Người đàn bà ám ảnh – Đức Hậu

 

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Người đàn bà ám ảnh” của nhà văn Đức Hậu in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.


Nhà văn Đức Hậu

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: VŨ ĐỨC HẬU. SINH NGÀY 12 THÁNG 2 NĂM 1947. QUÊ QUÁN: THUỴ HƯNG, THÁI THUỴ, THÁI BÌNH. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: THÁI BÌNH. TỪ NĂM 1965 ĐẾN 1969, LÀM CÔNG NHÂN KỸ THUẬT MỎ Ở QUẢNG NINH. 1969-1970, LÀ CÁN BỘ BIÊN TẬP, SÁNG TÁC TY VĂN HOÁ THÁI BÌNH. SAU ĐÓ HỌC KHOÁ V TRƯỜNG VIẾT VĂN TRẺ, HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 1970-1972. TỪ 1990 ĐẾN 2007 LÀ CHỦ TỊCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THÁI BÌNH. TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC NHÀ VĂN KHU VỰC CÁC TỈNH PHÍA BẮC CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM. TỪ NĂM 2005 LÀ UỶ VIÊN ĐOÀN CHỦ TỊCH UỶ BAN TOÀN QUỐC LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT VIỆT NAM.

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ ÁM ẢNH

Đại tá quân y Vũ Quân biết mình không sống được bao lâu nữa. Bệnh nan y thường giết các bác sĩ nhanh hơn những người khác. Buổi chiều sau giờ làm việc, bác sĩ Thản lặng lẽ ngồi bên giường cha như thường lệ. Hai cha con vẫn im lặng bên nhau như vậy hàng giờ, nhiều giờ. Bác sĩ Thản đã đề nghị mổ cho cha, nhưng đại tá bảo: “Vô ích “. Anh cũng biết là vô ích nên không nói gì với cha nữa. Sau ba tháng, bệnh ung thư hầu như đã vắt kiệt sức của cha anh. Suốt một đời bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng, đại tá đã giải thoát biết bao người khỏi bàn tay của tử thần, mà giờ đây ông đang bất lực trước cái chết không tránh khỏi. Khuôn mặt phương phi hồng hào với nhiều nếp nhăn to giàu trí tuệ của ông khô quắt, sạm lại như cháy thành than. Bác sĩ Thản biết cha anh vô cùng đau đớn cả thể xác và tinh thần. Lòng anh quặn đau mà chỉ biết im lặng nhìn cha.
– Con hãy thu xếp cho cha một việc, đại tá nói nhỏ với con trai.
Thản nghiêng xuống bên cha, nhìn và chờ đợi.
– Đề nghị toà án cho cha được ly dị mẹ con trước khi chết, đại tá bình tĩnh nói.
Thản kinh hoàng nhìn cha, tưởng như ông đã hôn mê. Đại tá đăm đăm nhìn con trai. Ánh hoàng hôn đỏ như máu lọt qua rèm cửa sổ cháy lên trong mắt ông.
– Đi đi con, đại tá nói rành rọt. Không cần mang theo gì cả. Đơn của cha có hàng tập ở trên ấy rồi.
Thản sang phòng bên giục hai con ra ngoài chơi và lặng ngồi bên vợ. Vợ Thản là phóng viên, rất kính trọng bố chồng, coi ông là thần tượng. Thản ngượng ngùng nói với vợ về ý nguyện của cha, thầm đoán chị sẽ phản đối quyết liệt. Không ngờ vợ anh nghe xong rất xúc động. Chị vừa khóc vừa là vội bộ quần áo cho anh. Khi anh thay quần áo, chị dắt xe đạp ra sân đứng chờ. “Anh đi đi, đi đi”. Chị nói trong nức nở và ôm mặt chạy vội vào nhà.
*
Bà Thanh, tên cũ là cô Mờ làng Giành, mẹ đẻ của bác sĩ Thản, từ nhiều năm nay sống với người anh của bà. Ngôi nhà của anh em bà vào loại cao sang nhất tỉnh, cách đây chưa lâu là chốn lui tới cầu cạnh của nhiều loại người. Ông anh bà là chủ tịch tỉnh. Bà là lãnh đạo hội phụ nữ tỉnh, nổi tiếng về thái độ không khoan nhượng khi cần tranh đấu với bất kỳ ai. Bao nhiêu năm ròng, giọng sang sảng của bà cất lên ở mọi hội nghị, và hầu như hội nghị nào bà cũng là đại biểu. Bây giờ người anh đã chết, bà Thanh cũng đã về hưu, ngôi nhà trở nên quá rộng vì vắng khách. Bà cao lớn, sắt đá, giọng nói đanh thép rít qua kẽ răng, lối sống khắc kỷ, các cháu sợ bà hơn sợ bố mẹ đẻ. Buổi tối hôm đại tá Vũ Quân đau đớn cùng cực, vật lộn với thần chết, bà đang ngồi xem vô tuyến với mấy đứa cháu nổi tiếng ăn chơi, trong ngôi nhà rộng như một bảo tàng đã đóng cửa. Khi bác sĩ Thản và người thẩm phán đến gõ cửa, bà Thanh dẫn họ vào phòng khách sang trọng, đưa mắt nhìn con trai nhanh như chớp, bắt tay người thẩm phán và ra hiệu mời ngồi. Bà thấy cuộc viếng thăm bất ngờ này ẩn chứa điều gì không bình thường nên cố tình không nói trước. Chủ khách, mẹ con nhìn nhau ngượng ngùng, căng thẳng. Cuối cùng, người thẩm phán phải vào chuyện:
– Thưa nữ đồng chí Thanh, tôi đến gặp đồng chí vì ý nguyện của một người đang trong phút lâm chung…
Khi người cán bộ toà án trình bày, bà Thanh ngồi thẳng, cất cao đầu, đôi mắt long lên giận dữ và quyết liệt, bộ ngực và đôi vai gầy khô rung lên từng đợt. Im lặng kéo dài. Hồi lâu, bà Thanh đưa mắt nặng nề nhìn con trai, không thèm nhìn người cán bộ toà án, lạnh lùng nói qua kẽ răng:
– Được. Bây giờ thì tôi chấp nhận.
Bà cầm tờ giấy, ký một chữ to vụng về rồi để cả giấy bút lên bàn. Bà ngả người ra lưng ghế, mặt gầy tái nhợt, đôi môi mỏng nhợt nhạt mím chặt. Khi Thản và người cán bộ toà án chào ra về, đôi môi ấy cũng không hề mấp máy. Ai biết bà đang nghĩ gì? Đã kết thúc cuộc đời người đàn ông ưu tú mà bà luôn căm hận hay luôn yêu thương? Bà đã chiến thắng hay chiến bại? Hay bà thất vọng vì cuộc đời danh giá của bà lại vướng mắc với những kẻ vô đạo đức, vô chính trị, vô nguyên tắc là người chồng hờ và đứa con trí thức của bà? Bọn họ có biết rằng dù đã về hưu, nhưng nhiều kẻ đương chức đương quyền còn khốn đốn vì những đơn thư tố cáo quyết liệt của bà?
Ai biết được điều gì đang chờ mình ở phía trước? Ai biết được cô Mờ làng Giành lại trở thành nữ đồng chí Thanh hôm nay? Ngày ấy, những ngày sau cách mạng, người trai vệ quốc con nhà dòng dõi khoa bảng đã kết thân với cô du kích cùng làng. Anh trai cô là một trong số người đưa nông dân đi cướp huyện rồi lên lãnh đạo uỷ ban kháng chiến. Cô xấu và thô, lại không có học, nhưng bù vào đó là đức tính hăng hái hoạt động đoàn thể, dũng cảm và quyết liệt. Lúc bấy giờ, đức tính ấy được coi là chuẩn mực cao hơn cả cái đẹp. Trước ngày toàn quốc kháng chiến họ cưới nhau. Song thân của người trai là ông bà Đồ dù không muốn cũng không dám phản đối. Vì xã hội đã đổi thay, đã cách mạng. Quà tặng đám cưới là những trái lựu đạn, những thanh mã tấu và rất nhiều khẩu hiệu. Rồi anh theo bộ đội đi kháng chiến. Với trình độ tú tài toàn phần, anh được theo học lớp quân y, rồi làm việc ở bệnh viện chiến khu. Ngày hoà bình trở về, anh mới biết mình đã có con trai. Rồi anh lại đi học tiếp để phục vụ lâu dài trong quân đội.
Ngay sau ngày anh ra đi, một biến cố dữ dội chẳng lành ập đến với dân làng và gia đình anh. Có hai cán bộ cải cách ruộng đất về làng. Bằng một chương trình đã định trước, họ phát động nông dân đứng lên đáng đổ giai cấp địa chủ cường hào bóc lột. Bỗng chốc cô Mờ trở thành rễ chuỗi, chỗ dựa tin cẩn nhất của đội. Té ra cô là người quan trọng đến nỗi cán bộ cải cách phải e ngại. Người anh cô lúc đó đã trở thành bí thư đoàn uỷ cải cách, quyền sinh quyền sát trong tay. Dân làng sợ cô Mờ hơn cả sợ đội. Họ thì thầm với nhau rằng chính anh cô đã ký án tử hình chánh Cựu và ông bí thư đảng uỷ xã bị quy là Quốc dân đảng. Nghe đâu ông ta vừa đánh tổ tôm vừa ký án tử hình. Đúng sai thế nào chả biết, nhưng tin đồn khủng khiếp ấy đã lan truyền khắp vùng. Còn uy thế của cô Mờ thì ai cũng thấy. Cô thật sự trở thành nỗi kinh hoàng của làng Giành khi gia đình ông Đồ bị quy địa chủ bóc lột, đích thân cô đứng ra phát động đấu tố bố mẹ chồng. Ông thân sinh và ông nội ông Đồ đều là cử nhân nho học. Bản thân ông cũng theo đường khoa cử, nhưng đến thời ông thì nho suy, không còn khoa thi, ông Đồ bất đắc chí ở làng dạy học, làm thuốc và sống cảnh thanh bần, giữ gìn tiết tháo. Hơn mẫu ruộng thừa tự đủ để ông thành địa chủ bóc lột. Nghề dạy chữ Thánh hiền biến ông thành kẻ ngồi mát ăn bát vàng. Lối sống thanh bạch, ít giao du biến ông thành kẻ ăn trên ngồi trốc, xa rời quần chúng. Bản luận tội đó được phát ra từ miệng người con dâu vững lập trường gai cấp, đang có quyền kéo rào ngược, buộc dân làng Giành phải hô đả đảo ông. Ai không đả đảo? Vì lý do gì? Ta hay địch? Có người chỉ lỡ mồm nói bênh ông Đồ một câu lập tức bị du kích bắt trói giật cánh khuỷu đưa đi. Cô Mờ phải giúp đội tìm cho đủ số địa chủ đã quy định cho làng Giành. Để tỏ rõ lập trường giai cấp của mình, cô tuyên bố ly khai gia đình nhà chồng, kể cả đứa con mang dòng máu địa chủ. Anh em cô có điểm mạnh tuyệt đối là thành phần xuất thân vô cùng trong sạch. Ông thân sinh cô là ông mõ Mới, đã ba đời làm mõ ở làng giành. Điều này dân làng Giành từ cụ già đến con trẻ, ai cũng biết.
Mùa đông năm ấy, không khí lo âu căng thẳng bao trùm cả làng Giành. Những cuộc ôn nghèo kể khổ, đấu tố địa chủ diễn ra liên miên từ sáng sớm tới đêm khuya. Mạ già, đồng chưa đổ ải cũng mặc, tất cả phải tập trung cho mục tiêu đấu tranh giai cấp đã. Cô Mờ gầy rạc đi, hai gò má dô cao, đôi mắt rực lửa. Cô có mặt trong tất cả các cuộc đấu tố, là người làm mẫu cho giai cấp nông dân bị bóc lột đấu tố theo. Cô đứng trong bóng râm của mái hiên cao vòi vọi, chỉ tay vào mặt tên địa chủ đứng dưới sân đình, rành rẽ kể từng tội ác của hắn như thể chính cô đã chứng kiến, khiến tên địa chủ bàng hoàng không hiểu chuyện cô nói xẩy ra từ bao giờ. Ông Đồ bố chồng cô chỉ chịu được ba ngày đấu tố như vậy. Người ta thay phiên nhau đấu tố ông. Mỗi lần cu Thản cháu nội mang cơm cho ông, người ta bắt nó ăn trước, đề phòng âm mưu bỏ thuốc độc để tên địa chủ trốn tội ác. Mái tóc hoa râm của ông bạc trắng trước mắt mọi người như có phép màu. Phải đứng chịu đấu tố ngày này qua ngày khác, đôi chân ông xuống máu dẫm lên như chân voi. Chiều ngày thứ tư ông từ từ gục xuống rồi không đứng lên được nữa. Bao nhiêu tội bà Mờ và ông bà nông dân tố ông nhận hết, nhưng hỏi của cải bóc lột của nông dân giấu ở đâu thì ông không nói được. Ông gục, bà Đồ phải chịu đấu tố thay chồng. Bà cũng ngoan cố như ông về chuyện của cải.
Một buổi sáng mùa đông, người ta bắt những tên địa chủ ngoan cố chịu hình phạt. Chúng được dẫn ra cửa làng. Các ông bà bần cố nông đang tập trung ở đấy. Người ta bắt từng tên địa chủ phải chạy chân không trên ruộng ải nỏ trắng. Những bàn chân trần sưng húp tím tái vì lạnh, bước lên đất ải khác nào dẫm lên đống mảnh chai. Không tên địa chủ nào chạy hết được một luống cày. Chúng đều ngã gục giữa chừng. Đến lượt bà Đồ thì xẩy ra một việc. Bà vừa bị đẩy xuống ruộng, một thằng bé khoảng tám chín tuổi bèn nhảy xuống nắm lấy tay bà: “Bà ơi, để con chịu thay cho bà!”. Mọi người sững sờ nhìn thằng bé phong phanh tà áo nâu vá. Cô Mờ quát: “Thằng Thản, mày cút ngay! Mày muốn bao che cho địa chủ phải không?”. Hai du kích túm lấy thằng bé lôi lên đường. Nó luồn ra được, nhanh nhẹn cởi áo, xé toạc làm đôi, lao xuống ruộng quấn hai mảnh giẻ vào đôi bàn chân gầy như chân chim của bà nó. Nhìn thằng bé tím ngắt gầy trơ xương sườn, nhiều người vội quay đi. Bà Đồ nước mắt lã chã run run lần qua từng vẫng cày trước hàng trăm con mắt im lặng, trong gió bấc buốt thấu xương rít từng cơn. Bà là tên địa chủ duy nhất đi hết đường cày rồi quay trở lại chỗ cũ với hai bàn chân quấn giẻ đẫm máu. Bà lảo đảo bước lên đường, nghẹn ngào nói:
– Thưa bà Mờ, thưa đội, thưa ông bà nông dân. Tôi chỉ có của cải quý nhất là đứa cháu nội này đây. Đội với ông bà nông dân có tử hình vợ chồng tôi cũng không còn gì để cung khai nữa…
Anh đội trưởng cải cách thấy những ánh mắt nặng như chì của đám đông nông dân nhìn mình, bèn ra lệnh cho du kích: “Giải về!”.
Ngày dân làng đến tịch thu tài sản nhà ông Đồ, cô Mờ không có mặt. Cô nói rằng không muốn bước chân vào nhà ấy nữa. Nhưng cô đã chỉ dẫn anh đội cải cách chỗ để đồ ăn thức đựng trong nhà, dưới bếp và dặn dò cặn kẽ. Đoàn người có trẻ con gõ trống cà rùng đẫn đầu, vừa đi vừa hô khẩu hiệu đả đảo địa chủ. Họ kéo vào chật sân nhà ông Đồ. Chỉ trong chốc lát, ngôi nhà ngói năm gian trống toang hoác, mọi thứ bị lục tanh bành, tháo gỡ, đập phá tan hoang, vườn hoa cây cảnh bị xéo nát. Người ta khiêng đi giường tủ, bàn ghế, cánh cửa, quần áo, chum vại, cối đá. Quần áo rách, giấy má vứt khắp nơi. Khi đã lấy hết những gì có thể ăn, có thể mặc, có thể dùng, người ta đứng vây quanh đống sách chữ Nho to như đống rạ ở giữa sân, chờ khuân ra cho bằng hết. Đó là vốn liếng hai đời cử nhân nhà ông Đồ. Ông như điên dại, thất thểu chạy quanh sân, lạy van hết người này người khác. Biết không sao được, ông chỉ xin đội cải cách cho lại mấy cuốn sách thuốc và cuốn gia phả. Anh đội cải cách quát: “Không được ngoan cố. Phải đốt sạch cái di sản phong kiến phản động này. Đây là lệnh trên. Phải trừ tiệt nọc!”. Anh ta ra lệnh châm lửa đốt sách. Trời hanh gió to, ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt. Ông Đồ gào khóc, nhảy vào đống lửa, bị hai du kích xóc nách lôi ra giữ chặt. Mặt ông đầy nước mắt, mồ hôi và tro than. Bọn trẻ con thấy lửa bốc cao thích chí vứt trống nhảy lao xao xung quanh. Thằng cu Thản đứng khóc bên ông nó. Nó khóc sụt sùi, chẳng ai để ý đến nó. Bà Đồ chết ngất. Người ta đặt bà lên tấm phản cũ trong ngôi nhà từ nay không còn là nhà bà nữa. Đốt sách xong, anh đội cải cách đọc bản tuyên bố tịch thu toàn bộ tài sản nhà ông Đồ, kèm theo một danh sách dài tên những nông dân được chia tài sản và những thứ dược chia do anh ta và cô Mờ làm từ trước. Ngôi nhà và mảnh vườn chia cho ba ông bà bần cố nông. Trống cà rùng lại nổi lên. Đoàn người tiếp tục đến nhà địa chủ khác. Trong cảnh tan hoang như động đất, trên cái sân gạch đầy rác rưởi, giẻ rách và tro than chỉ còn ông Đồ và cu Thản ngồi khóc bên đống tro sách lù lù như một nấm mồ đen thui.
Ông Đồ chỉ sống lâu hơn những cuốn sách của cha ông được ba ngày. Phải chứng kiến cảnh cướp nhà đốt sách là đòn quá sức chịu đựng của ông. Ông chết lặng lẽ trong túp lều ở góc vườn, không kịp thấy đội sửa sai về làng, nhà ông được trả lại, danh dự gia đình được khôi phục. Bấy giờ làng xóm lại sôi lên vì uất ức, hận thù. Những gia đình bị oan, những người bị vu cáo đi lùng cô Mờ để rạch mồm, moi gan. Nhưng cô đã biến mất không còn bóng chim tăm cá. Khi bác sĩ Vũ Quân về làng thì cơn sóng gió đã đi qua, nhưng xóm làng còn xao xác xót xa. Nhìn cảnh vườn hoang nhà trống, anh hiểu ngay sự tình. Mẹ anh và làng xóm đã kể cho anh nghe về người vợ của anh. Vậy là cùng lúc anh mất cha và mất vợ. Tất nhiên không phải vợ anh chết. Anh biết rõ hơn dân làng rằng hiện cô ta đang trốn ở chỗ người anh bí thư đoàn uỷ cải cách mới được lên làm chủ tịch huyện. Cô ta đã chấm dứt cuộc đời cô Mờ làng Giành, bắt đầu cuộc đời của nữ đồng chí Thanh cán bộ phụ nữ huyện. Quân lặng lẽ dành cả kỳ phép sửa lại nhà cửa, trồng cây, rào vườn cho mẹ. Hết kỳ nghỉ, anh xin phép mẹ dắt đứa con trai ra đi. Hai bố con ở căn phòng tập thể của quân y viện, nơi Quân làm bác sĩ trưởng khoa ngoại. Vì chuyện ở quê như thế, đứa con đi học muộn so với tuổi, nên anh dành các buổi tối ngồi bên đèn kèm cho nó học. Phải chịu những cú sốc tinh thần khốc liệt, nên cu Thản gày gò và buồn lặng lẽ như người già. Đặc biệt, thằng bé không bao giờ nhắc đến mẹ. Trong cảnh gà trống nuôi con, Quân dồn hết sinh lực cho nghiên cứu khoa học và quyết chí nuôi dậy con nên người. Anh lập kế hoạch chữa lành chấn thương tinh thần và lấy lại sự tự tin cho con bằng tình thương yêu của người cha, dậy con đọc sách và đưa con đi chơi vào những ngày nghỉ. Anh biết con anh đang ở độ tuổi hình thành nhân cách nên anh dành tất cả tình cảm và trí tuệ dẫn dắt thằng bé. Nhưng dường như số phận không muốn an bài theo ý con người. Nó luôn tạo ra những biến cố phá vỡ dòng trôi bình thường của những cuộc đời vốn đã nhiều cay đắng. Chẳng biết do nhân cách của bác sĩ Vũ Quân hay hoàn cảnh bi kịch đầy chất tiểu thuyết của anh, mà bác sĩ Phương Lan đem lòng yêu anh. Cô yêu kín đáo, dằn vật, đau khổ, nhưng rồi cũng không dấu được lòng. Ở tuổi ba mươi lăm, đã trải qua một cuộc chiến tranh, với đời tư tan nát, Quân đủ từng trải để hiểu rằng tình yêu ấy chỉ mang lại bất hạnh cho anh và Phương Lan. Nhưng sự khôn ngoan, từng trải thì giúp gì được cho tình yêu? Sự hoà hợp về tâm hồn, trí tuệ, vẻ đẹp và sự cảm thông cứ xích dần họ lại bên nhau. Mối tình muộn mằn cay đắng, ở giữa là đứa con và bóng đen hắc ám của một người đàn bà. Bà ta không hề thăm hỏi, thư từ, nhưng dường như luôn luôn có mặt ở mọi nơi họ gặp nhau. Rồi bà ta có mặt thật. Một ngày kia, có chiếc xe con đỗ trước cổng quân y viện. Một người đàn bà dáng cao gầy khô khan xăm xăm bước vào phòng thường trực. Bác sĩ Quân đang đọc sách trong phòng riêng, cô thường trực dẫn khách vào rồi vội vã cáo lui. Quân hơi sững người trước sự xuất hiện của chị ta. “Chào anh”, chị ta nói và bước vào nhà, theo thói quen vô tình làm động tác như định bắt tay. Chị ta nhìn căn phòng, xoi mói từ chiếc gối, cái khăn mặt đến những bộ quần áo treo trên mắc, vắt trên dây. Giọng bình tĩnh, chị hỏi: “Con đâu anh?”. Quân đáp nhỏ: “Nó đi học”. Sự chủ động đến trắng trợn của người đàn bà khiến Quân thấy căng thẳng, bứt rứt không chịu nổi. “Cô ta làm như vẫn sống ở đây và vừa ra phố về”, Quân nghĩ và lấy giọng lịch sự hỏi:
– Xin lỗi, chị đến thăm bố con tôi hay có việc gì? Tôi hơi bận.
– Tôi đến thăm, cũng có chuyện muốn bàn với anh. Anh Quân ạ, chúng ta đều là Đảng viên, có danh giá trong xã hội. Ta nên thu xếp gia đình để thiên hạ nhìn vào cho đẹp mặt cả hai. Tôi có thiếu sót gì anh nên bỏ qua, vì những việc tôi làm đều là trách nhiệm trước Đảng. Phần tôi, cũng bỏ qua những khuyết điểm của anh…
– Ý chị muốn thu xếp gia đình thế nào, tôi chưa hiểu?
– Nếu anh đề nghị thì tôi sẽ chuyển công tác về thành phố này ở với con và anh. Việc đó tôi làm không khó gì, vẫn giữ nguyên chức vụ, thậm chí còn lên cao hơn. Tôi sẽ mua nhà nữa.
Một cơn rùng mình chạy rần rật khắp cơ thể bác sĩ Quân. Anh cảm thấy ngột ngạt vì giọng điệu của người đàn bà. Bao căm hận cố nén bấy lâu nay đang dâng lên khiến anh hoa mắt. Anh nén giọng hỏi:
– Ngoài khuyết điểm đã cưới chị, tôi còn khuyết điểm gì nữa vậy?
Mắt người đàn bà long sòng sọc, giọng đanh sắc rít lên:
– Anh biết rõ hơn tôi chứ! Thế con đĩ nào vẫn đến đây ngủ với anh, rồi nấu nướng, giặt giũ cho bố con anh?
Quân đứng dậy:
– Nếu chị định nói chuyện nghiêm túc thì hãy cư xử cho có văn hoá. Xung quanh đây đều những người trí thức, không có loại cán bộ lăng xăng vô học đâu. Giữa chúng ta còn gì là vợ chồng? Vì thế, tôi nghĩ nên ly dị chị ạ. Tôi sẽ làm đơn và chịu trách nhiệm.
Người đàn bà chồm lên:
– A, anh muốn thế hả? Không bao giờ nhá! Thật là vô chính trị, vô đạo đức. Được, rồi các người sẽ biết.
Người vợ ấy hầm hầm nhìn Quân rồi xồng xộc bước ra.
Một tuần sau, lãnh đạo quân y viện nhận được công văn của tỉnh hội phụ nữ kiện bác sĩ Phương Lan phá hoại hạnh phúc gia đình của nữ đồng chí Thanh, lãnh đạo chủ chốt của hội. Chủ nhật tuần ấy, Quân nhận được điện thoại của đồng chí tư lệnh quân khu mời sang chơi. Đối với Quân, đồng chí ấy thân thiết như người anh, đã dìu dắt Quân từ ngày đầu theo cách mạng. Những lúc rảnh rỗi, ông thường qua chỗ Quân chơi, hoặc mời anh sang chỗ ông. Hai anh em đàm đạo về cuốn sách mới đọc, về bài báo khoa học của Quân mới in, hoặc chỉ cùng nhau nhấm nháp chén trà thơm. Lần này ông có vẻ trầm ngâm, xa cách. Vừa chào hỏi xong, ông hỏi ngay:
– Cậu định ly dị à?
Quân đáp khẽ:
– Vâng.
– Không ổn đâu, ông nói.
Tư lệnh thong thả mở cặp, lấy một tờ giấy đánh máy đưa cho Quân:
– Của ông chủ tịch tỉnh, anh vợ cậu đấy.
Đó là một thứ nửa thư, nửa công văn, lời lẽ lấp lửng vừa như thân tình vừa như đe doạ về chuyện bác sĩ Quân định ly dị vợ. Còn có thể hiểu ngầm rằng việc đó là không được phép, có muốn cũng vô ích. Đúng là giọng của người có quyền sinh quyền sát. Chủ nhân bức thư nhờ người nhận răn đe, khuyên bảo bác sĩ Quân đừng làm điều dại dột. Quân mệt mỏi dưa trả tờ giấy cho tư lệnh:
– Hoàn cảnh tôi anh biết cả. Anh khuyên tôi làm gì bây giờ?
Tư lệnh nắm tay Quân, thủ thỉ:
– Mình cảm thông với cậu. Nhưng tình thế này không làm gì được đâu. Cậu là đảng viên, phải hi sinh thôi. Điều mình có thể khuyên cậu là hãy xa Phương Lan, đỡ khổ cho cả cậu và cô ấy. Cô ấy là một bác sĩ xuất sắc mới ra trường, còn trẻ lắm.
Quân ra về, đi bộ lang thang trên phố vắng. Trời đất bao la, đời rộng mở đã bị mạng lưới vô hình của anh em cô Mờ giăng kín. Anh không còn hi vọng tìm được tự do và hạnh phúc. Bao nhiêu ngày đêm dằn vật đau khổ, anh không biết nói cách nào với Phương Lan. Vì yêu anh, Phương Lan đã hiểu tất cả và biết phải làm gì. Cô ra đi trong chuyến tàu đêm cùng với đoàn quân bổ sung cho chiến trường chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Sân ga thời chiến tối và lạnh, hai bố con bác sĩ Quân đi tiễn Phương Lan. Họ đứng bên nhau, hiểu rằng không lời nào nói được lòng họ và hoàn cảnh họ lúc này. Khi tiếng còi tàu rúc lên giục giã, Phương Lan ôm chặt cu Thản, hôn tới tấp lên tóc, lên mặt thằng bé, rồi chạy vụt lên tàu. Từ trong cửa sổ toa tàu tối sẫm, cô nhoài ra đăm đăm nhìn hai bố con. Quân chạy đến nắm lấy bàn tay cô ấp lên mặt mình. Bàn tay bé nhỏ này lẽ ra có thể nâng đỡ cả cuộc đời cay đắng và nhọc nhằn của anh. Con tàu rùng mình. Phương Lan nói trong nức nở:
– Suốt đời em luôn hướng về anh. Vĩnh biệt anh.
Một ánh đèn pin loé lên, Quân thấy đôi má Phương Lan đầm đìa nước mắt. Tàu chạy xa dần vào bóng tối. Quân ôm con đứng chết lặng trên sân ga tối đen vắng ngắt. Anh vừa vĩnh viễn chia tay với tình yêu và hạnh phúc của đời mình.
Bà Đồ mất, rồi Thản vào đại học. Quân xin vào chiến trường phụ trách một trạm quân y tiền phương. Ở đó, ông được biết Phương Lan đã hi sinh trong một trận máy bay B52 của giặc ném bom trúng trạm quân y của chị. Thế là hết, ông không còn gì để mất nữa. Ông dồn hết sinh lực cho công việc, không thương xót bản thân mình. Ông dành sự sống của ông cho đồng đội. Trong khi Vũ Quân đứng dưới hầm phòng không mổ và khâu vết thương cho bộ đội mỗi ngày mười đến mười lăm giờ, thì ở hậu phương, bà Thanh đi phát biểu ở các hội nghị về tính trung thực, lòng thuỷ chung, đức hi sinh và tình yêu cao cả của người phụ nữ. Bà luôn mang trong cặp những tờ báo và tạp chí đăng ảnh và những công trình khoa học của bác sĩ Vũ Quân. Giữa giờ giải lao các hội nghị, bà đưa báo giới thiệu người chồng đại tá mà bà vô cùng thương yêu, chính bà đã mò cua bắt ốc nuôi ông ăn học từ thuở hàn vi, rồi sau này luôn động viên, tạo điều kiện cho ông phấn đấu trở thành người nổi tiếng. Đường hoạn lộ của bà mở ra thênh thang. Tất nhiên không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhưng bà thừa bản lĩnh và quyền lực xử lý trong mọi tình huống. Để giữ gìn uy tín cho lãnh đạo, bà đã hai lần phải dùng biện pháp cứng rắn về tổ chức đuổi việc và chuyển việc những người xì xào rằng bà mấy lần bí mật đi Hà Nội nạo thai có với cậu lái xe. Có thế lực người anh, bà trở thành người có quyền lực, giàu sang và được nhiều người bợ đỡ, nể sợ.
Hết chiến tranh, đại tá Vũ Quân lần theo tấm sơ đồ, vượt rừng Trường Sơn tìm đến một nấm đất cạnh con suối cạn. Phương Lan nằm đây, mãi mãi ở tuổi hăm nhăm. Ông thắp một bó hương cắm trên nấm đất, nằm gối đầu lên đó nhìn mặt trời chói lọi trên cao. Phương Lan ơi, cuộc đời thật ngắn ngủi và mong manh, anh đâu ngờ chuyến tầu đêm ấy đã đưa em đi mãi mãi. Chính vì thế những ngày tháng hạnh phúc ta mang lại cho nhau thật to lớn, hiếm hoi. Vẫn biết con người không có cơ hội sống lần thứ hai, vậy mà cả trong chiến tranh và hoà bình, có những kẻ dễ dàng chà đạp lên nhân phẩm, cướp đoạt hạnh phúc của người khác một cách tàn khốc, chẳng để làm gì, cho ai. Ông đào hài cốt người yêu, mang xuống suối rửa sạch sẽ, gói cẩn thận trong tấm áo quân phục của mình. Ông đeo nắm xương người yêu trên vai, vượt Trường Sơn trở về tận quê nàng. Ông cùng gia đình và làng xóm làm lễ truy điệu và an táng cho Phương Lan. Đứng trước nấm đất trên cánh đồng lộng gió, ông thì thầm nói lời chia tay người yêu, chia tay với hai cuộc chiến tranh. Trở về, tóc ông đã bạc trắng. Ông xin nghỉ hưu về với con trai, cũng để giúp anh đi tiếp con đường khoa học của ông. Ổn định xong cuộc sống nghỉ ngơi tuổi già, ông làm đơn xin ly hôn. Thật là một sự bùng nổ kinh khủng của dư luận. Phía nhà bà Thanh coi đây là hành động khiêu khích chính trị nhằm xúc phạm đến thanh danh cao sang của họ. Hàng đoàn cán bộ các cấp hội phụ nữ kéo đến toà án để phản đối. Thư tay từ các cấp lãnh đạo tới tấp bay đến bàn chánh án. Việc ly hôn lập tức bị bác bỏ và lên án. Người ta nói rằng ông già muốn chơi trống bỏi, vì cái danh đại tá bác sĩ nổi tiếng, dù về hưu cũng còn nhiều gái trẻ theo. Ông chẳng thanh minh, giải thích. Với ông, tất cả chẳng còn ý nghĩa gì, khi Phương Lan đã thành người thiên cổ. Ông chỉ muốn rũ bỏ một sự ám ảnh ma quái luôn bám theo cuộc đời ông. Ông muốn mình chỉ là mình.
Bây giờ, ông đã toại nguyện. Ông vừa nghe xong bản quyết định ly hôn. “Cảm ơn”, ông nói nhỏ và bàn tay khô gầy bần thần tìm tay người cán bộ toà án trên tấm chăn. Khi người khách đi ra, ông nói với bác sĩ Thản:
– Vĩnh biệt con. Năng cho các cháu về thăm mộ ông bà ở dưới quê. Những nấm đất im lặng ấy nhắc nhở các con nhiều điều. Cha mừng là con đã theo nghề cha, nghề có ích và lương thiện. Đừng buồn, giờ cha đi thanh thản…
Ông ngừng lời, căn phòng rơi vào tĩnh lặng hư ảo. Thấy môi ông mấp máy, bác sĩ Thản vội ghé tai nghe. Nhưng đại tá đã im lặng. Hai mắt ông nhắm lại, vĩnh viễn.
Đám tang của đại tá Vũ Quân rất trọng thể, nhưng vắng mặt người đàn bà định mệnh đã ám ảnh suốt cuộc đời ông.

Tháng 6/1989
Đ.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder