nào tôi cũng mua được. Đành rằng bao giờ tôi cũng túng và luôn thường trực nỗi lo về cuộc mưu sinh đầy bất trắc. Nhưng phải thú thật với các bạn rằng, khi ngắm cành đào nở hoatrong dịp tết năm đó bên man mác khói hương trầm thơm ngát bên bàn thờ tổ tiên, lòng tôi rưng rưng xao động gì đó về một ý nghĩ khi cảm nhận nó. Chứ có phải bạn cứ có nhiều tiền vung tay ra để mua bất cứ cành đào nào mà bạn muốn, thì chưa chắc cái hương vị của hạnh phúc ngọt ngào trong cuộc sống đã đến một cách dễ dàng với bạn đâu.
Nhiều năm sau đó, khi vợ chồng tôi cố gắng gồng mình nuôi các con khôn lớn. Tôi mới giành giụm được một số tiền tu sửa lại căn nhà, mở thêm một buồng nữa cho các cháu. Và tôi còn mua được một chiếc xe máy mới tinh cho bằng anh bằng em. Một lần, tôi trịnh trọng mở khóa khởi động xe máy để đưa vợ tôi đi thăm anh bạn có kỷ niệm ấm áp không thể bao giờ quên được ấy. Nhưng khi đến nơi, tôi không thể nhận ra mảnh vườn của anh nữa. Tất cả đã thay đổi. Con đường đi qua nhà anh đã mở rộng và trải nhựa sạch sẽ. Còn hai bên đường thì nhà cửa mọc lên san sát, chẳng thể biết ai vào ai. Tôi cứ ân hận mãi về việc khi chia tay, vì vui quá, tôi cũng không hỏi tên anh mặc dù anh giúp tôi chằng buộc cành đào lên xe rất cẩn thận một lúc lâu. Tôi chỉ nhớ nụ cười rất tươi của anh và bàn tay vẫy vẫy cùng câu nói :
– Nếu có điều kiện, năm nào anh cũng lên đây chơi nhé. Tôi luôn mong chờ.
( Mùa xuân năm 2000 )
T. H. Đ.