Nghĩ về một từ trong Di sản Hồ Chí Minh – Nguyễn Khắc Phê

Trong cuộc sống, có không ít thứ “to đẹp” mà không “đàng hoàng”. Nói gì việc xa xôi, chuyện thời sự trước thềm năm mới về hai ngôi biệt thự rõ là “to đẹp” của nguyên Tổng Thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền và của thiếu tướng công an Quảng Nam dưới chân đèo Hải Vân, nhưng ai dám bảo đó là kết quả của một việc làm “đàng hoàng”…

Trong cuộc sống, có không ít thứ “to đẹp” mà không “đàng hoàng”. Nói gì việc xa xôi, chuyện thời sự trước thềm năm mới về hai ngôi biệt thự rõ là “to đẹp” của nguyên Tổng Thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền và của thiếu tướng công an Quảng Nam dưới chân đèo Hải Vân, nhưng ai dám bảo đó là kết quả của một việc làm “đàng hoàng”

Đã có rất nhiều tác giả nghiên cứu, phân tích giá trị những Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) để lại cho hậu thế, trong đó có nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của HCM trong thơ văn, báo chí. Tuy vậy, đúng như một nhà nghiên cứu đã viết trong dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2014) đại ý rằng di sản của HCM là một kho tàng vô giá, khai thác mãi không cùng; tôi bỗng nghĩ đến một từ mà HCM đã sử dụng trong một văn bản cực kỳ quan trọng, nhưng nếu tôi không nhầm, thì còn rất ít người chú ý.
Văn bản đó là “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” công bố ngày 17/7/1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta, đồng thời không quân Mỹ ngày càng mở rộng các chiến dịch bắn phá miền Bắc một cách dữ dội. Trong hoàn cảnh đó, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, khẳng định chí khí sắt đá của nhân dân Việt Nam, với những lời lẽ đanh thép:
“…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
Đoạn văn có tính lịch sử này đã thành lời hiệu triệu thiêng liêng của Tổ Quốc, dù gần nửa thế kỷ đã qua, đến nay hàng triệu người dân Việt vẫn còn thuộc lòng. Đặc biệt, dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” vẫn là khẩu hiệu có tính cương lĩnh trong mọi hoạt động, mọi mặt trận của đất nước ta hiện nay, nhất là trong tình hình thế giới đầy những biến động khó lường, biển Đông luôn “dậy sóng”, nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đang đứng trước những thử thách không hề đơn giản và có thể nói là hiểm nghèo.
Những điều này, có lẽ ai cũng biết, nhưng vì tính chất hệ trọng của nó, xin được nhấn mạnh, trước khi bàn về một từ của HCM trong văn bản nêu trên. Từ đó, nằm trong câu cuối của đoạn trích, chứng tỏ sự tiên tri và thể hiện lòng tin vào tương lai của dân tộc của HCM, ngay giữa lúc chiến tranh ác liệt. “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
Điều đó, nay đang dần thành sự thật. Cho dù vậy, đọc lại câu văn, tôi bỗng nghĩ: Một người luôn nói và viết rất ngắn gọn, súc tích như HCM, hẳn là có nhiều ý tứ, nên dù đã viết “to đẹp hơn”, Người còn nhấn mạnh “đàng hoàng hơn”! Nói là “nhấn mạnh”, vì HCM dặn dò phải “đàng hoàng” trước khi nói đến “to đẹp”.
Phải! Hai từ, vốn có nghĩa khác nhau. Theo “Từ điển Tiếng Việt” (NXB Khoa học Xã hội, 1977) thì “đàng hoàng” có hai nghĩa: 1- Ra vẻ ung dung dư dật; 2- Công nhiên, không giấu giếm.
Suy ngẫm kỹ, chúng ta thấy vấn đề không chỉ là hai từ có nghĩa khác nhau về “lượng”, mà chủ yếu về “chất”; từ “đàng hoàng” chủ yếu hướng tới giá trị tinh thần, là sự đòi hỏi về nhân cách và đạo lý – những điều hệ trọng bậc nhất đối với mỗi con người. Trong cuộc sống, có không ít thứ “to đẹp” mà không “đàng hoàng”. Nói gì việc xa xôi, chuyện thời sự trước thềm năm mới về hai ngôi biệt thự rõ là “to đẹp” của nguyên Tổng Thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền và của thiếu tướng công an Quảng Nam dưới chân đèo Hải Vân, nhưng ai dám bảo đó là kết quả của một việc làm “đàng hoàng”. Những vụ hối lộ, tham nhũng tày đình vừa xét xử trong năm 2014 càng rõ là hậu quả tất yếu của những cuộc “đi đêm” không minh bạch, trái ngược hẳn với mong muốn “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn…” và HCM đã nhấn mạnh trong Lời kêu gọi có tính lịch sử ngày 17/7/1966.
Việc “xây dựng lại đất nước” đâu chỉ là nói đến các công trình to lớn hiện đại, mà trước hết là xây dựng con người, xây dựng thể chế và rất nhiều khâu trong đời sống, từ chuyện đối ngoại cho đến việc phân chia lợi nhuận, khen thưởng…, cả cách đối xử với tù nhân cũng rất cần phải “đàng hoàng”, không giấu giếm. Những vụ “chạy chức” âm thầm mà trên diễn đàn Quốc hội đã phải nói tới, rồi không ít bằng giả, danh hiệu giả, hàng giả bị phanh phui… đều là “thành quả” của các cuộc “đi đêm”, của kiểu làm ăn mập mờ, cũng rõ là những điều không “đàng hoàng” chút nào! Một con người không “đàng hoàng”, chỉ giỏi… “đi đêm” thì dù mang tước hiệu cao sang, sống trong lầu son gác tía cũng sẽ bị thiên hạ coi khinh.
Thật may mắn là gần đây chúng ta đã biết nhấn mạnh đến sự “công khai” và “minh bạch”, chính là để chống lại những trò “đi đêm”, để thực hiện được ước mong của HCM từ gần nửa thế kỷ trước!
Ngày Xuân, dân tộc ta vốn có phong tục “chơi chữ, chơi thơ” thanh nhã và rất có ý nghĩa. Xin thử bàn về một chữ (cũng gọi là một “từ”) của HCM, có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc và cũng rất “thời sự”. Vì thế, đây là chuyện hết sức nghiêm túc chứ không phải là chuyện…chơi, dù được “trình làng” giữa những ngày Xuân!

N.K.P

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder