Tôi và nhà văn Cao Năm có nhiều kỷ niệm trong cuộc đời làm báo. Đã có thời, từ năm 1995 đến khi ông về hưu 2001, tôi là cộng tác viên đầu mối cho anh trên Hà Nội, chuyên tập hợp các bài vở gửi về cho tờ Hải Phòng cuối tuần, mà ông là trưởng ban. Lại có vài dịp, tôi phát hành giúp một số tập truyện ngắn của ông viết sau này. Hơn mười tập sách, ông toàn viết về những thân phận người nông dân, thân thuộc. Kể cả những câu chuyện tình cũng không vượt khỏi lũy tre, ông cười tự nhủ mình là người nhà quê, chả dại gì mà lạc dường xa…
1-Một thuở lang bạt thành danh
Trong lần gặp mới đây, Nhà văn Cao Năm kể cho tôi biết, ngay truyện ngắn đầu tiên được in trên báo Văn Nghệ năm 1966, ông cũng xuất phát từ “Câu chuyện về một dòng mương”, ở quê ông. Khi ấy ông dang làm việc tại trạm khí tượng vùng cao Bảo Lạc, tận Cao Bằng. Hai năm trước đó, Cao Năm đã tình nguyện rời quê Hải Phòng lên miền núi công tác. Anh chàng quê biển muốn có một cuộc sống lang bạt, để tìm những cảm xúc mới lạ, qua những trải nghiệm phi thường. Nhưng cuộc sống của một người chuyên đo đạc thời tiết, suốt ngày đêm chỉ gắn bó với mảnh vườn quan trắc, lại đem đến cho anh những suy tư sâu lắng và luôn nhớ về quê hương vì lẽ đó. Nào là gió, là nắng, là mưa, là mây…Rồi những đêm sương mù dầy đặc cũng làm anh nhớ những câu chuyện của những người thân yêu của mình, và cầm bút viết.
Lại nhớ, vào những năm tháng ấy, Cao Năm đã đọc không biết bao nhiêu tác phẩm văn học nước ngoài, cùng những tác giả trong nước. Nhiều tháng ông đã dành hết tiền lương để mua sách. Nhịn đói còn hơn nhịn đọc sách hàng ngày. Cũng từ đó, Cao Năm trở thành cộng tác viên của các báo Cao Bằng; Quân khu Việt Bắc, và báo Việt Nam độc lập, của Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc. Và đặc biệt, vào tháng 5 năm 1969, nhà báo trẻ Cao Năm đã được ban biên tập báo Việt Nam độc lập xin về làm phóng viên. Có thể nói cuộc đời làm báo chuyên nghiệp của Cao Năm bắt đầu từ đây. Và trong thời gian này, hướng nghiệp văn chương của Cao Năm lại càng được phát huy, khi ông có dịp gặp gỡ các bạn văn trẻ như Hoàng Minh Tường, Vũ Duy Thông…Họ đã trở thanh những người bạn cùng chí hướng. Hơn nữa, sau đó cả nhóm còn làm việc với nhau, khi Cao Năm được chuyển về tòa soạn báo Bắc Thái, năm 1976. Phong cách sáng tác của nhà văn Cao Năm được hình thành trong thời gian này, đó là những truyện ngắn về quê hương lần lượt ra đời. Hai năm sau, nhà văn Cao Năm được chuyển về báo Hải Phòng, trở lại quê hương sau 15 năm lang bạt vùng cao.
Ông trầm ngâm bên tôi, một lúc rồi tâm sự, 15 năm trải nghiệm với nghiệp dĩ, ông càng thấy gắn bó với đề tài nông thôn. Ông nghĩ sự nghiệp của mình chỉ mới bắt đầu. Với nghề báo trong tay, ông càng có nhiều điều kiện đi thực tế và tìm hiểu đời sống nông dân, qua nhiều biến cố của thời gian. Đặc biệt những câu chuyện ở chính quê ông, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, đã ngày càng làm tâm hồn nhà văn lay động và đau đáu với nhiều tâm trạng mong muốn chia sẻ. Hàng chục truyện ngắn và hàng trăm bài báo của nhà văn Cao Năm đã ra đời từ những vùng quê này.
Nhưng mãi tới gần hai mươi năm sau, ông mới cho in tập truyện ngắn đầu tiên: “Người ngoài họ” (NXB Hội Nhà văn-1997), sau đó là tập: “Tiếng vọng” (NXB Hải Phòng-1998). Đến tập truyện ngắn thứ hai, nhà văn Cao Năm đã được định hình về phong cách một tác giả, sau những tặng thưởng truyện ngắn của báo Văn nghệ, năm 1995; Giải thưởng tập truyện ngắn của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, năm 1998 …Và, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn năm 1999.
2-Về một cuốn tiểu thuyết viết trong 25 năm
Nhà văn Cao Năm tự nhận mình viết thường lệ thuộc vào những diễn biến của hiện thực một cách nghiêm ngặt. Ông rất mê nghệ thuật viết hiện thực và lãng mạn của nhà văn Ma Văn Kháng, nhưng thấy mình không theo được. Ông còn say đọc văn Tô Hoài, nhưng lại không có cái duyên văn của ông trưởng lão này. Cùng với đó, ông thuộc nhất giọng văn thâm trầm, ấm áp và sâu sắc của Bùi Hiển và lấy đó làm điểm tựa trong phong cách, nhưng phải nói ông vẫn bị sự ràng buộc của những diến biến trong thực tiễn, nên viết chậm lắm.
Mọi truyện ngắn của Cao Năm đều xuất phát từ nguyên mẫu ở quê ông, hay xảy ra ở vùng quê khác, nên cái được là hiện thực khá sinh động. Nhưng ông cũng phải công nhận văn mình ít bay bổng, chỉ vì thiếu vắng sự dồi dào của hư cấu. Chính vì lẽ đó khi triển khai viết cuốn tiểu thuyết “Bão đồng” (NXB Quân đội nhân dân-năm 2008) ông đã phải mất 25 năm mới hoàn thành. Ông kể, mình theo đuổi đề tài “Tam nông” ở quê mình ngay từ đầu, vào năm 1982. Bắt đầu là những ghi chép về các nhân vật trong huyện, trong làng, từ người nông dân đến cán bộ để tích lũy dần hiện thực và mọi diễn biến theo từng năm, để viết. Ông có ý tưởng muốn xây dựng một tác phẩm dài hơi, phản ánh bức tranh hiện thực của quá trình đấu tranh khốc liệt về hành động và tư tưởng, trong sự chuyển đổi thực hiện khoán sản phẩm, của các Hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng chính vì lệ thuộc quá nhiều với thực tế, nhà văn Cao Năm đã không ít lần phải gác bút chờ đợi hay phải viết lại nhiều phần để cho sát với cuộc đời nhân vật hơn.
Ông muốn ghi lại không khí hiện thực sinh động, đêm trước của quá trình đổi mới cơ chế nông nghiệp, nhưng không ngờ hệ lụy với hiện thực một cách quá thận trọng đã lấy đi của ông nhiều sức lực và thời gian. Đã mấy lần sửa và viết lại, cho dù đến nay, không ít các nhà phê bình coi “Bão đồng” của ông là cuốn tiểu thuyết khá hấp dẫn với các nhân vật điển hình như đội trưởng, kiêm bí thư chi bộ Điền, hay bí thư huyện Nguyễn Thanh Cải…Tuy nhiên, có người lại tính đến sự dàn trải dầm dề, bởi hệ lụy hiện thực mênh mông, qua 475 trang in. Về điều này, nhà văn Cao Nam cũng phải công nhận, mình đã phải chờ đợi, cho đến mãi sau này xem một trong những nhân vật mẫu của mình kết cục thế nào, rồi mới viết bổ sung cho hoàn chỉnh. Cuốn tiểu thuyết kéo dài 25 năm phải chắt chiu như vậy, quả chưa phải là cách làm việc đắc sách cho một tác giả tiểu thuyết. Tuy nhiên ông lại cho đó là cái tạng viết của mình là vậy. Quen mất rồi. Ông quan niệm về một phong cách, tôn trọng hiện thực, phản ánh đúng bản chất của nó, không thể bịa được. Có lúc, ông còn phản biện một cách hóm hỉnh, người nhà quê tở thế, không ăn gian được, rồi cười hề hề.
Nhà văn Cao Năm còn khoe, mới hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết thứ hai: “Hải Phòng mùa đông 1946” nói về tình cảm của Bác Hồ với nhân dân Hải Phòng, và ngược lại. Đây cũng là đề tài ông ấp ủ và thao thức hơn 20 năm qua, với nhiều tích lũy thực tiễn và lịch sử thật chính xác và nắm bắt được những sự kiện diễn ra trong quá khứ cách đây đã 67 năm, quả không ít cam go. Mấy năm gần đây ông mới bắt tay viết, sửa đi sửa lại nhiều lần cho dù cuốn sách chỉ dầy hơn 200 trang…Đúng như ông quan niệm nhà văn phải lao động như một nông dân chính hiệu, cần mẫn và yêu thương cánh đồng hiện thực của mình.
Sau một hồi tâm sự, ông tặng tôi tập truyện ngắn mới nhất vừa được NXB Văn học ấn hành quý III năm 2013. “Chuyện bây giờ mới kể” gồm 36 truyện ngắn chọn lọc, mà nhà văn tâm đắc nhất. Tôi hỏi vui có chuyện nào về cô gái ở miền quê khác không đấy, nhà văn Cao Năm cười hề hề, toàn chuyện quê tớ. Mới lị, ông nhấn mạnh, huyện mình còn ối chuyện mà đã viết hết đâu. Nhất là có những cô ham một cuộc sống thiên đường ở xứ người, bị lừa ôm con trở về, nợ nần chồng chất, thương lắm…
3-Tấm hình in dấu quê
Khi chia tay, tôi có ý định chụp vài tấm hình để làm kỷ niệm, nhân nhà văn Cao Năm hưởng lão 74 tuổi. Không ngờ, ông vội đi nhanh sang hàng xóm tìm bà xã về để chụp đôi. Ông nói chả mấy khi hai vợ chồng chụp ảnh, nếu lần này hình đẹp, ông sẽ gửi về quê cho các cháu. Thế rồi ông ời ời gọi vợ về cho bằng được. Bà xin phép rửa tay vì đang thái bèo rồi ra, ông cũng không chịu kéo vợ ra sân luôn. Ông lầm bầm, chụp mặt chứ có chụp tay đâu mà lo, rồi chỉ cho bà đứng chỗ này, chỗ khác để tôi chụp mấy kiểu liền. Ông cười rất đôn hậu và ấm áp nhìn vợ với ánh mắt như còn thuở mới ngày nào xem mặt. Giờ cả hai để đã đến tuổi xưa nay hiếm. Nhìn ông khấp khểnh kéo tay vợ đứng lại gần mà tôi ứa nước mắt. Thật là một hình ảnh thân thương của một đôi vợ chồng nhà quê.