Ngoài khơi miền đất hứa – Tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân .

3

 

Sau khi uống với nhau một cốc cà phê ở quán Cây Táo, anh chia tay với Chi rồi đến Bích. Bích là người đàn bà thứ hai anh phải gặp sau một sự kiện bi thảm như tám tháng vừa qua. Giờ này chắc Bích đã về nhà. Là phó chi nhánh một ngân hàng quận, Bích phải làm việc đúng giờ giấc. Kỷ cương vẫn giữ vững ở những cơ quan nhà nước nào nhân viên còn sống được nhờ tiền lương và bổng lộc.

Nhà Bích ở phố Bờ Sông, dãy phố trước đây sầm uất vì có nhiều người Hoa cư trú. Sau khi họ ra đi, nhà cửa và cư dân vẫn đông như cũ, nhưng dãy phố mất hẳn vẻ xô bồ, nhộn nhạo và không còn ngậy lên mùi ngũ vị hương, tiếng rao lạc rang nóng giòn ngọt mặn, tiếng tẩm quất thỉnh thoảng kéo dài như một con tắc kè cầm canh cùng tiếng rì rầm thâu đêm đặc biệt của phố người Tàu.

Thời kỳ thành phố bị Mỹ ném bom, bố mẹ Bích bỏ hẳn không ở ngôi nhà phố Bờ Sông nữa. Sau chiến tranh nó mới được sửa sang lại. Đó là một trong ba ngôi nhà của gia đình Bích, một nhà tư sản rất đặc biệt, giàu rất nhanh sau ngày giải phóng, phất to trong thời chiến tranh, được củng cố vững chắc dưới thời xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bích là một cô gái con nhà giàu, sinh ra trong hoàn cảnh gia đình đã rất giàu có. Khi Tuấn gạn hỏi, nàng vẫn tỏ ra ngạc nhiên, không hiểu vì sao một ông già hiền lành, thật thà như bố nàng lại có thể phất lên được một gia sản đáng kể trong khoảng thời gian chỉ một hai chục năm. Hồi Pháp chiếm đóng, ông chỉ là một ông nhân viên bưu điện bình thường. Trong những ngày mới giải phóng, khi mọi người tìm cách đẩy ra khỏi nhà những thứ đồ đạc dính dáng đến quân xâm lược vừa rút vào Nam thì ông chăm chỉ thu nhặt hoặc tung tiền ra mua với giá rẻ như bèo. Nghĩa là ông làm cái việc ngược đời, khác thiên hạ. Ông mua vàng khi mọi người tin vào lời đồn đại là những người có vàng sẽ bị đưa ra đấu tố. Ông còn tha về sập gụ, tủ chè, đồ cổ, cả những vỏ chai rượu Tây, những bộ quần áo sĩ quan có cả lon, những chiếc Rađiô đồng nát. Còn phải kể thêm những lọ nước hoa và lọ dầu bidăngtin chải tóc, lavabô được tháo ra từ biệt thự người Âu hay khách sạn. Những nơi đó bị bọn trộm cắp vào hôi của, tan hoang như quán chợ chiều. Trong ngày trăng mật cách mạng ấy ít ai để ý đến những thứ đó. Những ông bà tư sản thực thụ không di cư thì đóng cửa âm ỉ cả ngày suốt một mùa hè nóng bức. Quần chúng thì rủ nhau xem văn công kháng chiến hay xi-nê ngoài bãi chợ, những thứ trước đây chưa có bao giờ. Trong lúc đó, ông già của Bích tỉnh như sáo, nhặt nhạnh được đủ thứ. Suốt một đời ông mơ sắm được những thứ mà nay chỉ cần chịu khó đi nhặt hay mua rẻ là có trong nhà.

Mọi thứ rồi cũng qua đi. Cả nhà Bích và bà con thân thuộc ngơ ngác, không ngờ ông bố thường bị mọi người giễu cợt vì tính gàn dở lại có thể hái ra tiền nhờ những thứ đồng nát ấy. Khi cơn say cách mạng và kháng chiến dịu xuống, đời sống trở lại làm ăn chưng diện bình thường, người ta nhìn cái sập gụ với đôi mắt háo hức hơn. Bố Bích bán dần, tích thành vốn. Rồi phép mầu hiện ra làm cái vốn ban đầu ấy thành “tư bản”. Trong một chiếc rađiô mua lại của một bà chè chai lông vịt với giá chỉ bằng hai quả trứng gà, ông bố Bích, người nhân viên bưu điện nghèo, có tính nhặt nhạnh và lưu trữ, đã tìm thấy một gói vàng lá. Ông mở một cửa hàng bán đồ sắt vì ông thấy mình có duyên thầm với thứ hàng ai cũng rẻ rúng nhưng thực ra hốt bạc. Riêng cái nhà ở phố Bờ Sông, nơi Bích ở hiện nay cũng là do ông mua trong thời cải tạo tư sản với giá tiền bằng chiếc xe đạp. Ông đứng tên một bà cô già, bà cô giữ nhà cho ông suốt thời kỳ nhiều người hoảng loạn vì nhà của mình nhiều phòng quá.

Thời chống Mỹ, ông cũng phất to nhờ sự gan lỳ và tài nhặt nhạnh của ông. Mọi người rủ nhau sơ tán, nhà rẻ như củi. Ông mua thêm một cái nhà nữa, bây giờ chị gái Bích đang ở. Ông lại khuân về nhà những thứ ai cũng chán ghét trong hoàn cảnh chiến tranh. Nguyên tắc của ông là phải mua áo rét ngay giữa mùa hè. Cái nhìn của một viên chức nghèo có đồng tiền eo hẹp đã giúp ông thành công giữa một thời manh mún, chắp vá trong chuyện làm ăn.

Khi ông bố qua đời, ông trối lại để ngôi nhà Bờ Sông và ít vốn cho Bích. Ngôi nhà khá đẹp và xinh xắn, có lầu và miếng sân thượng nhỏ dưới giàn hoa che nắng. Bích bắt người anh làm giấy tờ, chuyển trước bạ hoàn chỉnh rồi dọn đến ở ngay. Cả nhà khuyên can không được. ít cô gái độc thân dám ra ở riêng như Bích. Bích cần tự do. Nàng không chịu nổi cảnh mốc meo của gia đình vẫn còn khá nhiều đồ cổ và một bà chị dâu khó tính. Người anh đành chỉ biết lắc đầu chán nản: “Con gái thời nay biết thế nào mà chiều!” Bích thuộc loại những cô gái “không biết thế nào mà chiều” ấy.

Tuấn quen Bích cũng do tình cờ. Không biết có bao nhiêu chuyện tình cờ đã làm nên đời anh. Để trả công cho nhóm kỹ sư được thuê làm hoàn chỉnh một quy trình công nghệ về hóa dẻo, ông giám đốc nhà máy hóa chất nọ, vì thiếu tiền mặt đã nghĩ ra một cách thông minh đến khủng khiếp là chuyển cho Tuấn, người đứng đầu nhóm một tờ séc. Anh cầm tờ séc đến ngân hàng, suýt nữa chết ngạt trong đám người hỗn độn sặc sụa lên vì mùi mồ hôi dầu và khói thuốc lá. Anh bơi lội trước hàng dãy ghi-sê, cạnh những người có bộ mặt rầu rĩ đến thảm hại. Lưng anh đầm đìa mồ hôi trong một ngày giá lạnh giáp Tết, chỉ còn ước mơ duy nhất là thoát được ra khỏi đám người và lấy lại tờ séc chắc là có thể mang về thay một cái tranh Tết. Bỗng sự tình cờ đầy phép lạ đã hiện ra. Giữa đám nữ nhân viên ngân hàng xinh đẹp và cau có, Bích đứng lên, vươn vai để giũ khỏi đám giấy tờ trước mặt. Nàng nhìn thấy Tuấn giữa đám nạn nhân đông đảo của nàng. Anh có gì trên người để nàng chú ý? Chưa bao giờ anh nghĩ là mình đẹp trai. Cái bản mặt trí thức của anh ngoài việc chường ra cho thiên hạ trút vào những mỹ từ như tự do, kiêu ngạo, mất lập trường… cái mặt ấy chưa hề được việc gì trên đời. Vậy mà hôm nay nó đã cứu anh. Bích nhoài người ra ngoài ghi-sê, hét to: “Séc của anh đâu?”. Anh lắc đầu nghe không rõ. Bích hét lại hai lần và chính lúc đó anh bỗng có cảm giác là mình đang đọc đến đoạn kết tài tình một truyện khoa học viễn tưởng của Oen-xơ.

Tuy đã có quý nhân phù trợ, nhưng đến cuối giờ anh mới lĩnh được tiền. Trên đường về nhà, anh phải dừng xe lại vì trước mặt anh là Bích, vị cứu tinh đã đưa anh ra khỏi địa ngục của những đồng tiền âm phủ là những tờ séc. Bích hỏng xe, nàng mếu dở với chiếc xích chốc chốc lại tụt ra. Anh đã chữa cái xích cho nàng mất hai tiếng đồng hồ. Giữa chừng, khoảng hai lần Bích mua sủi dìn cho anh. Vì tay anh bẩn nên nàng đành đút cho anh ăn, mặt tỉnh khô như bà mẹ trẻ bón cơm cho thằng con nhỏ. Anh biết mình đã gặp được một cô gái muốn làm gì là làm, mạnh mẽ và bất cần lệ thuộc vào con mắt người đời.

Hai hôm sau, anh đến thăm Bích theo lời mời rất kiên quyết và không thể từ chối được của nàng. Vừa uống xong chén nước, nàng hỏi:

– Anh có vợ chưa?

Không giống những cô gái khác. Các cô thường muốn biết chuyện quan trọng đó một cách tế nhị hơn.

Anh đáp là đã có vợ nhưng bây giờ anh không có nữa. Bích không hỏi thêm. Nàng nói:

– Cũng là một điều hay.

Dạo đó anh đã mất Chi. Không còn nơi bấu víu, bị thả vào sa mạc mênh mông, hễ có thời gian là anh lại đến thăm Bích. Và Bích cũng không bỏ lỡ một dịp nào để mời anh đến thăm nàng. Tình thân giữa hai người, bắt đầu từ một tờ séc, mỗi ngày một gắn bó. Nhưng Bích không lấp nổi cái hố sâu thẳm của Chi để lại. Chi đi lấy chồng mang theo của anh những ngày sống tuy chập chờn, không mấy thanh thản nhưng có ý nghĩa với đời anh đến thế nào. Sau lưng Chi, anh đứng nhìn hạnh phúc của mình xa dần rồi mất hút trong đám bụi của thời gian và trần thế. Khi nhận lời đến thăm Bích lần này đến lượt khác anh không hề có ý nghĩ là Bích sẽ làm anh sống lại, sẽ trả lại anh những gì Chi đã mang theo. Không, anh mến Bích vì cá tính mạnh mẽ, một nữ tính mạnh mẽ, anh rất coi trọng điều đó trong người đàn bà. Có Bích anh bớt bơ vơ nhưng đâu phải anh đã tìm thấy cái phao giữa biển cả. Anh chỉ gặp một người đang chết đuối như anh, người đó cùng vùng vẫy với anh và trong chốc lát anh thấy bớt lẻ loi trong cơn hấp hối.

Anh nghĩ rằng Bích cũng hiểu điều đó như anh. Anh cũng tin Bích yêu anh, nàng tưởng anh là cái phao của đời nàng. Anh cô đơn trong nỗi buồn của mình. Còn Bích, nàng lẻ loi trong cảnh ồn ào quanh năm suốt tháng ở ghi-sê ngân hàng, ở phòng khách bao giờ cũng có vài loại người trở lên, trong cảnh giàu sang, sung túc của nàng.

Một lần, khi đã thân tình, Bích hỏi anh:

– Sao anh không lấy vợ đi, anh Tuấn?

– Cũng khó trả lời như anh hỏi cô sao không lấy chồng đi.

– Em cũng định lấy chồng. Nhưng cả thành phố này em không tìm thấy ai.

Nàng ủ dột, nói lên nghịch lý:

– Em có nhà, có vàng, có vị trí xã hội nhiều người thèm muốn. Vì thế, chỉ có bọn ruồi nhặng mới quấn lấy em.

Bích kể cho anh nghe một ông giám đốc nọ đã có lần quỳ xuống hôn chân nàng để cầu xin tình yêu như thế nào. Bích nói với ông ta: “Anh bỏ vợ đi, tôi lấy”. Ông giám đốc tái mặt, lắp bắp: “Lạy em, bỏ vợ thì anh tan tành sự nghiệp mất, em thông cảm cho anh. Nếu yêu được nhau thì em và anh đều có lợi!”. Lúc đó Bích hiểu ngay ông ta muốn gì. Nàng trả lời: “Xin lỗi anh, đây là tình yêu tiền mặt. Tôi không quen đếm tiền bằng nước bọt của tình nhân”.

Bích chỉ cho anh thấy viên gạch hoa, nơi một thủ trưởng đã biết thế nào là mùi vị của bàn chân đàn bà.

– Đấy là tình yêu thời lạm phát – Tuấn nói.

– Em chán bọn họ, những kẻ mắt này nhìn vào ngực em, mắt kia liếc quầy phát tiền mặt của em, mắt nào cũng hau háu. Trời ơi, em còn khổ hơn cả cô Kiều, vì em đẹp và em giàu. Sao chán thế anh?

Anh hơn Bích khoảng năm tuổi. Nhưng nghe Bích nói anh biết mình đã già. Cuộc sống quay cuồng, đảo lộn, như là cái cọc tiêu đã bay đi mất, mọi người lao vào nhau, hôn nhau, làm tình, cắn xé, cười cợt và tước đoạt lẫn nhau. Chẳng cần một triết gia nào để phát minh ra điều đó.

Anh đùa, nhắc lại hôm lĩnh tiền. Anh nói:

– Hôm trước ấy mà, anh và em quen nhau cũng là phạm trù tiền mặt.

– Không phải thế – Bích nói – Tán tỉnh không lĩnh được tiền. Chúng em giết bọn thủ quỹ mười, có khi hai mươi phần trăm, còn chúng nó giết ai thì mặc. Nhưng anh là kẻ lạc loài. Em thấy anh gườm gườm, rất đàn ông, anh không thiểu não, quỵ lụy như những tay lĩnh tiền khác. Như kiểu anh thì đến thế kỷ hai mốt cũng chưa lĩnh được tiền. Em nghĩ thế và giúp anh, thế thôi.

Quả thật, anh nhớ lại, hôm đó anh có bộ mặt căm thù. Tất cả xung quanh như muốn cắn xé anh, thóa mạ lên niềm tin và sự ngây thơ trong sáng của anh, kể cả ông giám đốc đã dúi vào tay anh món tiền âm phủ ấy nữa.

Anh biết Bích đối với anh không như đối với số người đủ loại thường đến nhà Bích. Anh là thằng đàn ông Bích đang tìm kiếm chăng? Nhưng về phía anh, anh không còn có sự run rẩy muôn thuở. Bích không phải là người đàn bà của anh. Bích quá đẹp, vẻ đẹp lồ lộ, vẻ đẹp ấy không nâng người tình của mình lên cao mà đủ sức mạnh dí nhân cách anh ta xuống đất. Anh hâm mộ nhưng sợ hãi vẻ đẹp ấy. Tóm lại là vì anh đã từng có Chi.

Anh thường đến nhà Bích, chuyện gẫu với nàng dăm ba câu, uống một cốc cà phê, nghe lời bộc bạch của nhân chứng thời lạm phát. Những câu chuyện xoay quanh tiền mặt – tình yêu tiền mặt – lãi suất – chiếm lĩnh vốn – vay trả vòng vèo của Bích và những người khách si tình còn thú vị hơn cả cà phê nữa. Bích đọc nhiều, có trình độ hiểu biết rất khá. Nàng có khả năng châm biếm sắc nhọn nên những câu nói và chuyện trò của nàng còn hấp dẫn hơn cả sắc đẹp.

Giữa câu chuyện phiếm và đám thực khách hỗn độn, Bích vẫn dành cho Tuấn những tình cảm riêng. Anh biết điều đó nhờ kinh nghiệm của mình. Bích yêu anh, một tình yêu không ai ngờ còn tồn tại với một người như nàng, thậm chí còn tồn tại trên đời này. Bích biết rõ anh không lạ gì về nàng, về cái “câu lạc bộ” ở phố Bờ Sông của nàng, nàng đã và đang giao du với ai. Một vài người đeo đuổi Bích vì quá tốn kém phải cấu vào công quỹ đang đi trồng sắn năm hay ba năm ở Lao Cai hay Thanh Hóa. Bích bình luận về họ một cách thản nhiên: “Họ ra tòa và họ thụt két, trước sau gì rồi họ cũng phải ra tòa chứ đâu phải vì em!”.

Có lẽ chỉ mình anh tin là Bích yêu anh với sự trinh bạch chân thành. Anh lạc quan quá chăng? Anh không yêu nàng nên anh không mù quáng, vì thế anh tin là anh nghĩ đúng. Đối với anh, Bích không phải là người yêu, cũng không là cô bạn gái bình thường. Một quan hệ trong sáng nhưng không rõ ràng.

Cho đến một hôm. Anh còn nhớ, họ ngồi nói chuyện với nhau đến khuya. Bích đã mua được một chiếc cúp đời 81. Nàng bảo anh vứt xe đạp lại rồi lấy xe máy đưa anh về. Anh ngồi sau Bích, chiếc xe vun vút trên đường phố vắng mất điện, Bích phanh xe: “Anh không nghĩ tới em lúc quay về à? Chúng nó sẵn sàng đổi một mạng người để lấy chiếc xe đạp rồi đấy”. Họ quay lại. Bích cất xe, khóa cửa. “ở lại với em, anh”. Anh im lặng. Bích pha cà phê, mở tủ lấy rượu. Tủ rượu của Bích đặt kín đáo trong góc nhà. Anh biết trong tủ có rất nhiều rượu ngon. Napôlêông, Vang Nga, Vốtca, thỉnh thoảng lại xuất hiện một chai Mácten nút đỏ. “Đó là quà của một ông bạn – Bích nói vẻ bí mật – một vị đi Hồng Công và Tôkyô như đi chợ! Rồi cũng có lúc anh sẽ chạm trán anh ta, một anh chàng rất khỏe, một ông bự đang nổi như cồn ở xứ này”. Anh nghe mà ngạc nhiên vì sao anh lại chưa hề gặp người hùng ấy ở nhà Bích bao giờ.

– Anh không uống nữa đâu – anh bảo Bích khi thấy nàng tìm cách khui một chai vang, trong đầu vẫn cố đoán xem con người rất khỏe kia là ai.

– Anh ta cũng không xa lạ gì với anh – Bích như đoán được ý nghĩ của anh – Nhưng cứ uống cái đã. Nhẹ thôi, vang mà!

Bích uống được. Từ lâu anh vẫn nghĩ về tác dụng của rượu đối với đàn bà. Rượu làm Bích đẹp lên, lộng lẫy hơn và lạ thay khi nàng uống anh không hề nghĩ tới phẩm hạnh chẳng lấy gì làm nết na của nàng. Bích biết uống vừa phải, đúng mức. Nghĩa là lúc vẻ đẹp của nàng chênh vênh bên bờ vực. Một chén nữa là vực thẳm. Nhưng không bao giờ nàng uống chén đó.

Bích đưa ra một chai vang không nhãn. Anh nhìn thấy màu đỏ tím và mùi thơm đặc biệt của thứ vang đắt tiền đựng trong một chai ARARAT cũ.

– Mời anh uống với em một cốc vang của Giáo hoàng.

– Em đùa hay thật đó?

– Đúng là vang của Giáo hoàng. Thứ vang này người ta chở từ Vatican sang cho các cha cố làm lễ. Tòa giám mục cũng có lúc phải đến ngân hàng. Quà biếu do một ông cha sắp được thụ phong, cha Kính, mang đến. Đây là máu của Chúa. Những ngày lễ trọng, con chiên xứ này được một giọt đã pha thêm nước lã. Còn em, nhân viên ngân hàng, em được biếu cả chai. Đây là vấn đề tiền mặt.

– Đức Chúa con cũng từng bị bán để lấy tiền mặt – anh nói – Ba mươi đồng tiền mặt vào tay Giu-đa.

– Còn đây là Đức Chúa mua. Kia là bán, đây là mua.

Bích nói vẻ nghiêm trang. Đôi mắt thông minh của nàng và khả năng châm biếm làm anh sợ. Nhưng anh không hề run rẩy. Chưa bao giờ anh run rẩy trước nàng như trước Chi. Mà Bích thì đẹp hơn Chi, rực rỡ hơn Chi rất nhiều.

– Anh uống đi – Bích đưa anh một ly vang.

Anh uống. Câu chuyện của Bích làm anh thấy vang không có mùi vị nữa. Đức Chúa nhân từ có chắc cũng thông cảm mà tha thứ cho tệ tiêu cực của ngân hàng. Như Người đã tha thứ người đàn bà phạm tội tà dâm trên bãi cát, giữa đám Pha-ra-si đạo đức giả.

Người đặt cho chúng luật chơi: “Ai trong lũ các ngươi chưa phạm tội tà dâm thì hãy ném đá vào người đàn bà này đi”. Chúng nghe những lời đó thì kế nhau mà đi ra, những người có tuổi đi trước. Đức Chúa đã không ném đá vào người đàn bà. Có lần anh hỏi một vị linh mục: “Vậy thì Đức Chúa đã phạm tội tà dâm chăng, thưa Cha?”. Vị linh mục đáp: “Các vị cha cố thì có thể, nhưng Đức Chúa thì không. Nghĩ như vậy là không giữ trọn đức tin cùng Chúa. Đây là Chúa đã tự nhận tội lỗi vào mình để cứu rỗi người đàn bà bất hạnh”.

Anh đã uống cốc rượu vang này để cứu rỗi cho Bích chăng? Không. Bích không cần ai cứu rỗi. Hai mươi phần trăm chiết vào thủ quỹ là để tồn tại. Còn chuyện kia, nếu có là để chữa bệnh nhức đầu, cân bằng sinh thái. Đâu phải là vấn đề đạo đức. Có lần Bích hỏi anh: “Anh có biết lời răn mới không?”. Anh đáp: “Không biết, Bích cười: “Thế này, điều răn thứ nhất, hãy tìm chỗ thật kín đáo để không ai nhìn thấy và nhớ đừng có bao giờ dắt nhau nhong nhong ngoài phố đông người”.

Nhưng anh biết rõ nàng có một quan niệm khác về tình yêu. Nàng tin rằng có một tình yêu như nàng đọc thấy trong sách. Nàng sống buông thả mà không ngớt khát khao gặp được một tình yêu như nàng mơ ước. Nàng quen thân từ cha cố đến nhà sư, từ bộ trưởng đến anh tài xế, đủ loại người. Nhưng nàng chưa hề gặp được người đàn ông mà nàng muốn gặp.

– Này anh, uống đi chứ. Cha Kính đưa rượu vang cho em. Ông bõ nhà thờ cầm séc ra, thường ông ấy vẫn đi lĩnh tiền. Em nói: ông về bảo ông cha nào trẻ trẻ ra đây, tôi phát cho liền. Tôi chưa bao giờ được trò chuyện với một ông cha cơ đấy. Cha Kính ra thật. Cha đang trông coi việc sửa chữa chủng viện. Em gạt hết các thứ ra, phát tiền cho Nhà Thờ, lại tiền đẹp nữa. Cha Kính cảm ơn. Em nói: “Cha cầu xin ơn Chúa cho con”. Cha nói: “Cha sẽ cầu phúc cho con mỗi tối trước khi đi ngủ”. Rồi cha hỏi địa chỉ nhà em. Hôm sau, cha mang rượu vang của Giáo hoàng đến. Sau đó cha đến thường thường, ăn mặc như một anh cán bộ chạy vật tư. Cha bảo Nhà Thờ nên có quan hệ với ngân hàng, sau việc sửa chữa chủng viện còn nhiều khoản chi tiền hơn. Cha kể chuyện rất vui. Cha còn nói công đồng Vatican đang tranh luận xem cha cố có quyền lấy vợ hay không, Cha nói, trong trường hợp đó thì nên viết lại sách Tân ước và phải có lời răn thích hợp, như bên đời đổi mới tư duy ấy mà. Chính cha đã nói cho em lời răn thứ nhất, nghĩa là đừng có nhong nhong ngoài đường phố, vui đáo để.

Bích uống hết chén rượu. Màu mận chín của thứ vang ý sóng sánh trong chiếc cốc pha lê. Mỗi lúc nàng càng lợi khẩu và duyên sáng.

– Còn lời răn thứ hai? – Tuấn hỏi.

– Thôi, để dịp khác anh.

Bích đặt ly xuống bàn, nghiêng khuôn mặt trái xoan về phía anh. Nét duyên dáng thành thị làm Bích thật gợi cảm. Nhưng lòng anh trống rỗng. Cả ly vang của Giáo hoàng cũng không làm anh nóng lên được chút nào.

Bích vào buồng trong. Anh biết nàng đang thay quần áo. Lát sau, nàng hiện ra trong bộ đồ ngủ Thái Lan. Anh có cảm giác nhà tạo mốt của bộ đồ này đã say mê Bích và vẽ tặng nàng kiểu quần áo ngủ đó, chỉ cho nàng thôi. Nó làm cơ thể Bích đẹp lên lạ lùng. Một sự khỏa thân trong vải, chập chờn, huyền bí.

– Vào đây anh – Bích bật tắt đèn.

Anh vào buồng trong. Trong khi cởi bộ quần áo đầy bụi của mình, anh nhìn Bích trên tấm ga giường trắng. ánh sáng đèn ngủ màu hồng. Anh khoanh tay nhìn Bích. Bộ đồ ngủ Thái Lan đã biến mất như nó vừa tan vào da thịt. Trước mắt anh sự khỏa thân không còn vẻ bí ẩn nữa dù nó vẫn tuyệt mỹ, thách thức, kiêu căng.

– Lại với em, anh! – Bích nói, giọng nàng mơn man đầy nữ tính, như có một con mèo cọ nhẹ vào da thịt anh.

Anh bước lại chiếc giường, lòng trống rỗng. Anh đã hôn Bích, đáp lại những cử chỉ âu yếm của nàng. Anh cũng muốn thiêu cháy trước ngọn lửa mỗi lúc một say đắm của thân thể nàng. Nhưng lòng anh vẫn trống rỗng. Như có một cái gì tuyệt đẹp đang chờ anh ở cuối con đường nên anh không thể dừng lại đây dù một phút. Anh không thể làm gì được. Anh tan rã. Bích khóc. Anh cảm thấy nhục nhã, ê chề và nhão ra thành một thứ bùn không đáng giá một xu trước những giọt nước mắt ấy. Anh mặc quần áo, lấy xe, lặng lẽ dắt ra ngoài. Bờ sông vắng tanh. Lúc đó anh mong sao có một thằng cướp nào đó thọc một lưỡi dao vào tim anh cho rồi.

Từ đêm ấy quan hệ giữa anh và Bích thật rõ ràng. Bích đủ thông minh và từng trải để biết rõ vì sao chuyện lại xẩy ra như vậy. Anh không yêu nàng. Nàng không giận và chỉ sau mấy ngày, vì cô đơn, vì nhớ căn nhà với những chuyện trời đất vui vẻ, anh lại lò dò dắt chiếc xe đạp khổ vào ngõ nhà Bích.

N.Q.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder