Với Nguyên Hồng (Bỉ Vỏ)

Chiến tranh đã tạo ra nhiều sự tích thật không ngờ…

 

Trần Công Nhung

Rời chiến khu Yên Thế, nghệ sĩ Anh Vũ (1) đưa tôi đi thăm mộ nhà văn Nguyên Hồng. Hỏi anh xa gần, anh cho biết: “Một lúc nữa thôi, ngay ATK, nơi ở của giới nghệ sĩ trong thời kháng chiến”. Chưa hiểu nghĩa ATK song nhắc đến nhà văn Nguyên Hồng, tôi đã thấy vui. Thời học trò mê sách, tôi  mất khá nhiều thì giờ để tìm kiếm những tác phẩm của những nhà văn lưu lại trên đất Bắc sau 1954. Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao đều là những hình ảnh đẹp trong tâm trí chúng tôi lúc bấy giờ.

Xe chạy về hướng thị trấn Nhã Nam qua ấp Cầu Đen rồi men lên một ngọn  đồi không cao, cây cối tre pheo lưa thưa, nhà ở cũng vậy. Tôi hỏi anh Quang (2):

–         Lúc nãy Anh Vũ nói ATK là sao?

–         Là An Toàn Khu, nơi tập trung hầu hết các văn nghệ sĩ trong kháng

chiến chống Pháp. Đấy là đầu cửa ngõ của Việt Bắc. Những nghệ sĩ gạo cội đều về đấy: Hoàng Cầm, Nguyên Hồng, Phạm Duy, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Đỗ Nhuận Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Nguyên Hồng là anh em đồng hao (bà Nguyên Hồng chị bà Đỗ Nhuận). Hồi ấy trong làng hội họa đã nổi danh tứ kiệt: “Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí) nhì Lân (Kim Lân) tam Vân (Tô Ngọc Vân) tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn). Mới chỉ “so lần giây vũ giây văn” nhưng tôi có cảm giác “bản đàn” hôm nay sẽ hay lắm.

Chúng tôi đi bộ lên căn nhà tôn trên ngọn đồi không cao mấy. Vừa tới giữa sân thì trong nhà có một người đàn ông gầy nhom, áo may ô quần xà lỏn, chống gậy bước ra, Anh Vũ bước nhanh đến, hai người ôm nhau. Một hình ảnh hai nét tương phản rõ rệt, anh nào cũng râu tóc xồm xoàm, nhưng một bên do nghệ sĩ tính, một bên do hoàn cảnh đẩy ra bên lề, trông thiểu não như một người mất trí. Tôi dừng lại mấy giây để chứng kiến cuộc gặp gỡ bình thường mà rất lạ.

Vào nhà, Anh Vũ giới thiệu vợ chồng anh Giang (chủ nhà), anh Giang là con trai Nguyên Hồng và là sui gia với anh. Con gái anh Giang là dâu của Anh Vũ.

Bình trà mới pha, chúng tôi thong thả nhâm nhi, lúc câu chuyện gia đình tạm vơi tôi hỏi anh Giang:

–         Thưa anh, nghe nói sau kháng chiến các văn nghệ sĩ rút khỏi nơi này riêng cụ Nguyên Hồng ở lại?

–   Vâng.

–          Anh  biết tại sao cụ chọn một nơi đìu hiu cô quạnh như vầy không?

Anh Giang ngập ngừng cố hồi tưởng quãng thời gian đã qua khá lâu (3), chị Giang trả lời thay:

–   Vâng, sau ngày hòa bình ai cũng rời nơi đây về Hà Nội hoặc các tỉnh thành, riêng cụ tôi ở lại, cụ bảo khí hậu hạp với cụ và cụ lại thích nhân vật Đề Thám nên không muốn đi đâu nữa. Cụ về ở hẳn trên này từ 1958.
–   Như vậy mấy chục năm nay cụ sống, làm việc, và qua đời tại đây?
–   Vâng ạ.

Tôi liếc sơ qua căn nhà nhỏ, đồ đạc chẳng có gì, chiếc tủ thờ có bức ảnh lớn của nhà văn, nó đơn sơ đạm bạc. Cạnh đấy một một kệ sách ọp ẹp cũ mèm, không thấy sách mà từng tập giấy bụi phủ bạc màu. Tôi nghĩ thầm: “Không lý bản thảo lại để thế”. Tôi đứng dậy xin phép thắp hương cúng cụ Nguyên Hồng.

Trở lại bàn tôi hỏi anh Giang

–   Xin lỗi anh, nơi ở chật hẹp thế này rồi cụ viết lách thế nào?
–   Thưa bác, đơn giản lắm, cụ có chiếc bàn viết nho nhỏ, cụ mang ra gốc cây khế trước sân, chứ chẳng cần gì hơn.

Nói xong chị Giang đến lôi ra một chiếc bàn tre (bàn ăn), một chiếc bàn gỗ (bàn viết), kích cỡ như nhau, mặt khoảng 40x60cm, chân cao 20cm, sẵn chị lấy luôn các  kỷ vật như chiếc mũ lá kè, nậm rượu, nghiên mực, bình hoa. Tôi ngỏ ý muốn đưa các thứ ra dưới gốc khế chụp tấm ảnh, chị gọi cậu con vào giúp. Ra ngoài sáng, món nào cũng đầy bụi và rệu rã. Rõ là đã đậm “màu thời gian”. Tôi vừa chụp ảnh vừa nói:

–   Chị nên gắn lại mấy cái chân bàn cho cứng một tí, cái mũ, cái cặp da, làm sạch bụi, ghi ngày cụ mua hay ai tặng, tất cả bọc lại trong vải nhựa, cất vào nơi không mối mọt chuột bọ.

Do quí trọng nhà văn mà thực lòng bày tỏ, chẳng hiểu có làm phiền chủ nhà không. Nếu những thứ này ở một đất nước biết quí văn hóa, thì, một món thôi cũng đủ đổi thay cuộc sống của cả nhà, không phải vất vả chật vật như vầy.

Trở vào tôi hỏi:

–         Còn kia là bản thảo của cụ?

–         Vâng ạ.

–         Sao không kiếm một cái tủ cho đàng hoàng

–          Dạ đã bao năm xin Bộ Văn Hóa giúp cho một chỗ tươm tất mà có

được đâu, mà bác thấy cụ được bao nhiêu bằng khen thưởng, có cả giải thưởng bác Hồ (giải Hồ Chí Minh về Văn Học 1996).

–   Tôi xin phép chụp một vài trang bản thảo của cụ được không ạ?
–   Vâng, để cháu nó bê ra cho bác xem.

Cậu con trai mang ra một tập giấy dầy cộm, nhiều màu, kích cỡ không đều. Xem kỹ có cả giấy văn thư công sở, giấy báo, giấy tập vở. Nhà văn Nguyên Hồng đã tận dụng khoảng trống để viết, có lẽ thời kỳ này khan hiếm giấy. Mực cũng đủ màu, tím, xanh và nhiều chỗ nhòe nhoẹt. Ngay tờ trên cùng đọc thấy hàng chữ viết tay bằng mực xanh nhờ nhờ:

“Đỏ Gầm, tập đầu trong bộ Cửa Biển” (4), kế là “Cơn Bão Đã Đến“Phần mối mọt, phần bị nước nhòa nên nhiều trang không còn đọc được nữa. Ngay chất liệu giấy quá lâu ngày cũng muốn rã nát. Tôi có gợi ý, làm thế nào để giữ các bộ bản thảo cho an toàn, nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn như vầy thì tinh thần nào còn nghĩ đến.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng của cụ Nguyên Hồng là tập Bỉ Vỏ (5), tác phẩm xuất phát từ nỗi cơ cực và lòng thiết tha thương mẹ của cụ. Một đoạn Nguyên Hồng tâm sự khi viết tiểu thuyết Bỉ Vỏ:

“Ý quyết viết tiểu thuyết thụ thai trong ý tưởng tôi mỗi ngày một mạnh mẽ thêm, lan rộng mãi ra. Khi ăn khi chơi, khi ngủ lúc nào tôi cũng nghĩ đến viết. Ở nhà, ngoài đường, trên vỉa hè, ở ghế vườn hoa, dưới gốc cây, bờ sông bến tàu. Đâu cũng là chỗ tôi mơ tưởng để viết.”

Tôi chụp một vài trang bản thảo rồi trở lại bàn với các bạn.

–   Thưa anh, cụ mất trong trường hợp như thế nào?
–  Người ta bảo “đau một giây chết một giờ”, đấy là trường hợp cụ tôi. Cuối tháng 4 – 1982 cụ về Hải Phòng họp văn nghệ, ngày 1-5-82, ô tô Quảng Ninh đưa cụ lên, ngày hôm sau xe về đến Hải Phòng thì nhận được tin cụ mất. Rất đỗi ngạc nhiên, qua điện thoại, người nhà xác nhận họ mới tin. Cụ tôi ra đi mà không đau đớn gì.

Chết mà thân xác không đau đớn là thân nghiệp nhẹ, điều ai cũng mong ước. Đi ở là chuyện thường nhưng trước khi xa hẳn thế gian, xác thân còn phải chịu đau đớn như một hình phạt thì quả là bất hạnh.

Tôi nghĩ nhà văn Nguyên Hồng bị trụy tim mạch, vì thời niên thiếu sau khi mãn hạn tù (16 tuổi) cụ đã thường thấy ngực tức và nhói. Cụ nói ở trang đầu của truyện Bỉ Vỏ:

“tôi tưởng khi thoát cảnh tù tội đày ải ấy sẽ sống no ấm ngờ đâu! Vì thế xác thịt tôi dần suy nhược; cái ngực thỉnh thoảng đau nhói lên, tôi cảm thấy đời tôi đã bị rút ngắn đi và một ngày rất gần kia sẽ hết.”

–         Đám tang cụ chắc lớn?

–          Anh Vũ là trưởng ban tổ chức tang lễ.

–          Vâng, mọi chuyện tốt đẹp, tuy nhiên có một giai thoại, hôm đầu tiên

khách viếng, Tố Hữu đến sớm với vòng hoa tên Tố Hữu. Địa phương đến thấy vậy, có người ngạc nhiên: “Sao vòng hoa chưa đặt mà đã có rồi?”. Tôi giải thích đấy là vòng hoa của Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Tố Hữu chứ không phải của Tổ Hữu. Năm sau Tố Hữu về hưu.

Thêm một chén trà rồi tôi xin đi thăm mộ nhà văn. Cậu con anh Giang đưa tôi ra triền đồi tước mặt nhà. Hai ngôi mộ xi măng trong một vòng thành, tuy không đồ sộ nhưng tươm tất. Trên đầu mộ Hội Nhà Văn Việt Nam có dựng tấm bia. Thắp nhang, tôi khấn cầu cho hương linh nhà văn được sớm siêu thoát. Chụp với cháu nội nhà văn tấm hình, tôi hỏi:

–  Ngọn đồi có tên không cháu?

–  Dạ đồi Án.

–  Nghĩa là sao?

–  Dạ nơi nầy Tây thường xử bắn tù.

Thấy đã trưa, tôi nhắc khéo anh Quang rút lui. Khổ nỗi, hai ông văn nghệ lại thuộc dòng lưu linh nên trước khi đi họ đã điện báo nhà anh Giang trưa làm chầu nhậu. Tôi phải giải thích hết lời mới điệu được các ông về cho kịp chiều tôi xuôi Hà Nội.

Chiến tranh đã tạo ra nhiều sự tích thật không ngờ, tiếc là mình chưa có cơ hội để đi sâu, để hiểu hết tình tiết từng cuộc sống của mỗi người, nhất là những người đã cống hiến tài năng cho quê hương xứ sở.

Tr.C.Nh

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder