
4
Bà giúp việc, thím Voòng, người Trung Quốc ra mở cổng cho anh. Với anh, thím Voòng là người Trung Quốc vì hầu như bà không nói sõi tiếng Việt như nhiều người Việt gốc Hoa khác.
– Ôông Tún, mời ôong dào. Cô dà thấy ôong chắc dà vui lắm đới – thím Voòng nói một cách khó khăn.
Thím là người giúp việc cho bố Bích từ thời con gái, hồi đó thím theo đội quân Tàu Tưởng sang đây. Thím nấu được nhiều món ăn đặc sản và việc trong nhà cũng rất thạo. Lúc Bích ra ở riêng, thím theo Bích về. Hồi người Hoa ra đi, thím ra bến tiễn những người quen biết lên thuyền ra biển, lần nào thím cũng về nhà với đôi mắt đỏ hoe. Nhưng thím không đi. Thím mến Bích lắm, coi Bích như con và không thể nào rời được nàng. Thím còn bảo với Bích, bây giờ hai nước đang giận nhau nhưng trước sau rồi cũng làm lành với nhau, ở đây hay về Trung Quốc thì cũng thế. Bích nói: thím muốn đi thì tôi cũng không cho đi. Thím là người của giai cấp vô sản quốc tế, sợ cóc gì!
Hễ có dịp nói chuyện với Tuấn (thường là những lúc anh ngồi đợi Bích đi làm về) là thím Voòng lại nhắc đến đứa em trai để lại bên Trung Quốc, một cái làng heo hút thuộc tỉnh Phúc Kiến. Đó là người bà con duy nhất mà thím còn nhớ lại được.
Bích chưa ăn cơm. Gặp lại anh nàng te tái như một con gà mái lắm điều, Bích trách anh sao lại không gửi địa chỉ cho nàng để thăm nuôi, lúc được tha không điện cho nàng đón, về thành phố lại không đến với nàng ngay. Nàng biết rõ anh đã có Chi, chính Chi đã gánh hết những việc nàng muốn làm để đỡ đần anh trong cơn hoạn nạn. Nhưng Bích đang làm như đối với nàng thì Chi chẳng là cái đinh gì. Nàng hò hét thím Voòng ra phố mua thêm thức ăn chín, cố tìm được món vó bò là món anh thích, rồi săm sắn dọn cơm, bắt anh ở lại ăn cho bằng được.
Bích mở tủ rượu, đặt lên bàn chai ARARAT đựng thứ vang màu mận chín. Tuấn có cảm giác là tám tháng qua ở nhà Bích mọi thứ vẫn y nguyên.
– Thím ơi, thím khóa cổng lại, ai hỏi thím bảo tôi đi vắng nhé – nàng quay sang anh – hôm nay anh phải uống với em để mừng ngày anh được trở về. Em vẫn để dành vang của Giáo hoàng cho anh đấy.
Nàng rót vang vào cốc cho anh, cho nàng. Hai chiếc cốc cháy lên ngọn lửa màu vang, đằm thắm, sinh động.
– Anh định làm gì chưa?
Anh nâng cốc, lảng tránh câu hỏi.
– Chúc sức khỏe em.
– Chúc anh và chị Chi hạnh phúc – Bích uống một hớp nhỏ rồi đặt ly xuống.
– Em có hay gặp Chi không? – Anh hỏi.
– Không. Chị ấy với em không hợp. Nhưng em thấy anh có lý. Em muốn giúp đỡ anh khi anh được về. Em có nhiều thuận lợi hơn Chi để giúp đỡ anh. Anh định làm gì anh Tuấn?
– Có hai việc trước khi bắt đầu lại cuộc đời – anh định nói, trước khi bắt đầu cuộc đời mới, nhưng không hiểu sao anh không nói như thế nữa. – Anh muốn biết ai đã hại anh. Anh muốn trả thù. Việc thứ hai là rời thành phố. Anh không thể ở thành phố này nữa.
Mặt Bích tái xanh bất ngờ. Một ánh mắt nhìn hoảng hốt, ánh mắt như vừa hé ra cho anh thấy một hang động bí mật, sâu thẳm. Nhưng nó tắt ngay, cái khe hở khép lại thật bất ngờ. Linh tính báo cho anh biết câu anh vừa nói đã đụng tới một cái gì đó liên quan đến Bích.
– Người anh cần trả thù là em – Bích đột ngột nói – Giá như em biết cảnh giác hơn nữa với người đời thì em đã có thể cứu anh. Nhưng chung quy là… em vẫn ngây ngô quá.
Bích uống hết cốc vang như để lấy thêm can đảm. Nàng rót một cốc khác.
– Đúng – nàng nói – anh cần biết ai đã hại anh. Nhưng cha Kính thường nói với em rằng chỉ có Chúa mới có quyền phán xét. Anh cần biết hắn, nhưng trả thù thì không nên.
Anh lắng nghe, một tình cảm mới lạ bắt đầu nhen nhóm trong anh, giống như sáng nay, khi anh ngắm nhìn Chi trong lúc nàng dịu dàng cắt sửa móng tay cho anh. Ngoài sân trong bóng tối có tiếng chim bồ câu gù. Tiếng bè gỗ thông xibêri chạm nhau ngoài bờ sông.
– Anh mà bỏ thành phố này đi thì cũng tiếc. Anh gắn bó với nó bao nhiêu năm, bao nhiêu kỷ niệm. Anh đến đây ở với em. Chuyển cả hộ khẩu về, chẳng đi đâu làm gì.
– Em nghĩ ra sáng kiến ấy từ bao giờ đấy?
– Mới đây thôi. Đó là cách giúp đỡ anh. Vả lại… – Bích ngừng lại và anh biết nàng sẽ nói một câu khác với câu nàng đang nói nửa chừng – Nếu anh cưới Chi, cả hai đến ở đây cũng được.
– Em không sợ Chi ghen à?
– Đó là quyền của người ta. Nhưng ai cũng biết em là người đàng hoàng. Em chỉ muốn giúp đỡ anh. Em có điều kiện giúp. Em sẽ… đi ở chỗ khác.
Họ cùng ăn cơm, món vó bò đáng lẽ rất ngon nếu như thím Voòng không làm hỏng mất nước chấm. Thím lén pha vào bát tương gừng thứ gì làm nó ngậy mùi ngũ vị hương. Anh biết thím ít khi để lỡ dịp phổ biến văn minh Hoa Hạ. Nếu hôm nào anh tỏ ý muốn ăn một món Tàu như khâu nhục hay Sủi dìn chẳng hạn, thím vui như mở hội và bỏ công sức làm món đó hết lòng. Anh biết Bích muốn giúp đỡ chân tình. Nhưng Bích sẽ đi đâu nếu cho anh và Chi ở lại đây? Anh đoán Bích đi lấy chồng? Bất kỳ trường hợp nào anh cũng không muốn một người đàn bà sắp xếp hộ đời anh. Anh đã nghĩ chín đường đi nước bước từ những ngày ngồi bắt rận trong tù.
– Dù sao thì anh cũng phải trở lại công việc. Không phải ai cũng có một việc làm như anh. Công việc của một người tự do. Còn như bọn em thì đếm đi đếm lại những cọc tiền, chán quá.
Anh nói:
– Lương cao bổng hậu, hoa khôi của thành phố, được một vị thủ trưởng quỳ xuống hôn chân, em còn chán cái nỗi gì.
– Chưa đủ, anh – Bích đáp uể oải, không hưởng ứng câu nói có vẻ đùa cợt của anh – không phải chuyện số lượng mà là chất lượng của cuộc sống. Em muốn sống khác kia, không phải như thế này. Chúng ta mong một cuộc sống khác kia, phải không anh?
Anh đã chạm vào một lĩnh vực làm Bích đau đầu. Nàng buông đũa. Anh ngừng ăn và họ pha cà phê uống trong khi thím Voòng dọn dẹp bát đĩa đưa xuống bếp. Mùi cà phê làm thần kinh anh dịu đi. Bích đứng dậy, đến trước cái gương lớn. Nàng nhìn thấy anh pha cà phê trong gương và nói chuyện với anh, hai tay vuốt nhẹ lên mặt. Nàng đang tập thể dục cho da mặt, miếng da lừa của đời nàng.
– Sách dạo này nhiều quá, anh Tuấn. Trong tù anh có sách đọc không?
– Có – anh trả lời.
Thực ra sách của anh là những hàng chữ viết bằng móng tay trên tường, những bức tường đen xám do mồ hôi của người tù cọ vào khi họ ngứa vai hay ngứa lưng. Hận bu, thù bố. Phải trả thù – Đứa nào vuốt tóc em ở nhà? Con nhớ mẹ lắm mẹ ơi – Muốn lắm… Đ.m mày muốn cái gì? Sách của anh đó, những cuốn sách viết bằng nước mắt của những số phận bất hạnh.
– Anh Tuấn này, không có sách thì em tự tử lâu rồi. Buồn lắm.
– Cứ vui đời đi, Bích.
Bích rời gương, liếc qua phin cà phê bắt đầu nhỏ những hạt trân châu màu tím xuống đáy cốc. Nàng kéo màn cửa sổ, cầm cái phất trần lên, quét qua mặt tủ ly, sửa lại mấy bông hoa đồng tiền. Bên cạnh lọ hoa là chiếc ví bằng da cá sấu lem luốc nhưng sang trọng.
– Muốn vui đời mà chẳng được – Bích nói như độc thoại – mà đời thì sắp hết mất rồi. Nghĩ cũng buồn, anh Tuấn, ba mươi tuổi, đi làm mười năm, thường xuyên ăn hối lộ hoặc ăn cắp vặt dưới mọi hình thức. Anh thấy cái đời em có chó má không anh Tuấn?
– Đừng sỉ vả mình, Bích. Làm gì đến nỗi thế.
– Đúng thế. Người ta bắt đầu hỏng đi từ lúc lĩnh tháng lương đầu tiên mà chỉ sống được mươi ngày. Những lớp đàn anh sung sướng hơn bọn em vì họ không phải lĩnh thứ lương tháng như thế. Họ ở mặt trận mà. Chẳng thà như thế, anh Tuấn. Còn ở đây… nhiều lúc em nghĩ, mình đã làm nên tích sự gì mà đòi hỏi ăn sung mặc sướng? Mình có quyền gì mà hạch sách thiên hạ. Nhưng dù có biết nghĩ như vậy thì cũng không thoát khỏi cảnh một cây mía đã cho vào che. Nó cứ bị cuốn tuột đi, đời chỉ còn bã. Giá công an đến còng tay em bây giờ em cũng chẳng ân hận gì. Thế này mà gọi là sống ư, anh Tuấn.
Tuấn nói:
– Đã gọi là sống thì có bẩn thỉu, có sạch sẽ, có rận rệp và cũng có anh hùng. Riêng anh, chưa bao giờ anh nghĩ mình là rận rệp cả. Chưa bao giờ, Bích ạ. Tôi oan, Bích. Trong thời gian tôi đưa lưng cho rệp đốt, xã hội bên ngoài có tốt lên tí nào không hả Bích? Vậy thì người ta bắt tôi ở tù để làm gì? Có lợi cho ai vậy? Bích trả lời hộ tôi đi.
– Có người có lợi đấy. Rồi anh sẽ biết điều đó. Nhưng anh hãy dẹp ý nghĩ phục thù đi. Anh cứ sống mạnh mẽ như đã sống nếu anh nghĩ là anh oan, anh đúng. Anh cần tiền không? Em có đủ tiền cho anh để anh được sống hết mình, đừng nham nhở.
Bích quan sát sự thay đổi trên mặt Tuấn và nàng biết mình đã phạm sai lầm. Nàng thở dài, cố mong sao Tuấn đừng để tâm về chuyện nàng đã lỡ buột mồm nói ra chuyện cho Tuấn tiền.
– Chúng mình là những cây nến nham nhở. Anh Huy Thảo là một cây nến nham nhở. Anh ấy thường viết trái với suy nghĩ của mình, viết xong, sách in ra, lại rủa sả mình là giả dối, đấm ngực thình thịch như thằng điên. Cả Chi, cả anh nữa, những cây nến nham nhở. Chi cao thượng, say đắm, gặp được một người như anh mà vẫn nửa vời – Bích đột ngột quay lại anh – sao Chi không bỏ quách lão Thục đi cho rồi?
– Anh không biết – Tuấn trả lời hờ hững, anh vẫn còn khó chịu vì Bích vừa nói rằng nàng đủ tiền nuôi anh, anh lẩm bẩm: thế đó, mi đã thành ra thứ để cho một cô gái như Bích nghĩ đến chuyện bố thí, vậy thì hãy hành động đi, hãy hành động đi trước khi mi biến thành miếng giẻ.
– Trời ơi – Bích ôm đầu – sao chúng mình lại thế này hả anh Tuấn?
– Bích là một cán bộ ngân hàng có quyền thế, được tín nhiệm… – anh nói, bối rối.
– Anh nhầm, anh Tuấn. Giả dối! Suy cho cùng em vẫn là một kẻ vô đạo. Vô đạo ở cơ quan chứ không phải trên giường như người ta đồn, anh hiểu chưa, anh Tuấn?
ở ngoài kia, trong bóng tối phố Bờ Sông yên tĩnh, gỗ cây nhập từ Xibêri về đang chạm vào nhau. Thỉnh thoảng vẫn có những người ra tạc vỏ cây về thổi bị trượt chân. Xác của họ nổi lên giữa những khoảng hở của bè gỗ bạt ngàn. Giá có lần nào đó Bích muốn, nàng chỉ cần bước mấy bước xuống những bực đá lát phủ rêu và những váng dầu, váng mỡ kia. Không thể nào tưởng tượng nổi một nhan sắc như thế lại có thể rập rờn lẫn vào những cây gỗ. Anh thấy hẫng ngực, xót xa.
– Tất cả cũng chỉ để cho vào túi mình những đồng tiền nhơ bẩn, vì bao giờ người ta cũng nơm nớp lo cho ngày mai, người ta mụ đi, quen nết đi.
– Thì đừng như thế nữa – anh nói.
Bích đột ngột nhìn vào mắt anh. Anh chưa hề thấy đôi mắt nào đẹp như thế và dữ dội như thế.
– Sao, anh Tuấn, anh bảo đừng như thế nữa à? Muộn mất rồi, người ta đã làm chúng mình hỏng mất rồi.
Bích không khóc nhưng anh cảm nhận được nước mắt và vị mặn chát của nước mắt trong giọng nói chân thực, đau đớn của nàng.
– Giá như em có cách gì khác? Nhưng có cách gì khác mới được chứ, anh? Họ bổ vây em, không chỉ ở cơ quan mà ngay trong nhà em đây này, em chỉ còn mỗi cách là đồng lõa với mọi thứ để sống như mọi người, thỉnh thoảng lại hối hận như mọi người, sau đó cứ sống tiếp như không có gì xảy ra. Ôi, vì sao chúng mình đến nông nỗi này hả anh?
Anh thấy thương Bích thực lòng. Anh thương anh. Cũng như anh, chắc nàng đã nhiều lần đặt ra những câu hỏi mà biết trước là chẳng thể trả lời được. Anh nhớ những mùa hè đẹp và nóng, những buổi cắm trại dưới hàng cây ven sông, những bài hát tập thể, trên trời bầy phản lực Mỹ vun vút bay đi ném bom một cây cầu, một thành phố nào đó. Lúc đó anh muốn lớn lên thật nhanh để có mặt kịp thời với tương lai. Cái tương lai ấy đang ở trong tay anh. Anh chua chát nhận ra anh đã mất toi tám tháng mười hai ngày rút từ quỹ thời gian tương lai ấy.
Bích ngồi vào bàn, rót nước chè vào chén và cùng uống với anh.
– ý định để anh ở đây với em là nghiêm chỉnh đấy, anh Tuấn ạ. Nếu có người cần ra đi khỏi thành phố này thì người đó là em chứ không phải anh. Em là thứ bỏ đi, sâu mọt, còn anh, anh là nhà sáng tạo, anh nên sống ở đây.
– Anh nguyên là thường phạm, xin em nhớ cho.
– Đừng đổ nước vào bếp, anh. Việc đầu tiên là anh đưa giấy tờ đây, em nhập khẩu cho. Em nói thật đấy.
– Cám ơn lòng tốt của em. Nhưng số phận đã an bài rồi.
– Nếu anh cứ khăng khăng như thế thì em biết làm thế nào bây giờ? Hay là anh nói với anh Thảo?
– Bích đi lấy chồng à?
– Có thể – Bích mỉm cười, buồn.
Rồi nàng nhìn lên tờ lịch, trễ nải xé hai tờ ngày hôm qua và hôm nay, giở một hai tờ nữa, bảo anh:
– Khoảng năm giờ ngày kia, mời anh và anh Thảo đến em chơi. Em muốn tiếp khách lần cuối cùng. Thế nào hai anh cũng đến nhé.
Anh rời nhà Bích, vẫn không hiểu vì sao nàng lại nói đến buổi tiếp khách cuối cùng và giọng nói của nàng lúc đó nghe rất lạ
N.Q.T