Người con gái bản Nà Lầu – Hoàng Quốc Hải

 

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Người con gái bản Nà Lầu” của nhà văn Hoàng Quốc Hải in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.

 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

 

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: HOÀNG QUỐC HẢI. SINH NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 1938. QUÊ QUÁN: BẤT NẠO, KIM THÀNH (NAY LÀ THỊ TRẤN PHÚ THÁI), HẢI DƯƠNG. DÂN TỘC: KINH. TÔN GIÁO: ĐẠO PHẬT. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: NHÀ G9 (61/G9) PHỐ PHÁO ĐÀI LÁNG, PHƯỜNG LÁNG THƯỢNG, QUẬN ĐỐNG ĐA, HÀ NỘI. NĂM 1953 TÌNH NGUYỆN ĐI BỘ ĐỘI KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP. HOÀ BÌNH TRỞ VỀ HỌC PHỔ THÔNG. HỌC CHUYÊN NGHIỆP BÁO CHÍ KHOÁ I. LÀM BÁO. VIẾT VĂN. LÀM CHUYÊN VIÊN VĂN HOÁ PHONG TỤC NHIỀU NĂM TẠI BỘ VĂN HOÁ CHO TỚI KHI NGHỈ HƯU.

 

NGƯỜI CON GÁI BẢN NÀ LẦU

 

Lộc choàng tỉnh, cánh tay cô rụt lại làm tấm chăn rơi xuống lấp vào mặt đứa con mới đẻ chưa đầy tháng. Đứa bé ọ ẹ. Lộc vội nâng tấm chăn phủ lên cánh tay, co khum khum như một cái tổ để che cho con, vừa ấm vừa đỡ ngạt. Ấy là Lộc làm theo cách bà ngoại chỉ dẫn, từ hồi Lộc mới còn trong tuổi dậy thì.

Bé Bảo Ngọc vừa nhả núm vú, mắt mở tròn xoe, đánh đầu lưỡi tóp tép như tiếng con thạch sùng kêu. Trong ánh sáng nhạt nhòa của ngọn đèn dầu đặt sâu vào một hõm tường bên cửa sổ, Lộc đăm đăm ngắm nhìn con. Cô sung sướng phát hiện ra con gái có cặp mắt giống mình. Cũng hàng mi cong, tròng mắt sáng lấp lánh to đen hơi tròn. Và chiếc mũi thẳng, bé tẹo, mới xinh làm sao. Lại được nước da của bố, lúc nào cũng trắng hồng, mịn mỡ như trái đào Mẫu Sơn[1] lên mã. Cho đến hôm nay Lộc mới phân biệt được những đường nét trên khuôn mặt con gái: nét nào của cô, nét nào là của Lương Tú Vinh. Cô thầm khen chồng có con mắt tinh nhạy. Ngay từ hôm Lộc mới sinh con, Tú Vinh đã reo lên: “Con gái có đôi mắt giống em quá”, và rồi anh đặt luôn cho nó cái tên: Bảo Ngọc.

Lương Tú Vinh nói như rót vào tai vợ những lời dịu ngọt: “Em biết không, anh đặt cho con cái tên Bảo Ngọc là có ý cả đấy. Bảo Ngọc là loài ngọc quí.

Còn Lương là lành, là lương thiện – họ của bố đấy. Nếu em muốn, con sẽ mang họ mẹ – họ Hoàng của người Nùng ta cũng là một dòng họ lớn. Con gái chúng ta thông minh đĩnh ngộ. Không thể coi nó như một đứa trẻ bình thường được đâu. Nó là tượng trưng cho tình yêu cao quí nhất của chúng ta. Cảm ơn em đã đem lại cho anh không chỉ là nguồn vui, mà em còn đem lại cho anh nguồn hạnh phúc lớn lao nữa. Không gì có thể chia rẽ được chúng ta. Nhất định Lương Bảo Ngọc phải được sống trong hạnh phúc cao sang. Dù có chết, anh cũng phải lo cho mẹ con em đầy đủ…

Lộc thấy chồng xúc động thực sự. Đôi khóe mắt anh ấy nhấp nhóa ánh nước. Thương vợ thương con là điều không bao giờ Lộc phải nghi ngờ chồng. Nhưng rõ ràng đây là lần đầu tiên, Lộc thấy chồng nói những điều vừa có vẻ văn hoa, vừa có vẻ như là một điềm báo gở, và xa lạ nữa. Nào là “chia rẽ”, nào là “cao quí” với “cao sang”.

Lộc nhẩm tính, chồng xa nhà hôm nay nữa đã là năm ngày. Anh ấy bảo “hai mẹ con ở nhà, bố đi độ dăm bảy hôm thì bố về”. Lộc đã gàn mãi mà chồng không nghe. Cứ đòi đi mua những tam thất với rượu bổ cho Lộc, mua phấn và thuốc cam thuốc sốt để dành cho con. Dù Lộc có giải thích rằng cô rất khỏe, chỉ cần bồi dưỡng bình thường là lại sức, Vinh cũng không nghe. Tính anh ấy thế. Lúc nào cũng chu đáo. Ra gần tới ngõ, như sực nhớ điều gì, anh ấy còn quay lại dặn: “Em nhớ đêm đêm thắp ngọn đèn dầu như lúc anh ở nhà. Ban đêm trong nhà có ánh đèn ánh lửa, vừa ấm cúng, vừa trừ được tà khí, hai mẹ con đỡ sợ”…

Gió đem vào nhà mùi hương hoa bưởi ngan ngát. Cánh màn lay nhẹ. Mùa xuân ập đến. Lộc lim dim mắt lắng nghe. Từ xa lắm, vẳng về tiếng nai tác. Lộc còn nghe phía sau nhà, đám những cây lê, cây hồng, tiếng vỏ cây nứt rạn, như là nhựa đang dồn chuyển lên các búp non căng mọng. Lộc bừng mắt, bóng đêm đen đặc khắp nhà. Chắc là gió vừa lùa tắt ngọn đèn. Cô khẽ nhích xa bé Bảo Ngọc, ủ ấm cho con rồi dậy châm lại ngọn đèn. Từ ngày có Lương Tú Vinh về ở, đốt đèn đêm là một tập quán mới của nhà này. Vinh bảo, người Trung Quốc có phong tục thắp đèn khi ngủ, để cho ma quỉ không dám lẻn vào nhà. Trộm đạo thấy ánh sáng cũng phải sợ mà lánh xa. Hồi mới, bà ngoại không cho Vinh thắp đèn đêm. Bà bảo: “Người Trung Quốc có tập quán của người Trung Quốc, người Nùng có tập quán của người Nùng. Mày đang ở nhà người Nùng, mày không đem tập quán của người Trung Quốc đến đây được. Người Nùng tao chỉ cần một bếp lửa âm ỉ trong nhà là đủ”.

Tú Vinh không được thắp đèn đêm buồn lắm. Anh ấy vừa buồn vừa có vẻ lo âu sợ sệt nữa. Chắc anh ấy lo về những điều mê tín do phong tục của dân tộc anh ấy thôi. Thương chồng, Lộc xin mãi bà mới cho phép, nhưng chỉ được thắp ở phòng riêng của hai đứa. Tú Vinh sung sướng trổ thêm một cửa sổ bên mé tường phía sau nhà, và anh khoét ở đó một lỗ để đèn.

Cho đến nay, Lộc cũng không hiểu tại sao một con người hiền lành dễ thương như Tú Vinh, khắp các bản trong xã, không ai chê trách anh một điều gì, mà vẫn không được lòng bà ngoại. Sự thật không phải bà ngoại ghét Lương Tú Vinh từ ngày đầu đến bản. Trái lại, bà còn thương còn yêu nữa là khác. Lộc nhớ, ngày ấy Lộc mới chừng mười hai tuổi, thấy nói có một người từ bên kia biên giới trốn sang, bị chính quyền công an xã đánh khắp người bê bết máu. Không hiểu là con cái nhà ai ở bên ấy, bà ngoại vội chạy đi xem. Lộc cũng theo bà. Một cảnh tượng diễn ra thật khủng khiếp. Trước mắt Lộc là một anh con trai, mặt mũi thâm tím. Hai bên gò má và hai lỗ mũi máu đọng thành những vệt dài, đen tím như những con vắt mỏng. Cả chân tay anh nữa, cứ chỗ nào hở là chỗ ấy tím bầm. Anh đứng nép vào một góc nhà trụ sở ủy ban xã. Toàn thân anh rúm ró như một búi giẻ rách. Anh khoác tấm áo rách bươm hai vạt trước. Giữa lưng áo nổi lên mấy chữ Hán viết bằng hắc ín đen xì: “Yêu-ma-quỉ-quái“.

Nghe cán bộ xã hỏi, anh ấy chỉ lắc đầu, nước mắt chảy giàn giụa. Thương quá, bà ngoại ôm lấy anh ấy khóc nức nở. Lộc chẳng biết gì, thấy bà khóc, cũng òa khóc theo. Bà cứ vỗ vỗ lên tấm vai tròn lẳn của anh ấy, bàn tay bà gầy guộc dăn deo với những sợi gân chằng, nổi lên như mớ dây điện rối. Ngày ấy, Lương Tú Vinh không biết nói một tiếng Nùng nào. Nhưng trong các bản, hầu hết người lớn đều biết nói tiếng Hoa. Cũng như ở bên kia biên giới, người Hoa biết nói tiếng Nùng. Hỏi ra mới biết, trong dịp kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc, công xã nhân dân bắt mọi người, hễ ai biết chữ đều phải viết bích báo ca ngợi “Người cầm lái vĩ đại”, ca ngợi chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc, ca ngợi công xã. Lương Tú Vinh là một thiếu niên duy nhất trong công xã đã theo hết bậc trung học. Bởi Vinh có anh trai là đại úy trong quân giải phóng, nuôi cho ăn học ngoài thị trấn. Cách mạng văn hóa ập đến, học sinh biến thành các phần tử du đãng, chuyên đi phá phách. Tú Vinh bé quá, trốn về quê ngoại ở với người bác họ. Sau lại được tin người anh là đại úy trong quân đội cũng đã bị bắt. Tú Vinh sống lam lũ, lao động cật lực cũng không đủ ăn. Vinh thường nuối tiếc những ngày được anh nuôi cho đi học. Như mọi người khác, Lương Tú Vinh hết lời ca ngợi cái mà người ta bắt phải tri ân. Nhưng rồi hiện thực đau khổ hằng ngày vẫn cứ trồi lên trong đầu óc, thế là Vinh bèn kết bài viết của mình bằng hai câu thơ chợt đến.

– Sưa huây chủ y hảo

– Then then sư mẻn pao[2]

Chỉ vì hai câu thơ ấy mà Lương Tú Vinh bị một trận đòn gần chết. Người bác họ sợ hú vía, làm ra vẻ giận dữ đuổi Vinh về quê nội, nhưng lại ngầm thu xếp cho Vinh tới bản Nà Lầu này. Ở đây, Vinh có một người bà con họ xa là gia đình nhà Quách Quí, đã sinh sống lâu đời trên đất Việt Nam.

Chính quyền xã đồng ý cho Vinh về ở tạm với người nhà. Mấy hôm sau, có người bên kia sang chợ, nói kín nói hở với vài người trong bản: “Nếu thằng Lương có trốn sang, các bà thương nó, che chở cho nó. Bảo nó khôn hồn đừng có bén mảng về quê nội, quê ngoại nữa. Chúng tôi thấy mấy ông cán bộ công xã bảo nó “làm tay sai cho Liên Xô, nói xấu công xã, nói xấu chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc”. Nó mà trở về là họ giết đấy”.

Ở với gia đình nhà Quách Quí, Vinh tỏ ra ngoan nết, chăm làm. Dân xã ai cũng thương.

Ít lâu sau được chấp nhận như là một xã viên của hợp tác xã nông nghiệp, Vinh tưởng không còn gì hạnh phúc hơn. Có chỗ đứng chắc chân, Vinh không còn thấp thỏm lo phải trở về công xã làm mồi cho họ đấu đá nữa. Một hôm đang làm đồng, Vinh giơ nắm tay về phía bên kia dọa: “Bọn cán bộ công xã chúng mày rồi sẽ lụn bại!.

Từ ngày trở thành xã viên hợp tác xã, Vinh làm việc hăng say tưởng đến quên mình. Anh làm không kể thời gian, không tiếc sức. Việc khó Vinh nhận. Việc nặng Vinh tranh lấy. Nương nào dốc, nương nào xa, Vinh có mặt. Đi làm với người già, Vinh vác cày vác cuốc hộ. Đi chặt cây đốn gỗ với phụ nữ, Vinh chặt gốc, phần các bạn chặt cành. Khiêng cây, Vinh ghé vai nhắc bổng phần gốc lên, phần ngọn dành cho hai ba người khác. Đến bây giờ thì Vinh đã nói thạo tiếng Nùng, như một người Nùng gốc. Khắp bản trong bản ngoài, không ai không biết đến Vinh, và ai cũng đem lòng quí mến. Vinh lớn lên vừa khỏe vừa xinh, trai Nùng khắp xã không anh nào sánh được với Vinh đâu. Vinh đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Vinh cũng được kết nạp vào dân quân, lại được bổ sung vào trung đội trực chiến của xã.

Vinh đi đến đâu là gieo lại đấy những nụ cười tươi. Vinh được nhiều cô gái Nùng để ý. Vinh tự biết điều đó lắm. Đã có mấy gia đình người Hoa ngoài phố huyện, gọi gả con gái cho Vinh, nhưng Vinh lại để mắt tới một cô gái khác, cô Lộc y sĩ. Hồi ấy Lộc mới chỉ là y sĩ hộ sinh thôi, chứ chưa phải là trưởng ban y tế xã như bây giờ. Một con người như thế, làm sao mà Lộc có thể từ chối yêu anh.

Trong giấc ngủ lại chập chờn, Lộc mơ thấy bà ngoại. Vẫn như hồi bà còn sống. Bà mặc bộ váy áo chàm rộng thùng, bạc phếch. Cổ tay cổ chân bà đeo đầy những chiếc vòng sắt đã mòn sáng. Dáng bà nhỏ bé. Lông mi bà bạc trắng. Tóc bà sáng như cước. Da mặt bà vàng xám với hàng triệu nếp nhăn ngang dọc, cứ như là một cuốn nhật ký, ghi chép lại nỗi gian truân của đời bà. Bà âu yếm nhìn Lộc, đôi mắt bà rân rấn ngấn nước. Không nói một lời nào, bà chỉ lắc đầu.

Lộc giật mình vì con gà già ngoài chuồng lên tiếng gáy. Cô nuối tiếc mãi giấc mơ. Vì chỉ có trong mơ mới lại thấy bà. Nhưng tại sao bà khóc. Bà khóc vì thương cháu hay bà vẫn buồn về chuyện không cản được cháu yêu anh Vinh. Từ lâu, Lộc đã ý thức được rằng, bà dồn trút tất cả cuộc đời bà cho giọt máu của con gái bà – cho Lộc. Đến nỗi, lúc mới lớn, Lộc cứ tưởng bà đẻ ra mình. Sau mới biết, bố mẹ Lộc là du kích, cùng hi sinh trong một trận đánh phối hợp với bộ đội, diệt hang ổ cuối cùng của bọn phỉ ở vùng này. Ngày ấy Lộc mới hai tuổi. Vậy mà lớn lên, Lộc lại cưỡng lời bà. Những tưởng bà thương mình, rồi trước sau bà cũng thương anh ấy. Lộc cho rằng những thành kiến dân tộc, cuối cùng sẽ bị san phẳng, bởi tình yêu tình thương nhân loại. Nhưng bà lại ôm ấp nó xuống tận đáy mồ. Thương bà quá bà ơi. Thương cả nỗi giận của bà nữa. Lộc nhớ, dạo ấy bà chỉ một mực nói rằng: “Người Hán nó không tốt với người Nùng mình đâu. Cả đời bà, bà chưa thấy một người trai Nùng nào lấy được vợ Hán. Nếu có yêu nhau, rồi họ cũng phá. Không phá nổi thì họ thuê người giết anh trai Nùng đã dám yêu con gái Hán. Nhớ có lần Lộc gặng hỏi bà: “Tại sao bà lại không tin anh ấy thật lòng yêu cháu?.

Giọng buồn như tiếng guồng quay khuya, bà nói: “Cứ xem cung cách, bà biết nó không phải là người nhân nghĩa. Con gà trống của nhà mình, bà nuôi để nó gáy báo thức cho cháu dậy học bài từ ngày cháu còn nhỏ. Bây giờ bà cháu mình vẫn quí nó. Cứ hễ thấy bà, thấy cháu là nó quấn vào chân. Nhưng hễ thấy thằng Vinh đâu là nó cắm đầu cắm cổ chạy như có ma đuổi. Con chó già nhà mình cũng vậy. Hễ thấy thằng Vinh, nó cũng lầm lầm bỏ đi. Giống vật nó tinh lắm con ạ. Mà thằng Vinh có yêu thương gì chúng đâu. Có lần bà làm ở ngoài nương, nó tưởng bà đi đâu xa, nó đuổi đánh con chó khắp vườn. Con gà chạy tạt ra bờ suối cục ta cục tác ầm lên. Lúc bà về, con chó vẫn nằm rên ư ử. Nó lết chiếc chân đau khập khiễng đến cạnh bà. Nó ngước nhìn bà, mắt nó đỏ hoe, nước mắt trào ra. Cứ như là nó trách bà, nó oán bà đã để cho người lạ đến nhà này đối xử tàn tệ với nó. Mà thằng Vinh còn lạ gì bà cháu mình quí con gà trống, con chó già ấy như thế nào. Biết bao nhiêu lần ngồi bên bếp lửa này, thằng Vinh chê con gà nhà mình có giọng gáy rè, bộ lông xác. Con chó đã rụng gần hết răng, chỉ có tiếng sủa thôi chứ chẳng có ích gì. Bà nhớ cháu có bảo nó, con gà nhà mình tuy già nhưng gáy đúng giờ. Con chó đã sủa là có người, chúng gắn bó với bà với cháu như người ruột thịt trong nhà. Thế mà nỡ lòng nào nó vẫn cứ đòi thay. Thay là bỏ, là giết chúng đi chứ gì. Bỏ chúng, giết chúng, có khác gì chặt chân chặt tay bà cháu mình.

Lại một lần Nhưng thôi, đấy là chuyện riêng giữa cháu với thằng Vinh. Ôi buồn lắm, chán lắm. Nói thật với cháu, bao giờ lá kháo[3] chìm tận đáy hồ, lá gỗ lát mục lẫn với bùn[4] bà mới tin thằng Vinh nó thật lòng yêu cháu. Bà mới tin người Hán nó thật bụng với người Nùng ta. Bà chỉ thương cuộc đời cháu rồi khổ. Bà chẳng đội đá sống mãi ở đời để che chở cho cháu. Chẳng ai có thể làm được bà đổi ý đâu.

Đúng thế, chẳng một ai có thể làm được bà đổi ý. Bí thư xã đoàn đến nói chuyện với bà, bà bảo: “Nó định lừa chúng mày đấy. Nhưng nó không lừa nổi bà đâuChúng mày tin họ thì mặc chúng mày. Bà bảo thật, chúng mày mới lớn chẳng biết được đâu. Người Hán xấu cái bụng lắm.“…

“… Còn một cái nhẽ sâu xa nữa mà bây giờ chúng mày quên hết rồi sao? Chúng mày có biết vì sao tên bản ta phải đặt là Nà Lầu[5] không? Vì rằng đời đời người Hán ở bên kia cứ sang bên này tranh đồi lấn đất. Cho nên tổ tiên ta mới đặt tên đất tên bản mình như vậy. Đặt vậy để phân định rạch ròi địa giới. Để cho con cháu biết mà giữ lấy đất này. Đặt tên ấy từ bao giờ, có ai mà biết được. Chỉ biết bố tao nói là ông nội của ông bảo tên Nà Lầu có ghi trong gia phả từ chín đời rồi. Tao tin chuyện ông bà ta đời đời lưu lại. Tao không gả cháu tao cho nó đâu, chúng bay đừng nói nữa, phí lời…”. Giọng bà chắc nịch như dao chém gỗ. Cho đến lúc chết, bà vẫn không thay ý cải lời. Bà vẫn không nhận Lương Tú Vinh là người nhà, là cháu của bà.

Lộc ôm con trở mình quay vào phía trong cho đỡ mỏi. Ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu hoả phản chiếu qua các đồ vật vẽ thành những hình thù kỳ quái, gây cho Lộc một cảm giác sợ hãi. Đêm yên tĩnh đến ghê rợn. Lộc nghe rõ cả tiếng tích tắc khô khan đều đều của chiếc đồng hồ báo thức đã cũ nát phía đầu nhà, như nhịp tim cạn máu của bà, hồi bà sắp mất.

Không ngủ được, đầu óc Lộc mông lung quá. Lộc cứ trôi về với những kỷ niệm xưa, nhưng không một kỷ niệm nào hiện lên trọn vẹn.

Lộc nghe mơ hồ như có tiếng bàn chân bước êm nhẹ như mèo đi trên cỏ. Chưa xác định được tiếng động chân người hay tiếng gió thoảng từ xa. Lộc mở bừng mắt nhìn về phía ánh đèn.

Chợt có một bàn tay thò vào ngách cửa sổ, vặn cho ngọn bấc tụt xuống. Đèn tắt ngấm. Hơn cả quỉ sứ hiện hình. Lộc chưa kịp thét lên thì có tiếng xô cửa rầm rầm. Một đoàn người chen nhau bước vào sàn nhà, ánh đèn pin quét loang loáng. Chúng chia nhau đi chẹn các cửa ra vào. Mấy đứa giựt đứt tung dây màn. Lộc biết chúng là ai rồi. Thằng nào cũng quân phục màu cỏ, mũ vải lưỡi trai có đính ngôi sao đỏ. Ve áo đứa nào cũng đeo một phù hiệu đỏ như máu. Thằng nào thằng ấy, mặt hầm hầm đầy sát khí. Hàng chục chiếc lưỡi lê tua tủa bao quanh mẹ con Lộc. Sau phút bàng hoàng đầu tiên, bây giờ Lộc không sợ nữa. Ôm chặt con vào lòng, Lộc đảo mắt xem có thấy tên nào quen mặt không. Hình như có bóng một con đàn bà lấp ló phía ngoài cửa tối om. Lộc nom dáng nó ngoắt cái đầu hơi quen quen. Hình như cô đã gặp nó ở đâu. Cô nhận ra rồi, chính nó là Quách Phụ, con gái nhà Quách Quí cũng ở bản này. Nó là một con gian thương, một đứa trăng hoa khét tiếng trong vùng.

Những chiếc lưỡi lê sáng xanh ánh thép, vẫn quây thành một vòng tròn chĩa vào mẹ con cô. Trong khi những đứa khác moi móc sục sạo khắp trong nhà ngoài vườn. Đống tã lót của con cô từ tối chưa giặt, chúng cũng lấy mũi lê gẩy lộn lên. Đối đầu với cái chết, cô không còn thấy sợ nữa. Trong lòng cô dấy lên sự khinh ghét. Cô miên man nghĩ đến dân bản, nghĩ đến các đơn vị bộ đội chốt quanh đây, có biết chúng đã lẻn vào, hay cũng bị bất ngờ như mẹ con cô. Lộc chợt nghĩ đến Lương Tú Vinh, và lo cho chồng, nếu trở về lúc này ắt sa tay giặc mất.

Một đứa lách qua hàng rào lưỡi lê vào nâng cằm Lộc lên, hỏi một cách xấc xược:

– Có phải mày là con Hoàng Thị Lộc, trưởng ban y tế xã, vợ thằng Lương Tú Vinh, phản bội công xã nhân dân Trung Quốc chạy trốn sang đây?

Lộc hất bàn tay nó ra, kiêu hãnh xác nhận – “Phải. Các người muốn gì?”. Lộc cũng nhận rõ mặt thằng này rồi. Nhà nó ở bên kia biên giới, đối diện với bản Nà Lầu của Lộc đây. Thằng này ít lâu nay đã ra mặt tranh chấp ruộng đất với bà con Nà Lầu. Bố nó xưa thường dẫn đường cho lũ cướp vào cướp Nà Lầu, bị dân bản đâm chết ở Quèn Trâu.

Bỗng có tiếng quát khẽ ở phía sau. Tất cả những lưỡi lê đều rụt lại. Vòng vây giãn ra. Một tên béo phì, mặt bánh đúc, mắt híp, đeo khẩu súng lục có dây vắt chéo ngang thân, một dây nữa nằm ken chéo với dây đeo súng là chiếc xắc cốt căng phồng. Nó cũng mặc quần áo màu xanh lá, trên ve áo không mang hai cục máu như bọn kia. Nó đến sát Lộc, cười nhăn nhở như mặt con lợn ỉ, với cử chỉ làm ra lịch thiệp và lời nói vẻ như khiêm nhường, thân thiện:

– Xin lỗi đồng chí Lộc, tôi đến hơi chậm. – Nó nói bằng tiếng Hoa chứ không phải tiếng Nùng như tên ban nãy. Chắc các đồng chí ở đây đã có những cử chỉ và lời nói xúc phạm đến đồng chí. Thay mặt quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, tôi xin lỗi đồng chí. Chúng tôi sẽ có kỷ luật đối với các binh sĩ phạm lỗi.

Nó làm gì mình đây, Lộc nghĩ. Thà nó cứ quát tháo như những tên vũ phu kia còn hơn là nó ngọt ngào giăng bẫy. Chao ôi, nó lại gọi mình là “đồng chí” nữa cơ chứ. Lộc thoáng tìm cách đối phó. Có nên trả lời nó bằng tiếng Hoa không. Hay cứ coi như mình không nghe được tiếng chúng nó là xong.

Thằng béo ị, chắc là thằng chỉ huy lại léo nhéo giải thích:

– Đồng chí Lộc đừng ngạc nhiên về sự có mặt của quân đội Trung Quốc trên đất Việt Nam. Đây là chúng tôi làm nhiệm vụ trừng phạt những kẻ ngang ngược, bấy lâu nay hay gây rối ở biên giới hai nước, cốt để giữ gìn tình hữu nghị Trung – Việt mà Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch đã đích thân xây dựng.

Đồng chí phải cộng tác với chúng tôi chặt chẽ. Nếu có nổ súng, ấy là tôi nói nếu thôi, chứ chắc chắn là bộ đội Trung Quốc sẽ bắt gọn hết lực lượng vũ trang của Việt Nam dọc đường biên này. Tôi nhắc lại, nếu có nổ súng, đồng chí phải là người chịu trách nhiệm sơ cứu vết thương cho binh sĩ Trung Quốc và cho dân xã. Đồng chí phải huy động lực lượng cáng tải thương. Thuốc men và bông băng dự trữ, đồng chí cứ đem ra dùng, chúng tôi sẽ biên nhận rồi tính trả sau.

Nó định biến mình thành một con phản bội Tổ quốc chắc. Không, thà chết còn hơn làm tay sai cho chúng mày. Đứa bé ọ ẹ dụi dụi đầu đòi bú. Lộc thản nhiên vạch vú cho con bú.

Thằng chỉ huy và cả lũ lính tỏ vẻ mếch lòng. Nó bình tĩnh hỏi lại Lộc:

– Đồng chí Lộc nghe đầy đủ lời tôi nói chứ. Tôi được báo cáo rất tỉ mỉ về đồng chí. Kể cả đồng chí nói rất thạo tiếng Hoa.

Nó mở sắc cốt đặt trước Lộc một gói sâm. Những củ sâm to bằng ngón chân cái bọc trong giấy ni lông trắng. Nó đặt tiếp một gói chừng hai chục củ tam thất to bằng ngón tay trỏ, đen bóng như sừng. Hai chai rượu hổ cốt. Một hộp phấn. Một lọ nước hoa. Một xấp vải hoa với một tập giấy bạc Việt Nam, loại 50 đồng còn mới cứng. Nhìn vào mẹ con Lộc, nó nói: “Đây là quà của thủ trưởng cấp trên gửi tặng mẹ con đồng chí. Gọi là một chút bồi dưỡng. Còn đây là tiền thưởng của đồng chí, đã có công cộng tác với đồng chí Lương Tú Vinh trong mấy năm qua. Phải nói, đồng chí đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho đồng chí Lương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngay việc chúng tôi tìm đến nhà đồng chí giữa đêm hôm, không khó khăn lắm, là do có ánh đèn của đồng chí. Cũng nhờ có ánh đèn ấy mà trong nhiều năm, chúng tôi chưa hề đứt liên lạc với đồng chí Lương lần nào. Công lao của hai đồng chí lớn lắm. Sau cuộc thảo phạt này, thủ trưởng cấp trên thế nào cũng đưa hai đồng chí về Bắc Kinh báo cáo điển hình. Lát nữa, sau khi dẫn bộ đội Trung Quốc ém quân bao vây xong các mũi chính, thế nào đồng chí Lương cũng ghé nhà thăm mẹ con đồng chí”.

Từng lời, từng lời của tên xâm lược này như từng mũi dao thọc thẳng vào tim gan Lộc.

Từ nãy, Lộc vẫn còn hoài nghi, cho là giặc dùng kế ly gián, buộc Lộc phải tiếp tay cho chúng. Nhưng khi thấy tên mặt lợn nói đến ngọn đèn đêm, Lộc giật thót mình. Lộc nhớ rõ, khi về nhà này, bà không cho thắp đèn đêm, Vinh tỏ ra đau khổ và sợ hãi biết chừng nào.

Đúng là suốt mấy năm trời, không đêm nào Vinh để tắt ngọn đèn. Đau xót hơn, chính Lộc đã chấp nhận việc thắp đèn đêm, như là một tập quán dân tộc của tên phản bội này. Và chính cô chứ không phải ai khác, đã tự tay mình thắp lên ngọn đèn ấy một cách đều đặn, ngay cả khi tên kia đi vắng.

Lộc nhớ cả những buổi y vắng nhà không báo trước. Những lần y tiếp khách lạ tại nhà. Nhất là từ sau ngày bà mất, thì khách lạ gọi là “người nhà” từ bên kia biên giới sang thăm, có vẻ rộn rã hơn.

Thật ra, không phải nó khéo léo tinh vi đến độ Lộc không nhận ra ở nó một lỗi lầm nào, mà chính vì cô trong trắng quá, nhân hậu quá, cả tin quá, nên cô không kiểm xét, không nghi ngờ những việc làm và quan hệ của nó.

Đáng tiếc là nó đã chui được vào nhà cô, một gia đình liệt sĩ neo đơn, ở cuối một bản thưa heo hút. Bản thân cô lại là một cán bộ trong sạch. Than ôi! Chính mình đã tạo cho tên gián điệp này một nơi ẩn nấp công khai mà kín đáo, để nó hoạt động.

Lộc sực nhớ đến bà và những lời bà khuyên bảo…

Một nhà Quách Quí, một con Quách Phụ, một thằng Tú Vinh. Một đoàn quân đột nhập. Đến bây giờ cháu mới thấm lời bà. Đến bây giờ cháu mới biết rõ cái bụng chúng nó, bà ơi! Lộc thầm thì tự giày vò, tự nguyền rủa mình. Bên tai cô, tiếng thằng chỉ huy lại vang lên vo ve như tiếng nhặng.

Thằng mặt lợn nhìn đồng hồ tay nói:

– Đến giờ rồi, đồng chí Lương làm xong nhiệm vụ, sắp về gặp chúng ta đấy đồng chí Lộc ạ. Bây giờ có một việc chúng tôi phải phiền đến đồng chí. Đồng chí cầm lấy chiếc loa pin này, báo cho dân làng biết. Khi có tiếng súng nổ đừng hoang mang. Đồng bào nên tập trung đón bộ đội Trung Quốc, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, gìn giữ tình hữu nghị Trung – Việt đời đời bền vững.

Lại đến nước này nữa. Ta phải đích thân nói với dân làng, ta là kẻ phản bội Tổ quốc, như xưa kia nàng Mỵ Châu đã rắc lông ngỗng khắp các nẻo đường rút chạy của vua cha, để cho quân thù săn đuổi mãi? Không đời nào! Thà chết chứ bay đừng hòng cậy được một lời nói phản bội từ miệng tao. Tao lầm lẫn nên bị lừa, chứ tao không thèm cộng tác với chúng mày. Chao ôi, có cách gì mà nói lại được với dân bản Nà Lầu này, phải đời đời cảnh giác.

– Thế nào, đồng chí Lộc, giúp chúng tôi chứ?

Một ý thoáng hiện trong óc Lộc, phải báo cho dân làng và bộ đội biết, giặc đã đến. Nhưng nếu nói thẳng ra, nó sẽ bắn chết ngay từ câu nói đầu. Nói thế nào bây giờ. Trong lũ chúng nó không thiếu kẻ biết tiếng Nùng. Ngay thằng mặt lợn này, xem cung cách không phải nó không biết tiếng Nùng! Lộc sắp xếp nhanh một số ý ở trong đầu. Đoạn quay ra Lộc nói:

– Cũng được, để tôi nói cho.

Một tay cầm loa, một tay bế con, Lộc leo lên chiếc sân phơi. Mấy tên lính và thằng chỉ huy mặt lợn cũng bước theo Lộc. Tay súng lăm lăm, chúng chĩa về mọi hướng. Thử bóp nút bấm, Lộc thổi vào miệng loa. Loa phát ra tiếng gió trong trẻo, pin tốt. Những thứ này Lộc còn lạ gì. Lộc sử dụng nó từ khi còn ở trong đội thông tin xã. Hoặc khi nói chuyện về sinh đẻ với hàng trăm chị em người Nùng, Lộc cũng nói vào những chiếc loa này.

Lộc thong thả, nhỏ nhẹ:

Pi noọng ơi! Bộ đội Trung Quốc mà thââng giá lô.

Pi noọng giá ni... pây lèo a nơ[6]!

Dứt lời, Lộc quay hỏi thằng mặt lợn bằng tiếng Nùng – Tôi nói thế được không?

– Nó gật đầu – Hảo hảo[7]. Hấn hảo![8]

Thế là rõ rồi. Thằng này cũng sõi tiếng Nùng. Dù mày có biết tiếng Nùng, thì mày cũng không thạo bằng người Nùng tao.

Lộc tìm ra chỗ yếu của nó. Nó không biết Lộc ngắt hơi không đúng chỗ để báo cho đồng bào. Lộc sẽ triệt để lợi dụng ưu thế này. Sắc mặt cô hồng hẳn lên. Dường như sức lực cả một đời, cô dồn trút vào trong giọng nói. Tiếng nói cô sang sảng như mệnh lệnh ban ra.

Pi noọng ơi! Bộ đội Trung Quốc mà thââng giá lô!

Pi noọng giá ni… pây lèo a nơ!

Pi noọng giá ni...

Pi noọng giá ni... Pi noọng giá ni...!

Điệp khúc “đồng bào chạy đi”, Lộc tha thiết nhấn mạnh. Tiếng Lộc vang vọng vào vách núi. Dường như cả núi rừng cũng thêm sức mạnh với cô. Mỗi lời cô nói, rừng núi đều nhắc lại to hơn, vang hơn.

Vừa lúc thằng Lương Tú Vinh dẫn lính Trung Quốc đi ém xong, định quay về nhà thăm vợ con thì nó nghe tiếng loa thét: “Pi noọng giá ni!” – “Đồng bào chạy đi!”. Nó không tin ở tai mình nữa. Đúng là tiếng loa thét ở phía nhà nó. Và tiếng người thét loa lại chính là tiếng Lộc. Nó nhầm làm sao được. Tình hình nguy ngập lắm rồi. Sao cô ấy lại dại dột làm cái việc nguy hiểm này. Bọn lính Trung Quốc sẽ giết chết mẹ con cô ấy. Ngay cả tính mạng mình cũng ngàn cân treo sợi tóc thôi. Phải chặn đứng lại, không thì chết hết. Nghĩ vậy, nó lao đi như một mũi tên.

Viên sĩ quan thoáng thấy có bóng người chạy phía ngoài rào. Thoắt một cái bóng đen đã leo lên tận sàn phơi. Thằng sĩ quan mặt lợn nhận ra nó, reo lên:

– Đồng chí Lương đã về!

Thằng Lương gạt tất cả ra, nhảy bổ vào, xô Lộc. Lộc ngã dúi mất đà, chiếc loa văng đi. Đứa con khóc ré lên.

– Im ngay! Mày nói cái gì. Nó quát Lộc hổn hển qua hơi thở.

Thằng chỉ huy ngơ ngác như dò hỏi.

– Thưa đồng chí thủ trưởng, nó báo cho dân bản chạy đấy. Lộ rồi. Thằng Lương Tú Vinh nói, mặt nó tái mét. Tên chỉ huy “á” lên một tiếng rồi rút khẩu súng lục đeo vắt chéo ngang thân, vẩy hết cả một băng vào mẹ con Lộc.

Tiếng đạn quân thù vang lên yếu ớt không đuổi kịp tiếng Lộc, và vách núi âm vang còn nhắc lại lời nói cuối cùng của Lộc. Lời nói thiết tha của một trái tim trong trắng:

Pì noọng giá ni!

– Pì noọng giá ni!…

                                                              Hà Nội, 16.3.1979

 

______________
[1]. Giống đào ngon nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn

[2]. Tiếng Trung Quốc có nghĩa là xã hội chủ nghĩa (thì) tốt. (Nhưng) ngày ngày (cứ phải) ăn bánh bao. Bánh bao người dân Trung Quốc ăn hằng ngày làm bằng bột đại mạch hoặc kiều mạch không nhân, ăn rất ngán.

[3]. Lá cây kháo không bao giờ chìm trong nước.

[4]. Lá cây lát không bao giờ mục trong bùn, bởi xương lá có chất sừng.

[5]. Tiếng Nùng “Nà” là đất, “Lầu” là ta, Nà Lầu nghĩa là Đất của ta.

[6] .Tiếng Nùng có nghĩa là: Đồng bào ơi, bộ đội Trung Quốc nó đến đấy. Đồng bào chạy đi … theo họ nhé!

[7]. Tiếng Hán có nghĩa là: Tốt tốt.

[8]. Rất tốt.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder