Sáng 22/2, tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Thành phố, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXII – 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”.
Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam; đại diện các sở, ban, ngành có liên quan; học sinh một số trường THPT và đông đảo các văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ…
Đại biểu tham dự Ngày thơ
Phát biểu khai mạc chương trình, NSƯT Lê Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố nhấn mạnh: “Hải Phòng là địa phương đầu tiên ở miền Bắc thành lập Hội VHNT (tháng 1/1964) mà Chủ tịch Hội là nhà văn Nguyên Hồng và Phó chủ tịch là nhạc sĩ Trần Hoàn. Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Hải Phòng có đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ các nhà thơ đứng trong tốp 4 cả nước với những tác phẩm, công trình có tính hiện thực và giá trị nhân bản, đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế, quốc gia và khu vực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tương tự như các loại hình VHNT khác, Thơ ca không đơn thuần chỉ là giải trí mà giá trị đích thực của nó luôn hướng con người ta tới chân thiện mỹ, góp phần hình thành nhân cách con người… Với truyền thống và nội lực ấy, anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi đang chung sức, chung lòng xây dựng Hội càng vững mạnh”.
NSƯT Lê Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng phát biểu khai mạc
Sau màn đánh trống khai mạc của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, chương trình đã diễn ra các hoạt động: Tặng cờ lưu niệm cho các câu lạc bộ tham gia Ngày hội; công bố quyết định kết nạp hội viên và trao thẻ Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng cho 24 văn nghệ sĩ thuộc 6 chuyên ngành.
Các tân hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố.
Như một thông lệ sau bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và bài thơ “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chương trình giao lưu thơ nhạc. Trên 20 tiết mục viết về mùa xuân, tình yêu quê hương, đất nước, con người được chọn lựa giới thiệu trong chương trình cho thấy những tác phẩm hay luôn có sức hấp dẫn khán thính giả. Trong đó, tiêu biểu như bài thơ: “Qua cầu Hàn nhớ Trạng Trình” của nhà thơ Phan Quốc Dũng; “Gặp lại mùa xuân” của nhà thơ Bùi Quý Thực; “Hồn Làng” của nhà thơ Nguyễn Dung; “Thành phố vào xuân” của nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan; “Hải Phòng. Tôi” của NSND Lê Chức, “Góp” của nhà thơ Nguyễn Xuân Bình, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, slam thơ của Ban văn trẻ Hội Nhà văn Hải Phòng…; tiết mục ca trù “Ngày xuân”, tác giả Nguyễn Công Trứ, thể hiện đào nương Thu Hương; tiết mục hát xẩm “Hải Phòng tên phố thân thương”, sáng tác Bạch Linh, thể hiện nghệ nhân Đức Tám…
Slam thơ do Ban Văn trẻ, Hội Nhà văn Hải Phòng thể hiện.
Chương trình cũng dành thời lượng nhất định giới thiệu một số bài thơ từ trên 100 bài thơ có chất lượng thu được từ Trại sáng tác Thơ ca Kỷ niệm 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989-03/3/2024) và 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959-03/3/2024) mà Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố tổ chức. Tiêu biểu như các bài thơ: “Binh đoàn đá” của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng, “Em yêu màu xanh” của nhà thơ Bùi Thị Thu Hằng, “Những vần thơ trên biển” của nhà thơ Minh Quyền, “Chúng tôi viết thơ tình trên đảo” của nhà thơ Bùi Hùng, “Tâm sự lính biên phòng” của nhà thơ Ánh Nguyệt, “Sóng Trường Sa của nhà thơ Bùi Quang Lục…
Tiết mục ca trù do Giáo phường ca trù Hải Phòng biểu diễn
Trước đó chiều và tối ngày 21/2, các câu lạc bộ thơ, thư pháp thành phố và CLB Những người viết văn trẻ Hải Phòng đã tổ chức các hoạt động trưng bày, sắp đặt quán thơ, giao lưu thơ nhạc… được đội ngũ tác giả và người yêu thơ đồng tình ủng hộ.
Trao cờ lưu niệm cho các câu lạc bộ thơ trong thành phố
Tiết mục hát múa của CLB Thơ Văn hóa doanh nghiệp Hải Phòng
Với tất cả những gì đã diễn ra, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII – 2024 tại Hải Phòng với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” được dư luận đánh giá là gọn nhẹ và ấn tượng.
Đ.T