Ngụ ngôn Hồ Chí Minh về đường lối đối ngoại – Nguyễn Thanh Tú

Có thể hình dung cây đại thụ ngụ ngôn Hồ Chí Minh cường tráng, lực lưỡng nhờ cắm rễ rất sâu vào mảnh đất ngụ ngôn truyền thống cả phương Đông lẫn phương Tây, đồng thời cành lá sum suê của cây đại thụ ấy luôn vươn cao để quang hợp ánh sáng tư tưởng cách mạng của bầu trời văn hoá đương đại.

 

Ngụ ngôn là dùng lời nói để gửi gắm một ý tứ xa xôi bóng gió nào đó. Thể loại văn học này có tính giáo dục sâu sắc nên được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong dân gian rồi được các nhà tư tưởng lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Trên thực tế các nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới như Êdốp, Pheđơrơ, La Phôngten, Trang Tử, Liệt Tử… cũng là các nhà tư tưởng. Với ngụ ngôn thì các ý niệm trừu tượng, khó hiểu được diễn đạt một cách cụ thể qua một câu chuyện, mẩu chuyện, thậm chí là hình tượng để vấn đề trở nên dễ hiểu, hấp dẫn, lôi cuốn hơn. Kết cấu truyện ngụ ngôn thường có hai phần, phần cụ thể là truyện kể và phần trừu tượng là những ý niệm được rút ra, còn gọi là lời quy châm. Ngụ ngôn truyền thống thường có đủ hai thành phần nhưng ngụ ngôn hiện đại thường chỉ có phần truyện kể còn phần quy châm thì để độc giả tự rút ra bài học cho riêng mình. Nhưng ngay cả ngụ ngôn truyền thống cũng không hoàn toàn đi theo kiểu kết cấu đầy đủ mà có khi chỉ có phần truyện kể. Nhân vật của ngụ ngôn rất rộng, hầu như có cái gì trên thế giới này thì đều có thể trở thành nhân vật của ngụ ngôn, từ trăng sao, mặt trời đến con vật, đồ vật, và dĩ nhiên cả con người và những bộ phận trên cơ thể con người. Thế cho nên hai phẩm chất đặc biệt đòi hỏi nhà ngụ ngôn phải có là óc tưởng tượng phong phú và một lý trí sắc bén. Phải như vậy thì ngụ ngôn mới có thể diễn đạt một cách tươi mát, uyển chuyển những ý niệm trừu tượng khô khan. Ngụ ngôn giàu chất thơ bởi bản thân cách nói ví von ẩn dụ trong dân gian đã đậm chất thơ, mà ngụ ngôn lại là sự thoát thai từ cách nói ví von bằng hình tượng.

Ngụ ngôn đậm chất triết lý dân gian, vì trước hết ngụ ngôn là sự kết tinh trí tuệ, là sự đúc kết những tư tưởng, nhận thức của nhân dân. Nhìn vào ngụ ngôn của một dân tộc có thể thấy tầm tư duy, triết lý, cách suy nghĩ và cả tâm hồn của dân tộc đó.

 

Những nét đặc trưng của ngụ ngôn rất phù hợp với tâm hồn vĩ đại, trí tuệ trác việt của Hồ Chí Minh, nói khác đi, Hồ Chí Minh tìm đến ngụ ngôn làm phương tiện trong sự nghiệp cách mạng như là một lẽ tự nhiên, đương nhiên vậy. Mục đích cầm bút của Người là “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”, cho nên ngụ ngôn của Người luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị. Ở bài báo này trong một dung lượng cho phép chúng tôi xin đề cập đến ngụ ngôn của Bác Hồ về đường lối đối ngoại.

Khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước thì trong đầu Anh đã sẵn một tư tưởng tự mình tìm lấy con đường đi, tự mình kiếm sống. Một người bạn định đi cùng băn khoăn “lấy đâu ra tiền mà đi”, “anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay

:“Đây, tiền đây… chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”(1). Ở chi tiết này thì hình tượng “hai bàn tay” có thể coi là một ngụ ngôn: “Bàn tay ta làm nên tất cả”, nó là biểu tượng cho ý chí, cho lao động, cho niềm tin vào chính bản thân mình. Đó chính là cơ sở để sau này Hồ Chí Minh có một quan niệm, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

Cho nên, thật dễ hiểu quan điểm đối ngoại của Hồ Chí Minh là: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(2). Không vô tình mà Người dùng ngụ ngôn này, “cái tiếng” của “chiêng” thì bao giờ cũng vang, “chiêng” càng to, càng tốt “tiếng” vang vọng càng xa. Rất đúng với đặc điểm ngoại giao của bất kỳ thời nào, bất kỳ nước nào: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”.

Sau Cách mạng tháng Tám, mấy chục vạn quân Tưởng khiêu khích ta, một số anh em đòi đánh. Bác nói:

“- Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không?”(3). Đó là đường lối đối ngoại hết sức mềm dẻo đặt hoà bình lên trên hết. Nhưng khi cần thì phải kiên quyết trả lời bằng vũ khí. Tháng 6 năm 1945 phát xít Nhật tìm cách khiêu khích doạ nạt Việt Minh, nắm rõ mưu đồ và thực lực bọn chúng, Bác Hồ chỉ thị “chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói”(4).

Trên đường sang Pháp, ngày 8-6-1946 tại Cairô, Bác nói với tướng Salăng: “Tôi vừa mới quay lưng đi, người ta đã nặn ra cái chính phủ Nam Kỳ… Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam Bộ thành một thứ Andát Loren mới, nếu không chúng ta sẽ đi tới cuộc chiến tranh trăm năm đấy”(5).

Một ngụ ngôn rất phù hợp với tình hình Việt Nam lúc này. Andát Loren vốn là một vùng đất của Pháp tiếp giáp với Đức, bị chia cắt sau chiến tranh Pháp – Phổ năm 1871, mãi đến năm 1919 mới hợp nhất về Pháp. Đây là một đòn “gậy ông đập lưng ông”: người Pháp đã từng để mất đất cho người Đức sao bây giờ hà cớ gì lại đi cướp đất của nước khác. Một ngụ ngôn là một niềm tin: cũng như vùng đất Andát Loren từng bị cướp nhưng rồi lại thống nhất về Tổ quốc mình, Nam Bộ của Việt Nam rồi cũng sẽ thế.

Ngày 14-6-1946, trên đất Pháp, Hồ Chí Minh trả lời Hãng Thông tấn Pháp AFP: “Dùng văn minh mà chinh phục người ta thì bền vững hơn súng đại bác”(6).  Đây là một chân lý phổ quát không dành cho riêng ai, riêng nước nào mà dành cho tất cả mọi người. Ngày 12-7-1946 Bác tiếp các trí thức Việt Nam và trả lời các báo tại Pháp: “Nam Kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam… Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi”(7).

Ngày 17- 9-1946 Bác nói chuyện với kiều bào ta tại Pháp: “Tôi nhắc lại một ý mà kiều bào ta đã biết là nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gặt hái đem ra chia đôi, hai bên cùng có lợi…”(8). Một ví dụ ngắn gọn mà phù hợp với tập quán làm ruộng của dân ta, phù hợp với đặc điểm người Pháp mang quân, mang của (thóc) sang nước ta (ruộng) để “khai hoá văn minh” (trồng). Nhất là nó phù hợp với tình hình Bác sang Pháp để ký Tạm ước hoà bình với người Pháp.

Ngày 23-10-1946 Người viết Lời tuyên bố với quốc dân sau khi ở Pháp về: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”(9). Nói với quốc dân Việt Nam thì không một hình tượng nào có sức lay động, chinh phục, lôi cuốn hơn các hình tượng “chung một tổ tiên dòng họ”, “đều là ruột thịt anh em”, “như một nhà có ba anh em”. Nó như gợi nhắc mọi người nhớ về các truyền thuyết Hồng Bàng, các câu tục ngữ, thành ngữ nói về cội nguồn máu mủ, về tình anh em đoàn kết keo sơn gắn bó có từ trong truyền thống xa xưa của dân ta.

Tháng 7 năm 1949 Hội đồng Chính phủ họp, Người nói: “Giặc Pháp mù quáng về chính trị, thoái bộ về quân sự. Cả hai cánh của họ đã yếu và chỉ có thể đưa nó đến thất bại. Bên ta: chính trị rõ ràng, quân sự tiến bộ mãi. Hai cái cánh của ta rất mạnh, ngày càng mạnh thêm, cho nên ta nhất định thắng lợi. Thêm vào đó, tình hình thế giới rất có lợi cho ta. Cánh ta đã vững, gió lại thuận chiều, quân và dân ta hãy cố gắng lên. Thắng lợi vẻ vang đã gần trước mắt”(10). Một ngụ ngôn chỉ có 6 câu nhưng diễn tả tình hình ta và Pháp và cả thế giới một cách hết sức chính xác mà dễ hiểu. Ở đây còn toát lên một quan điểm đối ngoại: thực lực phải mạnh, tình hình quốc tế phải có lợi cho mình. Thực lực có thể hiểu như cánh diều, tình hình quốc tế như gió. Gió mạnh thì diều bay càng cao.

Ngày 14-9-1946 đô đốc Đácgiăngliơ tiếp Bác trên chiến hạm Pháp. Chúng xếp Bác ngồi giữa đô đốc thuỷ quân Thái Bình Dương và thống soái lục quân Viễn Đông. Đácgiăngliơ nói xỏ xiên: “Chủ tịch thật bị đóng khung giữa lục quân và hải quân”. Bác trả lời: “Nhưng mà đô đốc biết đấy, chính bức hoạ mới đem lại giá trị cho chiếc khung”(11). Lời nói của Đácgiăngliơ là một ngụ ngôn, ý nói Chủ tịch (có thể hiểu rộng ra là Việt Minh) bị bao vây bởi lục quân và hải quân Pháp. Bác Hồ liền dùng ngay một ngụ ngôn khác để đập lại ngụ ngôn có ý xỏ xiên này, ý nói: chính chúng tôi “mới đem lại giá trị” cho lục quân và hải quân Pháp.

Ngày 15-7-1954 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch chấn chỉnh sai lầm chỉ biết đánh không chú ý đến ngoại giao:

“Những tư tưởng sai lầm có thể nảy ra như sau: “tả” khuynh, có người thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, đánh đến cùng, họ chỉ thấy cây không thấy rừng, chỉ thấy Pháp rút mà không thấy âm mưu của chúng; chỉ thấy Pháp không thấy Mỹ; thiên về tác chiến, xem khinh ngoại giao”(12). Đúng là tầm nhìn của bậc vĩ nhân nhìn thấu bản chất kẻ thù, nhìn rõ cục diện thế giới để tiên liệu mọi việc.

Tài liệu lưu trữ tại Ban Lịch sử Bộ Ngoại giao còn giữ Lược ghi các bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch với Hội nghị cán bộ ngoại giao. Những lần đến thăm và nói chuyện có khi Người nói lý luận nhưng phần nhiều là kể chuyện. Một lần Người kể chuyện:

Thời Xuân Thu, Tề Án Anh đi sứ nước Sở. Thấy Án Anh người thấp bé, quân Sở muốn làm nhục, bèn khoét một lỗ ngách, bảo Án Anh chui qua lỗ đó mà vào. Sứ Tề bèn đáp: đi sứ nước người vào cửa người, đi sứ nước chó vào cửa chó, bảo ta chui qua lỗ này là đi sứ nước nào đây? Quân Sở buộc phải mở cửa chính cho Án Anh vào. Vua Sở thấy Án Anh quá thấp bé, bèn hỏi: Nước Tề hết người rồi hay sao mà cử ngươi đi sứ? Án Anh đáp: Nước tôi có nhiều người, người lớn đi nước lớn, người nhỏ đi nước nhỏ. Giữa lúc đó, phía Sở bố trí cho lính dẫn một tên tù phạm đi qua. Vua nước Sở liền hỏi: Tên ấy người nước nào? Thưa: Là người nước Tề. Vua quay sang hỏi Án Anh: Người nước Tề hay đi làm trộm cướp thế sao? Án Anh bình tĩnh đáp: Tôi nghe nói cây quýt trồng ở nam sông Hoài thì ngọt, trồng ở bắc sông Hoài thì chua. Người Tề ở trong nước thì tốt, qua nước Sở thì lại xấu. Có lẽ do thuỷ thổ khác nhau khiến sinh ra thế chăng? Vua Sở thấy bí không nói được gì nữa.

Kể xong, Người kết luận: làm ngoại giao thì phải nhanh trí, biết đối đáp có lý có lẽ, buộc đối phương phải chịu mới giữ gìn được quốc thể”(13). Đây có thể coi là một mô hình đầy đủ của ngụ ngôn, phần “quy châm” là lời kết luận về phẩm chất nhà ngoại giao.

Ngày 28-1-1966 Bộ Chính trị họp mở mặt trận ngoại giao chống Mỹ, về việc Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam cũng lên tiếng về đấu tranh ngoại giao Người nói phải chờ điều kiện chín muồi cũng như “ăn cơm phải chờ cơm chín mới ăn”(14). Chỉ 8 âm tiết nhưng là một ngụ ngôn mang tầm chiến lược. Có nghĩa là Người coi ngoại giao cũng như việc nấu cơm vậy, phải biết nấu, biết chờ cơm, và dĩ nhiên cả ăn cơm nữa. “Mặt trận” chưa nên đấu tranh ngoại giao vì chưa có điều kiện chín muồi. Cũng câu chuyện “nấu cơm”, tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 18-10-1966 bàn cách làm cho địch ngừng ném bom miền Bắc, Người nói: “đây như kỹ thuật nấu cơm, nếu sớm quá thì cơm sống, muộn quá thì cơm cháy”(15).

Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao của hoà bình. Văn hoá ngoại giao của Người dựa trên truyền thống hoà hiếu có từ lịch sử giữ nước của cha ông kết hợp với tinh thần của thời đại mới: vì một nền hoà bình hữu nghị của tất cả các nước. Người cùng cả dân tộc miễn cưỡng phải cầm vũ khí một khi kẻ thù không từ bỏ dã tâm xâm lược. Ngày 11-11-1965, tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italia, Người nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ cút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi… Nhưng với Giônxơn và Macnamara thì hoặc là trải thảm đỏ hoặc là đá đít ra khỏi cửa”(16). Ngày 5-7-1966, tiếp phái viên của Tổng thống Pháp Xanhtơny, Người nói: “Chỉ có một cách đi tới một giải pháp đó là Mỹ cút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích; nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: “Qu’ils foutent camp!” (Thì họ hãy cút đi!)”(17).

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thẳm sâu những suy nghĩ nhỏ nhất đến tư tưởng lớn, tất cả đều vì mục đích độc lập cho nước hạnh phúc cho dân, dĩ nhiên trong đó có cả tư tưởng về đối ngoại. Ngày 16-7-1947, trả lời một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập thống nhất, dân chủ”(18).

Ngụ ngôn Hồ Chí Minh là ngụ ngôn chống thực dân đế quốc, chống lại những tư tưởng phản động đi ngược lại quyền lợi và hạnh phúc của con người. Đó là ngụ ngôn của hoà bình, thống nhất, độc lập dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Có thể hình dung cây đại thụ ngụ ngôn Hồ Chí Minh cường tráng, lực lưỡng nhờ cắm rễ rất sâu vào mảnh đất ngụ ngôn truyền thống cả phương Đông lẫn phương Tây, đồng thời cành lá sum suê của cây đại thụ ấy luôn vươn cao để quang hợp ánh sáng tư tưởng cách mạng của bầu trời văn hoá đương đại. Ngụ ngôn của Người cổ điển, giản dị mà lại thâm thuý, tinh tế và luôn mới mẻ, thời sự.  Hồ Chí Minh là hiện thân của sự tích hợp các giá trị nhân văn của cả dân tộc và nhân loại, ngụ ngôn của Người đã thể hiện sinh động những giá trị nhân văn ấy, do vậy có thể tìm thấy ở đó những tư tưởng lớn, những triết lý mang tầm nhân loại, đồng thời có cả những bài học về cuộc sống, về ứng xử, về giáo dục con người thật dễ hiểu mà sâu sắc.

Không phải ai cũng sáng tạo được ngụ ngôn, phải có một tầm trí tuệ lớn, một vốn hiểu biết sâu rộng, một trái tim nhân hậu giàu yêu thương mới có thể có những ngụ ngôn đi vào lòng người và có giá trị lịch sử. Nhưng ngụ ngôn lại hấp dẫn tất cả những ai có một trình độ nhận thức thông thường, bởi bản thân ngụ ngôn thường là sự hóm hỉnh hài hước và đứng về phía lẽ phải, chính nghĩa. Ngụ ngôn Hồ Chí Minh sẽ mãi là tài sản tinh thần vô giá không chỉ của riêng dân tộc ta mà còn là của chung nhân loại

NTT

Nguồn Tạp chí VNQĐ 0nline


———————-

(1) Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Sự Thật, 1975, tr.13.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2004, (12 tập), Tập 4, tr.126.
(3) Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr.72.
(4) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 1, tr.261.
(5) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, Tập 3, tr.243.
(6) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, Tập 3, tr.248.
(7) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, Tập 3, tr.279.
(8) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, Tập 3, tr.330.
(9) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, Tập 3, tr.352.
(10) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, Tập 4, tr.332.
(11) Bác Hồ với tiếng nước ngoài. Nxb Tổng hợp Sông Bé, 1990, tr.26.
(12) Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd, Tập 7, tr.318.
(13) Song Thành. Hồ Chí Minh, nhà văn hoá kiệt xuất. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr.61.
(14) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, Tập 9, tr.366.
(15) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, Tập 9, tr.468.
(16) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử.  Sđd, Tập 9, tr.311.
(17) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử.  Sđd, Tập 9, tr.424.
(18) Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd, Tập 5, tr.171.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder