

Vanhaiphong.com – Nguyễn Đức Mậu (sinh năm 1948) tại xã Nam Điền, huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1966, chiến đấu trong đội hình sư đoàn 312 ở chiến trường Lào. Sau chiến tranh ông làm biên tập viên, rồi đi học trường viết văn Nguyễn Du, khóa I, sau đó làm trưởng ban tại ban thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, phó chủ tịch hội đồng Thơ – Hội nhà văn Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông thường sử dụng các bút danh Nguyễn Đức Mậu, Hương Hải Hưng, Hà Nam Ninh. Hiện Ông đang làm biên tập cho tạp chí Thơ Hội NVVN và Tuần báo Văn nghệ.
Nguyễn Đức Mậu có nhiều tập thơ, truyện ký, phê bình… và trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đạt nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có 02 giải thưởng lớn là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng văn học Asean năm 2001.
Nhân kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi xin giới thiệu chùm thơ của ông.
NGÀY 30 THÁNG 4
Áo còn vương bụi đỏ Trường Sơn
Sư đoàn vào thành phố
Giữa chói ngợp bao màu sắc lạ
Mũ lá sen xanh một khoảng rừng
Vào thành phố: những người thắng trận
Một mảng trời bén lửa sau lưng
Khuôn mặt đường xa
Chưa xoá dấu nhọc nhằn
Ngày 30 tháng 4
Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng
Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh
Hoà bình và chiến tranh
Cách nhau bằng nấc đạn
Súng đã khoá an toàn
Sân bay giặc bùng lên luồng khói xám
Ngày thành phố trằn vai cơn bão lớn
Ngày pháo hoa đan kín vòm trời
Ngày đạn bắn chuyển rung mặt đất
Ngày súng đạn trên tay thảnh thơi
Từ cánh hoa đào tới cánh hoa mai
Hai miền đất vẹn tròn sum họp
Đàn bầu hãy rung lên trong suốt
Câu nhớ, câu thương, câu đợi, cầu chờ
Giọt buồn tan ra
Giọt vui lắng lại
Dây đàn chăng vào trời cao bao la
Cho âm thanh sao rơi mặt đất
Triệu người nghe
Khúc hát bây giờ
Này rừng xanh màu áo chiến khu
Này quần đảo chuỗi cườm xinh biển cả
Vòm trời rộng bay nhiều mây trắng xoá
Những đàn chim không biết tự đâu về
Trăm giọng hót ngày hoà bình vui lạ
Có phải chim từ nơi súng nổ bay ra
Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng
Trải tin vui suốt dải đất hai miền
Trăng trên trời rơi xuống buổi đoàn viên
Rơi xuống mái nhà chống Nam, vợ Bắc
Đây mặt đất mùa hè thay áo khoác
Pháo hoa bay lên nước mắt, nụ cười
Tiếng trống vỗ như mở đầu, kết thúc
Hoà bình về
Cuộc chiến tranh qua
Hoà bình về
trên mái tóc người cha
Và tiếng khóc oa oa thơ bé
Người lửa cháy suốt thời trai trẻ
Kẻ chào đời tiếng súng đã lặng câm
Hai lứa tuổi cách nhau một nhịp cầu
Một cuộc hành quân nắng dãi mưa dầm…
Sư đoàn tôi vừa đi qua chiến tranh
Hoà bình đến trên bàn tay lắp đạn
Hái một trái sầu riêng đang độ chín
Cây sum sê dâng hết ngọt ngào
Chiến tranh có từ hồi gieo hạt
Ngày hoà bình
Trái chín nặng vòm cao
Vai áo anh còn vết máu bạn bè
Vai áo tôi khét nồng thuốc đạn
Xin đặt vòng hoa: thắp nén hương tưởng niệm
Có khoảng trời xanh dưới đất nâu
Môt vuông đất: kẻ nằm, người đứng
Nhưng hoà bình từ nay về ta
Đôi giày dã chiến, đôi dép cao su
Chúng tôi đi
Bước đồng bằng, bước biển
Bước núi đồi
Bước biên giới rừng xanh
Không đếm hết dấu chân dừng lại dọc đường
Thành dòng chữ gọi người đang sống
Chúng tôi đi tời ngày toàn thắng
Cánh tay người lính
Đã mọc thành cờ
Trời xanh sáng ngời
Gương mặt tự do
Ngày 30 tháng 4
Tôi cùng anh chung phút giờ hồi tưởng
Mua bao thuốc Ru-bi mời bè bạn
Võng đung đưa
Nhà gác sáng đèn
Hạnh phúc lớn lao của đời người lính
Sau tháng năm xa phố, ở rừng
MỘT VỊ TƯỚNG VỀ HƯU
(Tặng Nguyễn Chuông và những người anh ở Sư đoàn cũ)
Thôi, đã dứt đường binh nghiệp
Tuổi hưu rồi bác ở quê
Chạnh nhớ bạn bè thuở trước
Cùng đi có đứa không về
Người vợ tuổi già như bác
Miếng trầu nhai dập chiều mưa
Hồi son trẻ xa nhau mãi
Giờ thương biết mấy cho vừa
Huân chương xếp vào góc tủ
Nay hàm tướng tá mà chi
Tuổi già công danh xem nhẹ
Cuộc đời như nước trôi đi
Thuở trước bạn cùng súng đạn
Nay khuây hàng xóm bạn già
Bao dốc bao rừng đã vượt
Lối mòn quanh quẩn vào ra
Ngày đi khuất bóng mẹ cha
Ngày về sửa sang mộ cũ
Âm thầm một tấc đất sâu
Hương khói tỏ mờ mầu cỏ
Ngôi nhà nắng mưa vẫn đó
Ðàn con mỗi đứa một nơi
Nếu không có trẻ hàng xóm
Tuổi già hẳn nhiều đơn côi
Những đêm gió thổi buốt trời
Vết thương cũ còn đau nhức
Ôi sư đoàn xưa giờ đâu
Người cũ, ai còn, ai mất?
Về hưu giờ thôi quyền chức
Ai người nhớ bác lại chơi
Ai kẻ xa lòng, tránh mặt
Niềm riêng một mảnh trăng trời…