Nhớ nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, đến nhà số 41… – Phạm Thùy Linh

Sinh năm 1919 tại Quảng Ngãi, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm  qua đời sáng 14-2-2013 (tức ngày 5 tháng Giêng năm Quý Tỵ) hưởng thọ 94 tuổi tại nhà riêng số 41 đường vòng Vạn Mỹ (Hải Phòng).Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã xuất bản 19 tập sách, đủ thể loại văn học, trong đó có 11 tập thơ.

 

Một sáng đầu tháng 9, nắng vàng như mật trải xuống mặt ngõ chiếu những tia sáng len qua tán lá bản lớn của cây hoa đại trước cổng nhà số 41 đường vòng Vạn Mỹ. Làn khói nhang thơm quanh quẩn trên mái, ra vào bộ bàn ghế gỗ cũ, lặn vào sau bức tượng đồng chân dung cố nhà thơ. Tưởng như bóng dáng nhà thơ đang trở về để gặp lại những người bạn thơ của mình. Bạn đời của ông đang trao đổi câu chuyện. Sau câu chuyện ấy, ngôi nhà này trở thành một địa chỉ lưu niệm của công chúng yêu văn và bạn văn đất Cảng.

Nơi lưu dấu ấn của nhà thơ đất Cảng

Dù ông không phải là người sinh ra ở Hải Phòng, song cho phép tôi được gọi ông như vậy. Bởi cố nhà thơ Nguyễn Viết Lãm có hơn 50 năm sinh sống, làm việc và sáng tác tại Hải Phòng. Gần như suốt sự nghiệp cầm bút của mình, ông là người Hải Phòng. Máu không sinh ra nhưng chảy trong bầu huyết quản ấm nồng và mặn mòi hơi biển cả của thành phố Cảng.

Ngôi nhà số 41 là nhà riêng của cố nhà thơ với người bạn đời thân thiết Phan Thị Đoan Trang. Người vì yêu thơ mà cảm mến con người, theo nhà thơ từ Nha Trang ra Hải Phòng để gắn kết với ông suốt phần đời còn lại. Ngôi nhà nhỏ nhắn này cũng chính là tổ ấm của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm và bà. Bạn văn thơ của ông, công chúng yêu thơ, người dân chòm xóm đều nhớ ngôi nhà có bức tường bao thấp với cây đại lâu năm tuổi ngay gần cổng ra vào. Khoảnh sân nhỏ với nhiều chậu cây cảnh đơn sơ, mộc mạc. Cửa ra vào với hai lần cửa gỗ và cửa xếp. Phòng khách với những tủ sách, ban thờ gia tiên, bộ bàn ghế gỗ và những khung ảnh gia đình. Mỗi lần đến thăm ông, chúng tôi vẫn cùng ông trò chuyện nơi bộ bàn ghế gỗ cũ ấy.

Từng dấu ấn của cố nhà thơ vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi đồ vật, khoảnh diện tích nhỏ của ngôi nhà quen thuộc này. Đặc biệt hơn, ngôi nhà còn là nơi lưu giữ những bộ sách, tài liệu viết tay của nhà thơ. Những tập sách, ảnh mà bạn bè tặng ông. Rồi những vật lưu niệm ông được tặng từ Bắc tới Nam, từ những người bạn văn gần gũi tới những người vì yêu mến ông mà tặng. Đâu đâu trong ngôi nhà này cũng gắn với hình ảnh của ông. Và bức tượng đồng bán thân chân dung của nhà thơ được đặt kế bên ban thờ ông bây giờ nhìn ra cửa như chính ông đang hiện diện để chào đón bạn bè đến với ngôi nhà của mình.

Nhớ cố nhà thơ, tìm về số nhà 41…

Đến giờ, khi viết lại những dòng này, tôi vẫn nhớ đôi tay run run của bà Trang khi lấy chùm chìa khóa nhà trên ban thờ chồng trân trọng trao lại vào tay Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng Tô Hoàng Vũ. Giọng bà nghèn nghẹn: “Tôi đã thắp hương xin với chồng tôi, và đây cũng là nguyện vọng của ông trước khi mất. Từ nay, chúng tôi trao lại ngôi nhà này để Hội LHVHNT Hải Phòng giữ giúp. Đây cũng sẽ là nhà lưu niệm của cố nhà thơ Nguyễn Viết Lãm để bạn bè ông, công chúng yêu thơ ông nhớ ông mà tìm về.”

Bà Trang cho biết, sau khi gắn biển Nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Viết Lãm và trao lại cho Hội LHVHNT Hải Phòng, bà sẽ về quê an hưởng tuổi già. Ngôi nhà với những dấu ấn của cố nhà thơ sẽ trở thành điểm đến trong những địa chỉ về nguồn của người yêu văn đất Cảng.

Sinh ra tại Quảng Ngãi, quê gốc ở  Thừa Thiên Huế song nhà thơ có hơn nửa đời người, hơn nửa thế kỷ buồn, vui, chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của thành phố. Quãng thời gian ấy càng gắn chặt hơn mối duyên của ông với Hải Phòng. Và giờ đây, khi đã trở về với đất mẹ, nhà thơ lại gắn với đất Cảng hơn qua mộ phần ở chùa Đồng Thiện và Nhà lưu niệm mang tên ông tại ngôi nhà ông sinh sống và sáng tác lúc sinh thời.

Ông đã trở thành người con đích thực của Hải Phòng. Bởi tự trong ông luôn coi Hải Phòng là quê hương của mình. Máu thịt Hải Phòng chảy trong từng huyết quản của nhà thơ miền Trung đầy mối duyên với thành phố cảng như những câu thơ trong “Xuân quê hương” ông sáng tác năm 1994: “…Mùa Xuân trên sông Cấm/ Chảy tràn năm cửa ô/ Nắng xua tan sương mờ/ Tình đời trẻ trung dạt dào trong mạch sống/ Đường 14 Đồ Sơn gió lộng/ Đến rừng xưa vỗ sóng Bạch Đằng Giang…”.

Nhớ cố nhà thơ, ai cũng có thể tìm về ngôi nhà số 41 để thắp nén nhang trên ban thờ ông, để lại thấy dường như có bóng hình ông đâu đây trong phòng khách ấm cúng chất đầy sách và bản thảo./.

P.T.L

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder