Người đẹp – Truyện ngắn của Bão Vũ

Ông cười rát tự tin: Có gì mà phải sợ. Mà biết đâu Nàng vẫn chờ. Cái hàng rào nhà Nàng toàn những cây râm bụt điếc chẳng nở hoa bao giờ cả, trong khi nhà hàng xóm cũng hoa ấy cứ đỏ ối mỗi mùa hè…

Ông cười rát tự tin: Có gì mà phải sợ. Mà biết đâu Nàng vẫn chờ. Cái hàng rào nhà Nàng toàn những cây râm bụt điếc chẳng nở hoa bao giờ cả, trong khi nhà hàng xóm cũng hoa ấy cứ đỏ ối mỗi mùa hè.

Ông bạn bác sĩ rỗi việc vẫn thường làm thơ như nhiều người cao tuổi khác. Có hôm ông nghỉ làm thơ, đến chơi, hỏi, theo cậu, sự Đẹp, Tốt có phải là một thứ chân lý không?

Tôi lưỡng lự bảo, cũng còn tùy. Và tôi lo ngại ông lôi tôi vào đề tài này, vì tôi vốn không thạo triết học lắm. Nhưng may là ông đã chuyển sang một đề tài ít chán hơn: Tình Yêu. Ông nói, giọng chân thành như xưng tội :
Hồi sinh viên tớ cũng yêu khiếp lắm. Thế nên mới làm được nhiều thơ. Cứ vài hôm là hết một xấp giấy. Dĩ nhiên là thơ tình rồi. Sao lại chỉ thơ tình thôi à? Làm thơ mà không làm thơ tình thì làm làm gì.
Rồi ông kể về những cuộc tình. Văn hoa, xúc động. Lại kèm với thơ nữa. Giống như người ta tưới dấm đường vào món nộm thập cẩm. Ông từng có nhiều người yêu, nhưng rồi từng người tình bỏ ông đi “như những dòng sông nhỏ”. Tôi cố chiều bậc đàn anh cho đến lúc không nhịn được cái ngáp, phải cắt ngang cuộc tình thứ tư của ông, hỏi: Thế Nàng bây giờ ra sao?
Ông thở dài: Cũng muốn biết về Nàng lắm. Đang tính về lại nơi trọ học cũ để tìm Nàng.
Tôi kêu lên: Chớ. Bác chớ nên làm như thế.
Ông cười rát tự tin: Có gì mà phải sợ. Mà biết đâu Nàng vẫn chờ. Cái hàng rào nhà Nàng toàn những cây râm bụt điếc chẳng nở hoa bao giờ cả, trong khi nhà hàng xóm cũng hoa ấy cứ đỏ ối mỗi mùa hè. Khi chia tay, mình nói như vọng cổ: Hãy đợi anh. Bao giờ hàng rào dâm bụt này nở hoa, anh sẽ về với em”. Nàng khóc rưng rức vì câu nói quá hay ấy. Bây giờ, có đêm nằm mơ thấy hàng dâm bụt ấy nở hoa đỏ rực. Tới gần thì toàn là hoa giấy. Mẹ Nàng bước ra; mắt đã lòa, chắc là đục thủy tinh thể, tưởng mình còn trẻ như xưa, cầm tay khóc, nói: Con ơi, nó thức mấy đêm liền làm hoa giấy đính lên cây rồi ra bờ đê đứng đợi con. Mấy ngày sau không thấy gì, nó bỏ đi  biệt tích.
Tỉnh giấc chiêm bao, gối chăn đẫm lệ. Không thích cải lương mà vẫn muốn nghẹn ngào ca lên rằng: Hàng râm bụt xưa đã nở hoa thắm đỏ, ta trở về đây mà bóng em đã khuất như cánh chim chiều đơn độc cuối trời xa…
Chà, nghe mà thèm. Yêu thế mới là yêu chứ. Tôi cũng ca theo: 
– Bác có mối tình đẹp như tiểu thuyết. Nếu là em thì cũng khó lòng kiềm chế nổi ý định khăn gói lên đường đạp sương lội tuyết tìm về chốn xưa để nếm lại vị tình nồng cũ như nếm thứ rượu ngon hạ thổ lâu năm.
Nhưng vẫn khuyên bác nên nghĩ lại.
Bác sĩ cười, bỏ ra về
Bẵng đi mấy ngày, bác sĩ mới đến, mặt buồn như bị mất trộm.
Hỏi: Sao bác ỉu thế ?
Đáp: Mất hết cả.
– Khổ. Chó cắn áo rách. Thế nó lấy mất những gì ?
Lại đáp: Tất! Nhưng không phải bị trộm cắp gì, mà là…
… Tôi ngu dại quá, – Ông kể, và luôn tự rủa bằng cái câu của một nhân vật trong truyện Lỗ Tấn, sơ ý để sói tha mất đứa con trai duy nhất – … Phải, tôi ngu dại, không nghe lời chú, cứ tìm về Ngũ Xá mong gặp lại cố nhân. Chẳng còn mái nhà xưa. Quê đang đô thị hóa. Nhà cửa san sát, đường xá ngang dọc loạn cả mắt. Hàng rào râm bụt cũng không còn. Hỏi mãi mới có người chỉ cho. Nàng phiêu giạt ra tận cửa Lạch Trường. Mắt rưng rưng đưa xe theo xa lộ mới. Nghĩ cũng đúng thôi, mỹ nhân như phù vân. Kiếp hồng nhan thường trôi nổi tựa cánh bèo.
Tôi ngu dại quá, đi tìm cố nhân lại còn đèo theo bà vợ. Không phải sợ bị nghi bỏ nhà theo ai, mà muốn bà ấy nhìn tận mắt để cay đắng thừa nhận: Người như thế này thì viết hàng ngàn bài thơ cũng đáng. Rồi cũng đến nơi. Một cái lán chữa xe đạp trống hoác. Mình ngỏ lời muốn gặp cố nhân. Chủ quán đét như cá khô, mồm ngậm ngón tay cái, mắt cảnh giác gườm gườm nhìn cái ông hói đèo một bà béo ục ịch, ra vẻ người thành thị. Lão đang cáu vì bị kim khâu lốp chọc thủng ngón tay. Hỏi tên người xưa. Lão hất đầu vào trong. Một bà già đen đúa còm như thanh củi cháy dở đang thu dọn bếp rác. Lại hỏi tên người xưa thì bà già cau có. Phải, là tôi đây, chữa gì ra ngoài kia, lão ấy nhà tôi làm cho.
Trời, Nàng đấy ư. Mắt huyền mờ bệch, tóc mây tiêu muối rối bù. Vừng trán thôn nữ thơ ngây và đôi má mịn đồng trinh bây giờ đầy những “ngoặc đơn, ngoặc kép, gạch dưới dòng”. Một kiệt tác điêu khắc của con quỷ Thời Gian, theo trường phái Ấn tượng ( Impressionism ) .
Còn nhớ ngày ấy, trưa hè nóng nực, nằm học bài trên cái võng ngoài hè, mệt ngủ thiếp, Nàng đưa võng quạt và hát ru cho tôi ngủ… Nên sau này thường nghĩ về chuyện đưa võng ấy…
Bác sĩ buồn rầu đọc:
“Ngày kia có lẽ mối tình
Một người khác nữa Nàng dành cho chăng?
Người ta lại sẽ ru Nàng
Như xưa Nàng đã dịu dàng ru tôi…
” 
Hình như là thơ József  Attila.
Hỏi chuyện con cái làm ăn vu vơ một lúc, rồi “nhân có việc đi qua, biết hai bác ở dây, rẽ vào thăm…” Rồi về. Mà tôi thật ngu dại, đã giắt xe ra khỏi quán còn ngoái lại hỏi về cái hàng rào râm bụt xưa. Cố nhân cau vừng trán nhăn cố nhớ, không hiểu cái hàng rào ấy có gì mà phải hỏi thăm. Khách lên xe máy, người quay vào lều. Bà vợ ngồi sau khinh khích cười suốt đường về, đắc chí vì đã loại được địch thủ nguy hiểm nhất trong quá khứ. Những Nàng khác chắc cũng thế cả thôi.
Bác sĩ lại than: Đúng là tôi ngu dại quá, không nghe lời chú, cứ muốn tìm lại cái đẹp của quá khứ.
Xưa, có nhà thơ, vị này chắc đã lăn lóc trên trường tình, chiêm nghiệm nhiều về thế giới người đẹp nên có câu luận về mỹ nhân rất tuyệt:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Người đẹp từ xưa như các bậc danh tướng chẳng để thiên hạ nhìn thấy mình tóc bạc. Thật chí lý, tuy hơi buồn. Danh tướng thường vong mạng lúc đầu xanh tuổi trẻ vì luôn được giao việc nguy hiểm, luôn bị đồng nghiệp ganh tỵ và địch quân chú ý tìm cách hạ thủ. Còn đại mỹ nhân thì thường làm các đế vương mê mẩn đến thả nổi triều chính, để nghiêng ngả cơ đồ, tan tành sự nghiệp phải chết thảm, kéo cả mỹ nhân chết theo giữa khi nàng còn xuân sắc. 
Rồi bác sĩ bảo: Phiếm đàm chơi thôi, chứ chuyện của tôi chẳng hay ho mới lạ gì, ai cũng có thể gặp, ai cũng có thể bịa ra. Cái chính là, chẳng cứ mỹ nhân, danh tướng, mà những thứ đẹp tốt khác cũng chỉ có giá trị nhất thời, và theo những quan niệm riêng. Sao lại là theo những quan niệm riêng à? Thì anh bảo là đẹp tốt, nhưng tôi bảo là chưa chắc hoặc thậm chí lại cho là xấu, rất xấu. Điều này chẳng có gì mới lạ. Ngay từ khi có môn Mỹ học người ta đã nói đến. Điều cần nói nữa là cái tốt đẹp đã cũ cũng cần nhường chỗ cho cái tốt đẹp mới.
Ban đầu bác sĩ đặt vấn đề rồi lý giải sơ sơ, nghe cũng hiểu phần nào. Sau khi ông giải thích nữa, lại thấy chẳng hiểu gì cả. Bác sĩ cười, bảo cứ nghĩ kỹ đi. Ông ra về, tôi ngồi thừ ra ngẫm nghĩ một hồi, nhưng nghĩ mãi đâm ra lẫn lộn lung tung cả.
Đành bỏ đấy đi viết bài phiếm đàm này.

B.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder