Ngoài khơi miền đất hứa – Tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân .

VHP: Anh Nguyễn Quang Thân đã từng nhó Ngọc Châu giúp việc khi làm tạp chí CỬA BIỂN THIẾU NHI của Hải Phòng. Sau đó anh vào thành phố Hồ Chí Minh nhưng hai anh em vẫn thường xuyên liên lạc và anh vẫn luôn cho Ngọc Châu đăng bài của anh và chị Dạ Ngân trên Vanhaiphong.com.
Truyện dài THUYỀN NGHIÊNG của nhà văn Dương Thị Nhụn đã đăng hết nên từ hôm nay sẽ đăng tải truyên NGOÀI KHƠI MIỀN ĐẤT HỨA  để cùng nhớ đến một nhà văn tài hoa của Hải Phòng đã rời xa thế giới này
Truyện đã in lần thứ hai tai nhà xuất bản Hội Nhà văn Hà Nội
Bản tiếng Pháp

 Au large de la terre promise

Kim Bayard dịch

Edition Philipe Picquier – France )

————————————————————-

1.

 

Dọc đường anh vẫn cố tưởng tượng xem Chi sẽ đón anh như thế nào. ở trong tù, ngoài những việc sinh hoạt, quét dọn, đổ phân, đi cung, anh còn làm một việc không ai biết: nói chuyện với Chi. Anh tưởng tượng Chi đang ngồi, đang đứng trước mặt anh, có hình hài cụ thể, sống động, hiện hữu bên anh, đối thoại với anh, khỏa lấp đầy cái hố cô đơn sâu thẳm của anh trong tù.

Anh nhét vào một cái bị cói tất cả những thứ anh mang về: bộ quần áo rách, chiếc khăn xé từ áo lót, quần cụt, đôi dép… Anh treo tất cả vào trong hố xí, định bụng sẽ đốt hết vào một ngày nào đó. Bây giờ anh đang mặc một chiếc bò Thái lấy trong mớ quần áo hỗn độn của Huy, em vợ nhà văn Huy Thảo, bạn anh. Chiếc áo pun nhãn USA nhờ cho Thảo mượn mà còn giữ được, làm anh lấy lại lòng tự tin đã bị tổn thương rất nhiều từ ngày còn ở tù. Dưới chân anh là một đôi dép nhựa đế cao, sản xuất ở quận 5 Sài Gòn đang được ưa chuộng. Anh sải bước. Gió biển thổi vào tóc anh. Tuy có gió nhưng không khí đã được nắng hâm lên chút ít rồi. Cái mát mẻ ban mai, ân huệ của thành phố miền biển, nỗi nhớ khôn khuây của anh cũng đã bị xua đuổi đâu mất. Bụi bặm của đường phố hừng hực sự chụp giật, bon chen đã nuốt chửng nó. Anh mạnh mẽ, tự tin, sống lại.

Con Bốp dựng lên sau cánh cổng đan hoa cầu kỳ. Nó thân thiện liếm tay anh khi anh mở cái xích sơn đen. Anh yên tâm tin rằng mùi nhà tù đã được cọ sạch trên da thịt và quần áo.

– Trời anh! Anh Tuấn!

Chi từ trong nhà chạy ra, sững lại, mặt bạc phếch.

– Mở cửa cho anh – Tuấn nói.

– Để em mở. Trời ơi, em mơ hay thực thế này.

Chi mở cái khóa to tướng ở cổng. Hàng chục cái chìa khóa run run trong tay nàng, chạm vào nhau lách cách. Không thể nào tìm ra chìa khóa cổng. Chi giật cái khóa, lôi sợi xích sắt loảng xoảng. Vô ích. Nàng buông thõng tay, dịu lại, nhìn Tuấn qua cánh cổng rồi lại kiên nhẫn lần mò. Cuối cùng cánh cổng bật ra, anh bước vào sân.

– Bà đâu em? – anh đưa mắt nhìn quanh, hỏi.

– Cụ đi chợ chốc về. Cảnh sát đã đi xa.

Chi mỉm cười chua chát. Sau những tháng mỏi mòn con mắt, Chi hiện ra trước mắt anh còn đẹp hơn rất nhiều so với hình ảnh nàng do anh tưởng tượng, nhớ lại. Nàng làm xao xuyến mọi thứ quanh mình khi rót nước cho anh uống. Trước mặt anh, Chi đã từ một nơi xa vời bước lại, đôi mắt ăm ắp những tình cảm bị dồn nén đang phát sáng.

– Sao anh không tin trước cho em? Em tưởng anh từ trên trời rơi xuống, anh Tuấn.

Anh đứng dậy, bước vòng qua chiếc ghế dựa ở bàn viết của Chi, đến bên nàng. Chi đứng lên theo. Mặt nàng từ xanh nhợt chuyển sang ửng đỏ. Anh hôn nàng. Cái hôn của tám tháng mười hai ngày xa thăm thẳm. Toàn thân nàng run lên trong tay anh. Anh cũng run lên, mới ngày hôm qua anh còn cúi đầu, khiếp nhược trước một ông quản giáo, gọi ông ta bằng ông và nhiều lúc cảm thấy mình bé lại, thấp xuống không còn đủ tầm vóc của một con người.

Chi đặt chiếc ấm pha trà Nhật Bản xuống miếng kính mặt bàn. Bộ ấm chén và miếng kính nghe nói Thục đã mua với giá không kém một chỉ vàng. Chi không quan tâm đến tất cả những gì chồng mua về, trừ bộ ấm chén. Vì nàng phải dùng nó để tiếp khách và không ít lần cùng ngồi trầm ngâm uống chè với Tuấn.

– Em đến chỗ Thảo với anh – Tuấn nói.

Cánh tay Chi rủ xuống như không còn gân cốt nữa, nàng làm đổ hai cái chén xuống mặt bàn, may mà chúng không vỡ.

– Bây giờ hả anh?

– Bây giờ.

Chi vào trong buồng. Nàng lách qua rèm làm những cánh hoa vẽ trên mành trúc tan tác, kêu róc rách như tiếng nước chảy. Tuấn nhìn quanh buồng khách với bộ xa lông trải đệm, sạch lau ly nhờ bà mẹ chồng chăm chút. Chiếc tivi mầu bảy hệ với đầu video đặt cạnh, trên có cái cốc nhỏ cắm mấy bông hoa đồng tiền. Sau đó là phòng ngủ, nơi Chi vừa bước vào. Một góc nhà có cầu thang xoắn. Tay cầu thang làm bằng gỗ đánh véc ni và những bậc granitô dẫn lên lầu trên. Một phòng ngủ nữa có lẽ dành cho bà Nhàn, mẹ chồng Chi. Tiếp đó là lối xuống bếp. Ngoài sân, con Bốp mạnh mẽ, sung sức, to như con sói. Nó đang buồn tình cào đám đất, có lẽ tìm con dế gần bụi hồng. Cái đuôi to lớn của nó vổng lên như đuôi sóc. Tuấn ngồi chiêm ngưỡng ngôi nhà, nhớ lại một mét vuông rưỡi với cái trần mét hai. Tuần lễ đầu tiên anh đụng đầu vào trần mỗi khi đứng lên. Một trăm mười lăm lần đụng đầu mới bắt đầu quen với “căn buồng” mới. Ông quản giáo bảo anh: “Khom người xuống, đứng lên là vỡ đầu đấy!”.

Tiếng nước chảy đâu đó nghe xa xôi từ phía sau nhà. Chi có bao giờ mặc cảm tội lỗi không? Anh nghĩ về điều đó khi nghe nước chảy róc rách. Không. Cả anh cũng vậy. Anh không hề nghĩ là mình tội lỗi. Với anh, Chi bao giờ cũng trong trắng, cao cả và có lý.

Nàng đã bước ra, mặt đỏ hồng, tươi mát. Một vạt áo mỏng dính vào lưng, nơi Chi lau chưa kỹ. Anh thấy nghẹn ngào. Tám tháng nay anh chỉ thấy nàng qua song sắt, cảm nhận hơi ấm tay nàng qua những gói ruốc bông, miếng xà phòng, những hạt lạc rang tẩm muối, những thứ anh phải chia đều cho mọi người. Trong thời gian đó Chi phải đội tên một chị bạn góa chồng. Vốn là người ngay thẳng, nàng bắt đầu học dối trá, dối trá nhân danh tình yêu và sự trung thực.

Họ gặp bà Nhàn, mẹ Thục, ở dọc đường. Lúc đó mắt Chi vẫn còn bừng ngọn lửa vừa bùng lên từ khi gặp lại anh. Chi không nhìn thấy mẹ chồng hay nàng làm ra như không nhìn thấy. Nàng bước nhanh qua, vượt lên cả anh. Lúc nàng đưa con mắt gần như căm giận nhìn bà mẹ chồng, anh bỗng hiểu vì sao nàng lại lướt qua mà không chào hỏi bà.

Bà Nhàn mừng rỡ khi nhìn thấy anh. Giá không có Chi kề bên có lẽ bà đã ôm chầm lấy anh rồi. Bà chỉ nói: “Cậu Tuấn về từ bao giờ vậy?”. Làm như là anh vừa du lịch ở nước ngoài về.

Anh không trả lời.

– Giá như lão ta không bày trò ấy ra, đỡ tởm!

Chi thường gọi chồng là “lão ta”. Không còn tình yêu nữa, người chồng lên lão lúc ba mươi lăm tuổi.

– Ở chỗ anh, một ngàn hai trăm người tù mà chỉ có ba mươi hai người cảnh sát. – Tuấn nói.

Chi rảo bước cạnh anh như muốn chạy trốn khỏi ngôi nhà. Anh cũng vậy. Những lần đi cung, anh cũng đi rất nhanh. Anh muốn chạy trốn khỏi chỗ anh ở, phải một trăm mười lăm lần đụng đầu mới quen được nó.

Căn hộ anh ở nhờ là của Huy, em ruột nhà văn Huy Thảo. Huy và Thảo đi suốt ngày, mỗi người một việc. Huy thua anh năm tuổi, thuộc thế hệ ngoài tầm tay với của cha anh. Anh không bao giờ hỏi Huy làm ở đâu. Nó bận bịu suốt ngày nhưng không thể trả lời anh là nó làm ở đâu. Không có địa chỉ, không tính công việc trước ba ngày. Không giàu mà cũng chẳng nghèo. Ai xin gì cũng cho. Nó làm ra tiền từ đâu không ai biết. Còn Huy Thảo, nhà văn, khá nổi tiếng trong làng văn và trí thức. Và chỉ trong số người ít ỏi ấy thôi. Công việc để sống của Thảo là làm phóng viên tờ báo thành phố. Thực ra thì cũng không đủ sống với đồng lương phóng viên, nhưng có thêm nhuận bút xuân thu nhị kỳ một cuốn sách, cũng đắp đổi lần hồi. Sáng nay Thảo tính đến tòa báo muộn để gọi Chi cho anh. Nhưng anh muốn tự mình đến. Anh trở nên can đảm hơn, liều lĩnh hơn sau tám tháng mười hai ngày ở tù. Anh đã quen chịu trách nhiệm về việc mình làm. Ra đi, Thảo dặn: “Khóa phía ngoài cửa ra vào sẽ không ai quấy rầy các cậu nữa”. Anh nói: “Công an họ đến kiểm tra hộ khẩu thì sao?”. Thảo cười: “Lại méo mó rồi. Chẳng ai đến kiểm tra hộ khẩu vào ban ngày đau”. Anh sực tỉnh, nói: “ừ nhỉ, cứ tưởng như ở trong tù”.

Anh vòng tay qua cái lỗ vuông khoét vào ván cửa, bóp khóa. Chi đứng bên mặt rạng rỡ. Anh đã tự nhốt mình. Chi đang cùng bị nhốt với anh. Cả một thế giới riêng của mình. Một căn phòng hẹp nhưng chỉ cho hai người thôi.

Chiều qua, Thảo đã đưa hết số tiền nhuận bút vừa lĩnh ở bưu điện để mua sắm các thứ, chủ yếu là lương thực, thực phẩm cho một ngày sống của hai người. Anh mở cái chạn ra: có ít bơ, bánh mì, mấy quả trứng gà, hai chiếc bánh chưng to. Lại còn mấy điếu thuốc lá thơm nữa. Thảo biết anh vẫn thích bánh chưng và những gì anh thích thì Chi đều thích. Đủ điều kiện vật chất cho một ngày. ở tủ đầu giường có cà phê, đường kính và một chai cam. Nhiên liệu để viết tiểu thuyết. Anh cầm chai rượu lên, ngắm nghía cái nhãn sơ sài của nhà máy rượu Hà Nội. Anh ước một chai cuốc lủi hơn. Anh đặt chai rượu xuống, nghĩ: nhiên liệu của tiểu thuyết đang biến thành nhiên liệu cho ái tình.

Anh nhìn qua cửa sổ. Mặt trời vẫn chưa lên khỏi ngôi nhà nhiều tầng trước mặt. Nắng vẫn ở đâu đây. Anh nghe được tiếng lá cây trở mình xào xạc, gần gụi. Mọi người đã đi làm. Yên tĩnh quá. Sự yên tĩnh dành cho anh và cho tình yêu, khác hẳn cái yên tĩnh của những buổi trưa trong tù.

Anh xuống bếp, châm lửa vào mười hai cái bấc bếp dầu. Anh không muốn để Chi một mình ở nhà trên nhưng dù sao thì vẫn phải cần nước uống. Anh gọi. Chi xuống, đứng bên cạnh anh. Nàng kêu lên: “Ôi, ngọn lửa xanh quá!”. Chi, nha phiến của đời anh. Dù ở đâu anh vẫn thèm khát nàng, không thể rời được hình ảnh nàng. ở trong cái cũi một mét rưỡi vuông anh vẫn mơ được pha cà phê cho nàng uống. Giấc mơ ấy đang thành hiện thực. Anh cảm thấy hạnh phúc quá. Giá như không có tám tháng ấy chưa chắc gì anh đã cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi được pha cà phê. Một ý nghĩ nẩy ra trong đầu anh: muốn người nào đó hạnh phúc thì hãy bắt nhốt anh ta vài tháng. Lúc đó anh ta sẽ mơ ước được cầm cái chổi để quét dọn căn buồng của mình. Đó là một trong những khía cạnh nhân đạo của nhà tù.

Họ uống cà phê.
(còn tiếp)

N.Q.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder