Một hôm, Trí mời tôi đến nhà, cho tôi xem giá sách. Toàn những quyển sách dày như cục gạch, cả mới lẫn cũ.
– Tác phẩm của tôi đấy – Trí nói, tôi nghe giọng Trí có phần cay đắng.
.Một hôm, Trí mời tôi đến nhà, cho tôi xem giá sách. Toàn những quyển sách dày như cục gạch, cả mới lẫn cũ.
– Tác phẩm của tôi đấy – Trí nói, tôi nghe giọng Trí có phần cay đắng.
Tôi choáng người. Những quyển sách này, thực tình, chỉ một quyển cả đời tôi cũng không đọc hết.
Vì sự hèn hạ của chính mình mà tôi khóc
Mỗi khi đám hàng xóm rách chuyện của tôi, với một khoái cảm kỳ lạ của đàn ông thành thị, vừa rung đùi vừa giễu Trí là dở hơi, thông thái rởm hay ếch ngồi đáy giếng, còn Trí thì ngước nhìn tôi như kẻ đồng minh cuối cùng, tôi lại cảm thấy tội tội. Nhưng dù có muốn tôi cũng không biết phải bênh vực Trí thế nào. Trí óc tôi ngắn, nó phản bội tôi, tôi lại phản bội Trí.
Đám đàn ông trong xóm gồm có tôi, Hùng “thịt lợn” làm nghề mổ lợn, Hải Kều bộ đội về hưu nay gác cổng nhà tang lễ, Ba Trạc cũng bộ đội về hưu nay làm đồ sắt, Thái “lốp” buôn lốp, Đông “Gioăng” không ai biết làm gì và cậu Biền trượt đại học giờ làm nghề thợ mộc.
Sang nhất là Hùng, mạnh mồm nhất cũng là Hùng. Câu cửa miệng của anh ta là: “Này ông Trí ạ. Ông nên bán quách cái đống giấy lộn đi cho đỡ chuột. Ông mà nghiên cứu được thì có mà…”
Có mà thế nào, họ không nói ra, nhưng Trí cứng họng.
Nói vậy chứ anh em trong xóm cũng quý nhau. Miệng xà tâm phật, tiền bạc chẳng có cho nhau nhưng được cái thật lòng.
Một hôm, Trí mời tôi đến nhà, cho tôi xem giá sách. Toàn những quyển sách dày như cục gạch, cả mới lẫn cũ.
– Tác phẩm của tôi đấy – Trí nói, tôi nghe giọng Trí có phần cay đắng.
Tôi choáng người. Những quyển sách này, thực tình, chỉ một quyển cả đời tôi cũng không đọc hết. Nhưng khi nghe tôi thuật lại, mấy ông hàng xóm gạt đi: “Ui dào, thời buổi này, có tiền là in được tất. Gì mà chả in được. Ông có tác phẩm nhớn nào đưa đây, tôi in cho, còn dày bằng mấy ấy chứ!”. Đến lượt tôi cứng họng.
Những chuyện xảy ra với Trí, tôi chẳng biết nói thế nào. Tôi nhớ, một lần cả xóm tụ tập nhân dịp Hùng “Thịt lợn” mua được chiếc T.V Liên Xô vỏ đỏ. Trí góp lời:
– Trên thế giới bây giờ người ta phần lớn dùng T.V màu, thậm chí có điều khiển từ xa, chứ không còn phải bấm tay như thế này nữa rồi các bác ạ.
Chủ nhà cụt hứng, đốp ngay:
– Vâng nhà em “nạc hậu”, chỉ dùng đồ thải, đâu dám dùng đồ hiện đại cho hại điện!
Đám Hải Kều, Ba Trạc, Đông “Gioăng”, Thái “lốp” cũng ùa vào:
– Đời thủa nhà ai T.V, lại không cần nút bấm. Thế thì điều chỉnh làm sao?
– Em cũng chưa nghe ai nói – Đông “Gioăng” có vẻ tư lự.
Cậu Biền thợ mộc nháy nháy mắt làm ra vẻ trịnh trọng:
– Có chứ. Chắc là nhà bác Trí có nhân điện!
Không thể địch với chừng ấy cái mồm, Trí lắc đầu, nhìn tôi cầu cứu, nhưng tôi cúi đầu, giả vờ không để ý.
Một buổi tối, cũng vào lúc cả xóm tụ tập vì chuyện gì chẳng rõ, Thái “lốp” mang đâu về một tờ Hà Nội Mới, đọc oang oang.
– Thấy chưa, tôi đã nói là có loại T.V. điều khiển từ xa, vậy mà ông Trí cứ khăng khăng là không.
– Đấy, ông Trí nhé, có phải cứ chúi mũi vào đống sách vở là được đâu!
– Tôi khuyên ông nhé, cứ bán quách cái đống giấy lộn của ông đi cho đỡ chuột, mà cô ấy lại được vài buổi đi chợ.
Trí định phản bác lại nhưng Hải Kều, Ba Trạc, Đông “Gioăng”, Hùng “Thịt lợn” và cậu Biền đều cười ồ lên vui vẻ:
– Thôi bác ạ, chính bác nhớ nhầm. Chúng tôi đã bảo bác là Tây nó giỏi lắm, nó làm cả T.V điều khiển từ xa, nhưng bác không chịu tin. Chẳng lẽ chừng này con người lại đổ thừa cho bác!
Tôi vô cùng hoang mang. Trong cái trí nhớ mù mịt của mình, tôi nhớ hình như Trí là người nói đúng. Nhưng suy nghĩ một lát, tôi lại có cảm giác ngược lại: “ừ, chẳng nhẽ chừng ấy con người đều nhớ nhầm?” Thế là tôi đánh trống lảng:
– Thôi, thôi, có gì quan trọng đâu mà các bác!
Những chuyện như thế xảy ra rất nhiều lần, khi thì với chuyện đi giày (Trí nói đi giày là nóng hay không nóng?), khi thì với chuyện mì chính (Trí nói ăn mì chính có hại hay không có hại?), và thậm chí cả chuyện tránh thai, đẻ đái (Trí nói thắt ống dẫn tinh sau này nối lại được hay không nối lại được?), khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Linh cảm mách bảo tôi rằng con người đọc chừng ấy quyển sách chắc phải là người hiểu biết, nhưng mặt khác tôi lại tin vào đa số. Nhiều cái đầu phải hơn một cái đầu chứ. Thiểu số phục tùng đa số, chẳng phải chúng ta đều được học như thế đó hay sao? Thế là tôi nảy ra ý định kiểm tra.
ở đời, anh cứ cần cái gì thì y như rằng chẳng thấy nó đâu. Bát phở chẳng hạn. ở cái đất Hà Nội này nhìn đâu chả thấy hàng phở. Thế mà cứ lúc nào anh định ăn phở là đi rạc cẳng chẳng thấy một hàng! Cái ý định kiểm tra của tôi cũng vậy. Chờ mãi mà chẳng có dịp nào.
Đầu những năm Tám mươi của thế kỷ trước, loại xe Cúp màu ốc bươu được dân buôn theo tàu Vốt cô đem về Việt Nam. Đèn tròn long lanh, đạp phát nào ăn phát ấy, chạy từ Hà Nội xuống Hải Phòng chưa hết hai lít, ngay lập tức nó đánh bạt anh Mô kích vè vè của đám lưu học sinh Đông Đức. Hết tối này đến tối khác cả xóm ngồi bàn về nó và bao giờ cái đề tài cũng chuyển sang sự ngợi ca người Nhật trước khi kết thúc bằng chuyện tiếu lâm.
– Mẹ kiếp, máy êm hơn máy đàn bà một con!
Với cánh đàn ông, dù là đàn ông trong cái ngõ tồi tàn của chúng tôi, chiếc xe màu ốc bươu ấy vẫn trở thành niềm mơ ước cháy bỏng.
Thế nhưng Trí tương ngay một câu:
– Này, nhưng tôi thấy cái bình xăng hơi dở. Theo tôi, đáng lẽ họ phải biến cả phần dưới yên thành bình xăng, như thế vừa chứa được nhiều xăng, vừa đẹp dáng. Chứ cái anh Cúp này, bình xăng đã bé lại thù lù một cục, cộng thêm hai cái đèn xi nhan như hai nắm đấm, thô lắm.
Như thường lệ, Trí chưa kịp dứt lời, những tiếng phản bác đã ồ lên:
– Cái gì, ông đùa đấy à? Đầu óc người Nhật chứ có phải cứt đâu!
Hải Kều nói, Ba Trạc nói, Đông “Gioăng” nói, Thái “lốp” nói, Hùng và cậu Biền cũng nói.
Riêng tôi không nói. Tôi mừng như bắt được vàng. “Bình xăng dưới yên, bình xăng dưới yên” – tôi nhủ thầm trong bụng – “Trí nói bình xăng dưới yên. Lần này mình phải ghi nhớ thật kỹ”. Lần này tôi sẽ không ba phải nữa. Lần này tôi sẽ đóng vai trò phân xử đúng sai. Cả Trí lẫn đám đàn ông trong xóm đều không hề biết kế hoạch của tôi.
Sau đó còn nhiều cuộc tranh cãi khác, nhưng tôi kiên quyết không chú ý đến nữa. Tôi biết mình đầu óc ngắn, không thể nhớ nhiều. Tập trung vào câu nói của Trí đã đủ mệt rồi.
Nhà Trí ở đầu ngõ, hôm nào đi làm về tôi cũng đạp xe chậm lại, ngoái nhìn cái cửa gỗ sơn xanh đã bạc phếch của anh và đọc thầm trong bụng: “Bình xăng ở dưới yên. Trí nói bình xăng ở dưới yên”.
Có những hôm Trí đang làm gì đó trong nhà, trông thấy tôi, anh đẩy cửa ra:
– Có gì mà tươi thế!
– Tươi chứ, tươi chứ! – Tôi nói lấp lửng, vừa buồn cười vừa cảm thấy thú vị với cái bí mật nhỏ nhỏ của mình. Và tôi còn nghĩ thầm “Tôi đang bảo vệ ông đây, ông có biết không!”
Câu chuyện kết thúc một cách ngớ ngẩn, sau đó khoảng ba năm.
Cuối những năm 1980, những chiếc Su 100 đầu tiên xuất hiện và tiếp theo là loại Rim hai đầy kiêu hãnh. Lại Hùng, anh hàng thịt tốt số, dắt về con Rim đầu tiên của xóm. So với nó, cái anh Cúp ngày xưa mới thảm hại làm sao!
Đám đàn ông lại có cớ tụ tập. Khi tiệc rượu đang tràn cung mây, Trí đứng lên nói với một giọng nhỏ nhẹ, đầy tự tin. Anh vẫn chưa quên cuộc tranh cãi.
– Các ông thấy chưa, mấy năm trước tôi đã nói rằng phải làm bình xăng chạy dài suốt yên xe, đúng không.
– Cái gì, ông nói thế nào ấy chứ. Chính chúng tôi, chính mồm tôi đây này, tôi nói rằng thế nào người Nhật họ cũng cải tiến nữa, năm nào họ cũng cải tiến, họ sẽ biến toàn bộ phần dưới yên thành bình xăng, vừa chứa được nhiều xăng vừa đẹp dáng. Mà họ chẳng chịu dừng ở đấy đâu, họ còn cải tiến nữa! Còn ông thì cứ khăng khăng là con Cúp đã đẹp lắm rồi, sửa thế nào được. Có anh em đây làm chứng.
Đông “Gioăng” hùa theo:
– Tôi còn nhớ khi đó tôi nói sẵng với ông, rằng đầu óc người Nhật có phải cứt đâu! Ông nhớ không? Thế nào ông Ban? Sao ông toàn chơi cái kiểu ngậm miệng ăn tiền thế là thế nào?
– Tôi nhớ, tôi nhớ. Ông Trí ông ấy nói rằng bình xăng ở dưới yên…
– Con khỉ! Thì ai bảo bình xăng ở trên yên! – Hùng “Thịt lợn” mở khoá đánh tách rồi ngửa cái yên xe còn bọc nguyên ni lông – Bình xăng chẳng ở dưới yên thì ở dưới cái rốn mẹ thằng ăn mày à! Nói thế mà cũng nói!
Tôi đắng cả miệng, chẳng biết nói sao.
Cũng may, Đông “Gioăng” đã sốt ruột:
– Thằng Hùng đúng. Thằng nào có xe, có rượu, thằng ấy nói đúng, xong chưa!
– Đúng! – Tất cả đồng thanh.
Hải “Kều” vuốt ve cái mặt đồng hồ, xuýt xoa:
– Đã quá các bố ạ. Bố Hùng là nhất đấy!
– Nào cạn chén. Trăm phần trăm nhé! – Tất cả đều hồ hởi.
Tôi cũng cạn chén và tặc lưỡi.
Chiều hôm sau, đi làm về, tôi lại nhìn thấy Trí đứng sau cái cánh cửa gỗ sơn xanh đã bạc phếch của anh nhưng giả vờ không biết.
– Thôi, kệ xác. Ừ, chẳng lẽ chừng ấy cái đầu đều nhầm cả…
N.T.L