Nhà thơ Phạm Thúy Nga với tập thơ “Cầm mưa”

không ít những câu chuyện chị kể đã không rời bỏ ta…

 

 

Vanhaiphong.com: Phạm Thúy Nga đến với thơ không chỉ vì tình yêu đối với thơ ca mà còn vì chính nhu cầu giãi bầy tâm sự… Nhân dịp Phạm Thúy Nga ra mắt tập thơ “Cầm mưa” – NXB Hội Nhà văn 2013, Vanhaiphong xin trân trọng giới thiệu lời tựa cho tập thơ của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cùng một số bài thơ rút ra từ tập thơ “Cầm mưa” của Phạm Thúy Nga.

 

Người đàn bà kể chuyện – Nguyễn Quang Thiều

Với cách nhìn của mình, tôi nhận thấy: Có một người đàn bà ngồi xuống, vấn tóc chậm rãi và bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện. Ngôn từ của chị giản dị, thành thật, chính xác, cảm xúc kìm nén nhưng da diết. Người đàn bà ấy có tên Phạm Thúy Nga (Thy Nguyên).

Mỗi câu chuyện chị kể cho chúng ta trong đó có tôi chính là mỗi bài thơ của chị khi tôi đọc xong. Mỗi nhà thơ đều có cách công bố bài thơ của mình theo một lối riêng. Hay nói cách khác là sự xuất hiện con người họ trong bài thơ của mình. Người xuất hiện như một vũ nữ, người xuất hiện như một người mẫu, người xuất hiện như một nhân vật của giới showbiz… Còn Phạm Thúy Nga (Thy Nguyên) xuất hiện như một người đàn bà bình dị trong một ngôi nhà. Người đàn bà đó ngồi xuống hơi thu mình và bắt đầu kể câu chuyện của chị.

Thơ ca hiện đại luôn chứa đựng một câu chuyện chứ không phải chỉ trình bày một trạng thái cảm xúc. Chính vì thế, nó dần dần loại bớt tính từ trên con đường của nó. Chính điều này là một thách thức đối với nhà thơ. Nhà thơ không còn dựa vào sự du dương và tính thuận tai bởi các tính từ. Nhưng nếu đi qua được thách thức ấy, nhà thơ sẽ tạo ra độ sâu và tính hiện đại của bài thơ.

Phạm Thúy Nga (Thy Nguyên) khởi sự những bài thơ của mình không phải là đặt một ý chí để đối mặt với thách thức đó mà là bởi nhu cầu cần được lên tiếng, cần được chia sẻ và lý giải các trải nghiệm trong cuộc sống tình yêu, gia đình và xã hội của chị. Bài thơ Bốn người đi lạc là một điển hình của cách kể chuyện đó. Một bài thơ với lối kể chuyện khúc triết nhưng nhiều hình ảnh thi ca mới mẻ và chứa đựng trong nó một cảm xúc da diết vô cùng. Sự kìm nén cảm xúc trong bài thơ này đến độ tôi cảm giác rằng chỉ chạm nhẹ vào là nó sẽ bùng nổ thành một tiếng kêu xé lòng.

Giọng và lối kể chuyện ấy là của chị. Chị chỉ có thể làm cho người nghe không rời bỏ câu chuyện của mình là khi chị không rời bỏ lối ấy và giọng ấy của chị. Có một vài bài thơ trong tập thơ này đã chứng minh điều đó. Những bài thơ ấy đã có những hình ảnh, những câu rơi vào sự diêm dúa, cầu kỳ mà nó không phù hợp với chị. Ngay tức khắc, nó làm cho người nghe bắt đầu mất sự tập trung, nhìn đi nơi khác và lắng nghe những điều khác.

Nếu coi mỗi bài thơ chị viết như việc chị ngồi xuống kể một câu chuyện thì mỗi khi kết thúc câu chuyện chị đứng dậy và lặng lẽ ra đi để lại cho người đọc một trải nghiệm, một bài học, một suy ngẫm. Nó để lại cho người đọc một không gian. Và trong không gian  tĩnh lặng nhưng nhiều xao động bên trong ấy, người ta bắt đầu nghĩ đến ý nghĩa của đời sống. Chính vậy mà không ít những câu chuyện chị kể đã không rời bỏ ta hoặc ta không rời bỏ chúng.

N.Q.T

 

 

BUỔI CHIỀU RƠI

Ngồi trước em
Anh toan tính điều gì
Ly cafe biết
Gió biết
Đất biết
Và anh biết.

Chẳng phải đàn bà trên thế gian này cạn
Chẳng phải ngôi nhà anh thiếu nụ cười
Chẳng phải bếp hồng bên anh lạnh
Mà chỉ bởi buổi chiều đánh rơi…

Buổi chiều đánh rơi khuôn mặt em
Duyên phận đã khóa đi trên cát
Buổi chiều đánh rơi bài thơ đêm qua anh ngập ngừng trốn viết
Ngập ngừng gửi trên phiên bản yahoo.

Anh đừng tập nói những lời có cánh
Đừng nhặt lên những thứ em vô tình đánh rơi
Để người đàn ông trong anh biết lối quay về
Để người đàn bà trong em không thấy mình có lỗi…

 


BỐN NGƯỜI ĐI LẠC

Ông trời
để lạc bốn người đàn ông trong nhà tôi
người thứ nhất
cha tôi
sinh hạ ba chị em
gói ghém chào tuổi thơ khi tôi hai tuổi.

Người thứ hai
một ngày
mang chị tôi về bên kia đồng cải
thắt chiếc dây gập gụi
chia mùa trong bến nẻo đời.

Người thứ ba
trong trí nhớ của tôi
hình tròn vo mộng mị
dỗi hờn với nắng
ảo giác với mưa
sấp ngửa cầu luỹ thừa.

Người thứ tư
mang mùa xuân của mẹ
chạy dọc cánh đồng
vết chiều thành chim sẻ
nhặt hạt vãi chiêm
chất tội tháng giêng.

Ông trời đưa lạc mái nhà tôi
mẹ thành cha tôi
chị thành cha con chị
tôi thành cha của hai đứa trẻ…

Thế giới người đàn bà trong vì lân tinh nhỏ
ngẫm đợi chiều
lạc cả mùa yêu.



BÔNG TẦM GAI

Quý tăng Nhà thơ Tuấn Anh nhân đọc GMKNCT

Em 
giấc mơ không nơi cư trú đời anh
gọi chiều xuống tắm
hoàng hôn đời người vắt vẻo
hạnh phúc dậm chân 
ngay ngưỡng cửa cuối năm.

Em vắt cạn tháng
người dốc cạn năm
em hốt trọn thăm thẳm mở chốt giấc mơ còn nhảy nhót
người mơ hồ chùng chình 
ngân ngấn 
bấm nút hoa thị bằng đốt tay
tốc tốc cài lên mái hiên cuối dốc.

Em ken nắng
người đổ mưa
làm lại giấc mơ định sẵn
heo may giả vờ tĩnh lặng 
để buổi chiều thất thiệt
phẳng phiu trực diện cho đi.

Anh không nói 
anh không học cách hi sinh 
không học cách để tìm lối 
cho con tim ngự trị
thoai thoải nghi ngại cạn mức
em tân trang sao được
em đánh bóng sao được
cây hoa giấy đời anh
giấc mơ không nơi cư trú đời anh.

Em một góc mân mê
tự nhiên, mặc nhiên mãn nguyện
lối xưa
bông tầm gai gọi về…

 

MƯA THÁNG SÁU

Không em trong ngôi nhà tháng sáu
Mưa ru anh giấu giấc ngủ lành
Chủ nhật vợi trong hoàng hôn cũ
Mưa đợi người hay em đợi anh?

Tiếng mưa thủy tinh
Như lời hờn ghen của gió
Ai bảo mấy mùa bong bóng vỡ
Rớt phút thở dài thăm thẳm ngoài hiên…

Có một tháng sáu mưa gọi tên
Neo em về bên kia nỗi nhớ
Chiều “ngỡ nụ mầm tách ra từ vỏ” *
Và gió…
Và mưa..
Đón em về…

_________
(*) Ý thơ của nhà thơ Phạm Thanh Khương

CẦM MƯA

Cầm cho được những niềm vui
Cầm cho cạn cả nỗi buồn đã vướng
Đêm cô đặc
Đêm như thoát xác cỏ cây.

Giờ. Em cầm mưa tự mình tan chảy
Cái ngoảnh mặt phủ dầy 
Lẫn vào đêm mộng mị 
mỏng như cánh chuồn bay thấp.

Ai biết đêm nói với ngày những gì
Ai biết gió lẻn trăng cười với giấc mơ không thật
Cánh cổng bé li ti xạt xào phía ngực
Ước một lần đến chợ tình Khâu Vai.

Em. Lâu rồi không vẽ người trong mưa
Trong giăng giăng của của bốn bề mắt ướt
Gió liu riu ru nỗi niềm bay ngược
Thèm giọt rượu tận đáy cốc trái mùa.

LÒNG TIN VÀ SỔ TIẾT KIỆM

Cho ưu tư chạm vào đa ngữ
Những hối thúc quỳ dưới chân tiền kiếp cẩu thả nửa đời
Một ngày mãn hạn trở về
Lòng tin làm sao tiết kiệm được nữa.

Có những ký sự cầm trong mưa
Được trần trụi giải oan sau một hồi cãi vã
Có những hoà hợp của ngày hôm qua sau cơn giông hối hả
Ta mới hiểu thế nào là được sống.

Nghĩ về giấc mơ vụn
Nghĩ về hố sa mạc đời người 
Nghĩ về sự không ngần ngại để dám chết
Nghĩ về nụ hôn còn bội thực đón đưa.

Ta như người đã gục ngã
Ta như người đang run rẩy vết thù hận chưa khô
Ta như người vừa bước về từ hố tử thần dập nát
Lại bắt đầu tập đi lại bắt đầu tập tin trong sổ tiết kiệm cuối đời.

Phạm Thúy Nga

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder