Trong toàn bộ thi phẩm của Xuân Diệu, Nguyệt Cầm thuộc số bài thơ hay nhất. Không những hay mà còn… ma quái nhất, hoặc hay một cách ma quái chừng như không hiểu nổi.
Nguyệt cầm*
Tác giả : Xuân Diệu
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh;
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.
Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi…
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…
Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê.
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
*vanhaiphong.com: Nguyệt Cầm là bài thơ thứ 2 sau bài “Lời thơ vào tập gửi hương” (toàn tập có 51 bài) trong tập “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu. tập thơ xuất bản năm 1945. Thi phẩm chưa xác định rõ thời gian sáng tác nhưng chắc chắn nằm trong khoảng 1940-1941, vì năm 1939 ông có in tập “Thơ Thơ” không có bài này và cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân chọn “Nguyệt Cầm” in trong tập sách của mình (1942) tác giả Xuân Diệu, trong cuốn này là người được đưa nhiều bài thơ lên nhất với 15 bài.
Lời bình của TS. Phan Huy Dũng (Trích)
“Trong toàn bộ thi phẩm của Xuân Diệu, Nguyệt Cầm thuộc số bài thơ hay nhất. Không những hay mà còn… ma quái nhất, hoặc hay một cách ma quái chừng như không hiểu nổi.
Với Nguyệt Cầm, một không gian lạnh, một tiếng đàn, một bản nhạc lạnh đã gây ấn tượng buốt lạnh cho nhân vật trữ tình và độc giả, nhờ một cách diễn tả lạnh. Không giống bao lần khác, nhân vật trữ tình như quên nói mà chỉ nghe. Đôi khi người đọc tưởng nghe tiếng anh ta, nhưng không phải. Đó chẳng qua là tiếng rên bất ngờ, không chủ định, không kìm giữ được của những cảm giác quá chừng bén nhạy.”
…”Giữa nhiều bài thơ rất có giá trị của Xuân Diệu trước 1945, Nguyệt cầm là một sáng tạo đột xuất, độc đáo.ảnh hưởng thuyết tương ứng của Baudelảie đã thấm vào bề sâu chứ không còn dừng lại ở việc hấp thụ một số thủ pháp bề nổi như ghép loại cảm giác này với loại cảm giác khác. Nhà thơ đã ghi lại một cách hết sức chân thực cảm giác của mình trong giây phút xuất thần giao cảm với tiếng đàn, với vũ trụ bằng một hình thức diễn tả đặc biệt phù hợp. Do vậy nội dung bài thơ là một cảm giác chứ không phải là sự bình luận, nhận xét về nó…”
———–
Nguyễn Đình Minh tuyển chọn và giới thiệu.