
2
– Họ có đánh anh không?
– Không.
– Họ có biết em vẫn thường tiếp tế cho anh không?
– Không. Họ chỉ gọi anh: Đào Văn Tuấn, ra gặp người thăm nuôi. Chắc họ không cần biết em là ai.
– Những lần nhìn thấy anh qua hàng song sắt, em muốn đâm đầu vào quá.
– Chắc là có nhiều người đã làm thế rồi nên người ta đặt ngoài hàng song sắt một tấm lưới. Nhưng không nói chuyện đó nữa. Đêm nào anh cũng mơ thấy em. Bây giờ em đã nằm bên anh, thế là được rồi.
– Em thì không mơ thấy anh. Không thấy anh lần nào. Em cũng không hiểu vì sao lại như thế.
– Vì bên cạnh đã có Thục rồi – anh nói, ngực đau nhói.
– Anh lại thế rồi. Không một lần nào. Em thề với anh như thế.
– Anh xin lỗi em.
– Em chỉ thèm mỗi anh thôi. Người đàn bà nào cũng chỉ thèm người mình yêu thôi. Không phải người đàn ông nào họ cũng muốn cho đâu. Còn lão ta làm em tởm lợm. Em không hiểu tại sao như thế. Em không ngủ chung nữa. Để xem nào, ba tháng trước ngày em trở lại với anh, em đã không ngủ chung với lão ta lần nào.
– Thôi không nói chuyện đó nữa.
Nàng mân mê những gióng xương sườn của anh như muốn tìm xem Chúa đã rút ra dẻo sườn nào của anh để nặn ra nàng.
– Anh cũng không đến nỗi gầy – nàng nói.
Một ông quản giáo khá nhân đức, có lần khuyên anh khi dẫn anh đi cung: “Nếu anh tin là anh oan thì đừng bi quan. Không bi quan thì anh còn béo lên nữa đấy”. Anh không buồn, không bi quan, nhưng anh không thể lạc quan được. Người ta đã đặt anh lên bàn mổ vì bị bệnh ghẻ. Anh không lạc quan được. Anh giận đời. Anh không béo lên nhưng cũng không đến nỗi gầy mòn.
Chi ép sát vào người anh. Nàng vẫn không cởi quần áo ngủ. Anh băn khoăn và nóng ruột. Trời bắt đầu nóng. Cái quần xoa màu xanh da trời của nàng cọ xát vào đùi anh như muốn bốc lửa. Anh bảo nàng:
– Em cởi quần áo ra đi.
– Đừng anh – nàng nói, bỗng nín bặt, rồi tiếp – anh Tuấn, anh là người từng trải, em muốn hỏi anh điều này.
– Em hỏi đi.
– Người ta nói chuyện ấy cũng giống như ăn uống. Người đói thường chết vào giữa ngày mùa vì bội thực phải không anh?
– Đúng thế – anh cười, muốn quay người hôn sự ngây thơ của nàng – họ phải ăn dần dần cho quen.
– Anh có cần làm quen dần dần không anh? Anh có vẻ không được khỏe.
– Nếu ở tù mà anh khỏe ra thì người ta sinh ra nhà tù để làm gì? – anh nói – Vả lại, chuyện đó thì không có cách gì để làm dần dần được, em yêu ạ. Anh muốn yêu em. Như con sư tử ấy, anh không có cách gì làm dần dần được.
– ừ nhỉ! – Chi cũng như anh, thường hay nói hai tiếng đó. Như là họ sinh ra trong cuộc đời này để sửng sốt và ngạc nhiên. Như là họ lạc bước vào cuộc đời này.
Chi đứng lên, ra khỏi giường. Nàng kéo tấm màn che cửa sổ cho kín hơn rồi lặng lẽ cởi quần áo. Anh run rẩy nhìn lên trần nhà. Trần lắp bằng những tấm bê tông đúc sẵn. Sự dối trá về kỹ thuật đè lên cảm xúc êm dịu của anh. Vẫn còn một miếng giấy xi măng dính vào bê tông. Có lẽ một thế kỷ nữa miếng giấy ấy vẫn còn. Di chỉ một thời nhanh nhiều tốt rẻ. Anh không thể nhìn lâu miếng giấy quái gở, quay người lại. Chi đứng đó. Chi của anh, toàn vẹn và thuần khiết. Nàng đỏ mặt. Cái màu đỏ ấy cũng là của nàng dành cho anh. Như không chịu được cái nhìn thiêu cháy của anh, Chi nhảy lên giường, quỳ hai chân trên tấm chiếu, đan hai tay vào nhau để nâng đầu anh lên, không để lại cho anh cái khoảng cách tuyệt vời để anh có thể ngắm nhìn nàng nữa. Cái khoảng cách ấy mất dần rồi mất hẳn, mất vĩnh viễn. Anh bàng hoàng vì sự hẫng hụt của tự do. Cảm giác da thịt bị cấm đoán, bị dồn nén, bị sỉ nhục, bị xua đuổi về con số không thảm hại trong tám tháng qua đang sống lại trong anh cùng với tự do. Anh cảm thấy tự do khi anh có trong vòng tay anh, trong biển lửa ngực anh, trong ám ảnh của hồn anh người ấy, người này: Chi của anh. Nếu trong ngày trở về anh không còn nàng, tự do đối với anh chỉ là sự giễu cợt. Anh đang hạnh phúc.
Anh thức dậy vào quãng một giờ chiều. Người anh nhẹ tênh, không còn trọng lượng nữa. Mở mắt ra, Chi đang quỳ gối bên cạnh nhìn anh. Hai bờ vai của nàng còn những vết cào cấu của móng tay anh, không chảy máu vì anh đã kịp sửa sang bộ móng tay trước khi gặp nàng. Bộ móng tay nhọn hoắt là công cụ duy nhất của người tù. Chúng giúp anh được khá nhiều việc, gãi và bắt rận thì rất tốt. Anh đã nấu kỹ quần áo rồi, anh không cần chúng nữa. Cắt móng tay, việc cuối cùng để hòa nhập và làm quen với tự do.
Chi nâng bàn tay xanh xao của anh lên:
– Những sợi mạch máu xanh, sao em sợ thế.
Anh biết nàng rất sợ chuột, khiếp đảm rắn và giờ đây nàng đang sợ những sợi mạch máu xanh.
– Để em sửa lại móng tay cho anh. Còn nhiều vết xước. Anh cào em đau quá.
Chi quỳ. Hai đầu gối chạm vào nhau, đùi của nàng thon và khép kín như đùi vũ nữ. Giữa những tiếng giũa nhẹ trên đầu ngón tay, anh chăm chú nhìn bộ đùi của nàng, nhìn cái ốc đảo xanh rờn, cái bụng thon nhỏ và bộ ngực khát khao, cái cổ vời vợi không kích thước như trong suốt vì nó phải đỡ một linh hồn. Anh đau nhói nơi ngực trước những gì anh nhìn thấy. Sức mạnh được hồi sinh, anh cảm thấy trọng lượng dần dần trở lại. Hồn anh được chắp cánh. Anh đang trở lại là Đào Văn Tuấn, kỹ sư bậc năm, biết giỏi tiếng Pháp, một ít tiếng Nga, có khả năng sáng tạo tức là khả năng nhìn thấy những điều chưa ai nhìn thấy. Anh không còn hận thù. Anh đã sống lại. Lần đầu tiên trong đời anh thấu hiểu ý tưởng của Đốtxtôiépxki: cái đẹp sẽ cứu thế giới này. Nó đang cứu vớt cuộc đời đã có lúc anh tưởng là đồ bỏ đi, mang số tù 3215, có tên là Đào Văn Tuấn.
Anh rút bàn tay đã được trau chuốt khỏi tay Chi, quay mặt đi. Như một ông vua biết sợ hãi vì cương vực quá rộng lớn của vương quốc mình, anh rời mắt khỏi bình nguyên, khỏi ốc đảo xanh rờn, khỏi vẻ đẹp vời vợi, thuần khiến. Anh muốn trút khỏi hận thù, muốn tha thứ vì ông vua mới sinh hoàng tử.
Nhưng cuộc thăng hoa không được lâu. Anh đã từ trời cao rơi xuống đất. Anh rời khỏi tay Chi, rời khỏi giường, lặng lẽ mặc quần áo. Chi bước đến bên anh, ôm cổ anh. Anh hôn nàng. Nhưng nàng chợt hiểu là anh không hôn nàng như đã hôn buổi sáng nay, như đã hôn nàng lúc nãy. Nàng vào buồng tắm, mang theo áo quần. Anh nhìn theo và anh muốn khóc.
Họ lại ăn bánh mì nguội với ít bơ trộn muối, trễ nải bóc nốt chiếc bánh chưng còn lại. Anh không thể nhai được, quẳng mẩu bánh ăn dở vào cái sọt rác đã đầy ắp những câu chữ có lẽ thú vị nhất của nhà văn bạn anh. Có lần Thảo nói với anh: “Những câu mình xóa đi té ra lại là những câu hay nhất”. Thảo vứt đi những đoạn văn hay, chân thật và đưa in những mẩu văn chương trong như nước lọc, làm như vậy để làm gì? có lợi cho ai? Cả nhà văn lẫn độc giả đều không có lợi gì trong chuyện đó.
Cái sọt chất đầy những thứ không xài được kéo anh trở về cuộc vật lộn mà anh, Đào Văn Tuấn, ba mươi hai tuổi, đang loạng choạng đứng dậy sau cú nốc ao hiểm hóc và xảo quyệt của một thằng lưu manh giỏi võ Tàu.
Thằng ấy là ai? Câu hỏi này xoắn trong đầu anh từ nhiều tháng nay. Nó chỉ được giũ bỏ khi anh hòa nhập và tan chảy vào trong vẻ đẹp cội nguồn và bất tận của nàng, nay lại đang làm anh day dứt. Anh phải biết tên của hắn. Anh bảo Chi;
– ở trong tù anh chỉ có hai ý nghĩ là được trở về để yêu em và trả thù. Yêu em và thù hận đã là hai cái neo giữ anh với cuộc sống. Nhiều lúc anh muốn chết đi cho xong. Nhưng nhờ có em và hắn ta mà anh gượng lại được.
– Hắn ta là ai? – Chi hỏi.
– Anh chưa biết.
Cổ anh nghẹn lại, không vì nỗi xao xuyến khi anh cảm thấy hạnh phúc. Mà vì anh đang nhức buốt trong lồng ngực.
– Quên họ đi để yêu em, anh – Chi nói – anh thoát ra khỏi cái guồng máy vô hình ấy là may. Con người bé nhỏ là cái gì trong guồng máy khổng lồ của xã hội.
– Nếu con người không ra gì thì tất cả sự nghiệp này vứt đi hết.
– Bình tĩnh anh – Chi nắm bàn tay đang run của anh.
Anh nhìn Chi với vẻ thấu hiểu. Anh biết Chi không vì câu nói thẳng thừng của anh mà lảng tránh những ý nghĩ cố chấp của nàng. Chi chỉ nhượng bộ vì một điều duy nhất, đó là tình yêu. Chi, người đàn bà ít mong manh, không lệ thuộc.
Nắng buổi chiều xiên khoai qua kính cửa sổ. Những ô vuông di động trên nền nhà. Miếng da lừa nhỏ dần lại. Họ thảng thốt nhìn nhau. Họ đang bị đầu độc bởi những ý nghĩ tai hại: mỗi lần bắt buộc phải rời nhau họ đều nghĩ tới cái chết. Cuộc tình của họ tồn tại mất cân bằng không phải chỉ trên bình diện xã hội mà trong cả những ý nghĩ và thước đo giá trị tầm thường nhất.
Anh quỳ xuống sàn nhà và ôm lấy đầu gối Chi. Má anh như bỏng lửa trên đôi đầu gối bình thản. Có cái gì đó đã len vào bản hòa tấu dịu dàng của họ. Họ vừa bị đầu độc, họ không còn đủ sức duy trì giấc mơ.
(Còn tiếp)
N.Q.T