Sáng ra có ai lay tôi “Răng mà chú ngủ như ri ?”. Thì ra chị chủ nhà thấy tôi dựa vào cột nhà gục đầu mà ngủ. Tôi cho chị biết tôi bị thương không thể nằm được. Hôm sau chị chủ nhà kiếm được ở đâu một cái ghế băng nhờ người cưa bớt chân cho thấp đưa về cho tôi nằm. Chiếc ghế băng quả là chỗ ngủ tuyệt vời khi hai bả vai bị thương được chìa ra ngoài mặt ghế nằm lọt vào giữa lưng…
Sáng ra có ai lay tôi “Răng mà chú ngủ như ri ?”. Thì ra chị chủ nhà thấy tôi dựa vào cột nhà gục đầu mà ngủ. Tôi cho chị biết tôi bị thương không thể nằm được. Hôm sau chị chủ nhà kiếm được ở đâu một cái ghế băng nhờ người cưa bớt chân cho thấp đưa về cho tôi nằm. Chiếc ghế băng quả là chỗ ngủ tuyệt vời khi hai bả vai bị thương được chìa ra ngoài mặt ghế nằm lọt vào giữa lưng
Ra đến đất Quảng Bình.
Đoạn từ Vĩnh Linh ra Quảng Bình chạy kẹp giữa đường 1 và đường 15. Có những lúc chúng tôi đi giữa những chùm pháo sáng rực trời và những chớp lửa của máy bay và cả pháo biển của địch oanh kích vào hai trục đường 1 và 15. Đoàn thương binh cứ lầm lũi đi như thế, người bị nhẹ dìu người bị nặng hơn, không ít những thương binh bất động được các cô dân công hỏa tuyến tải bằng võng. Trời đêm mát mẻ, trăng trung thu vằng vặc cảnh vật thật sự thanh bình nếu như không có những tiếng gầm rú của các loại máy bay và những chớp lửa cách đấy không xa. Gần sáng chúng tôi tới nơi, đây là một xóm nhỏ nằm kề đường xe lửa. Chúng tôi được đưa vào một căn nhà tranh núp dưới một rặng tre, chị chủ nhà đưa chúng tôi một manh chiếu trải dưới nền nhà. Mặc dù mệt đi cả đêm nhưng tôi không thể ngủ ngon được vì chặng đường hơn 20 cây số khiến các vết thương ở đùi đau nhức, lại không thể nằm được các vết thương ở bả vai và bắp tay, duy nhất chỉ còn một cách dựa cột để ngủ gà ngủ gật. Cạnh tôi thằng Thủy nằm co như một con tôm ngủ ngon lành.
Sáng ra có ai lay tôi “Răng mà chú ngủ như ri ?”. Thì ra chị chủ nhà thấy tôi dựa vào cột nhà gục đầu mà ngủ. Tôi cho chị biết tôi bị thương không thể nằm được. Hôm sau chị chủ nhà kiếm được ở đâu một cái ghế băng nhờ người cưa bớt chân cho thấp đưa về cho tôi nằm. Chiếc ghế băng quả là chỗ ngủ tuyệt vời khi hai bả vai bị thương được chìa ra ngoài mặt ghế nằm lọt vào giữa lưng, khi máy bay hoặc pháo kích xoẹt trên đầu thì chỉ cần nghiêng người là đã tiếp đất một cách an toàn.
Đây là Mỹ Thủy thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nằm ngay bên dòng Kiến Giang. Đầu xóm là vết tích một cây cầu đường sắt bị sập còn trơ lại những trụ và hai mố cầu được xây bằng đá hộc. Trạm điều trị của Đội điều trị 43 đóng tại đây. Chị chủ nhà là bí thư phụ nữ có chồng cũng là bộ đội đi B. Những ngày ấy ở đây ban ngày rất yên tĩnh nhưng đêm xuống thì pháo sáng rực trời, đủ các loại máy bay Mỹ đang tọa độ trục đường 15 cách đấy không xa, lại cả những tiếng rú rít của pháo từ hạm đội 7 vọt qua đầu chúng tôi tạo ra những quầng lửa ở phía núi. Có những lúc yên tĩnh giữa các đợt oanh kích của địch, hai bên bờ lại vọng vang tiếng hò khoan man mác làm chạnh lòng chúng tôi – những thằng lính xa quê. Gian nhà lá nơi chúng tôi ở chứa khoảng hơn chục thương binh, đủ các đơn vị tham chiến ở Quảng Trị. Những câu chuyện không đầu, không cuối của đời lính, đủ các thể loại từ chuyện gia đình, chuyện học hành, yêu đương, chuyện chiến đấu được kể ra để giết thời gian.Tuyệt nhiên những chuyện bị thương như thế nào thì có hỏi thì mới nói có lẽ đó là chuyện đương nhiên và rất may mắn được thoát chết. Đêm xuống tất cả đều phải xuống hầm, hầm không đủ cho từng ấy con người nên những người còn lại phải nằm võng hạ thật thấp hoặc nằm đất phòng khi bom pháo nổ gần còn có cơ may sống sót. Tôi bị thương chi chít khắp người vì quá tham ăn cả quả cối cá nhân M79 mà không thèm chia cho thằng nào cả. Khi được khiêng ra viện chẳng có quân trang gì ngoài một cái thìa US bằng i-nox (cái thìa này nay tôi vẫn còn giữ). Năm ngày ở đây đã sống mãi trong ký ức của tôi.
Từ Mỹ Thủy chúng tôi được chuyển tiếp tới trạm chuyển thương tại xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh). Ba ngày nằm tại đây vì mưa lụt làm tắc đường. Nước từ Trường Sơn đổ về ngập hết cả ruộng đồng, đường xá. Trạm phải nhờ dân nấu cơm cho thương binh. Nước ngập mênh mông không đi chợ được nên bà cụ chủ nhà đã cho chúng tôi ăn cơm với nước mắm cốt. Được hai hôm thì nước mắm cốt cũng hết, chỉ còn bã. Chúng tôi lấy bã mắm chưng lên để ăn. Tôi bầy cho thằng Thủy đi kiếm thân cây chuối và hoa chuối để về ăn với mắm chưng (mình thì biết thân chuối và hoa chuối ăn ghém được nhưng loại chuối nào dùng để ăn thì chỉ có tụi ở nông thôn mới biết). Thằng Thủy cùng một cậu nữa ở cùng nhà xăng xái lội nước đi kiếm được một cây chuối kèm thêm mấy bắp hoa chuối cùng một buồng chuối xanh và thêm một ít cọng rau khoai. Bữa đó sao mà ngon thế, khi ở Hà Nội thỉnh thoảng mẹ cho ăn một bữa mắm tép hay mắm tôm với rau ghém, còn ở đây bã mắm cá chưng lên cũng ngon tuyệt. Mấy chục năm đã trôi qua sao mà nhớ đến thế. Bà mẹ đó ngày ấy chạc tuổi mẹ tôi ở nhà, bà nuôi ba đứa cháu, hai người con trai ra trận, hai cô con dâu đi dân công hỏa tuyến mỗi năm vài ba tháng còn cô con gái là Thanh niên xung phong ở đường dây 559.
Trời đã ngớt mưa, chúng tôi lên xe tiếp tục đi ra phía Bắc. Đoàn xe lầm lũi, chao đảo qua những đoạn đường dầy đặc hố bom chở thương binh dưới ánh sáng của đèn dù. Nhiều quãng chúng tôi phải dừng lại tản ra hai bên đường vì phía trước là những quầng lửa của bom đạn địch. Xe dừng tại một xóm nhỏ, dưới ánh đèn dù chúng tôi thấy hàng chục người dân đang chìa lưng ra đón thương binh khi cửa thùng xe vừa bật mở. Những tấm lưng còm của các bọ, các mạ của các chị, các em ghé vào để đón thương binh về nhà, hình ảnh đó cho đến nay khi viết lại những dòng này vẫn làm tôi xúc động đến nghẹn lòng. Đây là thuộc xã Lộc Ninh nằm kề sân bay Đồng Hới. Hàng đêm nhiều lượt xe chuyển thương binh về và đêm sau lại tiếp tục chuyển ra Bắc, không hiểu trong số thương binh đó có bao nhiêu người quê ở đây được trở về trong vòng tay người thân của mình ?
Mấy chục năm đã qua dự định đi một chuyến tìm lại con đường ngày xưa đã đi, những địa danh và con người đã từng đến, từng quen mà đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Một món nợ lòng quá lớn biết đến bao giờ mới trả được đây.
Tại trạm chuyển thương Cự Nẫm thương binh rất đông vì đây là nơi trung chuyển từ B dài ra, ở Lào sang và từ Quảng Trị. Thương binh ở hết nhà dân, hàng ngày quân y của trạm đến từng nhà làm thuốc và thay băng, đến trưa cơm được anh chị nuôi đưa đến từng nhà. Tôi và Thủy cùng mấy anh em khác ở trong một gia đình có tới mấy đứa trẻ nhỏ, đến bữa ăn là chúng mang bát (loại bát men B52 của bộ đội) ra xúc cơm một cách hồn nhiên và mang xuống hầm ăn. Cơm thương binh cũng chỉ có thịt hộp, cá hộp và ruốc mặn, rau hầu như không có chúng tôi phải hái lá sắn hoặc lá ớt để nấu canh cải thiện thêm. Tôi và Thủy vớ được hai cái nong để làm chỗ ngủ đêm, nằm co con tôm thì đủ, duỗi chân thì nửa người ra ngoài. Trong số thương binh ở cùng nhà với chúng tôi có một người tầm vóc to lớn, hầu như không nói câu nào, anh ta bị sốt rét rung đùng đùng. Mãi sau mới biết anh ta là người dân tộc Hoa ở Quảng Ninh, tiếng Kinh chưa sõi chính vì thế lúc nào anh ta cũng im lặng không tham gia vào những câu chuyện tào lao của chúng tôi. Đơn vị anh ta bổ sung cho F324 ở miền Tây Thừa Thiên, vừa vào đến nơi anh ta bị sốt rét ác tính nên được chuyển ra. Một lần gặp mấy người lính trong một căn nhà ven đường, có một người trắng trẻo, thư sinh trông quen quen hình như đã gặp ở đâu. Hỏi ra anh ta cùng ở Hà Nội và nhà ở phố Thuốc Bắc là bạn của Uyên vợ anh Trung cùng số nhà với tôi, đó là Thế Anh – lính của E48/F320. Cùng tốp đi với Thế Anh có Thường là lính trinh sát của C20/E24/F304 và Nha là giáo viên cấp hai nhà ở phố Đội Cấn, lính của E165/F312.
Sau ba ngày nằm tại trạm Cự Nẫm chúng tôi xuống sà-lan xuôi theo dòng sông Gianh để về trạm Quảng Hải (Quảng Trạch). Thương binh chật cứng trong khoang sà-lan, trời mưa nặng hạt hắt những giọt nước mưa qua những ô cửa làm dịu bớt không khí ngột ngạt sặc mùi mồ hôi của lính trong khoang tầu. Có tiếng lao xao ở phía ngoài khoang, dưới ánh sáng của đèn dù, qua những ô cửa sà-lan chúng tôi thấy một đoàn sà-lan đi ngược lại, trên đó lố nhố rất nhiều người. Khi hai đoàn tầu tiến gần sát nhau tiếng hỏi thăm nhau ơi ới, đó là đoàn tầu chở quân vào. Họ sẽ đi đâu sau khi rời trạm Cự Nẫm để vào Quảng Trị, Tây Nguyên, Nam Bộ hay sang Lào ? Nước sông Gianh mùa này từ thượng nguồn đổ về đục ngầu, có những thân cây to của đại ngàn Trường Sơn trôi về. Đêm xuống, nhìn về phía Tây ánh lên những chớp lửa của bom đạn địch.
Ra đến Hà Tĩnh.
Từ Quảng Hải chúng tôi được xe chuyển tiếp ra Kỳ Lâm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Đến đây tôi và Thủy nhập vào nhóm của Thế Anh, Thường và Nha. Trong mấy người chúng tôi, Thường là nhiều tuổi quân nhất đã tham gia Đường 9 – Nam Lào 1971 và tham gia từ đầu chiến dịch 1972 Quảng Trị, lại là lính trinh sát trung đoàn chuyên đi công tác lẻ nên rất tháo vát và nhiều trò láu cá, láu tôm. Với vóc dáng dong dỏng, đẹp trai môi lúc nào cũng hồng cộng thêm cái miệng nói chuyện rất có duyên nên dọc đường rất vui nhất là nơi nào có nhiều lính nữ hoặc thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Thường là người Kim Anh gần sân bay Đa Phúc nhưng tính cách lại mang nhiều dáng dấp của người thành phố. Những câu chuyện dọc đường của Thường rất lôi cuốn chúng tôi trong những ngày ra Bắc. Thế Anh là người nhiều tuổi nhất, trắng trẻo thư sinh, con của một họa sĩ ở phố Thuốc Bắc. Là một người từng trải, mang phong thái của một nghệ sĩ nên Thế Anh là một người rất khéo léo trong giao tiếp. Qua những câu chuyện của Thế Anh bộc bạch thì cuộc sống trước khi nhập ngũ của anh ta có nhiều cái không giống với chúng tôi. Còn Nha, một “anh giáo khổ” – như Thế Anh hay đùa – lại rất hiền lành và chỉ biết cười khi mọi người trêu chọc nhau. Nha ở phố Đội Cấn, giáo viên một trường cấp II ở ngoại thành. Anh ta là người đang yêu cho nên hay tâm sự về người bạn gái của mình ở phố Hàng Bông. Cô bạn gái của Nha cũng là một cô giáo. Họ quen nhau khi cô bạn đi thực tập tại trường của Nha. Vào những lúc chiều xuống tôi thường thấy Nha mang ảnh của người yêu ra với vẻ mặt thẫn thờ, lúc lại cười một mình… chúng tôi thường để Nha một mình cho tâm trí trở về với người bạn gái thân thương.
Những ngày này trên đường chuyển thương chộn rộn có tin giữa ta và Mỹ chuẩn bị ký hiệp định ngừng bắn. Hội nghị Paris đến nay đã được hơn 4 năm rồi mà có kết quả gì đâu, ai cũng biết sự quyết định trên bàn hội nghị đều lệ thuộc vào mối tương quan lực lượng trên chiến trường. Qua những câu chuyện của anh em thương binh tham gia từ đầu chiến dịch 1972, ta đã giành thế chủ động tấn công trên một loạt chiến trường từ Quảng Trị, Tây Nguyên cho đến An Lộc ở Đông Nam Bộ. Nhưng rồi Mỹ tăng cường hỗ trợ tối đa cho quân ngụy bằng không quân, hải quân nên thế trận trên các chiến trường trở nên giằng co quyết liệt. Ở những nơi khác thì không biết nhưng ở Quảng Trị chúng tôi đã phải phơi mình trước trước những trận mưa bom, bão đạn của không quân và hạm đội 7 của Mỹ chỉ để giữ một mảnh đất chưa đầy 4 cây số vuông – đó là Thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Cái mảnh đất này chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính là tỉnh lỵ địa đầu của miền Nam. Khi ta phá tan tuyến phòng thủ Đông Hà – Lai Phước ở đợt hai chiến dịch cuối tháng 4/1972 địch đã bỏ Ái Tử rút về phía Nam sông Thạch Hãn nhưng rồi cũng bỏ ngỏ nốt Thị xã Quảng Trị rút chạy về nam sông Mỹ Chánh. Các đơn vị của ta thừa thắng vượt sông Mỹ Chánh nhưng không thành công. Quân ta không đủ lực để đánh tiếp vì hậu cần chiến dịch chưa vươn tới nơi : xe tăng không còn dầu, pháo hết đạn, lương thực cạn kiệt. Địch hồi phục rất nhanh và tiến hành phản kích chúng ta bằng ba mũi : đường bộ chúng vượt sông Mỹ Chánh theo Quốc lộ 1 đánh lên, một mũi đánh theo hướng Tây Nam ; đường biển chúng đổ quân sau lưng chúng ta ỏ ven biển Hải Lăng ; đường không địch dùng trực thăng đổ quân một số điểm xung quanh Thị xã. Các đơn vị của ta buộc phải ngừng tiến công để lui về giữ Thị xã. Anh em ở F304 và F308 – là những đơn vị thọc sâu vào Mỹ Chánh – có kể rằng những ngày đó lính bộ binh mỗi ngày chỉ được hai lạng gạo, pháo ta không đủ đạn để hỗ trợ, địch tràn lên phản kích đến nỗi pháo cao xạ phải hạ nòng để quét bộ binh nhưng rồi đạn hết lính pháo ta phải dùng AK chống trả bộ binh địch, cuối cùng đành bỏ pháo lại để rút, nhìn bầy cần cẩu bay của địch cẩu những khẩu pháo và xe tăng ta vào Huế mà đành chịu không làm gì được. Cái mốc ngày 28/6 là ngày địch bắt đầu phản kích cho tới ngày 16/9 diễn ra trong 81 ngày đêm. Đó chính là dấu ấn không thể nào quên trong một khoảng thời gian ngắn ngủi cầm súng của chúng tôi và nó luôn luôn ám ảnh trong tôi cho tới tận bây giờ.
Trên đường ra Đức Thọ và Nghệ An dọc đường tuyến chúng tôi gặp những đơn vị bộ binh và cả những đoàn xe tăng, xe kéo pháo… tăng cường cho mặt trận. Những người đi vào gặp anh em thương binh đi ra chia sẻ cho nhau những món quà mang theo từ hậu phương : thuốc lá, thuốc lào, phong kẹo lạc và cả những lá thư nhờ gửi hộ ; còn chúng tôi chỉ chúc họ may mắn mà thôi. Thật là cảm động khi những người bạn bè, đồng hương gặp nhau mà chẳng kịp chia sẻ gì nhiều. Trên đê sông Lam khi chúng tôi vừa từ sà-lan lên bờ gặp một đơn vị quân tăng cường của F304B, đơn vị huấn luyện của tôi, có mấy anh em cùng huấn luyện với tôi hồi đó được giữ lại làm khung cho các đợt quân sau.
Sau khi qua sông Lam, xe chuyển thương chở chúng tôi tới trạm chuyển thương CT12A tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An ngay trong đêm. Tại đây các thương binh được phân loại để đi các viện quân y, đoàn an dưỡng hay tiếp tục chuyển ra Bắc. Thương binh đông quá, nằm ngồi la liệt, trong khi chờ đến lượt mình chúng tôi tình cờ gặp một anh làm tại trạm, anh tên là Đồng vốn là sinh viên Bách khoa nhập ngũ và được cử đi học tại Đại học Quân y hiện là sinh viên năm cuối và đang thực tập tại trạm CT12A. Anh Đồng khi học BK có học cùng lớp với anh Cẩn bên 104 Trần Hưng Đạo – đối diện với ngõ nhà tôi. Cùng là những sinh viên với nhau nên chúng tôi dễ cảm thông qua những câu chuyện bất chợt. Rồi chúng tôi gặp Nhỏ là y tá của trạm, Nhỏ nhà ở Lý Nam Đế, là con gái của một sĩ quan cấp tá. Anh Đồng và Nhỏ khuyên chúng tôi nên đi viện điều trị cho lành các vết thương rồi sau đó sẽ quay lại trạm, nếu có điều kiện sẽ gửi chúng tôi đi tiếp ra hậu phương.
Ở CT12A một đêm chúng tôi chia tay nhau : Nha đi Viện 4 ở Thanh Chương ; Thủy về đoàn 200 ở Nghĩa Đàn ; Thế Anh, Thường và tôi về đội điều trị 42 (ĐT42) tại Nam Đàn.
Chia tay với Thủy mà không thể nào quên người đồng đội thân thiết đã kề vai sát cánh với nhau khi chiến đấu cũng như cùng chia sẻ trên đường chuyển thương. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhau đến giờ tôi không bao giờ quên : Thủy nhỏ thó nhưng đã dìu tôi đi suốt từ Quảng Trị ra đến Quảng Bình ; những lúc thèm thuốc quá, tôi lại cuốn băng đầy mặt và tay, nó kiếm được thuốc bọ vấn bằng giấy báo và thở vào mũi cho tôi đỡ nghiền ; những lúc nó lôi tôi đi tắm dùng khăn mặt cọ rửa tránh những chỗ bị thương hết sức cẩn thận ; rồi viết thư hộ tôi cho gia đình. Thủy là người hay nói chuyện, đi cùng nó rất vui vì cái tính láu tôm láu cá của nó. Nó có trong túi hơn ba chục tấm ảnh của những anh em C3 hy sinh. Mỗi khi có người hy sinh nó đều tìm cách lấy giấy tờ của họ để đưa cho đại đội làm thủ tục gửi về gia đình, người nào có ảnh thì nó giữ lại cho mình để làm kỷ niệm. Phía sau ảnh Thủy đề tên và ngày hy sinh. Nó nhận xét như một ông thầy tướng số rằng thần sắc của những thằng đã chết nhìn qua ảnh có cái gì đó không được tự nhiên, phải chăng đó là điềm báo trước. Thủy có họ và đệm giống tôi, nó bảo là cứ về đến chợ Sa Châu của xã Giao Châu huyện Xuân Thủy hỏi ông Lâm bán phở ai cũng biết.
Cuối năm 1973, Thủy trở về đơn vị lúc ấy đang ở Cửa Việt, thời kỳ ấy dịp nào liên hoan ăn tươi như Tết, ngày 2/9 hay 22/12 nó lại được trổ tài thái thịt của con ông Lâm bán phở ở chợ Sa Châu, thịt do tay nó thái mỏng đến nỗi cấm thằng nào đứng gần đấy thở mạnh vì sẽ bay đi mất. Tháng 2/1979 Trung Quốc đánh ta, từ Cao Bằng đang làm thợ mộc Thủy chạy về Hà Nội tìm đến tôi. Mãi đến năm 2007 chúng tôi mới liên lạc được với nhau và tổ chức một chuyến vể Xuân Thủy thăm nó. Nó ốm quá, người đen quắt lại nhưng vẫn láu lỉnh như ngày nào.
Những ngày ở đội điều trị 42 (ĐT42)
Chập tối xe chở chúng tôi rời CT12A để đi ĐT42. Đi chừng hai chục cây số chúng tôi xuống xe theo giao liên đến viện. Lội qua một khe nước chúng tôi chập choạng trong bóng đêm theo bóng người đi trước, qua những vạt tre, cây cối tối om cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Trong một căn nhà âm của viện chúng tôi được chia nhau về các lán khác nhau: tôi và Thường về cùng chỗ, còn Thế Anh sang lán khác.
Sáng ra mới biết chúng tôi ở trong một xóm nhỏ nép mình dưới chân một quả núi nhỏ giữa một vùng lúa xanh rờn. Đội điều trị 42 (ĐT42) đóng tại đây thuộc xã Nam Khoa (?). Các lán thương binh được đào dưới chân núi, mỗi lán khoảng gần hai chục người. Tôi và Thường cùng ở chung một lán của khoa Ngoại, còn Thế Anh ở bên khoa Nội cách chỗ tôi mấy trăm mét và được ở trong nhà dân. Xóm bên này lại thuộc xã Nam Mỹ (?).
Mới được một hôm thôi thằng Thường dẻo mỏ đã làm quen mấy em y tá của viện là Lan dáng người tròn trịa, phúc hậu quê ở Diễn Châu; là Đạo mồm mép thia lia quê ở Hương Khê (Hà Tĩnh); là em Mai xinh xẻo lúc nào cũng bẽn lẽn. Các cô gái khu tư rất hồn nhiên lúc nào cũng thấy cười. Sau giờ làm việc các cô kéo nhau tới các lán thương binh để đấu hót rất rôm rả. Thằng Thường vẽ rất đẹp cho nên các em cứ xúm đến nhờ vẽ các mẫu hoa lá để thêu.
Cũng tại đây chúng tôi gặp gỡ ba cô gái rất xinh đẹp là sinh viên năm cuối của ĐH Quân y về thực tập. Đó là chị Khuyên – con gái một sĩ quan cao cấp, chị Duyên quê ở Lập Thạch (Vĩnh Phú) và chị Khanh nhà ở Lò Đúc. Quan hệ của chúng tôi bắt đầu bằng sự cảm thông của những sinh viên gốc gác thành thị. Tuy chỉ hơn chúng tôi 2,3 tuổi nhưng các chị cư xử với chúng tôi như những người chị từ việc cắt tóc hay nấu những món ăn cải thiện cho đến những chuyện vui chuyện buồn tại viện. Là những người con gái thành thị có nếp sống kín đáo tế nhị nhưng có một lần đi xem phim buổi tối thấy chị em trong viện bá vai bá cổ anh em thương binh, chị Khuyên có thốt lên “Con gái ở đây hư quá” thế là hôm sau sấm sét đã dội lên đầu ba cô gái tội nghiệp này, hết Chi đoàn rồi đến Đại hội quân nhân liên tục tối nào cũng bị kiểm điểm, phê phán vì coi thường quần chúng, có lối sống tiểu tư sản.
Khu vực ĐT42 chỉ cách Kim Liên có một cánh đồng, suốt ngày ngoài hai bữa cơm chúng tôi ở lán còn thì lang thang bên bảo tàng quê Bác. Ở đây chúng tôi làm quen với anh Biên là họa sĩ và chị em Trâm, Oanh là nhân viên chụp ảnh của bảo tàng. Thế Anh là con một họa sĩ và lại là tay chơi máy ảnh nên rất hợp chuyện với những người bạn mới này.
Đã bao nhiêu năm trôi qua tôi chưa một lần nào gặp lại những con người này. Chị Duyên lại cùng quê Xuân Lôi, Lập Thạch với Lợi, y tá của C3. Nghe nói sau này chị chuyển về làm bác sĩ tại Bệnh viện Vĩnh Yên. Cách đây hơn 10 năm tôi có qua quê Bác và có hỏi thăm anh Biên nhưng anh cũng đã mất trước đấy mấy năm. Còn Trâm có mở một hiệu ảnh ở Vinh. Oanh về lại thị trấn Đô Lương vì quê ở đó. Tôi còn nhớ hiệu chụp ảnh của gia đình Trâm, Oanh là hiệu ảnh Tháng Tám.
Dịp 30/4/2014 anh em C3 chúng tôi tổ chức đi Vĩnh Yên thăm Trình “ba toác”. Nhờ bạn bè là người Vĩnh Yên đưa tôi đến thăm chị Duyên, 2 vợ chồng chị cúng đã nghỉ hưu. Chị cho biết chị Khuyên sau này vào làm tại Bệnh viện Thống nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, hôn nhân cuả chị Khuyên không được suôn sẻ và chị đã mất cách đây vài năm do bạo bệnh. Còn chị Khanh về công tác tại Bệnh viện 108 cũng đã nghỉ hưu.
Thấm thoắt đã bước sang tháng 11, trời bắt đầu se lạnh. Hết lượt đợt thương binh này đến và và đi. Các vết thương của tôi cũng đã lành, chỉ còn vết thương ở ngón tay cái tuy đã khô nhưng chạm vào vẫn còn đau và xám ngoét. Theo bác sĩ điều trị vết thương này cần theo dõi thêm vì sợ viêm xương.
Thường xuất viện đầu tiên, hôm chia tay nó hẹn ngày gặp lại. Tối hôm trước chúng tôi có một buổi liên hoan nhỏ với các chị Khuyên, Duyên và Khanh để chia tay với Thường. Sáng hôm sau Thường đi sang CT12A để nhập trạm, ai ngờ ra đến đầu xóm đã gặp em Lan đứng đợi ở đấy. Anh chị tần ngần tiễn biệt nhau. Quả là cũng không ngờ anh chị có tình ý với nhau. Em Lan giúi vào tay Thường chiếc ba-lô căng phồng chẳng biết trong đó có gì. Lại nói thêm ba thằng chúng tôi chỉ có Thế Anh là có ba-lô, Thường chỉ có cái túi mìn mo (claymore – mìn định hướng của Mỹ) trong đó có độc một mảnh chăn dù thám báo, còn tôi duy nhất có cái thìa dắt ở túi sau. Tôi giục Lan quay về còn tôi và Thế Anh đưa Thường qua Kim Liên để chia tay với anh Biên và chị em Trâm, Oanh. Oanh lấy xe đạp đưa Thường đến Nam Thanh nơi trạm CT12A đóng quân. Cái thằng Thường này thế mà duyên ghê ở đâu cũng có các em chăm sóc nhiệt tình. Sau này mới biết anh chị không đưa nhau về CT12A ngay mà còn về Đô Lương mấy hôm rồi mới quay lại.
Mãi đến sau chiến tranh khoảng tháng 8/1975 khi ấy tôi đã ra quân, tình cờ tôi gặp lại Lan ở Ga Hàng Cỏ để chờ tầu về Vinh. Mời Lan vào nhà nghỉ để chiều lên tầu, tôi biết được em đã ra quân về làm tại một trạm thủy sản tại Diễn Yên, Diễn Châu gần nhà. Lan cũng đã tìm đến nhà Thường ở Kim Anh. Tôi không muốn gợi lại câu chuyện của họ vì biết rằng chẳng giúp được gì. Đưa Lan lên chợ Đồng Xuân sắm đồ mà Lan có mua được gì đâu, hỏi gì cũng gật nhưng lại không mua. Ôi những cuộc tình trên những nẻo đường chiến tranh là như thế sao ?
Mấy hôm nay nghe tin địch ngừng ném bom từ Thanh Hóa trở ra, ở đây ban ngày chỉ thỉnh thoảng thấy máy bay địch bay qua nhưng ban đêm thì chúng tọa độ những khu vực xung quanh cách đây không xa. Có một điều khu vực Kim Liên cho đến lúc này không hề bị đánh phá, trong khi đó ngoài trục đường 46 cách đấy mấy cây số bom đạn địch đánh tơi bời.
Ra viện và dong duổi trên đường trở lại quê Mẹ
Thế Anh cũng ra viện ra viện trước tôi, nó cũng lại về CT12A. Mấy hôm sau tôi được xuất viện. Chẳng có gì nặng vì quân trang không có gì ngoài bộ quân phục trên người mặc từ khi đánh nhau. Viện cấp cho một giấy ra viện và một giấy cung cấp tài chính xác nhận tiêu chuẩn ăn tính đến ngày ra viện và hai phong lương khô ăn đường, một hộp sữa bột, nửa cân đường. Tất cả cho vào cái túi đựng hăng-gô xin của một cậu cùng lán. Chị Duyên, Khuyên và Khanh giúi cho tôi 10 đồng và hai phong lương khô 702 (loại của sĩ quan chắc của bố chị Quyên gửi cho). Tờ giấy ra viện nhỏ bằng lòng bàn tay với lời nhận xét: ý thức kỷ luật kém hay bỏ Viện đi chơi.
Chia tay với những người bạn ở ĐT42 và ở Bảo tàng Kim Liên để lên đường về CT12 tại Nam Thanh. Mọi người khuyên tôi nên đi vào lúc chiều tà để tránh giờ máy bay hoạt động nhưng tôi chọn đi buổi sáng vì còn phải hỏi đường. Về đến Nam Thanh hai chục cây số có ít đâu, trời mà tối thì biết hỏi ai vả lại mật độ oanh kích về đêm nhiều hơn ban ngày vì địch biết xe cộ của ta hoạt động về đêm, ban ngày mình còn chủ động tránh được.
Đường 46 từ Vinh lên Thanh Chương, Đô Lương rồi gặp đường 15. Con đường vắng tanh không một bóng người, nham nhở những hố bom, cầu bị phá sập phải qua ngầm. Đoạn đường này hình như ít xe chạy vì không thấy những vệt bánh xe hằn trên đường. Ghé vào một quán nước được đào vào trong đồi, tôi bỏ lương khô ra để ăn, bà cụ bán nước đưa tôi bát chè tươi nóng đặc sánh hỏi:
– Chú đi mô ?
– Con về Nam Thanh. Còn xa không mẹ ?
– Chừng chục cây nữa, chắc chú vừa ra viện.
– Sao mẹ biết ?
– Ở vùng này bộ đội đi một mình mà hỏi Nam Thanh chỉ có ở viện ra.
Nam Thanh nằm kề đường 46, đây là một vùng đồi núi bán sơn địa. Quá trưa tôi đến nơi và xuất trình giấy tờ cho trạm. Họ bố trí tôi vào nhà dân để nghỉ ngơi. Tại đây ta sẽ đi đâu ? Theo anh em thương binh cho biết về đến đây sau khi phân loại ai ổn định sẽ về Đoàn 200 ở Quỳ Hợp để an dưỡng sau đó về đơn vị, ai bị nặng hơn sẽ chuyển tiếp ra trạm CT12B ở Nghĩa Đàn rồi ra Bắc. Lần này mà được ra Bắc thì sung sướng quá, chỉ cần được nhìn thấy Mẹ và những người thân xong rồi đi ngay là toại nguyện lắm rồi.
Thế là mình được ra Bắc rồi khi nghe tên mình được đọc trong danh sách những người đi CT12B để lên xe, mừng khôn xiết nghĩ tới ngày trở về với Mẹ và Hà Nội của tôi. Mới chỉ có 5 tháng thôi mà cảm thấy thời gian như dài ra rất nhiều. Biết bao sự việc, những vùng đất đã qua và những con người gặp gỡ trên đường làm cho những suy nghĩ của bản thân vỡ ra nhiều điều và nhất là không thể nào quên những đồng đội của mình vẫn còn lăn lộn trong lửa đạn. Giờ này họ đang ở đâu? Còn ở ven thị xã Quảng Trị không? Thằng Sơn, thằng Chiến và những anh em khác có còn không? Cầu mong cho bom đạn chừa họ ra! Ngẫm rằng dù sao mình còn may mắn rất nhiều, ăn cả quả trứng ngỗng chẳng thèm chia cho ai rồi cứ thế dong duổi ra Bắc nhẹ tênh tênh. Chả thế lính tráng mới nói ăn B2, ngủ B3, vào ra B4, B5.
Chập tối đoàn xe chở chúng tôi rời CT12A lên đường ra Bắc. Đoàn xe khá đông quãng chục chiếc Giải phóng. Mỗi xe hơn hai chục thương binh cùng năm, sáu võng của thương binh nặng. Họ hầu hết cụt chân cụt tay, thậm chí xe của tôi có một cô gái cụt cả tứ chi. Tội nghiệp quá. Những thương binh này được đặt trong võng treo ngang thành xe, hai mép võng được ghim lại để cho người nằm trong khỏi lăn ra ngoài khi phải đi qua những đoạn đường xấu.
Dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ đoàn xe lầm lũi, chao đảo vượt qua những cung đường chi chít hố bom để tiến ra phía Bắc theo trục đường 15. Kể cũng lạ, đêm nay không gian im ắng một cách lạ thường, không một tiếng máy bay, không một ánh đèn dù, chỉ có tiếng rù rù của xe xen lẫn tiếng rên của anh em thương binh. Chập chờn trong giấc ngủ gà ngủ vịt thì đột nhiên xung quanh sáng lòe mặt đất rung chuyển như bão táp cây cối đất đá đổ ập vào xe, chiếc xe như muốn tung lên. Tất cả kéo dài trong một khoảng thời gian không dài, tai chúng tôi ù đặc không nghe thấy gì hết, nhìn ra ngoài không thấy gì cả ngoài bụi đất trùm lên như một trận cuồng phong. Chốc lát trong ánh lửa của cây rừng bị cháy, những vạt rừng hai bên đường biến đi đâu mất thay vào đó là một bãi bom khổng lồ. Đoàn xe chúng tôi nằm đúng vệt B52, lúc này tôi mới biết mình còn sống. Thật là may mắn những loạt B52 này lại cắt ngang đường và xen vào giữa các xe. Xe vẫn vẫn lao chồm chồm vượt qua khu vực bị bom và dừng lại khi có người chặn lại. Lái xe và người áp tải phải đập kính để chui ra vì nóc xe bị bẹp rúm không thể mở cửa được, cũng may xe của tôi không ai việc gì chỉ có mấy người bị đất đá đè lên. Thương binh đều an toàn chỉ bị một phen hút chết mà thôi. Hôm sau ở Nghĩa Đàn chúng tôi được biết đây là trận mở màn cho chiến dịch Sấm rền của địch đánh vào trục đường 15. Chúng đã dùng ba tốp B52 gồm 9 chiếc rải thảm khu vực Đô Lương, Tân Kỳ – chính là nơi chúng tôi đi qua. Ngay trong đêm, xe của trạm Nam Đàn ra và của trạm Nghĩa Đàn vào chỉ để làm công tác thương binh tử sĩ vì với mật độ bom dầy đặc như thế chắc chắn sẽ không còn ai sống sót. Đêm hôm ấy là đêm 18/11/1972.
Gần sáng chúng tôi đến trạm và được bố trí nghỉ tại nhà dân. Đây là xã Nghĩa Thuận, trạm đóng quân tại một nông trường cà-phê, anh chị chủ nhà của tôi là công nhân của nông trường cà-phê.
Nơi trạm đóng quân là vùng đất đỏ ba-zan gặp trời mưa thì đất bết dính vô cùng. Ở đây có những giếnh phun khá độc đáo. Người ta xây giếng như một bể nước bằng đá ong cao chừng hơn một mét ngang dọc quãng độ một mét rưỡi, hai mét, bốn mặt là những ống bương dẫn nước ra. Giếng đầy ăm ắp, trong vắt chảy suốt ngày đêm. Tối tối chị em phụ nữ lưng trần quần kéo tới ngực ra tắm ở giếng rất đông vui. Dưới bóng trăng mờ ảo soi qua rặng tre rặng bương, là những cô gái xõa tóc gội đầu như một bức tranh của một danh họa nào đó mà tôi đã được thưởng ngoạn.
Tại đây tôi gặp Hùng nhà ở ngõ Trung Phụng, Khâm Thiên, cậu ta là lính của E48/F320B bị thương trong Thành cổ. Hùng còn trẻ lắm mới 18 tuổi, đang học lớp 10 thì đi bộ đội. Hùng hiền lành cả ngày chả nói một câu, bàn tay phải bị mấy mảnh M79 cử động rất khó khăn. Thế là ta lại có thêm một người bạn trên đường trở về quê Mẹ. Cũng cùng nhà có một cậu bị điếc quê Hải Hưng ở E165/F312. Đơn vị của cậu ta vừa đánh Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng về đến hậu cứ tại Nông Cống (Thanh Hóa) thì được lệnh vào Quảng Trị. Có lẽ quen tác chiến ở chiến trường Lào rừng núi sang đến đây thì bị dính B52 ở gần Động Ông Do và cả e hầu như bị xóa sổ.
Ở trong nhà người công nhân nông trường cà-phê thì việc uống cà-phê là chuyện rất bình thường. Anh chủ nhà pha cà-phê bằng một cái túi vải mời chúng tôi. Cà-phê đặc sánh nhưng hơi có vị chua. Ở đây người ta quen uống không đường (chắc là vì đường là của hiếm).
Ở CT12B hai ngày chúng tôi lại tiếp tục lên đường, từ đây chúng tôi gặp rất nhiều xe vào, tiếng ới ới hỏi thăm quê khi chúng tôi gặp những đoàn xe chở quân vào.
…
(Còn tiếp)
L.X.T