
Tôi về quê, bước thong dong trong màu nắng mới, hòa vào thiên nhiên kiếm tìm những khác biệt đầu mùa hạ. Điều tôi nhận thấy đầu tiên là những ngôi nhà ngói ba gian ở làng đã dần không còn nữa. Bởi tôi luôn ấn tượng về những ngôi nhà ngói ba gian quay về hướng Đông Nam ở mỗi làng quê. Không đơn thuần bởi ấu thơ tôi ở đó mà bởi vì tôi có cảm giác nó như một phần hồn cốt của người xưa, của nét kiến trúc có từ lâu đời của người Việt. Khi bước chân xuống con đò xa quê, ngước mắt qua không gian rộng lớn cánh đồng, thấp thoáng những màu ngói nâu, ngói đỏ, thấp thoáng vệt khói lam chiều lơ lửng bên những hàng cau, hàng dừa là khi tôi biết mình đã tạm xa một mái ấm thân thương quê nghèo, một chòm xóm ở lại phía sau lưng.
Quê tôi ngày đó, để xây được ngôi nhà ngói ba gian có khi mất đến mấy năm miệt mài đóng gạch, đốt lò. Đất được lấy từ vườn, từ ao, và cả từ cánh đồng ruộng trũng. Khi xưa người ta phải vất vả đào những kênh mương thủy lợi nội đồng để khơi thông dòng chảy. Vào mùa khô, nước cạn, ruộng nào cao thì trơ đáy, phải đi vét từng gàu nước. Lúa đương thì con gái, lũ chuột vào phá hoại tan hoang. Vì thế người ta lấy dần đất ở những ruộng cao vừa là để trồng trọt canh tác dễ hơn, vừa là có nguyên vật liệu xây nhà. Đất được đào cho xuống thuyền chuyển về làng. Sau đó là quy trình nhào cho đất thật nhuyễn có độ dẻo, nèn chặt, kết dính thì cho đất vào khuôn gạch, khuôn ngói đóng bằng tay. Rồi phơi khô chờ khi nào đủ một vài vạn gạch thì đốt lò. Nhà nào đốt được lò gạch lớn là hoành tráng lắm. Và đó cũng là thành phẩm để xây lên những ngôi nhà ba gian. Vất vả là vậy cho nên người dân luôn có câu cửa miệng: cả đời mới xây được một cái nhà. Mà đúng là như vậy thật. Để có được một mái ấm chở che mưa nắng đúng nghĩa, quả là lấy đi không ít mồ hôi công sức, vất vả, nhọc nhằn. Đó cũng là một bước tiến mới sau thời kì nhà tranh vách đất.
Nhà ba gian mát lắm. Mùa hè, khi những cánh diều lơ lửng giữa thinh không, chao nghiêng đuổi theo từng lọn gió tôi cảm nhận thật rõ cái mát lành ấy. Gió từ đồng, từ biển, từ bờ bãi về đây mải miết, rong ruổi, ôm ấp những hàng cây rồi phả vào lòng người những lọn tinh khôi, dìu dịu, lắng đọng lẫn đầy hương cau, hương lúa. Tôi nhớ những bữa cơm tối cả nhà trải chiếu ra hiên vừa ăn vừa vui vẻ trò chuyện bên những ánh sáng dìu dịu, ngọt ngào từ trăng sao, xa xa phía khoảng sân lập lòe đom đóm. Dường như chỉ ánh trăng là đủ, trăng rằm soi tỏ mọi thứ. Ăn miếng cơm ngon ngọt đầy dư vị mùa màng. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” là vậy.
Nhà ba gian thoáng lắm. Không có phòng ốc nào hết, tất cả liên thông tạo thành một không gian vừa rộng, vừa ấm cúng cho cả gia đình sinh hoạt. Khoảng giữa thường kê tấm phản vuông, hai gian hai chiếc giường, còn gian thò để đựng thóc, gạo. Nhà nào sang hơn có thêm sập gụ tủ chè ở gian chính giữa. Có lẽ cũng vì hướng nhà mà mùa hè thì mát mẻ, dễ chịu, mùa đông lại ấm áp. Tối tối mấy bác hàng xóm láng giềng sang chơi với bố tôi, ngồi khoanh chân, rung đùi trên tấm phản uống nước chè, bắn vài điếu thuốc lào, nói với nhau dăm ba câu chuyện làng quê mà thấy gần gũi, thân thương bao tình làng nghĩa xóm. Mấy chị em tôi chụm đầu trên chiếc bàn gỗ nhỏ ngồi học bài. Đọc thơ, làm toán, nói chuyện phiếm, không khí học sôi nổi hẳn. Nhà thoáng, dường như con cún, con mèo cũng cảm nhận được cái bình yên, cái hào sảng của lòng người mà ngoe nguẩy, vẫy đuôi, đôi khi cố tình cọ lớp lông mềm vào chân, vào đùi, thậm chí nhảy cả vào lòng tôi ngồi.
Bây giờ, những ngôi nhà ngói ba gian hầu hết đã được thay bằng nhà ống, biệt thự thật rộng, thật sang với nhiều phòng ốc. Người ta quan tâm đến phong thủy, đến hướng nhà mà khắp các ngả đường nhà to, nhà bé quay mặt, quay lưng vào nhau. Dường như hướng Đông Nam không còn là hướng chính nữa. Không thể phủ nhận những văn minh của cuộc sống hiện đại nhưng tôi luôn tiếc những giá trị truyền thống đang dần mai một mất đi. Tôi cảm giác rằng nhà rộng quá, chia tách từng phòng như có sự ngăn cách, khiến cho tình cảm gia đình, quan hệ cộng đồng làng xóm lỏng lẻo hơn. Những giá trị vật chất cũng từ đó sẽ lấn át giá trị tinh thần. Riêng tôi, tôi luôn có quan niệm rằng sự hòa hợp giữa con người với con người, với động vật, với thiên nhiên mới là phong thủy. Bởi mọi nhẽ, nếu vì những giá trị vật chất, tâm không an thì phong thủy cũng vô ích. Và hôm nay nhìn lại, ở một góc độ nào đó, một lần nữa thấp thỏm, lưu luyến biết bao cuộc sống ngày xưa, nơi những ngôi nhà ba gian cùng quay về hướng Đông Nam đón gió ngày nào.