Dễ chục năm tôi mới lại lên Tân Trào, chiếc nôi cách mạng, nơi phát lệnh Tổng khởi nghĩa Mùa Thu lịch sử cách đây 69 năm.
Dễ chục năm tôi mới lại lên Tân Trào, chiếc nôi cách mạng, nơi phát lệnh Tổng khởi nghĩa Mùa Thu lịch sử cách đây 69 năm. Khi xe chúng tôi rời cổng thành nhà Mạc, rời thành phố Tuyên Quang thênh thang đường phố và san sát những dẫy nhà cao tầng, mà mươi năm trước tôi chưa thấy hình thù bóng dáng đâu, thì xe đã vút qua cầu Nông Tiến bắc ngang dòng Lô, đi về phía đông bắc chừng hơn chục cây số đã tới ngã ba Sơn Dương. Từ đây đi theo con đường nhựa phẳng lì, hai bên xanh miết nương chè, rừng cây và ẩn hiện những nhà xây mái ngói, mái bằng tựa lưng vào sườn đồi, chừng mười lăm cây số nữa là đến thung lũng nhỏ, xung quanh có núi cao và rừng cây đại ngàn như ôm lấy những mái nhà sàn xinh xắn, trù phú. Sau lời giới thiệu của anh ở Hội Văn nghệ tỉnh Tuyên Quang, bỗng mọi người trên xe như reo lên: “Tân Trào! Tân Trào! Đã đến Tân Trào rồi a!”. Thì ra chẳng biết từ bao giờ, hai tiếng “Tân Trào” đã nằm sâu trong tâm trí mọi người, đến mức chỉ cần nhắc đến tên đã bật lên tiếng reo phấn chấn. Có lẽ bởi trong chúng tôi, ai cũng biết Tân Trào là nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Trung ương Đảng trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi họp Hội nghị “Diên Hồng” quyết định bước đi đầu tiên khai sinh nền Cộng hòa non trẻ của chúng ta.
Thế nên, đặt chân đến Tân Trào giây lát, gần ba mươi anh em văn nghệ sĩ của mười tỉnh đồng bằng sông Hồng dự trại sáng tác của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2014, đều thấy tiếc sao lại chỉ thuê xe đi về Tân Trào có một ngày, mà không ở lâu lâu một tý. Bởi đến Tân Trào, rộng ra là cả An Toàn Khu (ATK), tên gọi Khu giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám, có dễ phải đến mấy ngày mới đến được hết các địa danh đã đi vào lịch sử “mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”. Nói như chị hướng dẫn viên xinh đẹp, vận bộ quần áo Tày còn tươi xanh màu chàm, vừa đưa chúng tôi vào rừng Nà Nưa vừa giới thiệu. Khu di tích lịch sử Tân Trào có tới 117 di tích (1), nằm trải dài ở 11 xã thuộc hai huyện Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) với diện tích tự nhiên hơn 530 km2, gắn liền với hoạt động của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương thời tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống Pháp. Xã Tân Trào, mà chúng tôi đang đến đây, như Trung tâm của Khu di tích, với những địa danh chỉ nhắc đến tên đã rộn ràng, xao xuyến cõi lòng: lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, rồi lán Hang Bòng, Đồng Man, Lũng Tẩu-Khấu Vấu… Chỉ một rừng Nà Nưa cũng đã có tới năm căn lán, mới nghe tên đã muốn đến: đầu tiên là lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến 22/8/1945, rồi ba căn lán của những người giúp việc cho Bác: lán Cảnh vệ, lán Điện đài, lán Đồng minh, và cuối cùng là căn lán diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng, từ 13 đến 15/8/1945, quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và ra bản Quân lệnh số 1 Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ai đã đến Tân Trào, đọc tới đây hẳn thấy lạ, vì khu rừng và căn lán lịch sử Bác Hồ ở, trước vẫn có tên gọi lán Nà Lừa, sao nay lại Nà Nưa? Một anh trong đoàn chúng tôi cũng hỏi như thế. Chị hướng dẫn viên liền giải thích, đúng là trước gọi thế, nhưng gần đây các nhà ngôn ngữ dân tộc đã đề nghị chuyển sang gọi Nà Nưa cho sát với tiếng Tày-Nùng hơn. Nơi đây, cuối tháng 5/1945, Bác Hồ từ Pác Bó (Cao Bằng) về đến làng Tân Lập, ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, khi ấy là chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào. Ít ngày sau, để bảo đảm bí mật và tiện làm việc, Bác bảo mấy đồng chí cán bộ địa phương dẫn Bác vào rừng để Bác chọn địa điểm ở và làm việc. Qua vài nơi trong rừng Nà Nưa, cuối cùng Bác chọn chỗ căn lán hiện nay và bảo dựng cho bác căn lán ở đấy; rồi Bác chuyển vào đó. Căn lán được làm theo kiểu nhà sàn, lợp lá cọ màu nâu xỉn, dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật, lại gần dân, chỉ cách làng Tân Lập 500 mét về phía đông. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài là nơi Bác làm việc, tiếp khách. Chỗ Bác nghỉ chỉ có một cái giường làm bằng tre vầu, giống như chiếc chõng. Nhưng “đời thanh cao quen dáng đơn sơ” (Tỗ Hữu), suốt những ngày tháng sôi động, khẩn trương chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Bác đã sống và làm việc trong căn lán nhỏ ngang dọc chưa đầy mười hai mét vuông này. Cũng chính nơi đây, một đêm cuối tháng 7/1945, giữa hai trận sốt rét, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp, như người cha tin yêu căn dặn người con ghi lòng tạc dạ câu nói như lời hịch: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Từ căn lán Nà Nưa năm ấy, lời dặn dò, và cũng là khẳng định quyết tâm và niềm khát khao giành độc lập của Bác, như vẫn còn vang vọng tới hôm nay.
Theo dấu chân lịch sử, rời lán Nà Nưa, chúng tôi đi thẳng ra đình Tân Trào thuộc làng Tân Lập, được làm từ năm 1853, triều vua Tự Đức, và được trùng tu lớn vào năm 1923. Đình nằm trên khu đất rộng, bằng phẳng, ngay bên đường cái, có địa thế đẹp, mặt nhìn về hướng nam có ngọn núi Ao Rừm, dưới chân núi là dòng suối Khuổi Pén nước chảy quanh năm. Cũng như bao ngôi đình ở miền núi, đình Tân Trào có ba gian rộng, kiến trúc theo kiểu nhà sàn, vật liệu thuần gỗ, sàn lát gỗ ván, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Nơi đây đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn họp Quốc dân Đại hội, và ngày 16, 17/8/1945 đã long trọng diễn ra Hội nghị Diên Hồng thời đại mới, gồm 60 đại biểu đại diện các địa phương, chính đảng, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo trong cả nước, nhất trí tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa do Trung ương Đảng, Bác Hồ khởi xướng và lãnh đạo, thông qua chính sách 10 điểm của Việt Minh, trong đó điểm đầu tiên là: “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Bấy giờ, Bác Hồ vừa trải qua trận ốm nặng, Người còn gầy và xanh, nhưng sự có mặt của Bác ở Quốc dân Đại hội vào thời điểm lịch sử ấy đã đem đến cho các đại biểu một niềm tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa và tiền đồ tươi sáng của Cách mạng Việt Nam. Sáng 17/8/1945, Bác cùng 15 vị thành viên Ủy ban dân tộc giải phóng bước ra trước cửa đình, đứng dưới Quốc kỳ lồng lộng tung bay trên cột cờ cao đọc lời tuyên thệ. Dù mới ốm dậy, nhưng giọng Bác vẫn trang nghiêm, hùng hồn, lời thề ngắn gọn thể hiện khí phách kiên cường bất khuất của cả dân tộc: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước!”). Chỗ Bác Hồ đứng tuyên thệ ngày ấy, bây giờ vẫn còn nguyên hòn đá màu nâu sẫm. Đình Tân Trào, cũng như khu lán ở rừng Nà Nưa chúng tôi vừa tới, ngày nay đã được Nhà nước tu tạo lại đẹp và bề thế, nhưng vẫn giữ nguyên dáng nét kiến trúc ngôi đình xưa.
Rời đình, đi bộ một đoạn ngắn về phía làng Tân Lập là đến cây đa Tân Trào,, nằm trên khu đất rộng, bằng phẳng với thảm cỏ xanh bốn mùa. Đây là cây đa đôi, cành lá sum suê, tán rộng, gần đó, về phía tây có cây si cành lá xanh tốt. Dưới bóng cây đa Tân Trào, sáng ngày 16/8/1945, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, lễ xuất quân được cử hành dưới bóng đa lịch sử này. Trước gần 200 chiến sĩ Quân giải phóng đứng thành hai hàng dọc từ cây đa đến cây si, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới, với sự có mặt của đại biểu về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào đến dự và tiễn đưa các chiến sĩ, đồng chí Võ Nguyên Giáp, thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng long trọng đọc bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh xuất quân tiến sang giải phóng Thái Nguyên, xuôi về Hà Nội. 69 năm đã trôi qua, sáng nay, cũng một ngày Mùa Thu trời cao xanh vời vợi, chúng tôi bần thần đứng trước cây đa Tân Trào nghe chị hướng dẫn viên, bằng giọng trầm bổng, cất lời giới thiệu mà như hát: “Tại gốc đa này, khi được lệnh xuất quân, bỗng cả đoàn quân hăm hở bước đi, miệng đồng thanh hát vang bài ca “Nam tiến”: “Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến!/Trời phương nam, dân chúng đang ngóng chờ…”. Nghe đọc lên lời ca ấy, bỗng trong lòng chúng tôi trào lên niềm phấn khích, giục giã như được sống lại không khí xuất quân của những ngày Mùa Thu lịch sử năm nào.
Từ gốc đa Tân Trào, chúng tôi vào làng Tân Lập. Làng nằm trong thung lũng nhỏ, bốn bề có núi rừng bao bọc, núi chắn, sông ngăn, nhưng lại có đường to nối với thị trấn Sơn Dương và đường mòn qua đèo De sang Đại Từ, Định Hóa. Tân Lập ngày nay đường đi lại trong làng, ngoài xã, rồi các ngõ xóm ra đồng đều được trải nhựa hoặc bê-tông hóa. Vẫn giữ nếp nhà sàn, nhưng các nhà đều được làm cao rộng, nhác trông như nhà hai tầng, mọi vật nuôi và đồ dùng lỉnh kỉnh đều để chỗ riêng, cách xa nhà, chứ không để ngay dưới sàn nhà như trước. Chúng tôi vào nhà anh Hoàng Văn Nhiên, ở ngay gần cây đa Tân Trào đi vào. Hai vợ chồng năm nay chưa đến năm mươi, nhưng làm chủ một ngôi nhà sàn hai tầng toàn bằng gỗ, có diện tích mặt sàn tới 222 m2. Làm gì mà dựng nhà to rộng thế? Nghe tôi hỏi, anh Nhiên nói ngay: “Ố, không rộng đâu. Hôm nay ít đoàn đến thăm, lại chỉ có đoàn các anh ăn nghỉ trưa ở đây, nên thấy rộng. Có hôm tới bốn, năm đoàn, phải lên ngồi cả trên tầng hai nữa đấy”. Tôi lên tầng hai, rồi đi rẻo về phía sau. Nhà được thiết kế liền kề, từ chỗ nghỉ, chỗ ăn, đến nhà bếp, vệ sinh đều thông với nhau bằng một hành lang đi lại thuận tiện. Khách đã vào nhà, muốn có yêu cầu riêng hầu như không phải đi vòng ra ngoài, người già, trẻ nhỏ không bị gió máy đột ngột, nhất là về mùa đông rét giá ở miền núi. Nhìn căn nhà anh Nhiên thấy việc tổ chức nơi ăn chốn nghỉ cho khách không khác gì nhà nghỉ, khách sạn ở đô thị. Tôi hỏi anh những nhà quanh đây? Anh chỉ sang ngôi nhà phía tay phải, nói, bên ấy là nhà anh Nguyễn Văn Bế, làm sau nhà tôi, nhưng cùng một kiểu nhà sàn bằng gỗ, mái lá giống như bên này. Sau tôi mới hiểu, những nhà sàn kiểu mới như thế này ở làng Tân Lập không còn là chuyện hiếm. Bởi Tân Lập hôm nay ngoài nghề làm ngô lúa, trồng chè đã chuyển một bộ phận lớn lao động sang làm du lịch, dịch vụ và làng cũng đã trở thành Làng Văn hóa Du lịch, với một ban quản lý điều hành khá nền nếp và hiệu quả, có ngày đón tiếp mấy chục đoàn khách đến tham quan, ăn nghỉ trong những căn nhà sàn xinh đẹp như biệt thự. Những gì thấy tận mắt ở nhà anh Nhiên, nhà anh Bế tôi càng hiểu vì sao từ cách đây gần 70 năm, bà con dân làng lại nhất trí đổi tên làng Kim Long, có nghĩa là “rồng vàng”, sang tên làng Tân Lập, như ước mong một nền độc lập mới sẽ đến, như hôm nay./.
________
(1) Tư liệu và những câu dẫn trong bài đều trích từ cuốn “Khu di tích lịch sử Tân Trào”-Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, HN 2012.
C.N