Nguyễn Bính đã dồn hết tâm sức vào “Bài thơ quê hương”, bài thơ cuối cùng của mình, để bài thơ này như một khúc ca vui gửi lại quê hương, đất nước…
1.
Dưới “Bài thơ quê hương” Nguyễn Bính ghi thời điểm sáng tác là “Tết Bính Ngọ, 1966”, nhưng vào Tết Bính Ngọ thì nhà thơ đã không còn. Sáng 20/1/1966, tức 29 tháng chạp Ất Tỵ (30 Tết năm đó), Nguyễn Bính đã vĩnh viễn ra đi sau một cơn thổ huyết bất ngờ tại cầu ao nhà ông Tân Thanh, thường gọi là ông Lang Hứa, người bạn vong niên hết sức hâm mộ thơ ông, ở thôn Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Theo ông Tân Thanh thì Nguyễn Bính đã biết trước về cái chết của mình. Trong những ngày năm cùng tháng tận tá túc tại nhà Tân Thanh, mặc dù mới 48 tuổi, Nguyễn Bính nói với Tân Thanh rằng theo số tử vi, ông sẽ chết trong năm Ất Tỵ. Nhà văn Chu Văn, Trưởng ty văn hóa Nam Hà, nơi Nguyễn Bính là nhân viên hợp đồng, kể rằng khi ra Hà Nội thông báo về cái chết đột ngột của Nguyễn Bính, nhà thơ Trần Lê Văn, vốn là bạn thân của Nguyễn Bính, đã kêu lên kinh ngạc: “Chết trước mồng một, Bính đã lường trước từ bao giờ!”. Trần Lê Văn cho biết trong bài thơ “Nhạc xuân” khai bút năm Canh Thìn, 1940, Nguyễn Bính từng viết: “Năm mới tháng giêng mồng một Tết/Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân/… Giờ đây chín vạn bông trời nở/Riêng có tình ta khép lại thôi”. Vậy là từ 26 năm trước Nguyễn Bính đã tiên đoán rằng một ngày ông sẽ khép lại đời mình trước “Năm mới tháng giêng mồng một tết” .
Chu Văn còn nhớ, chuẩn bị cho kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du (1766-1966), Ty Văn hóa Nam Hà chủ trương tạp chí xuân Bính Ngọ của Ty sẽ ra số đặc biệt về Nguyễn Du. Nguyễn Bính, vốn xem Nguyễn Du là “tổ sư thơ” của mình, trong một đêm viết xong bài tập Kiều cho số tạp chí ấy. Bài tập Kiều tuy đề là tặng Nguyễn Du mà sao như Nguyễn Bính đang tự tổng kết cuộc đời thơ “nhả ngọc phun châu” quá long đong lận đận của mình: “Trăm năm trong cõi người ta/Một thiên tuyệt bút gọi là để sau/Khen tài nhả ngọc phun châu/Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình//… Gẫm âu người ấy, báu này/Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Sau khi khép lại bài tập Kiều, một “riêng có tình ta” đầy tâm sự buồn về thân phận cay đắng của những thi tài, Nguyễn Bính đã dồn hết tâm sức vào “Bài thơ quê hương”, bài thơ cuối cùng của mình, để bài thơ này như một khúc ca vui gửi lại quê hương, đất nước…
2.
Nói về Nguyễn Bính, nhiều người cho rằng nhà thơ được thuộc nhiều nhất của thơ Việt hiện đại hầu như đã kết thúc sự nghiệp thơ vĩ đại của mình từ trước cách mạng tháng Tám sau 7 tập thơ được xuất bản chỉ trong 6 năm 1936-1942 với hàng loạt tuyệt bút như Cô hái mơ, Những bóng người trên sân ga, Mưa xuân, Chân quê, Tương tư, Người hàng xóm, Lòng mẹ, Truyện cổ tích, Giăng sáng vườn chè, Cô lái đò, Hành phương Nam, Giời mưa ở Huế, Oan nghiệt, Xuân tha hương, Lỡ bước sang ngang…Không thể phủ nhận rằng không cần tính đến phần thơ sau 1945, Nguyễn Bính đã xứng đáng được coi là một đỉnh cao của thơ Việt, với việc tạo nên được cả một “cõi thơ” (GS Lê Đình Kỵ), độc đáo mang đậm hồn Việt, thể hiện khả năng kỳ diệu của tiếng Việt. Tuy vậy, chân dung thi tài Nguyễn Bính sẽ phiến diện nếu không có phần thơ tạm gọi là “vệ quốc và cách mạng” của ông. Cần nhớ rằng trong số gần 20 tập thơ đã công bố của Nguyễn Bính cho tới trước ngày ông mất, có tới 9 tập thơ Nguyễn Bính viết sau cách mạng tháng Tám: “Ông lão mài gươm” (Truyện thơ 1947), “Đồng Tháp Mười” (thơ 1955), “Trả ta về” (thơ 1955), “Gửi người vợ miền Nam” (Thơ 1955), “Trong bóng cờ bay” (Truyện thơ 1957), “Nước giếng thơi” (Thơ 1957), “Tiếng trống đêm xuân” (Truyện thơ 1958), “Tình nghĩa đôi ta” (Thơ 1960), “Đêm Sao Sáng” (Thơ 1962). Đó là chưa kể tới hai vở chèo “Cô Son” (1961), “Người lái đò sông Vỵ” (1964). Đây là những tập thơ thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của nhà thơ trước những thử thách sống còn của đất nước. Trong số này, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều tác phẩm chỉ là những bài vè, diễn ca tuyên truyền cổ động nhưng cũng có không ít tác phẩm bộc lộ những nét mới trong thi tài Nguyễn Bính, có sức sống vượt thời gian. Đó là những tác phẩm giúp Nguyễn Bính được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong thời đại Hồ Chí Minh, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
3.
Có thể nói, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đánh giá thật đúng giá trị của mảng thơ của Nguyễn Bính trong kháng chiến chống Pháp. Sau chuyến “hành phương Nam” đầu tiên đến Huế trong hai năm 1941-1942, Nguyễn Bính trở về Hà Nội và đến đầu năm 1943, ông lại làm chuyến “hành phương Nam” thứ hai. Lần này, không những vào tới Sài Gòn, Nguyễn Bính còn lặn lội về tận Rạch Giá, Hà Tiên chơi với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Kiên Giang, tham gia Tổng khởi nghĩa 1945 tại mảnh đất cực Nam đất nước, rồi lấy vợ sinh con và trở thành một nhà thơ toàn tâm toàn ý của Nam Bộ kháng chiến. Trong hàng trăm bài thơ phụng sự kháng chiến của Nguyễn Bính, cần kể đến truyện thơ “Ông lão mài gươm” đầy chất tráng ca kể chuyện một ông già theo kháng chiến bị Tây chọc mù đôi mắt vẫn đêm đêm mài gươm giúp bộ đội ta có vũ khí tốt diệt thù:: “Xóm Đông có một ông già. Đêm đêm ngồi dưới trăng ngà mài gươm”. Cũng không thể không nhắc đến bài thơ dài “Máu chảy trên đường phố” về cuộc biểu tình lịch sử của học sinh sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn ngày 19/1/1950 với những câu thơ ngùn ngụt yêu thương và căm hận:” Giữa Sài Gòn Chợ Lớn, giữa ban ngày/Đem tuổi thơ các em đi phá ngục/Dòng máu xuân xanh/Chói màu bất khuất/Đường phố chuyển mình/Thấm sâu lòng đất/Cả non sông rung chuyển khối căm thù”. Bên cạnh các bài thơ khá hay về tình cảm của quân dân Nam Bộ với Bác Hồ, về người mẹ chiến sĩ Nam Bộ hay bài thơ về tiểu đoàn 307 nổi tiếng đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phồ nhạc thành một ca khúc bất hủ, Nguyễn Bính có hai bài thơ cần được xếp ngang với những “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh, “Đèo Cả” của Hữu Loan, “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, những bài thơ được coi là những đỉnh cao của thơ ca Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Đó là “Đồng Tháp Mười” và “Những người của ngày mai”. Với “Đồng Tháp Mười”, cho tới bây giờ, vẫn là bài thơ hay nhất về vùng đất đặc biệt này của Nam Bộ trong thơ ca Việt Nam, với những câu thơ vừa hào sảng vừa đằm thắm: “Bưng sình hỗn loạn/Kênh rạch ngổn ngang/Muỗi mòng đỉa vắt/Nước đọng bùn lầy/Người dân quyết sống/Quản gì đắng cay/Tuần mưa cữ nắng đổi thay/Vườn đơm trái ngọt, ruộng đầy lúa thơm/Hình thôn dáng xóm thương thương/Hoa ô môi nở bốn phương anh đào”. Còn “Những người của ngày mai” là bài thơ viết về những lãnh tụ kháng chiến trong bưng biền Nam Bộ, những người “Ở chòi hẹp nhưng hồn chìm vũ trụ/Trái tim đau vì thương xót loài người”,, những người “Họ là đất, họ vui lòng làm đất/Để đắp xây nền độc lập lâu dài/Họ là ai? Là người của ngày mai!”. Bài thơ khá hiện đại, xúc tích, cảm hứng sử thi hòa quyện trong cảm hứng đời thường, rất mềm mại mà đầy trí tuệ.
4.
Năm 1955, sau chuyến “hành phương Nam” lần thứ hai kéo dài tới 12 năm, Nguyễn Bính gạt nước mắt chia tay bà mẹ già, người vợ trẻ và đứa con thơ ở xứ dừa Bến Tre để trở về miền Bắc với tư cách một cán bộ miền Nam tập kết. Như các nhà thơ khác, thơ ông từ đây có hai đề tài chính: đấu tranh thống nhất đất nước và ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ở mảng đề tài đấu tranh thống nhất đất nước, Nguyễn Bính có những đóng góp lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm. Ngay trong năm 1955, Nguyễn Bính đã có bài thơ “Gửi người vợ miền Nam” làm xúc động hàng triệu người đọc. Không ít độc giả, nhất là các cán bộ miền Nam tập kết đã thuộc lòng bài thơ song thất lục bát rất dài này. Nguyễn Bính đã đem đến cho thể thơ truyền thống tưởng không còn chỗ đứng trong thơ ca hiện đại một sức sống mới bằng những kỷ niệm chân thật, trong trẻo, nỗi nhớ thương da diết và một khát vọng đoàn viên mãnh liệt. Đây là những hình ảnh khó quên về người vợ, người mẹ miền Nam “Đường công tác thuyền anh ghé bến/Anh ngập ngừng em thẹn quay đi/Mẹ cười mẹ chẳng nói chi/Đã người kháng chiến mẹ thì cho không/…Vách lá mới tươi cờ tổ quốc/Xuồng hành quân mát nước sông xa/Mẹ ngồi thức mấy canh gà/Gói thêm bánh tét gửi ra chiến trường”. Còn đây là giấc mơ thường trực của nhiều người Việt Nam trong những năm tháng chia cắt đau thương ấy: “Anh sẽ đón gia đình ra Bắc/Vợ chồng mình dạo khắp thủ đô/Con ta được gặp Bác Hồ/Mẹ ta được vãn cảnh chùa Ngọc Sơn/Xe lửa ghé nông trường Phú Thọ/Tàu thủy thăm vùng mỏ Quảng Yên/Tám thơm cũng thể nàng tiên/Sen Tây Hồ ngát như sen Tháp Mười”. Trong đề tài đấu tranh thống nhất, Nguyễn Bính có hai bài thơ đáng được xếp vào hàng những tuyệt bút của ông là “Đêm sao sáng” và “Xuân nhớ”. Bài thơ “Đêm sao sáng” thì nhiều người đã biết, còn đây là những câu thơ đứt ruột trong bài “Xuân nhớ”: “Câu thơ đứt giữa lòng trang giấy/Mắt rượu mờ trông mái tóc thề/Đất Bắc phải đâu là đất khách/Sao lòng mãi nặng mối tình quê?/Ngày muộn, mẹ già hong tóc trắng/Khác nào mây núi đỉnh Trường Sơn/Mẹ ơi giữ lấy vườn mai nhé/Cho trải vàng xuân đẹp bước con”.
5.
Ở mảng đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho tới cuối năm 1965, ở khía cạnh ca ngợi trực tiếp, Nguyễn Bính dù viết không ít, nhưng hầu hết chỉ là thơ tuyên truyền cổ động. Ở đây, thơ Nguyễn Bính chỉ hay khi nói về những tỉnh ngộ sau những ấu trĩ về chủ nghĩa xã hội khi nhầm tưởng “Tất cả là ánh sáng/Tất cả là hoa hồng/…Những cái oan Thị Kinh/Những cái dại Xúy Vân/Chỉ còn trên sân khấu” (Thơ gửi Trần Huyền Trân). Có lẽ, Nguyễn Bính là một trong những người đề cập sớm nhất trong thơ những tỉnh ngộ cần thiết này. Điều đáng trân trọng ở nhà thơ từng phải chịu nhiều cay đắng trong tình cảnh “sông ngang núi trái bất thường” , với “những cái dại Xúy Vân” , “những cái oan Thị Kính”, là sau tất cả những điều đó, Nguyễn Bính vẫn giữ được những yêu tin chân thiện “Ta vẫn là nghệ sĩ/Ta vẫn là nhà thơ/Nghệ thuật vẫn chung thủy/Không chết yểu bao giờ”(Thơ gửi Trần Huyền Trân). Nhờ vậy, nhà thơ dễ dàng vượt qua những khổ nạn thân phận, những uất hận riêng tư để thấy “Đất nước qua bao trận mất còn/Vàng son vẫn vẹn giá vàng son” (Trở về quê cũ). Hiểu điều này, chúng ta sẽ hiểu vì sao “Bài thơ quê hương”, bài thơ cuối cùng Nguyễn Bính, một “tụng ca” về quê hương đất nước, lại như là một “giao hưởng của niềm vui”. Mượn cách trò chuyện với bạn bè thế giới, Nguyễn Bính lại có dịp say sưa nói về quê hương đất nước mình nhưng không phải trong buồn tủi mà với niềm vui “Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu”. Có cảm giác như Nguyễn Bính như muốn nói cho thật hết, thật đủ những niềm vui, những tự hào ông chưa kịp nói khi cảm nhận trên quê hương đất nước, những vẻ đẹp cũ đã tìm lại được “chân giá trị”, những vẻ đẹp mới đang hình thành: “Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện/Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây/Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại/Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay”.
Bây giờ đọc lại “Bài thơ quê hương”, chúng ta có thể trách tác giả có vẻ tô hồng, thậm chỉ viển vông khi gặp không ít những câu như “Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật/Truyện thiên đường trong những cõi hư vô/Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất/Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa”. Nhưng trong những năm 60 của thế kỷ trước, đây là ước mơ, hy vọng rất thật của đại đa số người Việt Nam khi một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất hai miền, đây cũng là niềm tin của Nguyễn Bính. Chúng ta đều biết, cho đến ngày từ giã cuộc đời, Nguyễn Bính luôn là một con người tự do, một nhà thơ tự do, tuyệt đối tự do, không ai có thể ép buột ông viết những gì trái với lương tâm, dù đó là cơm áo hay cường quyền. Từ kinh nghiệm của bản thân, Nguyễn Bính thừa biết những gì ông viết về cuộc đời mới trong bài thơ cuối cùng này mới chỉ là “một nửa của sự thật”, mới chỉ là ước mơ hy vọng nhưng cần phải nuôi ước mơ hy vọng đó như một nguồn sức mạnh to lớn giúp đất nước chiến thắng trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do, thống nhất thiêng liêng. Khi Nguyễn Bính kết thúc bài thơ bằng khổ thơ nôm na: “Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo/Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời/Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng/Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi” giữa những trận bom của không quân Mỹ đang bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại điên cuồng trên miền Bắc thì ta hiểu ông muốn nhắn lại những người đang sống niềm tin sắt đá này. Nguyễn Bính đã đúng, chúng ta đã thắng Mỹ, đất nước đã độc lập tự do, hòa bình, thống nhất. Nhưng cũng phải nói, còn rất nhiều tin tưởng, hy vọng khác mà nhà thơ vĩ đại của dân tộc trao gửi trong bài thơ cuối cùng, cho đến nay, sau gần nửa thế kỷ ông vĩnh biệt chúng ta, vẫn chưa thực hiện được.
Những đấy không phải là lỗi của Nguyễn Bính!
Bài thơ quê hương – Nguyễn Bính
Trải nghìn dặm trời mây bạn tới
Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng
Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa
Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương
Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng đàn kêu tích tịch tình tang…
Có cô Tấm náu mình trong quả thị
Có người em may túi đúng ba gang
Quê hương tôi có ca dao tục ngữ
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi
Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng
Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng
Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo
Có Nguyền Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”
Quê hương tôi có Trường Sơn một dải
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng
Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon
Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh
Có cây lim đóng cả một thân tầu
Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn…”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên
Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa
Khi có giặc những tre làng khắp nước
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng…
Quê tôi đó, bạn ơi! là thế đó.
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao! Bỗng một ngày: có Đảng
Có Bác Hồ, làm sống lại quê hương.
Đánh Nhật, đuổi Tây cứu dân, dựng nước
Hai mươi năm kể biết mấy công trình
Và từ đây, núi sông và cuộc sống.
Và quê hương mới thực sự của minh.
Cuộc đời mới con người cũng mới
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ,
“Đoàn quân Việt Nam đi… chung lòng cứu quốc…”
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu
Những xiềng xích nghìn năm đều bẻ gãy.
Những bài ca điệu múa lại vui tươi.
Những trận khóc đêm dài không có nữa
Thành thị nông thôn rộn rã tiếng cười
Trong luỹ tre xanh vui mùa hợp tác
Mái ngói nhô lên như những nụ hoa hồng
Chung ruộng, chung trâu, chung lòng, chung sức
Chung con đường gặt lấy ấm no chung
Trong xưởng máy tưng bừng như đám hội
Những chủ nhân là chính những công nhân
Tiếng máy reo chen tiếng cười tiếng hát
Chẳng còn đâu tiếng chủ thét, cai gầm
Những nhà thơ được tự do ca ngợi
Quê hương. Tổ quốc, con người…
Và đời sống khỏi túng, nghèo, đói, khổ
Khỏi bị ai khinh rẻ, dập vùi
Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật,
Truyện thiên đường trong những cõi hư vô
Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất
Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa
Khi con người được tự do giải phóng
Đất rộng hơn mà trời cũng xanh hơn
Quả trên cành cũng thêm ngon, thêm ngọt
Hoa trong vườn cũng thêm sắc, thêm hương
Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ
Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào.
Và “Truyện Kiều” mới có chân giá trị
Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào
Thửa ruộng cũ cấy thêm mùa lúa mới
Khung trời quê mọc những nóc lò cao
Dây cao thế đã chăng dài khắp nẻo
(Xóm làng tôi điện sẽ át trăng sao)
Những gỗ tốt đã dựng câu lạc bộ
Gạo tám xoan thơm bếp lửa nhân dân
Những cô Tấm tự tay xây hạnh phúc
Chẳng phải gian nan hoá kiếp mấy lần
Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện.
Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây
Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại
Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay.
Hội Diên Hồng thôn xã nào cũng mở,
Chuyện “kháng chiến trường kỳ” ai cũng nhớ nhập tâm
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Câu ấy giờ đây đã đúng cả trăm phần
Đảng cùng dân đã viết thêm lịch sử,
Lửa Điện Biên sáng dậy cả trăm năm
Lửa Ấp Bắc, Chu Lai cũng bừng rực rỡ
Lửa chiến công đang chói lọi miền Nam
Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo
Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời
Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng
Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi
Câu chuyện quê tôi, sơ sài mấy nét
Bạn trở về xin kể mọi người hay
Riêng phần tôi có thơ này tặng bạn
Tặng quê mình, nhân dịp tết năm nay
Tết Bính Ngọ, 1966
N.T.K