Ngoài khơi miền đất hứa – Tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân

9

 

Không hiểu sao những suy nghĩ của Huy làm Tuấn buồn rầu. Anh nhớ tới cả một thế hệ, những bạn bè cùng lứa, cùng chung một hoàn cảnh nhưng số phận mỗi người một khác nhau. Hình như thế hệ anh đã không gặp thời. Cả Huy nữa, nó thua anh năm tuổi, bọn chúng nó cũng chẳng may mắn gì hơn. Hai ba thế hệ hẩm hiu, tàn lụi như đám cỏ dưới vó ngựa thời gian. Tuấn đã không muốn làm một ngọn cỏ. Anh biết mình không phải là một ngọn cỏ. Nhưng sự kiêu hãnh của anh là vô ích. Anh đang là một ngọn cỏ, một hạt sạn, một miếng giẻ rách.

Cũng có những người không cam chịu như thế. Họ dám làm những điều Tuấn không dám làm hoặc không muốn làm. Trước đây anh khinh rẻ sự tiến thân của họ. Sau khi ở tù ra anh vẫn khinh rẻ họ. Nhưng giờ đây anh mới phát hiện ra một điều mà lòng tự ái, tự tôn của anh trước đây không cho phép anh nhìn ra. Chính anh cũng đang bị bọn họ khinh rẻ trở lại. Anh đang là một thằng tù vừa mới được tạm tha. Anh chưa hòa nhập trở lại với xã hội, cái xã hội dù có như thế nào thì cũng được coi là lành mạnh và đáng kính.

Anh muốn xét lại giá trị của mình. Và bao giờ cũng vậy, con người hiện ra trong đầu anh trước tiên vẫn là Thục, mẫu người không cam chịu.

Tuấn quen Thục từ rất lâu, trong một hoàn cảnh oái oăm. Đó là một ngày tựu trường ở trường Đại học Tổng hợp. Mùa thu năm bảy mươi. Nơi trường sơ tán là một vùng đồi Bắc Thái. Thục nhớ mãi những mái đồi cây lúp xúp, rừng chẳng phải là rừng, đồng cỏ cũng chẳng ra đồng cỏ. Trên những mái đồi cây khá dốc ấy, thỉnh thoảng lại lóe sáng lên một bông chuối rừng đỏ tươi.

Thục vào khoa Lý, nhưng đi lạc sang khoa Hóa. Tuấn ngạc nhiên vì anh chàng sinh viên già dặn, có lẽ hơn mình năm sáu tuổi, đến lớp với nét mặt buồn rầu. Ban đầu Tuấn tưởng Thục là một ông giáo.

Tuấn tự nguyện và hăng hái dẫn Thục về khoa, cách mấy quả đồi. Thục co ro trong bộ quần áo mỏng vì trời chớm lạnh. Tuấn gọi Thục bằng anh, vì Thục nghiêm nghị và có một cái cằm bạnh, quả quyết.

– Anh ốm à?

– Mình chỉ buồn.

– Anh cũng là dân trong nớ à?

– Hà Tĩnh.

– Thế là đồng hương rồi – Tuấn vui vẻ nói.

– Sao cậu nói đặc sệt Bắc kỳ. Mất gốc à?

– Chuyện ấy còn dài, để về sau. Anh buồn vì nhớ nhà phải không?

– Không. Mình đâu còn mặc quần thủng đít nữa.

Từ hôm ấy Tuấn học thêm được một điều là không nên căn vặn một người đang buồn. Niềm vui và nỗi buồn cũng như miếng ăn đều rất khó chia. Nhưng anh vẫn gạn Thục:

– Chưa sắm đủ à?

Dạo đó sinh viên phải mua sắm nhiều thứ, toàn những thứ hàng hiếm và đắt vì còn chiến tranh. Một chiếc bút Trường Sơn cũng phải có phiếu mua hàng. Thấy quá tốn kém vì Tuấn, ông bố dượng sốt ruột bảo mẹ anh: “Sắm cho nó thứ gì rẻ rẻ thôi. Trước sau rồi cũng đi lính!”. Mẹ bán cái nhẫn đeo ở tay và thế là Tuấn lên đường với yên cương mũ mãng ra dáng một cậu ấm con nhà giàu tuy đã phá sản. Mẹ thường không để Tuấn xúi xo. Mẹ bảo Tuấn giống bố, dáng người cân đối, đàng hoàng, đặc biệt cái miệng rất sang. Không bẩn tướng, hãm tài như ông bố dượng. Chị Liên con dì bảo Tuấn. “Mẹ mày còn cả hạt xoàn, dượng mày rình mò mãi mà không biết mẹ mày giấu ở đâu đấy”. Không biết chị ấy nói có đúng không.

– Tớ không sắm gì hết. Tớ bỏ học.

Những chàng trai mười bảy trang lứa với Tuấn vào đại học sau trận Khe Sanh và những cuộc vật lộn kinh hoàng trước đó. Cuộc chiến tranh chống Mỹ không còn là một ngày hội lớn như có một nhà thơ hồi đó đã viết. Nghe nói ông ấy làm bộ trưởng và làm thơ từ trước năm 1945 kia. Không biết có đúng thế không. Dù có người làm thơ như vậy, máu ở Khe Sanh và chết chóc, hy sinh ở khắp miền Nam, miền Bắc sau trận Tổng tiến công đã ảnh hưởng đến thế hệ Tuấn. Những bài thơ kiểu “ngày hội lớn”, các trang tùy bút đọc trên đài phát thanh không che giấu được máu và những chiếc chân cụt do thương binh mang về làng, về đường phố. Thế hệ Tuấn qua xương máu của lớp đàn anh không trở về, hiểu rõ hơn sự khốc liệt của chiến tranh. Họ nhận thức rõ hơn về mình, về cuộc chiến đấu cứu nước đang được trao cho thế hệ mình vì lớp cha anh đã ngã xuống quá nhiều. Không còn mấy những cậu học sinh rẽ vào nơi tuyển quân để nài van đăng ký vào bộ đội rồi đi thẳng vào chiến trường mà bố mẹ vẫn không hay. ở trường Tuấn có ba anh sinh viên học trước anh hai lớp, một bộ ba ngự lâm pháo thủ được chuyển từ chiến trường ra. Ba người về một trại thương binh gần nơi trường sơ tán. Họ đến thăm thầy học và bạn cũ với hai chân, bốn cái nạng, một chiếc xe đẩy mạ kền sáng bóng của Hội Chữ thập đỏ Cộng hòa dân chủ Đức. Trong ba người có một anh sắp được phong anh hùng, một anh muốn xin đi học lại, anh thứ ba thì điên điên, lặng lẽ, không nói gì. Nếu không có đôi mắt long lanh thì tưởng anh là cái bóng. Khi lớp Tuấn tổ chức ca hát, ngâm thơ để chào đón các anh, Tuấn ngồi bên cạnh anh thứ ba. Anh ấy nhìn đi đâu, như không nghe, không thấy gì trước mắt. Thỉnh thoảng anh nói: Máu”. Bạn bè của Tuấn vẫn ngâm nga “chống Mỹ là một ngày hội lớn”, lớp Tuấn chưa có đứa nào trốn nghĩa vụ quân sự. Nhưng kể cả những thằng nghiêm chỉnh nhất đều mừng vì được vào đại học mà không phải đi lính. Sau Khe Sanh thì chiến tranh không còn là một cuộc diễu hành lãng mạn đối với Tuấn. Anh tự cho mình là người yêu nước nghiêm túc vì hồi đó anh nhận thức được trách nhiệm nặng nề bi thảm mình phải hoàn thành để giữ được nhân phẩm của chính mình hơn là một trò phiêu lưu vô ý thức hay cuồng tín. Vậy thì còn sót lại Thục, một chàng ngự lâm quân chăng?

– Anh tính đi bộ đội à?

– Tao chán cái trò ấy rồi. Tao đi học lại.

– Sao?

Thục dừng lại, bẻ một cành cây nhỏ ven đường khều mấy hòn sỏi giắt trong chiếc dép lốp. Tuấn nhìn thấy một cái sẹo nơi mắt cá chân Thục. Phải rồi, Tuấn đoán Thục đã đi lính, nay về thi lại. Hèn gì anh lớn tuổi thế.

– Tao đến khoa làm thủ tục thôi học, lấy lại hồ sơ rồi về nhà.

Tuấn im lặng.

– Tao là học sinh giỏi toán. Từ cấp ba trở đi năm nào tao cũng được giải học sinh giỏi của tỉnh. Nhưng vô phúc nhà tao lại ở kế nhà thằng chủ tịch xã. Nó bắt nạt mẹ góa coi côi, lấn của nhà tao mấy xá đất vườn và một cái ao. Tao quật cho thằng con cả của nó một trận. Thế là năm ấy tao đủ điểm đi nước ngoài nhưng nó dìm mất giấy báo, tống tao vào bộ đội. Tao đánh nhau ở Khe Sanh, được huân chương. Trung đoàn trưởng thấy tao học giỏi, lại bị thương ở mắt cá chân, hễ cất bước là nhức nhối, cho tao về học lại. Tao bập vào kỳ thi năm nay, đủ điểm liền. Nhưng tiếc quá, không đủ điểm đi nước ngoài.

– Thì học trong nước cũng được chứ sao?

– Dân Nghệ Tĩnh bầy choa không thèm ăn vặt. Tao đáng được đi nước ngoài ăn học thì tao phải đi. Tao có một ông anh rể làm Hiệu trưởng cấp ba ở Hà Sơn Bình. Tao sẽ xin học lớp mười ngoài đó. Rồi tao thi đại học lại. Tao sẽ đi nước ngoài cho mày xem. Tao muốn là được mà!

Năm năm sau, Thục ở châu Âu về làm việc ở một nhà máy trong thành phố. Gặp lại Tuấn trong một quán bia. Thục trở thành một người khác hẳn, đẹp trai, năng động, rất tự tin và mặt mũi sáng láng. Anh đãi Tuấn một bữa bia uống chán thì thôi. Họ nối lại tình thân ngắt đoạn từ một chân đồi Bắc Thái.

Ngồi suy ngẫm trước cốc cà phê sau bao nhiêu biến cố rủi ro trong đời, Tuấn luôn nhớ đến Chi với tình cảm buồn rầu, dịu ngọt. Giá anh can đảm hơn một chút, liều lĩnh và quyết đoán hơn một chút, anh đã không là anh hôm nay nữa. Biết đâu Chi đã là vợ chứ không phải là người tình “lén lút” của anh. Nhưng điều ấy chẳng khác gì giả thiết là anh, cái thằng Tuấn vụng dại, nghèo và đầy chất A.Q đã tìm ra châu Mỹ chứ không phải là Kha-luân-bố.

Tuấn quen và thân Chi rất lâu trước Thục, vào những ngày Chi còn bỡ ngỡ trong cái thành phố nàng rất yêu vì không khí lao động, cởi mở, khác hẳn với Hà Nội của nàng, cái Hà Nội mà nàng cảm thấy đang mọc rêu lên ở khắp nơi. Nhưng quê hương mới xa lạ với nàng quá. Phải chăng vì nó xa lạ mà nàng yêu nó chăng, về với nó chăng? Tuấn đã xuất hiện trước đôi mắt phân vân của nàng rất đúng lúc như số phận đã đẩy anh tới. Anh vượt qua một loạt những người săn đón Chi, cô gái cưng của một nhân vật có thế lực nổi tiếng, anh dần dần đi vào Chi nhờ nàng đánh giá anh không như những chàng trai vụ lợi khác. Và nhờ lực hấp dẫn huyền bí bên trong của trái tim nàng. Tuấn nhớ lại, anh đã được phép mời nàng đi tắm biển, Chi kiên nhẫn ngồi sau chiếc xe đạp khổ của anh trong khi bên cạnh những chiếc cúp vút qua như tia chớp. Rồi nàng đi xem phim với anh trong những cái rạp có giá vé vừa túi tiền và hay mất điện. Trong một buổi xem có mất điện nửa chừng, nàng đã mạnh dạn cầm bàn tay đang run bắn như chim giẽ của anh.

Tuấn vẫn ngu ngốc, vẫn rụt rè và thêm sự bận rộn dành cho nghiên cứu khoa học. Anh đã mất Chi, anh giao nàng cho số phận để rồi tự dằn vặt mình, đau khổ triền miên, thèm khát triền miên như một con thuyền trôi dạt ngoài khơi miền đất hứa mà không thể nào cập bến được.

(còn tiếp)

N.QT

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder