8
Huy tạt vào một ngôi nhà mới xây, có cổng, có một miếng sân hẹp, cửa xếp bằng sắt lập là. Một con béc-giê dựng lên trước mặt Huy nhưng con chó ve vẩy đuôi, thân mật hít chân nó rồi theo Huy chạy vào nhà. Lát sau, Huy ra. Nó đút một gói nhỏ bằng bao thuốc RUBY nhưng dài gấp đôi vào bụng. Huy phóng xe rất nhanh, vượt qua ngã ba, ngã tư, vút qua mặt công an giao cảnh đứng bên vệ đường.
Họ đến một bờ sông. Con đường rải đá im phắc. Mây sà thấp xuống rừng sú. Huy khóa xăng, ghếch xe dựa theo mái đê.
– Ngồi xuống đây với em – Huy nói.
Cả ba ngồi xuống cỏ. Hơi sương thấm qua quần. Huy rút bao ba số, quẳng xuống trước mặt. Nó đặt lên bao thuốc lá chiếc bật lửa ga có hình dáng rất lạ. Tuấn cầm lên xe. Chiếc bật lửa mạ vàng, hình vũ nữ cởi truồng dùng manhitô vĩnh cửu thay đá. Lần đầu tiên Tuấn nhìn thấy chiếc bật lửa kiểu mới. Người Nhật quả là có nghệ thuật bán kèm: tình dục, hơi ga và máy móc.
– Hai mươi đô la cái bật lửa này – Tuấn nói, ấn nhẹ đầu ngón tay lên đôi vú mạ vàng, vòi lửa xanh lóe lên – Em đánh cá được – Huy nói tiếp – Một thằng từ miền Trung ra. Nó sắc như dao. Nhưng chịu chơi lắm. Chơi với những đứa sắc sảo dễ chịu lắm. Còn những con sứa, chạm nhẹ vào một tí đã nhão ra, chán bỏ mẹ. Thằng cha miền Trung này mang hàng ra cho bọn em. Nó cũng là dân cửu vạn như em. Nhưng sắc sảo lắm. Nó gọi một con bớp. Nó cá với em cái nịt vú của con bé màu gì. Em thắng, nó mất toi cái bật lửa này.
Thảo nghe hờ hững. Anh thấy lợm ở cổ. Có một thế giới lạ lùng chảy dưới bề sâu dòng sông cuộc đời anh chưa hề biết tới. Anh biết ít quá, ít quá chừng. Anh cảm thấy mình chỉ mới hiểu được lớp váng mỏng trên bề mặt cuộc sống. Vậy mà anh đã dám viết ba cuốn tiểu thuyết khá dày.
– Thằng cha chơi được – Huy kể tiếp – Nó đưa em bật lửa, giả tiền cô điếm, cho cô ta đi. Cô ta chần chừ: “Sao, hai anh không làm gì à?”. Nó nói: “Xong rồi, đi đi!”. Cô điếm hiểu ra, chửi rất tục. Bọn điếm đứa nào chửi cũng rất tục. Thằng cha miền Trung im re. Nó nói: “Nó cho là chúng mình làm nhục nó. Nó chửi cho cũng phải. Chúng mình đánh cá nó như đánh cá ngựa. Mà nó có phải là con ngựa đâu!”.
Thảo buột mồm:
– Trò cặn bã! – anh thấy gai gai sống lưng.
– Nhìn chung thế giới bọn em, các anh gọi là cặn bã ấy mà, nó sòng phẳng, công bằng lắm. Hơn đứt bọn anh. Ngay cô điếm kia cũng không chịu bị coi là ăn mày. Còn bọn anh thì thơm tho nhưng không sạch sẽ. Được ngủ với đàn bà mà không phải trả tiền thì các anh mừng lắm. Nó lợm lợm thế nào ấy. Vì nó giả dối.
– Huy! – Thảo nói – tao đã dối trá với mày bao giờ chưa?
– Với em thì chưa. Vì dối được em cũng khó. Nhưng với cô Thủy ở tầng trên nhà mình thì rồi. Anh viết cho cô gái góa ấy năm lá thư tình màu mỡ, sướt mướt, rốt cuộc cũng chỉ để ngủ với cô ấy một hai lần. Rồi anh chán cô ta ngay. Bọn em thì không thế. Em chưa viết thư cho cô gái nào cả. Nếu cần để làm chuyện đó, em đưa cô ta tiền chứ không phải văn chương. Tiền mồ hôi nước mắt của em, có thể đong gạo được. Còn văn chương của anh thì cô Thủy mua được cái gì?
Thảo im lặng.
– Bọn các anh thường ngủ với cấp dưới, cô văn thư chẳng hạn, rồi tặng cho cô ta một hai bậc lương. Nghĩa là bắt nhà nước trả tiền. Thế là không sòng phẳng. Lợm lắm.
Tuấn không nói gì. Những chuyện ấy đều có thật. Trong tù bọn thường phạm và các cô điếm còn kể những chuyện lợm hơn.
– Làm theo kiểu trao đổi của bọn em thì trí thức các anh lên án đủ điều – Huy vẫn không tha. Tuấn hiểu là nó trả miếng những lời răn dạy của anh về chuyện cưới xin hồi nãy – Các anh cũng làm hệt như vậy thì bắt Nhà nước trợ cấp. Khéo còn được bầu là chiến sĩ thi đua vì các anh giấu những chuyện đó tài hơn mèo. Chúng em thì… cặn bã. Còn đám quý tộc ở nhà chị Bích thì thanh cao trong trắng lắm! Còn bọn em thì cặn bã!
Huy im lặng một chút. Nó triết lý:
– Như vậy là không công bằng. Khi bọn các anh tranh cướp của người ta nhiều thứ quá, kể cả những danh hiệu cao sang, thì người ta cướp lại.
Nói đã thỏa, Huy réo thuốc. Mùi thuốc thơm trong đêm thật quyến rũ. Nhưng nó dập thuốc ngay.
– Đừng hút là hơn. Chó của đồn biên phòng biết đánh hơi mùi thuốc lá. Đồn 52 ở chỗ ngọn đèn vàng vàng kia.
Bãi sú in bóng đen hiền lành trên nền trời. Thủy triều lên từ tốn như đồng lõa, a tòng, khích lệ. Huy rút trong ngực ra gói giấy nó vừa lấy từ tay ai đó trong căn nhà ở phố.
– Các anh biết cái gì đây không?
– Cơm đen à?
– Thứ ấy xưa rồi. Người ta đâu phải dân nhà quê. Cái gói này là một tài sản lớn. Mật người! Các anh lạ lắm phải không? Mật người sấy khô đó.
Người Thảo lại nổi gai. Tuấn không nhìn cái gói.
– Mật người sấy khô – Huy đút gói giấy vuông vắn được gói kỹ trong quan ngoài quách vào ngực mình – Em phải cho các anh biết các anh đang dính vào một vụ như thế nào để liệu mà trả giá cho sự cao hứng của các anh đêm nay. Một vụ buôn bán mật người, mặt hàng ăn khách ở Hồng Kông, Singapo, thế giới dâm đãng. Mật người cũng đãi ra vàng vì nó làm cho đàn ông cường tráng.
– Mày kiếm ở đâu ra? ở biên giới à? – Tuấn hỏi.
– Hồi ở biên giới em chưa giết ai. Em sống trong một cái hố có đắp ụ. Gọi là giữ chốt. Em chưa bắn phát súng nào. Chỉ đói và rét. Thỉnh thoảng đi vặt trộm hoa hồi, có khi ngả cả cây để hái cho nhanh. Cứ tự hỏi mình lên đây để làm gì. Giá có giặc mà đánh xem sao. Nhưng giặc không đến chỗ em. Cái gói này là của ông chủ. Em chỉ có mỗi việc chuyển cái gói từ chỗ này đến chỗ này. Trót lọt thì người ta thí cho ít tiền. Không xong thì nằm nhà muỗi. Em đãi vàng kiểu đó, được chứ, anh Tuấn?
– Ông chủ của mày là ai? – Tuấn hỏi.
– Em cũng không biết. Em cũng không cần biết làm gì. Biết nhiều là không có lợi. Anh là người biết nhiều nên anh mới vất vả thế.
Thảo không còn kiên nhẫn nữa:
– Nhưng mày phải biết thứ hàng mày mang trong người là từ đâu ra chứ.
– Em không biết. Họ giết, họ ăn cắp, họ đào mồ hay bằng cách gì đó. Họ đãi vàng từ cơ thể con người. Đó là việc của họ.
Tuấn chua chát:
– Chết rồi, tao bị mổ ruột thừa một lần. Không biết cái mật của tao còn không?
– Khỏi lo, anh Tuấn. Hồi anh bị mổ bọn buôn lậu chưa liều mạng và tàn bạo như bây giờ. Nhưng xin hai anh nhớ cho là chuyện đâu hãy để đó. Kia rồi.
Từ phía biển có tiếng nước reo nhẹ. Một chiếc thuyền câu lách giữa khoảng sáng của bãi sú phải nhìn kỹ mới thấy. Chiếc thuyền chạm mũi vào bờ đê. Phía lái, một người đàn ông khoảng ba mươi lăm tuổi cầm chèo. Anh ta vạm vỡ, ăn mặc hiện đại, áo chẽn, quần chẽn. ánh sáng mờ từ các con tàu đang neo. Người đàn ông áp sát thuyền. Những động tác thận trọng, căng thẳng nhưng thiện nghệ. Huy dùng tay đỡ nhẹ mũi thuyền. Nó cũng thận trọng không kém. Người đàn ông hất đôi mắt về phía Tuấn và Thảo:
– Ai đó?
– Bạn và anh rể tôi – Huy đáp.
Nó nhảy xuống thuyền bê lên một cái hộp giấy to, mỗi chiều chừng năm mươi phân, vuông vức. Nó đặt cái hộp lên đám cỏ, lấy cái gói trong túi ngực đưa người đàn ông. Anh ta nhét nó vào một trong vô số túi của chiếc áo bò. Liếc nhìn hai người lạ lần nữa, áy náy.
– Còn đây nữa – Huy nói, đưa anh ta một xếp tiền – như đã hẹn, đúng hai mươi bìa, đếm đi.
Người đàn ông đếm. Đếm xong y lấy ra từng tờ, vuốt nhẹ nó giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Giấy bạc sột soạt. Tiếng của những đồng đô la có âm sắc giòn và sắc lạnh.
– Bao giờ tàu nhổ neo? – Huy hỏi.
– Gần sáng. Bai! – Người đàn ông chào, đẩy thuyền ra.
Huy nhìn theo chiếc thuyền xa dần, mờ đi trong bóng đen bãi sú:
– Nó sẽ đánh đắm cái thuyền, leo thang dây lên tàu như một tên cướp biển. Đồ chó. Anh biết nó vuốt tiền làm gì không? – Huy quay sang Thảo – Nó nghi em đưa tiền giả cho nó.
Thảo biết trong bóng tối, chỉ dùng hai ngón tay, Huy có thể lấy ra những tờ đô la giả. Nó đã có lần biểu diễn cho anh xem và nói: “Đây là bài sát hạch nhập hội của bọn em”.
Huy trải một tấm ni lông nhỏ xuống cỏ, mở một bao tải xác rắn. Rồi đổ những thứ trong hộp ra. Một đống đen đen kêu lách cách như biết bò.
– Gì vậy? – Tuấn hỏi.
– Cua Hồng Công – Huy đáp. Nó vơ từng vốc cho vào bao tải.
Tuấn biết đó là đồng hồ điện tử.
– Đưa từ Hồng Công về, chuyển sang Mát cung cấp cho các đồng chí I-van – Huy nói.
Họ quay về, thêm một bao tải đồng hồ. Huy tạt vào một nhà khác, quẳng chiếc bao tải lại. Cả ba ghé vào một quán phở gánh của ông già Bách ăn mỗi người một bát nạm. Phở rất ngon. Bánh giòn, nước dùng nóng, sực mùi hoa hồi.
Huy ăn xong, ghé quán cà phê bên cạnh. Uống xong, nó trả tiền và đưa cho Thảo và Tuấn mỗi người năm ngàn.
– Hai anh cầm lấy.
– Tiền gì vậy? – Tuấn hỏi.
– Tiền công. Các anh đi với em trót lọt. Em được hai mươi đô la. Có thể ở tù, có thể bị đâm chết vì một phản phé rủi ro nào đó. Phần của hai anh là mỗi người một đô la rưỡi. Các anh nhận cho nó sòng phẳng. Em dựa vào đức kín miệng của hai anh.
Nó nhét tiền vào túi Tuấn và Thảo. Đây là lần đầu tiên Thảo làm ra tiền mà không cần bút mực, chữ nghĩa. Chỉ cần kín miệng.
Đột ngột, Huy lấy một xếp tiền to như đã đếm sẵn, đặt vào bàn tay Tuấn:
– Anh Tuấn, việc công xá như vậy đã xong. Còn đây là chuyện tình nghĩa. Từ hôm anh về em muốn biếu anh một chút quà. Nhưng em chưa có. Em xin ông anh nhận cho toàn bộ số tiền em thắng đêm nay.
Tuấn biết không thể từ chối. Anh lẳng lặng nhét tiền vào túi áo ngực. Anh nghĩ: “Bát cơm phiếu mẫu đây. Hôm nào đào được vàng, mình sẽ đưa nó gấp mười!”. Anh thấy vui vui, ấm lòng. Nhưng mắt anh rơm rớm.
– Anh Thảo, quyển sách anh đưa xuất bản dạo nọ xong chưa?
– Chưa – Thảo duỗi chân, ngắm những tấm lịch tờ treo trên tường của quán cà phê đêm. Những cô gái Thái Lan đang mơ màng, ngái ngủ. Anh đáp, giọng buồn buồn.
– Nghĩa là chưa ai trả tiền cho anh?
– Tất nhiên. Mày định trả hộ à?
– Bọn các anh thật mát tính. Làm việc lụi cụi hai năm trời mà vẫn chưa nhận được tiền công. Vậy ra em bỏ học là đúng. May!
– Huy này, – Tuấn nói – cậu thua anh mấy tuổi nhỉ?
– Em hai mươi bảy. Lứa nghĩa vụ bọn em lên biên giới thì đối phương chạy xa rồi.
– Anh sắp rời trường đại học vào bộ đội thì giải phóng miền Nam. Người ta hoãn luôn đến giờ. Anh cũng không được đánh Mỹ.
– Tại sao ai cũng tiếc là không được đánh nhau với nước nào đó? – Huy nói, hồn nhiên – Em thì không. Em không tiếc. Đi đánh nhau thì sung sướng cái nỗi gì.
Tuấn bần thần uống nốt cốc cà phê.
(còn tiếp)
N.Q.T