Ngợi ca vị tướng huyền thoại: Hoài Khánh giới thiệu tập thơ “Chào đồng bào … Tôi đi!” của Chu Long

Tập thơ “Chào đồng bào… Tôi đi!” của Chu Long vừa được Nhà xuất bản Lao Động cho ra mắt bạn đọc đúng dịp Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021). Hình tượng vị danh tướng trong thời đại Hồ Chí Minh được hiện lên ngời sáng trong toàn bộ 17 bài thơ ở cuốn sách này.

Tập thơ gồm những tác phẩm đậm chất ngợi cacủa Chu Long- hội viên Hội Nhà văn thành phố Hải Phòng – về vị tướng huyền thoại của dân tộc trong thế kỷ 20. Tác giả đã sáng tác liên tục trong suốt gần nửa cuối tháng 10 năm 2013 kể từ khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần và không khí những ngày cả nước đưa tiễn vị tướng của lòng dân về cõi vĩnh hằng. Trong bài thơ “Chiều thu vắng Người”, Chu Long viết:

“Non sông Việt mùa thu nay tắt nắng
Gió đau buồn bỏ trốn gió đi đâu
Mây ngừng trôi màu mây phủ xám màu
Cây đứng lặng ôm sầu thương rủ lá.

Chim trong vườn cúi đầu buồn cánh sã
Người đi rồi chim thả tiếng ai nghe
Đâu bóng người dưới tán lá cây che
Ngôi nhà cổ chiều thu về vắng tiếng”.

Đây là những vần thơ khởi nguồn từ xúc cảm chân thành và sự chiêm nghiệm bản thể, lắng lọc theo nỗi niềm suy tư mang tâm thế dân tộc tri ân công lao của người anh hùng đã sống trọn một đời vì dân, vì nước:

“Một con người không lời thơ bài hát
Ngòi bút nào khắc họa nổi về ông
Một thiên tài làm rạng rỡ non sông
Một vị tướng làm đối phương khiếp sợ.

Một huyền thoại làm xoay vòng lịch sử
Một con người-Võ Nguyên Giáp-là ông”.

(Một con người của huyền thoại)

Tác giả Chu Long là một cựu chiến binh ở Hải Phòng.Trước khi về làm việc tại cảng Hải Phòng, ông từng có 8 năm mặc áo lính, làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Làon Lào, rồi trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia và chiến trường biên giới phía Bắc. Ông thấu hiểu tình cảm của các chiến sĩ luôn kính trọng, tin tưởng vào vị Đại tướng kiệt xuất của Quân đội Nhân dân Việt Nam Mặc dù chưa được vinh dự gặp mặt người anh cả của quân đội, nhưng Chu Long xác định hình bóng vị tướng tài năng, đức độ đó luôn ngự trị trong trái tim các chiến sĩ và bản thân mình. Bởi vậy, khi nghe tin Đại tướng vĩnh biệt trần thế, ông cũng như muôn triệu người dân nước Việt bàng hoàng xúc động như mất đi người thân thiết của chính gia đình mình:

“Một vị tướng lừng danh nhân huyền thoại
Trên chiến trường đối thủ sợ khiếp kinh
Nhưng trái tim nhân hậu đậm nghĩa tình
Bản lĩnh thép hòa máu hồng người lính”.

(Người sống mãi trong lòng dân nước Việt)

Đúng như tiêu đề tập thơ “Chào đồng bào… Tôi đi!”, Chu Long vẽ nên một tâm thế thơ thật đẹp- tượng đài của tấm lòng người ra đi gửi lại đồng bào. Tất cả 17 bài thơ của Chu Long mặc dù được sáng tác ngay sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, thấm đẫm nỗi niềm tiếc thương của tác giả, nhưng không buồn:

Ngày mười ba đất Tổ quốc mở lòng
Đảo Yến đón tướng Giáp nằm vĩnh viễn
Cả dân tộc triệu triệu người rước tiễn
Đưa người về miền nơi ấy xa xôi.

Ngày mười ba dấu ấn nhất cuộc đời
Nhân dân mất một người thương yêu nhất
Đất nước mất một con người đích thực
Nhân sáng ngời một nhân cách Việt nam”.

(Nhân cách Việt Nam)

Chu Long là một nhà thơ Đất Cảng giàu tâm huyết. Với 5 tậpthơ đã xuất bản, ông  có hàng trăm bài thơ mang âm hưởng của lý tính sáng tạo, luôn nghiêm túc với cảm xúc của tâm hồn mình. Chu Long tìm đến nghệ thuật thơ như một lẽ sống, hướng tâm tới tính chân – thiện – mỹ của đời sống tinh thần. Điều đó càng được thể hiện rõ hơn trong tập thơ thứ 6 “Chào đồng bào… Tôi đi!” của ông. Tập thơ thực sự là một ấn phẩm văn học độc đáo và có ý nghĩa,nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Cõ Nguyên Giáp,góp phần nhỏ bé vào việc tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder