Người đàn bà Pù Lá – Cù Thị Thương


Cuộc thi truyện ngắn và ký của Tạp chí Cửa Biển 2014-2015 đã khép lại. Ban Giám khảo Cuộc thi gồm các nhà văn có uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam và Hải Phòng đã chọn được 19 tác phẩm để trao giải (truyện ngắn 11, ký 8). Truyện ngắn Người đàn bà Pù Lá của nhà thơ Cù Thị Thương (cùng với truyện ngắn Gươm phán treo ngang trời của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng) đã được trao Giải Nhì (không có giải Nhất).
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Cuộc thi truyện ngắn và ký của Tạp chí Cửa Biển 2014-2015 đã khép lại. Ban Giám khảo Cuộc thi gồm các nhà văn có uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam và Hải Phòng đã chọn được 19 tác phẩm để trao giải (truyện ngắn 11, ký 8). Truyện ngắn Người đàn bà Pù Lá của nhà thơ Cù Thị Thương (cùng với truyện ngắn Gươm phán treo ngang trời của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng) đã được trao giải Nhì (không có giải Nhất).
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:


Nhà thơ Cù Thị Thương (bên trái)
nhận giải do BTC trao trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV tại Hải Phòng.

Không hiểu sao cứ nhìn thấy người đàn bà nhà quê Lị lại buồn. Ngồi cạnh Lị trên chiếc xe khách Hải Phòng, Nho Quan, Hòa Bình lại là người đàn bà cùng quê. Vẫn mái tóc hai màu loang lổ gàu, khuôn mắt rám sạm nắng và chiếc miệng lúc nào cũng méo xệch. Có tiếng chuông gừ. Người đàn bà lóng ngóng lấy điện thoại từ chiếc làn nhựa. Chị nhìn một hồi rồi ngước lên nhìn Lị ấp úng:

– Cháu ấn nút nghe giúp cô!

Lị vâng nhẹ rồi ấn. Người đàn bà lập cập nghe máy. Chị ta nói chuyện với con gái oang oang còn to hơn nói chuyện bình thường làm cả xe lắc đầu. Có lẽ chị không tin tưởng vào một cục nhựa pha kính rởm mà con gái chị ở xa thế có thể nghe được điều chị nói.

Xong câu chuyện với con, người đàn bà quay ra bắt chuyện với Lị. Chị bảo không biết gia đình Lị sống thế nào chứ người thành phố mà như nhà anh con rể thì chín đời chị không cho lấy chồng Hải Phòng. Cờ bạc rượu chè gái gú có đủ, sống thực dụng lại không tình cảm. Con gái bà quần quật đi làm giầy da từ sáng sớm đến tối  mịt. Đến tháng lương ngoài tiền lo cơm nước, sinh hoạt con gái lại để dành một món đi trả nợ cờ bạc cho chồng. Bỏ thì hai đứa con biết tính sao thế là con bảo mẹ, mẹ bảo con cắn răng chịu đựng. Số chị đã lấy một ông chồng Mường uống rượu như nước những tưởng cô con gái thoát li ra thành phố đi làm có tiền gửi về nhà lấy một anh chồng thành phố nữa là xong. Nghe đến hai từ chịu đựng là Lị không thể chịu đựng nữa. Sự kiên nhẫn và phép lịch sự tối thiểu đã hết, Lị ngồi ngả ghế sau nhắm mắt nhẹ. Lại là hai từ chịu đựng. Chính hai từ này mà bao nhiêu người phụ nữ quê phải đi hết cuộc đời mình trong cay cực. Chính vì hai từ này mà Mẹ cô đã chết. Chết gầy chết mòn theo bánh xe thời gian. Chết mà không biết mình chết vì sao hay biết là vì sao nhưng vẫn tiếp tục chịu đựng. Cả đời của ba người chị gái của Lị nữa. Những bản phô tô có công chứng từ cuộc đời mẹ Lị. Nhưng tất cả đều thích kể nhưng không một ai nghe lời Lị. Không ai đi theo Lị. Lị không hiểu? Tại sao những người phụ nữ đó thay vì ngồi than thở lại không thể bắt tay làm điều gì đó cho cuộc đời của chính mình. Tại sao họ lại cứ phải cần một tảng đá để đặt lên đôi vai của chính mình. Tại sao người ta đã cố giúp họ đẩy tảng đá đó xuống họ lại ghì lại rồi lọm khọm bước đi. Để rồi họ chỉ dò dẫm bước đi. Họ chỉ biết đến những gồ gề mặt đất. Họ không biết những áng mây trắng , ánh cầu vồng bẩy sắc sau cơn mưa hạ. Lị bất lực nhìn họ. Bàn tay giơ ra rồi chỉ kịp nắm lại. Lị bất lực nhìn người mẹ của mình lặng thầm bên mái nhà rạ hun hút sương mù, ẩm sặc hương chanh. Bàn chân chai vàng huỳnh huỵch bước trên con ngõ sỏi. Cả ngày vác cuốc thả dê.

Bây giờ thì người mẹ ấy cũng qua đời. Mạch suy nghĩ đẩy Lị về thực tại. Mẹ Lị mất rồi. Lị lại không biết bắt đầu suy nghĩ từ đâu hay tập trung để đi qua mấy tiếng xe để về nhà. Chưa có chuyến đi nào mà Lị cảm thấy lâu như chuyến đi này. Lị muốn yên tĩnh nhưng xe lúc nào cũng ầm ầm đủ mọi âm thanh. Từ tiếng xe cộ bên ngoài vọng lại đến tiếng cô ca sĩ hải ngoại đang hát những ca khúc tình sầu, tiếng rì rầm trò chuyện của vài người khách lạ và còn cả người đàn bà vẫn nỉ non tâm sự. Lị cảm thấy đầu mình như nổ tung. Nhưng Lị vẫn gắng gượng. Không được khóc. Không được hét lên! Sắp về tới nhà rồi. Lị sắp được yên tĩnh rồi. Lị tập ngồi thiền. Nhưng những kí ức lại dắt Lị đi.

Khi Lị mới bắt đầu biết ghé sát đầu thổi lửa nấu cơm. Người bố ngồi góc nhà khề khà uống rượu, sức yếu không thổi lửa cô đã nhờ bố thổi lửa giúp. Cô còn nhớ như in đôi mắt trợn tròn của ông. Rồi ông sợ ông nghe nhầm. Ông yêu cầu cô nhắc lại. Nhìn thẳng vào gương mặt chuyển từ đỏ sang tái. Lị lặp lại câu nói của mình. Hôm đó các chị đã theo mẹ đi trẩy lạc. Chỉ còn Lị ở nhà ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết.

Sau trận đòn ấy, Lị ốm sốt li bì cả nửa tháng trời. Nhưng cũng từ trận đòn ấy cô lại không sợ điều gì nữa cả. Bắt đầu khơi mào một cuộc chiến giữa ông bố và cô con gái bẩy tuổi. Cho đến năm mười sáu tuổi cuộc chiến ấy cũng kết thúc. Cô đã suýt giết ông. Nhưng trong trận chiến cuối cùng ấy mẹ đã kịp thời ngăn cô lại. Nhìn đôi mắt van lơn khẩn cầu của mẹ, Lị kịp dừng lại nhưng cô thề sẽ không bao giờ trở về nữa.

Những năm đó, các công ty giầy da mọc lên thành từng cụm công nghiệp trong những thành phố lớn mở ra cơ hội việc làm cho cô gái núi rời nhà không một xu dính túi. Cũng may cho Lị là làng cô có duy nhất một người chị đã đi làm và đã bày cho cô ý định đi làm từ trước. Và thế là Lị lên đường. Hồ sơ đã được người chị giúp cho đúng thủ tục. Thế là chỉ ngày thứ hai đặt chân lên đất thành phố cảng cô đã có mặt ngay trong hàng ngũ một người công nhân của một xí nghiệp nước ngoài. Lị tràn đầy hy vọng và tin tưởng. Cô thích tự do, tự lập. Tự nhiên cô lại nhớ đến câu nói của bác và cảm thấy rất sến mà cũng quá chuẩn luôn: “không có gì quí hơn độc lập, tự do!”. Từ bây giờ mọi thứ của cô sẽ là của cô. Cô sẽ bắt đầu sống theo ý của mình, theo cách của mình.

Công ty Sao Vàng có bốn phân xưởng chính là giầy mẫu, pha cắt, may, đế, hoàn chỉnh thì Lị may mắn trông cao ráo, nhanh nhẹn được vào pha cắt. Còn những người có quen biết hay bằng cấp III mới được vào giầy mẫu. Lị rất hài lòng. Bắt đầu công việc của Lị chỉ là phụ máy. Cô đứng phụ cho ba máy cắt mà nhiệm vụ chính là dán tem. Bình thường phụ máy khoảng sáu tháng mới lên được đứng máy chính. Đứng máy chính thì công việc vừa nhàn hơn, bậc lương cao hơn lại có cơ hội phát triển hơn. Nhưng rất may vì bộ phận máy Long Môn thiếu hàng lên cần một đội đứng máy chính làm đêm. Lị đăng ký ngay và thêm ngay được một bậc lương. Đứng máy chính ngay tháng đầu tiên Lị đã hoàn thành xuất sắc sản lượng mỗi ngày cộng thêm cắt thừa một lượng lớn nguyên liệu đã đẩy Lị lên một tháng hai bậc lương cùng mức tiền thưởng nguyên liệu thừa lớn nhất pha cắt tháng đó. Lị nhận ngay sự hâm mộ của chị cũng những ánh nhìn ghen tị, dè bỉu. Nhưng chó sủa cứ sủa, người đi cứ đi. Cứ thế Lị lọt vào mắt xanh của chủ quản người Hoa và chỉ sáu tháng đứng máy thức đêm Lị được bổ nhiệm vượt cấp ca trưởng lên thế chân một chị tổ trưởng nghỉ sinh.

Lị vẫn nhớ mẹ, nhớ chị. Cô nhớ cả ngôi làng khuất sau những đồi mía bạt ngàn. Những ngọn mía cao vút. Những đốt mía đen thẫm cứ mỗi ngày như mọc thêm một đốt trên những thảm đất sẫm đỏ. Cô nhớ cả lũ trẻ lau nhau sằng sặc cười tắm suối lại hì hục tướt mồ hôi lên núi lấy củi, nhem nhẻm lưỡi đen ngồi nhai sim chín. Kí ức của cô lúc nào cũng sáng rõ như trăng rằm mười sáu. Chính cái sự nhớ ấy đôi khi lại khiến lòng cô day dứt. Nhị thế nào rồi? Chị ấy sống có tốt không?

Lị thường mơ. Những giấc mơ ngày lẩn quẩn và dai dẳng. Đôi mắt ráo hoảnh của Nhị cứ hiện lên trong giấc mơ hoang đường đó. Cô mơ cả người cha cầm dao đuổi mẹ mình. Rất nhiều thứ cứ lẩn quẩn quanh cuộc sống mà cô đã nhất quyết rứt áo ra đi và thề không bao giờ trở lại. Vậy mà Lị đã có mặt ở làng vào một buổi sáng mùa hè sau năm rưỡi ra đi. Lị đến nhà chị. Vẫn ngôi nhà đất tường lở trồi ra thụt vào. Trong nhà vắng lặng. Lị ra thử đồi sắn sau nhà. Lị lặng lẽ nhìn. Nhị đang lúi cúi vào phân cho sắn. Tấm áo vải hoa xoăn tít mà chị cô mặc từ ngày về nhà chồng. Những giọt mồ hôi làm ướt nhẹp mớ tóc mai đen kịt. Lị cứ đứng mãi. Từ khi chuyện đó xảy ra bây giờ lị mới có can đảm nhìn chị. Cô nhìn như ghim vào lòng hình ảnh người chị thân thương. Người chị đã chiều cô hơn cả mẹ. Người chị cả đã tần tảo từ lúc mới sinh ra. Ông trời đã đọa đầy chị ấy vào gia đình cô lại không cho chị một trí tuệ của người bình thường. Cuối cùng thì Nhị cũng quay lại cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của Lị. Nhị cười. Nhìn thấy chị cười, cô tự nhiên cười. Chị không trách cô! Lòng Lị dưng dưng. Chị cô có biết trách ai bao giờ! Kể cả ông ấy. Nhị chạy lại ôm em. Lị vỗ nhè nhẹ vào đôi vai run run của chị.

Lị về qua nhà nhưng mẹ cô không có nhà. Chỉ có ông bố nằm há hốc mồm ngủ. Tự nhiên, Lị muốn nhìn xem ông ấy sống thế nào hơn một năm qua. Sau khi đã làm chuyện đó với con gái mình. Vẫn một mái đầu tóc chỏng ngược, bộ râu đen sì mọc nham nhở. Gương mặt vâu hai vết má cắt chéo sang lỗ rỗ những nốt lõm thịt. Đôi môi xám xịt dày bì tễ ra thở. Ông ấy không hề thay đổi. Và chắc sẽ vẫn là gánh nặng trên vai mẹ Lị suốt đời. Lị thở dài. Chuyện này thì Lị lại trách mẹ nhiều hơn. Hay Lị không cùng thời với mẹ nên không hiểu được ý niệm và tâm tư thực sự của người đàn bà Pù Lá. Nhưng còn các chị Lị?

Để lại bọc quần áo và chút bánh rồi đi. Cô đi cho kịp chuyến xe tối trước giờ làm. Chuyến trở về  như đánh dấu cho những thay đổi của thời gian qua. Trước giờ cô cứ trách ông trời bất công với chị nhưng gặp chị vào thời gian đó cô lại thấy lại có cái may. Cô luôn muốn mọi thứ hoàn hảo nhưng đôi lúc cô phải chấp nhận có rất nhiều và phần nhiều là cuộc sống không bao giờ hoàn hảo. Thực tế cuộc sống là một trò rượt đuổi được mất. “Tái ông thất mã” qui luật của cuộc sống này. Nhưng kiếp đàn bà chịu đựng đến thế cái được của họ là cái gì đây?

Thế nên ai cũng bảo Lị khó tính. Thế nên đã đến tuổi băm mà Lị vẫn chưa có người yêu. Không ai biết thực ra Lị đã có một mối tình phân xưởng. Việc đầu tiên Lị làm vì một người đàn ông là học ngôn ngữ của người ấy. Họ yêu nhau bằng ánh mắt và những tiếng cười. Nhưng khi Lị đang tập câu “Ní hảo” đầu tiên thì người ấy phải về theo tiếng gọi của gia đình. Tất cả những hoa mộng vụn vỡ. Lị nhận ra tình yêu là thứ mong manh thế nào? Bỏ là có thể bỏ luôn. Lị hoang mang trong một thời gian dài. Cô nhận ra mọi thứ đều mong manh và dễ thay đổi như thế nào. Nhưng còn số phận những người phụ nữ quê cô. Tại sao lại lâu thay đổi như vậy?

Về đến nhà thì mắt Lị đã kịp ướt. Cô đi thẳng vào trong giường mẹ. Có người kéo tay Lị lại. Lị giằng tay. Bàn tay ấy vẫn giữ tay Lị. Lị giằng hất ra. Thêm nhiều cánh tay nữa giữ tay Lị lại. Lị trừng mắt nhìn từng người một. Tất cả bàn tay đều rụt lại. Ánh mắt của Lị báo trước sự chịu đựng của cô đã hết. Lị tiến tới phía giường. Đập vào mắt Lị đầu tiên là vết thâm kéo dài ngang mặt. Lị lặng đi nhìn mọi người.

– Ai có thể cho cháu biết toàn bộ sự việc?

Tất cả mọi người đều quay đi. Nhìn theo hướng nhìn len lén của mọi người Lị nhìn thẳng vào góc nhà. Người đàn ông thở phò phò nước dãi chảy nhoẻn quanh miệng. Dáng vẻ của ông không hề thay đổi từ ngày Lị đi. Cuối cùng người dì ruột cũng kéo được Lị về nhà mình. Cuối cùng tất cả sự thật cũng được chua xót kể ra. Lị sụp xuống. Đã lâu rồi Lị không  có cảm giác này. Cảm giác nhìn Nhị thất thần vào một đêm đông nào đó. Sự băn khoăn quá ít nhưng cô dùng toàn bộ chút sức lực cuối cùng để cẩn trọng suy nghĩ. Đến chết mẹ có thay đổi không? Có còn khư khư bảo vệ ông ấy để giữ trọn cái gia đình đã thối khẳm từ bên trong. Mẹ muốn con phải làm gì đây? Lị rên khe khẽ. Lúc nào cũng vậy, gia đình luôn đặt trên vai cô những gánh nặng quá lớn.

Con kiện bố! Sự việc hy hữu xảy ra ở bản Pù Lá đã gây ra những tranh cãi gay gắt nhất từ trước đến giờ. Gửi đơn và các biên bản khám nghiệm xong thì Lị cũng hết đợt nghỉ phép. Cô đi dẫn theo mười bốn cô gái của làng Pù Lá đều bắt đầu tuổi trăng tròn. Nhìn những gương mặt trong trẻo đầy hoang mang trên chuyến xe ra thành phố, cô lặng lẽ thở dài. Lẽ ra Lị có thể tuyển người Hải Phòng thì dễ dàng hơn. Không phải lo nơi ăn chốn ở cùng những lời dèm pha Lị nhận được trước lúc đi. Nhưng cô lại muốn dành cơ hội đó cho những cô gái quê mình. Lị muốn họ có một lựa chọn nào đó khác với những con đường mòn của mẹ, của chị họ. Những con đường mòn chỉ dẫn tới một ô hang nhỏ. Rồi thối thây thối ma trong đó.

Lị hy vọng bà được giải thoát. Lị chỉ tiếc không kéo bà ra dù chỉ một ngày với cô. Lị ước giá như mình có thể ép được bà như ông bố. Lị muốn cho Mẹ sống một ngày khác với cả cuộc đời bà. Một ngày hưởng thụ hết những tinh hoa của cuộc sống này. Nhưng Lị thua rồi. Cô ngước nhìn trời và giấu những giọt nước mắt vào trong. Cô càng thương mẹ thì càng hận ông. Tại sao chỉ một người đàn ông trong gia đình lại kéo theo số phận của năm người phụ nữ. Kể cả cô. Tại sao người đàn ông lại là gánh nặng của cả gia đình?

Bố Lị bị tuyên án mười hai năm tù với những tình tiết được giảm nhẹ của bất cứ người đàn ông bản Pù Lá nào là gây án trong cơn say. Lị biết ông ấy vào tù mình sẽ chẳng thể nào thanh thản được nhưng cô vẫn phải làm thế. Nếu cho qua cô sẽ không thể nào chịu đựng được. Ông ấy đã đi quá giới hạn mất rồi. Đôi lúc lý tính giữ cho cuộc sống này chạy đúng trên đường ray của chúng. Nơi con tàu có thể mang tới ánh sáng và sự mới lạ cho thân phận người đàn bà Pù Lá.

Chuyến xe vẫn đang chạy cho đến lần thứ ba Lị mệt ngủ thiếp đi. Những cô gái của làng Pù Lá dựa vào nhau mà ngủ. Lần đầu tiên họ đi xe nhưng không cô gái nào say cả. Có lẽ họ đã quen với việc ngồi xe bò xóc trên những con đường gập ghềnh. Lị tràn đầy hy vọng. Với tính cách của người con gái Pù Lá, các em ấy sẽ đủ can đảm để đối mặt với hiện thực cuộc sống này. Sẽ dễ dàng chấp nhận tất cả khó khăn để phấn đấu và trưởng thành. Sẽ nắm lấy mọi cơ hội để làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp lên. Và sẽ không một ai dám chi phối hay cưỡi đầu cưỡi cổ một khi họ đã xác định được giá trị bản thân như thế. Khi họ đã dám làm theo suy nghĩ của chính mình và tự lực như thế. Ánh sáng tràn qua cửa kính làm Lị nheo mắt. Lị bật cười. Liệu có lúc nào những cô gái của bản Pù Lá cũng rực rỡ và khiến cho những chàng trai Pù Lá phải yêu và tôn trọng theo cách của họ hay không? Lị lại thiếp đi lần thứ tư. Pù Lá càng xa…

 

C.T.T

Liên hệ:  Cù Thị Thương

ĐT: 0978.45.9919

Email: namphuong1309@gmail.com

Địa chỉ : Mĩ Đức, An Lão, Hải Phòng

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder