Làm sao để múa minh họa không trở thành “hình nhân thế mạng” cho những gì được coi là nhảm nhí, để sao cho múa không lấn át đi vị trí trung tâm của loại hình nghệ thuật khác mà vẫn giữ được vị thế của mình trên sân khấu vẫn là điều mà nhiều người yêu nghệ thuật mong chờ…
Làm sao để múa minh họa không trở thành “hình nhân thế mạng” cho những gì được coi là nhảm nhí, để sao cho múa không lấn át đi vị trí trung tâm của loại hình nghệ thuật khác mà vẫn giữ được vị thế của mình trên sân khấu vẫn là điều mà nhiều người yêu nghệ thuật mong chờ.
Múa minh họa (phụ họa) trên sân khấu chuyên nghiệp cũng như không chuyên đã trở nên quá quen thuộc đối với khán giả, đến nỗi người ta không còn nhớ nổi xuất xứ của nó từ đâu, từ bao giờ chỉ biết rằng trong thời gian gần đây, đâu đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp múa minh họa xuất hiện một cách tràn lan trên sân khấu của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau…
Múa minh họa phục vụ những chương, đoạn trong các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc. Múa minh họa, phụ họa nhằm mục tiêu làm sáng tỏ chủ đề của lễ hội, lễ kỉ niệm, khánh thành… Có thể nói, múa xuất hiện ở mọi sự kiện, mọi loại hình nghệ thuật khác nhau từ ca, nhạc, xiếc, sân khấu cho đến văn, thơ, mĩ thuật… cũng mượn múa để giãi bày.
Trong bài viết này, tôi không có tham vọng đi sâu vào vấn đề học thuật của thuật ngữ “múa minh họa” mà chỉ xin được hiểu một cách nôm na múa minh họa là hình thức múa tòng, múa đệm mang tính chất làm nền cho một loại hình nghệ thuật khác, trong đó nghệ thuật múa không đóng vai trò chủ chốt, không giữ vị trí chủ thể…
Không thể phủ nhận múa minh họa có thể tôn vinh, làm sáng tỏ ý đồ nghệ thuật cho tác phẩm ca, nhạc… nó khiến khán giả được thưởng thức ca, nhạc không chỉ bằng thính giác mà cả bằng thị giác…
Hẳn không ai còn xa lạ gì với bài hát Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và hẳn khó có ai có thể quên được những hình tượng múa minh họa của ca khúc này với những con sóng biển rì rào, những tà áo dài thướt tha và những chiếc nón quê hương đã tạo nên một đất nước Việt Nam hiền hòa, mến khách. Múa đã khiến Việt Nam quê hương tôi hiện ra thanh bình, giản dị, chân thực và thân thiện. Những người bạn quốc tế dù không biết, không rành tiếng Việt vẫn có thể hình dung ra đất nước Việt Nam nồng ấm, đậm đà hồn quê từ những hình ảnh của màn múa minh họa này. Ca và Múa ở đây đã hòa vào nhau thành một tổng thể lô gic hợp tình, hợp lí.
Tuy nhiên, cũng bởi nội hàm của hai từ minh họa đã mang trong nó một vị trí không chính chuyên nên nhiều người (từ các nhà quản lí, các nghệ sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn đến khán giả…) đều có quan điểm dễ dãi, qua loa, ít chú tâm đến vấn đề chất lượng nghệ thuật của múa minh họa, không quan tâm đầu tư cho hiệu quả dẫn tới tình trạng múa minh họa trở nên “vô tổ chức”, khó kiểm soát. Hiện nay, hiện tượng một tiết mục múa minh họa, có thể lắp ghép với bất kì… ca khúc, bản nhạc nào đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Hiện tượng ca, nhạc một đằng, múa một nẻo theo kiểu “mạnh ai nấy làm” ngày càng trở nên phổ cập. Hệ lụy là xuất hiện thứ “hàng hóa” theo kiểu “sản xuất hàng loạt, sản xuất theo dây truyền, theo đơn đặt hàng” trong múa minh họa đã trở nên phổ biến … Cũng bởi vậy, tình trạng (cả trên sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp), múa không ăn nhập gì với ca khúc, bản nhạc xuất hiện tràn lan. Múa trở thành “mốt” không thể thiếu trên sân khấu ca nhạc; ngay cả hòa nhạc, tấu nhạc cũng đưa múa vào một cách vô lối, múa tràn sân khấu, múa “lấn át” hết vị trí của dàn nhạc làm cho người xem cũng trở nên hoang mang tự hỏi không biết mình đang được thưởng thức loại hình nghệ thuật nào? Nhạc hay múa?!. Dường như tác phẩm ca, nhạc nào không có nhảy múa minh họa, phụ họa là người ta cảm thấy không yên tâm. Đến cả trên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp trong những kì liên hoan, hội diễn toàn quốc khán giả cũng khó có thể tìm ra được ca khúc hoặc bản nhạc nào trong chương trình nghệ thuật của các đơn vị tham dự mà không có múa góp phần.
Điều đó càng khiến múa trở nên lố bịch, trở thành một hình thức nghệ thuật trá hình, lấp liếm đi sự chuyên nghiệp của loại hình nghệ thuật khác và vô hình chung chính múa cũng tự đánh mất đi vị thế và sự chuyên nghiệp của mình.
Những điều này dẫn tới nghịch lí là xuất hiện một bộ phận lớn công chúng trẻ tuổi không mấy mặn mà với nghệ thuật múa chuyên nghiệp nhưng dường như lại cảm thấy trống vắng, thiếu thốn khi một tác phẩm ca hoặc nhạc nào không có nhảy, có múa. Chính cách nhìn nhận này khiến những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp cảm thấy mình bỗng nhiên trở thành đứa con bị bỏ rơi, hắt hủi. Và tiếc thay, đó lại là niềm vui, là cơ hội cho những nghệ sĩ năng lực ở mức tầm trung có chút tư duy thị trường giành “đất” để mặc sức tung hoành, chạy sô … Có lẽ điều đó cũng lí giải cho hiện tượng trong khi nghệ thuật múa chuyên nghiệp vẫn đang loay hoay, xoay sở tìm cách thu hút sự quan tâm của khán giả thì các vũ đoàn lại đua nhau “mọc lên như nấm”, chiếm lĩnh thị phần múa trong các chương trình nghệ thuật …
Nguyên nhân dẫn tới nghịch lí trên chỉ có thể là do:
– Một là, những sáng tác của các nhạc sĩ (các bản nhạc, bài ca) không đủ sức hấp dẫn, không khiến người nghe rung động nên người ta phải nhờ đến múa phụ trợ. Hoặc có thể ca sĩ hát chưa thật hay, chưa đủ sức cuốn hút nên phải “mượn” màu mè của múa để làm vui mắt khán giả!
– Hai là, hiện tượng người người làm ca sĩ đã khiến sân khấu ca nhạc trở nên nhốn nháo, khó phân biệt chính – tà nên nhiều ca sĩ trẻ thay vì phấn đấu bằng quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc thì họ lại tìm cách gây sự chú ý bằng nhảy múa,…
– Ba là, xuất phát từ thị hiếu của đông đảo khán giả trẻ thích khuấy động, ưa nhảy múa hơn là lắng tâm nghe những lời ca, nét nhạc…
– Bốn là, các nhà quản lí, các cơ quan chức năng cấp phép tổ chức biểu diễn còn qua loa, đại khái trong khâu kiểm duyệt chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm trước khi đưa ra công chúng.
– Năm là, các phương tiện truyền thông đại chúng như: internet, truyền hình, báo chí… dành nhiều thời lượng phát sóng, đưa tin cho vấn đề này cũng chính là công cụ trực tiếp cổ súy cho thể loại ca nhạc có nhảy, múa minh họa trở nên phổ biến và khó kiểm soát hơn.
Chỉ đến khi cảm thấy quá phản cảm, lố lăng người ta mới giật mình thảng thốt và tự hỏi liệu có cần không múa minh họa, phụ họa?!
Đây cũng là vấn đề gây nảy sinh nhiều cực đoan trong giới nghệ sĩ múa chuyên nghiệp bởi cách suy nghĩ: trong khi mình làm việc chỉn chu, nghiêm túc thì không được trân trọng và chật vật trong nỗi lo “cơm áo gạo tiền” còn kẻ ăn theo, họa vào lại được ưu ái, thiên vị…
Dẫu biết rằng múa minh họa có những tác dụng tích cực của riêng nó nhưng nếu chỉ vì “mốt” mà bất cứ bản nhạc, bài ca nào cũng đưa múa vào sẽ gây phản tác dụng. Người xem, người nghe sẽ không còn phân biệt nổi múa minh họa cho ca nhạc hay ca nhạc phụ họa cho múa. Tất cả đều trở thành một sự nhạt nhòa, không biết đâu là chính, đâu là phụ… ca, nhạc chẳng nên hồn, múa chẳng nên thân…
Liệu có tiết mục múa minh họa nào có thể bộc bạch được hết cảm xúc xốn xang, rạo rực, biểu hiện được cái thổn thức, diệu vợi, da diết của người con gái… bao năm tháng chờ đợi người lính… sao mãi không về… ấy trong ca khúc Sông Lô của Nhạc sĩ Văn Cao? Có điệu múa minh họa nào lột tả được cái hồn, cái vị lắng sâu, tha thiết, cái vẻ tươi vui và khí chất hào hùng, hừng hực trong ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi? Chỉ cần khi lời ca Đây Hồ Gươm – Hồng Hà – Hồ Tây, đây lắng hồn núi sông ngàn năm… được cất lên là người ta đã có thể nhắm mắt mà hình dung ra được một Hà Nội nồng nàn, một hình ảnh “Người Hà Nội” hiện ra với tất cả vẻ đẹp hào hoa, lung linh làm rung động bao trái tim những người Việt Nam. Múa minh họa liệu có cần chăng ở những ca khúc như thế?!
Vậy làm sao để múa minh họa phát huy đúng vai trò của mình, sát cánh cùng các loại hình nghệ thuật bạn, tôn vinh được những cái hay, cái đẹp của nhau lên… để không trở thành một thảm họa khiến người yêu nghệ thuật phiền lòng, trăn trở vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hổi khiến nhiều nhà sáng tác, sáng tạo nghệ thuật quan tâm tìm một hướng đi…
Làm sao để múa minh họa không trở thành “hình nhân thế mạng” cho những gì được coi là nhảm nhí, để sao cho múa không lấn át đi vị trí trung tâm của loại hình nghệ thuật khác mà vẫn giữ được vị thế của mình trên sân khấu vẫn là điều mà nhiều người yêu nghệ thuật mong chờ.
T.H