Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Ngày về” của nhà văn Bá Dũng in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Ngày về” của nhà văn Trần Bá Dũng in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Bá Dũng
(1941-2008)
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: NGUYỄN BÁ DŨNG. SINH NGÀY 1 THÁNG 6 NĂM 1941. QUÊ QUÁN: HƯNG THỊNH, HƯNG NGUYÊN, NGHỆ AN. DÂN TỘC: KINH. MẤT NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 2008. TỪ 1963 ĐẾN THÁNG 6 2008 TỪNG ĐẢM NHIỆM CÁC CƯƠNG VỊ: CÁN BỘ TỈNH ỦY NGHỆ AN. UỶ VIÊN ĐẢNG ĐOÀN HỘI VĂN NGHỆ NGHỆ AN. PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ VINH, UỶ VIÊN THƯỜNG VỤ, PHÓ BÍ THƯ THÀNH ỦY, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VINH, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TẠI NGHỆ AN (ĐẾN THÁNG 6-2008).
NGÀY VỀ
Máy bay hạ dần độ cao, nhẹ nhàng đáp xuống đường băng. Tuấn giương cặp kính cận chằm chằm nhìn qua cửa sổ, nét mặt đầy lo lắng:
– Có gì trục trặc mà phải hạ cánh khẩn cấp xuống đây hả mẹ?
Người phụ nữ cỡ ngoài bốn mươi tuổi, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, nước da trắng hồng như người châu Âu, quay lại nhìn con mỉm cười lắc đầu:
– Không có gì trục trặc cả. Đến nơi rồi.
Tuấn ngơ ngác:
– Sân bay thành phố mà hoang sơ vắng vẻ thế này à?
Người phụ nữ nét mặt hơi buồn, gật đầu:
– Hồi chiến tranh, đây là sân bay dã chiến dành cho máy bay quân sự khi gặp sự cố đáp xuống khẩn cấp. Sau hòa bình, người ta sửa chữa và nâng cấp đường băng chuyển thành sân bay dân dụng. Có chỗ cho máy bay hạ cánh đưa mẹ con mình về đây là hạnh phúc lắm rồi.
– Nhưng chiến tranh đã kết thúc gần ba chục năm rồi kia mà?
Người mẹ thở dài lắc đầu:
– Chừng ấy vẫn chưa đủ để hồi sinh một đất nước gần như bị hủy diệt toàn bộ… Thôi, đứng dậy lấy hành lý xuống đi con.
Một đám người ăn mặc đủ kiểu ào lại tận chân cầu thang máy bay chào mời rối rít:
– Mẹ con bà về đâu để em rước đi. Xe em xịn lắm.
Tuấn nắm chặt chiếc cặp khóa số trong tay lùi lại một bước. Biết rằng chẳng có ai ra đón mình nhưng Chi vẫn đưa mắt nhìn khắp sân bay một lượt rồi buồn bã quay lại, chỉ vào người thanh niên khá trẻ, ăn mặc lịch sự:
– Anh lái xe tắc xi à?
– Vâng, thưa bà.
– Ở Vinh bây giờ khách sạn nào đầy đủ tiện nghi nhất?
Anh thanh niên rút tấm bản đồ du lịch bằng bốn trang giấy học trò giăng ra trước mặt khách:
– Hai mươi bảy khách sạn tất cả trong thành phố, đó là chưa kể bốn mươi mốt khách sạn lớn nhỏ dưới Cửa Lò, chỉ cách đây mười tám cây số. Trước đây, Kim Liên và Hữu Nghị là hai khách sạn sang trọng nhất. Nhưng bây giờ, chỉ có Phương Đông là hảo hạng. Tôi sẽ đưa bà về đó và chọn căn phòng mà các nguyên thủ quốc gia thường ở khi đến thăm tỉnh này.
Chi đỏ mặt lắc đầu:
– Chẳng cần đến thế đâu. Tôi chỉ ở chỗ nào trung tâm thành phố, tiện nghi đầy đủ và đi lại thuận lợi là được.
Tuấn thảng thốt:
– Kìa mẹ, sao chúng ta không về thẳng nhà mình mà còn ở khách sạn làm gì?
Chỉ tay vào mấy cái va li lớn ra hiệu cho người thanh niên mang lên xe, Chi quay lại nhìn con:
– Mấy ngày qua, mẹ con ta đã bay hàng vạn cây số, tăng-dít qua mấy sân bay mệt mỏi và bẩn thỉu lắm. Mẹ muốn có chỗ tắm giặt, nghỉ ngơi thoải mái lấy sức đã, không thể về quê trong tư thế nhếch nhác được.
Tuấn miễn cưỡng xách chiếc cặp số trong đó có chiếc máy tính xách tay đời mới nhất mà cậu không rời nó suốt cả chuyến bay.
Chi không dám thú nhận với con là chị đã quên mất đường về nhà mình. Gọi là “nhà mình” cho nó oai, chứ thực ra, lúc Chi bế con ra đi, nó chỉ là một căn phòng cấp bốn trong khu tập thể trường Đại học. Tất cả các phòng không có cửa sổ. Buổi tối mùa hè, đóng cửa là phòng kín bưng như trong quan tài. Những đêm mất điện, đám trẻ cứ giãy đành đạch như cá rô mắc cạn. Mùa mưa thì trong nhà cũng như ngoài sân, nước chảy tong tong. Chiếc tăng nhựa tự tạo bằng bốn bao ni lông đựng gạo của Trung Quốc thời giúp ta đánh Mỹ dán lại, chỉ che đủ cái giường cho ba người nằm khỏi ướt. Khốn nỗi, những giọt mưa từ nóc nhà rơi xuống cứ lộp bộp suốt đêm trên tấm tăng như tiếng mõ cầm canh, thật khó chịu. Ngột ngạt thế nhưng chưa tối, nhà nào cũng đóng sập cửa để làm đủ thứ nghề phụ bất đắc dĩ: nấu mật mía với bột sắn làm giả kẹo Hải Châu hoặc cuốn thuốc lá điếu sợi Lạng Sơn trộn vào thuốc lá Điện Biên… Mờ sáng, từ khu tập thể này, các cô giáo cứ kè kè một bọc tong tả đạp xe đi khắp thành phố giao xong hàng mới sấp ngửa đến trường. Mấy ông cán bộ giảng dạy đại học, ban ngày lên lớp đạo mạo thế nhưng tối đến là đánh trần, chỉ vận độc chiếc quần xà lỏn dạng chân nhồi kẹo bột cho vợ hoặc phùng mồm ngậm rượu pha quế chi và thảo quả phun phì phì vào mẹt thuốc lá sợi ủ cho dậy mùi thơm… Cả khu tập thể duy nhất có một người không bao giờ ngó ngàng đến nghề phụ của vợ, đó là thầy giáo Dự, chồng Chi. Người ta thường gọi ông bằng cái biệt hiệu có từ thời sinh viên: đại úy gàn. Nghe đâu suốt bốn năm học đại học, anh chàng chỉ mặc duy nhất một bộ đồ lính. Cả lúc lên lớp vẫn có cái bát sắt B52 và đôi đũa tre giắt bên hông. Hết giờ học là ào xuống nhà ăn, nuốt vội mấy bát cơm rồi về phòng đóng cửa đọc sách. Bây giờ, trừ những buổi lên lớp giảng dạy, về nhà ông có thể quên ăn mà còng lưng dán mắt suốt ngày vào đống giấy đủ cỡ đủ màu bỏ trong cái bồ dân công hỏa tuyến ngày đánh Pháp bố ông mang về. Đó là bản thảo công trình khoa học Nghiên cứu hệ phù du trong nguồn nước sông Lam để phát triển nguồn tài nguyên cá đặc chủng. Theo phát hiện của ông, đặc điểm địa lý và sinh thái vùng Nghệ Tĩnh đã tạo ra ở lưu vực sông Lam nhiều loại phù du đặc biệt, nuôi sống những loài cá quý hiếm không đâu có. Cho đến nay cá sú vàng cả nước chỉ mới phát hiện duy nhất ở sông Lam. Giá trị khoa học và kinh tế của nó rất cao, một ki lô cá tươi tương đương một cây vàng. Ông đang ấp ủ giấc mơ thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo giống cá này, rồi đưa vào những cái lồng đặc biệt thả xuống khúc sông có nguồn nước mặn lợ dưới cầu Bến Thủy, nơi người ta vẫn thường đánh bắt được những con cá sú vàng nặng tới vài trăm ki lô. Đến lúc đó, mỗi năm chỉ cần đánh bắt khoảng hai trăm con cá sú vàng bán ra nước ngoài thì đủ tiền mua sáu mươi vạn tấn lương thực nuôi sống toàn bộ dân xứ Nghệ… Nghe ông thuyết trình đề án khoa học, ai cũng phì cười. Lúc đó cả Nghệ Tĩnh đang nháo nhào chạy gạo. Năm nào ăn Tết xong là thường xuyên có một vài vị lãnh đạo tỉnh túc trực ở Hà Nội để xin tiền và xin chỉ tiêu xăng dầu vào Nam mua gạo. Có lần một vị lãnh đạo ở Trung ương gắt: Ngoài này hết tiền rồi, chẳng có đâu mà cho mãi. Về tỉnh xem có gì bán được thì bán đi mà mua gạo…
Thằng Tuấn hồi ấy đã hơn một tuổi nhưng chưa biết đi. Lúc sinh nó, ngôi thai không thuận, phải mổ. Vết thương của Chi nhiễm trùng, phải tiêm nhiều kháng sinh, khô sữa. Thằng Tuấn bị suy dinh dưỡng nặng, chân tay khẳng khiu như ống giang, cái bụng thì to đùng, trong veo như bong bóng lợn sề. Ban ngày gửi nó ở nhà trẻ, Chi còn đi dạy và làm được một số việc vặt. Tối đến vừa đói sữa vừa suy tì vị, nó cứ khóc è è như tiếng nhị của người mù. Phải dỗ dành đủ thứ và ru đến khản cổ, nó mới chịu đi ngủ. Lúc đó Chi mới quáng quàng vào bếp nấu được mẻ kẹo. Có bữa mật đang sôi già, sắp thành đường, phải đánh luôn tay cho khỏi cháy khét thì bất ngờ thằng Tuấn thức giấc. Chi đành tính nước liều, ấn con vào tay chồng để cứu nồi kẹo khỏi bị hỏng. Ban đầu, Dự để con ngồi chông chênh trên cái đầu gối xương xẩu của mình rung rung cho nó ngủ và tiếp tục công việc. Nhưng khi thằng Tuấn cứ vặn vẹo khóc và trượt khỏi đầu gối thì Dự nhẹ nhàng mở cửa bế con ra đặt ngoài bờ rào rồi điềm nhiên quay vào bàn tiếp tục viết lách. Xong mẻ kẹo không thấy con khóc, Chi mừng thầm nhưng lại giường chẳng thấy con đâu. Chi ngơ ngác hỏi. Dự vẫn dán mắt vào chồng giấy, lơ đãng chỉ tay ra bờ rào. Chi hoảng hốt xách đèn ra sân vừa khóc vừa hét toáng lên. Cô Huệ dạy tâm lý học, đã ngoài bốn mươi, vẫn còn độc thân, ở gian cuối dãy nhà đẩy cửa chạy ra kéo trượt Chi vào phòng mình, chỉ vào màn:
– Tôi đi họp công đoàn về, thấy nó gục bên bờ rào, nước mắt nhòe nhoẹt nhưng tiếng khóc đã khản đặc nên chẳng ai nghe cả. Người nó lạnh ngắt như tảng băng. Tôi vội bế nó vào phòng, cho uống hết một cốc sữa nóng là cu cậu lăn ra ngủ. Thôi, cứ để nó ngủ với tôi cũng được.
Chi gục đầu vào vai Huệ khóc rưng rức: Thật khổ thân em, có chồng cũng như không. Anh ấy cứ như người từ hành tinh khác đến. Thời buổi khó khăn khốn đốn này mà chẳng bao giờ để mắt đến sự nheo nhóc đói khát của vợ con, suốt ngày cứ sấp mặt vào cái công việc đếm cá dưới nước ấy. Thà một mình như chị còn sướng hơn… Huệ phẩy tay: Hơn cái nỗi gì. Có được lão đàn ông trong nhà, dù hắn có vô tích sự chẳng làm gì giúp mình thì cũng được cái neo thuyền cho khỏi chòng chành. Ôi dào thà cứ chòng chành còn hơn neo vào gốc gỗ mục… Rồi có ngày phải nhổ neo thôi chị ạ… Bậy nào, lão ấy là mẫu người của thế kỷ Hai mươi mốt đó. Chi cười nhạt: Khi ấy mẹ con em đã hoai xương lâu rồi…
Hè năm sau, chắt lót được ít tiền, Chi bế con vào Vũng Tàu, đánh tiếng với chồng là đi thăm một cô bạn chứ thực ra nghe nói trong ấy có nhiều chuyên gia dầu khí nước ngoài đang làm việc, cần phiên dịch. Chi muốn tìm một việc làm, vừa có đồng lương sống được vừa có điều kiện trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, lại thoát được cảnh bế tắc trong gia đình.
Hết hè, vào năm học mới, chẳng thấy Chi đến trường, Ban Giám hiệu ra thông báo đào nhiệm và gửi lên Sở Giáo dục đề nghị cắt biên chế. Giám đốc Sở là bạn học cũ của Dự, trước khi phải làm cái việc bất đắc dĩ, đã đến tận nhà anh hỏi han cặn kẽ. Dự thản nhiên lắc đầu: Chẳng biết mẹ con cô ấy đi đâu. Được cái vài tháng nay mình làm rất nhiều việc vì có một khoảng không gian chín mét vuông yên tĩnh tuyệt đối, không bị ai quấy rầy… Giám đốc Sở chán ngán lắc đầu trở về.
Hai năm sau, bất ngờ Dự nhận được lá thư từ nước ngoài gửi về. Nhận ra nét chữ mềm mại của Chi, Dự rất mừng vì cô ấy còn dám đi xa hơn cả sức tưởng tượng của anh. Nhưng vừa bóc thư, thấy ngay dòng chữ trên cùng: Califoocnia – Hoa Kỳ, ngày… Dự không đọc tiếp, mà vò lá thư ném vào sọt rác. Một vài lần phòng tổ chức cán bộ nhà trường đến hỏi Dự về chuyện vợ con vượt biên sang Mỹ. Dự bực dọc trả lời: Cần gì các ông cứ viết thư hỏi cô ấy. Chúng tôi cắt đứt quan hệ với nhau lâu rồi. Mấy năm nay, các ông có thấy thư từ quà cáp gì từ nước ngoài gửi cho tôi không? Cái đó thì cả trường ai cũng thừa nhận. Từ ngày vợ bỏ đi, Dự không lui tới ai, ngược lại, anh cảm thấy thanh thản hơn để lao vào công việc nghiên cứu. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, anh lại chụp chiếc mũ lá rách mướp lên đầu và bộ quần áo bộ đội bạc phếch xuống đánh bạn với những thuyền chài dọc sông Lam, tiếp tục công trình nghiên cứu của mình. Thỉnh thoảng có một người duy nhất thường thư từ và gửi cả tiền cho Dự. Đó là cô bạn cùng học đại học và là người yêu cũ hiện đang dạy ở Đại học Đà Lạt. Tình cũ không rủ mà đến, ai cũng nghĩ thế và mừng thầm cho Dự… Chẳng ngờ rằng sau nhiều lần gửi thư về mà không nhận được một dòng hồi âm nào của Dự, Chi đoán là anh bực và giận cô nên đành phải gửi thư và tiền về cho Hương, người yêu cũ của Dự ở Đà Lạt, kể hết mọi chuyện éo le của mình và nhờ Hương bí mật giúp đỡ Dự để anh có điều kiện hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học, cho dù Chi biết nó rất ảo tưởng…
Đứng trên tầng thượng của tòa khách sạn mười lăm tầng, lia mắt ra bốn phía, Chi thấy choáng ngợp thật sự. Mọi dấu vết của cuộc chiến tranh hủy diệt đã bị xóa hết. May còn có ngọn núi Phượng Hoàng mọc giữa thành phố, giúp Chi nhận ra vị trí của trường Đại học, nơi ở cũ của mình. Và hình như chỗ khách sạn này trước kia là cửa hàng ăn uống mậu dịch, chuyên bán cơm theo tem phiếu, chỉ có hai món bán tự do là phở bí ngô và khoai khô xéo đậu lạc… Phía sau cửa hàng là mấy cái hố bom sình nước có rất nhiều bèo tây. Một lần nhân ngày Quốc tế các nhà giáo, một phụ huynh học sinh lớp Chi dạy là cửa hàng trưởng ở đây đã mời các thầy cô trong trường đến liên hoan một bữa. Hôm ấy, tiết cuối không có giờ, Chi tranh thủ đạp xe đến cửa hàng sớm hơn, mang chiếc bì gai sọc xanh ra hố bom sau cửa hàng tranh thủ vớt bèo tây về nuôi lợn. Chẳng biết vì làm quá sức hay vì đói lả mà bỗng dưng Chi thấy xây xẩm mặt mày, chân tay bủn rủn rồi ngã khuỵu trên bãi cỏ, tuột dần xuống hố bom… Tan học, một nhóm học sinh gái đi lối tắt sau trường ra đường nhựa, khi ngang qua hố bom, thấy một người ngoi ngóp dưới nước, các em vội chạy lại kéo lên. Bất ngờ nhận ra cô giáo dạy ngoại ngữ lớp mình, liền dìu cô về nhà. Cô thoát chết nhưng mất bữa liên hoan…
Lạ thật, vì đói khổ, vì cơ cực phải bỏ nơi này đi kiếm sống. Nhưng ở nơi sung túc giàu sang, khi nghĩ về quê lại nhớ nhất là những chuyện nhọc nhằn. Chẳng biết bây giờ anh sống ra sao? Có còn ở căn nhà cũ nữa không? Đã hơn hai chục năm, không có dòng thư nào nhưng Chi tin rằng anh vẫn mong và chờ mẹ con Chi về. Những đồng tiền ít ỏi mình chắt lót gửi về có giúp anh hoàn thành được công trình khoa học mà anh rất say mê ấy không?
Người lái xe ôm cố ghì tay ga, cho xe chạy thật chậm để bà khách nhận ra nơi ở của mình. Đã gần một tiếng đồng hồ loanh quanh trên mấy trục đường bê tông rồi rẽ sang các tuyến đường nhựa, đường đá, sục vào các hẻm đường đất vẫn không thấy người ngồi sau xe bảo dừng lại chỗ nào. Anh lái xe phải nhắc khéo:
– Chị cố nhớ lại tên đường hoặc khối xóm nào thì mới tìm được chứ loanh quanh thế này khó lắm…
– Hồi ấy vừa kết thúc chiến tranh, làm gì có tên đường. Chúng tôi là những người đầu tiên được tỉnh điều về phục hồi trường Đại học. Tôi chỉ nhớ mang máng trường ở mé đông đường Quốc lộ, còn khu tập thể của giáo viên thì ở mé tây, giáp chân núi. Ngày nghỉ, chúng tôi thường kéo nhau lên núi bứt cây sim cây móc về làm cái đun.
– Nhưng ngọn núi này dài hơn cả cây số, chị cố nhớ ở quãng nào?…
– Hồi ấy núi còn trọc lốc nên tôi nhớ rất rõ chỗ khu tập thể dóng lên là cái eo lõm mà người ta thường gọi là dấu chân ông khổng lồ…
– Đích thị là khối 4 rồi. Ta vòng sang đường Bùi Thị Xuân chắc hỏi được.
Ông lão gật đầu xác nhận trước đây có mấy dãy nhà tập thể ở quanh cái hố bom tấn tạo thành ao rau muống chỗ này. Nhưng dạo sốt đất, người ta đã hè nhau lấp ao lấn đất bán hết. Mấy dãy nhà tập thể cũng bị cắt ra từng ô chia cho các gia đình. Thầy Dự thuộc hộ độc thân, không được chia đất, phải sang ở chung trong khu tập thể sinh viên…
Người lái xe ôm reo lên:
– May quá. Vậy là bác có biết thầy Dự?
Ông lão nheo mắt cười cười:
– Ai là dân gốc ở đây hoặc hồi cư về hồi đầu hòa bình thì đều biết ông Dự, chỉ vì ông ta nổi tiếng gàn nhất trường Đại học này. Dạo đang cơn sốt đất, ông ta có một công trình nghiên cứu gì đó nghe nói có giá trị lắm, tỉnh thưởng cho một suất mặt tiền ngoài phố nhưng ông ta không nhận, một hai xin cho được vào trong chân núi. Ai cũng tiếc cho ông và chê ông thật dại. Giá cứ nhận rồi bán đi, lấy tiền vào trong núi xây được mấy nhà tầng chứ lị…
– Vậy là bây giờ thầy Dự vẫn ở trong ấy? – Thấy ông lão cứ cà kê câu chuyện, anh lái xe ôm vội cắt ngang. May mà ông lão không tự ái.
– Chắc là chị muốn nhờ thầy Dự kèm cặp thêm cho con thi vào đại học phải không? Ông ấy giỏi, ai cũng nhờ nhưng khái tính, chẳng mấy khi nhận giúp ai đâu. Chị phải thật mềm mỏng, nói sao cho thật cảm động để ông ấy mủi lòng, chứ đem chuyện tiền nong giá cả ra trước là ông ta đuổi thẳng cánh đó. Cứ đi hết con đường này, rẽ trái, vào ngõ thứ ba, có cái cổng như cổng chùa, đích thị là nhà ông ta…
Như một vận động viên điền kinh, dồn hết sức để vượt lên nhưng khi đã chạm đích thì chân tay rã rời chẳng muốn cất bước nữa. Người lái xe ôm đã đi lâu rồi mà Chi vẫn thẫn thờ trước hai cánh cổng im lìm, không dám nhấc tay ấn chuông. Ai sẽ hiện ra sau cánh cổng?
– Chào cô. Hình như cô đến gặp thầy Dự?
Chi giật mình quay lại. Một cô gái trạc ngoài hai mươi, thon thả và duyên dáng trong bộ áo dài trắng muốt vừa dừng xe trước cổng, cất tiếng chào khách rồi vội vã mở cặp sách lấy chìa khóa luồn tay qua cái lỗ tròn nho nhỏ mở khóa đẩy xe vào. Mọi động tác thuần thục nhanh nhẹn chứng tỏ cô đã sống lâu trong ngôi nhà này. Cô ta là ai? Các em gái và họ hàng của Dự, Chi biết hết, không có ai ở độ tuổi này. Dáng dấp này có thể là cô giáo hoặc một sinh viên sắp ra trường. Nếu Dự lấy vợ ngay sau ngày mẹ con Chi ra đi cũng không thể có con gái lớn thế này được… Bỗng nhiên Chi thấy rã rời chân tay. Mà cô gái này thật lạ, hoặc là vô tâm hoặc rất kiêu kỳ, không thèm mời khách vào nhà. Đẩy chiếc xe đạp vào dựng giữa sân, cô vội vã vào nhà thay quần áo dài bằng một bộ đồ ngắn rồi trở ra sân mở máy bơm xách vòi đi tưới cây.
Chi uể oải bước chân qua cổng vào sân. Quanh nhà là một khuôn viên khá rộng, đến cả ngàn mét vuông. Rất nhiều loài cây ăn quả đã cao lớn giao cành với nhau tạo thành bóng râm rợp mát quanh nhà. Trước sân là vô số cây cảnh được trồng trong các chậu lớn. Đang giữa mùa nắng mà vẫn nở đầy hoa thế kia chứng tỏ chúng được chăm bón rất công phu. Cuối sân, dưới gốc bốn cây xoài lớn là bể cá cảnh khổng lồ, sức chứa vài ba khối nước. Ba chiếc máy tạo ô xy đặt chìm trong bể, tạo vô số bọt sủi tăm dày đặc, che khuất lấp đàn cá… Chi không thể tin đây là nhà Dự. Một người nổi tiếng tuềnh toàng, không bao giờ để tâm vào chuyện ăn mặc hoặc bài trí nhà cửa thì làm sao có thì giờ chăm sóc cả khu vườn, bể cá và vô số cây cảnh thế này? Chủ nhân của ngôi nhà này phải là một người về hưu còn khỏe mạnh hoặc một tay giàu có nhàn nhã thích ăn chơi. Chả lẽ như ông già kia nói, công trình khoa học Dự lao tâm khổ tứ mấy chục năm, đã hoàn thành, được trọng thưởng, trở nên giàu có, Dự chẳng màng đến nghiên cứu nữa, để hưởng thụ chăng? Và cô gái trẻ đẹp kia nữa… Cô ta vẫn mất hút đâu sau vườn với chiếc vòi phun nước.
Chi chán ngán ra khỏi cửa và bước thật nhanh như có ai đuổi phía sau. Trời xâm xẩm tối. Đường phố đã lên đèn. Chi vẫy chiếc tắc xi trở lại khách sạn.
– Kìa mẹ đi đâu về mà trông phờ phạc vậy?
Câu hỏi của Tuấn làm Chi giật mình, giả bộ cười cười:
– Mẹ tản bộ một vòng tìm mấy người bạn cũ…
– Thế bao giờ ta về nhà mình?
– Tối nay.
Tuấn nhìn đồng hồ nghi ngờ:
– Mẹ có biết đã mấy giờ rồi không?
Chi bối rối:
– Ta vào ăn cơm rồi đi ngay…
Nếu một mình, Chi nhất quyết không trở lại nơi ấy nữa. Vẫn biết lỗi ở mình. Bỏ đi ngần ấy năm trời không tin tức, anh hoàn toàn có quyền lấy vợ khác. Nhưng nghĩ đến giây phút gặp lại anh, bên cạnh có một cô gái khác trẻ đẹp, Chi thấy buồn vô hạn. Hơn hai chục năm qua, sống ở một nơi dư thừa của cải vật chất và tự do, thoải mái trong quan hệ tình ái, một cô gái mới ở tuổi ba mươi, có học vấn, có nhan sắc, có việc làm tử tế như Chi khó lòng tránh khỏi sự quyến rũ của đàn ông. Nhưng Chi cố nén lòng chịu đựng, dồn tất cả công sức vào dạy tiếng Việt trong một cô nhi viện và biên dịch thêm sách báo để kiếm tiền nuôi con ăn học. Hy vọng một ngày nào đó, lấy được tấm bằng Cử nhân ở một trường Đại học danh giá, thằng Tuấn có thể kiếm sống một cách đàng hoàng ở nước Mỹ thì Chi sẽ trở về chịu tội với anh để những năm tháng cuối đời được sống thanh thản bên nhau. Chi sẽ bù đắp cho anh tất cả những gì mà hơn hai chục năm qua Chi chưa làm được. Khi đang sống trong cảnh đói khổ thiếu thốn đủ bề mà chồng cứ vùi đầu vào công việc nghiên cứu, không làm ra được đồng tiền bát gạo nuôi con thì Chi xếp Dự vào loại người lập dị, vô tâm, vô tích sự không chịu nổi. Nhưng khi sống ở một nơi đầy đủ vật chất thì Chi lại thấy có một người say mê nghiên cứu khoa học như chồng mình là rất hiếm. Hơn hai chục năm qua, mỗi lần nghĩ đến chồng là Chi lại nhớ câu nói của cô Huệ: lão ấy là mẫu người của thế kỷ hai mươi mốt. Và Chi cảm thấy rất tự hào về anh. Vậy mà bây giờ, khi mọi cố gắng mọi nỗ lực của Chi đã hoàn thành, đã tới đích vinh quang, thì ngược lại, Dự đã trở thành một con người hoàn toàn khác lạ: nhàn nhã trong một khuôn viên với thú vui là những cây những hoa, chim cá và… vợ trẻ. Chi sẽ là người thừa trong ngôi biệt thự xinh xắn ấy…
Chi quyết định tối nay sẽ cho thằng Tuấn về gặp lại bố. Rồi sau đó, ở hay ra đi là tùy nó lựa chọn. Còn Chi sẽ về quê sửa sang phần mộ của bố mẹ, thăm anh chị và bạn bè vài ngày rồi vĩnh biệt ra đi, sống nốt phần đời còn lại nơi đất khách quê người…
Xe vừa dừng lại cạnh chiếc cổng có mái cong như đình làng, Chi vội vã xuống xe, chạy lại ấn tay vào chuông điện một hồi dài rồi quay lại ra hiệu cho Tuấn xuống.
Hiện ra giữa hai cánh cửa sắt là một người đàn ông mái tóc bạc phơ nhưng dáng người đầy đặn và khuôn mặt căng tròn như một thanh niên. Ông bình tĩnh đưa mắt chăm chú nhìn người phụ nữ một lát rồi nở một nụ cười và cất giọng nhẹ nhàng, không có vẻ gì là ngạc nhiên cả:
– Em đấy à? Con đâu? Hồi chiều, nghe Ngọc kể lại, anh đã có linh cảm là em về…
Chi vẫn đứng yên, không chào hỏi chồng, mà quay lại với Tuấn:
– Bố đó. Con lại với bố đi.
Tuấn ngỡ ngàng ngắm nhìn người đàn ông một lúc rồi chạy lại ôm chầm lấy ông, miệng lắp bắp: bố bố. Dự cũng dang tay ra ôm con lắc lắc mấy cái rồi vuốt vuốt mái tóc rễ tre của Tuấn: Ra dáng đàn ông lắm rồi. Ăn cơm Tây có khác, mập và cao lớn hơn cả bố rồi đây này. Vào nhà đi con. Dự gỡ tay con, quay lại nhìn Chi: Em vẫn trẻ như xưa. Còn anh đã già gấp đôi ngày ấy…
– Anh đưa con vào nhà đi. Em đang có chút việc riêng với mấy người bạn. Vài hôm nữa em trở lại… Dự dướn mắt ngạc nhiên trước câu nói lạ tai và sự hờ hững của Chi. Tuấn thảng thốt:
– Kìa mẹ, sao lại thế? Suốt mấy ngày qua mẹ vẫn nôn nóng mong sao về đến nhà kia mà?
Hình như Chi chẳng nghe con nói, vội vã bước lên xe giục chuyển bánh.
– Chắc mẹ đang có việc vội thật, cứ để mẹ đi. Ta vào nhà đã con.
Về đến khách sạn, chẳng thay quần áo, Chi nằm vật xuống giường khóc rưng rức. Thằng Tuấn đã gặp bố nó. Mọi việc thế là xong. Chi cảm thấy trống rỗng và tuyệt vọng vô cùng. Chi khóc như chưa bao giờ được khóc.
Gần một tuần sau Tuấn quay lại khách sạn. Chi thảng thốt nhìn con:
– Ăn uống kham khổ hay sao mà con gầy và đen nhanh thế?
Tuấn chạy lại ôm cổ mẹ, cười rúc rích:
– Không phải đâu. Gần một tuần nay con theo bố xuống thuyền đi dọc sông Lam. Có thiết gì ăn uống đâu mẹ. Công việc bận rộn lắm nhưng thích thú vô cùng. Bỗng anh chàng buông tay chằm chằm nhìn Chi rồi kéo lại cạnh cô bạn gái đang thập thò ngoài cửa:
– Mẹ ơi, đây là Ngọc, bạn gái của con…
Chi tròn mắt nhìn cô gái và nhận ra ngay người đã mở cửa cho mình vào nhà Dự hôm trước. Trong bộ sơ-vin màu đen, hôm nay trông cô càng trẻ đẹp hơn. Nhưng sao lại thế này? Chi ngơ ngác nhìn con.
Tuấn buông tay mẹ, lại đứng cạnh cô gái:
– Ngọc là sinh viên năm thứ tư khoa Sinh vật, học trò cưng của bố đấy.
Cô gái ngẩng mặt liếc xéo Tuấn một cái rất tình tứ rồi quay lại phía Chi:
– Chẳng phải học trò cưng đâu cô ạ. Nghe nói khóa nào thầy Dự cũng cho vài ba sinh viên nghèo nhất lớp về ở trong nhà thầy. Khóa này, chúng cháu có ba chị em là dân tộc Thái, ở tít mãi trên ngọn núi giáp Lào xuống đây học. Nhà nghèo lắm. Cũng may nhờ có thầy Dự cho về nhà thầy ở, không mất tiền trọ. Đổi lại, thầy giao cho ba chị em cháu phải đảm nhận công việc chăm sóc bể cá và vườn cây. Chúng cháu coi khu vườn và bể cá của thầy là nơi để thực hành các bài học trên lớp. Đó không phải là bể cá thông thường, mà là nơi hội tụ gần như tất cả các loài cá trong lưu vực sông Lam. Chỉ trừ giống cá sú vàng thầy chưa nuôi thành công trong bể.
– Nhưng con đã nhìn thấy giống cá đặc biệt ấy rồi. Nó đẹp và lạ lắm mẹ ạ. Nó chỉ sống ở khúc sông gần cửa biển, có vùng nước lợ và có những cái vực rất sâu đến vài chục mét nước. Bố chưa tạo được môi trường ấy trong cái bể kia. Còn một loài cá nữa trên sông Lam con rất thích là cá chình. Ngược với sú vàng, cá chình chuyên sống trong các hang đá trên khe đầu nguồn của nhà Ngọc đây. Vào mùa mưa, nó bơi ra sông Lam đẻ trứng. Những cái trứng li ti ấy bám vào rễ bèo tây hoặc rong rêu theo nước trôi lập lờ dọc sông Lam. Lúc ra đến cửa biển thì nó nở thành con. Những con cá chình bé nhỏ ấy bắt đầu làm cuộc hành trình vĩ đại là bơi ngược dòng sông hàng tháng trời để về với những hang đá trên khe đầu ngọn nguồn, sống với họ hàng nhà nó. Vì vậy giống cá chình rất khỏe và thịt rất thơm ngon, ăn vào miệng có mùi vị rất lạ như khi ta nhìn ngắm cô gái này. Vừa nói, Tuấn vừa hồn nhiên ôm choàng hai vai Ngọc làm cô gái đỏ bừng mặt.
Nãy đến giờ, gần như Chi chẳng nghe con trai nói gì. Đầu óc cô đang quay cuồng với bao ý nghĩ và cả thấy xấu hổ với sự ngộ nhận của mình về cô gái này. Bỗng Chi thấy rất vui trước những chuyện con trai vừa kể. Cô âu yếm nhìn con rồi nhìn Ngọc:
– Cháu thấy không? Mới có mấy ngày ở quê mà cậu ta đã thành thạo như dân vạn chài rồi đấy. Còn cô, à xin lỗi còn cháu, có thích thú với công việc của mình không? Cháu nhận Tuấn làm học trò, kèm cặp cho nó học Sinh vật nhé?
– Không đâu mẹ ơi. Hôm nay con đến đây để bàn với mẹ là con sẽ đưa Ngọc sang Mỹ học thêm môn quản lý kinh tế và phần mềm vi tính. Còn mẹ, ngay bây giờ phải trở lại nhà để giúp bố khi con và Ngọc đi vắng. Bố đang rất giận mẹ đấy…
Ngọc gỡ ra khỏi vòng tay của Tuấn, chạy lại nắm tay Chi:
– Cháu vô ý quá. Hôm đó đi dự buổi giao lưu với thanh niên thành phố về muộn, cháu vội vàng xách vòi ra vườn tưới cây cho kịp mà quên cả phép tắc không mời bác vào nhà. Chắc là bác giận cháu nên mới bỏ đi?
Chi quàng tay ôm riết cô gái vào lòng, mắt rưng rưng:
– Không đâu cháu ạ, bác đã bỏ lỡ mất hơn hai chục năm rồi…
B.D