Gần 40 năm dạy văn, khi nghỉ hưu, thỉnh thoảng tôi ngồi một mình, suy ngẫm những: được, thua, khôn, dại, rủi, may, vui, buồn… mà mình đã từng nếm trải. Một bạn đồng nghiệp hỏi tôi: Điều gì trong gần 40 năm dạy văn làm anh cảm thấy hạnh phúc nhất?
Gần 40 năm dạy văn, khi nghỉ hưu, thỉnh thoảng tôi ngồi một mình, suy ngẫm những: được, thua, khôn, dại, rủi, may, vui, buồn… mà mình đã từng nếm trải. Một bạn đồng nghiệp hỏi tôi: Điều gì trong gần 40 năm dạy văn làm anh cảm thấy hạnh phúc nhất? Câu hỏi rất khó trả lời, vì mỗi người có những quan niệm riêng của mình về hạnh phúc.
Nhà thơ Dương Hương Ly từng trăn trở: Hạnh phúc là gì ?/ Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra. Với tôi, có lẽ hạnh phúc nhất là được nhiều thế hệ học sinh yêu thích một số giờ giảng văn tâm huyết của mình về thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Đặc biệt là Nguyễn Du và Truyện Kiều! Tôi say Truyện Kiều từ khi còn là một học sinh phổ thông. Lên đại học, những giờ giảng về Nguyễn Du và Truyện Kiều của thầy giáo Lê Kinh Khiên (khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh) khiến tôi không thể nào quên. Ra trường, tôi tiếp tục tìm đọc những công trình nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều của Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Lê Trí Viễn, Phan Ngọc, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Lộc… rồi tự mình đào sâu, nghiền ngẫm, tìm tòi phát hiện. Một số bài viết của tôi về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã lần lượt được đăng tải trên một số tờ báo và tạp chí có uy tín trong cả nước… Mỗi khi lên lớp dạy Nguyễn Du và Truyện Kiều tôi say sưa truyền đạt cho học sinh những điều mà mình tâm đắc. Tất nhiên, không phải giờ giảng nào tôi cũng thành công. Dạy được một giờ văn hay phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố theo tôi hết sức quan trọng là tạo được sự đồng cảm giữa thầy và trò. Nếu học sinh có “góc học tập” thì thầy giáo dạy văn cũng có “góc giảng dạy”của mình. Các nhà lý luận gần đây đã đề cập nhiều đến vai trò của người tiếp nhận trong sáng tác văn chương. Vai trò của người tiếp nhận trong giờ dạy văn cũng tương tự như thế. Còn nhớ thời ở trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình, tôi may mắn gặp được một lứa giáo sinh tài hoa và lãng mạn. Thầy trò rất “kết” nhau, nghĩa là rất “tâm đầu ý hợp”. Mặc dù lúc đó lớp học chỉ là mái tranh vách đất, ăn toàn bo bo với canh “toàn quốc” (toàn nước) nhưng các em học hành rất chăm chỉ. Cứ mỗi lần giảng đến đoạn nàng Kiều bị Mã Giám Sinh làm nhục: Một cơn mưa gió nặng nề/ Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương/ Đêm xuân một giấc mơ màng/ Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ/ Giọt riêng tầm tã tuôn mưa/ Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình/ Tuồng chi là giống hôi tanh/ Thân ngàn vàng để ô danh má hồng/ Thôi còn chi nữa mà mong/ Đời người thôi thế là xong một đời !… Và đoạn Kiều mắc lừa, trốn theo Sở Khanh, bị mụ Tú Bà đánh cho đến mức “uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa”, đành cắn răng hứa với mụ: Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa! là tôi không sao cầm được nước mắt. Cho đến nay, các thế hệ sinh viên ở trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình (nay là Trường Đại học Quảng Bình) vẫn chép truyền nhau bài thơ Nghe thầy giảng Kiều của Lê Thanh Hải (sinh viên khoa Văn-Sử) viết tặng tôi:
Giờ học sáng nay thầy giảng Truyện Kiều
Thầy đã khóc và chúng em đã khóc
Thầy nghẹn ngào đọc trong tiếng nức
Đất trời, cây cỏ rưng rưng…
Ôi, nỗi đau xưa của thi nhân
Nay lại bỗng tái hồi trong mỗi giờ lên lớp
Mỗi lời thơ như dao ngầm cắt ruột
Tố Như ơi, chúng tôi khóc về Người!…
Chúng em nghe thầy giảng từng lời
Nước mắt cứ chảy ràn trên má
Không gian im lặng quá!
Con chim rừng ngừng hót lắng tai nghe…
Rồi mai đây chúng em sẽ mang đi
Có những trang Kiều của buổi sáng nay thầy lên lớp
Em giảng lại bằng bầu nhiệt huyết
Như chính mình đã cảm, đã say
Có thể nào quên buổi học sáng mai nay!
Mới đó mà đã ba mươi năm trôi qua! Giờ Lê Thanh Hải đã là một cán bộ phụ trách chuyên môn có uy tín của phòng Giáo dục Đào tạo thành phố Đồng Hới. Mỗi lần gặp lại nhau, Hải vẫn thường nhắc kỷ niệm Nghe thầy giảng Kiều.
Có một kỷ niệm về dạy Truyện Kiều cũng làm tôi không thể nào quên được. Đó là vào học kỳ hai, niên khoá 2001-2002, cô giáo Hồ Thị Tâm (nhà thơ Đông Hà) nghỉ sinh, nhờ tôi dạy thay một thời gian. Bước vào lớp học tôi được các em chào đón bằng một tràng pháo tay hết sức niềm nở. Tôi đoán chắc nhà thơ Đông Hà đã giới thiệu ít nhiều về tôi nên các em mới háo hức đến thế. Ngay giây phút đầu tiên ấy tôi đã có cảm tình đặc biệt với các em. Nhìn những gương mặt tươi trẻ, khôi ngô, xinh đẹp của các em tôi bỗng nhiên phấn chấn hẳn lên. Nữ thi sĩ Đông Hà đã thổi niềm yêu thích văn chương vào lớp học mà chị giảng dạy suốt một học kỳ. Phải dạy thế nào để các em khỏi thất vọng – tôi tự nói với lòng mình. Giảng văn cũng như làm thơ: Khi làm xong bài thơ mà thấy trong người lâng lâng, sảng khoái là tôi biết bài thơ của mình sẽ có chỗ “đứng” trong lòng độc giả. Sau một giờ giảng thành công tôi cũng có những giây phút lâng lâng, sảng khoái như thế. Dịp đó, tôi đã dành khá nhiều thời gian truyền thụ cho các em hiểu và cảm cái hay, cái đẹp trong những vần thơ tuyệt diệu của Truyện Kiều. Cũng đã lâu lắm tôi mới có những giờ giảng say sưa, hứng thú đến như thế. Rồi vào một buổi chiều, sau tiết dạy đoạn trích “Trao duyên”, tôi đang dạo bước giữa sân trường với tâm trạng lâng lâng thì đột nhiên một nữ sinh đi đến, đưa cho tôi chiếc phong bì và nói: “Có chị sinh viên nhờ em trao cho thầy”. Tôi cầm bức thư trên tay với niềm bâng khuâng khó tả. Chọn một góc thật yên tĩnh trong thư viện của trường Quốc Học, tôi hồi hộp mở bức thư ra đọc:
Huế, ngày 4-3-2002
Thầy Mai Văn Hoan kính mến !
Thưa thầy, em là sinh viên năm thứ nhất, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Huế. Chiều hôm nay, em đã đến học lén giờ giảng đoạn trích Trao duyên của thầy. Em đã nói với lớp trưởng rằng em là sinh viên thực tập, nhưng em lại mặc áo dài trắng để đóng giả học sinh đối với thầy. Em viết thư xin lỗi vì sự vô lễ và cách cư xử không phải của mình.
Thưa thầy, em đã nghe mọi người nói nhiều về thầy giáo Mai Văn Hoan. Bên nhà trọ của em có một học sinh trường Quốc Học. Hôm qua, cô bé sang kể cho em: khi giảng Truyện Kiều thầy đã khóc. Nghe chuyện, em lại nhớ đến nhà thơ Bùi Giáng ngày trước cũng từng khóc cho cái chết của Từ Hải. Và em cảm kích vô cùng. Chính vì vậy em đã tìm cách đến nghe lén tiết giảng chiều nay của thầy. Có dự giờ thầy, em mới hiểu vì sao cô bé lại khen thầy đến như thế.
Một lần nữa em thành thật xin lỗi thầy! Kính mong thầy tha lỗi cho em. Em xin phép thầy cho em được giấu tên. Nhân đây, em mạnh dạn gửi tặng thầy bài thơ em vừa mới viết xong, chưa kịp tu chỉnh, sửa chữa:
LÃNG ĐÃNG KHÓI SƯƠNG…
Kính tặng thầy Mai Văn Hoan
Cứ biết em là sinh viên
Đã lén vào nghe thầy giảng
Em xin phép được giấu tên
Để làm khói sương lãng đãng
Chỉ là khói sương lãng đãng
Xin thầy chớ có bận tâm
Chớ có cười em đa cảm
Ở đời mấy kẻ tri âm! ?
Đành như “gió bắt, mưa cầm”
Thầy đừng giận em, thầy nhé!
Em sợ con thuyền nhỏ bé
Làm sao tránh được bão giông
Thì đành như có… như không…
Thì đành giấu vào im lặng
Sau làn khói sương lãng đãng
Mắt em luôn dõi theo thầy…
Cho đến nay tôi vẫn chưa gặp tác giả bài thơ. Chắc là nàng đã ra trường. Không biết nàng đã xin được việc hay còn long đong chạy việc? Một tâm hồn như thế nếu vì lý do nào đó mà chưa được đứng trên bục giảng thì đáng tiếc quá. Tôi luôn cầu chúc cho nàng gặp nhiều may mắn trên đường đời. Tôi coi bức thư của nàng cùng với bài thơ Nghe thầy giảng Kiều của Lê Thanh Hải là “phần thưởng muôn đời” trong gần 40 năm làm nghề dạy học của tôi. Xin được học theo cách nói của nhà thơ Dương Hương Ly… Và tôi gọi: Đó là Hạnh phúc!
Mai Văn Hoan
Nguồn: Toquoc